Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 28 tháng 2, 2019

Mùa Chay - Mùa Tang Chế

Để nhớ cha Giuse Nguyễn Ngọc Sinh và bạn Gioan Baotixita Nguyễn Hoàng Quang

Trong vòng năm ngày, tôi nhận hai tin buồn: thầy tôi, cha Giuse Nguyễn Ngọc Sinh, bút hiệu Mỹ Sơn, tác giả bộ lễ Cầu Hồn bất hủ qua đời vào bốn giờ ba mươi sáng ngày mùng bảy, anh Gioan Baotixita Nguyễn Hoàng Quang, nhà văn, tác giả nhiều bài viết nổi tiếng trên các mạng truyền thông công giáo trong và ngoài nước chết lúc bốn giờ ba mươi chiều ngày mười hai tháng Ba, giữa Mùa Chay năm 2012. Một người là thầy, một người là bạn cùng lớp. Tôi gắn bó tình cảm với cả hai nên suốt đêm đã không ngủ, chập chờn trong lời kinh đêm bóng hình hai người vừa ra đi về bên kia thế giới, thế giới của người chết.
Làm người, ai cũng sợ chết và người chết thường làm hoảng sợ. Hoảng sợ vì chết là chia lìa, cách biệt: lìa bỏ sự sống, cách ly người sống, biệt lập khỏi cuộc đời. Người chết phải để riêng một nơi chờ đặt trong quan tài rồi đem chôn trong nghĩa địa hoặc thiêu đốt thành tro rắc trên cỏ hay gửi vào nhà thờ, chùa chiền. Người chết mất hút vào thế giới vô hình và người ta chỉ còn thấy họ qua hình ảnh xưa. Người chết không nói, không ăn, không cử động, không sinh hoạt. Họ bất động vì chỉ còn là một xác chết không hồn. Từ người xuống làm xác chết, ai nghe mà không sợ? Từ người xuống làm thây ma, ai nghe mà không hoảng? Nhìn người chết nằm cứng đơ trong quan tài lạnh, ai thấy mà không rụng rời, ai sờ vào mà không nổi da gà, buốt sương sống? Chết tự nó làm sợ nên mấy ai đã dám huyênh hoang mình không sợ chết?
Chết cũng là một đe doạ, vì chết làm gián đoạn mọi công trình, dang dở mọi dự án, bế tắc mọi ý đồ, triệt tiêu mọi ước mơ. Chết làm hỏng hết tính toán, phá vỡ hết hợp đồng, hủy bỏ hết liên đới nên nghe chết, ai cũng phải chuồn êm, ba chân bốn cẳng lỉnh đi nơi khác. Chết còn đe dọa khủng khiếp khi dẫn người chết vào một thế giới không biết trước, chưa hề có kinh nghiệm.
Chính vì thế, sợ chết là điều rất tự nhiên của con người phải chết và chính nỗi sợ này làm con người khác xa con vật.
Hai người thân của tôi chắc chắn họ cũng không thoát khỏi nỗi sợ này trước giờ chết. Họ đâu có thể hơn được Đức Kitô, bởi Ngài cũng sợ toát môi hôi máu trong vườn cây Dầu khi nghĩ đến giờ chết sắp đến. Nhưng bên cạnh điểm chung “sợ chết” ấy, tôi thấy họ còn giống nhau ở nhiều điểm:

1. Cả hai đã một thời ở với nhau trong chủng viện: một người là thầy, một người là trò. Chủng viện là mái ấm gia đình thiêng liêng đã dệt nên mối tình thiêng liêng Thầy - Trò, cũng như tình bạn Khai Phá mà chúng tôi trân quý suốt cuộc đời. Mấy tháng trước khi về Việt Nam ghé thăm Quang, anh hỏi thăm cha giáo Giuse Sinh và nhờ tôi chuyển lời kính thăm Ngài đang nằm trong bệnh viện vì đủ thứ bệnh. Một tháng trước khi mất, cha Sinh cũng nhắn tôi chuyển lời thăm Quang đang èo uột chờ chết vì ung thư đã phá nát cơ thể. Tôi nhận ra cả hai tuy cùng sắp chết nhưng nhớ đến nhau và quan tâm đến khổ đau, bệnh tật của nhau. Đó là nét đẹp của tình nghĩa Thầy - Trò.

2. Cả hai đã nằm bệnh lâu ngày: Cha Sinh thì hai lá phổi đã thủng nát như hai tấm lưới. Từ ngày qua Pháp sau những năm tháng tù đầy, cha đã mất sức vì bệnh phổi ngày càng trầm trọng. Những ngày cuối đời, cha chỉ thoi thóp thở nhờ bình dưỡng khí. Phần anh Quang, sau cơn tai biến mạch máu não, phải chống gậy lết từng bước đã gánh thêm căn bệnh ung thư ác ôn. Anh đã cố kéo cuộc sống dài thêm được mười tháng nhờ sự giúp đỡ thuốc men của một ân nhân ở xa. Những ngày cuối, anh cũng như cha Sinh thoi thóp chờ Chúa gọi.

3.   Cả hai đã rất sẵn sàng: Cha Sinh thì viết “Tự Thuật” kể lại đời Linh Mục thăng trầm với đủ thứ sóng gió tình cảm, tình đời trong tâm tình cảm tạ hồng ân và những lời trăn trối dễ thương, cảm động; đồng thời dọn sẵn thánh lễ an táng cho mình bằng in lại bộ lễ cầu hồn và thêm một sáng tác mới để hát trước khi hạ huyệt: “Cùng Mẹ con đi gặp Chúa”. Tôi đã lo liệu để bộ lễ cầu hồn do Ngài sáng tác được hát trọn vẹn trong thánh lễ an táng do Đức cha Jean Christophe Lagleize, Giám Mục giáo phận Valence nơi Ngài phục vụ chủ tế. Cả bài hát mới cũng được gấp rút tập cho cộng đoàn và được hát lớn trên đường tiễn Ngài ra mộ phần. Còn anh Quang thì hỏi anh Nhâm, anh Quý, anh Tiếu và bạn bè đến thăm: “Sao lâu quá Chúa chưa gọi mình?” và làm nhiều bài thơ ca tụng tình Chúa bao la, tình bạn Khai Phá, tình nghĩa Long Xuyên, tình yêu đất nước, đồng bào như một trối trăn, gửi gắm.
Qua những chuẩn bị vừa kể, cả hai đã rất sẵn sàng “Xin Vâng” trước Tiếng Gọi và đằm thắm đợi chờ lên đường với niềm tin yêu phó thác tuyệt đối. Cả hai đã đặt mình trước ngưỡng cửa đời sau vì biết “là người, có ai thoát được lưới tử thần” (Tv 88,49) và ký thác chuyến đi đời đời trong tình Chúa xót thương.
Cha giáo Sinh cũng như anh Hoàng Quang đều nói nhiều, viết nhiều về lòng thương xót Chúa. Có lẽ, trước những bất toàn của quá khứ, bất lực của hiện tại và bất ổn của tương lai, cả hai cũng đã run sợ khi nghĩ đến giờ phút phải lên đường, ra đi gặp Chúa. Cuốn phim cuộc đời với thiếu sót, lầm lỗi ít nhiều cũng làm cả hai Thầy - Trò nao núng, phân vân, không biết sẽ phải trả lời thế nào, chống chế làm sao trước toà Chúa. Và chắc chắn cả hai đã không tránh được những giờ sợ hãi, những đêm mất ngủ chong mắt nhìn lại đời mình với những vết xám, chấm đen lem luốc, mờ đục. Chắc chắn cả hai cũng ít nhiều tiếc nuối đã không sống trọn vẹn, sống hết tình, hết mình những tháng ngày còn đi được, còn nói được, còn làm được, còn phục vụ được. Nhưng có một điều chắc nhất, đó là cả hai đã chọn Thiên Chúa làm gia nghiệp, lẽ sống và suốt đời đã yêu mến, phụng thờ Ngài.
Chính vì chọn Chúa làm gia nghiệp, cha Sinh đã đi tu và sống đời Linh Mục đến chết, dù hành trình đời Linh Mục của ngài đã có lúc buốt giá đau thương tưởng như phải bỏ cuộc. Chính vì chọn Chúa làm lẽ sống mà anh Quang đã một đời tận tụy phục vụ cộng đoàn và nỗ lực vun trồng ơn gọi đi tu nơi các học sinh, sinh viên anh dạy dỗ hay quen biết. Cả hai đã sống đời có Chúa Kitô và cuộc sống của hai người đã làm chứng Thiên Chúa là Tình yêu. Chính Thiên Chúa Tình yêu đã ban cho cha Sinh một trái tim quảng đại để tha thứ cho những người đã lên gặp Giám Mục tố cáo, bôi nhọ Ngài và đẩy Ngài vào một tình huống vô cùng phức tạp, khó khăn những năm đầu ở đất Pháp: bị Bề Trên bỏ rơi, bị Bề Ngang lãnh đạm, bị Bề Dưới coi thường. Không có Thiên Chúa Tình yêu nâng đỡ, ủi an, cha Sinh đã không thể vượt qua nỗi cô đơn khủng khiếp và cay đắng bẽ bàng của thân phận một Linh Mục tỵ nạn, đơn độc, ốm đau với đời tư bị té tát. Anh Quang cũng đã từng tơi tả vì trăm nỗi tai ương. Nếu không có Chúa là lẽ sống, chắc anh đã buông xuôi, thả nổi cuộc sống từ rất lâu. Chọn Đức Kitô làm gia nghiệp đời đời, cha Sinh đã đi vào cõi đời đời với Đức Kitô để đời đời được ở với Ngài. Chọn Đức Kitô là lẽ sống, anh Quang đã bước vào sự sống đời đời với Ngài để được sống mãi bên Ngài. Cả hai đã một đời phụng thờ, yêu mến Chúa để bây giờ cả hai được đời đời ca tụng lòng xót thương và trung tín của Ngài.

Vì bám víu vào tình Chúa xót thương, cha Sinh đã nhẹ nhàng trút hơi: bốn giờ sáng, y tá còn kiểm tra ống thở, bốn giờ ba mươi trở lại, cô phát hiện ngài không còn thở nữa. Email của anh Nghiệp ngày 13 viết về phút cuối của Quang: “Theo lời tang quyến, Quang ra đi nhẹ nhàng thanh thản, trút linh hồn chỉ bằng hơi thở nhẹ, mảnh hồn lữ thứ ấy giờ đây đã về nhà Cha vĩnh cửu”. Cả hai đã nhẹ nhàng, thanh thản, an bình ra đi theo Tiếng Gọi. Cả hai đã ngoan ngoãn nắm tay Đức Kitô vào cõi hằng sống. Cả hai đã hiền lành bám gót Đức Mẹ vào Thiên Đàng, vì cả hai đã hết lòng phó thác, tin tưởng vào lòng Chúa xót thương.
Mùa Chay năm nay, tôi tiễn hai người thân về với Chúa. Thoáng nhìn, cả hai đều là những con người bình thường, rất bình thường: một linh mục bình thường với nếp sống giản dị, đơn sơ, một người Thầy khiêm tốn, đôn hậu, cảm thông, một người Việt Nam hiền hoà, vui tính, cởi mở giữa xã hội tây. Bên cạnh một linh mục bình thường là một giáo dân bình thường với tận tụy, âm thầm bên đám học trò nghèo, với ân cần, thân thiện bên bà con, lối xóm, với nồng nàn tình nghĩa cho bạn hữu gần xa. Nhưng nhìn kỹ hơn, tôi khám phá nơi họ những nét phi thường: một trái tim phi thường để có thể tha thứ và quên đi, một tấm lòng phi thường để luôn hiền hậu, khiêm nhường, một tâm hồn phi thường để vui vẻ chấp nhận tất cả những vô thường, tầm thường, bất thường, dị thường của người đời và cuộc đời. Cả hai đã say mê cuộc đời bình thường, gắn bó với phận làm người bình thường như chuẩn bị của trái tim luôn sẵn sàng rộng mở đón rước Đấng sẽ làm những việc phi thường trên những “bình thường, bé nhỏ”. Nếp sống và thái độ đợi chờ sẵn sàng của cả hai Thầy - Trò đã không khác thái độ và nếp sống của cụ già công chính và đạo đức Simêon. Ông được Thánh Thần cho biết: mình sẽ xem thấy Đấng Cứu Thế trước khi chết, nên khi được ẵm Con trẻ Giêsu trong tay, ông đã ngước mắt, xúc động tạ ơn: “Giờ đây, lạy Chúa, xin cho tôi tớ Chúa ra đi bình an như lời Chúa đã hứa, vì mắt tôi đã nhìn thấy Đấng Cứu Độ, Ngài là ánh sáng soi chiếu khắp muôn dân” (Lc 2,26-32).
Xin cho hai tôi tớ Giuse Nguyễn Ngọc Sinh và Gioan Baotixita Nguyễn Hoàng Quang của Chúa cũng được an nghỉ và được ánh sáng Chúa chiếu soi.

