Tìm kiếm Blog này

Thứ Sáu, 21 tháng 2, 2020

NHỮNG THIÊN THẦN ÁO TRẮNG

 Ngày Thầy Thuốc Việt Nam 27/02 
Người mẹ âu yếm gọi con Thiên Thần của Mẹ !, người chồng hạnh phúc thỏ thẻ : Thiên Thần của anh !, những người tình dấu ái đặt tên cho nhau : Thiên Thần bé nhỏ ! Thiên Thần dễ thương !.
Đó là những thiên thần của riêng một người : thiên thần con của mẹ, thiên thần vợ của chồng, thiên thần tình nhân của người tình. Bên cạnh những thiên thần riêng tư, bí mật, luôn ở số ít này, là những thiên thần chung của nhân loại, luôn ở số nhiều, vì được mọi người yêu mến, ngưỡng mộ, và đặt trọn niềm tin, hy vọng, với tên gọi tuyệt vời lãng mạn, cao cả, dũng cảm, can trường,  hiền hoà, gần gũi, nhân ái, hy sinh : Những Thiên Thần áo trắng.
Họ là những thiên thần áo trắng lãng mạn, vì tâm hồn thanh cao, bay bổng, bởi có thanh cao vời vợi mới dám nghĩ đời mình sẽ gắn liền và đồng hành với người đau bệnh trong những cơn ác chiến tranh giành sự sống ; có thênh thang bay bổng trong trời lý tưởng vô biên, mới dám chọn nghề đấu đá với tử thần, cứu sống người thập tử nhất sinh. Áo trắng thanh cao, lãng mạn vì áo trắng ôm lý tưởng yêu con người ; áo trắng bay xa, bay cao đến tận vùng trời thiêng liêng, thần thánh, vì áo trắng muốn cất bổng con người lên cao, khi xốn xang thương cảm kiếp người khổ đau vì bệnh tật. Bởi thế, áo trắng luôn đẹp lạng mạn, thanh cao, vì một đời tự nguyện đứng chung chiến tuyến với những con người đau khổ đang vất vả chiến đấu vì sự sống.
Họ là những thiên thần áo trắng cao cả trong sứ mệnh, qủa cảm trong hành động, dũng cảm trong tư duy, bởi đương đầu với tử thần, chiến đấu cho sự sống, kề cận với thương đau đòi một khối óc thông minh, một trái tim đầy tình, và một ý chí  kiên trì, sắt đá. Áo trắng không bao giờ hèn nhát, nhu nhược, lười biếng, yếu đuối, buông xuôi, bởi nếu buông xuôi, yếu đuối, nếu lười biếng, nhu nhược, áo trắng chẳng cứu được ai, chẳng cho ai niềm hy vọng được cứu sống ở giờ lâm tử nguy kịch.
Họ là những thiên thần áo trắng gần gũi, hiền hoà, bởi chỉ hiền hoà mới gần gũi được những con người đang khó chịu vì đau, đang khó sống, vì bệnh, đang khó ăn, khó ở vì thử thách bủa vây ; chỉ hiền hoà mới chia sẻ được với những con người cùng lúc vừa khao khát sự sống, vừa chán ngán đời sống, vừa ham sống, vừa sợ sống.
Họ là những thiên thần áo trắng tận tụy, hy sinh, vì có lòng nhân ái, thương người, bởi không thương người, làm sao có thể  hy sinh, tận tụy và dồn hết tâm lực, khả năng chuyên môn để tìm phương án nhanh nhất, hiệu qủa nhất, hầu cứu mạng người ngàn cân treo sợi tóc thoát lưỡi hái tử thần chực sẵn.
Họ còn là những thiên thần áo trắng của đêm khuya hắt hiu, đêm dài căng thẳng, đêm trực đổ mồ hôi, đêm buồn bất lực trước bệnh nhân không thể cứu ; những thiên thần áo trắng của bệnh viện mà liên tục ra vào những khuôn mặt hớt hải, lo lắng, thất thần của người nhà bệnh nhân, những hành lang dài buồn hun hút nghe được tiếng thở dài từ các phòng bệnh hai bên, những băng ca lạnh lẽo chuyển người bệnh vừa tắt thở xuống nhà xác.
Họ là những thiên thần áo trắng mang nỗi buồn bệnh viện về nhà, mang hình ảnh bệnh nhân đau đớn trong tim, lưu giữ hình ảnh ca mổ năm thắng năm thua trong đời. Sống vì người bệnh, sống cho bệnh nhân, những thiên thần áo trắng đã để trắng đời mình cho một tình yêu tuyệt vời tinh khiết dành cho đồng loại đau khổ vì bệnh tật.
Chắc chắn tôi và bạn, chúng ta đã gặp gỡ trong đời những thiên thần áo trắng đáng yêu cách này hay cách khác. Riêng tôi, không chỉ gặp, mà còn làm phiền các thiên thần này không ít : chưa đầy một tuổi, mẹ tôi đã ẵm tôi đến làm phiền nhiều bác sĩ ở Hà Nội, vì căn bệnh cổ họng hiểm nghèo ; năm bảy tuổi, tắm sông chết đuối, các cô y tá ở trạm xá ấp đã cứu sống thằng bé tinh nghịch, liều mạng ; chưa xong trung học thì một phen tưởng chết, không có bác sĩ Hiền và các chị y tá ở Long Xuyên thì chắc không còn sống đến hôm nay ; năm thứ nhất đại học thì ruột thừa buồn đời nổ tung, báo hại bác sĩ Đỗ Thức Diêu ở bệnh viên Rạch Giá vất vả chăm sóc ; về nằm bệnh viện Saint Paul, Sàigòn vài tháng nữa mới yên ổn, đi học lại. Từ ngày xa quê hương, tôi  cũng vẫn không chiụ rời xa các bác sĩ, y tá với mổ mắt, trám răng, đau nhức chân tay… Và biết sẽ còn tiếp tục làm phiền các thiên thần áo trắng cho đến ngày từ giã cõi đời .
