Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 18 tháng 2, 2019

Mùa Chay - Mùa Học Sống Thành Thật

Trong xã hội, người thông thái, trí thức là giai cấp luôn được trọng vọng. Cưới vợ, gả chồng, làm quen, kết nghĩa, người ta đều ưu tiên chọn người có học vì “có chữ vẫn hơn” và thời nào cũng “nhất sĩ ” sau đó mới đến Nông, Công, Thương. Kẻ sĩ thường được trao quyền lãnh đạo quần chúng vì được coi là người học rộng, biết nhiều và được gọi là người khôn ngoan vì bách khoa, uyên bác. Cũng vì vị thế quan trọng và vinh hiển của người trí thức trong xã hội mà cha mẹ nào cũng gắng sức cho con ăn học. Hy sinh, vất vả đến mấy cũng phải cho con một mảnh bằng, một bồ chữ, một cơ hội thành công trên đường học vấn. Phong trào rầm rộ và rất tốn kém gửi con sang Mỹ, Úc du học đã phần nào nói lên giấc mơ cho con cái thành kẻ sĩ của xã hội Việt Nam hôm nay.

Kẻ sĩ “vĩ đại, vinh quang, hiển hách” như vậy, người thông thái đáng trọng, đáng kính, đáng tin đến thế mà Đức Kitô trong lời nguyện của Ngài lại xem như có vẻ coi thường và nghi ngờ họ: “Lạy Cha là Chúa trời đất, con ngợi khen Cha vì Cha đã giấu các sự này, không cho kẻ khôn ngoan và thông thái biết và Cha đã chỉ tỏ ra cho các kẻ hèn mọn” (Lc 10,21). Nội dung lời nguyện của Đức Kitô đúng là coi trí thức, thông thái không bằng củ khoai, bằng cớ là Ngài đã mừng vì Chúa Cha không cho đám trí thức này biết sự gì. Không cho ai biết điều gì tức là không tin người ấy hoặc không muốn chia sẻ thông tin với người ấy. Cả hai đều tiêu cực và kín đáo nhắn gửi: không muốn, không tin.

Nhưng tại sao Đức Kitô lại giấu đám thông thái, trí thức mà chỉ nói với những người bé mọn những chân lý về Ngài?

Trí thức là người học nhiều, biết nhiều, nên hay “nhận vơ” biết hết mọi sự. Ảo tưởng biết hết mọi sự, rành rõi hết mọi ngành, nắm bắt mọi điều lẽ trong thế gian là cơn cám dỗ triền miên và kinh hoàng của người có tí chữ. Không ghìm mình đứng vững trước cám dỗ là “tự điển của nhân loại”, người trí thức sẽ rơi vào vực thẳm của nhiều thứ “tự”. Trước hết là tự mình có thể làm tất cả, không cần đến ai khi đời sống sung túc, bổng lộc dư dả, quyền lực trong ngoài. Tiếp đến là tự mãn khi mãn nguyện trước mọi nhu cầu, đòi hỏi. Tự mãn dắt đến tự cao, tự đại khi thấy mình ở trên cao, ngự toà lớn; rồi tự tôn khi thấy mình được nhiều người tôn sùng, ngưỡng mộ. Khi rơi vào vực thẳm của những loại “tự” này, người thông thái sẽ không còn nhận ra mình chỉ là “trí thức một phần” chứ không là “trí thức toàn phần” của kho tàng hiểu biết trong nhân loại. Họ quên mình chỉ biết những gì mình học và vẫn phải tìm tòi, tham vấn, lắng nghe, nhất là luôn cần đến người khác. Họ mù loà trước hào quang xã hội dành cho và đánh mất mình trong ánh sáng chói loà độc hại của hào quang ấy. Không nhận ra mình, không biết sự thật về mình, nhưng lâu ngày ẩn mình trong hào quang, giấu mình trong lời khen, chúc tụng, người thông thái mất thói quen đối diện sự thật và sống thật nên tìm mọi cách để ở lì trong ánh sáng hào quang, cho dù ánh sáng này ngày càng yếu ớt, nhạt nhoà khi sự thật không mấy trong sáng, uyên bác về họ với thời gian bị khám phá, tiết lộ. Cũng vì đã quen tự cao, tự đại, tự tôn, tự mãn, nên bây giờ phải tìm cách tự che, tự dối để còn được tiếp tục tự cao, tự đại, tư tôn, tự mãn. Họ sẽ bắt đầu bằng kỹ thuật dối người, sau đến dối chính lòng mình. Và một khi lòng mình mà còn dối thì ở mình sẽ chẳng còn gì là sự thật và sự thật về mình sẽ còn tìm gặp ở đâu?

