Tìm kiếm Blog này

Chủ Nhật, 26 tháng 8, 2018

TẢN MẠN VỀ THÁNH GIOAN TẨY GỈA VÀ GIÁM MỤC

    Mỗi lần mừng lễ thánh Gioan Tẩy Giả, tôi lại chạnh lòng thuơng ngài. Sắp đến ngày Ngài chịu chém cổ, tôi lại thấy lòng mình se thắt hơn.
Tôi chạnh lòng thương ngài, vì các thánh khác thì ai cũng được tuyên phong và có triều thiên, phẩm hàm, ngai toà chính xác như thánh tông đồ, thánh giám mục, thánh tiến sĩ, thánh tử đạo, thánh hiển tu, thánh anh hài .., nhưng ngài thì ở ngoài những phạm trù, hàng ngũ trọng vọng nhưng quen thuộc, biên chế đó. Ngài chỉ được  mang cái tên “Gioan, Người Làm Phép Rửa”, cái tên thiên hạ đặt cho khi thấy ngài rửa tội xám hối cho đám đông người Do Thái bên bờ sông Giorđan. Vậy mà cái tên ấy, ngay lập tức đã bị chính ngài giản lược, xì hơi, tháo bỏ ngòi nổ ngay : “Tôi đây chỉ làm phép Rửa trong nước thôi, nhưng có một vị đang ở giưã các ông mà các ông không biết. Người sẽ đến sau tôi và tôi không đáng cởi quai dép cho Người” (Ga 1, 26-27).   
Tôi chạnh lòng mến phục ngài, vì ngài không chộp giựt cơ hội, nắm bắt cao trào, lợi dụng đám đông, mê hoặc quần chúng cho thế lực và vinh quang của riêng mình, mặc dù ở thời điểm đó, ngài được xem như  siêu sao, trúng thời như diều gặp gió. Được hỏi : Ông là ai ? Ngài tuyên bố thẳng thắn : “Tôi không là Đức Kitô, không là Êlia, cũng không là ngôn sứ” (Ga 1,19-20). Từ bỏ đến thế là cùng, khi  thanh thản và qủa quyết : Không là Đấng Cứu Thế mà thiên hạ đang  trông ngóng, không là Êlia mà cả dân Do Thái ngưỡng mộ, cũng không là ngôn sứ , người của Thiên Chúa sai đến nói với dân.Không là ai trong số những nhân vật quan trọng và được tuyệt đối trọng vọng này  thì là ai? Vì ngoài những đấng bậc  này, chẳng còn ai để dân có đạo Do Thái phải kính sợ, tôn sùng. 
 Tôi chạnh lòng ngưỡng mộ ngài, vì ngài khiêm tốn nhận mình là "tiếng người hô trong hoang địa" : “Hãy sửa đường cho thẳng để Đức Chúa đi” (Ga 1,23).  Eo ơi, ghê quá, vì một mình đi trong hoang địa : cô đơn và nguy hiểm! Uổng công lắm, vì tiếng người chứ đâu phải tiếng sấm sét hay tiếng gấu cọp đâu mà mong có người nghe giữa sa mạc? Dễ bị coi là ảo tưởng, mát giây, chạm điện, tưng tửng lắm vì Đức Chúa nào lại cần con người dọn đường, mà có dọn thì cũng chỉ dọn dẹp  đại lộ, xa lộ, hay cao tốc thôi, chứ  Đức Chúa nào lại xuống sâu dưới thung lũng, vượt  núi đồi hiểm trở, trèo dốc đá cheo leo, bì bõm lội đầm lầy? (Lc 3,5).
Tôi chạnh lòng trân qúy ngài, vì ngài không giữ lại cho mình những môn đệ mà ngài đã dầy công đào tạo, vì cứ thói thường : sư phụ nào cũng muốn có môn sinh ở gần để có người lắng nghe, ở bên để có người sai bảo, kề cận đêm ngày để có người hầu hạ, thực hiện ý muốn, chương trình của mình. Nhưng Gioan thì khác, ngài đã vui vẻ giới thiệu và chuyển giao tất cả môn đệ của mình cho Đức Giêsu, và can đảm nhìn họ quay gót bỏ ông để đi theo Đức Giêsu (Ga 1,35-37).
    Và tôi chạnh lòng cảm thương ngài khi nghe Hêrôđê  truyền  đem đầu của ngài từ trại giam lên cho mẹ con bà Hêrôđia : “Số là vua Hêrôđê đã sai người đi bắt ông Gioan và xiềng ông trong ngục. Lý do là vì vua đã lấy bà Hêrôđia, vợ của anh là Philípphê, mà ông Gioan lại bảo : Ngài không được phép lấy vợ của anh ngài”! Bà Hêrôđia căm thù ông Gioan và muốn giết ông, nhưng không được...(Mc 6,17-19).
   Một ngày thuận tiện đến : nhân dịp mừng sinh nhật của mình, vua Hêrôđê mở tiệc thiết đãi bá quan văn võ … Con gái bà Hêrôđia nhảy múa làm cho nhà vua và khách dự tiệc vui thích. Nhà vua nói với cô gái : “Con muốn gì thì cứ xin, ta sẽ ban cho con”. Vua lại còn thề : “Con xin gì, ta cũng cho, dù một nửa nước của ta cũng được”. Cô gái đi ra hỏi mẹ : “Con nên xin gì đây?” Mẹ cô nói : “Đầu Gioan Tẩy Giả”. Lập tức cô trở vào đến bên vua mà xin rằng : “Con muốn ngài ban ngay cho con cái đầu ông Gioan Tẩy Giả, đặt trên mâm”. Nhà vua buồn lắm, nhưng đã trót thề, lại thề trước khách dự tiệc, nên không muốn thất hứa với cô. Lập tức, vua sai thị vệ đi và truyền mang đầu ông Gioan tới. Thị vệ đi, chặt đầu ông ở trong ngục, bưng đầu ông trên một cái mâm trao cho cô gái, và cô gái trao cho mẹ (Mc 6,17-28).