Qủa thực, không mấy ai không đau bệnh, vì bệnh là một trong tứ khổ của đời người mà Đức Phật đã qủa quyết với chúng sinh. Bệnh làm đời người buồn, làm người đời đau, làm cuộc đời rút vắn, ngắn ngủi lại.
Trong hoàn cảnh đau bệnh, chúng ta hầu như bất lực, dù có tiền của, nhưng nếu không có các thiên thần áo trắng thương yêu, chăm sóc, cứu chữa ; trong cơn bệnh nguy hiểm thường bất ngờ, đột xuất, chúng ta hầu như mất hết tinh thần, hốt hoảng vì không biết bám víu vào đâu, dù nhiều bạn bè, thân nhân, nếu không có các bác sĩ, y tá có lòng nhân ái và khả năng chuyên môn ; trong những ngày nằm bệnh,chúng ta dễ thất vọng, nản chí, dù gia đình thường xuyên có mặt, nếu không được bác sĩ, y tá, những nguời phục vụ khác trong bệnh viện động viên, nâng đỡ, vì chỉ có những thiên thần áo trắng này mới hiểu chúng ta đau đớn đến cỡ nào, mới biết chúng ta cần gì, mới đủ khả năng đáp ứng nhu cầu cần được cứu chữa của chúng ta, nhất là chỉ có họ mới ngày đêm  túc trực bên chúng ta.         
Ấy thế mà chúng ta dễ quên họ, mặc dù biết không có họ, chúng ta đã chết mất xác từ khi nào, như tôi đây đã nhiều lần tưởng chết. Không có những thiên thần áo trắng bay lượn trong đời để che chở, chống đỡ trước đe doạ của thần chết làm sao chúng ta được tiếp tục sống để yêu thương sau những cơn bạo bệnh ; thiếu bóng dáng của những thiên thần áo trắng bên giường bệnh chăm sóc, ủi an, làm sao chân tay ta lành lặn lại sau tai nạn kinh hoàng, trí óc trở lại minh mẫn,  tim phổi, ruột, gan, mắt, mũi  sinh hoạt bình thường, nhưng vẫn cùng một rất tiếc : chúng ta qúa dễ quên, và nhanh quên những thiên thần áo trắng ân nhân này !
Ngày Thầy Thuốc Việt Nam, ước mong sẽ là ngày chúng ta dừng chân để nhớ những con người mang áo trắng thanh cao âm thầm và tận tụy ngày đêm phục vụ trong các bệnh viện. Họ là những thiên thần đem lại niềm hy vọng cho đồng loại đang tuyệt vọng, như bác sĩ Li Wenliang, người đầu tiên lên tiếng cảnh báo dịch Corona tại Vũ Hán, bị nhà cầm quyền chụp mũ loan tin đồn thất thiệt, gây chấn động quần chúng, đã  hy sinh mạng sống ngày thứ sáu 07 tháng Hai, năm 2020, vì bị lây nhiểm virus  trong khi chăm sóc, chữa trị bệnh nhân dịch Corona ở tuổi 34.
Ngày Thầy Thuốc Việt Nam ước mong sẽ là dịp chúng ta nhớ đến những thiên thần áo trắng đã ân cần chăm sóc, và tận tình cứu chữá chúng ta thoát khỏi bệnh tật. Họ là ân nhân không chỉ của  riêng ta, nhưng của cả nhân loại, như các bác sĩ, y tá của hội Thầy Thuốc không biên giới đã luôn có mặt ở bất cứ nơi nào, bất chấp nguy hiểm bị lây nhiễm và bom đạn từ các phe lâm chiến trên thế giới vì sự sống của bệnh nhân.
Ngày Thầy Thuốc Việt Nam ước mong sẽ giúp ta nhận ra lòng quảng đại, tâm hồn cao thượng và tinh thần qủa cảm, hy sinh vì bệnh nhân của các bác sĩ, y tá và nhân viên y tế. Nhờ tình yêu và khả năng của những thiên thần áo trắng này, mà nhiều gia đình không bị bệnh tật cướp đi người thân, con thơ không mất mẹ hiền, vợ còn được sống bên chồng. Không quên họ, chúng ta còn có bổn phận nhớ và biết ơn họ, vì hơn ai hết, chúng ta và những người thân của chúng ta luôn cần đến trái tim, khối óc và bàn tay ban lại sức khỏe của họ.
Ngày Thầy Thuốc Việt Nam ước mong mỗi người sẽ ôn lại ký ức những ngày nằm bệnh viện, những giây phút chạy đua với thần chết, những khoảnh khắc quyết định sinh tử trên bàn mổ, mà thiếu bóng dáng những thiên thần áo trắng, chắc chắn chúng ta không còn có mặt hôm nay trong cõi đời này.
Vâng, ngày Thầy Thuốc Việt Nam cho tôi vinh dự và hạnh phúc được viết những dòng này, như tâm tình yêu mến, ngưỡng mộ, và biết ơn của người đã chiu ơn cứu chữa của các thiên thần áo trắng. 
Cám ơn các vị đã cho tôi sống, không chỉ sống nhờ thuốc men, mà còn sống bằng những ấn tượng yêu thương và hy sinh của các vị mãi đậm nét trong tôi.
Cám ơn các vị đã cho cuộc đời niềm vui không gì có thể so sánh, khi ban cho người sắp chết hy vọng được hồi sinh, cho người yếu nhuợc hy vọng được hồi sức, cho người cám cảnh kiệt lực hy vọng được  hồi phục.
Cám ơn các vị, những ân nhân của thế giới, khi lấy đi khỏi loài người nỗi lo sợ phải chết vì bệnh, và ban lại cho con người niềm vui Sức Khỏe và Bình An.
