Tìm kiếm Blog này

Chủ Nhật, 23 tháng 2, 2020

ĐỂ TÌNH YÊU ĐƯỢC SỐNG LẠI


Nghĩ đến sự chết, tôi sợ lắm. Tôi sợ chết bởi đã quen sống, bởi không biết gì về thế giới bên kia, không kinh nghiệm gì về sự chết. Nếu tình yêu đòi tôi phải chết dài dài, chết hằng ngày vì người tôi yêu, vì hoà mình vào nỗi đau và cuộc đời bất trắc của những người tôi yêu; vì chấp nhận lên xuống thăng trầm dâu bể với số phận của những người yêu tôi, vì lấy phận mình, nghiệp mình, duyên mình để vun trồng cây tình yêu và vui lòng bị cuốn xoáy đến tận cùng luận lý của tình yêu thì qủa thực không những sự chết làm tôi sợ mà ngay cả sự sống, cuộc sống cũng làm tôi sợ.
Trước những sòng phẳng nghiệt ngã của tình yêu, tôi thấy tình yêu mắc mỏ, kiêu sa và “chảnh ”qúa. Nó đòi tôi phải hy sinh không ngừng, phải phấn đấu không ngơi nghỉ, phải chịu đựng suốt đời. Và hầu như phải kiên nhẫn chờ đến cây số sau cùng của đời người, tôi mới hiểu tình yêu là gì và giá trị mầu nhiệm của nó. Như thế, tôi sẽ dong duổi suốt đời trên hành trình mầu nhiệm nếu tôi chọn yêu thương; nhưng liệu tôi có trung thành đến cùng khi ở vào những bước ngoặt éo le, những khúc quanh nguy hiểm, những vực thẳm sương mù, những sa mạc bão táp?
Cái khổ của tôi hôm nay là sợ chết, nhưng lại không chịu dừng chân. Tuy sợ phải chết dài dài, chết liên lỷ; nhưng tôi lại ham đi đến cùng luận lý của tình yêu chân thực. Giằng co nơi con người bất toàn, có giới hạn tạo nên trong tôi niềm lo, nỗi sợ rất mênh mang, nhưng hữu lý. Tôi đã thấy nhiều người đã đi đến tận cùng luận lý của tình yêu. Họ đã yêu và đã chết cho tình yêu để hậu thế trong đó có tôi không ngớt ca tụng, ngưỡng mộ họ. Nhưng lòng cảm phục ấy không mạnh đủ để tôi an tâm dấn thân theo họ. Tôi vẫn mông lung, mơ hồ cảm thấy còn thiếu một đảm bảo.
Điều ấy rất đúng vì tôi còn băn khoăn cho ngày mai sau khi đã nhiều lần chết vì tình yêu, tôi còn phân vân về kết qủa công trình “hy sinh vì yêu” của tôi. Ai sẽ đảm bảo đời tôi sẽ hạnh phúc, sau chuỗi ngày tân khổ, ai sẽ cho tôi niềm hy vọng “sau cơn mưa, trời lại sang”? Tôi có nhiều vấn đề mới, lo âu mới trong tôi bao lâu tôi chưa mua được “bảo hiểm sau những lần chết”.
Đức Kitô cũng có những giây phút như tôi, như anh chị trước khổ đau và những lần chết câm lặng vì tình yêu. Ngài cảm thấy lo sợ khủng khiếp, cơn lo sợ trước viễn cảnh mù mịt, trước tương lai đen tối trong giờ phút tột cùng đơn côi. Những lời than âm ỉ nghẹn ngào: “Tâm hồn Thầy xao xuyến lo sợ quá… Lạy cha, cha có thể cất chén đắng này cho con? Cha có thể lấy đi khỏi con những giờ phút kinh hoàng sợ hãi này?” (Ga 12,27).
Tâm sự rất “người” ấy Đức Kitô đã sống, đã gồng mình gánh chịu. Ở vào những khúc ngoặt trên hành trình yêu thương, Ngài cũng hoảng hốt run rẩy đổ mồ hôi máu như ta, Ngài cũng rùng mình muốn lẩn tránh, muốn buông xuôi, muốn dừng chân bỏ cuộc. Như con người, Đức Kitô đã chịu khổ và nỗi khỗ lớn nhất của con người là khổ vì yêu. Khi nghĩ đến những lần chết vì hy sinh cho tình yêu, cho người mình yêu, Đức Kitô đã liên tưởng đên hình ảnh chôn vùi của hạt luá nằm trong đất, chết trong đất. Hình ảnh thật buồn, thật nản lòng, thật tang thương. Còn gì tủi hơn là bị chôn đi. Còn gì nhục hơn là bị vùi xuống. Còn gì đau hơn là bị nhận chìm. Hạt luá đã chết trong tủi buồn đau thương. Hình ảnh buồn đến từ tâm sự buồn, Đức Kitô dẫn đến một hình ảnh đẹp tràn đầy hy vọng: “Hạt lúa phải chết đi mới đem lại muà màng sung túc” (Ga 12,24).
