Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 4 tháng 2, 2020

TÔN VINH MẸ LA VANG - NỮ VƯƠNG CÁC GIÁO HỮU VIỆT NAM


Suy Niệm 10 : ĐỨC MARIA, MẸ CÁC GIA ĐÌNH
Đời Đức Maria luôn ở trong gia đình và gắn chặt với gia đình:  thời thơ ấu làm con ngoan trong gia đình cha mẹ Gioakim và Anna, lớn lên lấy chồng, làm vợ thánh Giuse dưới mắt người đời, và Mẹ Đức Giêsu trong gia đình thánh ở Nadarét, nên Mẹ yêu mến gia đình, hiểu rõ sứ mệnh và hạnh phúc của từng thành viên trong gia đình, đồng thời nắm vững những thách đố, khó khăn, phức tạp và đau khổ của một gia đình, để chia sẻ, cảm thông những giọt nước mắt vui mừng, hạnh phúc hay  dòng lệ sầu buồn, bất hạnh của  mọi hoàn cảnh, tình huống hạnh thông, hay bế tắc, may mắn hay xui xẻo, huy hoàng hay éo le, rạng ngời hay tăm tối của gia đình.
Thực vậy, thời nào có vấn đề của thời đó, và gia đình ở đâu cũng không tránh được những thử thách cam go, những cây số dốc đá chênh vệnh, nguy hiểm, những giai đọan đầy thách đố căng thẳng, bởi một lý do rất dễ hiểu : gia đình là một đơn vị được hình thành bởi những con người khác nhau ở giới tính, tính tình, tư duy, trình độ, và mỗi người đều có quyền và bổn phận, cũng như có tự do để chọn lựa và thực hiện bổn phận và quyền lợi ấy. Những người này khởi đầu bằng tự nguyện chọn nhau, yêu nhau, sống với nhau và cùng nhau hình thành một gia đình với cha mẹ, con cái …
Do đó, gia đình hạnh phúc, ấm êm hay không phần lớn tùy thuộc tình yêu và thiện chí của tất cả thành viên gia đình, tuy không loại trừ một sự thật, đó là ngay cả khi mọi người đồng tâm nhất trí, thử thách, khổ đau cũng không buông tha gia đình, vì tiên thiên : đời là bể khổ, đời là thung lũng nước mắt, mà đời là nơi gia đình được xây dựng và lớn lên.
Nhiều người lầm tưởng : vì là gia đình thánh, nên thánh gia không có vấn đề như các gia đình khác ; vì là thánh gia, nên gia đình thánh lúc nào cũng may mắn, không như nhiều gia đình lâm cảnh khó khăn, bĩ cực.
Sự thực thì thánh gia có Thánh Giá của thánh gia, có giông bão của Thánh Giá. Thánh Giá ấy có khi còn nặng nề hơn cả Thánh Giá của gia đình chúng ta, và giông bão có thể kinh hoàng hơn gấp bội.  
Cơn giông bão đầu tiên ngay buổi khai trương gia đình mới của thánh Giuse và Đức Maria, chính là biến cố vợ có thai mà chồng chưa hề ăn ở, gần gũi, lại không được vợ chia sẻ, giải thích (x. Mt 1,18).
Đây thực là bom tấn, nếu xẩy ra cho gia đình chúng ta, và chắc chắn ít người có thể giữ bình tĩnh, để rồi sẽ phản ứng bất lợi cho cả hai người, cho gia đình hai bên, khi không  đủ điềm tĩnh và khôn ngoan, đạo đức để chọn phương án giải quyết tốt nhất, như thánh Giuse vì thương và tôn trọng Đức Maria đã định tâm kín đáo ra đi (x. Mt 1,19).
Tiếp đến là những sóng gió vượt biên tỵ nạn qua Ai Cập (x. Mt 2,13-18), biến cố lạc mất con (x. Lc 2, 41-50), rồi chuỗi dài sóng gió cùng con từng bước trên đường Thánh Giá lên đồi Canvê, nơi hành hình đóng đinh (x. Lc 23,26-49).
Một gia đình thánh, gồm ba con người thánh, nhưng không thiếu nước mắt khổ đau, khi cả ba đều chung vai vác cây Thánh Giá trĩu nặng, tuy mỗi người một cách khác nhau tùy theo vai trò, sứ mệnh, bổn phận của mình.
Riêng Đức Maria, là vợ và là Mẹ, ngài đã chu toàn sứ mệnh và bổn phận xây dựng tổ ấm của Tình Yêu, chiếc nôi an toàn của Sự Sống, ngôi trường giáo dục nhân bản và đức tin :
1.   Đức Maria xây dựng thánh gia thành tổ ấm tình yêu :
Bí quyết xây dựng thành công gia đình thành một tổ ấm tình yêu, như Đức Maria đã thực hiện, ở đó, cho dù trăm ngàn thách đố, cho dù thử thách đủ loại nối đuôi nhau hoành hành, mọi nguời vẫn bình an, hạnh phúc trong tình yêu, đó là đời sống nội tâm kết hiệp với Thiên Chúa được củng cố vững chắc bằng liên lỷ cầu nguyện.