   Gioan chết vì sự thật, vì dám nói  sự thật, dám đem mạng sống mình để làm chứng và bảo vệ sự thật, nên phải mất đầu, thiệt mạng, bởi số phận của người nói thật, nhân chứng của sự thật ở đâu và thời nào cũng đều hẩm hiu, thê lương giống nhau. Gioan đã bị chém đầu vì yếu đuối của vua Hêrôđê  trước đàn bà. Thế mới biết đàn ông rất khó đứng vững trước đàn bà, một khi đàn bà đã quyết tâm giăng bẫy, ngay cả trước đó đã ý thức nguy hiểm của cạm bẫy, và lượng định mức độ cực kỳ lợi hại của phụ nữ, kể cả dồn hết  quyết tâm và kiên định không để bị sập bẫy như vua Hêrôđê  không chỉ biết  rõ : “Gioan là người công chính thánh thiện, mà còn sợ ông và muốn che chở ông nữa” (Mc 6,20). 
             * **
Sáng nay, đang khi viết về thánh Gioan Tẩy Giả, tôi chợt nhớ bài giảng của Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm, Giám Mục Mỹ Tho trong thánh lễ mừng ngân khánh Giám Mục của Đức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn. Theo ngài, Giám Mục, qua con người của Đức Hồng Y Gioan Baotixita, là người vun trồng sự hiệp nhất và bảo đảm tương quan hài hoà. Để thực hiện đòi hỏi ấy, Giám Mục là  người nhìn từ trên cao, để có thể nhìn xa, nhìn rộng, nhìn bao qúat. Giám Mục còn phải có lòng bao dung và điềm tĩnh để có thể đón nhận những khác biệt, vượt qua những khác biệt và hoá giải những khác biệt, bởi tổ chức, cộng đồng càng lớn, khác biệt, xung đột càng nhiều.
 Giám Mục nói về Giám Mục thì còn gì phải thêm bớt?  Đắc ý với Đức Cha Phêrô, tôi cũng thú vị với ý nghĩ lạc đề của mình, và  liều lĩnh viết ra đây :
 Gioan Tẩy Giả đã khởi sự sứ vụ “Người Làm Phép Rửa” của mình vào một hoàn cảnh, ở đó người ta qúa say mê ngưỡng mộ, và cuồng nhiệt  thần tượng ông. Đám đông đã tự động, tự phát, đồng tình gán cho ông những danh hiệu cao qúy, huy hoàng mà ông không có : Đấng Cứu Thế,  Êlia, Ngôn Sứ ; Giám Mục ở ngày tấn phong cũng được vô số người chúc tụng và được đám đông biến thành siêu sao với đủ mầu sắc huyền thoại, mặc dù các ngài không muốn, không tìm, cũng chẳng hề hay biết, nhưng dư luận thì cứ  tha hồ luận dư ra, và huyền thoại cứ thi nhau tung hứng mà tăng cấp hão huyền..Thật tội nghiệp !
   Gioan Tẩy Giả là người của quần chúng, đứng trên cao, trước mặt nhiều người nên không thể không công khai lý lịch, và đám đông đã “gay gắt” hạch hỏi ông đến cùng, mặc dù ông đã trả lời đến ba lần : tôi không phải là người này, người kia ; Giám Mục cũng là đối tượng bị chiếu tướng bởi  nhiều người, vì trách nhiệm lãnh đạo, sờ sờ trước mắt nhân dân, sừng sững “đứng mũi chịu sào”, nên trăm bề khổ sở với đủ thứ thắc mắc linh tinh, ý kiến ý cò được đặt ra bởi đủ thứ người : thương - ghét, phò- chống,  xa- gần, có mặt - vắng mặt, thân hữu - đối phương.
Tẩy Giả  nói sự thật, nên bị bắt giam ; không đầu hàng sự ác nên bị chém đầu ; Giám mục cũng thế thôi, tuy không bị chém đầu đổ máu, nhưng cũng chết lên chết xuống, lên bờ xuống ruộng và  ngậm đắng nuốt cay đủ kiểu, đủ điều. Và cuối đời sứ vụ, cũng như Gioan Tẩy Giả  một mình tức tưởi bị chém trong ngục, hầu hết Giám Mục đều  chung một kết cục: ra đi lặng lẽ cô đơn. Viết đến đây, với lòng yêu mến sâu xa, con xin được tưởng nhớ  Đức Cha Micae Nguyễn Khắc Ngữ, Đức Cha Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm, Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống và Đức Tổng Phaolô Bùi Văn Đọc là những Giám Mục đã góp phần lớn làm nên đời con.
  Vâng, nếu với thánh Gioan Tẩy Giả, tôi đã chạnh lòng thương, chạnh lòng mến phục, chạnh lòng ngưỡng mộ, trân qúy, thì thái độ tôi cần phải trang bị hôm nay, cũng là thái độ tôi đề nghị các anh em tôi hôm nay nên có, đó là biết chạnh lòng tôn trọng và chạnh lòng cảm thông với các Đức Giám Mục của chúng ta.
 Thiết tưởng với hai thái độ căn bản này, chúng ta đã làm được  bước chân thứ nhất, là bước chân luôn khó trên hành trình cùng xây dựng Hiệp Nhất và Hài Hoà  trong cộng đồng dân Chúa luôn luôn nhiều khác biệt nhưng phong phú tuyệt vời.