Như thế, niềm hy vọng thực và thành qủa thực chỉ đến từ những lần chết, những cái chết. Hạt luá không thể trổ sinh những nhánh luá vàng, óng ả; nếu nó không chấp nhận chịu chôn vùi trong đất, thối ra và chết đi. Sự sống đã đến từ sự chết. Sự sống đã được phôi thai, tạo hình trong chính cái chết. Sự sống đã nẩy mầm và khai sinh do sự chết. Ai đã cho hạt luá đã chết ấy khả năng sinh ra nhiều hạt luá, nhiều nhánh luá? Ai đã gởi gắm trong sự chết của những hạt luá bé nhỏ tiềm năng của một cánh đồng luá vàng bát ngát?
Hung bạo của sự chết đã trở thành sức mạnh của sự sống và Đức Kitô đã dùng chính hình ảnh này như một đảm bảo niềm hy vọng hạnh phúc cho những người đi theo Ngài trên đuờng yêu thương. Đây chính là “bảo hiểm an toàn” cho đời yêu thương của mỗi người. Niềm hy vọng của hạt luá biết mình sẽ đem lại muà màng ngay khi bị chôn vùi, tiêu tan. Không niềm hy vọng và bảo đảm này, cố gắng yêu thương, công trình hy sinh của hạt luá sẽ vô ích, lố bịch. Cũng trong niềm hy vọng đó, Đức Kitô ngay trong những giờ phút bấn lọan tinh thần, ê chề thân xác nhất đã can đảm chấp nhận sống cái chết kinh dị, hãi hùng: “Nhưng Lạy Cha, chính vì giờ này mà con đã đến” (Ga 12,27).
Ngài biết con đường Ngài phài đi, đau lhổ phài gánh chịu cho tình yêu được trọn vẹn, cho đường tình không đứt quãng, cho ân tình không dở dang. Niềm hy vọng sống lại luôn có mặt trên đuờng tình Ngài đi, luôn nâng đỡ thập giá nặng nề trên vai Ngài, luôn khai mở một ngày mai có bình minh nắng ấm: “Thầy sẽ lên đưòng đi Giêrusalem, ở đó người ta sẽ lên án, đánh đập, khạc nhổ, khinh mạn và đóng đinh Thầy, nhưng ba ngày sau Thầy sẽ sống lại” (Mc 10,33-34).
Hy cọng sống lại trở thành bảo hiểm an toàn cho những lần chết. Hy vọng ấy sẽ không thành ảo vọng vì có “Đức Kitô là Đường, Sự Thật, Sự Sống” bảo đảm: “Nếu ta cùng chết với Ngài, ta sẽ cùng Ngài phục sinh. Nếu ta chịu khổ với Ngài, ta sẽ cùng Ngài thống trị” (Tm 2,11-12).
Lạy Đức Kitô, Đấng là Tình yêu, là con đường tình bất tận! Xin cho con nhiệt tâm theo Chúa, dù đưòng tình nhiều oan nghiệt, đắng đót, chông gai. Chiúa đã không là “đường Tiền, đường Quyền, đường Thế Lực” hay đưòng nào khác, Chúa chỉ là đường Tình Yêu và trên tuyến đường tình duy nhất này, Chúa đến với nhân loại, với con.
Ờ mỗi ngã tư đường tình con đi, con đều thấy thập giá, những cây gỗ cong queo, xấu xí. Có phải những cây gỗ ấy sẽ trổ bông, xanh lá ngày sống lại? Có phải những chùm lá của thân gỗ khô thô kệch, sần sùi bị nguyền ruả ấy sẽ rợp bóng cho nhiều cuộc đời lầm lỡ? Ở mỗi ngã tư đường, con vẫn thấy tay Chúa vẫy đều nhắn nhủ con: “Hãy cố bước từng bước trong yêu thương”.

CHẾT CHO NGƯỜI YÊU


Cao điểm của tình yêu là chết cho người mình yêu. Chân lý này ai cũng biết và đều nhận là một giá trị. Nhưng hiểu cái chết như thế nào và thế nào mới là chết thì chưa hẳn mọi người hiểu như nhau.
