Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 9 tháng 7, 2020

BẠO HÀNH TRẺ THƠ


Tôi biết chắc một điều: những bạn đọc yêu qúy của tôi sẽ không bao giờ là người cha, người mẹ bạo hành con cái, và tôi tin rằng: các bạn hiểu hơn ai hết tội ác nặng nề nhất mà loài người gây ra chính là tội bạo hành trẻ thơ.
Báo chí thế giới không ngừng đưa những tin động trời làm nghẹt thở và quặn thắt ruột gan: những em bé bị người thân đánh đập đến thương tật, những em bé bị cha mẹ bỏ đói, nhốt trong tủ, dưới hầm tối; những em bé bị bắt lao động khi “ăn chưa no, lo chưa tới”; những em bé bị bán cho các động đĩ, bị hãm hiếp tình dục; các em bé bị tập trung trong các trại huấn luyện quân cảm tử; những em bé bị lấy đi nội tạng và bóc lột dã man.
Thế giới loài người ngày càng nhiều người điên đang làm tổn thương, băng hoại tuổi thơ qua những tội ác không thể tha thứ. Những em bé vô tội, trong trắng miệng còn hơi sữa đã vô phúc trở thành nạn nhân của thú tính, của tàn bạo, dã man. Bao nhiêu bút mực, bao nhiêu phiên toà đã sôi sục, nóng bỏng quanh những tội ác bạo hạnh tuổi thơ. Đang khi viết bài này thì đài truyền hình FR3  loan tin: Không xa Angoulême, một người đàn ông 32 tuổi vào tiệm ăn tối với cô bạn gái có đứa con 29 tháng tuổi cùng đi. Em bé khóc trong khi mẹ đi vệ sinh. Bực mình vì phải nghe tiếng con nít khóc, người đàn ông  đã thô bạo nhấc bổng em bé và đập đầu em vào tường, rồi thả tay cho em rớt xuống nền gạch. Em bé vỡ đầu chết tại chỗ…
Bạo hành tuổi thơ là dùng sức mạnh để hiếp đáp, lạm dụng, bóc lột, hãm hại trẻ thơ. Có nhiều hình thức bạo hành:
1.   Bạo hành thân thể: 
Chẳng hạn em bé bị cha mẹ đánh đập, bị bỏ đói, bị trói chân tay bỏ trong phòng tối…. và tất cả những hành động khác làm tổn thương thân xác em như bắt em làm việc cực nhọc, khai thác triệt đề sức “chưa được phép” lao động của em.
2.   Bạo hành tinh thần :
Như áp đảo tinh thần em bé, làm cho em hoảng sợ, kinh hãi, không cho trí não em được tự do và bình thường phát triển bằng “nhồi sọ, tẩy não”. Bên Phi Châu có những em bé chưa đầy 10 tuổi đã bị đưa vào những trại huấn luyện  cảm tử quân. Bị bắt vào đây, các em bị “nhồi nặn, uốn ép” thành những quân khủng bố tinh nhuệ và liều lĩnh sẵn sàng ôm bom, thí mạng .
3.   Bạo hành tình dục:
Đây là bạo hành đang làm thế giới điên đảo, mất ăn mất ngủ. Thế giới mất thăng bằng vì nhiều con người mất thăng bằng đã dùng bạo lực phá hoại và triệt tiêu nhân vị của người khác, nhất là của các em bé bằng biến nạn nhân thành những đồ vật, phương tiện thoả mãn thú tính. Rất nhiều em bé đã là nạn nhân của bạo hành tình dục bởi chính những người thân quen. Không thiếu những chú bác, anh em họ, bạn bè của cha mẹ hay bạn của anh chị đã hiếp dâm những em bé đáng tuổi con cháu mình. Không thiếu những em bé đã bị bạo hành tình dục bởi chính những người có trách nhiệm tinh thần và bổn phận bảo vệ các em. Nhiều cơ quan, đoàn thể đã vào cuộc để dập tắt ngọn lửa dâm dục tàn phá tuổi thơ và vấn đề ấu dâm đã trở thành mối lo nhức nhối của nhân loại.
Tại sao có hiện tượng quái đản này?
Trước hết do truyền thông xấu đã ảnh hưởng trên nhiều người. Hãy đọc thống kê của ONU năm 2009: hơn 600.000 trang web về ấu dâm, 4 triệu trang web đăng đàn hình ảnh các em bé cho thiên hạ  ngắm nghiá, tìm tòi, hơn 40% trẻ em từ 10 đến 16 tuổi đã ít là một lần xem phim sex trên Internet; chưa kể những phim ảnh, sách báo “khai thác, quảng bá, ủng hộ, dung dưỡng” bạo lực.
Tiếp đến là khuynh hướng thả lỏng tình dục mà không có một hướng giáo dục tình dục đúng đắn. Sau cùng là chủ trương “cá nhân chủ nghiã, tôn sùng “cái tôỉ ” đã nhắm mắt trước những lạm dụng thân xác trẻ  bắt đầu từ những mức độ vi phạm thấp  đến những vi phạm trầm trọng, không thể cứu chữa. Bên cạnh đó, đạo đức gia đình lỏng lẻo sản sinh những lương tâm bệnh hoạn khi chủ trương “tất cả đều được phép”; thêm vào đó là tình trạng  thoái hoá luân lý và mất thăng bằng tâm lý nơi người lớn. Tất cả cùng lúc đã tạo nên những cơn chấn động “bạo hành tình dục” làm tan nát cuộc đời các em bé và xô đẩy tương lai các em xuống vực sâu của tủi hận.    
Người ta không khỏi rùng mình khi đọc những tài liệu điều tra về tội ác bạo hành tré thơ. Người ta cũng chưa hết kinh tởm khi nghe những tâm sự não nề, đắng đót của các nạn nân trẻ tuổi. Nhiều người đã không đủ can đảm để đối diện với những tang thương kinh khủng này và không dằn được phẫn nộ khi đứng trưóc những tác nhân đã gây tội ác.
Hậu qủa không thể tránh được ở nạn nhân là khủng hoảng tâm lý trầm trọng, nhiều cơ năng tâm sinh lý bị xáo trộn, mất trật tự, khả năng tinh thần giảm sút và nhất là sinh hoạt tình dục bị tê liệt, mất quân bình. Đau khổ nhất là những hình ảnh hung bạo, dã man ăn sâu vào tâm trí trẻ thơ tạo nên những vết nứt  tình cảm: giận dữ, hận thù, dửng dưng, lãnh đạm; đồng thời nạn nhân mất hết khả năng thích nghi với cuộc sống và hứng thú dấn thân, nhập cuộc.

