NHIỆT TÂM - NHIỆT THÀNH
Đang
đi dọc theo biển hồ Galilê, Đức Giêsu thấy ông Simon, cũng gọi là Phêrô và người
anh là Anrê đang quăng chài xuống biển … Người bảo các ông : “Các anh hãy
theo tôi .. Đi một quãng nữa, Người thấy hai anh em khác con ông Dêbêđê là ông
Giacôbê và người em là ông Gioan…Người gọi các ông. Lập tức các ông bỏ thuyền,
bỏ cha lại mà theo Người. Thế rồi, Đức Giêsu đi khắp miền Galilê, giảng dậy
trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời, và chữa hết mọi kẻ bệnh hoạn
tật nguyền trong dân… Thiên hạ mang đến cho Người đủ thứ bệnh hoạn tật nguyền :
những kẻ bị qủy ám, kinh phong, bại liệt, và Người đã chữa họ…và dân chúng lũ
lượt kéo đến đi theo Người” (Mt 4,18-25).
Thánh
sử Mátthêu chỉ một đọan ngắn đã làm chúng ta “chóng mặt” với những việc Đức
Giêsu làm : Ngài đi dọc bờ biển, đi lên đi xuống khắp miền, gọi người này,
chọn người kia, chú giải Kinh Thánh trong hội đường của người Do Thái, chữa bệnh,
trừ qủy, giảng dậy, loan báo Tin Mừng Nước Trời cho đám đông đi theo Người.
Chỉ
cần đếm hết một dẫy dài động từ cũng đủ thấy Đức Giêsu đã hăng say, nhiệt thành
và vội vã đến mức nào trong sứ vụ loan báo Nước Thiên Chúa. Sự vội vã ấy nói
lên mức độ khẩn trương của việc loan báo
Tin Mừng, lòng nhiệt thành ấy bầy tỏ tính gấp rút của việc sám hối, trở về, vì
ơn cứu độ đã đến gần, và niềm hăng say cho thấy thời gian không còn nhiều, vì “cái
rìu đã đặt sát gốc cây : bất cứ cây nào không sinh qủa tốt đều bị chặt đi
và quăng vào lửa” (Mt 3,10). Ở đây, chúng ta không bàn đến độ khẩn trương, gấp
rút, vì ngày tận thế sắp đến, như nhiều người hay hoảng loạn tung tin, vì Đức Giêsu không kêu gọi mọi người sám hối,
ăn năn vì sợ bị Thiên Chúa trừng phạt, nhưng kêu gọi thống hối, trở vể để được
vào Vương Quốc của Thiên Chúa : “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần”
(Mt 3,2). Chính vì Nước Thiên Chúa là hạnh
phúc vô cùng lớn, vô cùng qúy mà Đức Giêsu đã vội vã, nhiệt thành, hăng say
loan báo, kêu gọi, mở rộng, bành trướng, làm cho lan tràn, toả sáng để không một
ai phải bất hạnh, vì không được hưởng hạnh phúc tuyệt vời này.
Như
thế, Nước Trời, Nước Thiên Chúa, Vương Quốc của Thiên Chúa là điểm tới, đích tới,
điểm hẹn của tất cả nhân loại, và nhà truyền giáo được Thiên Chúa sai đi để
loan báo : Phúc cho ai chiếm được Nước Trời, phúc cho người có Nước Trời
làm gia nghiệp, phúc cho kẻ được phần thưởng lớn lao trong Vương Quốc Thiên
Chúa (x. Mt 5, 3.4.10.12).
Nhưng
Nước Trời, Nước Thiên Chúa ấy cũng chính là Thiên Chúa, bởi Thiên Đàng, kiểu
nói khác của Nước Trời, Nước Thiên Chúa là nơi
người được Thiên Chúa chúc phúc sẽ được chính “Thiên Chúa ủi an”
(Mt 5,5), được chính “Thiên Chúa cho thoả lòng” (Mt 5,6), được chính “Thiên
Chúa xót thương” (Mt 5,7), được “nhìn thấy chính Thiên Chúa” như người là (Mt
5,8), và được gọi là “con Thiên Chúa” (Mt 5,9).
Đó
là hạnh phúc tuyệt đối của con người mong đơi, là đích tới tuyệt đối của nhân
loại khát mong sau hành trình trần thế, là tất cả những gì con người hy vọng,
nhờ được Thiên Chúa yêu thương, cứu chuộc.
