Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật 33, Thường
Niên, Năm A
Vào
những Chúa Nhật cuối năm phụng vụ, Giáo Hội mời gọi chúng ta suy nghĩ nhiều hơn
về giờ chết, về biến cố Con Người thình lình đến “như kẻ trộm ban đêm” (1 Tx
5,2). Kinh Thánh trình bày ngày cánh chung dưới hai dạng : dạng thứ nhất
như tai họa hình phạt sụp đổ trên những người
tội lỗi, dạng thứ hai như cuộc gặp gỡ con người với Thiên Chuá, Đấng xét xử
công bình nhưng rất bao dung, nhân từ, giầu lòng thương xót mà Tin Mừng Mátthêu
đề cập đến trong Chúa Nhật này.
Đó
là cuộc gặp gỡ Đức Giêsu. Tuy là cuộc gặp gỡ mang tính quyết định, nhưng Đức
Giêsu không xuất hiện như quan toà nghiêm khắc, “bới lông tìm vết” để trừng phạt,
nhưng như ông chủ tốt lành và “biết điều” đã đánh giá công trạng của đầy tớ
trên khả năng sinh lợi vốn liếng đã nhận.
Ông
chủ tốt lành ấy đã trao cho các đầy tớ mỗi người một số nén bạc khác nhau, và
điều mong uớc duy nhất của ông là các đầy tớ không bỏ quên hay coi thường những
nén bạc “vốn liếng” được trao ban ấy, nhưng tìm cách sinh lợi tùy theo khả năng
riêng mỗi người.
Ở
đây chúng ta thấy : ông chủ đã không cho đồng đều các đầy tớ cùng một số
lượng vốn liếng, nhưng rất khác nhau : người thì năm nén bạc, người khác
hai, người chỉ có một, vì khả năng sinh lợi Thiên Chúa ban cho mỗi người không
giống nhau, không cùng độ lượng, nhưng tất cả đều chung một đòi hỏi là phải
sinh lời.
Vì
thế, lòng ganh ghét khi thấy người khác tài giỏi, khéo léo hơn mình là điều thật
vô lý, vì như một thân thể, mỗi chi thể có vai trò, nhiệm vụ khác nhau, như tất
cả chúng ta không có cùng sứ vụ trong Giáo Hội, nhưng tất cả đều quy về lợi ích
chung của Thân Thể mầu nhiệm Đức Kitô.
Vấn
đề được Đức Giêsu đặt ra với mỗi người ở đây chính là chúng ta đã làm gì với ơn
huệ Thiên Chúa đã ban trên hành trình dương thế?
Có
rất nhiều ơn huệ, nhưng tất cả đều xuất phát từ Đức Giêsu và quy hướng về Đức
Giêsu, nên việc sinh lời các ơn huệ được ban cũng phải nằm trong qũy đạo của Đức
Giêsu. Nói cách khác, chúng ta nhận vốn liếng để kinh doanh “Danh Thiên Chúa, Ý
Thiên Chúa, Nước Thiên Chúa”. Mà “danh Thiên Chúa” là Thiên Chúa Tình yêu ;
“Ý Thiên Chúa” là mọi người yêu mến Thiên Chúa, và yêu thương anh em như chính mình ;
“Nước Thiên Chúa” là mái ấm hạnh phúc, là gia nghiệp đời đời dành cho những ai
sống yêu thương. Và bởi “Thiên Chúa là Tình Yêu”, nên tất cả những nén bạc nhận
được từ Thiên Chúa đều là những nén bạc Tình Yêu.
Những
nén bạc tình yêu ấy là khả năng yêu thương Thiên Chúa ban cho mỗi người và đòi
hỏi phải sinh lời khi phát triển khả năng yêu thương ấy để “yêu mến Thiên Chúa
và yêu thương anh em” vừa là lệnh truyền của Thiên Chúa, vừa là tiêu chuẩn
Thiên Chúa dùng để đánh giá công tội của mỗi người ở buổi gặp gỡ đời đời với
Thiên Chúa, mà không một ai sẽ được chuẩn chước, miễn trừ.
Thực
vậy, bài đọc thứ nhất trích từ sách Châm Ngôn nói về người đàn bà hoàn hảo, người
vợ tuyệt vời : “Nàng qúy giá vượt xa châu ngọc. Chồng nàng hết dạ tin tưởng
nàng, chàng sẽ chẳng thiếu chi lợi lộc. Suốt đời, nàng đem lại hạnh phúc, chứ
không gây tai hoạ cho chồng… Nàng rộng tay giúp người nghèo khổ, và đưa tay cứu
kẻ khốn cùng... Chồng nàng được tiếng thơm nơi cổng thành khi ngồi cùng với
hàng kỳ mục trong dân… Con nàng đứng lên ca ngợi nàng có phúc, chồng nàng cũng
tấm tắc ngợi khen… Hãy để cho nàng hưởng những thành qủa tay nàng làm ra. Ước
chi nơi cổng thành nàng luôn được tán dương ca tụng do những việc nàng làm” (Cn
31,10-12. 20. 23.28.31).
Chọn
hình ảnh người đàn bà đáng yêu, người vợ đáng qúy và đặt vào bên cạnh bài Tin Mừng
“những nén bạc” đã không là điều ngẫu nhiên, nhưng nằm trong ý của Giáo Hội với
chủ đích nói lên khả năng yêu thương là nén bạc qúy giá vô cùng Thiên Chúa ban
cho tất cả mọi người, và mỗi người phải sinh lợi cho Thiên Chúa, vì hạnh phúc của
chính mình, khi sống giới luật Yêu Thương trong cuộc sống trần gian.
Và
bài đọc hai, khi nhắc đến “tất cả anh em là con cái ánh sáng, con cái của ban
ngày” (1 Tx 5,5), thánh Phaolô khuyên nhủ mỗi người hãy bước đi trên hành trình
yêu thương, khi trang bị cho mình “áo giáp là đức tin và đức mến, đội mũ chiến
là niềm hy vọng ơn cứu độ” (1 Tx 5,8), để khi Chúa đến, không ai trong chúng ta
phải hụt hẫng, ngỡ ngàng, vì còn say
sưa, mê ngủ…
Như
thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu đã một đời yêu mến Chúa và các linh hồn, một đời phụng
sự Chúa và phục vụ chị em trong nhà với tình yêu tha thiết, nồng nàn, chúng ta
nài xin Chúa đổ tràn tình yêu của Ngài trong trái tim cằn cỗi, chật hẹp của
chúng ta, để mỗi ngày chúng ta biết yêu thương nhiều hơn, phục vụ anh em ân cần,
tận tụy hơn, bởi đến ngày giờ Chúa gọi, hành trang duy nhất đáng được Chúa xót
thương khi đến trình diện trước tôn nhan Ngài sẽ chỉ là những Nén Bạc Tình Yêu
đã được sinh lợi.
Jorathe
Nắng Tím