Cầu nguyện là sức sống của gia đình thánh, là nguồn tình yêu của thánh gia. Bằng chứng là trong mọi biến cố, thành viên của gia đình thánh đều quy hướng về Thiên Chúa và cầu nguyện để tìm thánh ý Chúa, như thánh Giuse đã nhận ra ý Thiên Chúa trong giấc mộng (x. Mt 1,20-21).
Bên cạnh là bí quyết ít nói, ít lời, nhưng đằm thắm, thâm trầm, kín đáo, tế nhị vì thương yêu, tôn trọng nhau, như Đức Maria luôn giữ trong lòng nhiều điều, nhiều sự (x. Lc 2,51), bởi khi ba hoa, lắm lời, người ta sẽ dễ lột trần, bôi bác, trách móc nhau, vì không còn nội lực để quan tâm đến nhau, hy sinh cho nhau, vì tình yêu cho nhau, tình yêu giữa những người yêu nhau luôn cần bầu khí tĩnh lặng lãng mạn, không gian thinh lặng trìu mến, và thời gian yên lặng cảm thông. 
Thực tế cho chúng ta thấy : nhiều gia đình tan nát, nhiều hôn nhân đổ vỡ chỉ vì vợ hoặc chồng nói nhiều qúa : nói nhiều quá với nhau sẽ dễ sinh sự, lên án nhau về nhiều thiếu sót, lỗi lầm ; nói qúa nhiều với người khác về những chuyện của nhau sẽ nhanh chóng làm rạn nứt hạnh phúc hôn nhân, gia đình, bởi nói qúa nhiều sẽ  dẫn đến nói qúa sự thật, nói qua khỏi giới hạn, lằn ranh sự thật cho phép, và đó chính là nguyên nhân của bất hạnh trong nhiều gia đình.
Đức Maria đã dạy chúng ta bí quyết để ngọn lửa ấm áp của tình yêu không bao giờ lịm tắt giữa tổ ấm gia đình, đó là cầu nguyện và đằm thắm, tế nhị trong ngôn từ. Và nhờ thế, mọi thành viên của gia đình mới có thể quan tâm và hy sinh cho nhau, nhờ không cho những tiêu cực nẩy lầm, và lớn lên như những hạt cỏ lùng gai góc mà ma qủy luôn tìm cách gieo rắc giữa gia đình, do ai nấy đều  biết giữ miệng giữ lời để tránh làm mất lòng nhau do lời ăn tiếng nói ích kỷ, hồ đồ, vô trách nhiệm. Đồng thời, đời sống nội tâm, cầu nguyện được đâm rễ sâu và lớn lên trong nguồn Tình Yêu là chính Thiên Chúa, nhờ bầu khí nhẹ nhàng chia sẻ, đằm thắm quan tâm, và kín đáo, tế nhị hy sinh cho nhau của mọi người trong gia đình. 
2.   Đức Maria xây dựng thánh gia thành chiếc nôi an toàn của sự sống :
Là Evà mới, tức Mẹ của sự sống mới, Đức Maria trân qúy, gìn giữ bằng mọi giá sự sống con người. Là mẹ của Thiên Chúa làm người, Đức Maria cùng với Thiên Chúa gìn giữ kỹ lưỡng, và bảo vệ chắc chắn hơn sự sống vốn tuyệt vời, và là quà tặng vô giá Thiên Chúa ban tặng cho con người.
Sinh Đức Giêsu với chăm chút, ân cần, lo liệu của tình mẹ vô cùng tuyệt vời, Đức Maria đã bằng mọi giá bảo vệ sự sống qúy giá ấy, khi vội vã lên đường đem con trốn sang Ai Cập để con không bị giết chết bởi sự hung ác, tàn bạo của Hêrôđê (x. Mt 2,13-18).
Thực vậy, gia đình thánh là chiếc nôi an toàn của sự sống, ở đó, sự sống con người được tuyệt đối trân qúy và bảo vệ. Vì thế, hơn ai hết, Đức Maria đau lòng trước cảnh gia đình của thời đại duy vật, duy thực dụng hôm nay không còn là thành trì bảo vệ sự sống, khi nhiều gia đình không thực hiện ơn gọi và sứ mệnh trao ban sự sống, chăm sóc và gìn giữ sự sống. Nhiều cha mẹ trẻ không nhận ra giá trị của sự sống và coi sự sống như một phiền phức, nên không ngại từ chối, bỏ đi sự sống, mầm sống ; nhiều gia đình không còn đủ tình yêu để yêu thương những thành viên kém may mắn, đau bệnh, tật nguyền, bằng sẵn sàng chọn giải pháp thực dụng,  và phi nhân.
Là Mẹ của sự sống, Đức Maria chính là mẹ của các bà mẹ gia đình, để cùng với các bà, Mẹ đồng hành nâng đỡ, ủi an khi sự sống trở nên gánh nặng cho bụng dạ cưu mang nó ; chăm sóc, vỗ về khi sự sống khó nuôi, khó giữ  vì hoàn cảnh éo le, ngang trái của người tạo nên nó; chở che, bảo vệ khi sự sống bị thần dữ và ác nhân truy lùng, tiêu diệt, và làm sinh sôi nẩy nở để thế giới  đích thực là vinh quang của Thiên Chúa khi con người đang sống được no thoả hạnh phúc làm người.       
