https://www.youtube.com/watch?v=e9IUdG-K0gk
Nếu có người đến xin gặp, chắc chắn ta phải chuẩn bị nhà cửa sạch sẽ, áo quần chỉnh tề, tươm tất. Gặp ai lần đầu, ta sẽ thận trọng không để lộ tung tích bất hảo hoặc những điểm yếu của mình và tận dụng nghệ thuật “đắc nhân tâm” để lôi cuốn, mê hoặc người ấy. Để lôi cuốn nhanh và gọn, không gì hay bằng “nổ cho giòn, nổ cho ngon”: nổ gia thế năm ba đời làm quan đại thần, nổ dòng dõi khoa bảng, bằng cấp chất đầy nhà, nổ kiến thức trời cao biển rộng, nổ “tang bang tế thế”, thế giới bốn bể là bà con, bạn bè, nổ tiền bạc đổ vào như sóng thần, nổ tương lai, sự nghiệp như vương quốc sắp khai sinh… Mấy ai dám im hơi lặng tiếng khi có người tìm đến chiêm ngưỡng mình. Mấy ai đủ kiên nhẫn chờ người khác khám phá về mình mà không khai hoả nổ về mình trước. Và mấy người đã khiêm tốn không nổ, trái lại đã chỉ nói với người đến tìm tôn vinh mình về nỗi cô đơn, cơn khủng hoảng và tình trạng thất thế, bất lợi của mình… như Đức Kitô.
Nếu có người đến xin gặp, chắc chắn ta phải chuẩn bị nhà cửa sạch sẽ, áo quần chỉnh tề, tươm tất. Gặp ai lần đầu, ta sẽ thận trọng không để lộ tung tích bất hảo hoặc những điểm yếu của mình và tận dụng nghệ thuật “đắc nhân tâm” để lôi cuốn, mê hoặc người ấy. Để lôi cuốn nhanh và gọn, không gì hay bằng “nổ cho giòn, nổ cho ngon”: nổ gia thế năm ba đời làm quan đại thần, nổ dòng dõi khoa bảng, bằng cấp chất đầy nhà, nổ kiến thức trời cao biển rộng, nổ “tang bang tế thế”, thế giới bốn bể là bà con, bạn bè, nổ tiền bạc đổ vào như sóng thần, nổ tương lai, sự nghiệp như vương quốc sắp khai sinh… Mấy ai dám im hơi lặng tiếng khi có người tìm đến chiêm ngưỡng mình. Mấy ai đủ kiên nhẫn chờ người khác khám phá về mình mà không khai hoả nổ về mình trước. Và mấy người đã khiêm tốn không nổ, trái lại đã chỉ nói với người đến tìm tôn vinh mình về nỗi cô đơn, cơn khủng hoảng và tình trạng thất thế, bất lợi của mình… như Đức Kitô.
Tin Mừng Chúa Nhật thứ năm Mùa
Chay kể chuyện “có mấy người Hy Lạp đến gặp Philipphê người thành Bethsaiđa và
xin ông cho gặp Đức Kitô. Philipphê bàn với Anrê và cả hai đến thưa với Đức
Kitô” (Ga 12,20-22). Gặp họ, Đức Kitô đã nói: “nếu hạt lúa gieo xuống đất,
không mục nát đi thì nó cứ trơ trơ mãi, nhưng nếu mục nát đi, nó sẽ sinh nhiều
bông hạt. Ai yêu mạng sống mình thì sẽ mất, ai ghét mạng sống mình ở đời này
thì sẽ giữ được nó cho cuộc sống đời đời. Ai muốn phục vụ Ta, hãy theo Ta và Ta
ở đâu, tôi tớ Ta cũng ở đó. Lúc này tâm hồn Ta thật là bối rối. Ta sẽ phải nói
gì đây? “Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ kinh hoàng này. Song lạy Cha, cũng vì giờ
này mà con đã đến…” (Ga 12,24-27).
