Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 18 tháng 2, 2019

Mùa Chay - Mùa Học Sống Thành Thật

Trong xã hội, người thông thái, trí thức là giai cấp luôn được trọng vọng. Cưới vợ, gả chồng, làm quen, kết nghĩa, người ta đều ưu tiên chọn người có học vì “có chữ vẫn hơn” và thời nào cũng “nhất sĩ ” sau đó mới đến Nông, Công, Thương. Kẻ sĩ thường được trao quyền lãnh đạo quần chúng vì được coi là người học rộng, biết nhiều và được gọi là người khôn ngoan vì bách khoa, uyên bác. Cũng vì vị thế quan trọng và vinh hiển của người trí thức trong xã hội mà cha mẹ nào cũng gắng sức cho con ăn học. Hy sinh, vất vả đến mấy cũng phải cho con một mảnh bằng, một bồ chữ, một cơ hội thành công trên đường học vấn. Phong trào rầm rộ và rất tốn kém gửi con sang Mỹ, Úc du học đã phần nào nói lên giấc mơ cho con cái thành kẻ sĩ của xã hội Việt Nam hôm nay.

Kẻ sĩ “vĩ đại, vinh quang, hiển hách” như vậy, người thông thái đáng trọng, đáng kính, đáng tin đến thế mà Đức Kitô trong lời nguyện của Ngài lại xem như có vẻ coi thường và nghi ngờ họ: “Lạy Cha là Chúa trời đất, con ngợi khen Cha vì Cha đã giấu các sự này, không cho kẻ khôn ngoan và thông thái biết và Cha đã chỉ tỏ ra cho các kẻ hèn mọn” (Lc 10,21). Nội dung lời nguyện của Đức Kitô đúng là coi trí thức, thông thái không bằng củ khoai, bằng cớ là Ngài đã mừng vì Chúa Cha không cho đám trí thức này biết sự gì. Không cho ai biết điều gì tức là không tin người ấy hoặc không muốn chia sẻ thông tin với người ấy. Cả hai đều tiêu cực và kín đáo nhắn gửi: không muốn, không tin.

Nhưng tại sao Đức Kitô lại giấu đám thông thái, trí thức mà chỉ nói với những người bé mọn những chân lý về Ngài?

Trí thức là người học nhiều, biết nhiều, nên hay “nhận vơ” biết hết mọi sự. Ảo tưởng biết hết mọi sự, rành rõi hết mọi ngành, nắm bắt mọi điều lẽ trong thế gian là cơn cám dỗ triền miên và kinh hoàng của người có tí chữ. Không ghìm mình đứng vững trước cám dỗ là “tự điển của nhân loại”, người trí thức sẽ rơi vào vực thẳm của nhiều thứ “tự”. Trước hết là tự mình có thể làm tất cả, không cần đến ai khi đời sống sung túc, bổng lộc dư dả, quyền lực trong ngoài. Tiếp đến là tự mãn khi mãn nguyện trước mọi nhu cầu, đòi hỏi. Tự mãn dắt đến tự cao, tự đại khi thấy mình ở trên cao, ngự toà lớn; rồi tự tôn khi thấy mình được nhiều người tôn sùng, ngưỡng mộ. Khi rơi vào vực thẳm của những loại “tự” này, người thông thái sẽ không còn nhận ra mình chỉ là “trí thức một phần” chứ không là “trí thức toàn phần” của kho tàng hiểu biết trong nhân loại. Họ quên mình chỉ biết những gì mình học và vẫn phải tìm tòi, tham vấn, lắng nghe, nhất là luôn cần đến người khác. Họ mù loà trước hào quang xã hội dành cho và đánh mất mình trong ánh sáng chói loà độc hại của hào quang ấy. Không nhận ra mình, không biết sự thật về mình, nhưng lâu ngày ẩn mình trong hào quang, giấu mình trong lời khen, chúc tụng, người thông thái mất thói quen đối diện sự thật và sống thật nên tìm mọi cách để ở lì trong ánh sáng hào quang, cho dù ánh sáng này ngày càng yếu ớt, nhạt nhoà khi sự thật không mấy trong sáng, uyên bác về họ với thời gian bị khám phá, tiết lộ. Cũng vì đã quen tự cao, tự đại, tự tôn, tự mãn, nên bây giờ phải tìm cách tự che, tự dối để còn được tiếp tục tự cao, tự đại, tư tôn, tự mãn. Họ sẽ bắt đầu bằng kỹ thuật dối người, sau đến dối chính lòng mình. Và một khi lòng mình mà còn dối thì ở mình sẽ chẳng còn gì là sự thật và sự thật về mình sẽ còn tìm gặp ở đâu?

Đức Kitô trong Tin Mừng Mátthêu đã rất nghiêm khắc với đám trí thức luật sĩ tự cao, tự đại, tự tôn, tự mãn (Mt 23,1-39). Ngài thẳng thừng gọi họ là bọn gian dối, giả hình chỉ muốn người ta kính cẩn chào hỏi và gọi là Thầy, chỉ áo sống, mũ mão lềnh kềnh, sang trọng để được ngồi mâm cao cỗ đầy, có đầy tớ phục dịch trong khi tâm hồn thì hôi thối, dơ bẩn như hài cốt dưới mồ mả. Ngài lên án các ông trí thức là bọn mù loà, gian ngoa, ăn chặn, ăn cướp từng đồng xu của bà goá và làm chứng gian để nhiều người vô tội bị tố cáo, tù đày. Ngài nặng lời nguyền rủa họ là loài rắn độc giả hình, chỉ phô trương, đóng kịch và lăm le đóng cửa Nước Trời ngăn chặn không cho ai vào. Quả thực Đức Kitô đã lớn tiếng, nặng lời trách móc đám biệt phái trí thức, thông thái đến nỗi các môn đệ phải ái ngại, lo lắng cho Ngài. Cũng chính vì bị Ngài làm mất mặt, “quê xệ” trước đám đông mà đám trí thức luật sĩ này quyết tâm tìm mọi cách để truy diệt Ngài. Họ đã làm và đã thành công...