3.   Đức Maria xây dựng gia đình thánh thành nhà trường giáo dục con người, con Chúa :
Tin Mừng khẳng định : Suốt ba mươi năm trong gia đình ở Nadarét Đức Giêsu luôn vâng phục cha mẹ Ngài, và theo thời gian, Đức Giêsu ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta (Lc 2,52).
Là con của thánh Giuse và Đức Maria, Đức Giêsu vâng phục những điều cha mẹ dậy bảo, khuyên răn. Ngài đúng là một người con ngoan, người con hiếu thảo, người con trưởng thành. Ngài được đào tạo trong gia đình thánh để trở nên một con người có lòng nhân ái, tốt lành và tử tế với mọi người, đồng thời được đào tạo thành người tín hữu có niềm tin sắt son, có đời sống nội tâm, cầu nguyện, có lòng bác ái và niềm hy vọng, phó thác tuyệt đối ở Thiên Chúa. Nói cách khác, Đức Giêsu được cha mẹ đào tạo toàn diện, cả nhân bản và siêu nhiên: nhân bản để thành người tốt, hữu ích cho xã hội, đất nước ; siêu nhiên để xứng đáng là con Chúa, người tín hữu trung tín, nhiệt thành, hăng say việc nhà Chúa.
Tin Mừng Luca thật sâu sắc khi ghi lại tuy vắn tắt, nhưng rất chi tiết : Đức Giêsu đã được đào tạo thành một con người hoàn hảo : vừa khôn ngoan, khoẻ mạnh, có tình có nghĩa với mọi người, vừa đạo đức, thánh thiện, đẹp lòng Thiên Chúa.
Gia đình ngày nay đang đứng trước nhiều thử thách cam go trong việc giáo dục con cái sống đức tin, đức ái, đức trông cậy, khi nhiều chủ thuyết vô thần, vật chất, hưởng thụ, tương đối đang quyết tâm hợp đồng tác chiến đánh gục Đức Giêsu và Giáo Hội của Ngài, mà đối tượng thứ nhất và quan trọng nhất là gia đình, bởi đánh gục được gia đình, thì xã hội sẽ tự tan vỡ, hủy diệt, vì gia đình là nền tảng vững chắc của xã hội.
Rất nhiều cha mẹ lo lắng trước hiện tượng con cái bỏ Chúa, xa Giáo Hội, tránh các sinh hoạt giáo xứ, khi đức tin không còn được coi là ưu tiên, vì Thiên Chúa mất chỗ đứng trong cuộc sống ngày càng xô bồ, vội vã do sức hút, lực đẩy đến chóng mặt của vật chất. Không ít gia đình không còn quan tâm đến việc đi lễ Chúa Nhật, con cái không còn học giáo lý, và những sinh hoạt tông đồ của cộng đoàn Kitô hữu mau chóng trở nên lạt lẽo, chán ngán, nặng nề, phiền phức đối với gia đình, để kết thúc bằng các thành viên gia đình quên mình là người có đạo, và không ngượng ngùng đọan tuyệt với đời Kitô hữu.
Nhiều bậc phụ huynh ý thức bổn phận đào tạo đức tin của con cái, nhưng lại đau đớn thấy mình hoàn toàn bất lực, khi con cái không vâng lời, vì không còn tôn trọng quyền giáo dục đức tin của cha mẹ khi cho rằng : tín ngưỡng, tôn giáo là chuyện cá nhân, thuộc quyền riêng của mỗi người, mà ngay cả cha mẹ cũng không có quyền can thiệp, ảnh hưởng.
Vì thế, rất nhiều cha mẹ công giáo mang chung mặc cảm có tội với Thiên Chúa, có lỗi với Giáo Hội, và tổ tiên, ông bà, cha mẹ, bởi đã không thể chu toàn bổn phận đào tạo con cái nên những tín hữu đạo đức, những giáo dân đạo hạnh, những công dân của Nước Trời.      
Tôn vinh Mẹ La Vang, Mẹ của các gia đình Việt Nam, chúng ta nài xin Mẹ ban cho mọi người thân yêu của chúng ta tình yêu gia đình, để quyến luyến tổ ấm gia đình khi phải đi xa, và trân qúy mái ấm gia đình khi có mặt, hầu noi gương bắt chước Mẹ xây dựng gia đình thành tổ ấm tình yêu, nôi an toàn của sự sống, và nhà trường đào tạo những con người trưởng thành nhân bản, và trưởng thành trong đời sống siêu nhiên, xứng danh người tử tế, và người Kitô hữu được Thiên Chúa yêu thương, chúc phúc.     