 Mừng thánh Gioan Tẩy Giả, xin Ngài là  “tiếng hô trong hoang địa” cho chúng con tinh thần “Thiên Chúa phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ đi” để có thể hiệp thông cùng với Đấng Bản Quyền là các Giám Mục giới thiệu Đức Giêsu, “Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa  tội trần gian” cho thế giới hôm nay (Ga 1,29).
Jorathe Nắng Tím

   

    


LOAN BÁO TIN MỪNG VÀ SỐNG TIN MỪNG ĐƯỢC LOAN BÁO


LOAN  BÁO  TIN MỪNG VÀ SỐNG TIN MỪNG  ĐƯỢC LOAN  BÁO
   “Loan báo Tin Mừng là quyền và bổn phận  mà không ai có thể từ chối”
     Đó là lời Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI  tuyên bố tại Vatican ngày 17 tháng 5 năm 2008
Tin Mừng của Đức Giêsu là một phần của Tân Ước gồm bốn cuốn được viết bởi các thánh  Mátthêu, Máccô, Luca và Gioan  kể về  Đức Giêsu Kitô.
       Trong tiếng Hy Lạp, loan báo Tin Mừng có nghiã  “làm cho ai đó được biết một tin vui”, và  cộng đoàn Kitô hữu đầu tiên đã dùng để  chỉ việc loan báo cho mọi người  tin vui :  Đức Giêsu Kitô  đã sống lại từ cõi chết.
     Các tín hữu tiên khởi đã không coi việc loan báo Tin Mừng Đức Kitô đã sống lại như công tác tuyên truyền về một giáo thuyết phải học thuôc lòng,  hoặc mời mọc người khác nghiền ngẫm, suy tư về  nội dung một tác phẩm dậy sự khôn ngoan như các triết gia thời đó, nhưng trước hết và trên hết, loan báo Tin Mừng là làm chứng về một biến đổi nội tâm nơi mỗi người nhờ sự phục sinh của Đức Kitô, và qua sự phục sinh của Ngài, toàn thể nhân loại sẽ được sống lại.
     Tin Mừng  vẽ lại chân dung của Đức Giêsu, Đấng đã gặp rất nhiều người và với ai Ngài cũng tỏ lòng kính trọng, yêu thương, trìu mến. Đáng chú ý hơn cả là thái độ khiêm nhường, hạ thấp mình xuống ngang hàng những người yếu đuối, hèn mọn  nhất, để không một ai bị bỏ rơi, lãng quên dưới ánh mắt nhân hậu của Thiên Chúa. Đức Giêsu còn ở với con người trong chính sự chết, để mỗi người nhờ ở với Ngài được đi vào  hiệp thông với Thiên Chúa Cha.Vì thế, ngay từ buổi đầu của Giáo Hội, các tín hữu đã loan báo Tin Mừng  trong niềm vui của những người được đón nhận và tháp nhập trong Thiên Chúa, với niềm xác tín : “Thiên Chúa làm người để con người được làm Thiên Chúa”.
       Từ  ý nghiã thần học này, loan báo Tin Mừng không chỉ là nói với người khác về Đức Giêsu, nhưng còn là giúp mọi người nhận ra giá trị của họ dưới mắt Thiên Chúa, và chuyển tải đến từng người lời của ngôn sứ Isaia: “Ta đã gọi con bằng chính tên con: con là của riêng Ta... Vì trước mắt Ta, con thật qúy giá, vốn được Ta trân trọng và mến thương” (Is 43,1.4), để rồi khởi đi từ buổi sáng phục sinh rực rỡ ấy, chúng ta biết Thiên Chúa đã không ngần ngại trao ban tất cả để không bao giờ chúng ta có thể quên “mỗi người là tất cả của Thiên Chúa, mỗi người là giá trị không thể hoán nhượng đối với Thiên Chúa”. 
       Sở dĩ con người được là giá trị tuyệt vời dưới mắt Thiên Chúa, vì con người có tự do, và tự do này phải được tôn trọng.Vì thế, loan báo Tin Mừng không thể trở thành một công tác nhồi sọ, tẩy não, nhưng là lời mời  hiệp thông  với Đức Giêsu, bởi sau khi sống lại, Đức Giêsu Kitô đã giao hoà, nối kết, hiệp nhất tất cả nhân loại trong Thiên Chúa. Được mời gọi hiệp thông với chính Thiên Chúa, việc loan báo Tin Mừng phải được bắt đầu bằng sự gắn bó thiết thân của mỗi người với Đức Giêsu, như thánh Phaolô đã viết : “Anh em đã mặc lấy Đức Kitô” (Gl 3,27).Vì thế, bằng chính đời sống, chứ không chỉ bằng lời nói, chúng ta làm chứng  Đức Kitô phục sinh, Đấng biến đổi chúng ta “nhờ được thông phần  những đau khổ của Người, nhờ nên đồng hình đồng dạng với Người trong cái chết của Người với hy vọng có ngày cũng được sống lại từ trong cõi chết”  (Pl 3,10-11). Chính nhờ niềm tin và niềm vui được yêu thương và hiệp thông trong Đức Kitô của chúng ta, mà Đức Kitô được trở nên “đáng tin cậy, đáng yêu mến” dưới mắt những ai chưa nghe biết về Ngài. 
      Sau hết, loan báo Tin Mừng đòi chúng ta đặt trọn tin tưởng ở Chúa Thánh Thần, “Đấng sẽ dậy anh em biết những điều phải nói” (Lc 12, 12).