Đức Kitô trong Tin Mừng Mátthêu đã rất nghiêm khắc với đám trí thức luật sĩ tự cao, tự đại, tự tôn, tự mãn (Mt 23,1-39). Ngài thẳng thừng gọi họ là bọn gian dối, giả hình chỉ muốn người ta kính cẩn chào hỏi và gọi là Thầy, chỉ áo sống, mũ mão lềnh kềnh, sang trọng để được ngồi mâm cao cỗ đầy, có đầy tớ phục dịch trong khi tâm hồn thì hôi thối, dơ bẩn như hài cốt dưới mồ mả. Ngài lên án các ông trí thức là bọn mù loà, gian ngoa, ăn chặn, ăn cướp từng đồng xu của bà goá và làm chứng gian để nhiều người vô tội bị tố cáo, tù đày. Ngài nặng lời nguyền rủa họ là loài rắn độc giả hình, chỉ phô trương, đóng kịch và lăm le đóng cửa Nước Trời ngăn chặn không cho ai vào. Quả thực Đức Kitô đã lớn tiếng, nặng lời trách móc đám biệt phái trí thức, thông thái đến nỗi các môn đệ phải ái ngại, lo lắng cho Ngài. Cũng chính vì bị Ngài làm mất mặt, “quê xệ” trước đám đông mà đám trí thức luật sĩ này quyết tâm tìm mọi cách để truy diệt Ngài. Họ đã làm và đã thành công...

Sở dĩ những người trí thức Biệt Phái bị Đức Kitô gắt gao lên án là vì họ giả hình, nói dối và thiếu thành thật. Đây là điểm yếu nơi họ và là điểm Đức Kitô cương quyết lật tẩy. Ngài biết sự thiếu thành thật và giả hình của họ đã làm tâm hồn họ ngột ngạt, tăm tối vì không có chỗ cho làn khí sự thật. Giả hình, gian dối còn làm chai cứng trái tim và biến lòng họ thành vô tâm, vô cảm trước những vấn đề của con người. Chính vì vô cảm, chai cứng mà họ đã nhẫn tâm trong quan hệ, đời sống. Cũng vì ngoan cố và mù loà mà họ đã không lắng nghe và chấp nhận chân lý. Càng giả hình, tâm địa càng ác độc, ma mãnh. Càng ác độc, ma mãnh, càng gian dối, giả hình. Để bảo vệ thành trì trí thức và lợi nhuận do cầu chứng trí thức mang lại, những người Biệt Phái thông thái phải sành sỏi trong nghệ thuật nói dối. Nói dối để sống, nói dối như sự sống. Nghệ thuật nói dối, giả hình bắt họ phải khéo léo trong vai kịch, dè dặt khi ăn nói, thủ đoạn trong suy tư, mưu mô trong hành động. Họ không còn nét đơn sơ, trong sáng của người thành thật; không còn dáng dấp thảnh thơi của tâm hồn ngay chính; không có cả nụ cười hào sảng của trái tim không vẩn đục gian tà. Họ mất hết hạnh phúc trong quan hệ vì lời họ không thật. Họ mất hết hứng khởi trước tha nhân vì không còn khả năng nói thật. Họ mất dần niềm hy vọng vì tương lai thiếu sự thật mở lối. Trái lại, họ lo sợ sự thật về họ bị tiết lộ và cuộc sống của họ cứ phập phồng rồi trí trá, lo lắng rồi giả hình, bất ổn rồi dối gian. Họ không chỉ giả hình trước con người, tự đánh lừa lương tâm, mà còn lừa dối cả Thiên Chúa trong khi cầu nguyện: Họ bệ vệ oai phong, dõng dạc lớn tiếng “cám ơn Chúa vì họ không trộm cướp, dâm đãng, tội lỗi như người khác” và liếc mắt khinh thường người thu thuế tội lỗi đang khiêm tốn nép mình đàng xa, cúi đầu cầu nguyện. Họ không biết, chính họ mới là người cần sám hối, ăn năn vì tội giả hình, không thành thật với Chúa, với mình và với anh em của họ. Nhưng tiếc thay, họ có mắt như đui, có tai như điếc, có miệng như câm, có tay chân như bại liệt chỉ vì họ không thành thật, ngay chính, đơn sơ.