Jorathe Năng Tím

TÔN VINH MẸ LA VANG - NỮ VƯƠNG CÁC GIÁO HỮU VIỆT NAM


Suy Niệm 9 : TỪNG BƯỚC CHÂN MẸ ĐI
Đức Tin là lên đường, bởi không có đức tin bất động, nằm lì, ngồi yên, đứng bất động tại chỗ. Kinh Thánh làm chứng : bất kỳ ai được Thiên Chúa kêu gọi đều phải đứng dậy, lên đường, bước đi, như Thiên Chúa phán với Ápraham, tổ phụ của dân được chọn để tin vào Thiên Chúa duy nhất và nhân hậu : Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi, mà đi tới đất Ta sẽ chỉ cho ngươi (St 12,1) ; hoặc như  Môsê, lãnh tụ của Israel, người  đưa dân ra khỏi đất nô lệ Ai Cập đã  được Thiên Chúa sai đến gặp Pharaô (Xh 3,10) ; và các tông đồ trong Tân Ước đã được Đức Giêsu kêu gọi Hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá. Lập tức các ông bỏ chài lưới mà đi theo Người (Mc 1, 17-18).
Đức Maria là người tín hữu đầu tiên và lý tưởng. Nói cách khác, Mẹ là người thứ nhất tin Đức Giêsu là Thiên Chúa và là người có Đức Giêsu từng giây phút trong suốt cuộc đời. Là gương mẫu của người tin theo Đức Giêsu, là tín hữu lý tưởng mà người Kitô hữu mong đạt tới, Đức Maria đã dạy chúng ta từng bước trên hành trình đức tin, như Mẹ hiền dậy con thơ  từng bước đi chập chững.
1.   Đức Maria dậy chúng ta  đi những bước chân vui khi thành công, thịnh đạt, may mắn :
Trong cuộc sống, chúng ta không thiếu những giây phút vui tươi với thành qủa, những khoảnh khắc ấm áp tình phu thê, gia đình, những lúc hân hoan sau kết qủa thi cử, những ngày hoan lạc khi kế hoạch thành công tốt đẹp, những cây số thành công như diều gặp gió, những giờ phút bên người tình yêu thương, những năm tháng nhẹ trôi an bình, hạnh phúc.
Trên những bước chân khấp khởi vui mừng ấy, chúng ta thường nhớ rất nhiều và cũng quên rất nhiều :
Chúng ta vui nên nhớ đến công lao, công sức của mình, và tự hào vì công trạng, công nghiệp của bản thân, mà dễ quên đi công lao, công sức, công trạng, công nghiệp của những người đã góp công làm nên niềm vui ấy cho ta. Cái tôi trở thành đề tài nổi bật khi ta vui, cái mình trở thành trung tâm, khi ta toại nguyện, và đây là lúc rất nhiều người đã hết tình, hết mình vì ta bị quên lãng.
Qủa thực, khi thành công, ta chỉ nhớ đến ta, nhớ những gì thuộc về ta, và nhớ những người ta còn cần đến, còn nhờ cậy được, hoặc còn phải lệ thuộc, dưới trướng. Họ là những người có thể không hề giúp ta những năm tháng ta còn cơ hàn, túng bấn, nhưng tháng  ngày trước mặt, ta biết : không bám lấy họ, nấc thang danh vọng, sự nghiệp ta mơ sẽ khó đạt được, nếu không o bế, cung phụng, luồn cúi những người đương quyền, đương nhiệm, đương chức này.
Bên cạnh những người phải nhớ, cần nhớ là những người ta bỏ quên. Ta hay quên những người đã hết thời dù đã một thời sống chết vì ta ; ta thanh thản quên những người đã tận tụy lo cho ta, nhưng nay không còn khả năng ; và đặc biệt ta dễ dàng quên những người bé nhỏ, nghèo hèn, đau ốm, không của cải, vật chất, mà chỉ còn lại duy nhất trái tim thương ta, và tình yêu của họ lúc nào cũng muốn bao bọc, nâng đỡ ta. Ta quên nhanh những người ấy, vì bên ngoài xem ra họ không còn  có thể giúp ta trèo cao đến tột đỉnh thành công, danh vọng.
Chính vì thế, thái độ thường gặp khi ta thành công, khi đời ta trúng mùa phấn khởi, nhảy chân sáo chính là kiêu căng, tự mãn, tự phụ, hống hách, trịch thượng, coi Trời, coi người  bằng vung, vì nghĩ mình tài giỏi, toàn năng, một mình ta làm nên tất cả, vì ảo tưởng siêu nhân, siêu sao, siêu đẳng cấp.
Đức Maria thì khác. Mẹ đã chọn hai tâm tình khi đời vui với hai thái độ tuyệt vời của người tín hữu tin vào Thiên Chúa:
Tin Mừng Luca thuật lại chi tiết buổi gặp gỡ giữa hai chị em Êlisabét và Maria : “Bà Êlisabét vừa nghe tiếng bà Maria chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được đầy tràn Thánh Thần, liền kêu lớn tiếng và nói rằng : Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. Bởi đâu tôi được thân mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này ?” (Lc 1, 40-43).
Vừa gặp bà chị họ Êlisabét, Đức Maria đã được khen ngợi hết lời, bởi không lời ngợi khen, chúc tụng nào vinh quang và thánh thiện đối với ngưới tín hữu hơn : “Bởi đâu tôi được Thân Mẫu của Chúa tôi đến với tôi thế này ?” (Lc 1,43).