Và mãi mãi cám ơn các vị, những Thiên Thần Áo Trắng của chúng tôi mà một đời ngời sáng tình nhân ái, và tuyệt vời những giọt mồ hôi hy sinh, mà chỉ những ai mang trái tim thiên thần mới có được tình yêu đồng loại thánh thiện này.
Jorathe Nắng Tím

MÙA CHAY TRUYỀN GIÁO (4)

NHIỆT TÂM - NHIỆT THÀNH
Đang đi dọc theo biển hồ Galilê, Đức Giêsu thấy ông Simon, cũng gọi là Phêrô và người anh là Anrê đang quăng chài xuống biển … Người bảo các ông : “Các anh hãy theo tôi .. Đi một quãng nữa, Người thấy hai anh em khác con ông Dêbêđê là ông Giacôbê và người em là ông Gioan…Người gọi các ông. Lập tức các ông bỏ thuyền, bỏ cha lại mà theo Người. Thế rồi, Đức Giêsu đi khắp miền Galilê, giảng dậy trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời, và chữa hết mọi kẻ bệnh hoạn tật nguyền trong dân… Thiên hạ mang đến cho Người đủ thứ bệnh hoạn tật nguyền : những kẻ bị qủy ám, kinh phong, bại liệt, và Người đã chữa họ…và dân chúng lũ lượt kéo đến đi theo Người” (Mt 4,18-25).
Thánh sử Mátthêu chỉ một đọan ngắn đã làm chúng ta “chóng mặt” với những việc Đức Giêsu làm : Ngài đi dọc bờ biển, đi lên đi xuống khắp miền, gọi người này, chọn người kia, chú giải Kinh Thánh trong hội đường của người Do Thái, chữa bệnh, trừ qủy, giảng dậy, loan báo Tin Mừng Nước Trời cho đám đông đi theo Người.
Chỉ cần đếm hết một dẫy dài động từ cũng đủ thấy Đức Giêsu đã hăng say, nhiệt thành và vội vã đến mức nào trong sứ vụ loan báo Nước Thiên Chúa. Sự vội vã ấy nói lên mức độ khẩn trương của việc  loan báo Tin Mừng, lòng nhiệt thành ấy bầy tỏ tính gấp rút của việc sám hối, trở về, vì ơn cứu độ đã đến gần, và niềm hăng say cho thấy thời gian không còn nhiều, vì “cái rìu đã đặt sát gốc cây : bất cứ cây nào không sinh qủa tốt đều bị chặt đi và quăng vào lửa” (Mt 3,10). Ở đây, chúng ta không bàn đến độ khẩn trương, gấp rút, vì ngày tận thế sắp đến, như nhiều người hay hoảng loạn tung tin,  vì Đức Giêsu không kêu gọi mọi người sám hối, ăn năn vì sợ bị Thiên Chúa trừng phạt, nhưng kêu gọi thống hối, trở vể để được vào Vương Quốc của Thiên Chúa : “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần” (Mt 3,2). Chính vì  Nước Thiên Chúa là hạnh phúc vô cùng lớn, vô cùng qúy mà Đức Giêsu đã vội vã, nhiệt thành, hăng say loan báo, kêu gọi, mở rộng, bành trướng, làm cho lan tràn, toả sáng để không một ai phải bất hạnh, vì không được hưởng hạnh phúc tuyệt vời này.
Như thế, Nước Trời, Nước Thiên Chúa, Vương Quốc của Thiên Chúa là điểm tới, đích tới, điểm hẹn của tất cả nhân loại, và nhà truyền giáo được Thiên Chúa sai đi để loan báo : Phúc cho ai chiếm được Nước Trời, phúc cho người có Nước Trời làm gia nghiệp, phúc cho kẻ được phần thưởng lớn lao trong Vương Quốc Thiên Chúa (x. Mt 5, 3.4.10.12).
Nhưng Nước Trời, Nước Thiên Chúa ấy cũng chính là Thiên Chúa, bởi Thiên Đàng, kiểu nói khác của Nước Trời, Nước Thiên Chúa là nơi  người được Thiên Chúa chúc phúc sẽ được chính “Thiên Chúa ủi an” (Mt 5,5), được chính “Thiên Chúa cho thoả lòng” (Mt 5,6), được chính “Thiên Chúa xót thương” (Mt 5,7), được “nhìn thấy chính Thiên Chúa” như người là (Mt 5,8), và được gọi là “con Thiên Chúa” (Mt 5,9). 
Đó là hạnh phúc tuyệt đối của con người mong đơi, là đích tới tuyệt đối của nhân loại khát mong sau hành trình trần thế, là tất cả những gì con người hy vọng, nhờ được Thiên Chúa yêu thương, cứu chuộc.
Chính vì hạnh phúc ấy tuyệt đối, phần thưởng ấy tuyệt đối, mà Đức Giêsu đã nhiệt tâm, nhiệt tình hối hả, vội vã loan báo, mời gọi và mang đến cho mọi người, vì không muốn bất cứ ai mất cơ hội Nước Trời, khi Nước Trời đã đến gần, không để ai lỡ chuyến đò hẹn hò với Thiên Chúa, vì “Người đã đến nhà mình” (Ga 1,11), và đang ở giữa chúng ta.
Đức Giêsu đã nhiệt tâm, nhiệt tình, nhiệt thành, nhiệt huyết với sứ vụ loan báo Tin Mừng cứu độ, vì Ngài biết đạt đến Thiên Chúa, chạm được Thiên Chúa, ở với Thiên Chúa, ở trong Thiên Chúa là hạnh phúc vô cùng, và tuyệt đối của con người, mà tình yêu đã thúc bách Ngài xuống thế làm người để con người nhận được hạnh phúc “có Thiên Chúa” ấy.