       Vài nét chính yếu về sứ vụ loan báo Tin Mừng vừa chia sẻ trên phần nào đã cho chúng ta thấy nội dung, ý nghiã, mục đích, và phương cách của việc loan báo Tin vui Đức Kitô đã sống lại. Trong  phần dưới này, chúng ta sẽ cùng nhau mở rộng, triển khai: 
1. Loan Báo Tin Mừng là Loan Báo chính Đức Giêsu.
   Mục đích của việc loan báo Tin Mừng là Đức Giêsu, đối tượng của Tin Mừng là Đức Giêsu, nên toàn bộ nội dung của Tin Mừng cũng là chính Đức Giêsu. Tin mừng không loan báo gì ngoài Đức Giêsu, không nhắm đến ai ngoài Đức Giêsu, không tìm kiếm người nào ngoài Đức Giêsu. Đức Giêsu là duy  nhất của Tin Mừng. Từ Đức Giêsu và chung quanh Đức Giêsu, mọi sự, mọi việc, mọi người được khởi đi và tập trung, quy chiếu.
a. Loan báo lý lịch của Đức Giêsu:
     Trước hết Tin Mừng loan báo nguồn gốc, lý lịch của Đức Giêsu: Thiên Chúa làm người.
“Ngài là Thiên Chúa bởi Thiên Chúa, Ánh Sáng bởi Ánh Sáng, Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật được sinh ra mà không phải được tạo thành, đồng bản thể với Đức Chúa Cha, nhờ Người mà muôn vật được tạo thành” (Kinh Tin Kính);  Ngài ngự bên hữu Đức Chúa Cha vì là Con Đức Chúa Cha (Cv 9,20) như “Đức Chúa đã phán cùng Chúa Thượng tôi: Bên hữu Cha đây, Con lên ngự trị để rồi bao địch thù, Cha sẽ đặt làm bệ dưới chân Con; Vậy tòan thể nhà Ítraen phải biết chắc điều này: Đức Giêsu mà anh em đã treo trên thập giá, Thiên Chúa đã đặt Người làm Đức Chúa và làm Đấng Kitô” (Cv 2,34-36).
      Là Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật, nhưng “vì loài người chúng ta và để cứu rỗi chúng ta, Người đã từ Trời xuống thế” (Kinh Tin Kính).
     Như thế, lý lịch chính xác của Đức Giêsu mà Kinh Tin Kính chúng ta tuyên xưng chính là Ngài vừa là Thiên Chúa vừa là con người. Trong tất cả các thánh lễ, sau khi Truyền Phép, chúng ta cùng chủ tế và toàn thể Hội Thánh long trọng tuyên xưng : “Lậy Chúa, chúng con loan truyền Chúa chịu chết và tuyên xưng Chúa sống lại cho tới khi Chúa đến!”.
       Loan truyền Đức Giêsu chịu chết là loan báo Đức Giêsu là con người, vì chỉ con người mới phải chết, Thiên Chúa không chết bao giờ, vì Ngài là nguồn sự sống, đồng thời tuyên xưng Đức Giêsu sống lại là tuyên tín Đức Giêsu là Thiên Chúa. Đó là nội dung đức tin của Phêrô đã tuyên xưng: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16, 16), mà suốt đời người Kitô hữu không ngừng loan báo và tuyên xưng, như căn tính, sứ vụ và ơn cứu rỗi của họ, bởi “thật chính đáng, công bình và sinh ơn cứu độ cho  phần rỗi chúng ta” (Kinh Tiền Tụng).
b.  Loan báo cuộc đời và sứ vụ của Đức Giêsu.     
     Cuộc đời của Đức Giêsu là cuộc đời vâng phục thánh ý Chúa Cha, Đấng đã sai Ngài đến trong thế gian để yêu thương và cứu độ. Tất cả những gì Ngài làm, trong bất cứ hoàn cảnh nào đều làm theo ý Thiên Chúa Cha: “Lậy Cha, xin đừng theo ý con, nhưng theo ý Cha mọi đàng” (Lc 22, 42). Thánh ý Chúa Cha là lẽ sống, lý do có mặt của Đức Giêsu trên trần gian này, ngoài ra không còn một lý do hiện hữu nào khác, chính Đức Giêsu đã khẳng định trước đám đông người Do Thái đang khi họ xầm xì thắc mắc về nguồn gốc và sứ mệnh của Ngài: “Tôi tự trời mà xuống, không phải để làm theo ý tôi, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai tôi, mà ý của Đấng đã sai tôi là tất cả những kẻ Nguời đã ban cho tôi, tôi sẽ không để mất một ai, nhưng sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết. Thật vậy, ý của Cha tôi là tất cả những ai thấy và tin tôi, thì sẽ được sống muôn đời, và tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết” (Ga 6,38-40). Và Đức  Giêsu đã thực hiện trọn vẹn thánh ý của Cha Ngài với lòng vâng phục tuyệt đối cho đến chết và chết trên thập giá (Pl 2,8).
       Qủa thực, không còn gì rõ hơn, và không ai có thể  xuyên tạc, bẻ cong lẽ sống của Đức Giêsu khi xuống thế làm người, sống như con người. Cũng từ lẽ sống đó, Đức Giêsu thi hành sứ vụ của Đấng Cứu Thế mà ngôn sứ Isaia đã  báo trước: “Thần khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghẻo hèn.Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa” (Lc 4,18-19). Sứ vụ cứu thế đó đã được  Đức Giêsu thể hiện qua nếp sống gần gũi, thái độ ân cần cởi mở, thân thiện với mọi người, không loại trừ  ai. Sứ mệnh cứu thế còn được thực hiện qua các phép lạ chữa nhiều người bệnh tật, cho người chết sống lại, xua đuổi tà thần khỏi những người bị chúng khống chế, cho người chết sống lại, “kêu gọi sám hối và tin vào Tin Mừng”  (Mc 1,15) và nhất là ban lòng Thương Xót và  Bình An của Ngài cho tất cả những ai đến với Ngài (x. Lc 15; Ga 8,1-11; 14,27).   