Sở dĩ những người trí thức Biệt Phái bị Đức Kitô gắt gao lên án là vì họ giả hình, nói dối và thiếu thành thật. Đây là điểm yếu nơi họ và là điểm Đức Kitô cương quyết lật tẩy. Ngài biết sự thiếu thành thật và giả hình của họ đã làm tâm hồn họ ngột ngạt, tăm tối vì không có chỗ cho làn khí sự thật. Giả hình, gian dối còn làm chai cứng trái tim và biến lòng họ thành vô tâm, vô cảm trước những vấn đề của con người. Chính vì vô cảm, chai cứng mà họ đã nhẫn tâm trong quan hệ, đời sống. Cũng vì ngoan cố và mù loà mà họ đã không lắng nghe và chấp nhận chân lý. Càng giả hình, tâm địa càng ác độc, ma mãnh. Càng ác độc, ma mãnh, càng gian dối, giả hình. Để bảo vệ thành trì trí thức và lợi nhuận do cầu chứng trí thức mang lại, những người Biệt Phái thông thái phải sành sỏi trong nghệ thuật nói dối. Nói dối để sống, nói dối như sự sống. Nghệ thuật nói dối, giả hình bắt họ phải khéo léo trong vai kịch, dè dặt khi ăn nói, thủ đoạn trong suy tư, mưu mô trong hành động. Họ không còn nét đơn sơ, trong sáng của người thành thật; không còn dáng dấp thảnh thơi của tâm hồn ngay chính; không có cả nụ cười hào sảng của trái tim không vẩn đục gian tà. Họ mất hết hạnh phúc trong quan hệ vì lời họ không thật. Họ mất hết hứng khởi trước tha nhân vì không còn khả năng nói thật. Họ mất dần niềm hy vọng vì tương lai thiếu sự thật mở lối. Trái lại, họ lo sợ sự thật về họ bị tiết lộ và cuộc sống của họ cứ phập phồng rồi trí trá, lo lắng rồi giả hình, bất ổn rồi dối gian. Họ không chỉ giả hình trước con người, tự đánh lừa lương tâm, mà còn lừa dối cả Thiên Chúa trong khi cầu nguyện: Họ bệ vệ oai phong, dõng dạc lớn tiếng “cám ơn Chúa vì họ không trộm cướp, dâm đãng, tội lỗi như người khác” và liếc mắt khinh thường người thu thuế tội lỗi đang khiêm tốn nép mình đàng xa, cúi đầu cầu nguyện. Họ không biết, chính họ mới là người cần sám hối, ăn năn vì tội giả hình, không thành thật với Chúa, với mình và với anh em của họ. Nhưng tiếc thay, họ có mắt như đui, có tai như điếc, có miệng như câm, có tay chân như bại liệt chỉ vì họ không thành thật, ngay chính, đơn sơ.


Đức Kitô rất thương họ, nhưng không chấp nhận lối sống “giả nhân giả nghĩa” của họ, vì lối sống này biến họ thành những người bất hạnh hơn ai hết, bất hạnh vì tâm hồn không còn thành thật như đất tốt cho hạt giống sự thật nảy mầm, trái tim không còn chân chính như khí lành cho sự thật kết trái đơm bông, tình yêu không còn chân thành như ánh sáng cho bình minh chân lý. Chính vì thế Ngài đã không xin Chúa Cha mạc khải cho họ những sự thật về Ngài; bởi có nói họ cũng không nghe, có mạc khải họ cũng khi ông đón nhận vì thửa đất lòng họ đã nứt khô, cằn cỗi vì nắng hạn giả hình, kiêu căng.

Đối trọng với những người thông thái, khôn ngoan là những người bé mọn mà tâm hồn đơn sơ, thành thật, không gian dối. Họ biết thân phận mình bèo bọt, mọn hèn nên khiêm nhường, đằm thắm; biết mình lúc nào cũng yếu nên cần mọi người; biết mình dốt nát nên lắng nghe và biết ơn. Họ nghèo nên phó thác. Họ thiếu thốn nên cậy trông. Quá khứ, hiện tại, tương lai, họ đặt để tất cả ở Chúa, vì thấy đời mình chẳng có gì đáng giá mà cất giấu, cũng chẳng tham vọng cao xa, nên không mánh lới,thủ đoạn, càng không giả hình, lừa đảo vì chân chất là nếp sống của họ. Họ sống thật với mình, thật với người và với Chúa. Sự thật là niềm vui, hạnh phúc và hy vọng của đời họ. Chính vì thế, Đức Kitô đặc biệt thương và trân trọng họ, đồng thời xin Chúa Cha mạc khải riêng cho họ những mầu nhiệm, chân lý mà người khác không có được. Chỉ trái tim trong sáng của họ mới đủ điều kiện đón nhận những hạt giống chân lý; chỉ tâm hồn đơn thành của họ mới nhận ra giá trị vô cùng của sự thật Thiên Chúa; chỉ cuộc đời ngay thật của họ mới là nhà Thiên Chúa ở. Được Đức Kitô yêu thương và chúc phúc, những người hèn mọn đã trở thành những công nương, hoàng tử của Nước Trời khi họ được Chúa Cha đích thân mạc khải những điều bí ẩn, riêng tư của Thiên Chúa. Và như thế, họ được vào tận cung lòng Thiên Chúa và được chia sẻ tình yêu, hạnh phúc của Ngài.