Paris 13/3/2012

Mùa Chay - Mùa Cứu Độ

Ít người nghĩ mình cần được cứu độ, vì với những gì mình đang có, với những gì mình đang là, con người có thể tự hào và tự nhủ: chúng tôi chẳng cần ai cứu độ chúng tôi, vì chúng tôi đã có tất cả. Đúng thế, văn minh khoa học cho con người hầu như tất cả mọi phương tiện để sống một cuộc sống tiện nghi, cao cấp. Ngày nay, cần gì có nấy. Người có tiền sẽ mua được tất cả… Người giàu ít nghĩ đến nhu cầu được cứu độ mà người nghèo cũng chẳng đoái hoài, quan tâm. Họ nghĩ: mình quá khổ vì nghèo, nên chỉ mong cuộc đời vô thường chấm dứt càng sớm càng tốt, sống thêm ngày nào khổ ngày ấy vì đời chỉ là con số không và vào đời là một rủi ro khắc nghiệt. Vì thế, ơn cứu độ có đó nhưng nhiều người vô tâm lãng phí… Ơn cứu độ ấy vẫn mãi tràn đầy và đợi chờ tự do của mỗi người đến múc lấy cho hạnh phúc đời đời của mình.
Lịch sử dân Do Thái, là dân riêng Chúa chọn cũng đã quên mình cần ơn cứu độ. Từng chuỗi dài phản bội, từng năm tháng dòng dã bỏ Thiên Chúa đi thờ ngẫu thần: “Dưới thời vua Sêđêxias, tất cả hàng lãnh đạo Giuđa, các tư tế và dân chúng thi nhau thất trung bội nghĩa, bằng cách bắt chước những điều gở lạ nơi dân ngoại. Họ đã làm nhơ uế nhà Chúa… Họ đã nhạo cười, phỉ báng các ngôn sứ của Chúa và khinh khi lời Ngài” (2Sb 36,14-16). Trong cơn say phồn vinh, dân Chúa đã quên khuấy Giao Ước với Giavê cho đến khi “cơn phẫn nộ của Giavê đổ trên dân Ngài, không còn phương chạy chữa” (2Sb 36,16) và tai họa dập vùi không tiếc thương: Năm 588 trước Công Nguyên, “Nabucôđônôxo đã cho lệnh quân Babylon đốt đền thờ, phá hủy tường thành Giêrusalem, phóng hoả thiêu rụi các lâu đài, báu vật. Những ai sống sót không bị đâm chết thì bị bắt lưu đầy sang Babylon làm nô lệ” (1Sb 36,17-20). Ở tình huống bi đát, thảm thương kiếp nô lệ, dân Chúa mới bắt đầu tỉnh ngộ và nhận ra mình cần đến ơn cứu độ của Thiên Chúa Giavê.
Tiên tri Giêrêmia và Isaia đã nhắc dân về lòng xót thương và trung tín của Thiên Chúa. Cho dù con người có bỏ rơi, phạm thượng, phản bội, Ngài vẫn một lòng xót thương và tìm đường cứu chữa. Những tai hoạ kia là do con người đã không dựa vào tình Chúa yêu thương, không chạy đến nguồn ơn cứu độ mà tự lao mình vào hủy diệt khi thờ ngẫu thần và vi phạm Giao Ước đã ký kết với Thiên Chúa. Đền thờ bị đốt cháy, thành lũy bị phá hủy, lâu đài bị san bằng và toàn dân bị giết chết hoặc bị bắt làm nô lệ là hậu quả tất nhiên của phản bội. Chính tự do của con người đã đem lại hậu quả tai ương cho con người khi thay vì chọn nguồn sống, nguồn vui, nguồn yêu thương hạnh phúc, con người đã chọn sự chết, sầu buồn, phản bội, hận thù. Thiên Chúa yêu thương nhưng tôn trọng tự do của con người và trước lựa chọn tự do chối bỏ, phản bội Ngài, Thiên Chúa cũng đành phải ngậm ngùi bó tay.

Tuy phải bó tay ngậm ngùi vì tôn trọng tự do, nhưng tình xót thương của Thiên Chúa lớn hơn tất cả; vì thế Ngài tìm kiếm mọi phương cách để con người cho Ngài một dấu hiệu nhỏ của lòng thống hối trở về. Chỉ một dấu hiệu nhỏ tí teo thôi đã đủ làm Thiên Chúa giàu lòng xót thương động lòng và ra tay cứu chữa: “Người mẹ có thể quên được con mình đã mang nặng đẻ đau không? Chắc chắn là không, nhưng ngay cả người mẹ ấy quên con mình thì Ta đây vẫn không bao giờ quên con” (Is 49,15). Không quên con người đã được dựng nên với hình ảnh mình, Thiên Chúa yêu thương con người bằng một tình yêu vô thủy vô chung, không biên giới. Chính tình yêu mầu nhiệm, cao vời khôn ví ấy đã giải phóng dân Ngài khỏi ách nô lệ Babylon thời vua Cyrus, sau 70 năm lưu đầy khi dân Ngài nhận ra mình cần được ơn cứu độ của Giavê Thiên Chúa.
Nhưng tình yêu xót thương của Thiên Chúa với con người không dừng lại ở dân Do Thái mà lan tỏa cho toàn thể nhân loại, đến mọi chủng tộc, sắc dân, tận hang cùng ngõ hẻm. Tình yêu không biên giới của Thiên Chúa đã vượt biên cương Đất - Trời, xóa bỏ biên giới Thiên Đàng - Trần gian, thu hồi khoảng cách vô cùng giữa Thiên Chúa và Nhân Loại, cất đi lằn ranh giữa thụ tạo và Đấng Chủ Tạo khi gửi chính Con mình là Đức Giêsu xuống ở giữa con người, trong tất cả điều kiện của cuộc sống con người, với trọn vẹn thân phận người. Sáng kiến nhập thể của Đức Giêsu, con Thiên Chúa là sáng kiến vô cùng nhiệm lạ, cao vời của tình yêu Thiên Chúa đối với con người để rồi từ đây ơn cứu độ không xa xôi, nhưng ở giữa con người; ơn cứu độ không mơ hồ nhưng sống động, cụ thể trong con người Đức Kitô; ơn cứu độ không ảo ảnh, chập chờn nhưng thiết thực và kiểm chứng được qua không gian, thời gian lịch sử; ơn cứu độ không đóng khung cho một dân tộc Do Thái, nhưng bao la trải rộng đến tất cả mọi người; sau cùng ơn cứu độ ấy là chính Đức Kitô, con Thiên Chúa, Đấng đã sống như con người, chết cho con người để cứu độ con người. Vì thế, từ đây không có nguồn mạch cứu độ nào ngoài Đức Kitô, không có Đấng Cứu Độ nào khác ngoài Đức Kitô, không có Tình yêu cứu độ nào mãnh liệt và hữu hiệu hơn tình yêu Đức Kitô. Rời xa Đức Kitô là rời xa nguồn cứu độ, bỏ quên Đức Kitô là đánh mất ơn cứu sống, khước từ Đức Kitô là tự chọn tai hoạ đời đời, xoá bỏ hình ảnh cứu độ của Đức Kitô trong đời là tự viết cho mình bản án “mất Chúa, mất Nước Trời”. Đức Kitô phải trở thành trung tâm của mọi hoạt động, mục tiêu của truyền giáo, nguồn phát sinh mọi ơn sủng, điểm gặp gỡ, quy tụ mọi người được lời gọi đến nhận ơn cứu rỗi. Truyền giáo mà không quy chiếu về Đức Kitô là phản giáo. Loan truyền ơn cứu độ mà không loan truyền Đức Kitô chịu đóng đinh, chết và sống lại là kể chuyện cổ tích thần thoại, hoàn toàn vô nghĩa và xa lạ với niềm tin công giáo. Đi Đạo mà quên Đức Kitô là bước trên con đường không bao giờ đến. Sống Đạo mà loại bỏ Đức Kitô là vô phúc sống một cái chết thảm sầu, vô vọng. Đức Kitô là tất cả của đời người có Đạo, là lẽ sống và sức sống cho người tín hữu. Mất Đức Kitô là mất tất cả. Có Đức Kitô là có tất cả, vì Ngài là “Đường, Sự Thật, Sự Sống, Tình yêu”. Tin Mừng Gioan đã quả quyết chân lý này: “Thiên Chúa đã quá yêu con người đến nỗi ban chính Con một mình cho thế gian, để hết những ai tin Ngài sẽ không hư mất và được sự sống đời đời. Vì Thiên Chúa đã ban Con một là Đức Giêsu đến trong thế gian không phải để luận phạt, nhưng để thế gian được cứu rỗi nhờ Ngài. Ai tin Ngài sẽ không bị luận phạt và ai không muốn tin Ngài họ đã bị luận phạt rồi, bởi vì họ đã không tin Ngài là Con một duy nhất của Thiên Chúa” (Ga 3,16-18). Con người bị luận phạt ngay khi không tin vào Đức Kitô; bởi vì chỉ nơi Ngài con người mới được giao hoà với Thiên Chúa Cha, chỉ qua Ngài tình nghĩa bị đổ vỡ giữa con người với Thiên Chúa mới được nối lại, hàn gắn. Tự ngay việc không tin Đức Kitô là Con Thiên Chúa đã mang lại những hậu quả tai hại, vì con người tự tách mình khỏi sự thật, sự sống và tình yêu là những nhu cầu thiết yếu mang lại hạnh phúc thật cho con người. Chỗ khác, Gioan nhấn mạnh quyền phán xét của Đức Kitô và vinh quang Thiên Chúa của Ngài: “Chúa Cha không xét xử ai, nhưng giao quyền xét xử ấy cho Con Ngài để mọi người tôn vinh Con như tôn vinh Cha và ai không tôn vinh Con cũng không tôn vinh Cha là Đấng đã sai Con” (Ga 5,22-23).
Nhiều người đi theo Đức Kitô mà không biết Đức Kitô là ai. Đó chính là thiếu sót rất lớn. Thiếu sót này làm chao đảo niềm tin khi chúng ta phải đối diện những khó khăn, thử thách. Thiếu sót ấy có thể đánh gục niềm hy vọng khi ta phải đối đầu những gian truân, vất vả. Thiếu sót nguy hiểm đó còn có thể làm trệch đường về Nước Trời, làm hỏng những cố gắng, công trình đời ta. Xác tín Đức Kitô là Thiên Chúa nhập thể và là nguồn ơn cứu độ, Đấng Cứu Độ là căn bản của Đức Tin và là nền tảng vững chắc của niềm Hy Vọng. Đi Đạo là đi theo Đức Kitô, một Đức Kitô sống động đã có mặt trong lịch sử loài người và vẫn hiện diện trong thế giới hôm nay, bên cạnh và trong mỗi tâm hồn. Đi Đạo là bám chặt vào Đức Kitô, Đấng đã chết cho nhân loại được sống, cho mỗi người được nhận lại ơn làm con Thiên Chúa. Đi Đạo là ký thác nơi một mình Đức Kitô, Đấng là chủ chăn nhân lành, biết tên và yêu thương, âu yếm từng con chiên. Đi Đạo là quy chiếu toàn thể đời mình vào Đức Kitô để được sống chính sự sống của Ngài. Sau cùng đi Đạo là đi trên bước chân đã đi của Đức Kitô, những bước chân rong ruổi loan báo Tin Mừng yêu thương; bước chân đến với người cô quả, đau bệnh, tàn phế, neo đơn; bước chân đi tìm những người yếu đuối, lỗi lầm lẩn tránh cái nhìn của mọi người vì mặc cảm tội lỗi; bước chân can đảm vào những nơi nguy hiểm để chia sẻ, cứu chữa; bước chân quảng đại, khiêm nhường tìm phục vụ người khác; bước chân trên đường Thánh Giá nhục nhằn, đau khổ; bước chân lên núi Sọ hiến mình hy sinh vì hạnh phúc của người khác. Và đẹp thay những bước chân người theo Đức Kitô đang lặn lội tận vùng sâu vùng xa, trên buôn làng hẻo lánh để chia sẻ, thăng tiến những người anh em bất hạnh vì thất học, nghèo nàn.
Mùa Chay là mùa cứu độ, Mùa nhận ra mình đang cần ơn cứu độ và nhận diện Đức Kitô là Đấng cứu độ duy nhất. Không nhận diện chính xác Đức Kitô là Đấng Cứu Độ duy nhất, ta sẽ đi lạc đường và tìm kiếm chỗ này chỗ kia, với người này người nọ những đấng cứu độ được triển lãm, rao mời hoặc trên báo chí, trên mạng hoặc trên môi miệng những người nhẹ dạ, mê tín, cả tin. Bổn phận hàng đầu của người tín hữu, người theo Đạo là phải dứt khoát tin nhận và tuyên xưng Đức Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa và là Đấng Cứu Độ duy nhất. Thiếu niềm tin và xác quyết này, người tín hữu chưa sống niềm tin Kitô của mình và trước sau niềm tin ấy cũng sẽ bị đánh gục bởi thần dữ và bè lũ.
Mùa Chay là cơ hội củng cố quan hệ mật thiết giữa người đi theo Đức Kitô và Đức Kitô. Đức Kitô đã kêu gọi những người đi theo Ngài là để họ “ở với Ngài”, nên ưu tiên hàng đầu với người tín hữu là ở với, ở gần, ở trong Đức Kitô. Không ở với Ngài, bên Ngài, trong Ngài, niềm tin và tình yêu của ta sẽ mãi hời hợt, hình thức, khô khan, tạm bợ và ta không có hạnh phúc của người môn đệ đích thực như Phaolô: “Ai có thể kéo tôi ra khỏi tình yêu của Đức Kitô? Phải chăng là gian truân, bĩ cực, bắt bớ, đói khát, trần truồng, hiểm nguy, gươm giáo ư?” Không, không ai có thể làm điều này, vì “tôi thâm tín rằng: dù sự chết hay sự sống, dù thiên thần, thiên phủ, dù hiện tại hay tương lai, dù quyền năng hay núi cao, vực thẳm hay bất cứ một tạo vật nào khác, không gì có thể tách chúng ta ra khỏi lòng yêu mến của Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (Rm 8,35-38).
Mùa Chay không còn tím ngắt ảm đạm, nhưng tím rực rỡ yêu thương, tím thiết tha ân tình, tím dịu dàng ơn nghĩa, tím ngào ngạt hương lòng. Giữa những sắc tím mầu nhiệm của Mùa Chay, niềm hy vọng được cứu độ đã là sắc tím nổi bật làm sống lên tình yêu Đức Kitô trong trái tim mỗi người, tình yêu của những tâm hồn khiêm tốn nhận mình cần ơn cứu độ đang trao dâng Đức Kitô, Đấng Cứu Độ giàu tình thương.