Thực vậy, lúc này Đức Maria ở trong trạng thái rất vui mừng vì  “được Thiên Chúa phúc phúc”. Và trong giây phút hạnh phúc ấy, Đức Maria đã phản ứng khác với nhiều người:
Trước hết, Mẹ nhận ra ngay thân phận mọn hèn của mình và tất cả những gì Mẹ nhận được đều là Hồng Ân của Thiên Chúa toàn năng, mà không “giả hình, điệu bộ” từ chối niềm vui của nữ tỳ luôn biết vâng phục và sẵn sàng thực hiện thánh ý của Thiên Chúa, như chính Mẹ đã thốt lên trong kinh Tạ Ơn:  
    “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng, vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi. Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới.” (Lc 1,46-48).
Khiêm tốn nhìn nhận thân phận nữ tỳ hèn mọn và chân nhận:  sở dĩ được “diễm phúc” là do “Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả” (Lc 1,49), Đức Maria còn tỏ lòng kính sợ Thiên Chúa, vì tâm tình kính sợ là tâm tình chính đáng mà bất cứ thụ tạo nào cũng  phải có đối với Đấng Chủ Tạo của mình. Đó cũng là thái độ hợp tình, hợp lý của tôi tớ đối với ông chủ, bởi thụ tạo cũng như tôi tớ luôn cần đến lòng thương xót của Đấng Chủ Tạo, và Ông Chủ để được tồn tại, yêu thương. (x. Lc 1,50).
Bên cạnh tâm tình khiêm tốn biết mình nhỏ bé, mọn hèn, và tâm tình cảm tạ, tri ân Thiên Chúa Toàn Năng giầu lòng thương xót, là tâm tình hướng đến những người bé nhỏ, hèn mọn khác chung quanh mình, vì người tín hữu đích thực, chính danh là người biết cảm thương và chia sẻ với mọi người, nhất là những người đói nghèo, kém cỏi, yếu đuối hơn mình (x. Lc 1,51-53).
Tóm lại, trên những cây số đường đời ngập tràn niềm vui, Đức Maria đã đi những bước Khiêm Tốn, Cảm Tạ, Yêu Thương : khiêm tốn biết mình là nữ tỳ hèn mọn, cảm ta hồng ân cao vời của Thiên Chúa, và hướng trái tim yêu thương đến anh chị em thiếu thốn, nghèo hèn. Nhờ những bước chân Khiêm Tốn, Cảm Tạ và Yêu Thương khi thành công, may mắn ấy, mà Mẹ luôn ở trong Thiên Chúa và đồng hành với mọi người như đòi hỏi của người Kitô hữu.
2.    Đức Maria dậy chúng ta đi những “bước chân buồn”, khi đời không đẹp như mơ:
Nếu đường đời có lúc hạnh thông, thì cũng có những khúc khó khăn, gian truân, hiểm trở, ở đó niềm vui bị thay thế bằng buồn phiền, sầu khổ, lo âu.
Như người mẹ hiền dậy con bước đi, tập cho con bước, Đức Maria cũng dậy chúng ta những bước chân trong hoàn cảnh ngặt nghèo, nguy hiểm, sầu buồn, như đã dậy chúng ta những bước chân vui” trên những con đường tươi đẹp “may mắn”, những con đường rực rỡ hoa lá “thành công”, những con đường thênh thang ngợp nắng gió “thịnh đạt”.
Ta hãy cùng chiêm ngắm Mẹ giây phút phân vân, bối rối khi sứ thần Gabrien truyền tin thụ thai Đức Giêsu, Ngôi Lời Thiên Chúa bởi quyền năng Chúa Thánh Thần (x. Lc 1,29) ; chiêm ngưỡng Mẹ đi trong đường hầm đức tin, khi “không hiểu gì đường lối của Thiên Chúa” trên đường từ Nadarét về Bêlem theo lệnh hoàng đế Augúttô truyền kiểm tra dân số, và sinh con đặt “nằm trong máng cỏ” (x. Lc 2,1-14); ngước nhìn Mẹ lo lắng vội vã đem con trốn sang Ai Cập để tránh lệnh truy lùng Hài Nhi Giêsu của vua Hêrôđê (x. Mt 2,13-14), và cùng Mẹ nghe lời tiên tri rất khủng khiếp đe dọa của cụ già ngôn sứ Simêôn : “Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà” (Lc 2,35). Ta cũng dõi theo bóng Mẹ tháng ngày cùng con chia sẻ những thị phi, chống đối, rình rập, truy lùng, rồi bắt bớ, đòn vọt, đóng đinh, tử hình do các thượng tế, luật sĩ bầy mưu, tính kế, sắp xếp, thực hiện, vì ganh ghét và cứng lòng không tin. Và chúng ta nhận ra : Đức Maria luôn giữ hai thái độ : vâng phục thánh ý và thâm trầm, lặng lẽ cầu nguyện.