Chính
vì hạnh phúc ấy tuyệt đối, phần thưởng ấy tuyệt đối, mà Đức Giêsu đã nhiệt tâm,
nhiệt tình hối hả, vội vã loan báo, mời gọi và mang đến cho mọi người, vì không
muốn bất cứ ai mất cơ hội Nước Trời, khi Nước Trời đã đến gần, không để ai lỡ
chuyến đò hẹn hò với Thiên Chúa, vì “Người đã đến nhà mình” (Ga 1,11), và đang ở
giữa chúng ta.
Đức
Giêsu đã nhiệt tâm, nhiệt tình, nhiệt thành, nhiệt huyết với sứ vụ loan báo Tin
Mừng cứu độ, vì Ngài biết đạt đến Thiên Chúa, chạm được Thiên Chúa, ở với Thiên
Chúa, ở trong Thiên Chúa là hạnh phúc vô cùng, và tuyệt đối của con người, mà
tình yêu đã thúc bách Ngài xuống thế làm người để con người nhận được hạnh phúc
“có Thiên Chúa” ấy.
Vâng,
nhà truyền giáo được sai đi để cộng tác với Đức Giêsu trong sứ vụ duy nhất này,
nghiã là ngoài sứ vụ loan báo Tin Mừng để muôn người, muôn dân được cứu rỗi,
các vị không bị ràng buộc, cũng không nên để mình bị trói buộc vào bất cứ nhiệm vụ trần thế, nghiệp vụ trần gian mang
tính “khuyến mãi, vắt vai, vớt vát” nào khác, và chỉ như thế, các vị mới có thể
“toàn tâm toàn ý” để có thể thi hành sứ vụ thiêng liêng được trao phó với lửa “nhiệt
tâm lo việc nhà Chúa” (Ga 2,17).
Và
để sứ vụ được thi hành với lòng nhiệt thành như Đức Giêsu, nhà truyền giáo cũng
phải như Ngài, được thúc bách bởi Thánh Ý Chúa Cha, và Hạnh Phúc của con người :
1.
Đức Giêsu nhiệt thành với sứ vụ, vì tuyệt đối vâng phục Thánh Ý Chúa Cha :
Đức
Giêsu xuống thế làm người không vì bất cứ lý do gì, ngoài thực hiện Thánh Ý Cha
Ngài. Trong Tin Mừng, Đức Giêsu không ngớt bầy tỏ lòng vâng phục tuyệt đối
Thánh Ý Chúa Cha, như Ngài nói với những người Do Thái :
“Tôi
bảo thật các ông : người Con không thể tự mình làm bất cứ điều gì, ngoại
trừ điều Người thấy Chúa Cha làm ; vì điều gì Chúa Cha làm, thì người Con cũng
làm như vậy” (Ga 5,19), “Tôi không tìm cách làm theo ý riêng tôi, nhưng theo ý
Đấng đã sai tôi » (Ga 5,30), cũng như “tất cả những người Chúa Cha ban cho
tôi đều sẽ đến với tôi, tôi sẽ không loại ra ngoài, vì tôi tự trời mà xuống,
không phải để làm theo ý tôi, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai tôi” (Ga 6,
37-38). Vì thế, “Đấng đã sai tôi vẫn ở với tôi ; Người không để tôi cô độc,
vì tôi hằng làm những điều đẹp ý Người” (Ga 8, 29). Ngay ở giây phút kinh hoàng,
khi “mồ hôi Người như những giọt máu rơi xuống đất” (Lc 22,44) trong vườn Cây Dầu trước giờ bị bắt đem đi chịu
khổ hình và chịu chết, Đức Giêsu vẫn một lòng vâng phục Thánh Ý : “Lậy
Cha, xin đừng theo ý con, nhưng xin theo Ý Cha mọi đàng” (Lc 22,42)
Và
Đức Giêsu mặc khải cho chúng ta biết Thánh Ý của Chúa Cha khi qủa quyết: “Ý của
Đấng đã sai tôi là tất cả những kẻ Người đã ban cho tôi, tôi sẽ không để mất một
ai, nhưng sẽ cho họ sống lại ngày sau hết. Thật vậy, ý của Cha tôi là tất cả những
ai thấy người Con và tin vào người Con, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho họ
sống lại trong ngày sau hết” (Ga 6,39-40), vì Thiên Chúa yêu nhân loại, nên “đã
sai Con Một đến thế gian, để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống” (1 Ga
4,9).
Như
thế, sứ vụ của nhà truyền giáo chính là làm cho mọi người nhận biết và tin ở
Đức Giêsu, Thiên Chúa làm người, để họ được sống muôn đời, khi nhà truyền giáo được
kêu gọi cộng tác với Đức Giêsu để trở thành “những kẻ lưới người như lưới
cá” (Mc 1,17).