2. Tin Mừng đến từ Thiên Chúa Ba Ngôi.  
     Tin Mừng mà Đức Giêsu loan báo không là sản phẩm của con người, nhưng xuất phát từ chính Ba Ngôi Thiên Chúa, nói cách khác, đó là Tin Mừng của Thiên Chúa Ba Ngôi : Khi Đức Giêsu chịu phép rửa xong, vừa  lên khỏi nước, thì các tầng trời mở ra và Người thấy Thần Khí Thiên Chúa như chim bồ câu ngự xuống trên mình. Lại có tiếng từ trời phán rằng: “Con là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Con” (Mc 1,9-11).
     Cảnh tượng kỳ diệu trên muốn làm chứng  Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, là Ngôi Hai Thiên Chúa và Tin Mừng của Ngài loan báo cho nhân loại chính là Tin Mừng của cả Ba Ngôi : Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần:
       Tầng trời mở ra là dấu chỉ Thiên Chúa Cha  đến với con người và nói với con người qua Đức Giêsu, Con Một của Ngài.Thiên Chúa không tự giam mình trong tủ kính, pháo đài, nhưng mở ra, mặc khải, đến gần, ở với để nói với, lắng nghe, đón tiếp, yêu thương, cứu độ con người, vì Thiên Chúa của Đức Giêsu là Thiên Chúa say mê con người và không muốn bất cứ ai lạc mất Ngài, bởi tất cả mọi người đều đã được sinh ra cho Thiên Chúa.
      Thần Khí Thiên Chúa dưới hình chim bồ câu ngự xuống là hình ảnh Chúa Thánh Thần. Ngài là dây liên kết, hiệp thông vì Ngài là Tình Yêu của Thiên Chúa Cha và Thiên Chúa Con. Nơi Ngài có  Bình An, Trong Trắng và  Êm Ái - Dịu Ngọt  của  Ba Ngôi Thiên Chúa.
    Tiếng phán từ trời:  “Con là Con yêu dấu của Ta” biểu lộ tình yêu và hiệp thông tuyệt đối giữa Chúa Cha và Chúa Con.
     Vì thế, Tin Mừng của Đức Giêsu là Tin Mừng của Chúa Cha, và cũng là Tin Mừng của Chúa Thánh Thần. Suốt cuộc đời và xuyên suốt sứ vụ của Đức Giêsu ở trần gian, Chúa Cha và Chúa Thánh Thần luôn  có mặt và cùng hoạt động với Ngài.
3.  Tất cả mọi người được mời gọi đón nhận Tin Mừng và lên đường loan báo Tin Mừng. 
     Tin Mừng là Tin Mừng của Thiên Chúa gửi đến toàn thể nhân loại, cho tất cả mọi người, không trừ ai, tuyệt đối không khoanh vùng, hay thiết lập biên cương, áp đặt ranh giới đối với bất cứ sắc dân, văn hoá, trình độ, giai cấp, lãnh thổ nào.Vì là Tin Mừng của Thiên Chúa cho loài người để cứu độ loài người, nên quyền đón nhận Tin Mừng, quyền hưởng ơn cứu độ nhờ tin vào Tin Mừng là quyền bất khả xâm phạm của mọi người và mỗi người. Đó là nhân quyền, quyền căn bản của con người,  vì con người được sinh ra từ Tình Yêu  Thiên Chúa nên có quyền  hưởng hạnh phúc từ Tin Mừng “được Thiên Chúa yêu thương”.
     Vì thế, Tin Mừng đã được Đức Giêsu rao giảng không chỉ cho Ítraen, mà còn cho các vùng dân ngoại, không thuộc  Ítraen. Và điều kỳ diệu là ngoài những tông đồ (Lc 9,12), môn đệ  (Lc 10,9) được sai đi, Ngài sai cả những người ngoại đạo đi loan báo Tin Mừng giữa anh em của họ. Điều này có thể làm chúng ta bỡ ngỡ, vì qủa thực, không ít người trong chúng ta  chung một ý nghĩ : chỉ có hàng Giáo Phẩm, Giáo Sĩ và Tu Sĩ mới có quyền và có khả năng loan báo Tin Mừng, còn những người khác, việc loan báo Tin Mừng chỉ là thứ yếu, phụ thuộc, lệ thuộc và rất dễ bị người khác lên án: lấn sân, lộn chuồng, lạc vào vùng cấm địa. Một vài đoạn Tin Mừng sau đây làm chứng điều này: Đức Giêsu với người đàn bà xứ Samari (Ga 4, 7-30):
       Người đàn bà này là dân thuộc vùng thù nghịch với Ítraen, nên khi Đức Giêsu xin chị chút nước uống, chị ta đã sững sờ, hoảng hốt nói: “Ông là người Do Thái, mà lại xin tôi, một phụ nữ Samari, cho ông uống nước sao ? Qủa thế, người Do Thái không được phép giao thiệp với người Samari” (Ga 4,9). Sau chuyện dài tâm sự về cuộc đời đã qua với nhiều người chồng, chị được Đức Giêsu cảm hóa bằng ân huệ của chính Tin Mừng là Ngài, khi nói với chị : “Đấng ấy chính là tôi, người đang nói với chị đây”, “Đấng Mêsia, gọi là Đức Kitô” mà chị đi tìm, nay chị đã được gặp (Ga 4,25-26). Và chị là một trong những người ngoài Do Thái đã được gặp gỡ Đức Giêsu là Tin Mừng của Thiên Chúa. 
      Nhưng điều làm chúng ta không khỏi ngạc nhiên, và sung sướng khi người đàn bà Samari đã trở thành người loan báo Tin Mừng, sau khi đón nhận Tin Mừng: “Có nhiều người Samari trong thành đó đã tin vào Đức Giêsu, vì lời người đàn bà làm chứng: ông ấy nói với tôi mọi việc tôi đã làm” (Ga 4, 39). Đức Giêsu đã ở lại trong thành này hai ngày và "số người tin vào lời Đức Giêsu còn đông hơn nữa" (Ga 4,41).