Mùa Chay là mùa cởi bỏ mũ áo lôm côm, lềnh kềnh, là mùa rửa sạch phấn son, trang điểm, cởi bỏ xiêm y lộng lẫy của diễn viên sân khấu và từ chối khoác lên mình áo bào, vương miện giả tạo. Mùa Chay là mùa tập sống lương thiện với mình, thành thật với người, chân thành với Chúa. Mùa Chay là Mùa của sự thật, sự thật từ đáy lòng, từ sâu thẳm tâm hồn, từ cốt lõi cuộc sống. Giả hình, gian dối không là màu tím của Mùa Chay, nhưng là màu lửa độc hại đốt cháy rừng xanh ơn phúc. Sự thật mới là màu tím dễ thương của Mùa Chay tâm hồn đang rục rịch kéo về màu đỏ Tình Yêu, màu xanh Hy Vọng, màu hồng Hạnh Phúc của mùa Tình Yêu Sống Lại.

Mùa Chay - Mùa Tình Yêu Thinh Lặng


Những ngày mới yêu, người ta thường tránh đám đông và không thích xuất hiện chốn đô hội, huyên náo, vì hai người yêu nhau cần một bầu khí riêng tư, yên tĩnh, thinh lặng. Tình yêu cần thinh lặng để hai trái tim nghe được nhau, hai hơi thở chung nhau thì thầm, to nhỏ. Tình yêu cần không gian yên tĩnh để lắng nghe tiếng lòng nhau đáp trả, nghe những xôn xao bồi hồi của tâm hồn nhau và chia nhau từng giọt hạnh phúc như sương sớm đong đưa cành hồng. Chưa kể ngôn ngữ chính của tình yêu là yên lặng, vì chỉ thinh lặng mới nói được hết tình cho nhau trước cao vời, sâu thẳm của tình yêu; chỉ yên lặng mới hiểu phần nào mầu nhiệm của tình cho nhau; chỉ lặng thinh mới cảm được ngọt ngào của mối tình bao la, thánh thiện. Vì thế, tình yêu cần yên lặng, người yêu cần không gian thanh vắng. Có cuộc tình nào đã không được nuôi lớn bằng những giây phút thinh lặng bên nhau, được thăng hoa bằng những âu yếm yên lặng và trưởng thành, lớn mạnh trong thinh lặng của chịu đựng, hy sinh? Có tình yêu nào đã không mang theo mình kinh nghiệm của thinh lặng, cũng như có thinh lặng nào của tâm hồn đã không mang dấu ấn của tình yêu cho nhau, bởi người ta có thể gặp nhau qua “tình yêu tiếng nói”, nhưng chỉ hiểu nhau bằng “tình yêu thinh lặng”.

     Đức Kitô đã sống tình yêu thinh lặng này với Chúa Cha và các môn đệ bằng thói quen lui về nơi thanh vắng, rút về chỗ vắng vẻ, tìm đến chốn không người mỗi khi cầu nguyện, tâm sự, chia sẻ, trao đổi ân tình: Ngài dắt các ông lên núi, xa khỏi đám đông (Mt 17,1); Ngài rút vào nơi vắng vẻ và cầu nguyện (Lc 5,16); Ngài cầu nguyện ở một nơi thanh vắng với các môn đệ (Lc 9,18). Một vài giờ trước khi vào vườn Cây Dầu cầu nguyện và bị bắt (Lc 22,39-53), Đức Kitô đã chọn một phòng nhỏ kín đáo, yên lặng để trăn trối, tâm sự với các môn đệ yêu dấu của Ngài (Lc 22,1-34).