Thứ Tư, 27 tháng 2, 2019

Mùa Chay - Mùa Tìm Đến Xem


https://www.youtube.com/watch?v=e9IUdG-K0gk
Nếu có người đến xin gặp, chắc chắn ta phải chuẩn bị nhà cửa sạch sẽ, áo quần chỉnh tề, tươm tất. Gặp ai lần đầu, ta sẽ thận trọng không để lộ tung tích bất hảo hoặc những điểm yếu của mình và tận dụng nghệ thuật “đắc nhân tâm” để lôi cuốn, mê hoặc người ấy. Để lôi cuốn nhanh và gọn, không gì hay bằng “nổ cho giòn, nổ cho ngon”: nổ gia thế năm ba đời làm quan đại thần, nổ dòng dõi khoa bảng, bằng cấp chất đầy nhà, nổ kiến thức trời cao biển rộng, nổ “tang bang tế thế”, thế giới bốn bể là bà con, bạn bè, nổ tiền bạc đổ vào như sóng thần, nổ tương lai, sự nghiệp như vương quốc sắp khai sinh… Mấy ai dám im hơi lặng tiếng khi có người tìm đến chiêm ngưỡng mình. Mấy ai đủ kiên nhẫn chờ người khác khám phá về mình mà không khai hoả nổ về mình trước. Và mấy người đã khiêm tốn không nổ, trái lại đã chỉ nói với người đến tìm tôn vinh mình về nỗi cô đơn, cơn khủng hoảng và tình trạng thất thế, bất lợi của mình… như Đức Kitô.
Tin Mừng Chúa Nhật thứ năm Mùa Chay kể chuyện “có mấy người Hy Lạp đến gặp Philipphê người thành Bethsaiđa và xin ông cho gặp Đức Kitô. Philipphê bàn với Anrê và cả hai đến thưa với Đức Kitô” (Ga 12,20-22). Gặp họ, Đức Kitô đã nói: “nếu hạt lúa gieo xuống đất, không mục nát đi thì nó cứ trơ trơ mãi, nhưng nếu mục nát đi, nó sẽ sinh nhiều bông hạt. Ai yêu mạng sống mình thì sẽ mất, ai ghét mạng sống mình ở đời này thì sẽ giữ được nó cho cuộc sống đời đời. Ai muốn phục vụ Ta, hãy theo Ta và Ta ở đâu, tôi tớ Ta cũng ở đó. Lúc này tâm hồn Ta thật là bối rối. Ta sẽ phải nói gì đây? “Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ kinh hoàng này. Song lạy Cha, cũng vì giờ này mà con đã đến…” (Ga 12,24-27).
Tưởng Đức Kitô sẽ như chúng ta “nổ” một tăng ra trò để hớp hồn mấy người Hy Lạp ái mộ; tưởng Ngài sẽ tự giới thiệu mình đã làm nhiều phép lạ, chữa bá bệnh kể cả những bệnh nan y, bẩm sinh; tưởng Ngài sẽ lên lớp về vương quốc huy hoàng sắp đến; tưởng Ngài thao thao bất tuyệt về thân thế, sự nghiệp, tương lai của Con Thiên Chúa. Trái lại, không ai ngờ, Ngài đã chỉ nói về mình như hạt lúa phải mục nát, mạng sống mình sẽ bị lấy đi, đi theo mình là để phục vụ người khác, tâm hồn mình đang bấn loạn, lo âu trước khổ nạn sắp tới và lòng vâng phục tuyệt đối tôn ý Thiên Chúa Cha. Tất cả những điều này đều “rất oải” có nguy cơ làm xìu nhiệt tình đang hăm hở muốn được quen biết Đức Kitô của hai ông khách Hy Lạp vì trước đó đã nghe danh Ngài. Những điều Đức Kitô chỉ cho những người này về Ngài hoàn toàn “phản tuyên truyền” vì chỉ thấy yếu đuối, nhục nhằn, thua kém, mất mát, bất lực. Ngài đã không chỉ cho người đến xem Ngài một Thiên Chúa biến hình sáng láng có Êlia và Môsê hầu chuyện (Mc 9,1-9), nhưng là con người sắp phải chết và bị chôn vùi trong mộ tối; Ngài không tự giới thiệu như Đấng đã làm cho người chết sống lại như đã gọi Lazarô chết bốn ngày ra khỏi mồ (Ga 11,1-45), hay cho con bà goá thành Naim từ cõi chết trở về sống với mẹ (Lc 7,11-16), nhưng tự giới thiệu là người sắp mất mạng, sắp bị đóng đinh với bản án tử hình; Ngài cũng không tự khai một lý lịch hoành tráng như đã cứu bao nhiêu người, làm bao nhiêu phép lạ, đuổi bao nhiêu quỷ dữ, chúc phúc cho bao nhiêu người, nhưng tự khai mình bất lực, đang run rẩy, bối rối trước viễn cảnh tử nạn sắp tới; Ngài cũng không nói gì đến quyền năng Thiên Chúa nơi Ngài mà khiêm tốn xin Chúa Cha cất chén đắng trước mặt cho Ngài, nhưng nếu phải là ý Cha Ngài thì Ngài sẵn lòng uống hết chén đắng đó, vì vâng lời và yêu thương.
Qua lời tự giới thiệu, Đức Kitô đã nhận về mình thân phận của người tôi tớ đau khổ, bị ruồng bỏ, khinh khi, chối từ, truy lùng, hành hạ, giết chết (Tv 22), đồng thời giữ vững tình yêu vâng phục thánh ý của Chúa Cha trong khiêm hạ. Nói cách khác, Đức Kitô đã giới thiệu với mấy ông khách lạ Thánh Giá của Ngài sắp phải vác và trên đó Ngài sẽ giang tay chịu đóng đinh.
Giới thiệu Thánh Giá là điều chẳng ai muốn nghe; giới thiệu người sắp chịu đóng đinh trên thập giá càng là điều xui xẻo phải tránh. Ấy thế mà Đức Kitô lại tự giới thiệu mình như hiện thân của thập giá.
Nhưng nếu Đức Kitô đã không nói gì, ngoài Thánh Giá thì chúng ta cũng phải lắng nghe Ngài dạy bảo về Thánh Giá, nếu muốn gặp Ngài. Như mấy người khách Hy Lạp đến tìm xem Chúa, họ cũng chỉ nhận ra Ngài qua những lời Ngài tự giới thiệu: Thánh Giá.
Những ngày cuối của Mùa Chay, phụng vụ Lời Chúa đưa ta vào bầu khí của Thánh Giá với từng chuỗi đe doạ, khủng bố, khổ đau. Một bầu khí nặng nề với ám ảnh của sự chết đã ít nhiều làm ta hoảng sợ, hoang mang. Tuy thế, Thánh Giá đã mạc khải cho ta rất nhiều:
1.   Thánh Giá cho ta nhận ra nhân tính của Đức Kitô: Nhiều người phủ nhận nhân tính của Đức Kitô và cho rằng Đức Kitô chỉ “giả vờ” đau khổ, chứ thực sự Ngài không đau không khổ gì, vì Ngài là Thiên Chúa. Không như ý nghĩ phủ nhận nhân tính này, Đức Kitô đã chia sẻ trọn vẹn nhân tính của con người: Ngài đã sợ đến toát mồ hôi máu và run rẩy trước giờ bị bắt trong vườn cây Dầu (Mt 26,38), Ngài đã hoang mang, bối rối trước chuỗi dài hình khổ và đường thánh giá sắp phải đi; Ngài cảm thấy cực kỳ cô đơn đến nỗi phải xin ba môn đệ đi cùng: “Chúng con không thức với Thầy được một giờ ư?” khi thấy các ông ngáy đều, ngon giấc (Mt 26,40). Như mọi người sợ hãi trước tai ương, đau khổ, sự chết, Đức Kitô cũng sợ hãi, lo âu, run rẩy trước Thánh Giá vì “Ngôi Lời đã mặc lấy xác phàm và trở nên như chúng ta trong mọi sự, chỉ trừ tội lỗi”.
2.   Thánh Giá cho ta nhận ra sự dã man của hình khổ Đức Kitô đã chịu và tính cách nặng nề của tội lỗi mà Ngài đã gánh lấy. Khi tự hiến nộp mình chịu khổ hình và chịu chết, Đức Kitô đã yêu thương con người đến cùng bằng một tình yêu không biên giới. Lời Xin Vâng của Ngài trước Thánh Giá đã nói lên tình Ngài bao la đối với con người, đồng thời cũng nói lên giá trị của con người trước mắt Thiên Chúa. Cũng vì giá trị ấy mà Đức Kitô đã hiến dâng tất cả, kể cả mạng sống để chuộc lại.
3.Thánh Giá đã tôn vinh Chúa Cha qua lòng vâng phục tuyệt đối của Đức Kitô: “Này con xin đến để thi hành thánh ý Cha” (Dt 10,7). Thánh Giá là biểu chứng của tình yêu Đức Kitô dành cho Cha mình, đồng thời cũng là tình yêu Ngài dành cho nhân loại. Là Đấng trung gian tuyệt hảo giữa Thiên Chúa và con người, Đức Kitô đã lấy tình yêu của mình để làm cầu nối giao hoà Thiên Chúa thánh thiện và con người tội lỗi. Khổ đau của Thánh Giá, nhục nhằn của Thánh Giá, cô đơn của Thánh Giá, tức tưởi chết của Thánh Giá đã kéo con người lên với Chúa và kéo Thiên Chúa xuống với con người. Ơn hoà giải được thực hiện trên Thánh Giá, ơn cứu độ được tuôn đổ từ Thánh Giá và ơn an bình cũng được ban cho nhờ Thánh Giá.
4.   Thánh Giá mở ra một nhân loại mới, một nhân loại được cứu rỗi nhờ máu của Con Thiên Chúa. Ơn cứu độ từ nay trải ra cho tất cả mọi người tin vào Đức Kitô chịu đóng đinh, đã chết và sống lại. Ơn cứu độ không bị đóng kín, khoanh vùng nhưng bao la đến tận cùng thế giới, cho mọi người từ nguyên tổ cho đến người sau cùng có mặt ngày tận thế. Một thế giới mới được mở ra, thế giới mới tràn đầy hy vọng trong Đức Kitô, Đấng cứu độ (Rm 8,18-24): thế giới nhận được ơn thứ tha, thế giới được hoà giải. Thánh giá cũng mở ra một chân trời mới, chân trời của tình yêu tự do, ở đó tình yêu đáp trả hận thù, lòng nhân ái đáp lễ ghen tương, hiền hoà, dịu dàng đáp lời dữ dằn, phách lối. Chân trời mới nơi Đức Kitô chịu đóng đinh đã sống lại là chân trời của xót thương, tha thứ, từ bi, nhân hậu, nơi đó con người được chiêm ngắm chính tình yêu tuyệt đối, tình yêu trọn vẹn, tình yêu đời đời bền vững: Đức Kitô trên Thánh Giá.
Theo chân mấy người Hy Lạp đến xem Đức Kitô, chúng ta đã gặp Ngài qua Thánh Giá như thể ngoài Thánh Giá, không ai gặp được Ngài. Quả thực, như Rắn đồng được treo cao trong sa mạc đã cứu chữa những ai nhìn lên nó (Ds 21,4b-9), Thánh Giá trên đó Đức Kitô chịu treo cũng là nơi gặp gỡ và đón nhận ơn cứu độ. Sứ mệnh của người tín hữu như thế sẽ là sống đời Thánh Giá để sống chính sự sống của Đức Kitô và giới thiệu Đức Kitô trên Thánh Giá với mọi người. Đức Kitô muốn được giới thiệu qua Thánh Giá, với dung mạo tang thương, bầm tím, yếu nhược hơn là được giới thiệu ở bàn tiệc, trên núi biến hình, lúc làm phép lạ được đám đông hâm mộ, thán phục với diện mạo tươi đẹp, rạng rỡ. Bởi khi ngước nhìn Thánh Giá với Đấng bị ta đóng đinh, đâm thủng cạnh sườn, ta sẽ nhìn thấy vực thẳm những dã man, tàn nhẫn ta đã làm và còn có thể làm và độ sâu không dò thấu của tình yêu Thiên Chúa. Thiên Chúa Tình Yêu bị con người đóng đinh đã rộng lượng, khoan dung tha thứ hết những xúc phạm của con người qua lời nguyện cầu cuối cùng trước khi tắt thở: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34). Thử hỏi, còn tình nào lớn hơn và lời chạy chữa, cầu bầu nào bao dung hơn?
Mùa Chay, Mùa đến xem Thánh Giá, không phải những thánh giá bằng kim cương, vàng bạc, đá quý với giá cắt cổ và được các chị đeo trên cổ như đồ trang sức cao cấp; cũng không phải những thánh giá trạm trổ hoành tráng, điện chớp sáng choang, nhưng là Thánh Giá trần trụi, cô đơn, tủi hổ, đau đớn, nặng nề, Thánh Giá trên khuôn mặt nhăn nhó của người ăn mày đói khổ chiều nay bên hông nhà thờ, Thánh Giá trong tiếng rên đau đớn của người mẹ ẵm xác con ra khỏi bệnh viện, vì không tiền thuê xe, Thánh Giá trên những vết thương lở loét, hôi thối của người đàn bà người dân tộc có con nhỏ bị chồng bỏ, Thánh Giá trong tiếng nấc nghẹn ngào của người vợ bị chồng nghi ngờ, hàm oan, Thánh Giá trên đôi môi khô héo, bên dáng đi xiêu vẹo của vị linh mục đang bị giáo dân hiểu lầm, chống đối, Thánh Giá trong nỗi đau quặn thắt của người cha vì bất lực trước căn bệnh thời đại hiểm nghèo của đứa con trai duy nhất, Thánh Giá trong tiếng khóc của đàn con dại trước quan tài của cả cha mẹ vừa chết vì tai nạn giao thông, Thánh Giá trong câm lặng oan ức của người thợ bị chủ đuổi chỉ vì vô tình được biết nhiều bí mật, Thánh Giá trong đêm tối Đức Tin của thầy Dòng chiêm niệm, Thánh Giá bên song sắt nhà tù của những người vô tội, Thánh Giá trên thân xác rách bươm của những cô gái Việt Nam bị bán ra nước ngoài làm đĩ, Thánh Giá trong tiếng thở than vô vọng của người nghèo bị bệnh ung thư, Thánh Giá trong bước chân vội vã, trốn chạy của người đàn bà bị đòi nợ, Thánh Giá trong hiu quạnh của những cõi lòng nát tan vì bị bỏ rơi, quên lãng, Thánh Giá trong nỗi lo sợ của người tử tội trước giờ ra bãi bắn, lên ghế điện, Thánh Giá trong những giọt mồ hôi vất vả vì tương lai, hạnh phúc của đồng bào và còn rất nhiều những Thánh Giá có Đức Kitô chịu đóng đinh khác.
Giới thiệu Đức Kitô trên Thánh Giá là nội dung lời rao giảng, lẽ sống của đời truyền giáo, sức mạnh của đời tông đồ, hy vọng của hành trình theo Chúa của mọi tín hữu. Thánh Phaolô đã quả quyết: “Phần chúng tôi, chúng tôi rao giảng Đức Kitô chịu đóng đinh trên thập giá, cho dù thập giá đối với người Do Thái là điều xấu xa, đáng kinh tởm và với người ngoại giáo là điều ngu si, dại dột” (1Cr 1,23). Quả quyết như vậy, vì ngài đã xác tín: “Đức Kitô là sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa”, cũng như tin tưởng rằng: “sự điên dại của Thiên Chúa thì vượt quá sự khôn ngoan của loài người và yếu đuối của Thiên Chúa thì trổi vượt hơn sức mạnh trần gian” (1Cr 1,24-25).
Đó là Đức Tin của Phaolô và những người thánh thiện, còn chúng ta, Thánh Giá đã thực sự không còn làm ta xấu hổ, ngại ngùng trước mặt người ngoài đạo? Thánh Giá đã không làm ta bị mất mặt trước đám đông? Thánh Giá đã không còn gây cho ta bực bội, ngao ngán? Hay Thánh Giá vẫn còn là nỗi ám ảnh khôn nguôi mà ta luôn lẩn tránh, vẫn chưa là một vinh dự để ta hãnh diện, chưa là niềm tin ta sẽ tuyên xưng, chưa là Tin Mừng ta phải loan truyền, chưa là nguồn mạch hạnh phúc và ơn cứu độ ta phải tìm kiếm, chưa là tình yêu Đức Kitô ta muốn đến để xem.
Mùa Chay là mùa tìm đến xem Thánh Giá với Đức Kitô chịu đóng đinh. Xin cho tình yêu trên Thánh Giá đánh thức trái tim ta còn mê ngủ để Thánh Giá ta đeo trên cổ, Thánh Giá ta gắn trên ngực, Thánh Giá ta mang ở cổ tay, Thánh Giá ta đặt trên bàn, Thánh Giá ta để ở đầu giường ngủ, Thánh Giá ta trang hoàng khắp nơi cũng sẽ được trồng ngay trên thửa đất tâm hồn để nước và máu của Đấng chịu treo trên Thánh Giá cho đời ta không còn khát và tưới mát trái tim đã bao năm héo úa, khô cằn vì hoang đàng, tội lụy.
Và như người trộm lành, xin cho trái tim ta luôn biết kêu cầu: “Lạy Đức Kitô chịu đóng đinh, xin thương xót con”.