      Người đàn bà ngoại đạo xứ Canaan (Mt 15,21-28):
      Bà là người ngoại đạo đã đến năn nỉ Đức Giêsu dủ lòng thương xót chữa con gái bà bị qủy ám. Dù bị thử thách, khi Đức Giêsu xem ra như không muốn cứu giúp con bà, nhưng bà vẫn cứ nhẫn nại kêu xin, và Đức Giêsu đã công khai khen ngợi lòng tin của bà : “Này bà, lòng tin của bà mạnh thật. Bà muốn sao thì sẽ được như vậy" (Mt 15, 28). Lời khen của Đức Giêsu đã nói lên sự chân thành đón nhận Tin Mừng của người đàn bà ngoại giáo.Bà đã tin, tức “đã nhận Đức Giêsu là Cứu Chúa của bà và thực sự Chúa đã cứu con gái bà khỏi bệnh” (Mt 15,28). Con đường từ nhà bà đến gặp Đức Giêsu là con đường lãnh nhận Tin Mừng, và con dường trở lại nhà từ điểm gặp gỡ  Đức Giêsu sau khi được Ngài cho biết : “Bà cứ về đi, qủy đã xuất khỏi con gái bà rồi” (Mc 7,29) đã là con đường loan báo Tin Mừng, loan truyền Đức Kitô, Đấng Cứu Thế của bà.
      Đón nhận Tin Mừng vì thế luôn bao hàm  sứ mệnh loan báo Tin Mừng, bởi bất cứ ai chân thành và lương thiện sẽ không thể không kể cho người khác nghe những gì họ đã thấy, đã nghe, đã nhận được từ Đấng đã yêu thương và cứu giúp mình.  Đó cũng là nghiã vụ của một lương tâm lành mạnh và trưởng thành. Người bị qủy ám ( Mc 5,1-20).
      Trong câu chuyện chữa người bị qủy ám ở vùng Ghêrasa, cũng thuộc vùng đất dân ngoại, Đức Giêsu đã minh nhiên bảo anh phải loan báo Tin Mừng, nghiã là trở về kể lại cho gia đình của anh biết mọi điều Ngài đã làm cho anh: “Khi Người xuống thuyền, thì kẻ trước kia đã bị qủy ám đã nài xin cho được ở với Người, nhưng Người không cho phép, Người bảo: Anh cứ về nhà với thân nhân, và thuật lại cho họ biết mọi điều Chúa đã làm cho anh, và Người đã thương anh như thế nào”. Anh ta ra đi và bắt đầu rao truyền trong miền Thập Tỉnh tất cả những gì Đức Giêsu đã làm cho anh. Ai nấy đều kinh ngạc. (Mc 5,18-20).
       Thật không ai ngờ Đức Giêsu đã sai cả những người ngoại đạo đi loan báo Tin Mừng và họ đã loan báo hữu hiệu, bằng cớ là nguiời đàn bà xứ Samari đã làm xôn xao cả làng, đến nỗi dân làng đã năn nỉ Đức Giêsu ở lại với họ; còn người bị qủa ám này thì tự nguyện đi làm nhà truyền giáo loan báo Tin Mừng khắp miền Thập Tỉnh và nhiều người biết đến những điều kỳ diệu Thiên Chúa đang làm cho họ.
     Ở đây, chúng ta còn được Đức Giêsu chính thức dạy cho biết loan báo Tin Mừng là gì, để không ai còn hồ nghi hay phải  tìm kiếm ở đâu hay với ai khác nội dung của bài sai: Hãy đi và “thuật lại mọi điều Thiên Chúa làm cho anh và Người đã thương anh thế nào” (Mc 5, 19) .Ôi thật dễ thương bài sai tràn đầy hồng ân của Tình Yêu Thiên  Chúa, và hạnh phúc biết bao cho những môi miệng và cuộc đời  say mê loan báo việc kỳ diệu Chúa làm và kể lại  tình thương bao la của Ngài.
      Với một vài đoạn Tin Mừng tiêu biểu trong số rất nhiều đọan Tin Mừng khác, chúng ta có thể nhận ra quyền được loan báo Tin Mừng và sứ vụ loan báo Tin Mừng không dành cho riêng ai, nhưng là quyền lợi và nghiã vụ của tất cả mọi người, kể cả những người ngoại đạo, vì trong mầu nhiệm cứu độ của Thiên Chúa, họ cũng được thừa hưởng quyền làm Con , bởi họ được sinh ra từ Thiên Chúa và quy hướng một cách tự nhiên về Ngài, khi Thiên Chúa ban cho tất cả mọi người khả năng biết rằng có Thiên Chúa và khả năngphân biệt tốt - xấu, lành - dữ.