    Quả thực, suốt cuộc đời trần gian, Đức Kitô đã sống tình yêu cứu độ bằng thinh lặng nhiều hơn lên tiếng: Đêm Noel, chúng ta đã nghe gì về Đức Kitô - Thiên Chúa nhập thể làm người? Ngoài tiếng hát thiên thần xa đưa nhẹ nhàng, chúng ta không nghe gì từ miệng Maria, mẹ Ngài hay từ Giuse, cha Ngài. Ta chỉ thấy một hài nhi bé nhỏ, quấn tã, nằm trên máng cỏ, mắt nhắm và không nói gì. Đó là một con trẻ có đôi môi khép kín, một Thiên Chúa không nói gì. Là Ngôi Lời, nhưng yên lặng, vì yên lặng là cách tuyệt vời nhất để tỏ lòng thương xót của Ngài trên con người tội lụy như sách Khôn Ngoan đã viết: “Thiên Chúa đã khép mắt, khép môi trên tội lỗi của con người để con người thống hối” (Kn 11,23). Hài nhi yên lặng đó là Đức Kitô, Thiên Chúa giàu lòng thương xót, yên lặng trước người đàn bà ngoại tình bị bắt quả tang đang sượng sùng, sợ hãi chết trân trước đám “đàn ông” hung dữ chờ được ném đá giết chị. Thiên Chúa ấy cũng như hài nhi ngày xưa trong máng cỏ đã yên lặng, chẳng nói lời nào, chỉ “cúi xuống, lấy ngón tay viết trên đất” (Ga 8,1-11). Thái độ yên lặng của Ngài đang diễn tả một tình yêu thinh lặng vô cùng bao la. Khi cúi xuống, không nhìn các ông Pharisiêu đang say sưa tố cáo người phụ nữ tội lỗi, Đức Kitô đã không thèm nghe họ nói, nhưng yên lặng để tỏ lòng kính trọng người phụ nữ đau khổ và biểu lộ lòng cảm thông của Ngài với chị; đồng thời nói lên sự bất đồng tình của Ngài với những lời tố cáo của đám đông. “Bởi họ cố riết hỏi Ngài và ép Ngài lên tiếng, thì Ngài ngẩng lên và bảo họ: “Trong các ông, ai vô tội thì hãy ném đá chị này trước đi” (Ga 8,7), Ngài lại cúi xuống, yên lặng lấy tay nguệch ngoạc trên đất. Sự yên lặng yêu thương của Ngài một lần nữa đã không làm người phụ nữ sợ, nhưng làm sợ những người đang gân cổ tố cáo, lên án chị. Ngài đang nhắm mắt, khép môi trước tội lỗi của chị và dùng thinh lặng để cứu chị khỏi bị đám đông ném đá cho đến chết theo luật Môsê. Trong hoàn cảnh này, thinh lặng là cách Ngài thương xót và giải thoát chị. Thinh lặng cũng là cách Ngài lên án những trái tim bằng đá, chai lì của các ông Biệt Phái thiếu từ tâm. Bằng tình yêu thinh lặng và trong cái nhìn đầy nhân hậu, Đức Kitô đã cứu sống đời sống một người phụ nữ yếu đuối, đau khổ, đáng thương; đồng thời đẩy đám đông tự mãn, giả hình về với sự thật của chính họ, một sự thật cũng yếu đuối, tội lỗi tầm thường như người phụ nữ đang bị họ tố cáo, giễu cợt. Chính tình yêu thinh lặng của Ngài đã thay đổi toàn bộ cục diện, xoay chuyển hẳn tình thế bằng thinh lặng bất chấp dư luận quần chúng, thinh lặng vượt khỏi mọi biên giới của lề luật, thinh lặng cảm thông, nhân hậu, tha thứ người đàn bà có tội.

Tình yêu thinh lặng của Đức Kitô còn thể hiện trên hành trình vác thánh giá và tử nạn trên núi Sọ. Suốt đoạn đường thánh giá, Đức Kitô đã không nói nhiều, chỉ thinh lặng hy sinh, yên lặng đau khổ. Trong thinh lặng thập giá, Ngài đang hiến hết tình yêu cho nhân loại và bằng yên lặng thập tự, Ngài đang yêu thương đến cùng. Bởi tình yêu sẽ không còn tiếng nói khi tình yêu đạt đến mức cao vời, tuyệt đối. Tình yêu sẽ không còn diễn tả được bằng lời, khi mầu nhiệm xâm chiếm hết tình yêu. Đức Kitô đã yêu con người bằng tình yêu cao vời, mầu nhiệm ấy, nên chỉ còn yên lặng may ra mới có thể nói lên phần nào độ sâu thẳm khôn cùng của tình Ngài điên cuồng say mê con người tội lỗi và đã vui lòng hiến thân cứu độ.

Tình yêu ấy còn thinh lặng đến độ “đáng sợ” khi Thiên Chúa chấp nhận trở thành “bánh, rượu” và tuyệt đối thinh lặng, “bất động” trong bí tích Thánh Thể. Từ Thiên Chúa thiêng liêng, vô hình xuống làm con người hữu hình, rồi xuống làm “đồ vật” tức bánh, rượu như dấu chỉ “Máu, Thịt”. Thánh Tôma Aquinô đã phải thốt lên khi suy nghĩ về mầu nhiệm Thánh Thể: “Trong Thánh Thể, ta không còn thấy thiên tính, nhân tính, nhưng duy nhất dấu chỉ bánh - rượu là những sự vật”. Ngài muốn nói lên sự khiêm hạ vô cùng thẳm sâu của Thiên Chúa vì yêu con người. Ở đây, lại một lần nữa, ta nhận ra tình yêu thinh lặng vô cùng của Thiên Chúa dưới hình bánh rượu trong bí tích tình yêu tuyệt đối.

     Như thế, Thiên Chúa đã chọn thinh lặng để nói với con người, chọn thinh lặng để xót thương con người, chọn thinh lặng để chạy chữa cho con người, chọn thinh lặng để ở lại với con người, chọn thinh lặng để yêu thương con người. Nhưng đã có nhiều lúc, thinh lặng của Thiên Chúa làm con người hốt hoảng, lo sợ, chao đảo, hoang mang.

Nhiều thánh vịnh đã nói lên sự yên lặng như lánh mặt của Thiên Chúa và lời khẩn khoản: “Lạy Chúa xin đừng lánh mặt con” thường xuyên được cất lên trong lời cầu nguyện của dân Chúa. Trong Tân Ước, câu chuyện các tông đồ hốt hoảng khi biển bỗng nổi gió bão làm thuyền bị ngập đầy nước, mà Đức Kitô “vẫn ngủ”. Tiến lại họ đánh thức Ngài: “Lạy Thầy, xin cứu chúng con, kẻo chúng con chết mất…”. Tường thuật khá chi tiết này đã cho thấy có những lúc Chúa lặng thinh ngủ say và xem như bỏ ta một mình chèo chống (Mt 8,23-24).