Tưởng Đức Kitô sẽ như chúng ta “nổ”
một tăng ra trò để hớp hồn mấy người Hy Lạp ái mộ; tưởng Ngài sẽ tự giới thiệu
mình đã làm nhiều phép lạ, chữa bá bệnh kể cả những bệnh nan y, bẩm sinh; tưởng
Ngài sẽ lên lớp về vương quốc huy hoàng sắp đến; tưởng Ngài thao thao bất tuyệt
về thân thế, sự nghiệp, tương lai của Con Thiên Chúa. Trái lại, không ai ngờ,
Ngài đã chỉ nói về mình như hạt lúa phải mục nát, mạng sống mình sẽ bị lấy đi,
đi theo mình là để phục vụ người khác, tâm hồn mình đang bấn loạn, lo âu trước
khổ nạn sắp tới và lòng vâng phục tuyệt đối tôn ý Thiên Chúa Cha. Tất cả những
điều này đều “rất oải” có nguy cơ làm xìu nhiệt tình đang hăm hở muốn được quen
biết Đức Kitô của hai ông khách Hy Lạp vì trước đó đã nghe danh Ngài. Những điều
Đức Kitô chỉ cho những người này về Ngài hoàn toàn “phản tuyên truyền” vì chỉ
thấy yếu đuối, nhục nhằn, thua kém, mất mát, bất lực. Ngài đã không chỉ cho người
đến xem Ngài một Thiên Chúa biến hình sáng láng có Êlia và Môsê hầu chuyện (Mc
9,1-9), nhưng là con người sắp phải chết và bị chôn vùi trong mộ tối; Ngài
không tự giới thiệu như Đấng đã làm cho người chết sống lại như đã gọi Lazarô
chết bốn ngày ra khỏi mồ (Ga 11,1-45), hay cho con bà goá thành Naim từ cõi chết
trở về sống với mẹ (Lc 7,11-16), nhưng tự giới thiệu là người sắp mất mạng, sắp
bị đóng đinh với bản án tử hình; Ngài cũng không tự khai một lý lịch hoành
tráng như đã cứu bao nhiêu người, làm bao nhiêu phép lạ, đuổi bao nhiêu quỷ dữ,
chúc phúc cho bao nhiêu người, nhưng tự khai mình bất lực, đang run rẩy, bối rối
trước viễn cảnh tử nạn sắp tới; Ngài cũng không nói gì đến quyền năng Thiên
Chúa nơi Ngài mà khiêm tốn xin Chúa Cha cất chén đắng trước mặt cho Ngài, nhưng
nếu phải là ý Cha Ngài thì Ngài sẵn lòng uống hết chén đắng đó, vì vâng lời và
yêu thương.
Qua
lời tự giới thiệu, Đức Kitô đã nhận về mình thân phận của người tôi tớ đau khổ,
bị ruồng bỏ, khinh khi, chối từ, truy lùng, hành hạ, giết chết (Tv 22), đồng thời
giữ vững tình yêu vâng phục thánh ý của Chúa Cha trong khiêm hạ. Nói cách khác,
Đức Kitô đã giới thiệu với mấy ông khách lạ Thánh Giá của Ngài sắp phải vác và
trên đó Ngài sẽ giang tay chịu đóng đinh.
Giới thiệu Thánh Giá là điều chẳng
ai muốn nghe; giới thiệu người sắp chịu đóng đinh trên thập giá càng là điều
xui xẻo phải tránh. Ấy thế mà Đức Kitô lại tự giới thiệu mình như hiện thân của
thập giá.
Nhưng
nếu Đức Kitô đã không nói gì, ngoài Thánh Giá thì chúng ta cũng phải lắng nghe
Ngài dạy bảo về Thánh Giá, nếu muốn gặp Ngài. Như mấy người khách Hy Lạp đến tìm
xem Chúa, họ cũng chỉ nhận ra Ngài qua những lời Ngài tự giới thiệu: Thánh Giá.