Thứ Ba, 26 tháng 2, 2019

Mùa Chay - Mùa Cầu Bầu

Người tín hữu thường hay nhắn gửi: “Cầu nguyện cho tôi với”. Khi chia tay tạm biệt cũng không quên nhìn nhau căn dặn: “Nhớ nhau trong kinh nguyện nhé!” và cuối mỗi cánh thư vẫn dòng chữ quen thuộc: “Chúng mình cùng cầu nguyện cho nhau”. Làm như “cầu nguyện cho nhau” là cái gì cần thiết, cấp bách lắm… và cầu nguyện sẽ mang lại cho nhau nhiều điều tốt, sự lành.
“Các Thánh cùng hiệp thông” là tín điều trong giáo lý Công Giáo. Các Thánh đây gồm tất cả thần thánh trên Trời, các linh hồn trong luyện ngục và mọi tín hữu đang sống trên trần gian. Hiệp thông nói lên tình liên đới thắm thiết, tình cảm thông và tương quan hiểu biết giữa nhau. Hiệp thông là hiệp nhất và thông công: tất cả mọi thành phần gắn bó nên một và chia sẻ, hỗ tương, bổ túc, qua lại nâng đỡ nhau; vì tất cả thuộc về Đức Kitô là đầu Giáo Hội, tất cả ở trong cùng một Giáo Hội, tuy có khác nhau về tình trạng như các Thánh thuộc Giáo Hội chiến thắng, các linh hồn thuộc Giáo Hội thanh luyện, các tín hữu đang sống thuộc Giáo Hội lữ hành.
Cùng một Giáo Hội, cùng một Đức Tin, cùng một Phép Rửa, cùng một Thiên Chúa, tất cả cùng chung một tình yêu trong Đức Kitô. Chung một tình yêu là chung tất cả: chung niềm vui - nỗi buồn, chung thành công - thất bại, chung đau khổ - hân hoan, chung thử thách - chiến thắng, chung nhục nhằn - ủi an, chung nước mắt - tiếng cười, chung thao thức, chung hy vọng, chung phần thưởng, chung lời cầu. Tình hiệp thông trong Giáo Hội là giây liên kết, thắt chặt mọi người trong tình yêu Đức Kitô. Thiếu sợi giây hiệp thông quan trọng này, Giáo Hội mất tính hiệp thông và đi ngược lại điều Đức Kitô mong muốn. Và “cầu nguyện cho nhau” chính là bổn phận, vinh dự và hạnh phúc cho tất cả mọi thành phần của Giáo Hội. “Cầu nguyện cho nhau” là nét đẹp của tình huynh đệ giữa những người anh em, con cùng một Cha. “Cầu nguyện cho nhau” là biểu trưng của tình bác ái nơi những người đi theo Đức Kitô. Họ “cầu nguyện cho nhau” để tìm gặp và dắt nhau trên đường về, để nâng đỡ nhau đứng dậy cùng đi, để gánh bớt cho nhau gánh nặng, để sẻ chia, đỡ đần, an ủi, để yêu thương, che chở và nhất là để cầu bầu cho nhau trước mặt Chúa cho hạnh phúc đời đời của nhau. Dễ thương làm sao em bé chắp đôi tay bé nhỏ, mắt ngây thơ ngước nhìn lên Chúa đang nhắc lại từng lời cầu nguyện của Mẹ trước quan tài của bà ngoại. Em đang cầu bầu cùng Chúa cho bà ngoại của em được bớt hình phạt luyện ngục. Đẹp làm sao hình ảnh người Mẹ đau bệnh nằm liệt nhiều năm trên giường luôn tay lần chuỗi để cầu nguyện cho đàn con lưu lạc muôn phương được may lành. Thánh thiện làm sao đôi môi người vợ xa chồng mấp máy hàng đêm lời cầu xin cho chồng được bình an trước “hòn tên mũi đạn”. Cao cả làm sao đôi chân run rẩy của người cha già cố gắng đến tận nhà thờ để xin ơn trở về cho những đứa con tội lỗi. Tuyệt vời làm sao những giọt nước mắt long lanh trên mắt người tình trẻ trong nhà thờ vắng người nài xin hạnh phúc cho người mình yêu. Sống động làm sao những đầu gối khiêm tốn của các thầy dòng, nữ tu trong đan viện ngày đêm cầu nguyện cho tất cả mọi người. Yêu thương làm sao những ngón tay gầy guộc mân mê tràng hạt của cha xứ già trong toà giải tội để cầu xin ơn thứ tha cho hối nhân vừa nhận bí tích giao hoà. Và hạnh phúc biết bao khi biết mình luôn được nhiều người nhớ đến, cầu bầu.
Trong Cựu Ước, có rất nhiều trình thuật về tình hiệp thông trong cầu nguyện. Ápraham đã khẩn khoản Giavê Thiên Chúa tha phạt cho thành Sôđôm khi đánh liều “cò cưa mặc cả” với Chúa khi Chúa bảo: “Nếu tìm được năm mươi người lành thánh trong thành, Ta sẽ tha cho cả thành vì năm mươi người thánh thiện này” (St 18,26). Ápraham nài nỉ Chúa bớt xuống bốn mươi lăm người, rồi bốn mươi, rồi ba mươi, rồi hai mười, cho đến khi xuống đến mười người… Ông cũng không tìm được (St 18,27-33). Tuy vẫn đốt thành, nhưng Chúa tội nghiệp ông nên đã cứu gia đình ông Lót (St 19,29).
Môsê là người đã suốt đời “cầu thay nguyện giúp” cho dân. Không biết bao nhiêu lần ông đã phủ phục van xin Chúa tha tội cho dân vì nhiều lần Thiên Chúa Giavê đã phải nói với ông: “Vì dân Ta chọn đã ra hư đốn. Chúng xa khỏi con đường Ta dạy mà đi thờ bò vàng do chúng đúc ra… Ta thấy dân này là một dân cứng đầu cứng cổ…, nên cơn thịnh nộ của ta sẽ đốt cháy chúng” (Xh 32,7-10). Môsê năn nỉ, làm dịu cơn giận của Chúa: “Lạy Chúa, sao Chúa nỡ thịnh nộ với dân Ngài, dân mà Chúa đã dẫn ra khỏi Ai Cập do bàn tay quyền năng của Chúa? Nếu Chúa tiêu diệt dân Ngài, con sợ bọn Ai Cập sẽ được dịp rêu rao với nhau: Đó, Chúa của chúng nó, bởi dã tâm đã đem chúng ra đi, để giết chúng nơi núi rừng và tận diệt chúng khỏi mặt đất. Xin Chúa hãy nhớ đến các tôi tớ trung thành của Chúa là Ápraham, Isaác và Giacob mà tha tội cho dân… Và Giavê đã rút lại quyết định trừng phạt dân của Ngài” (Xh 32,11-14). Lời nguyện xin, cầu bầu của Môsê đã cứu dân khỏi bị tiêu diệt cho thấy sức mạnh của việc “cầu thay nguyện giúp”. Lời nguyện cầu tha thiết của ông là lời ca ngợi những kỳ công do tình yêu và bàn tay quyền năng của Chúa, đồng thời xin Chúa nhớ lại những khuôn mặt tôi tớ trung thành của Chúa. Khi nhắc đến Ápraham, Iasaac, Giacob, Môsê đã cậy vào uy tín và ơn phúc của các tổ phụ, một cách nào đó, Môsê đã dùng tên các Ngài như một bảo đảm cho lời nguyện cầu của mình. Như thế, Môsê không chỉ cầu nguyện một mình với Giavê, không chỉ đơn độc năn nỉ Giavê, nhưng hiệp thông với cha ông, với cả giống nòi, dân tộc được chọn để cùng “cầu thay nguyện giúp” cho dân. Sức mạnh của lời cầu nguyện là sức mạnh của mầu nhiệm hiệp thông như chúng ta luôn cầu xin cùng toàn thể Giáo Hội và xin mọi sự “vì Đức Tin của Hội Thánh Chúa”. Trong Đức Tin của toàn thể Giáo Hội, lời cầu nguyện mang tầm vóc “lớn lao và toàn thể” của tất cả dân thánh Chúa và lời cầu ấy chắc chắn sẽ đẹp lòng Chúa hơn lời cầu riêng lẻ, đơn độc. Hiệp thông trong lời cầu là hiệp thông sức mạnh cầu bầu với Chúa, Đấng là Tình Yêu thông hiệp như Ba Ngôi đã hiệp thông trong nhau, như Đức Kitô đã hiệp thông với tất cả những người đi theo Ngài: “Thầy ở trong chúng con và ở với chúng con mọi ngày cho đến tận thế”.