Vâng, nhà truyền giáo được sai đi để cộng tác với Đức Giêsu trong sứ vụ duy nhất này, nghiã là ngoài sứ vụ loan báo Tin Mừng để muôn người, muôn dân được cứu rỗi, các vị không bị ràng buộc, cũng không nên để mình bị trói buộc vào bất cứ  nhiệm vụ trần thế, nghiệp vụ trần gian mang tính “khuyến mãi, vắt vai, vớt vát” nào khác, và chỉ như thế, các vị mới có thể “toàn tâm toàn ý” để có thể thi hành sứ vụ thiêng liêng được trao phó với lửa “nhiệt tâm lo việc nhà Chúa” (Ga 2,17).  
Và để sứ vụ được thi hành với lòng nhiệt thành như Đức Giêsu, nhà truyền giáo cũng phải như Ngài, được thúc bách bởi Thánh Ý Chúa Cha, và Hạnh Phúc của con người :
1.    Đức Giêsu nhiệt thành với sứ vụ, vì  tuyệt đối vâng phục Thánh Ý Chúa Cha :
Đức Giêsu xuống thế làm người không vì bất cứ lý do gì, ngoài thực hiện Thánh Ý Cha Ngài. Trong Tin Mừng, Đức Giêsu không ngớt bầy tỏ lòng vâng phục tuyệt đối Thánh Ý Chúa Cha, như Ngài nói với những người Do Thái :
“Tôi bảo thật các ông : người Con không thể tự mình làm bất cứ điều gì, ngoại trừ điều Người thấy Chúa Cha làm ; vì điều gì Chúa Cha làm, thì người Con cũng làm như vậy” (Ga 5,19), “Tôi không tìm cách làm theo ý riêng tôi, nhưng theo ý Đấng đã sai tôi » (Ga 5,30), cũng như “tất cả những người Chúa Cha ban cho tôi đều sẽ đến với tôi, tôi sẽ không loại ra ngoài, vì tôi tự trời mà xuống, không phải để làm theo ý tôi, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai tôi” (Ga 6, 37-38). Vì thế, “Đấng đã sai tôi vẫn ở với tôi ; Người không để tôi cô độc, vì tôi hằng làm những điều đẹp ý Người” (Ga 8, 29). Ngay ở giây phút kinh hoàng, khi “mồ hôi Người như những giọt máu rơi xuống đất” (Lc 22,44)  trong vườn Cây Dầu trước giờ bị bắt đem đi chịu khổ hình và chịu chết, Đức Giêsu vẫn một lòng vâng phục Thánh Ý : “Lậy Cha, xin đừng theo ý con, nhưng xin theo Ý Cha mọi đàng” (Lc 22,42)   
Và Đức Giêsu mặc khải cho chúng ta biết Thánh Ý của Chúa Cha khi qủa quyết: “Ý của Đấng đã sai tôi là tất cả những kẻ Người đã ban cho tôi, tôi sẽ không để mất một ai, nhưng sẽ cho họ sống lại ngày sau hết. Thật vậy, ý của Cha tôi là tất cả những ai thấy người Con và tin vào người Con, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết” (Ga 6,39-40), vì Thiên Chúa yêu nhân loại, nên “đã sai Con Một đến thế gian, để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống” (1 Ga 4,9).
Như thế, sứ vụ của nhà truyền giáo chính là làm cho mọi người nhận biết và tin ở Đức Giêsu, Thiên Chúa làm người, để họ được sống muôn đời, khi nhà truyền giáo được kêu gọi cộng tác với Đức Giêsu để trở thành những kẻ lưới người như lưới cá (Mc 1,17).
Hình ảnh ngư phủ quăng lưới bắt cá là hình ảnh tuyệt đẹp của nhà truyền giáo được sai đi tìm kiếm và đưa về với Thiên Chúa những con người khao khát  được sống hạnh phúc thật, với tình yêu tuyệt đối của Thiên Chúa trong Vương Quốc của Ngài, và hình ảnh ấy còn đẹp hơn gấp bội khi nhà truyền giáo ý thức mình được sai đi để thực hiện Thánh ý, khi luôn trung thành và khiêm tốn thưa với Đức Giêsu, như Phêrô : “Vâng lời Thầy, con thả lưới”, dù “chúng con đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả” (Lc 5,5), bởi chính khi làm theo Thánh Ý, khi vâng lời “chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới” (Lc 5,4), là lúc các tông đồ “bắt được nhiều cá đến nỗi hầu như rách cả lưới, phải làm hiệu cho các bạn chài trên chiêc thuyền kia đến giúp. Những người này tới, và họ đã đổ lên được hai thuyền đầy cá, đến gần chìm” (Lc 5,6-7).
2.   Đức Giêsu nhiệt tâm, nhiệt thành vì Tình Yêu Chúa Cha, và lòng thương xót nhân loại thúc bách :
Không chỉ tình yêu dành cho Chúa Cha, mà cả lòng thương xót dành cho con người đã thúc bách Đức Giêsu nhiệt tâm, nhiệt tình truyền giáo, loan báo Tin Mừng Cứu Độ. Tình yêu thúc bách Ngài vâng phục, tình yêu thúc đẩy Ngài vội vã lên đường, hăng hái rao giảng, nhiệt tình cứu chữa.
Cũng như Đức Giêsu, nhà truyền giáo sẽ chỉ có thể nhiệt tâm với sứ vụ, và nhiệt thành thực hiện Thánh Ý, nếu trí khôn nắm bắt Thánh Ý muốn cứu độ toàn thể nhân loại, vì yêu thương của Thiên Chúa, và trái tim đầy tràn tình yêu của Chúa Cha để có thể yêu thương anh em mình như Thiên Chúa yêu thương, và  thao thức, khắc khoải, khao khát, tìm kiếm hạnh phúc được sống đời đời cho đồng loại, bằng nhiệt tâm, nhiệt tình thực hiện sứ vụ truyền giáo khi được sai đi.
Như Đức Giêsu nhiệt tâm nhiệt tình trên đường truyền giáo, nhà truyền giáo cũng phải đốt nóng trái tim mình bằng tình yêu các linh hồn của Chúa Cha, để nhiệt huyết tông đồ, lòng nhiệt thành rao giảng, nhiệt tình làm chứng Đức Giêsu bùng lên Ơn Cứu Độ cho mọi người.   