Những ngày cuối của Mùa Chay, phụng
vụ Lời Chúa đưa ta vào bầu khí của Thánh Giá với từng chuỗi đe doạ, khủng bố,
khổ đau. Một bầu khí nặng nề với ám ảnh của sự chết đã ít nhiều làm ta hoảng sợ,
hoang mang. Tuy thế, Thánh Giá đã mạc khải cho ta rất nhiều:
1.
Thánh
Giá cho ta nhận ra nhân tính của Đức Kitô: Nhiều người phủ nhận nhân tính của Đức
Kitô và cho rằng Đức Kitô chỉ “giả vờ” đau khổ, chứ thực sự Ngài không đau
không khổ gì, vì Ngài là Thiên Chúa. Không như ý nghĩ phủ nhận nhân tính này, Đức
Kitô đã chia sẻ trọn vẹn nhân tính của con người: Ngài đã sợ đến toát mồ hôi
máu và run rẩy trước giờ bị bắt trong vườn cây Dầu (Mt 26,38), Ngài đã hoang
mang, bối rối trước chuỗi dài hình khổ và đường thánh giá sắp phải đi; Ngài cảm
thấy cực kỳ cô đơn đến nỗi phải xin ba môn đệ đi cùng: “Chúng con không thức với
Thầy được một giờ ư?” khi thấy các ông ngáy đều, ngon giấc (Mt 26,40). Như mọi
người sợ hãi trước tai ương, đau khổ, sự chết, Đức Kitô cũng sợ hãi, lo âu, run
rẩy trước Thánh Giá vì “Ngôi Lời đã mặc lấy xác phàm và trở nên như chúng ta
trong mọi sự, chỉ trừ tội lỗi”.
2.
Thánh
Giá cho ta nhận ra sự dã man của hình khổ Đức Kitô đã chịu và tính cách nặng nề
của tội lỗi mà Ngài đã gánh lấy. Khi tự hiến nộp mình chịu khổ hình và chịu chết,
Đức Kitô đã yêu thương con người đến cùng bằng một tình yêu không biên giới. Lời
Xin Vâng của Ngài trước Thánh Giá đã nói lên tình Ngài bao la đối với con người,
đồng thời cũng nói lên giá trị của con người trước mắt Thiên Chúa. Cũng vì giá
trị ấy mà Đức Kitô đã hiến dâng tất cả, kể cả mạng sống để chuộc lại.
3.Thánh Giá đã tôn vinh Chúa Cha qua lòng vâng phục tuyệt đối
của Đức Kitô: “Này con xin đến để thi hành thánh ý Cha” (Dt 10,7). Thánh Giá là
biểu chứng của tình yêu Đức Kitô dành cho Cha mình, đồng thời cũng là tình yêu
Ngài dành cho nhân loại. Là Đấng trung gian tuyệt hảo giữa Thiên Chúa và con
người, Đức Kitô đã lấy tình yêu của mình để làm cầu nối giao hoà Thiên Chúa
thánh thiện và con người tội lỗi. Khổ đau của Thánh Giá, nhục nhằn của Thánh
Giá, cô đơn của Thánh Giá, tức tưởi chết của Thánh Giá đã kéo con người lên với
Chúa và kéo Thiên Chúa xuống với con người. Ơn hoà giải được thực hiện trên
Thánh Giá, ơn cứu độ được tuôn đổ từ Thánh Giá và ơn an bình cũng được ban cho
nhờ Thánh Giá.
4.