Thái độ yên lặng của Chúa đã không ít làm ta hoang mang, bối rối, có khi nản chí, muốn buông xuôi, bỏ cuộc. Không thiếu những ngõ cụt cuộc đời, ở đó ta có cảm tưởng Chúa bỏ ta một mình và không còn thương ta nữa. Có những khúc quanh ngặt nghèo, quẫn bách ở đó Chúa như làm ngơ, lánh mặt để ta một mình lầm lũi, đơn độc. Và cũng đã nhiều lần, Chúa như bỏ mặc ta sống chết, chẳng đoái hoài, che chở. Cũng thế, trước vô số đau khổ, bất công trong cuộc đời, Thiên Chúa như vắng mặt, vô cảm và sự thinh lặng của Ngài ít nhiều đã làm ta hoảng sợ, lo âu.

      Nhưng có thực Thiên Chúa lánh mặt, bỏ rơi ta, vô cảm trước đau khổ của con người hay chỉ là cảm tưởng ta có khi Ngài ở bên ta mà không nói gì, ẵm ta trên vai thay vì để ta đi trên cát nóng, âu yếm yên lặng nhìn từng bước ta đi chập chững trong đời? Tình yêu thinh lặng của Thiên Chúa phong phú, dồi dào và hữu hiệu hơn ta tưởng, như Ngài đã yêu thương, giải cứu người đàn bà ngoại tình bằng thinh lặng, không nói gì. Chỉ trong thinh lặng của tình yêu trao dâng về Ngài, ta mới hiểu được mầu nhiệm và giá trị của tình yêu thinh lặng Ngài dành cho ta, một tình yêu cao độ giữa hai người yêu nhau tha thiết mà giữa họ ngôn từ không còn khả năng diễn đạt. Chỉ còn lại thinh lặng như khả năng sau cùng của tình yêu mới nói được hết điều mà tình yêu muốn nói. Nếu Đức Kitô đã yên lặng trước những người đau khổ Ngài gặp trên đường, yên lặng trước đám tang con bà goá thành Naim, thinh lặng nghe chị em bà Maria khóc lóc, than thở vì em trai các bà là Lazarô mới chết, hay thái độ thinh lặng của Đức Maria dưới chân Thánh Giá là vì Đức Kitô cũng như Đức Mẹ đã hoàn toàn đứng về phía những người đau khổ để cảm thông, tôn trọng và chia sẻ niềm đau, nỗi khổ với họ, đồng thời lên án tác giả gây ra bất công, đau khổ bằng chính thái độ yên lặng phản kháng của mình. Trước dã man của những người đang hành hình con mình là Đức Kitô, Mẹ Maria đã không thể làm gì để ngăn cản những hành động tàn ác của họ, ngoài đứng lặng dưới chân Thánh Giá treo xác con như đồng công cứu chuộc với con và xác định thái độ cương quyết chống lại tội ác của con người gây ra cho con Mẹ. Chính thái độ yên lặng của Mẹ đã làm những người dính máu con mẹ phải hồi tâm, suy nghĩ. Đàng khác, vì đau khổ là hậu quả của tội lỗi, nên đau khổ không thể được nhận diện và cắt nghĩa hoàn toàn trên bình diện tự nhiên, nhưng nó mang dáng dấp siêu nhiên, mầu nhiệm mà chỉ Đức Tin mới là chỗ dựa cho những hiểu biết này.

Đau khổ đã vào thế gian theo tội lỗi, nên bao lâu tội lỗi còn, bấy lâu khổ đau còn hành hạ cuộc sống. Có những khổ đau do thiên nhiên bất toàn, có những khổ đau do chính mình, có nhiều khổ đau do người khác, có cả những đau khổ chẳng do ai, nhưng để vinh danh Thiên Chúa (Ga 11,4). Nhưng đã có khổ là có đau, có đau là có khổ… và không ai tránh được hết khổ đau, đau khổ trong đời. Vấn đề là cái nhìn và thái độ đón nhận đau khổ của mỗi người.

      Phần đông nhìn đau khổ như một tai hoạ và thái độ là bất mãn, nổi loạn trước Thiên Chúa, căm phẫn, thù hận người chung quanh và kiêu căng, mất an bình với chính mình. Một số khác nhìn đau khổ như một phần tất yếu thuộc định mệnh và thái độ là dửng dưng, phó mặc, tiêu cực. Số còn lại nhìn đau khổ như hậu quả của tội lỗi nhưng ở đó sẽ nảy sinh mầm hy vọng và đón nhận đau khổ với thái độ tích cực vì tin rằng đau khổ mang giá trị cứu rỗi. Sở dĩ những người này dám nhìn đau khổ dưới cặp kiếng hy vọng và đón nhận bằng đôi tay phó thác là vì họ chiêm ngắm Đức Kitô, Đấng thánh thiện, trong sạch vô cùng, không tì ố, không lỗi lầm, nhưng đã gánh chịu rất nhiều đau khổ con người dành cho và đã chết nhục nhã, thảm thương với bản án đóng đinh như bao nhiêu thân phận đau khổ, cùng khốn, thương tâm khác. Người có tội chịu đau khổ đã đành, vì tội là hậu quả của tội lỗi, nhưng cả người công chính, thánh thiện như Đức Kitô cũng phải chịu khổ đau thì nhất định đau khổ phải mang một ý nghĩa và có một giá trị. Đức Kitô - Con Thiên Chúa đã trả lời vấn nạn đó khi chọn đau khổ làm phương tiện để cứu độ con người. Vì thế, mầu nhiệm đau khổ của con người sẽ được cắt nghĩa và được hiểu trong mầu nhiệm Thánh Giá của Đức Kitô, Đấng đã tự nguyện chịu đau khổ vì yêu thương và để cứu độ nhân loại. Nói cách khác, trong đau khổ của Đức Kitô - Thiên Chúa, tất cả mọi niềm đau, nỗi khổ của con người được thánh hoá để trở nên giá trị cứu rỗi chính mình và cứu rỗi người khác. Đức Kitô đã biến đổi đau khổ, vốn là tai hoạ, sự dữ thành của lễ hy sinh đem lại ơn cứu độ. Từ nay đau khổ không “vô ích”, nhưng sinh hoa kết trái cho hạnh phúc đời đời của con người, nếu đau khổ ấy chấp nhận đi vào nhiệm cuộc cứu độ của Đức Kitô, Đấng đã đến để chia sẻ tận cùng thân phận người với mọi đau khổ, cơ cực, bẽ bàng của nó; Đấng đã chết đau, sống khổ như những người đau khổ để không một ai đau khổ mà không được Ngài cảm thông, chia sẻ, nâng đỡ (Dt 4,15), để không một ai cơ nhỡ, lỡ làng, yếu đuối mà Ngài không chạnh lòng thương (Dt 5,2); Đấng đã dùng thập giá là hình phạt nặng nề nhất của nhân loại làm phương án cứu độ; Đấng đã mời gọi những người đi theo Ngài “hãy bỏ mình, vác thập giá” (Mc 8,34). Đau khổ với Ngài, nhờ Ngài, trong Ngài bỗng trở thành giá trị siêu nhiên cần thiết cho ơn cứu độ. Thập tự vì Ngài đã vác và bị treo lên bỗng trở thành Thánh Giá, dấu hiệu của người đi theo Ngài.