Bởi nhà truyền giáo không được tình yêu các linh hồn của Đức Giêsu chiếm đoạt và thúc bách, các vị sẽ không bao giờ cảm được trái tim lọan nhịp vì khao khát các linh hồn của Đức Giêsu, và  hiểu được sự cần thiết của lòng nhiệt thành truyền giáo trước cảnh “lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít” (Mt 9,37), cũng như mức độ tha thiết của tâm hồn Đức Giêsu  khi bảo các môn đệ : “Anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về” (Mt 9,38). 
Bởi khi trái tim nhà truyền giáo không được tình yêu các linh hồn chiếm đóng để ước mong mọi người được đón nhận Tin Mừng (Cv 26,29), các vị sẽ không thể nhiệt thành và “mạnh dạn” rao giảng như Phêrô và Gioan (x. Cv 4,13), nhiệt tình loan báo Tin Mừng đến nỗi bị người đời coi là điên như Phaolô (x.Cv 26,25), mà không chỉ thiên hạ, nhưng chính Phaolô cũng tự nhận mình điên vì Tin Mừng khi viết cho giáo đoàn Côrinthô :
“Tôi nói như người điên : tôi còn hơn họ nữa ! Hơn nhiều vì công khó, hơn nhiều vì ở tù, hơn gấp bội vì chịu đòn, bao lần suýt chết. Năm lần tôi bị người Do Thái đánh bốn mươi roi bớt một ; ba lần bị đánh đòn ; một lần bị ném đá ; ba lần bị đắm tầu ; một đêm một ngày lênh đênh giữa biển khơi ! Tôi còn hơn họ, vì phải thực hiện nhiều cuộc hành trình, gặp bao nguy hiểm trên sông, nguy hiểm do trộm cướp, nguy hiểm do đồng bào, nguy hiểm vì dân ngoại, nguy hiểm ở thành phố, trong sa mạc, ngoài biển khơi, nguy hiểm do những kẻ giả danh là anh em. Tôi còn phải vất vả mệt nhọc, thường phải thức đêm, bị đó khát, nhịn ăn nhịn uống và chịu rét mướt trần truồng” (2 Cr 11,23-27).
Không có “Tình Yêu Đức Kitô thúc bách” và  trái tim khát khao phần rỗi các linh hồn và hạnh phúc Nước Trời của anh em đồng loại, nhà truyền giáo sẽ không bận tâm, bận trí  vì mang nỗi khắc khoải truyền giáo, như  thánh tông đồ dân ngoại viết : “Nỗi ray rứt hằng ngày của tôi là mối bận tâm lo cho tất cả các Hội Thánh ! Có ai yếu đuối mà tôi lại không cảm thấy mình yếu đuối ? Có ai vấp ngã mà tôi lại không cảm thấy lòng sôi lên ?” (2 Cr 11,29).
Nhà truyền giáo cũng không thể nhiệt thành như các thánh Tông Đồ đã chấp nhận mọi gian nan, thử thách, để đến với muôn dân (x. Rm 15,17), ngõ hầu “ân huệ đã lãnh nhận từ Thiên Chúa  không trở nên vô hiệu” (2 Cr 6,1), nếu thiếu lửa tình yêu các linh hồn được chính Thánh Thần Tình Yêu thắp sáng.
Và khi nhà truyền giáo không được Thánh Thần là Lửa Tình Yêu đốt nóng, các vị sẽ lạnh lùng, không sốt sắng việc “Nhà Chúa” ; lạnh nhạt, thờ ơ với sứ vụ ; nhạt nhẽo, dửng dưng trước hạnh phúc đời đời của tha  nhân ;  lãnh đạm, ỷ nại khi phải cộng tác ; lười biếng, tiêu cực khi phải đồng hành ; chán ngán, vật vờ như  xác không hồn khi đến với người khác, và sứ vụ truyền giáo của các vị ngày càng trở nên nặng nề, khó cam, khó thực hiện.
Qủa thực, truyền giáo mà không hăng say, truyền giáo mà thiếu lửa nhiệt thành, thì truyền giáo không đem lại hoa trái thiêng liêng, vì thiếu phần đóng góp của con người, như “năm chiếc bánh và hai con cá”, tuy rất ít nhưng cần thiết, rất bé nhỏ nhưng không thể thiếu, để Thiên Chúa “có thể” thực hiện những kỳ công vĩ đại và nhiệm lạ, vì Ngài cần sự cộng tác của chính con người trong công cuộc cứu độ con người.
Vì thế, nhà truyền giáo không nhiệt thành cũng như xe lửa không  đầu máy : thiếu đầu máy , xe lửa không  chạy ; thiếu nhiệt thành của nhà truyền giáo, Tin Mừng không đến được với ai, bởi như thánh Inhaxiô nói : “Bạn hãy cầu nguyện vì tất cả đều do Thiên Chúa, nhưng hãy hành động như thể tất cả đều do bạn”.  
Hơn bao giờ hết, con người thời nay không còn muốn nghe Tin Mừng và  phần đông không còn cảm thức về Thiên Chúa. Nhưng cũng hơn lúc nào hết, Thiên Chúa nói với chúng ta, những người Kitô hữu : “Ta đã nhận lời ngươi vào thời Ta thi ân, phù trợ ngươi vào thời Ta cứu độ” (2 Cr 6,2), nên chúng ta đừng bi quan, chủ bại trước khó khăn, không thuận lợi của công cuộc truyền giáo. Trái lại, với tình yêu Đức Giêsu và các linh hồn thúc bách, và với ơn phù trợ của Chúa Thánh Thần, cùng với Giáo Hội và trong Giáo Hội, chúng ta tiến bước bình an, với lòng nhiệt thành phục vụ, với nhiệt tâm loan báo Tin Mừng, với nhiệt huyết không vơi cạn của người được Thiên Chúa sai đi.