Đức Maria là gương mẫu của cầu bầu và phép lạ hoá nước thành rượu trong tiệc cưới Cana là bằng chứng hùng hồn. Khi biết nhà đám thình lình hết rượu, Đức Maria đã kín đáo cầu bầu cùng Đức Giêsu cho nhà đám và xin Ngài làm phép lạ cứu đôi tân hôn ra khỏi thế bí hết rượu giữa buổi tiệc. Bởi tiệc cưới đang hồi “cao trào, dô dô bốc lửa” mà hết rượu thì ăn nói làm sao với quan khách? Nếu Đức Kitô không làm phép lạ theo lời xin của Mẹ Ngài cho sáu chum nước biến thành sáu chum rượu tuyệt ngon thì đôi tân hôn sẽ phải thẹn thùng, bẽ bàng biết bao. Và như chúng ta biết, lời cầu bầu của Đức Mẹ đã cứu gia đình mới và ban cho họ niềm vui, hạnh phúc tràn đầy (Ga 2,1-12).
Đức Kitô cũng tỏ cho ta thấy sức mạnh của “cầu thay nguyện giúp” của người sống dành cho người đã qua đời. Người chết rất cần lời cầu của người sống, vì khi chết rồi, con người không còn cơ hội lập công đền tội nữa, mà chỉ còn trông mong vào người còn sống thương xót cầu bầu cho. Khi nghe tin Lazarô chết, Đức Kitô ghé chia buồn. Ngài không có ý làm phép lạ cho Lazarô sống lại, nhưng trước lời nài van, năn nỉ của Matta và Maria là hai chị của ông với Đức Kitô: “Lạy Thầy, nếu Thầy ở đây thì em con không chết, nhưng bây giờ vẫn còn kịp, vì con biết Thầy xin gì cùng Thiên Chúa thì Thiên Chúa cũng ban cho Thầy” (Ga 11,21-32), Đức Kitô đã cho ông sống lại mặc dù đã chết bốn ngày và xác đã nặng mùi. Cho Lazarô sống lại vì Matta và Maria khẩn khoản nài xin, Đức Kitô đã mạc khải chân lý hiệp thông giữa các tín hữu đã ly trần và những người còn sống. Người chết được hưởng trọn vẹn những lời “cầu thay nguyện giúp” của người sống và vì lời cầu nguyện hiệp thông, chia sẻ, cầu bầu này, linh hồn người đã chết được hạnh phúc trong Nước hằng sống. Lazarô đã được sống lại nhờ lời cầu bầu của hai chị là hình ảnh của các linh hồn được hưởng sự sống đời đời nhờ lời cầu của chúng ta.
Nhưng đôi khi vì ích kỷ, ta như Giôna thay vì vui mừng, cảm tạ, đã trách móc, giận dỗi Chúa vì Chúa đã tha thứ cho thành Ninivê (Gn 4,1-4). Không thiếu những lần trái tim ta nhỏ bé, hẹp hòi và còn vương vấn hận thù, ghen ghét đã từ chối không cầu nguyện cho những người ta không ưa, những người làm ta buồn lòng, hoặc thiệt hại vật chất. Tính tự nhiên bảo ta “vui khi họ buồn và buồn khi họ vui”, nên đã không cầu thay nguyện giúp cho những người này bao giờ. Ta đã quên một điều quan trọng trong đòi hỏi của Đức Ái, đó là “cầu nguyện cho kẻ ghét bỏ, bách hại chúng con”. Cầu bầu cho họ là việc làm đẹp lòng Chúa hơn cả vì đòi ở ta nhiều hy sinh, quảng đại, quên mình. Nhưng chính khi cầu nguyện cho những người này, ta học được nơi Chúa lòng xót thương vô bờ bến. Chính lòng thương xót ấy sẽ xót thương ta; chính lòng thương xót ấy sẽ là nơi ta náu thân, là niềm cậy trông vững chắc trong kinh hoàng, sợ hãi của giờ lâm tử. Thiên Chúa Giavê đã chỉ bảo cho Giôna cũng như đang nói với từng người chúng ta sau khi làm cho cây thầu dầu cho Giôna bóng mát thình lình chết héo: “Giôna, ngươi mủi lòng vì cây thầu dầu mà ngươi đã không tốn công trồng và làm cho nó lớn lên… Còn Ta, Ta không chạnh lòng sao được trước cả một kinh thành đông đúc, trong đó có hơn mười hai vạn người…!” (Gn 4,5-11).
Kinh nghiệm thiêng liêng cho thấy: khi cầu nguyện, chúng ta gặp được mọi người và chỉ trong cầu nguyện, ta mới thấy mình gần gũi, yêu thương mọi người, nhất là những người thân yêu, quen biết. Cuộc sống vội vã, chộp giật vì miếng ăn, manh áo, vì danh vọng, sự nghiệp, nên mấy ai nhớ đến ai, vì không có giờ, vì không có lợi… Chỉ những tâm hồn cầu nguyện, những con người cầu nguyện, những cuộc sống cầu nguyện mới thật sự yêu thương, gần gũi, giúp đỡ mọi người. Bởi trong cầu nguyện, ta gặp và cầu bầu cho những người đã chết, ta nhớ và cầu xin cho những người đang sống, ta chiêm ngắm và xin các Thánh trên Trời “cầu thay nguyện giúp”. Trong cầu nguyện, ta hiệp thông với toàn thể Giáo Hội và nài xin mọi điều lành cho mọi người vì “Đức Tin của Giáo Hội”. Bằng lời và đời cầu nguyện, ta chia sẻ gánh nặng và chung niềm vui với người khác. Cũng với cầu nguyện, người khác xin ơn tha thứ, kéo ơn bình an xuống đời ta khi cầu bầu cùng Chúa cho ta.
Mùa Chay là Mùa cầu nguyện. Cầu nguyện là ca tụng lòng thương xót Chúa và tôn vinh danh thánh Ngài. Cầu nguyện là nhớ đến Giáo Hội và mọi thành phần trong Giáo Hội từ các Thánh đến các linh hồn, người đang sống. Nhớ và yêu thương. Nhớ và cầu thay nguyện giúp. Nhớ và chia sẻ vui buồn. Nhớ và kê vai đỡ bớt gánh nặng. Nhớ và tha thiết cầu bầu. Nhớ và hiệp thông, bác ái; bởi Đức Tin của Giáo Hội là Đức Tin hiệp thông trong Đức Kitô, không phải đức tin riêng lẻ, cá nhân, đơn độc; Đức Tin của toàn thể dân thánh được tuyển chọn; Đức Tin của đoàn lũ những người đi theo Đức Kitô, lắng nghe Ngài và ở với Ngài. Đức Tin ấy không bao giờ cằn cỗi vì được tháp nhập vào Đức Kitô như cành gắn liền cây. Đức Tin ấy không chơ vơ giữa trời mông quạnh hay lầm lũi một mình một bóng, nhưng là Đức Tin rộn rã, sống động, hợp quần, liên đới như đàn chiên hớn hở vui mừng cùng đi với nhau theo chân Chúa chiên đến đồng cỏ xanh, đến bờ suối mát. Chính vì thế, lời nguyện cầu trong Đức Tin của Hội thánh là lời nguyện cầu cộng đồng, hiệp thông để mọi thành phần dân Chúa đều được hưởng ơn phúc từ lời cầu. Giáo Hội là gia đình, là thân thể mầu nhiệm của Đức Kitô nên lời cầu của mọi thành viên gia đình, lời nguyện của tất cả các chi thể đều ảnh hưởng đến nhau, nâng đỡ được nhau, cứu giúp được nhau. Có biết bao tâm hồn thánh thiện đêm ngày cầu nguyện cho ta mà ta không biết. Có biết bao nữ tu nhà kín đêm ngày khẩn khoản Thiên Chúa “tha nợ tha phạt” cho ta mà ta không hay. Có biết bao trái tim từng giây phút xin ơn bình an cho ta mà ta chẳng quan tâm, để ý. Có biết bao tấm lòng đang cầu xin ơn trở về cho ta mà ta hờ hững, coi thường. Và có biết bao người trong Giáo Hội sẽ nhớ đến ta khi ta xuôi tay trở về với đất mà ta không hề ý thức tình yêu và giá trị cứu rỗi họ sẽ dành cho ta.
Mùa Chay như một lần trở về, trở về gặp nhau trong cầu nguyện, trở về gặp lại những người đã quen biết, thương yêu, những người lâu rồi không gặp, những người chẳng bao giờ được gặp nhưng họ đang “cầu thay nguyện giúp” cho ta khi sống cũng như khi chết. Trở về gặp lại những người này là trở về nhà Giáo Hội, ở đó mọi người hiệp thông cầu nguyện và hiệp thông cầu nguyện cho nhau nhân danh Đức Kitô, Đấng đã phán: “Các con hãy yêu thương nhau” và tình yêu cao quý, lớn lao nhất chúng ta có thể dành cho nhau là nhớ đến nhau trong lời và đời cầu nguyện.

