Tìm kiếm Blog này

Thứ Tư, 7 tháng 8, 2019

Người Quản Lý của Thiên Chúa

Suy Niệm TIN MỪNG CHÚA NHẬT 19 Thường Niên, Năm C : (Lc 12,32-48)
Tin Mừng Luca vẽ chân dung người quản lý tuyệt vời của Thiên Chúa với những tiêu chuẩn do chính Thiên Chúa đòi hỏi.
1.   Thiên Chúa đòi người quản lý phải trung tín:
Quản lý tài sản của một công ty mà không trung tín với giám đốc thì công ty sớm muộn cũng phá sản ; quản lý tài sản của ông chủ mà thiếu trung thực, thì trước sau ông chủ cũng sẽ ra đường ăn xin; quản lý ngân quỹ của đoàn thể mà không trung thành, thì đoàn thể sẽ nhanh chóng bị giải thể ; quản lý tiền bạc của gia đình mà thiếu trung hậu, thì gia đình không đói khổ, bất hạnh mới lạ.
Vì thế, Đức Giêsu khẳng định đòi hỏi thứ nhất của Ngài : người quản gia của Thiên Chúa phải là người trung tín (x. Lc 12,42). Nếu không sẽ bị Ngài “loại ra, và bắt phải chung số phận với những tên thất tín” (Lc 12, 46). 
2.   Thiên Chúa đòi người quản lý phải khôn ngoan:
Vì “được đặt lên để coi sóc kẻ ăn người ở, để cấp phát phần thóc gạo đúng giờ đúng lúc” (Lc 12, 42), để “coi sóc tất cả tài sản” (Lc 12, 44) của Thiên Chúa, nên người quản lý không thể ngu muội, đần độn, bối rối, vụng về, non dại, ngây ngô, nhưng phải khôn ngoan, khéo léo, tinh tế, để gia nhân chan hoà hạnh phúc, vui vẻ làm việc, khi lương bổng được phân phát công bình, điều kiện lao động được bảo đảm, sinh hoạt đời sống được chăm lo ; để gia sản “sinh sôi nẩy nở”, mà không hao hụt, thất thoát.
3.   Thiên Chúa đòi người quản lý phải có lòng nhân ái : 
Có nhiều quản lý gian ác, “trên đội dưới đạp”, gian manh, trí trá “cướp cơm chim” của đám gia nhân sợ quản lý hơn sợ chủ, vì số phận của họ nằm trong tay quản lý.
Đức Giêsu muốn người quản lý của mình phải có lòng nhân ái, biết cảm thương, bảo vệ, chăm sóc gia nhân, chứ không “đánh đập tôi trai tớ gái, và chè chén say sưa” (Lc 12,45). 
4.   Thiên Chúa đòi người quản lý phải hiên diện với tinh thần sẵn sàng và tỉnh thức:
Làm quản lý mà khi ông chủ thình lình ghé công ty kiểm tra mà không thấy quản lý đâu thì thật là xui xẻo, tai họa cho quản lý. Rơi vào trường hợp “dở khóc dở cười” này thì chỉ có nước lặng lẽ ra đi, khỏi cần lưu luyến, bịn rịn.
Với Đức Giêsu, người quản lý không chỉ hiện diện mà thôi, mà phải hiện diện trong tình trạng tỉnh thức và sẵn sàng lên đường thi hành ý muốn của chủ, bởi có nhiều quản lý chỉ hiện diện lấy lệ, hiện diện “cho có”, hiện diện thụ động, hiện diện lười biếng, và tất nhiên hiện diện giả hình. Tin Mừng Luca ghi rất chi tiết điều Đức Giêsu muốn ở người quản lý gia sản của Ngài : “Hãy làm như người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ vừa về tới và gõ cửa, là mở ngay. Khi chủ về mà thấy những đầy tớ ấy đang tỉnh thức, thì thật là phúc cho họ” (Lc 12, 36-37), bởi bổn phận của quản lý còn là canh chừng không để “trộm cắp đào tường, khoét vách nhà mình” (Lc 12, 39).
Nhưng gia sản, kho tàng của Thiên Chúa trao cho người quản lý gìn giữ, làm sinh lợi là kho tàng, gia sản nào ?
5.    Trước hết là kho tàng ơn phúc:
Đó là những khả năng, phương tiện, hoàn cảnh Thiên Chúa ban để mưu tìm hạnh phúc cho chính mình và cho người khác, bắt đầu từ những người ta có trách nhiệm. Và khi mưu tìm hạnh phúc cho con người cũng chính là lúc chúng ta tôn vinh danh Chúa, và tìm gặp Thánh Ý Ngài, bởi “con người sống”, tức sống hạnh phúc “là vinh quang của Thiên Chúa” như thánh Irênê thành Lyon đã viết.
Tin Mừng về dụ ngôn những nén bạc khẳng định vốn liếng quý báu Thiên Chúa ban cho mỗi người và mỗi người đều có bổn phận làm sinh lời, như đòi hỏi ở người quản lý tốt và có khả năng, để được Thiên Chúa khen là tôi tớ trung thành và tài giỏi (x. Lc 19,12-26).
6.   Gia sản Lòng Thương Xót Chúa:
Lòng Thương Xót là gia sản lớn và quý giá Thiên Chúa trao cho chúng ta để chúng ta làm sinh lời bằng loan báo cho mọi người : Thiên Chúa là Đấng giầu lòng thương xót luôn yêu thương con người, “để ai tin vào Ngài thì được cứu độ” (Mc 16,16).
Lòng Thương Xót là chính Thiên Chúa, là Chân Lý và là Đường Thiên Chúa muốn con người tìm kiếm và bước đi để có hạnh phúc, bởi chỉ có một hạnh phúc lớn nhất mà con người mong đạt tới là được Thiên Chúa xót thương. 
Đức Giêsu là Dung Mạo đích thực của Chúa Cha giầu lòng thương xót, nên người môn đệ Đức Giêsu cũng phải trở nên giống Thầy mình ở lòng thương xót anh em mình. Đây chính là giới răn duy nhất Đức Giêsu truyền cho những ai muốn đi theo Ngài phải thực hiện, “vì duy nhất một dấu chỉ để người ta nhận biết chúng con là môn đệ Thầy là chúng con thương yêu nhau” (Ga 13,35).
Tóm lại, mỗi người chúng ta đều là người quản lý ơn sủng và lòng thương xót của Chúa, đúng hơn là ơn sủng của Lòng Thương Xót Chúa. Như người quản lý trung tín, khôn ngoan, luôn sẵn sàng và tỉnh thức với lòng nhân ái, chúng ta được mời gọi làm cho những nén bạc, và gia sản, kho tàng của Lòng Thương Xót Chúa được “sinh sôi nẩy nở” gấp trăm, gấp ngàn, gấp triệu lần khắp nơi và mọi thời, để “con người được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10), để “Danh Thiên Chúa được cả sáng, Nước Thiên Chúa trị đến, và Ý Thiên Chúa được thể hiện dưới đất cũng như trên trời” (Mt 6, 9-10).
 Jorathe Nắng Tím