Jorathe Nắng Tím  

ĐỪNG HỎI TÌNH YÊU SẼ VỀ ĐÂU


Khoa học ngày càng tân tiến cho phép con người tính toán chính xác “đường đi nước bước” của hầu hết các chuơng trình, kể cả các chương trình không gian, lên các hành tình thăm thẳm cách xa trái đất. Người ta tính bằng số và vẽ ra trên biểu đồ. Thói quen văn minh tính toán ấy đã ảnh hưởng đến sinh hoạt tình cảm và nhiều người đã yêu nhau bằng những phưong thức khoa học tính toán này.
Với những con người khoa học, đường tình giống như những con đường khác, do những điểm nhỏ nối lại. Như những con đưòng khác, nên đường tình cũng được đo đạc bằng thước, phân chia từng chặng, thống kê thành cây số. Dưới cùng lăng kính khoa học, đuờng tình sẽ giản dị, đơn thuần như những con đường tráng nhựa, đắp đất. Và như thế, người ta có thể kiểm tra, định đoạt, sắp xếp chính xác khởi điểm cũng như đích điểm của tất cả các con đường tình.
Cứ theo quan điểm này, ta sẽ phải sắp đặt trước con đường ta sẽ đi khi yêu nhau, sẽ chuẩn bị thật kỹ để không sai lệch những mấu chốt tương lai, sẽ cân đo chính xác mọi xác suất và giảm thiểu đến mức thấp nhất những hụt hẫng, thất bại. Đường tình sẽ được vẽ sẵn trên bản đồ và người tình sẽ cứ theo đó mà đi.
Quả thực, không chỉ những người có óc khoa học mà cả những người thiếu học hay “óc bã đậu” cũng đã cố gắng trong khả năng của mình dự đoán và tính toán cho tương lai của tình yêu. Cô nào khi lấy chồng chẳng tính tương lai, cậu nào khi hỏi vợ chẳng bóp trán lo những ngày tới? Có tính toán là có ước mong thành công. Vì mong ước thành công mới dầy công tính toán. Nhưng đã có bao nhiêu cuộc tình thành tựu theo ước tính, có bao nhiêu đưòng tình lên xuống đúng theo bản đồ, có bao nhiêu ngày mai đã xẩy ra như dự kiến của hôm nay? Câu trả lời không có phần trăm đúng sai, vì tùy thuộc nhiều điều kiện, nhiều cái nhìn, nhiều suy nghĩ, nhiều chọn lựa rất khác nhau. Tôi chọn suy tư, cái nhìn của riêng tôi để chia sẻ với bạn.
Đã có một thời, tôi nhìn tình yêu như một tặng vật và tôi có quyền sở hữu, có khả năng điều khiển, quyết định trên tình yêu; nhưng bỗng tình yêu lánh mặt, hoàn cảnh chung quanh đổi thay cay nghiêt, ném tôi vào sa mạc nóng bỏng, khô khan, chết choc. Chung quanh tôi không còn gì, không có ai, không giải đáp, không đợi chờ. Tôi khám phá tận cùng cái bất lực của mình và nhận ra trong tận cùng đen tối ấy giới hạn của tôi. Sau này tôi mới hiểu, đó là giai đoạn thanh luyện của tình yêu.
Rồi một thời những biến cố dồn dập, tình yêu tôi ngoi ngóp nửa sống nửa chết. Đông qua, tôi tưởng Xuân về, nhưng Xuân tránh tiếng, Hè ẩn mặt, trả tôi lại với Thu buồn ảm đạm, đẩy tôi vào đường cùng ngõ cụt khi người tình thay mặt, đổi tính, bạc tình. Tôi tưởng cuộc tình chấm dứt từ đó và thấy mình đứng ở cây số cuối cùng của đường tình. Trong xót xa chán chuờng ấy, tôi ngơ ngác nhận ra mình chỉ là chú bé khờ dại đang học trò chơi yêu và hiểu rằng đường tình tôi đi là lớp học tôi phải khiêm tốn, nhẫn nhục thụ huấn.
Đến hôm nay, tôi nhìn nhận rằng tình yêu tôi không khác gì chim bay trong trời, tôi không thể thấy hết đường chim bay,vùng mây trôi, hướng gió thổi. Nói như thế không có nghiã buông xuôi, thả nổi để tình yêu vất vưởng như cánh lục bình không định hướng. Điều muốn nói ở đây là đừng hỏi tình yêu đi đâu, nhưng luôn theo sát tình yêu bằng cách thực hiện những bước chân thứ nhất. Theo sát tình yêu chính là yêu, là sống từng giây phút hiện tại yêu thương. Tôi có thể mù loà trong đêm tối, run rẩy trước tuyết đông, cháy khát giữa sa mạc; nhưng tình yêu tôi vẫn cố sống và quyết bám chặt.
Bám chặt tình yêu thương, tôi cố bước từng bước, dù nhỏ dù ngắn; nhưng không bước nào bị hụt hẫng hận thù, sập bẫy ghét ghen, vì mỗi bước chân đều có tình yêu dẫn lối. Đời tôi nối dài, trải rộng nhờ những bước yêu thương đi tới này. Mỗi bước đi tới là một bước tình yêu cho tình yêu dài thêm một phân, rộng hơn một tấc và cứ thế tôi lầm lũi đi. Khi đã đi như thế rồi, tôi học được thói quen đi và không còn thích dừng chân, trở lại. Đến một dạo, tôi nhận ra, tôi chỉ còn cắm đầu bước, bước bất cứ trong hoàn cảnh nào đến với bất cứ ai, miễn là những bước chân ấy không trệch tuyến đường yêu thương đã quen đi. Và để niềm vui luôn mới, tôi tập thói quen không nhìn lại những bước chân yêu thương đã đi, và chỉ chăm chú cho những bước chân đang đi, coi chúng như những bước chân thứ nhất, những bước chân đầu tiên còn rất mới. Và niềm vui mới từ đó cứ nở rộ mỗi ngày theo từng bước chân mới của tình yêu.