Hình
ảnh ngư phủ quăng lưới bắt cá là hình ảnh tuyệt đẹp của nhà truyền giáo được
sai đi tìm kiếm và đưa về với Thiên Chúa những con người khao khát được sống hạnh phúc thật, với tình yêu tuyệt đối
của Thiên Chúa trong Vương Quốc của Ngài, và hình ảnh ấy còn đẹp hơn gấp bội
khi nhà truyền giáo ý thức mình được sai đi để thực hiện Thánh ý, khi luôn
trung thành và khiêm tốn thưa với Đức Giêsu, như Phêrô : “Vâng lời Thầy,
con thả lưới”, dù “chúng con đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả”
(Lc 5,5), bởi chính khi làm theo Thánh Ý, khi vâng lời “chèo ra chỗ nước sâu mà
thả lưới” (Lc 5,4), là lúc các tông đồ “bắt được nhiều cá đến nỗi hầu như rách
cả lưới, phải làm hiệu cho các bạn chài trên chiêc thuyền kia đến giúp. Những
người này tới, và họ đã đổ lên được hai thuyền đầy cá, đến gần chìm” (Lc
5,6-7).
2. Đức
Giêsu nhiệt tâm, nhiệt thành vì Tình Yêu Chúa Cha, và lòng thương xót nhân loại
thúc bách :
Không
chỉ tình yêu dành cho Chúa Cha, mà cả lòng thương xót dành cho con người đã
thúc bách Đức Giêsu nhiệt tâm, nhiệt tình truyền giáo, loan báo Tin Mừng Cứu Độ.
Tình yêu thúc bách Ngài vâng phục, tình yêu thúc đẩy Ngài vội vã lên đường,
hăng hái rao giảng, nhiệt tình cứu chữa.
Cũng
như Đức Giêsu, nhà truyền giáo sẽ chỉ có thể nhiệt tâm với sứ vụ, và nhiệt
thành thực hiện Thánh Ý, nếu trí khôn nắm bắt Thánh Ý muốn cứu độ toàn thể nhân
loại, vì yêu thương của Thiên Chúa, và trái tim đầy tràn tình yêu của Chúa Cha
để có thể yêu thương anh em mình như Thiên Chúa yêu thương, và thao thức, khắc khoải, khao khát, tìm kiếm hạnh
phúc được sống đời đời cho đồng loại, bằng nhiệt tâm, nhiệt tình thực hiện sứ vụ
truyền giáo khi được sai đi.
Như
Đức Giêsu nhiệt tâm nhiệt tình trên đường truyền giáo, nhà truyền giáo cũng phải
đốt nóng trái tim mình bằng tình yêu các linh hồn của Chúa Cha, để nhiệt huyết
tông đồ, lòng nhiệt thành rao giảng, nhiệt tình làm chứng Đức Giêsu bùng lên Ơn
Cứu Độ cho mọi người.
Bởi
nhà truyền giáo không được tình yêu các linh hồn của Đức Giêsu chiếm đoạt và
thúc bách, các vị sẽ không bao giờ cảm được trái tim lọan nhịp vì khao khát các
linh hồn của Đức Giêsu, và hiểu được sự
cần thiết của lòng nhiệt thành truyền giáo trước cảnh “lúa chín đầy đồng mà thợ
gặt lại ít” (Mt 9,37), cũng như mức độ tha thiết của tâm hồn Đức Giêsu khi bảo các môn đệ : “Anh em hãy xin chủ
mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về” (Mt 9,38).
Bởi
khi trái tim nhà truyền giáo không được tình yêu các linh hồn chiếm đóng để ước
mong mọi người được đón nhận Tin Mừng (Cv 26,29), các vị sẽ không thể nhiệt
thành và “mạnh dạn” rao giảng như Phêrô và Gioan (x. Cv 4,13), nhiệt tình loan
báo Tin Mừng đến nỗi bị người đời coi là điên như Phaolô (x.Cv 26,25), mà không
chỉ thiên hạ, nhưng chính Phaolô cũng tự nhận mình điên vì Tin Mừng khi viết
cho giáo đoàn Côrinthô :
“Tôi
nói như người điên : tôi còn hơn họ nữa ! Hơn nhiều vì công khó, hơn
nhiều vì ở tù, hơn gấp bội vì chịu đòn, bao lần suýt chết. Năm lần tôi bị người
Do Thái đánh bốn mươi roi bớt một ; ba lần bị đánh đòn ; một lần bị
ném đá ; ba lần bị đắm tầu ; một đêm một ngày lênh đênh giữa biển
khơi ! Tôi còn hơn họ, vì phải thực hiện nhiều cuộc hành trình, gặp bao
nguy hiểm trên sông, nguy hiểm do trộm cướp, nguy hiểm do đồng bào, nguy hiểm
vì dân ngoại, nguy hiểm ở thành phố, trong sa mạc, ngoài biển khơi, nguy hiểm
do những kẻ giả danh là anh em. Tôi còn phải vất vả mệt nhọc, thường phải thức
đêm, bị đó khát, nhịn ăn nhịn uống và chịu rét mướt trần truồng” (2 Cr
11,23-27).