Khi thánh Giuse toan tính bỏ đi cách kín đáo, vì thấy vợ mình có thai, mặc dù hai người chưa ăn nằm, gần gũi, Đức Maria đã âm thầm chịu đựng, không nói một lời và lặng lẽ cầu nguyện, với niềm phó thác tuyệt đối ở Thiên Chúa (x.Mt 1,18-25) ; khi tìm được Đức Giêsu sau ba ngày lạc mất ở Giêrusalem, Đức Maria đã chỉ lặng lẽ “ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng” (Lc 2,51), dù không hiểu lời Đức Giêsu: “Sao cha mẹ lại tìm con ? Cha mẹ không biết con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?” (Lc 2,49), và suốt đường Thánh Giá, và những giờ mắt đẫm lệ đứng nhìn con chết treo thê thảm, rồi ôm chặt xác con khi được tháo xuống từ Thánh Giá, Đức Maria đã luôn vâng phục thánh ý và thâm trầm, lặng lẽ cầu nguyện.
Qủa thực, tâm tình và thái độ của Đức Maria trong những ngày sầu thương, bị thử thách đã không giống chúng ta khi đau khổ vì thất bại. Thường khi không vừa ý, chúng ta bực bội kêu la, than trách đủ kiểu, đủ người; khi không đạt nguyện vọng, uớc mơ, hay kế hoạch đổ vỡ, chúng ta tìm cớ suy đoán nghi ngờ, quy trách, đổ tội cho người khác, và tức tối, căm thù người này người nọ; khi không may mắn, “ăn nên làm ra” như người chung quanh, chúng ta hiềm khích, “ghen ăn tức ở” với họ, mà ít người trong chúng ta nhìn ra thánh ý Thiên Chúa qua những biến cố, hoàn cảnh trái ý để vâng phục. Một điều chúng ta không quen làm nữa, đó là “giữ những sự ấy trong lòng” và âm thầm cầu nguyện, thâm trầm cầu nguyện, lặng lẽ cầu nguyện, đằm thắm cầu nguyện, nhất là khiêm tốn cầu nguyện để nài xin ơn trợ giúp.
Là Mẹ rất nhân lành, Đức Maria dậy chúng ta những bước chân Vâng Phục Thánh Ý và thâm trầm,  lặng lẽ Cầu Nguyện với tâm tình phó thác khi đường đời không an vui, khi cuộc đời  không  hạnh phúc, khi cuộc sống dường như bế tắc, bất hạnh, vì hơn ai hết, Mẹ đã trải qua những bối rối, căng thẳng của đời thiếu nữ sắp lấy chồng,  những lo âu do những biến cố bất ngờ và nguy hiểm của đời sống gia đình, những đắng đót khôn tả của lòng mẹ khi thấy con chịu đòn vọt, tra tấn, và hành hình man rợ cho đến chết, nên hơn mọi người, Mẹ cảm thông sâu sắc niềm đau, nỗi khổ, nước mắt nhục nhằn của người nghèo, người yếu, người kém may mắn, người bất hạnh, người lỗi lầm, người cô thế bị đàn áp, bóc lột. Đồng thời, Mẹ biết những bước chân “phải đi” khi đau khổ, những bước chân “nên đi” khi thất bại, những bước chân “cần đi” khi yếu đuối, để không đạp vào cạm bẫy kiêu căng, không ngã xuống hố ngờ vực, không rơi  xuống vực  sâu bất mãn, tuyệt vọng, và từng ngày Mẹ dậy chúng ta bước đi theo dấu chân Mẹ đã đi  ngày xưa trên hành trình dương thế với Đức Giêsu, Con yêu dấu của Mẹ.
Lậy Mẹ Maria là Sao Mai dẫn đường, xin dậy chúng con đi trong ngày vui, với những bước chân Khiêm Nhường biết mình là tôi tớ, để Cảm Tạ Chúa vì tất cả là Hồng Ân, và quan tâm, yêu thương mọi người là bạn đồng hành, và khi trời nổi giông tố, mây xám  giăng kín trời, và đường đời  dốc đá trơn trượt, xin Mẹ cầm tay chúng con đi từng bước Vâng Phục Thánh Ý và lặng lẽ Cầu Nguyện với niềm Phó Thác, Hy Vọng, vì Mẹ là Mẹ của chúng con, “Đấng làm cho chúng con được sống, được vui, được cậytrên đường đời lữ thứ, giữa thung lung nước mắt, “ở chốn khách đầy” này đang kêu khấn xin Mẹ dủ lòng thương. Amen.
Jorathe Nắng Tím

MUỐI VÀ ĐÈN



Suy Niệm TIN MỪNG CHÚA NHẬT 5, Thường Niên, Năm A
Trong Tin Mừng Mátthêu, tiếp liền bài giảng về “Tám Mối Phúc Thật”, Đức Giêsu đưa ra hai so sánh rất ấn tượng về sứ vụ của người môn đệ Ngài : Muối và Ánh Sáng cho đời :
“Chính anh em là muối cho đời… Chính anh em là ánh sáng cho trần gian” (Mt 5,13-14).