Kinh nghiệm trên tôi đã học nơi một người bạn bị phụ tình. Suốt thời gian bị vợ con ruồng bỏ, anh vẫn nhẫn nại chịu đựng và tiếp tục nuôi hy vọng hàn gắn tình yêu bằng hết tình yêu thương và hết mình phục vụ. Nhiều người coi anh là khùng điên, hèn nhát; nhưng với tôi, anh là người lớn, người có tình yêu lớn vì dám hy vọng xa, dám mở cho tình yêu chân trời mới, dám đợi chờ ở tình yêu ngày trở về đoàn tụ, dám tin tưởng ở một bắt đầu lại, một khởi sự mới tốt đẹp hơn.
Người “lớn.” là người không đóng khung đời mình và đời người khác trong những cũi sắt, lồng tre, không ngạo mạn, tự phụ “đã dư thừa.”, không huyênh hoang tự đắc luôn thành công; nhưng kiên trì với chọn lựa và thực hiện chọn lựa ấy bằng những bước chân bé nhỏ, thường ngày một cách kín đáo, khiêm nhường.
Hình ảnh người đồng hương lớn ấy ở mãi trong tôi. Nó thay đổi lời cầu nguyện của tôi và hướng tình tôi lên với Thánh Thần. Chính Thánh Thần Tình Yêu sẽ hướng dẫn những bước chân tình yêu và mở ra những con đường tình bạt ngàn, hun hút. Chính Ngài sẽ thổi sức sống cho tình yêu, sai gió đưa tình lên, sai mây rợp bóng trên tình, và gọi tình trở về với tim, với người. Tôi tin ở Thánh Thần khi làm những bước chân bé nhỏ, khi chập chững tập đi với người khác trên đường tình, nhất là tập liều mạng khiêm nhường làm những bước chân thứ nhất: bước chân hoà giải. Và tôi hân hoan trong ơn Ngài, ơn Trời nhiệm lạ, bao la, không bao giờ quên những hạt lúa chịu chôn vùi, mục nát vì yêu thương; ơn ấy cũng dạt dào, trào dâng trong những tâm hồn thao thức cho yêu thương để hạnh phúc nơi người khác được ngọt ngào trổ bông.
Như thế, tôi sẽ chẳng bận tâm thắc mắc tình yêu sẽ đi dâu. Đi đâu, đến đâu đã có Thánh thần Tình Yêu đưa đưòng dẫn lối. Phần tôi, tôi chỉ biết từng ngày làm hành trình đời mình bằng những bưóc chân thường ngày rất bé nhỏ của tình yêu. Và tôi sẽ cố gắng đến tận cây số sau cùng của đời người bằng những bước chân này.

TÌNH YÊU VÀ SỰ THẬT


Có thể cả đòi, ta không định nghiã nổi một lần: “Tình yêu là gì, Sự Thật là gì?", nhưng suốtt đời ta vẫn yêu say sưa và gắn bó sống chết cho tình yêu, sự thật. Sở dĩ không cần đến định nghiã là vì tình yêu, sự thật đã thiết thân đi liền với sự sống, đến độ không còn nhận ra chỗ đứng riêng lẻ của ba thực tại kết hợp này.
Quả thế, sự sống đến do tình yêu. Tình yêu của cha mẹ cho ta sự sống, tình yêu của người khác cho ta vào đời; ngay cả trong nghịch cảnh éo le nhất, ta vẫn luôn đến từ tình yêu của mẹ. Chính vì thế, có sự sống khi có tình yêu, và đâu có tình yêu ở đó sự sống nẩy mầm. Tình yêu và sự sống gắn chặt, đan quyện vào nhau, nên khi tách tình yêu ra khỏi sự sống thì sự sống sẽ lập tức héo tàn.
Nhung chưa đủ, tình yêu và sự sống còn đòi sánh vai, chung bước với sự thật. Sự thật là một thao thức triền miên và căn bản tiềm tàng trong con người. Không ai không yêu mến sự thật, cũng không ai muốn bị người khác lừa dối, bịp bợm. Sự thật cho tình yêu một chỗ dựa, cho sự sống một làn khí tốt. Sống mà không thở hay chỉ thở khí độc ô nhiễm thì sớm muộn cũng chết. Sự sống cần sự thật như khí lành cần cho phổi; không những chỉ cần như làn khí lành, như dưỡng khí tốt, nó còn cần như một điều kiện để tồn tại.
Hãy nhìn vào một cuộc sống thiếu sự thật, người sống trong cuộc sống này sẽ sống như những con rối trên sân khấu lừa bịp. Mỗi người mỗi vai, mỗi người mỗi áo, mỗi người một vũ trụ xa lạ. Vai trò áo mão chỉ để đóng kịch. Khi màn kéo lại, không ai nhận ra ai, vì sự thật không có.
Không có sự thật, người sẽ không dám tin người. Không dám tin, làm sao dám yêu, dám hợp tác, và thế giới thiếu sự thật ấy sẽ sụp đổ, tàn lụi theo đòi hỏi và quy trình của gian dối. Sở dĩ người ta gian dối vì người ta muốn đốn gục, áp chế nhau, trong khi sự thật dù thế nào đi nữa cũng chỉ giải phóng, gỡ trói con người. Khi sự thật đi vắng thì không những cuộc sống ngột ngạt mà đến trái tim cũng trống vắng, hoang mang. Một tình trạng vô hồn, vô cảm, vô vị như thế có còn cho con người sống quân bình, hạnh phúc?