Tóm lại, đau khổ tự bản chất là sự dữ và mãi mãi là sự dữ. Ta không được phép ao ước sự dữ cho mình cũng như cho bất cứ ai; trái lại, ta phải làm tất cả những gì có thể để xoa dịu, chữa lành, giảm đi đau khổ và làm mọi cách để sự dữ này biến đi. Là môn đệ của Thiên Chúa hạnh phúc, ta được kêu gọi: “đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hoà vào nơi tranh chấp, đem ánh sáng vào nơi tối tăm, đem niềm vui đến chốn u sầu, đem tin yêu vào nơi nghi nan, chiếu trông cậy vào nơi thất vọng”. Ta còn được xức dầu và sai đi: “loan báo Tin Mừng cho người nghèo khó, ban bố ân xá cho người tù đầy, cho người đui mù được thấy, kẻ bị áp bức được giải oan và loan báo năm hồng ân của Thiên Chúa” (Lc 4,18), vì đau khổ của con người hoặc đến từ bệnh tật, thù oán, phỉ báng, khinh khi, chiến tranh, nghi ngờ, thất vọng, thiếu hiểu biết…; hoặc đến từ trái tim vắng bóng yêu thương, tâm hồn khai tử hình ảnh Thiên Chúa, xã hội loại trừ Đấng là Tình Yêu, an bình thật. Những người đi theo Đức Kitô không bỏ phiếu cho đau khổ, không tìm kiếm đau khổ, bằng cớ là chính Đức Kitô đã khóc khi thấy Mácta, Maria đau khổ trước cái chết của em trai, đã chạnh lòng trước đám đông đói khát, những người đau bệnh lê lết bên đường, đã cảm thương người đàn bà goá bụa mất con, đã thương xót những người đàn bà thành Giêrusalem gặp Ngài trên đường thánh giá. Theo gương Ngài, ta không bỏ phiếu ủng hộ đau khổ, không tìm kiếm đau khổ, nhưng làm tất cả để chia sẻ, chữa lành những vết thương đau khổ của mình và người khác, đồng thời biến đau khổ thành giá trị cứu rỗi bằng đặt vào đó tình yêu của ta dành cho chính Thiên Chúa. Đây là một mầu nhiệm, một bí mật của lễ hy sinh Thánh Giá nơi Thiên Chúa làm người, mà chỉ những người hiệp thông đau khổ của mình trong mầu nhiệm Thánh Giá của Ngài mới hiểu được giá trị cứu rỗi vô cùng quý giá của đau khổ cho hạnh phúc đời đời của mình và của nhiều người khác. Thánh hoá đau khổ của con người bằng hiến mình chịu đau khổ, ban cho đau khổ của con người giá trị ơn cứu rỗi, tình yêu thinh lặng của Thiên Chúa đau khổ chịu treo trên thập tự đã không dửng dưng, vô cảm hay bỏ rơi con người khổ đau, nhưng tình thinh lặng đó đã nói lên tất cả trái tim Thiên Chúa dành cho con người.

Thinh lặng trên Thánh Giá đã là tình yêu thinh lặng tuyệt vời nhất: tình yêu thấy hết, nghe hết, cảm hết, cho hết. Nhờ tình yêu thinh lặng này mà cả những người hành hạ, làm khổ Thiên Chúa chịu đóng đinh cũng sẽ được tha thứ, nếu trái tim họ biết thinh lặng lắng nghe tiếng Ngài nguyện cầu cho họ: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34).

Mùa Chay, Mùa tình yêu thỏ thẻ trong thanh vắng, mùa Đức Kitô muốn tâm sự, to nhỏ với trái tim mỗi người, mùa của bình an trong thinh lặng yêu thương. Ước gì thinh lặng của Mùa Chay giúp đổi mới tình yêu trong trái tim và xây dựng tình liên đới với mọi người.

