Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 27 tháng 7, 2020

CON TÔI KỲ CỤC, KHÓ THƯƠNG!


Không cha mẹ nào không  mong con mình là “số một”: đẹp số một, thông minh số một, ngoan số một, dễ thương số một… nhưng cũng có những “số một” không cha mẹ nào dành về cho mình, đó là con quậy  phá “số một”, kỳ cục số một, khó thương số một.
Khi sinh con, người mẹ nào cũng mong con mãi là thiên thần bé nhỏ của mẹ, mãi bé bỏng để mẹ bồng ẵm và mãi ngoan ngoãn để mẹ thương. Nhưng con càng lớn, cha mẹ càng thấy giấc mơ “con tôi số một” ngày càng phôi pha, nhạt mờ. Em bé không còn dễ thương, nhưng quậy phá mệt nghỉ. Em bé hết hiền lành, nhưng ngang tàng, kỳ cục đến khó thương.
Em bắt đầu để lộ những cá tính “khó chịu, khó thương” như  hay cãi lời, lười biếng hung bạo,  giận dỗi. Tuy mới 6, 7 tuổi, nhưng em không còn muốn bị cha mẹ kiểm soát mà luôn tìm cách thoát  khỏi bàn tay của cha mẹ bằng những sáng kiến quái đản. Em trở thành một đứa con khó dậy, rắn mắt, lì lợm và cha mẹ bắt đầu than thở, mệt mỏi, ngao ngán vì em.
Thực ra, ngay ở tuổi thơ, em bé đã kỳ cục, khó thương vì em đang đi vào hành trình tạo nhân cách. Những “khó thương, kỳ cục” của em không hẳn do em kỳ cục, khó thương từ “bao kiếp trước”, nhưng  do những thay đổi tâm sinh lý và những thay đổi này rất cần thiết để nhân cách của em  được tạo hình.
Trước những ngỗ nghịch  kỳ cục của em, cha mẹ cần  phân biệt:
a.   Có thể do thiếu kinh nghiệm, thiếu nhận thức: Em làm một việc mà không biết  hoặc chưa biết hậu qủa của việc sắp làm. Thì dụ: lấy buá đập đầu đạn nhặt được trong vườn.
b.    Biểu lộ tình cảm phản kháng, chống lại quy định của cha mẹ.
c.    Biểu lộ sự bất hợp tác với cha mẹ, nhất là khi cha mẹ cứ luôn miệng nhắc nhở, khiển trách. Thí dụ: em bé đóng mạnh cửa phòng khi mẹ không ngừng nhắc em dọn giuờng gọn gàng, sạch sẽ.
d.   Biểu lộ tình cảm tức giận trước bất công.
e.    Biểu lộ tính quật cường vì bị đán áp, xử ép.
f.     Biểu lộ khao khát được ở một mình, thư giãn khi bị cha mẹ hối thúc, áp lực phải làm cho xong một việc gì, hay phải đạt cho bằng được mục tiêu nào đó. Đây là tình trạng thường gặp trong phạm vi học đường, khi các em bị cha mẹ tạo áp lực phải học cho giỏi, cho nhiều để đạt danh hiệu này, thành tích kia…  
g.   Biểu lộ tình cảm sợ hãi trước một người hay một đe doạ nào đó. Thí dụ: em bé hay nổi khùng chửi tục vì sợ mấy đứa “bạn” đầu gấu sáng nào cũng rình rập đòi chi tiền, đóng hụi chết. Hoặc  em sợ cô giáo la  vì bài làm chưa xong; sợ gia đình không có gì ăn vì ba thất nghiệp; lo  những  ngày sắp tới sẽ không có ai nuôi em, lo cho em, vì cha mẹ hay xích mích, ẩu đả và đang đòi đưa nhau ra tòa ly dị.
Đối diện với những đứa con ngỗ nghịch khi tuổi còn thơ, cha mẹ nên làm một cuộc đối thoại với con để biết con nghĩ gì, muốn gì, cần gì; đồng thời giải đáp cho con mức độ đúng sai của những gì con nghĩ, và khả năng đáp ứng của cha mẹ đối với nhu cầu tinh thần và vật chất của con. Đừng nghĩ: vì còn nhỏ, nên em bé không biết gì, không cần gì; trái lại phải  nhìn em như một người có tư duy và ý chí tuy chưa trưởng thành nhưng đủ để hiểu biết và biết mình muốn gì. Thiếu sót chung của cha mẹ là coi thường những năm tháng tuổi thơ “đã biết tư duy và chọn lựa” của con và chỉ chú trọng đến những tình cảm âu yếm, chiều chuộng …
Đại loại những câu như:
·      Con có thấy được ba mẹ yêu con  không?
·      Con có cần thiết phải làm như vậy không?
·      Nếu con nói với ba mẹ thì sự việc đã khác…
·      Ba mẹ muốn để con tự lựa chon
·      Có thật con chủ ý  hay vô tình? Nhưng ngay cả con chủ ý làm, ba mẹ vẫn thương  con.
Có nhiều cách nói sẽ thuyết phục con hơn là cáu giận khi con làm cha mẹ không vừa ý. Đối với trẻ em, hình phạt không thay thế đối thoại, vì chỉ đối thoại mới cho em thấy giới hạn của mình khi em nhận ra nơi cha mẹ tính chừng mực, nhẹ nhàng,  nhưng cứng rắn. Nhiều cha mẹ không biết đối thoại hay từ chối đối thoại với con cái. Tương quan cha mẹ - con cái nhiều khi chỉ là “ ra lệnh và thi hành lệnh”. Người ra lệnh là cha mẹ và người thi hành là con cái. Vì thế có nhiều ấm ức, bực bội nơi cả hai bên: cha mẹ bực bội vì lệnh không được nghiêm túc thi hành, con cái ấm ức vì lệnh mang tính đàn áp, bất công.Và phần lớn những khó thương của con cái đã phát sinh  từ những “tai nạn” tương quan đáng buồn này.
Tóm lại, con cái dù khó thương hay dễ thương cũng là con của cha, con của mẹ, nên bổn phận hàng đầu của cha mẹ là yêu thương. Cha mẹ có quyền sinh con, nhưng không có quyền sinh tính. Mỗi đứa con là một “con người độc nhất vô nhị”, một mầu nhiệm, một kỳ công, một tương lai khác tất cả các tương lai khác. Nhà Phật gọi là “Duyên” để giải thích những hội ngộ của người này với người kia trong cuộc đời. Cha mẹ - con cái, ở một khiá cạnh nào đó cũng là  cuộc hội ngộ do có “Duyên” với nhau. Giáo lý công giáo gọi là sự quan phòng của Thiên Chúa khi mời gọi cha mẹ cộng tác vời Ngài trong việc tạo dựng những con người mới. Vì có duyên và được quan phòng nên cha mẹ hãy đón nhận con cái với tất cả tình yêu, dù chúng là những đứa con quậy phá, khó thương. Duyên nhà Chùa hay quan phòng nhà Chúa đều nói lên sự can thiệp của Bề Trên trong sự có mặt của con cái. Và nếu duyên đã định, quan phòng đã sắp xếp thì ngay cả những đứa con đã trót mang tiếng quậy phá, khó thương ấy  cũng sẽ được thay đổi nên tốt, hiền hậu, dễ thương hơn nhờ Ơn Trên và nhờ tình mẹ bao la, tình cha hải hà bao bọc, dìu dắt.