Có người coi đó là cái chết bình thương, như những cái chết thường ngày: thân xác không còn sự sống, để lâu sẽ thối rữa, phải đem chôn hoặc hoả táng. Bên cạnh là cái chết của những người yêu nhau hy sinh thay mạng, hiến mạng, đền mạng, thí mạng, đổi mạng, liều mạng cho nhau, vì nhau: những cái chết của Đúc Kitô trên Thánh Giá, của Maximilien Kolbe trong trại tập trung Đức Quốc Xã, của người vợ trong tác phẩm “Anh phải sống” của Khái Hưng khi tự buông tay để giòng nước lũ cuốn trôi cho chồng được sống. Những cái chết ấy rất đẹp, rất tình, rất cao thượng làm cho tình yêu trở nên tuyệt đối, làm cho những người yêu nhau trở nên bất tử. Những cái chết ấy thực sự là những biểu chứng hùng hồn của một tình yêu mãnh liệt, vĩ đại và mạnh hơn sự chết (Dc 8,6).
Có người sợ chết, không dám nghĩ đến một thứ tình có thể chết cho người mình yêu. Họ vui lòng đứng xa kính cẩn, nghiêng mình, ngả mũ chào những anh hùng của tình yêu, nhưng không muốn dấn thân như những anh hùng này. Với họ, tình yêu phải dừng chân trước ngưỡng cửa của sự chết, vì chết là hết, hết rồi lấy đâu mà yêu.
Tôi không nghĩ như họ và không giản đơn cái chết cho tình yêu chỉ là những cái chết vật lý, xác thể. Nếu tình yêu thiêng liêng, vô hình, bất diệt thì cái chết trong tình yêu không thể đơn thuần bị đóng vào mành khung thể lý. Khi yêu ai, xác thân tôi có thể không chếtt, vẫn còn đó, vẫn sinh hoạt đó; nhưng tâm hồn tôi chết, danh dự tôi chết, tương lai tôi chết, sự nghiệp tôi chết và nhiều cái khác thuộc về tôi, “là tôi.” chết. Tôi chết cho người tôi yêu những cái chết câm lặng, đớn đau, triển hạn, quay quắt, tang thưong, cay đắng trăm lần hơn một lần chết thân xác để rồi được yên thân, được quên hết, được an nghỉ. Tôi không chết trên thân xác tôi vì một tình yêu nhưng thâm sâu, tận cùng, thăm thẳm trong tôi ngự trị cả một thế giới chết vì yêu.
Nhiều người tự tử vì tình. Họ không kham nổi cái chết từng ngày, cái chết gặm nhấm cuộc đời; họ không đủ gan lì đối diện từng phút sống trước cái chết ngạo mạn dưới nhiều bộ dạng, nên đành tìm cho mình một cái chết thể lý, chết cho xong một đời, cho yên trăm bề, cho đẹp trăm mối. Cái chết lúc này là một giải thoát vĩnh viễn, một cởi trói trọn vẹn, một ngơi nghỉ ngàn thu. Không ai sẽ quấy rầy, không ai sẽ gọi cửa, không ai sẽ đợi chờ để không còn phải thổn thức khổ đau, không còn tức tưởi tuyệt vọng. Đời người đã được chính người kết thúc tại đây qua cái chết chọn lựa đã để lại nhiều khoảng trống khó hiểu …
Chết trong tình yêu phải được hiểu rộng, cao và xa hơn những cái chết thể lý. Bởi tình yêu thiêng liêng, vô hình, vô sắc nên những cái chết dành cho nó cũng phải thiêng liêng, vô hình, không giới hạn. Đức Kitô chết không chỉ một lần trên Thánh Giá, nhưng chết dài dài, chết nhiều lần suốt hành trình dong duổi yêu thương. Ngài chết trước những kiêu căng của những người Biệt Phái chăm chỉ giữ luật, hăng say bảo vệ Đức Tin, nhưng thiếu từ tâm, bác ái. Ngài chết nhiều lần vì những tham vọng, những gây gỗ của các môn đệ vì chỗ ngồi chỗ đứng, chỗ trên chỗ dưới. Ngài chết vì thái độ dửng dưng, coi thường của bà con họ hàng. Ngài chết truớc những bồng bột, nhẹ dạ của đám đông nay theo mai bỏ, ủng hộ đó rồi đả đảo đó. Ngài chết vì những mạ ly công khai, những hiềm khích âm ỉ, những chống đối gần xa của nhiều người không chân nhận mô hình và dường lối cứu thế của Ngài. Ngài chết vì những nghi ngờ chụp mũ của giáo quyền, những truy lùng đe doạ của thế quyền, ngay cả những vô tình, vô ơn của các môn đệ nhiều năm gần gũi, sát cánh bên Ngài. Nhiều nỗi buồn, nhiều nỗi khổ, nhiều u uất đã làm Ngài chết. Hình ảnh một Đấng Cứu Thế trong giây phút đơn côi đã phải thốt lên: “ Linh hồn Thầy buồn đến chết được” (Mc 14,33-34).