Mùa Chay - Mùa Tình Yêu Quan Tâm

https://www.youtube.com/watch?v=GedTs9l1i-Y
Người ta không thể nói yêu nhau mà không quan tâm đến nhau. Yêu mà không quan tâm là yêu qua đường, yêu qua đêm, yêu kiểu chụp giựt chợ trời; đúng hơn là không yêu ai hết, chỉ yêu riêng mình.

Quan tâm đến nhau là biểu hiệu của một tình yêu chân thực. Càng yêu, càng quan tâm. Quan tâm là để ý đến nhau, chú ý đến nhu cầu của nhau, chú tâm đến đời sống của nhau, để hồn trong hạnh phúc của nhau, đem trái tim vào cuộc sống của nhau. Quan tâm là dán mắt vào đời nhau, chăm chú lắng nghe nhau, thao thức đợi chờ nhau, băn khoăn trước những biến cố, sự kiện, công việc liên quan đến nhau và hăng say làm tất cả những gì có thể làm được vì hạnh phúc của nhau. Quan tâm chính là tình yêu quan phòng, tình yêu che chở, tình yêu chăm sóc, tình yêu dự liệu. Và Mùa Chay chính là mùa của tình yêu quan tâm này.

Đừng hiểu Mùa Chay là mùa thụ động, khép kín; nhưng chính là mùa hoạt động, mùa cởi mở cõi lòng, mùa đến với nhau, mùa lắng nghe, gặp gỡ, chăm sóc, quan


tâm. Trong mùa này, Thiên Chúa đi bước trước trên hành trình tình yêu khi âu yếm quan tâm đến con người.

Các thánh vịnh trong Mùa Chay đều nói lên tình yêu quan tâm của Thiên Chúa đối với con người: khi dân Do Thái bị đày đọa bên Ai Cập, Thiên Chúa Giavê đã quan tâm: “Ta thấy rõ nỗi khổ của dân Ta và tiếng khóc của dân ta đã thấu đến Ta. Ta biết chúng rất khổ đau” (Xh 3,7). Khi dân vất vả 40 năm trong sa mạc, Thiên Chúa đã quan tâm cho ăn uống, bênh đỡ, trợ phù (Xh 16; 17).

Trong Tân Ước, Đức Kitô mạc khải rõ hơn tình yêu quan tâm của Thiên Chúa đối với mỗi người: như người cha ngày đêm trông ngóng đứa con hoang đàng (Lc 15,11-24). Ông ra đầu ngõ mỗi buổi chiều đợi chờ con, dù bặt tin con từ ngày cậu đòi chia của rồi bỏ nhà đi hoang. Tình yêu quan tâm của cha dành cho con không bao giờ mỏi mệt, sút giảm, nhưng ngàn đời bất diệt. Người cha ngóng con, vì quan tâm đến đời con, lo lắng cho sự sống của con, bồn chồn, xao xuyến vì tương lai bấp bênh của con. Ông quan tâm vì ông yêu con tha thiết. Ông quan tâm vì con là tất cả, là hạnh phúc duy nhất của đời ông. Ông không thể làm gì khác hơn ngoài yêu con, vì tình cha của ông lớn hơn tất cả, lớn hơn tội bất hiếu, vô ơn, phản bội nặng nề của con. Tình yêu quan tâm của ông được nuôi trong hy vọng và niềm hy vọng ngày về của con đã thành sự thật chính vì tình yêu ông đã quan tâm.

Quả thực, trước khi lên đường trở về sau tháng năm dài bê tha, sa đọa, người con hoang đàng chắc chắn đã dò dẫm, nghe ngóng tình hình và biết rõ hằng ngày cha đều ra đầu ngõ ngóng trông cậu. Nếu biết ông cụ không còn quan tâm, trông ngóng, chắc cậu đã không dám lên đường trở về. Tình yêu quan tâm của cha đã nâng đỡ chọn lựa đứng dậy, trở về của cậu. Tình cha quan tâm đã cho cậu niềm tin để không sợ bị xua đuổi, từ chối. Tình yêu quan tâm của cha đã giúp cậu vượt qua rào cản của vô số mặc cảm, nhất là mặc cảm tội lỗi đang đè nặng, nghiền nát tâm hồn cậu. Thiếu bóng cha già hằng ngày ra đầu ngõ vì quan tâm đến con, chàng trai phung phá sẽ khó có thể khiêm tốn để chuẩn bị sẵn lời tạ tội khi trở về: “Thưa cha, con đã trót phạm tội với Trời và với cha...”. Tất cả tiến trình trở về của người thanh niên hoang đàng từ hồi tâm nhận ra tình trạng đói khổ, khốn nạn của mình, đến quyết tâm đứng dậy về với cha và những bước chân sau đó trên đường về đều được thai nghén, vun xới và nâng đỡ từ tình yêu quan tâm của cha cậu: vì biết tình cha bao la mà cậu dám trở về; vì biết tình cha bao dung mà cậu không sợ mất mặt; vì biết tình cha vững bền mà cậu can đảm tạ tội và xin cha cho ở lại trong nhà. Tình yêu đã cứu cậu khi cậu biết cha mình vẫn hằng quan tâm, dù cậu “không còn đáng được gọi là con của cha nữa” (Lc 15,19).



Như thế, tình yêu quan tâm không chỉ quan phòng, lo liệu, chăm nom, nhưng còn cứu thoát, chữa lành. Người cha đã quan tâm đến con, nên con của ông đã được cứu thoát khỏi cảnh đói khát “không có cám heo mà ăn”. Tình yêu quan tâm của ông đã cứu cậu khỏi cảnh ô nhục “vô gia cư, vô địa táng” và chữa lành cậu khỏi mọi thứ bệnh do nỗi bất hạnh của bất hiếu, hoang đàng, tan gia bại sản.