Thánh
Giá mở ra một nhân loại mới, một nhân loại được cứu rỗi nhờ máu của Con Thiên
Chúa. Ơn cứu độ từ nay trải ra cho tất cả mọi người tin vào Đức Kitô chịu đóng
đinh, đã chết và sống lại. Ơn cứu độ không bị đóng kín, khoanh vùng nhưng bao
la đến tận cùng thế giới, cho mọi người từ nguyên tổ cho đến người sau cùng có
mặt ngày tận thế. Một thế giới mới được mở ra, thế giới mới tràn đầy hy vọng
trong Đức Kitô, Đấng cứu độ (Rm 8,18-24): thế giới nhận được ơn thứ tha, thế giới
được hoà giải. Thánh giá cũng mở ra một chân trời mới, chân trời của tình yêu tự
do, ở đó tình yêu đáp trả hận thù, lòng nhân ái đáp lễ ghen tương, hiền hoà, dịu
dàng đáp lời dữ dằn, phách lối. Chân trời mới nơi Đức Kitô chịu đóng đinh đã sống
lại là chân trời của xót thương, tha thứ, từ bi, nhân hậu, nơi đó con người được
chiêm ngắm chính tình yêu tuyệt đối, tình yêu trọn vẹn, tình yêu đời đời bền vững:
Đức Kitô trên Thánh Giá.
Theo
chân mấy người Hy Lạp đến xem Đức Kitô, chúng ta đã gặp Ngài qua Thánh Giá như
thể ngoài Thánh Giá, không ai gặp được Ngài. Quả thực, như Rắn đồng được treo
cao trong sa mạc đã cứu chữa những ai nhìn lên nó (Ds 21,4b-9), Thánh Giá trên
đó Đức Kitô chịu treo cũng là nơi gặp gỡ và đón nhận ơn cứu độ. Sứ mệnh của người
tín hữu như thế sẽ là sống đời Thánh Giá để sống chính sự sống của Đức Kitô và
giới thiệu Đức Kitô trên Thánh Giá với mọi người. Đức Kitô muốn được giới thiệu
qua Thánh Giá, với dung mạo tang thương, bầm tím, yếu nhược hơn là được giới
thiệu ở bàn tiệc, trên núi biến hình, lúc làm phép lạ được đám đông hâm mộ,
thán phục với diện mạo tươi đẹp, rạng rỡ. Bởi khi ngước nhìn Thánh Giá với Đấng
bị ta đóng đinh, đâm thủng cạnh sườn, ta sẽ nhìn thấy vực thẳm những dã man,
tàn nhẫn ta đã làm và còn có thể làm và độ sâu không dò thấu của tình yêu Thiên
Chúa. Thiên Chúa Tình Yêu bị con người đóng đinh đã rộng lượng, khoan dung tha
thứ hết những xúc phạm của con người qua lời nguyện cầu cuối cùng trước khi tắt
thở: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34). Thử hỏi,
còn tình nào lớn hơn và lời chạy chữa, cầu bầu nào bao dung hơn?
Mùa
Chay, Mùa đến xem Thánh Giá, không phải những thánh giá bằng kim cương, vàng bạc,
đá quý với giá cắt cổ và được các chị đeo trên cổ như đồ trang sức cao cấp;
cũng không phải những thánh giá trạm trổ hoành tráng, điện chớp sáng choang,
nhưng là Thánh Giá trần trụi, cô đơn, tủi hổ, đau đớn, nặng nề, Thánh Giá trên
khuôn mặt nhăn nhó của người ăn mày đói khổ chiều nay bên hông nhà thờ, Thánh
Giá trong tiếng rên đau đớn của người mẹ ẵm xác con ra khỏi bệnh viện, vì không
tiền thuê xe, Thánh Giá trên những vết thương lở loét, hôi thối của người đàn
bà người dân tộc có con nhỏ bị chồng bỏ, Thánh Giá trong tiếng nấc nghẹn ngào của
người vợ bị chồng nghi ngờ, hàm oan, Thánh Giá trên đôi môi khô héo, bên dáng
đi xiêu vẹo của vị linh mục đang bị giáo dân hiểu lầm, chống đối, Thánh Giá
trong nỗi đau quặn thắt của người cha vì bất lực trước căn bệnh thời đại hiểm
nghèo của đứa con trai duy nhất, Thánh Giá trong tiếng khóc của đàn con dại trước
quan tài của cả cha mẹ vừa chết vì tai nạn giao thông, Thánh Giá trong câm lặng
oan ức của người thợ bị chủ đuổi chỉ vì vô tình được biết nhiều bí mật, Thánh
Giá trong đêm tối Đức Tin của thầy Dòng chiêm niệm, Thánh Giá bên song sắt nhà
tù của những người vô tội, Thánh Giá trên thân xác rách bươm của những cô gái
Việt Nam bị bán ra nước ngoài làm đĩ, Thánh Giá trong tiếng thở than vô vọng của
người nghèo bị bệnh ung thư, Thánh Giá trong bước chân vội vã, trốn chạy của
người đàn bà bị đòi nợ, Thánh Giá trong hiu quạnh của những cõi lòng nát tan vì
bị bỏ rơi, quên lãng, Thánh Giá trong nỗi lo sợ của người tử tội trước giờ ra
bãi bắn, lên ghế điện, Thánh Giá trong những giọt mồ hôi vất vả vì tương lai, hạnh
phúc của đồng bào và còn rất nhiều những Thánh Giá có Đức Kitô chịu đóng đinh
khác.