Buồn mà chết được sẽ hết buồn, buồn không chết được mới ngàn lần đau buồn hơn. Có một lần ở vào hoàn cảnh bi thảm, tuyệt vọng khi không một tia sang hy vọng, không một lời ủi an, không một ánh mắt cảm thông, không một bàn tay nâng đỡ, không một ngõ ngách vượt thoát, ta mới thấm thiá nỗi khổ, niềm đau của cơn buồn đến chết được.
Biết trước con đường tình yêu sẽ là con đường đau khổ, nhiều gai góc, nhiều nước mắt hy sinh, Đức Kitô đã nói với các môn đệ tình nguyện đi theo Ngài ngay từ giây phút đầu: “ Nếu anh em muốn theo Thầy, hãy bỏ mình mà vác thập tự” (Mc 8,34). Ngài không dấu diếm chén đắng tình yêu mà Ngài và những ai muốn theo Ngài phải uống (Mc 10,38).
Uống chén đắng, vác thập tự, bỏ mình toàn là những việc làm đau buồn, vất vả, chết chóc. Có ai ham sống lại đi tìm thập tự, có ai yêu đời lại liều lĩnh bỏ mình, có ai mơ hạnh phúc ngọt ngào lại đi tìm chén đắng? Cuộc hành trình của Đức Kitô không giống những hành trình khác, nhưng lại là hành trình trăm phần trăm yêu thương. Khi mời gọi mọi người cùng đi với Ngài trên hành trình tình yêu này, Đức Kitô gián tiếp mời gọi họ chết với Ngài mỗi ngày.
Như thế, ai cũng có thể là anh hùng trong tình yêu; bởi ai cũng có khả thể chết mỗi ngày, ở mọi nơi vì yêu thương người khác. Cái chết vì tình yêu không con bị hạn hẹp vào một lần chết thể lý, nhưng là trăm ngàn lần chết âm thầm kín đáo, không kèn trống ma chay, những cái chết anh hùng không ồn ào, huyên náo, những lần chết trọn tình trọn nghiã, không thiệp báo tang, không vòng cườm phúng điếu. Những cái chết liên tục và suốt đời như thế không dễ như ta tưởng. Nó đòi cởi bỏ nhiều lắm, từ vật chất đến tinh thần, từ những gì mình có đến chính bản ngã qúy báu. Chết một lần có lẽ khó, nhưng không khó bằng chết dai dẳng, chết nhiều lần. Tình nào cũng đòi đi đến tận cùng lý lẽ của nó, đường tình nào cũng đòi thấy những cây số sau cùng. Không cuộc tình nào chịu dang dở, không đường tình nào muốn rẽ ngang, không ân tình nào muốn đứt gánh. Và tận cùng, cuối cùng, đến cùng của tình ấy là chết cho nhau. Có chết cho nhau, có chết dài dài vì nhau, ta mới nếm được ngọt ngào của tình cho nhau, thứ mật tình chỉ chịu tiết từ những lần chết vì yêu này.
Đức Kitô đã yêu suốt đời. Ngài muốn yêu bằng tình yêu lớn nhất, thứ tình dám đưong đầu với sự chết. Khi chọn tình lớn nhất này, Ngài đã phải chết để minh chứng sức mạnh của tình Ngài. Cái chết tưởng toàn năng, nhưng đã phải bó tay đầu hàng khối tình vĩ đại. Cái chết tưởng sẽ làm sợ mọi người, ai ngờ không làm sợ những người yêu nhau. Đứng trước chọn lựa lên đường theo Đức Kitô để yêu thương hay rút êm tìm một ốc đảo, ta phải can đảm nhìn thẳng “luận lý cuối cùng ” của tình yêu, dù luận lý cuối cùng này không mấy hấp dẫn, để không nản lòng khi tình yêu đòi nhiều hy sinh, đòi nhiều lần chết, đòi liên lỷ quên mình; bởi cuối cùng luật của “luận lý không dễ lý luận” của tình yêu là bất cứ một mối tình chân thật nào cũng đòi phải trở thành tình lớn hơn sự chết và để lớn hơn sự chết, tình ấy chỉ còn duy nhất một cách là vui lòng chết đi, chết mãi, chết không ngại ngùng cho người mình yêu như Đức Kitô đã chết.