Thánh vịnh 139 đã khẳng định tình yêu quan tâm của Thiên Chúa với mỗi người. Thiên Chúa quan tâm từng chút một từ tinh thần đến thể xác con người, từ sinh hoạt bên ngoài đến sinh hoạt nội tâm:



“Thiên Chúa, Ngài quan tâm và Ngài biết lúc tôi ngồi, khi tôi đứng. Từ xa Ngài đã am tường ý nghĩ của tôi. Tôi đi đường, tôi nằm giường. Ngài thấu suốt cả. Ngài quen thuộc mọi lối ngõ tôi đi. Lời tôi chưa thập thò đầu lưỡi, Ngài đã biết. Ngài chặn cho tôi nguy hiểm phía trước, Ngài ngừa cho tôi phía sau và đặt tay Ngài trên vai tôi… Nào tôi có đi đâu xa được Thần Khí của Ngài… Tôi có lên trời thì ở đó đã có Ngài. Tôi có bay đi với đôi cánh rạng đông, tôi có ở biệt nơi chân trời góc biển, thì lại chính tay Ngài dẫn tôi đến…” (Tv 139,1-10).

Chăm nom, lo liệu, quan phòng cho con cái, Thiên Chúa như người chăn chiên âu yếm từng con chiên và hạnh phúc cho chiên nào có Chúa là mục tử: “Thiên Chúa chăn dắt tôi, tôi chẳng còn thiếu thốn gì. Trong đồng cỏ xanh, Ngài cho tôi nghỉ ngơi. Ngài dắt tôi trên đường nẻo ngay chính… Dẫu phải đi qua thung lũng tối tăm, hiểm nguy, tôi cũng chẳng lo sợ gì vì tôi có Chúa ở cùng” (Tv 23,1-4). Có Chúa ở cùng, ta có tình yêu Chúa quan tâm, có tình yêu Chúa chăm nom, săn sóc, có tình yêu Chúa giữ gìn, phù trợ để “đầu tôi Ngài xức dầu thơm, chén tôi Ngài rót đầy ắp rượu nồng. Và suốt đời tôi đều là hoan lạc, vì ơn phúc sẽ dõi theo tôi mỗi ngày...” (Tv 23,5-6). Và trong nhiều thánh vịnh khác như các Thánh vịnh 10, 32, 33, 36, 45, 77, 120, 144, 146 được hát lên trong Mùa Chay, hình ảnh Thiên Chúa quan tâm đến con người đã được đặc biệt tô đậm như muốn nhắc nhở: Mùa Chay chính là mùa của mầu nhiệm Tình yêu Thiên Chúa, đấng luôn quan tâm đến mọi người.



Tin Mừng Mátthêu cũng ghi lại giáo huấn của Đức Kitô về Thiên Chúa yêu thương quan phòng. Ngài quan tâm đến con người như người cha săn sóc con mình và trách ta đã không đặt trọn niềm tin vào tình thương quan phòng của Cha trên trời: “Chớ quá lo phải ăn gì, mặc gì… Hãy nhìn chim trời. Chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào kho lẫm, vậy mà Cha trên trời vẫn nuôi nấng chúng. Chúng con không quý hơn đám chim sẻ đó sao?... Hãy nhìn cánh huệ ngoài đồng. Chúng không nhọc nhằn canh cửi, vậy mà vua Salomon trong tất cả vinh hoa đời ông, chắc gì đã ăn vận đẹp bằng đóa huệ đó? Nếu cỏ đồng nội, nay còn mai mất, mà Thiên Chúa còn mặc cho như thế, huống chi chúng con, hỡi những người yếu lòng tin. Vậy chớ quá lo sẽ ăn gì, uống gì, mặc gì, vì Cha ở trên Trời biết rõ chúng còn cần các điều ấy...” (Mt 6,25-34).

Tình yêu quan tâm nơi Thiên Chúa cũng là tình yêu Thiên Chúa muốn chúng ta dành cho nhau. Quan tâm đến người thân yêu gần gũi, quan tâm đến người hàng xóm, đồng hương, quan tâm đến người đau khổ, bất hạnh, quan tâm đến người khách lạ, không quen ngoài ngõ. Quan tâm đến người khác là gửi trao một ánh mắt thông cảm, một nụ cười thân thiện, một lời chào bình an, một xiết tay nồng ấm. Quan tâm đến nhau là tìm dịp làm cho nhau vui như trao tặng một bất ngờ tình nghĩa, tránh cho nhau một nguy hiểm, tiên liệu và chuẩn bị cho nhau một giải pháp tốt đẹp.

Và sau cùng, quan tâm đến người khác là mời họ gặp gỡ một trái tim không biết hờn oán, hận thù, một tấm lòng bao dung, đại lượng, một tâm hồn quả cảm hy


sinh, một cuộc đời như bến đỗ của mọi mảnh đời đen bạc, lỡ làng, một bờ vai cho mọi người khổ đau nương tựa, một tình yêu nhân hậu cho tội nhân được trắng án, một “Thiên Chúa - làm người” vì quá quan tâm đến con người. Trái tim, cuộc đời, bờ vai, tình yêu đó chính là Đức Kitô, Đấng là Tình Yêu nhân hậu luôn quan tâm đến mọi người và từng người.

Ước gì Mùa Chay là mùa vui mừng, hạnh phúc với mỗi người, vì đây là mùa mọi người được Chúa quan tâm và mỗi người được học biết quan tâm đến mọi người.