Mùa Chay - Mùa Bình An Cho Người Thiện Tâm

Đề tài nghe giống như tiếng hát thiên thần đêm Giáng Sinh: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, Bình An dưới thế cho người thiện tâm”. Không lẽ mình lạc đề Mùa Chay sang mùa sinh nhật? Không khí những ngày cuối cùng trước khi đi vào cuộc tử nạn ngày càng nặng nề, ngột ngạt vì những cuộc tranh luận giữa những người Biệt Phái thiếu thiện tâm và Đức Kitô, đích nhắm của thế lực đạo đời đang tìm tiêu diệt. Bầu khí rất căng thẳng khi những người Do Thái bị đám Biệt Phái thúc giục, giật giây đã công khai khủng bố Đức Kitô và nhóm môn đệ của Ngài bằng những màn khiêu khích, gây gổ, ném đá. Giáo huấn và những mạc khải về Thiên Chúa cũng như những phép lạ của Đức Kitô đã làm họ điên lên và như những giọt nước cuối cùng đã tràn ly, họ quyết tâm bắt Ngài trong dịp lễ Vượt Qua là lễ lớn của đạo Do Thái kỷ niệm ngày dân ra khỏi đất Ai Cập nô lệ.
Trong bầu khí căng thẳng của những ngày này, ta nhận ra dễ dàng diện mạo những người thiếu thiện tâm và qua thái độ, hành động của họ, ta khám phá bộ mặt thật của tâm địa ác độc, giả hình.
 Tin Mừng Mátthêu và Gioan đặc biệt vạch rõ bộ mặt thật này qua nhiều trình thuật được tỉ mỉ ghi chú, trình bày.
1.   Trước hết, người thiếu thiện tâm là người không tôn trọng sự thật. Sự thật rành rành xảy ra trước mắt, họ cũng không chấp nhận, nếu sự thực ấy không có lợi cho họ, không cùng lề phải, cùng hướng họ đi. Sự thực cho dù có được mọi người công nhận, họ cũng cối chầy phủ nhận, xuyên tạc, bóp méo, gạt phăng, giễu cợt. Câu chuyện Đức Kitô chữa người mù bẩm sinh đã chứng minh điều này (Ga 9,1-41). Người mù được Chúa chữa lành là một phép lạ tỏ tường trước mắt nhiều người quen biết anh và tất cả đều sửng sốt, trầm trồ thán phục. Anh mù được sáng mắt, sau khi đến hồ Siloê để rửa như lời dặn của Đức Kitô đã công khai tuyên xưng “Người làm cho tôi sáng mắt chính là ông Giêsu” (Ga 9,11). Đám đông thấy phép lạ thì tin ngay, nhưng đám Biệt Phái thiếu thiện tâm thì lắt léo gặng hỏi người mù được chữa lành, rồi cho gọi cha mẹ anh đến để hạch hỏi xem có thật anh là con ông bà, bị mù từ thuở mới sinh và tại sao bây giờ được sáng mắt (Ga 9,19-20). Họ thiếu thiện tâm nên không sự thật nào lọt vào được tâm địa gian ác của họ, vì sự thật không thể chung sống với ác tâm. Tuy cố tình chống lại sự thật, từ chối phép lạ Đức Kitô chữa anh mù, họ không thay đổi được xác tín rất mạnh mẽ, dứt khoát và kiên định của anh mù luôn miệng tuyên bố: “Tôi đã nói với các ông nhiều lần: chính ông Giêsuđã mở mắt cho tôi mà các ông không chịu tin” (Ga 9,27), phải chờ đến khi anh mù hỏi đểu: “Hay các ông muốn nghe tôi kể lại, vì các ông cũng muốn làm môn đệ ông ấy?” họ mới chịu yên, nhưng vì bị “chạm nọc” tự ái, nên họ điên cuồng chửi rủa anh không tiếc lời: “Mày mới là môn đệ ông ấy, còn chúng tao là môn đệ Môsê...”, “Mày là đứa sinh ra hoàn toàn trong tội mà dám lên lớp, dạy bảo chúng tao à?” và họ đuổi anh ra ngoài cho khuất mắt họ (Ga 9,27-28.34).
2. Không áp chế được sự thật và không bịt miệng được người công bố sự thật, những người mang tâm địa xấu như mấy ông Biệt Phái quay ra bới lông tìm vết. Biết không làm gì được trước lòng tin và ngưỡng mộ của dân chúng khi Đức Kitô chữa người tê bại ở hồ Bêzatha, gần Cửa Chiên của đền thờ Giêrusalem (Ga 5,1-16), họ quay sang tấn công người tê bại được chữa lành đang vác chõng đi: “Anh này, anh không được vác chõng như thế, vì hôm nay là ngày thứ bảy”. Ngày thứ bảy là ngày nghỉ việc, nhưng mắc mớ gì đến chuyện vác chõng về nhà sau ba mươi tám năm nằm chết gí một chỗ, nay mới được chữa lành. Thử tưởng tượng niềm vui chất ngất của một người bất toại không đi đứng nhưng nằm bất động ba mươi tám năm nay đứng được, đi được, chạy nhảy được. Thế mà niềm vui của ông đã không được chia sẻ, nhưng đã bị những người có tâm địa xấu rình rập muốn cướp đi. Không ngăn chặn được sự thật một phép lạ lớn vừa xảy ra, họ tìm cớ kết tội anh đã không giữ luật ngày Sabát mà chẳng thèm quan tâm đến bệnh tật đã kìm kẹp, buộc trói anh nằm yên một chỗ gần nửa cuộc đời. Ác tâm đã không đón nhận sự thật, cũng như không có chỗ cho cảm thông, yêu thương. Không thiện tâm, trái tim họ “không vui được với ai mừng vui và không khóc được với ai đang khổ sầu” vì trái tim ấy cằn cỗi, khô khan, đầy kín mưu mô, ác độc. Họ rất giỏi bắt bẻ những sơ hở cỏn con như hạch sách Chúa: “Tại sao các môn đệ của ông không giữ tập tục của cha ông khi không rửa tay trước khi ăn” (Mt 15,2). Rửa tay trước khi ăn chỉ là một tập tục không quan trọng, nhưng với ác ý, ác tâm gài bẫy Đức Kitô, họ đã đem chuyện nhỏ ra bắt bẻ. Vì thế mà họ đã bị Đức Kitô kết án là đồ giả hình “chỉ thờ kính Thiên Chúa bằng môi miệng, còn lòng chúng thì quá xa xôi” (Mt 15,8). Và cứ thế, với tâm địa không ngay lành, họ tìm mọi sơ hở để bắt bẻ Đức Kitô và các môn đệ.
3.   Bới lông tìm vết không xong, bắt bẻ không đạt, họ quay sang thủ đoạn xuyên tạc, gièm pha, chụp mũ, giễu cợt. “Không ăn uống như Gioan Tẩy Giả thì họ bảo bị quỷ ám. Đức Kitô đến, ăn uống như mọi người thì họ bảo: Đó là một tên mê ăn, bợm nhậu, chuyên la cà làm bạn với những người thu thuế và tội lỗi” (Mt 11,18-19). Trừ quỷ cho người bị quỷ ám, thay vì nhận đó là phép lạ và tình trạng được chữa lành của người bị quỷ ám, những người Biệt Phái thiếu thiện tâm đã thẳng thừng chụp mũ : “Ông này đã nhờ phép tướng quỷ mà trừ quỷ” (Mt 12,24). Bị Đức Kitô kê lại: “Nếu quỷ lại trừ quỷ thì chúng chia rẽ nhau, nước chúng bền vững thế nào được? Vả lại, nếu ta nhờ tướng quỷ mà trừ quỷ, thì con cháu các ông sẽ nhờ ai mà trừ?” (Mt 12,26-27). Cứ ra trận nào là thua trận ấy, xuất chiêu nào là chiêu ấy bị “nốc ao - knock out” thế mà vẫn chưa chịu yên, cứ hừng hực xiên xỏ vì tâm can rực lửa ác độc, ngập đầy ý nghĩ xấu xa. Đức Kitô muốn họ khiêm tốn nhìn lại tâm địa thiếu ngay lành, chính trực của họ để cuộc đời họ được đổi mới, nhưng xem ra đâu cũng hoàn đấy và cho đến giờ Đức Kitô bị đóng đinh hấp hối trên Thánh Giá, họ cũng vẫn giễu cợt, ngạo mạn, thách thức: “Nếu nó đã cứu được kẻ khác, sao không cứu được mình. Nếu nó là vua dân Do Thái, thì hãy xuống khỏi thập giá đi, có thế chúng ta mới tin. Nó trông cậy vào Thiên Chúa. Vậy nếu Thiên Chúa yêu nó thì hãy cứu nó đi vì nó đã tự xưng là Con Thiên Chúa” (Mt 28,41-43). Tâm địa cực kỳ ác độc đã không buông tha cả người đang quằn quại hấp hối trên thập tự!
4.   Đòn độc tiếp theo của những người lòng dạ không ngay chính là chia rẽ, xúi bẩy, ném đá giấu tay. Họ rất sợ người khác đoàn kết, vì đám đông đoàn kết là họ chết, hết đâm thọc. Càng chia nhỏ đám đông, càng dễ khuynh đảo quần chúng, dư luận. Xúi người khác làm bậy, thúc người khác làm điều gian ác cũng là nghề ruột của họ, vì tâm địa gian ác chỉ tìm những điều gian ác. Đức Kitô đã ngao ngán thốt lên: “Bao nhiêu lần, ta muốn tập hợp con cái, như gà mẹ ấp ủ con dưới cánh mà các ngươi chẳng muốn” (Mt 24,37). Trước mặt quan Philatô, những trưởng tế và kỳ lão ác tâm đã xúi dân xin tha Baraba và đòi giết Đức Giêsu, mặc dù Philatô đã nói rõ: Tôi không thấy người này có tội gì (Mt 27,23), cả vợ ông cũng mơ thấy điềm chẳng lành nếu chồng mình dính vào máu người vô tội này (Mt 27,19). Ném đá giấu tay và xúi bẩy dân đồng thanh đòi đóng đinh Đức Giêsu vào thập giá, họ đã thành công trong mưu đồ triệt hạ Đức Kitô, người đã lật tẩy bộ mặt giả nhân giả nghĩa, tâm địa gian ác, ghen tương, kiêu ngạo của họ. Ván bài lật ngửa hoàn toàn khi Đức Kitô chỉ mặt gọi tên, kể tội họ: Hỡi bọn giả hình, phô trương, lười biếng, háo danh! Hỡi loài rắn độc, bóc lột, tham ô, mù quáng! Hỡi phường gian ác, bên ngoài tô son, bên trong hôi thối! Hỡi đám lưu manh, cướp cơm chim, trấn lột bà goá! Hỡi bọn công chính giả hiệu, bề ngoài như những mồ mả quét vôi trắng, nhưng bên trong hôi thối, dòi bọ! Hỡi đám côn đồ bàn tay vấy máu người vô tội! (Mt 23,1-39). Quả thực, Đức Kitô đã không từ bỏ một danh xưng tiêu cực, gớm ghiếc nào để gọi tên, điểm mặt những người tâm địa không ngay lành và ngoan cố giả hình này. Chiến tranh giữa Ngài và các ông Biệt Phái, Thượng tế bùng nổ dữ dội và kết thúc bằng việc Đức Kitô bị các ông âm mưu gài bắt và kết án tử hình đóng đinh. Với cái nhìn nhân loại, các ông là người chiến thắng và gian tà, ác độc đã đánh gục người thiện tâm, ngay chính, hiền lành là Đức Kitô, chiên Thiên Chúa, tôi tớ đau khổ, vâng lời của Giavê.
5.   Sau cùng là thái độ côn đồ khi bị đuối lí, mắc kẹt, hay bị “quê mặt” trước người khác. Không biết bao nhiêu lần họ đã ném đá Đức Kitô khi họ bị Ngài dồn vào thế bí, không trả lời được (Ga 8,59). Cái khổ của họ là hay “vạch lá tìm sâu”, nhưng sâu đâu không thấy, chỉ thấy họ bị “quê một cục”, mặt đỏ bừng như gấc, luống cuống, ngượng ngùng trước đám đông khi bị Đức Kitô đốp chát, quật lại. Sử dụng luật rừng ném đá khi thua lí là nét côn đồ ở những người Biệt Phái thiếu thiện tâm.
Ngoài kiểu chơi giang hồ, côn đồ này, họ còn sử dụng màn đe doạ, áp đảo tinh thần những người có thiện cảm hoặc bênh vực chân lý như trường hợp ông Nicôđêmô cũng ở trong nhóm họ khi ông này lên tiếng nhắc nhở: “Lề Luật của chúng ta không lên án ai khi chưa tra hỏi người ấy và chưa biết rõ việc họ làm” (Ga 7,50-51). Ông bất bình trước sự việc những đồng nghiệp thiếu thiện tâm đang moi móc, tìm cớ bắt cho bằng được Đức Kitô. Điên tiết trước lời nhắc nhở, họ quát mắng ông: “Cả anh nữa, anh cũng là người Galilê ư? Giở Kinh Thánh ra mà xem, anh sẽ thấy: chẳng có một tiên tri nào xuất hiện từ Galilê cả” (Ga 7,52).
Đề tài là “người thiện tâm” mà lại miên man với “người ác tâm” nên coi như đã lạc đề; nhưng trộm nghĩ khi những tiêu cực của ác tâm hiện hình, thì tích cực của thiện tâm cũng xuất hiện. Người ác tâm luôn bàn ra, gièm pha, xuyên tạc, bóp méo sự thật, chụp mũ chứng nhân, móc lò, phê phán, hạ uy tín, trấn áp, khủng bố, manh động côn đồ người không cùng chính kiến, không cùng lý tưởng, không đồng chí hướng. Mục đích của người có tâm địa xấu là cướp cơm chim, giành công trạng, khoe khoang, lợi dụng và hưởng thụ. Ngược lại, người thiện tâm tôn trọng, bảo vệ, yêu mến, sống chết cho sự thực; người thiện tâm nhìn sự việc dưới con mắt trong sáng, với ý nghĩ ngay lành, tích cực và luôn thiết tha xây dựng, giúp đỡ, che chở người khác. Người thiện tâm không tìm mình nên không kiêu căng, khoe khoang, tự mãn, không gian dối, mưu mô, nhưng hiền hoà, khiêm tốn, trung thực và luôn vì lợi ích chung của mọi người.
Đêm Giáng Sinh các Thiên Thần đã chúc an bình cho người thiện tâm. Đêm Mùa Chay, Đức Kitô cũng nhẹ nhàng nhắc nhở phải sống bằng thiện tâm. Thiện tâm là trái tim hiền lành, khiêm tốn; là trái tim khao khát công chính và rộng lượng xót thương; là trái tim trong sạch, yêu chuộng hoà bình; là trái tim nhạy bén dễ cảm thông, biết sẻ chia với người cùng khốn; là trái tim vui với ai mừng vui, khóc với ai đang sầu khổ; là trái tim nhìn thấy Thiên Chúa trong mọi người để yêu thương, tha thứ, phục vụ, hiến mình.
Mùa Chay cũng là mùa an bình khi tất cả rời bỏ xôn xao, trở về lắng đọng. Trong tĩnh lặng của thời gian, thanh vắng của không gian, Đức Kitô âu yếm thì thầm: “Thầy để lại bình an cho các con. Thầy ban bình an của Thầy cho các con. Các con hãy đi và sinh nhiều hoa trái, vì Thầy luôn ở với ai có tâm hồn ngay lành” (Ga 20,19).