4.  Trên đường loan báo Tin Mừng:
a.   Chúng ta không cô đơn:   
      Trước hết, trên đường loan báo Tin Mừng, chúng ta có Đức Giêsu đồng hành và chúng ta được ở với Ngài (Ga 1,39), ăn với Ngài khi Ngài hoá bánh ra nhiều (Mc 6, 39-42), uống với Ngài ở tiệc cưới Cana (Ga 2,1-11), nghỉ ngơi với Ngài như Ngài đã bảo các tông đồ: “Anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút” (Mc 6,31), học với Ngài, được Ngài ủi an, nâng đỡ khi thất vọng, buồn chán “vì tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng.Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và kiêm nhường.Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng.Vì ách của tôi êm ái và gánh của tôi nhẹ nhàng” (Mt 11,28-30). Trên đường Emmau, hai môn đệ đã chẳng còn thiết đến sự gì, sau khi Thầy bị đóng đinh, chôn trong mồ, nhưng chính lúc ê chề thảm hại chính là lúc “Đức Giêsu tiến đến gần và đi với họ” (Lc 24,15).Ngài còn ở lại ăn tối với hai môn đệ khi “trời đã xế chiều và ngày đã tàn”, xế chiều như hồn người tông đồ hoang phế tuyệt vọng, và tàn như  ngày tàn của cơ đồ Cứu Thế (x. Lc 24,13-35), để rồi sau khi nhận ra Đức Giêsu “khi Ngài cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ”  (Lc 24,30),  “họ đứng dậy, quay trở lại Giêrusalem, gặp Nhóm Mười Một và các bạn hữu đang tụ họp tại đó. Những người này bảo hai ông : Chúa trỗi dậy thật rồi, và đã hiện ra với ông Simon.Còn hai ông thì thuật lại những gì đã xẩy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh” (Lc 24,33-35).
        Đi theo Đức Giêsu, ở với Đức Giêsu, loan báo Tin Mừng như Đức Giêsu, người môn đệ cũng sẵn sàng chịu đau khổ và chết với Đức Giêsu vì đường Tin Mừng là đường Thánh Giá, và lời chứng hùng hồn nhất của Tình Yêu là chết cho người mình yêu.Thánh Phaolô đã thâm tín về sự sẵn sàng của người tông đồ với niềm hân hoan phó thác  trên hành trình theo Đức Giêsu: “Nếu ta cùng chết với Người, ta sẽ cùng sống với Người. Nếu ta kiên tâm chịu đựng, ta sẽ cùng hiển trị với Người”  (2Tm 2,11-12) 
     Người loan báo Tin Mừng vì thế  không cô đơn vì có Đức Giêsu trên suốt hành trình, mà còn có anh em cùng lên đường, chia sẻ,  tương thân tương trợ, như hình ảnh Nhóm Mười Một tụ họp, quây quần kể cho nhau nghe việc mình đã nhận ra Đức Giêsu phục sinh.
b. Chúng ta không lạc hậu, lỗi thời   
 Nhiều người cho rằng loan báo Tin Mừng là việc làm hết sức  lỗi thời, vì Tin Mừng chỉ là những câu chuyện về một con người đã chết từ hơn hai ngàn năm nay, và những sự kiện của hai ngàn năm trước hẳn đã không còn hợp với thời đại, không đáp ứng những thao thức, băn khoăn, đòi hỏi của thế giới hôm nay. Nhưng với chúng ta, những người Kitô hữu thì Tin Mừng không bao giờ là Tin Mừng của quá khứ, Tin Mừng cổ hủ, lạc hậu,  nhưng luôn là Tin Mừng của hôm nay cho những người đang sống, vì “Đức Giêsu Kitô vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay, và như vậy mãi mãi đến muôn đời” (Dt 13,8); vì  Tin Mừng vẫn mãi là Tin Mừng đến từ Thiên Chúa Ba Ngôi cho toàn thể nhân loại mọi nơi, mọi thời cho đến tận thế. Đàng khác, chính “Đức Giêsu là Thiên Chúa hằng sống muôn đời, nên phẩm vị tư tế của Người tồn tại mãi mãi. Do đó, Người có thể đem ơn cứu độ vĩnh viễn cho những ai nhờ Người mà tiến lại gần Thiên Chúa. Thật vậy Người hằng sống để chuyển cầu cho họ” (Dt 7, 24-25).  
Bên cạnh đó, những giá trị của Tin Mừng thì bất biến như Tình Yêu thương xót, Tình Yêu quên mình, Tình Yêu phục vụ, cũng như đòi hỏi của Tin Mừng thì luôn cần thiết cho mọi người của mọi thời đại, vì chạm đến chính trái tim của mỗi người để trái tim con người được hoà giải với trái tim của Thiên Chúa. (x. 2 Cr 5, 20).
 Người loan báo Tin Mừng vì thế không là người kể chuyện cổ tích, hoang đường, hay nói những chuyện vu vơ, mây gió xa rời thực tế sống, nhưng họ là những người hạnh phúc vì được chính “Tình Yêu Đức Kitô thúc bách” (2 Cr 5,14), để “trở nên mọi sự cho mọi người” (1 Cr 9,22),  khi đi theo và sống chết với Đức Giêsu cho sứ vụ Loan Báo Tin Mừng : Thiên Chúa yêu thương và cứu độ mọi người (1Ga 4, 9; 1Tm 2,4).
Để kết thúc bài chia sẻ, tưởng không gì ấn tượng và thôi thúc chúng ta hơn là lời trần tình “trở nên tất cả cho mọi người” để Tin Mừng được loan báo của thánh Phaolô, Tông Đồ dân ngoại: "Phải, tôi là một người tự do, không lệ thuộc vào ai, nhưng tôi đã trở thành nô lệ của mọi người, hầu chinh phục thêm được nhiều người. Với người Do Thái, tôi đã trở nên Do Thái, để chinh phục người Do Thái. Với những ai sống theo Lề Luật, tôi đã trở nên người sống theo Lề Luật, dù không còn phải sống theo Lề Luật nữa, để chinh phục những người sống theo Lề Luật. Đối với những kẻ sống ngoài Lề Luật, tôi đã trở nên người sống ngoài Lề Luật, dù tôi không sống ngoài  luật Thiên Chúa, nhưng sống trong luật Đức Kitô, để chinh phục những người sống ngoài Lề Luật. Tôi đã  trở nên yếu với những người yếu, để chinh phục những người yếu. Tôi đã trở nên tất cả cho mọi người, để bằng mọi cách cứu được một số người. Vì Tin Mừng, tôi làm tất cả những điều đó, để  cùng được thông chia phần phúc của Tin Mừng" (1Cr 9, 19-23).