Lấy muối và ánh sáng để nói về sứ mạng cũng như phẩm chất của người tín hữu, Đức Giêsu đã tỏ ra rất gần gũi với sinh hoạt đời thường :
Ngài biết muối cần thiết cho lương thực, và lương thưc cần cho con người để sống, nhưng lương thực như thịt, cá mà ươn xình, lạt lẽo, vì thiếu mắm muối thì chẳng ai muốn ăn ; tôm kho, mực xào, canh cải mà quên nêm muối, thì chẳng ai nuốt vào vì vô vị, trừ số ít người bệnh bất đắc dĩ phải ăn, vì thuộc diện kiêng cữ đồ mặn.  
Muối trở thành chất không thể thiếu làm cá tôm không ươn, làm thức ăn mặn mà, làm cho bữa ăn ngon, làm vui thú khẩu vị thực khách. Nhờ muối mà đồ ăn ngon, nhờ muối mà người ăn ngon, nhờ muối mà bàn ăn vui cười, rộn rã.
Dùng muối là hình ảnh của người môn đệ, Đức Giêsu muốn nhấn mạnh tính cách kín đáo, âm thầm, nhỏ bé, nhưng quan trọng trong vai trò “hé lộ” sự hiện diện của Thiên Chúa trong công trình của Ngài cho mọi người, và tế nhị trình bày cho người khác kỳ công của Ngài qua những gì bé nhỏ nơi mình : nhỏ như muối, bé như muối.    
Một nụ cười khả ái, thân thiện, một ánh mắt trìu mến, một nắm tay yêu thương, như những hạt muối mặn sẽ làm cho cuộc đời của người đang chán đời, không muốn sống đổi sang mầu hồng hạnh phúc, và mầu xanh hy vọng, thay cho mầu đen chết chóc, tuyệt vọng trước đó ; một chia sẻ ngắn gọn, nhưng chất chứa lòng tôn trọng, cảm thông, như hạt muối nhỏ đủ làm mặn nồng tình yêu đã từ lâu lạnh lùng, băng giá ; chỉ một cử chỉ ân cần phục vụ như hạt muối nhỏ cũng đủ làm thay đổi cái nhìn về cuộc sống, và hồi sinh đời sống tưởng đã héo úa, tàn tạ.
Cứ quan sát các bà mẹ trong bếp khi chuẩn bị bữa ăn cho gia đình : bà đã mua thịt, cá, rau củ đầy đủ, nhưng không bao giờ trong bếp nhà bà thiếu muối, vì bà biết tuy không ai nhắc đến muối khi mâm cơm ngon được dọn lên, không ai biết đến hạt muối tròn, méo thế nào, cũng chẳng ai quan tâm phẩm chất và tầm quan trọng của muối, và tất nhiên chẳng có người nào bận tâm khen muối ngon, muối thơm, muối đẹp như khen thịt mềm, cá ngọt, rau tươi khi ăn, nhưng riêng bà mẹ nấu ăn thì kín đáo trân trọng hũ muối luôn phải đầy, vì bà biết : thiếu muối , bà không thể nấu được bữa cơm ngon cho cả nhà.
Cũng như bà mẹ biết muối cần thiết, Thiên Chúa biết sứ mệnh làm thi vị cuộc sống của người môn đệ, khi người môn đệ bằng thái độ bé nhỏ và cung cách tế nhị, dễ thương cho mọi người nhận ra công trình tốt đẹp của Thiên Chúa đã được thực hiện vì hạnh phúc của họ.
Thực vậy, là muối, người môn đệ biết mình không làm nên công trình, nhưng có sứ mạng nói cho mọi người biết có công trình, và công trình ấy là do Thiên Chúa thực hiện vì yêu thương con người, cũng như muối không là thịt, cá, rau củ, nhưng đem lại vị ngon cho lương thực, đem lại thi vị là vinh quang cho công trình của Thiên Chúa giữa nhân loại.     
Cũng vậy, ánh sáng mà Đức Giêsu muốn người tín hữu phải trở nên chính là ánh sáng của “đèn được đặt trên đế, và đèn soi chiếu cho mọi người trong nhà” (Mt 5,15). Thiên Chúa muốn ánh sáng chúng ta là cũng phải là ánh sáng của khiêm tốn, bé nhỏ như ánh sáng của cây diêm tìm hướng đi trong rừng khuya để thoát hiểm, ánh sáng của ngọn nến khi bị cúp điện, để không ai trong nhà bị vấp té, ánh sáng của  chiếc đèn dầu trên bờ đê, để không lỡ chân lạc bước giữa ruộng đồng khuya khoắt.
Ánh sáng ấy là từng ngày của cuộc sống làm chứng Thiên Chúa yêu thương mọi người ; là từng đóng góp xây dựng Nhiệm Thể Đức Kitô là Hội Thánh ; là từng giọt mồ hôi trên hành trình đến với những người anh em nghèo khó và hết lòng yêu thương, phục vụ họ ; là tinh thần quên mình vì tha nhân và dấn thân mưu tìm hạnh phúc cho mọi người ; là thái độ hiền lành, chịu đựng khi bị hiểu lầm, oan uổng, xỉ nhục, chụp mũ, lên án bất công.