Trong đời sống hằng ngày, ta có khuynh hướng và thói quen không nói hết sự thật. Không nói hết sự thật tức là chỉ nói một nửa hay một phần sự thật. Sự thật bị xếp xuống hàng bánh mì; nhưng bánh mì dù là nửa ổ, một phần tư ổ cũng vẫn là bánh mì, trong khi một nửa sự thật, một phần tư sự thật sẽ không còn là sự thật; vì sự thật không phải vật chất, nhưng có tính siêu việt, toàn phần.
Một vài thí dụ về sự thật bị cắt xén đục gọt: chị Tư nằm bệnh viện ít ngày, chồng phải đi làm đến tám giờ tối. Anh không thể săn sóc 4 đứa con nhỏ, phải nhờ vợ chồng cô cháu gái đến ở để trông coi. Sau khi xuất viện, vì một vài xích mích nhỏ, chị Tư đã bêu xấu chồng với nhiều người và “mồm loa mép dải” kể lể: “ Trong thời gian tôi nằm viện, anh ấy đã không trông nom các cháu, nhưng đưa gái về nhà trông nom hộ”. Chị không nói sai, nhưng không nói hết sự thật. Chị không gian dối, nhưng cắt xén sự thật. Chị không điêu ngoa, nhưng chỉ trình bầy một phần của sự thật. Kết quả là mọi người hiểu sai hoàn toàn sự thật, hiểu lầm hoàn toàn sự việc đã xẩy ra và quy tội cho anh. Sự thật ấy đáng lẽ phải được kể lại đầy đủ thì nay bị cắt tiả, bớt xén. Thay vì phải nói: “ Anh ấy không trông nom các cháu vì bận đi làm, thì chị bỏ phần sau “bận đi làm.”, chỉ giữ phần đấu: “anh ấy không trông nom các cháu”. Thay vì nói “đưa cả hai vợ chồng đứa cháu gái, chị chỉ chọn “đưa và gái ” và làm thành một câu, một sự thật mới không thật chút nào: “ anh ấy đua gái về nhà ”. Hẳn khi nghe chị “tả thương tả oán” cái cảnh đơn chiếc khổ sở trong bệnh viện và ông chồng vô trách nhiệm, bê tha, trắc nết, ai lại chẳng chép miệng trách móc, lên án ông chồng và thương cảm cho cô vợ xấu số. Có nhiều khi chỉ bớt đi một chữ, sự thật đã bị bóp méo tàn nhẫn và đem lại hậu qủa hoàn toàn trái ngược. Thì dụ thay vì nói đầy đủ sự thật qua câu: Cha sở tiếp cô Hồng trong phòng khách, ta bỏ đi chữ khách, người nghe sẽ bắt buộc phải hiểu khác và hình dung một khung cảnh gặp gỡ khác, có hại cho uy tín, thanh danh của cha sở và cô Hồng: “Cha sở tiếp cô Hồng trong phòng “. Ta có thể ngụy biện rằng phòng nào cũng thế thôi, vì phòng khách cũng là phòng. Ngụy biện như thế là ngụy biện ác ý, ác ý ở chỗ tạo nghi ngờ, thắc mắc, ác ý ở hành động tung hoả mù để mỗi người tự do hiểu theo nội dung nào mình thích, mà tâm lý chung thì ai cũng thích hiểu theo nội dung xấu, bất lợi cho người khác, thích nghe nói xấu người khác, thích tìm cái xấu nơi người khác.
Ngôn ngữ và cấu trúc văn phạm nhiều khi cũng đồng loã với những ông thợ cắt xén, đục đẽo, bóp méo sự thật này. Trong tay các ông, trên miệng các ông, sự thật bị làm thịt không thương tiếc. Một thí dụ về nét tế vi của văn pháp có thể làm sai sự thật: sau khi dùng cơm ở nhà người bạn với món chả cá, tôi kể lại cho gia đình: Hôm nay qua nhà anh Đạm, anh chả, chả ngon. Hai chữ “chả;” khi viết còn có thể phân biệt ý nghiã riêng của hai chữ nhờ dấu phẩy, nhưng khi nói, nhất là theo giọng người bắc thì câu trên có thể hiểu theo hai nghiã: nghiã thứ nhất: ăn chả và chả thì ngon; nghiã thứ hai hoàn toàn ngược lại: ăn chả, chả chẳng ngon chút nào. Chữ “chả” với người bắc cũng có nghiã: “chẳng”, một từ để chối. Cứ nhìn các cô bắc kỳ õng ẹo “ em chả thế này, em chả thế kia ” khi có người mang trầu cau đến hỏi cưới, các bạn sẽ thấy được cái lợi hại của ngôn từ, chữ nghiã.
Khi cắt xén một phần sự thật, ta tự cho mình cảm tưởng đã nói sự thật, tự sắp xếp an bình lương tâm vì đã không nói dối. Và thực tế đã cho thấy tầm quan trọng và mức độ độc hại của kiểu trình bầy sự thật không toàn phần này.
Thiếu sự thật kéo theo nhiều cái thiếu khác: thiếu tình nghiã, thiếu tình người, thiếu đoàn kết, thiếu niềm vui.
Biết đời người thiếu những cái không thể thiếu, Đức Kitô đã đến trong đời để trờ thành “sự thật, tình yêu và sự sống”. Trong Ngài mọi người gặp được sự thật trọn vẹn, toàn phần có sức giải phóng, xây dựng. Ở Ngài, con người nắm bắt được tình yêu xây dựng trên nền móng sự thật. Với nền móng vững chắc, bảo đảm này, tình yêu mới khai nguồn một sự sống thật phong phú, viên mãn.
Tin ở Đức Kitô, ta tin Ngài không lừa ta, không ác tâm cắt xén sự thật làm hại ta. Tâm hồn Ngài thanh thản, an bình thật, vì sự thật ở nơi Ngài là chính Ngài. Đến với Ngài giữa thế giới nhiều gian dối, lọc kừa; đến gần Ngài khi sự thật về ta bị đục bỏ, cắt xén, ta sẽ tìm lại bình an của “Thiên Chúa Tình yêu và Chân Lý”.