Mùa Chay - Mùa Hoà Giải


Có lẽ danh từ được nói đến nhiều nhất, sứ mệnh khó khăn nhất, công tác vất vả nhất và nhu cầu cấp bách nhất chính là Hoà Giải. Con người ở bất cứ thời đại nào cũng cần hoà giải: hoà giải giữa vợ chồng, hoà giải giữa cha mẹ - con cái, hoà giải giữa ông bà - cháu chắt, hoà giải giữa những người cùng xóm, cùng làng, cùng sở, cùng tổ chức, hoà giải giữa các quốc gia, giữa khối này khối nọ, chưa kể nhu cầu hoà giải giữa mình với mình, giữa mình và Thiên Chúa. Hoà giải ở giữa sinh hoạt con người, cần thiết cho con người tồn tại và hạnh phúc. Hoà giải giúp con người ra khỏi những bế tắc trong tương quan, giải quyết những khúc mắc, đối kháng trong sinh hoạt. Hoà giải bảo đảm an bình cho tâm hồn, hạnh phúc cho gia đình, hoà bình cho thôn làng, thế giới. Hoà giải gắn liền mọi người của mọi tuổi tác, địa vị, hoàn cảnh: học sinh mẫu giáo cũng cần hoà giải như cha mẹ, ông bà, lãnh đạo quốc gia. Hoà giải thực thiết thân với cuộc sống con người, nhưng con người hoà giải được hay không và hoà giải đến mức độ nào. Đó là điều chúng ta cùng chia sẻ.

Hoà giải chỉ có ý nghĩa và tồn tại khi có bất công. Nếu xã hội, con người không bị đảo lộn, căng thẳng vì bất công, thì sự có mặt của hoà giải thật vô duyên vì không ai cần hoà giải can thiệp. Bất công là tình trạng vắng bóng công bình: Tôi không đụng chạm quyền lợi của anh, nhưng anh đem búa đập nhà tôi. Anh đã không tôn trọng công bình và đã gây ra cho tôi bất công. Bất công là khi công bình bị tấn công, vi phạm: Hai bên đã ký kết giao kèo, nhưng anh không tôn trọng, cứ cho người sang phá hoại hoa mầu ruộng nhà tôi. Anh đã gây bất công cho tôi. Anh nhận từ tôi lòng yêu mến, ngưỡng mộ, hy sinh, nhưng anh phản bội, bỏ rơi tôi, anh đã gây cho tôi bất công. Anh có bổn phận xây dựng, bảo vệ đất nước vì đất nước đã yêu thương, nuôi nấng anh, nay anh bán đứng quê hương, làm hại đất nước, anh đã gây bất công cho đất nước, quê hương.
Như thế, bất công là vi phạm bổn phận công bình và bất cứ vi phạm nào đều có người vi phạm và người bị xúc phạm, người gây tổn thất và người bị tổn thương, người gây bất công và người chịu hậu quả buồn của bất công, tác giả tội ác và nạn nhân tội nghiệp. Bất công đã gây ra đối kháng căng thẳng giữa hai bên và tạo nên bầu khí căng thẳng, rực lửa hận thù. Bất công làm đảo lộn đời sống bình thường, an bình, hạnh phúc. Bất công đặt con người vào vị trí mâu thuẫn, thù nghịch, sẵn sàng trừng phạt, tiêu diệt nhau. Bất công chặt đứt giây liên đới hoà bình, thân ái và khoanh vùng chiến đấu, đào chiến hào tấn công. Bất công càng lớn, thù hận càng cao. Bất công càng sâu đậm, chiến tranh càng khốc liệt.


Trước những vi phạm và hậu quả tai hại của bất công, người ta có những thái độ nào?
Người ta có thể ỷ thế mạnh và chơi “bài lì”, không sửa chữa bất công; hoặc bất chấp đòi hỏi của công bằng là bồi thường thiệt hại vật chất, tinh thần. Người ta cũng có thể tìm những giải pháp giai đoạn, tạm bợ để ru ngủ đối phương. Nhưng cả hai thái độ trên đều không tái tạo được an bình và ngày đêm người trong cuộc sẽ khổ sở vì “chiến tranh”. Nói đến chiến tranh là nói đến tình trạng mất an ổn, mà an ổn quan trọng nhất, ảnh hưởng lớn cho hạnh phúc con người là an ổn tinh thần. Ta có thể tưởng tượng một giấc ngủ an bình, hạnh phúc của một tâm hồn không gây bất công, thù oán với ai và một giấc ngủ trằn trọc, lo sợ bị trả thù của một người gây nhiều bất công, làm hại người khác, tổn thương tha nhân. Chính vì muốn “ngủ ngon với tâm hồn an bình”, chính vì muốn tránh tâm trạng lo âu, sợ sệt, chằm chặp đề phòng bị khủng bố của người lâm chiến mà người ta không thể sống mãi trong căng thẳng do bất công. Chính vì cần một bầu khí bình an, an toàn mà người ta phải tìm đến hoà giải. Hạnh phúc ở đâu và thời nào cũng là mục tiêu phải đạt của con người. Khát vọng hạnh phúc ấy đã vận động, thúc đẩy con người đi tìm hoà giải, vì ngoài hoà giải, không còn phương án nào có thể chuộc lại bất công, nối lại liên đới, tái lập an bình. Ngay trên bình diện thế giới, các nước lâm chiến, dù thù địch lâu năm, lâu đời, nhưng đến một lúc nào đó, vì không chịu nổi áp lực đe doạ của đối phương, đã phải ngồi vào bàn hội nghị, cùng tìm một giải pháp hoà bình. Cách này hay cách khác, khát vọng bình an nơi con người vẫn luôn kêu gào hoà giải, cần đến hoà giải.