Nhờ ý thức mình chỉ là ánh sáng của đèn, mà chúng ta không ảo tưởng và kiêu căng nghĩ mình là “Ánh sáng muôn dân”, “Ánh sáng cho nhân loại” (Ga 1,3), không lầm tường mình ngang hàng với Ngôi Lời “là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người” (Ga 1,9) ; nhờ biết đời mình còn là những mảng tối cần được Thiên Chúa là Ánh sáng lấy đi, mà chúng ta không hoang tưởng cho  mình có thể thay Thiên Chúa làm ánh sáng xua đuổi bóng tối. Trái lại, chúng ta phải trở nên như Gioan Tẩy Giả đã được  Gioan Tông Đồ mô tả : “Có một người được Thiên Chúa sai đến, tên là Gioan. Ông đến để làm chứng và làm chứng về ánh sáng, để mọi người nhờ ông mà tin. Ông không phải là ánh sáng, nhưng ông đến để làm chứng về ánh sáng” (Ga 1,6-8).
Bởi khi làm chứng về ánh sáng, chính ánh sáng sẽ chiếu soi ; khi làm chứng về ánh sáng, chính ánh sáng sẽ xua đuổi bóng tối. Cũng như khi rao giảng Tin Mừng, thì chính Tin Mừng sẽ hoán cải lòng người, chứ không phải chúng ta hoán cải ; khi loan báo Lời Chúa, thì chính Lời Chúa sẽ đổi mới tâm hồn người lắng nghe, chứ chúng ta không đổi mới được họ ; khi thi hành tác vụ ban ơn thánh hoá, thì chính Thiên Chúa thánh hoá  người tin ở Ngài, chứ chúng ta không thánh hoá được ai, vì chúng ta cũng là người tội lỗi, bất xứng, và chỉ là khí cụ của Thiên Chúa, chứng nhân của Ngài, “đầy tớ vô dụng phải làm việc của ông chủ trao phó”.
Chẳng thế mà thánh Phaolô đã thú nhận : “Khi đế với anh em, tôi thấy mình yếu kém, sợ sệt và run rẩy. Tôi nói, tôi giảng mà chẳng có dùng lời lẽ khôn khéo hấp dẫn, nhưng chỉ dựa vào bằng chứng xác thực của Thần Khí và quyền năng Thiên Chúa” (1 Cr 2,3-4). Nói cách khác, khi loan báo Mầu Nhiệm của Thiên Chúa, thánh tông đồ dân ngoại đã chỉ làm chứng, và dựa hoàn toàn vào quyền năng Thiên Chúa, chứ không dựa vào “lời lẽ hùng hồn hoặc triết lý cao siêu” (1 Cr 2,1), bởi thánh tông đồ ý thức rõ rệt : “Kẻ trồng, hay người tưới chẳng là gì cả, nhưng Thiên Chúa, Đấng làm cho lớn lên mới đáng kể” (1 Cr 3,7).
Vâng, ánh sáng mà Thiên Chúa muốn chúng ta là, sẽ không là ánh sáng làm chói mắt của kiêu căng, ánh sáng thiêu đốt của lửa bạo lực, ánh sáng làm nhức đầu của tước vị, danh dự cá nhân, và ảnh hưởng, quyền lợi phe nhóm, hay ánh sáng làm kinh hãi, khiếp sợ những người nghèo hèn, bé nhỏ, không tiếng nói, nhưng là ánh sáng “sẽ bừng lên như rạng đông” khi ta “chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ ; thấy mình trần thì cho áo che thân, không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục” (Is 58,7-8), như ngôn sứ Isaia đã công bố trong bài đọc thứ nhất.
Xin cho chúng con khiêm tốn khi biết mình phải trở nên Muối và Đèn Sáng : muối làm cho lương thực mặn mà, ngon lành, nhưng không thay thế lương thực khi chấp nhận được quên đi, và nhận phần đóng góp rất bé nhỏ của mình cho bữa ăn, bởi khi đòi phải đạt số lượng lớn, muối sẽ làm cháy cổ mọi người, vì đồ ăn sẽ mặn chát. Cũng vậy, đèn sáng làm cho mọi người nhìn thấy nhau, và chiêm ngưỡng công trình tuyệt vời của Thiên Chúa, để nhận ra Thiên Chúa, nhưng đèn sáng không làm chói mắt, hoa mắt, mù loà mắt ai, khi ngạo mạn muốn chiếm chỗ của “Ánh Sáng thật, Ánh Sáng chiếu soi muôn dân” là Chúa, nhưng như người đầy tớ vô dụng, chúng con vâng lời và tận tụy làm những gì Chúa muốn trong thân phận bé nhỏ, yếu đuối của mình, và dù thiếu kinh nghiệm, hậu đậu, vụng về, chúng con vẫn tin : chính trong những thiếu sót, bất toàn, mà Chúa được vinh danh ; chính khi chúng con nhỏ đi như hạt muối, Chúa được lớn lên hiển trị.
Sau hết càng bé nhỏ, bất xứng như hạt muối bé, như ánh đèn nhỏ, chúng con và mọi người càng nhận ra “Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, danh Người thật chí thánh chí tôn, và lòng thương xót Chúa, từ đời nọ đến đời kia hằng bao bọc những ai kính sợ Người” (Lc 1,49-50).
Jorathe Nắng Tím