Giới
thiệu Đức Kitô trên Thánh Giá là nội dung lời rao giảng, lẽ sống của đời truyền
giáo, sức mạnh của đời tông đồ, hy vọng của hành trình theo Chúa của mọi tín hữu.
Thánh Phaolô đã quả quyết: “Phần chúng tôi, chúng tôi rao giảng Đức Kitô chịu
đóng đinh trên thập giá, cho dù thập giá đối với người Do Thái là điều xấu xa,
đáng kinh tởm và với người ngoại giáo là điều ngu si, dại dột” (1Cr 1,23). Quả
quyết như vậy, vì ngài đã xác tín: “Đức Kitô là sức mạnh và sự khôn ngoan của
Thiên Chúa”, cũng như tin tưởng rằng: “sự điên dại của Thiên Chúa thì vượt quá
sự khôn ngoan của loài người và yếu đuối của Thiên Chúa thì trổi vượt hơn sức mạnh
trần gian” (1Cr 1,24-25).
Đó là Đức Tin của Phaolô và những
người thánh thiện, còn chúng ta, Thánh Giá đã thực sự không còn làm ta xấu hổ,
ngại ngùng trước mặt người ngoài đạo? Thánh Giá đã không làm ta bị mất mặt trước
đám đông? Thánh Giá đã không còn gây cho ta bực bội, ngao ngán? Hay Thánh Giá vẫn
còn là nỗi ám ảnh khôn nguôi mà ta luôn lẩn tránh, vẫn chưa là một vinh dự để
ta hãnh diện, chưa là niềm tin ta sẽ tuyên xưng, chưa là Tin Mừng ta phải loan
truyền, chưa là nguồn mạch hạnh phúc và ơn cứu độ ta phải tìm kiếm, chưa là
tình yêu Đức Kitô ta muốn đến để xem.
Mùa Chay là mùa tìm đến xem Thánh Giá với Đức Kitô chịu
đóng đinh. Xin cho tình yêu trên Thánh Giá đánh thức trái tim ta còn mê ngủ để
Thánh Giá ta đeo trên cổ, Thánh Giá ta gắn trên ngực, Thánh Giá ta mang ở cổ
tay, Thánh Giá ta đặt trên bàn, Thánh Giá ta để ở đầu giường ngủ, Thánh Giá ta
trang hoàng khắp nơi cũng sẽ được trồng ngay trên thửa đất tâm hồn để nước và
máu của Đấng chịu treo trên Thánh Giá cho đời ta không còn khát và tưới mát
trái tim đã bao năm héo úa, khô cằn vì hoang đàng, tội lụy.
Và như người trộm lành, xin cho
trái tim ta luôn biết kêu cầu: “Lạy Đức Kitô chịu đóng đinh, xin thương xót
con”.