Nhưng thế nào là hoà giải?
Hoà giải thường được hiểu là hai bên ngồi lại trao đổi, tìm một giải pháp thoả đáng bồi hoàn những thiệt hại cho phía bị tổn thương. Nếu bất công đã gây ra nông nỗi thì người gây ra bất công phải trả lại những gì đã làm mất, hư hại, tổn thất để nông nỗi được tẩy xóa nhờ công bình. Công bình xuất hiện để làm việc với bất công. Công bình có mặt để đòi bất công trả lẽ. Công bình ra tay để hậu quả do bất công gây ra được đền bù cân xứng. Công bình đối mặt với bất công và hoà giải được hiểu khi bất công gục mặt đền trả hết những gì công bình đòi hỏi, khiếu nại. Tiến trình hoà giải sẽ nhanh hay chậm, thành công hay thất bại, tốt đẹp được bao nhiêu phần trăm hoàn toàn tùy thuộc trao đổi, thương lượng giữa bất công và công bình, giữa tác nhân và nạn nhân của bất công. Ở đây, ta bị đặt trước giới hạn của hoà giải theo công bình của nhân loại; bởi công bình nhân loại là công bình không bác ái, công bình đứng riêng lẻ một mình như quan toà ngồi riêng một tòa xử án; bởi công bình của con người là “răng đền răng, mắt đền mắt”, nên khó có thể đạt đến mức hoàn hảo trong công tác đền bù. Nếu răng cứ khăng khăng đòi răng, mắt cứ nghiêm khắc đòi mắt thì khi người gây tội ác, bất công đến lúc hoà giải răng không còn, mắt chẳng thấy thì hỏi sẽ lấy gì mà đền trả người bị thiệt hại cho đúng lẽ công bằng. Nếu công bằng của nhân loại đòi chi li từng phân thiệt hại thì mãi mãi hoà giải giữa con người sẽ bế tắc, hoặc không đem lại kết quả lâu dài, vững chắc, có nghĩa là không tái lập được giây liên đới bền chặt và một bầu khí an bình như phải có. Hoà giải với tiêu chuẩn công bình nhân loại sẽ khó đảm bảo sự chân thành trong trao đổi vì nền tảng chỉ là công bình nguyên chất, khô khan, cứng cỏi, đanh thép, lạnh lùng. Tóm lại, hiểu đơn giản hoà giải là trả lại công bình cho bất công như trả lại món đồ đã ăn cắp cho khổ chủ là một thiếu sót và không dẫn đến hoà giải thực sự, sâu sắc, vững bền. Hoà giải kiểu “ăn cắp - trả lại, gây thiệt hại bao nhiêu, bồi thường bấy nhiêu” là kiểu hoà giải của nhân loại và kết quả sẽ là: hòa giải bao nhiêu cũng không hoà bình, hòa giải cỡ nào cũng vẫn binh đao, hoà giải đến đâu cũng lao đao, lấn cấn, vì công bình đứng một mình không thể đem lại an bình thật.
Trở về với Đức Kitô, Đấng Hoà Giải nhân loại với Chúa Cha, Đấng đã xuống ở với con người để vào bàn hội nghị với con người, ở đó con người là tác nhân gây ra bất công, những bất công tày đình, rất nặng nề đối với Thiên Chúa là đấng tạo nên mình. Với tội lỗi chồng chất, con người đã vi phạm công bình đối với Thiên Chúa khi bất chấp bổn phận của thụ tạo đối với Đấng Chủ Tạo, bất chấp nghĩa vụ làm con với cha, bất chấp trách nhiệm làm chủ và coi sóc vạn vật. Cứ theo lẽ công bình, con người phải đền trả, bồi hoàn những thiệt hại đã gây ra do tội, những tổn thương đã xúc phạm đến Thiên Chúa khi phá vỡ công trình tạo dựng nguyên thủy của Ngài; chưa nói đến tội phản nghịch, bội ước đối với Đấng đã ký kết với con người giao ước yêu thương. Đức Kitô có quyền hạch hỏi và đòi bồi thường, nhưng thay vì tính toán thiệt hại chồng chất, Ngài đã gánh hết nợ nần, bất công của con người và xóa sạch tất cả bằng máu Ngài để tái lập một liên đới mới, một giao ước mới, vĩnh cửu đời đời. Ngài đã hoà giải con người, mỗi người với Chúa Cha bằng cái chết và tái lập tình nghĩa Đất - Trời, tình cha con giữa Thiên Chúa và loài người.
Trong cuộc hoà giải với con người, Đức Kitô đã đi bước trước: “Khi anh còn ở xa, cha anh đã trông thấy anh, cha động lòng thương và chạy đến ôm chầm lấy anh mà hôn” (Lc 15,20). Người con hoang đàng trở về chưa kịp nói với cha những lời tạ tội, thống hối thì cha anh đã “chạy lại, ôm chầm lấy anh mà hôn”. Cha đã không cho anh nói thêm, đã không cần anh xin lỗi dài dòng, nhưng chạnh lòng thương, mừng rỡ, ôm chầm lấy. Hình ảnh người cha là hình ảnh Thiên Chúa đi tìm con người để hoà giải con người với mình. Có đời nào người làm bất công, kẻ có tội lại được người vô tội, người bị thiệt hại, tổn thương đi tìm và hoà giải? Có đời nào cậu con phung phí hoang đàng, tiêu tán hết sản nghiệp của cha, nay trở về lại được cha âu yếm ôm hôn, mà chẳng bị hạch hỏi tội lỗi và bắt phải đền bù? Thiên Chúa đã hoà giải con người bằng sáng kiến kỳ lạ đầy yêu thương, nhân hậu. Sáng kiến hoà giải của Ngài không dựa trên công bình kiểu nhân loại, nhưng để yêu thương, tha thứ phủ lấp công bình, nên chỉ còn tình xót thương nổi bật trong hoà giải. Khi chạy ra đầu ngõ đón con, người cha đã tìm đến con để hoà giải, đã đi bước trước để cha con hoà giải mà không cần qua một thủ tục, nghi thức rườm rà nào. Đi tìm con người đã xúc phạm đến mình để hoà giải, Thiên Chúa đã xuống quá thấp trước con người tội lỗi để nâng con người lên, để nối lại với con người mối giây ân tình một thời đã đứt vì bất công của con người gây ra. Là Tình yêu nên Thiên Chúa không thể không yêu thương, nếu không Ngài sẽ tự chối chính mình. Chính vì tình yêu mà ơn hoà giải đã được ban nhưng không và dồi dào, miễn con người dám mở cửa lòng để đón nhận. Như người con hoang đàng đã mở cửa lòng khi tự nhủ: “Tôi sẽ trở về với cha và thưa với ngài rằng: Lạy cha, con đã lỗi phạm đến Trời và đến cha” (Lc 15,18). Như thế, điều kiện để được hoà giải với Thiên Chúa không là số lượng chính xác thiệt hại phải đền bù hay công bình chính xác phải bù đắp bất công đã gây ra, nhưng là thái độ mở cửa lòng để Thiên Chúa vào được để ban ơn hòa giải. Người cha đã không nói một lời phiền trách hay gắt gỏng, bực bội ra điều kiện, nhưng xúc động, vui mừng vì con tôi chết, nay sống lại, đã lạc mất nay tìm thấy (Lc 15,32).
Tự mình đi bước trước đến hoà giải với con, người cha - Thiên Chúa cũng hoà giải con người với nhau. Khi nghe gia nhân bảo: “chú em đã về và cha đã cho giết bê béo để ăn mừng, vì chú về mạnh khoẻ”, người anh lớn tức giận, nổi sùng, không muốn vào nhà (Lc 15,27-28). Cha anh phải ra gặp và khuyên bảo. Niềm vui của cha đã không là niềm vui của người anh cả. Hạnh phúc của cha đã không là hạnh phúc của người anh cả, vì trái tim cha thì đầy nhân hậu, thương xót, còn quả tim người anh thì chật hẹp, ích kỷ. Người anh cả đã không mừng vì em mình về, không vui khi em bình an, không phấn khởi khi từ nay gia đình quây quần, cha già thôi khắc khoải, mắt lệ ngóng trông đầu ngõ mỗi buổi chiều. Trái lại, người anh giận dữ vì em về, thất vọng vì từ nay trong nhà thêm một miệng ăn, bực bội vì cha già mừng rỡ đón thằng con bất hiếu, hư hỏng. Thế mới biết, trái tim người anh bấy lâu đã chai sạn, cằn cỗi nên chẳng thương cha, cũng chẳng nhớ em. Anh đang lên cơn sốt ích kỷ khi nghĩ đến ngày mai trong nhà thêm một đứa mà đáng lẽ nó nên chết đi thì hơn. Cũng vì ích kỷ, anh nhận ra những bất công, thiệt hại vật chất của em đã gây ra và anh đòi em phải trả lẽ công bình. Anh dựa vào công bình để đẩy em ra khỏi vòng tay của cha. Anh mượn lẽ công bình để em không được ở nhà và không còn quyền làm con như anh. Anh cậy lẽ công bình để loại trừ em như loại trừ một đối thủ. Lòng ghen tức đang gây mâu thuẫn, căng thẳng trong anh và anh không thể hiểu được: tại sao cha lại quá yếu đuối, nhu nhược trước thằng con “trời đánh”, hoang đàng, sa đoạ đã gây biết bao buồn đau, thiệt hại cho cha và gia đình. Cũng với giọng đòi hỏi công bình, anh sấn sổ hạch hỏi: “Con đã hầu hạ cha bao nhiêu năm, không làm trái ý cha bao giờ, thế mà có khi nào cha tự cho con một con dê béo để vui vẻ với bạn bè? Còn đứa con hoang đàng của cha, phung phí, ăn chơi sa đọa trở về thì cha lại giết bê béo ăn mừng” (Lc 15,29-30). Quả thực, anh con cả này bị ám ảnh bởi công bình vật chất nên đã không hạch cha điều gì ngoài chuyện dê béo, bê béo, công tội. Anh không quan tâm đến tình phụ tử, niềm vui của cha khi tìm được đứa con đã mất, hạnh phúc của tuổi già có con cái đông đủ quây quần. Anh chỉ nhắm chuyện của cải và so sánh công sức anh đã phụng dưỡng cha với đời sống điếm đàng, phung phí của cậu em và thúc cha phải phân minh giải quyết “cho ra nhẽ”. Anh muốn một giải pháp công bình tuyệt đối; nghĩa là cha không được vui mừng, ăn khao, tha thứ, âu yếm cậu em hư đốn, nhưng phải trừng phạt, truất quyền hoặc đòi cậu phải bồi thường thiệt hại nếu muốn được ở lại nhà.

Công bằng của người anh cả thật khủng khiếp, nảy lửa. Nó nóng như lửa trên đôi mắt và trong trái tim đang sùng sục sôi vì ghen tương, ích kỷ. Người anh cả không ngờ: đứa con hoang đàng đang gây bất công, đau khổ cho cha lúc này chính là anh.
Biết người con lớn ghen tuông, hiềm khích cậu em mới về, người cha lại phải hoà giải hai con với nhau khi giải thích cho đứa con lớn: “Con ơi, con hằng ở với cha, nên mọi của cải cha có đều là của con. Nhưng bây giờ ta phải ăn mừng, vui vẻ với em con chứ, vì em con đã chết nay sống lại, đã mất nay tìm thấy” (Lc 15,31-32). Phải hoà giải cách nào nữa, ngoài cho người con lớn biết: tài sản của nhà này là của anh. Cũng lại phải đem vật chất ra dụ… Thế mới biết, đa số các mâu thuẫn, đố kỵ đều phát sinh từ lòng ham muốn vật chất và tranh giành của cải.
Đức Kitô đã hoà giải con người với Thiên Chúa, đồng thời hoà giải con người với nhau bằng lẽ công bình của Tình thương. Như người cha đã tự chạy lại ôm con và hoà giải với con, vì yêu con. Ông cũng tự ra ngoài gặp cậu cả, nhẹ nhàng giải thích để hai anh em không hiềm khích, đố kỵ, ganh ghét nhau. Ông tự nguyện hy sinh để hai con hoà giải với nhau, vì ông yêu chúng. Tình thương của Thiên Chúa là tình cha bao la luôn đi bước trước đến hoà giải với con người và đi bước trước thay cho con người để hoà giải con người với nhau. Đức Kitô đã hoà giải tất cả trong máu Ngài bằng một tình yêu tự hiến để món nợ công bằng mà con người phải trả cho Thiên Chúa được xí xoá, để hiềm khích do bất công giữa con người được tẩy rửa, thứ tha. Chính trong máu của Ngài mà công bình được mặc áo yêu thương, trong cái chết của Ngài mà công bình nảy sinh bác ái. Bác ái trong công bình, công bình có bác ái sẽ hoà giải được tất cả, vì có bác ái, công bình sẽ không cứng cỏi, khô khan, đanh thép, lạnh lùng, nhưng sẽ đại lượng, bao dung, nhẫn nại, vui tươi, nhân hậu và không bao giờ tàn phai.
Mùa Chay mời gọi hòa giải, vì mục đích của “ăn chay” chính là hoà giải với mình, với Chúa, với tha nhân. Không hoà giải, ta không gặp được ai, kể cả gặp mình. Mức độ hoà giải càng chân thành, liên đới giữa ta với Chúa và anh em càng thắm thiết, sâu đậm. Mức độ hoà giải càng cao, tình yêu trong ta càng dồi dào, phong phú.
Đức Kitô đến để hoà giải, môn đệ theo Ngài cũng phải sống sứ mạng hoà giải: hoà giải từ sâu thẳm tâm hồn, hoà giải trong thái độ, cung cách, hoà giải trong ý nghĩ, hành động, hoà giải mình với mọi người và hoà giải mọi người với nhau trong đức ái thứ tha và công bình thương xót như Chúa dạy.