Không
có “Tình Yêu Đức Kitô thúc bách” và trái
tim khát khao phần rỗi các linh hồn và hạnh phúc Nước Trời của anh em đồng loại,
nhà truyền giáo sẽ không bận tâm, bận trí
vì mang nỗi khắc khoải truyền giáo, như
thánh tông đồ dân ngoại viết : “Nỗi ray rứt hằng ngày của tôi là mối
bận tâm lo cho tất cả các Hội Thánh ! Có ai yếu đuối mà tôi lại không cảm
thấy mình yếu đuối ? Có ai vấp ngã mà tôi lại không cảm thấy lòng sôi
lên ?” (2 Cr 11,29).
Nhà
truyền giáo cũng không thể nhiệt thành như các thánh Tông Đồ đã chấp nhận mọi
gian nan, thử thách, để đến với muôn dân (x. Rm 15,17), ngõ hầu “ân huệ đã lãnh
nhận từ Thiên Chúa không trở nên vô hiệu”
(2 Cr 6,1), nếu thiếu lửa tình yêu các linh hồn được chính Thánh Thần Tình Yêu thắp
sáng.
Và
khi nhà truyền giáo không được Thánh Thần là Lửa Tình Yêu đốt nóng, các vị sẽ lạnh
lùng, không sốt sắng việc “Nhà Chúa” ; lạnh nhạt, thờ ơ với sứ vụ ; nhạt
nhẽo, dửng dưng trước hạnh phúc đời đời của tha
nhân ; lãnh đạm, ỷ nại khi phải
cộng tác ; lười biếng, tiêu cực khi phải đồng hành ; chán ngán, vật vờ
như xác không hồn khi đến với người
khác, và sứ vụ truyền giáo của các vị ngày càng trở nên nặng nề, khó cam, khó thực
hiện.
Qủa
thực, truyền giáo mà không hăng say, truyền giáo mà thiếu lửa nhiệt thành, thì
truyền giáo không đem lại hoa trái thiêng liêng, vì thiếu phần đóng góp của con
người, như “năm chiếc bánh và hai con cá”, tuy rất ít nhưng cần thiết, rất bé
nhỏ nhưng không thể thiếu, để Thiên Chúa “có thể” thực hiện những kỳ công vĩ đại
và nhiệm lạ, vì Ngài cần sự cộng tác của chính con người trong công cuộc cứu độ
con người.
Vì
thế, nhà truyền giáo không nhiệt thành cũng như xe lửa không đầu máy : thiếu đầu máy , xe lửa
không chạy ; thiếu nhiệt thành của
nhà truyền giáo, Tin Mừng không đến được với ai, bởi như thánh Inhaxiô
nói : “Bạn hãy cầu nguyện vì tất cả đều do Thiên Chúa, nhưng hãy hành động
như thể tất cả đều do bạn”.
Hơn
bao giờ hết, con người thời nay không còn muốn nghe Tin Mừng và phần đông không còn cảm thức về Thiên Chúa.
Nhưng cũng hơn lúc nào hết, Thiên Chúa nói với chúng ta, những người Kitô hữu :
“Ta đã nhận lời ngươi vào thời Ta thi ân, phù trợ ngươi vào thời Ta cứu độ” (2
Cr 6,2), nên chúng ta đừng bi quan, chủ bại trước khó khăn, không thuận lợi của
công cuộc truyền giáo. Trái lại, với tình yêu Đức Giêsu và các linh hồn thúc
bách, và với ơn phù trợ của Chúa Thánh Thần, cùng với Giáo Hội và trong Giáo Hội,
chúng ta tiến bước bình an, với lòng nhiệt thành phục vụ, với nhiệt tâm loan
báo Tin Mừng, với nhiệt huyết không vơi cạn của người được Thiên Chúa sai đi.
Jorathe
Nắng Tím
0 nhận xét:
Đăng nhận xét