Đức Kitô rất thương họ, nhưng không chấp nhận lối sống “giả nhân giả nghĩa” của họ, vì lối sống này biến họ thành những người bất hạnh hơn ai hết, bất hạnh vì tâm hồn không còn thành thật như đất tốt cho hạt giống sự thật nảy mầm, trái tim không còn chân chính như khí lành cho sự thật kết trái đơm bông, tình yêu không còn chân thành như ánh sáng cho bình minh chân lý. Chính vì thế Ngài đã không xin Chúa Cha mạc khải cho họ những sự thật về Ngài; bởi có nói họ cũng không nghe, có mạc khải họ cũng khi ông đón nhận vì thửa đất lòng họ đã nứt khô, cằn cỗi vì nắng hạn giả hình, kiêu căng.

Đối trọng với những người thông thái, khôn ngoan là những người bé mọn mà tâm hồn đơn sơ, thành thật, không gian dối. Họ biết thân phận mình bèo bọt, mọn hèn nên khiêm nhường, đằm thắm; biết mình lúc nào cũng yếu nên cần mọi người; biết mình dốt nát nên lắng nghe và biết ơn. Họ nghèo nên phó thác. Họ thiếu thốn nên cậy trông. Quá khứ, hiện tại, tương lai, họ đặt để tất cả ở Chúa, vì thấy đời mình chẳng có gì đáng giá mà cất giấu, cũng chẳng tham vọng cao xa, nên không mánh lới,thủ đoạn, càng không giả hình, lừa đảo vì chân chất là nếp sống của họ. Họ sống thật với mình, thật với người và với Chúa. Sự thật là niềm vui, hạnh phúc và hy vọng của đời họ. Chính vì thế, Đức Kitô đặc biệt thương và trân trọng họ, đồng thời xin Chúa Cha mạc khải riêng cho họ những mầu nhiệm, chân lý mà người khác không có được. Chỉ trái tim trong sáng của họ mới đủ điều kiện đón nhận những hạt giống chân lý; chỉ tâm hồn đơn thành của họ mới nhận ra giá trị vô cùng của sự thật Thiên Chúa; chỉ cuộc đời ngay thật của họ mới là nhà Thiên Chúa ở. Được Đức Kitô yêu thương và chúc phúc, những người hèn mọn đã trở thành những công nương, hoàng tử của Nước Trời khi họ được Chúa Cha đích thân mạc khải những điều bí ẩn, riêng tư của Thiên Chúa. Và như thế, họ được vào tận cung lòng Thiên Chúa và được chia sẻ tình yêu, hạnh phúc của Ngài.

Mùa Chay là mùa cởi bỏ mũ áo lôm côm, lềnh kềnh, là mùa rửa sạch phấn son, trang điểm, cởi bỏ xiêm y lộng lẫy của diễn viên sân khấu và từ chối khoác lên mình áo bào, vương miện giả tạo. Mùa Chay là mùa tập sống lương thiện với mình, thành thật với người, chân thành với Chúa. Mùa Chay là Mùa của sự thật, sự thật từ đáy lòng, từ sâu thẳm tâm hồn, từ cốt lõi cuộc sống. Giả hình, gian dối không là màu tím của Mùa Chay, nhưng là màu lửa độc hại đốt cháy rừng xanh ơn phúc. Sự thật mới là màu tím dễ thương của Mùa Chay tâm hồn đang rục rịch kéo về màu đỏ Tình Yêu, màu xanh Hy Vọng, màu hồng Hạnh Phúc của mùa Tình Yêu Sống Lại.