        Và như thế, “thật vô phúc cho tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng!”  (1Cr 9,16)
Jorathe Nắng Tím
  

  
     

HẠNH PHÚC CỦA MẸ, NGÀY VU LAN!

https://www.youtube.com/watch?v=GImzgCs0cdg&feature=youtu.be
 
 Sáng nay “anh chàng” dậy sớm hơn lệ thường, ăn sáng xong “chàng” lặng lẽ ra khỏi nhà trong khi mình vẫn còn mê mệt ngủ sau một đêm trực về . 
Vừa chợt thức giấc chưa kịp ra khỏi giường mình đã thấy “chàng” đi thẳng
vào phòng với nụ cười rạng rỡ trên môi và một bó hoa giấu sau lưng. Vội ngồi dậy, đầu vẫn chưa nghĩ ra được điều gì thì “chàng” đã đến ôm chầm lấy mình trao tặng bó hồng tươi thắm không quên kèm theo một cái hôn đầy tình cảm với lời chúc mừng Sinh Nhật sớm . Nói sớm vì đúng ra ngày mai mới sinh nhật mình nhưng có lẽ vì mai là chủ nhật không có nhiều cửa hàng mở cửa nên “chàng” mới phải mừng sớm một ngày . 
    Một hành động quá bất ngờ đầy tình cảm, một món quà sinh nhật thật dễ thương ( dễ thương vì lẽ “chàng” đã phải nhịn tiêu xài mới có tiền mua bó hoa đẹp như vậy )
một cái hôn đong đầy yêu thương  tất cả đã tạo nên những giọt nước mắt hạnh phúc nơi mình ...
   Cám ơn thật nhiều “anh con trai” của mẹ. Mẹ thật sự hạnh phúc với món quà của con và càng xúc động, ý nghĩa hơn khi mẹ được nhận những hoa hồng của con đúng ngay ngày lễ Vu Lan báo hiếu. 
Con không biết Vu Lan là gì cũng chưa có khái niệm về chữ hiếu, việc làm của con hôm nay chỉ đơn giản xuất phát từ tình yêu con dành cho mẹ nhưng chính sự đơn sơ đó đã tạo nên nét đẹp của tình con . Đẹp vì con đã không gượng ép , không màu mè, không phô trương hình thức, không chạy theo phong trào vì nếu gượng ép, phô trương, theo thời thì tình con sẽ không thật , không sâu và không bền như những ngày lễ rồi cũng chóng qua . 
    Cám ơn “anh con trai” đã cho mẹ biết thế nào là nước mắt hạnh phúc của bậc làm cha mẹ. Không cần phải lễ hội cầu kỳ , không cần phải mâm cao cỗ đầy , tiệc tùng lớn lao nhưng đơn sơ lắm phải không con ? Chỉ một hành động nhỏ như con đã làm sáng nay, một ánh mắt, một nụ cười rạng rỡ, một cái ôm siết chặt cũng đã đủ để mẹ vui cả một ngày , hạnh phúc cả một đời làm mẹ . Dễ dàng, đơn giản như thế đó nhưng mẹ đã không biết để trao dâng thật nhiều những điều nhỏ nhoi đó cho ông bà con. Mẹ cứ nghĩ phải làm những việc lớn lao, phải có những món quà đắt giá, phải tổ chức những bửa tiệc hoành tráng nên đã bỏ qua quá nhiều cơ hội mang niềm vui hạnh phúc cho ông bà để giờ đây mỗi mùa Vu Lan đến mẹ không tránh khỏi ngậm ngùi vì nuối tiếc . 
   Cám ơn “anh con trai” đã nhắc cho mẹ nhớ đến điều căn bản trong tình yêu là không tính toán . Một bó hoa không đáng giá bao nhiêu nhưng với con là cả một cố gắng  mẹ biết con đã phải nhịn bớt những chi tiêu trong số tiền túi ít ỏi của con để mua bó hoa đó cho mẹ hôm nay . Khó khăn nhưng con không ngại, tốn kém nhưng con vẫn làm vì con muốn mẹ vui và trên tất cả là vì con yêu mẹ phải không con trai ? Tình yêu là như thế , không tính toán thiệt hơn , không so đo tốn kém chỉ cần người mình thương vui hạnh phúc là đủ con trai nhỉ ? 
   Cám ơn “anh con trai” đã cho mẹ thấy đời làm cha mẹ tuy có nhiều gian lao vất vả, lắm lúc cũng đầy tủi nhục thê lương tưởng chừng như phải bỏ cuộc nhưng đâu đó trên con đường đầy chông gai gian khổ đó vẫn có những điểm dừng chân thú vị để tiếp thêm năng lượng, tăng thêm can đảm để mẹ cha có thể đi trọn hành trình làm cha mẹ của mình như điểm dừng con đã dành cho mẹ sáng nay, ngọt ngào và ấm áp lắm con trai ạ. 
       Hãy luôn đơn sơ, chân thật đừng giả dối biểu diễn phô trương; hãy sống giản dị luôn mang từng niềm vui nhỏ bé đến mọi người  hãy quảng đại rộng lượng đừng so đo tính toán... Và hãy mãi dễ thương như hôm nay con trai nhé . 
    Mẹ mong và tin rằng sau này dù có bao nhiêu mùa Vu Lan qua, dù có phải mang trên ngực hoa hồng đỏ hay hoa hồng trắng thì con trai của mẹ cũng vẫn vui hạnh phúc vì con đã biết sống tâm tình Vu Lan mỗi ngày trong đời con . 
    Mẹ yêu con nhiều “anh con trai” của mẹ. 
Mây Tím