Để tránh cho con cái thảm họa khôn lường “bị bạo hành”, cha mẹ phải:
a.   Luôn gần gũi con cái và tinh tế nhận ra những nguy hiểm có thể xẩy đến cho con. Thí dụ: không để con ở một mình với những người bạn sơ giao hay những người lạ chưa thân thiết. Tránh để con thân mật với những người “không bình thường tâm lý”, đời sống luân lý đáng nghi ngờ và những người đã một lần sai phạm trong phạm vi tình dục.
b.   Thường xuyên quan sát thân thể con để kịp thời phát hiện những dấu vết đáng nghi ngờ.
c.    Năng nói chuyện với con, nhất là khi con có những cử chỉ không bình thường.
d.   Tạo lòng tin nơi con để con không ngần ngại nói hết với cha mẹ những vấn đề riêng tư, kín đáo.
e.    Biết rõ những bạn bè của con và những người lớn mà con thường lui tới.
f.     Phá tan luật yên lặng vì yên lặng là luật của thần dữ. Các phe đảng Mafia chủ trương luật yên lặng để giữ những bí mật tội ác, bịt đầu mối và thủ tiêu nạn nhân cũng như thủ phạm gây tội ác. Cha mẹ phải đặc biệt giúp con cái phá tan luật yên lặng man rợ, phi nhân và chết chóc này bằng cách  siêng năng đối thoại với con.

Ngoài những biện pháp mang tính ngăn ngừa, đề phòng, cha mẹ còn phải thực hiện những việc tích cực như làm gương cho con  bằng kiến tạo một đời sống an bình, hoà nhã trong gia đình. Những cãi vả, chửi rủa, đánh đập giữa vợ chồng là điều tối kỵ gây nên ấn tượng bạo lực trong đầu óc còn non nớt, thơ ngây của con. Những hành động hung bạo  đi ngược tinh thần yêu thương, đùm bọc trong gia đình sẽ ảnh hưởng rất xấu trên nhân cách của con. Một tuổi thơ “bạo lực” sẽ không thể cho một tuổi lớn bình an. Một em bé quen sống bạo lực sẽ không thể là người lớn biết yêu thương.
Ước mong tất cả các cha mẹ trên thế giới ý thức:  gia đình hạnh phúc là gia đình không có chỗ cho bạo lực, dù đó là bạo lực trong tư tưởng hay ngôn từ.