Tìm kiếm Blog này

Thứ Tư, 13 tháng 5, 2020

NGƯỜI TRẺ VÀ ĐỨC TIN (5)

                                                   GIÁO HỘI
Một sự thật khó chối cãi, đó là Giáo Hội hầu như luôn bị phê bình, chỉ trích, lên án, buộc tội, chống phá cách này hay cách khác, mà rất ít được những ngày yên ổn, làm như Giáo Hội được Đức Giêsu lập ra để bị thiên hạ ghét bỏ hơn là được yêu thương, bị đe dọa, phá họai hơn là được nâng đỡ, xây dựng, và lịch sử hơn hai ngàn năm của Giáo Hội với những bách hại dưới mọi hình thức những chống phá bằng đủ phương tiện, những buộc tội ở mọi mức độ, những chỉ trích không thiếu một thành phần, những vạch trần không sót một kẽ hở đã làm chứng sự thật đau lòng này.
Có những lý do trần thế làm người ta “khó chịu” với Giáo Hội:
1.   Giáo Hội bị coi là một tổ chức độc trị, độc quyền:
Khác nhiều tôn giáo, Giáo Hội Công Giáo có hệ thống tổ chức chặt chẽ, trên dưới phẩm trật, ngang dọc khít khao, điều phối nhịp nhàng, kỷ luật bao trùm, phủ kín nên dễ cho nhiều người cảm tưởng Giáo Hội là một cơ cấu độc trị, độc quyền hơn là một đoàn thể “tự do” quy tụ những người tự nguyện đi theo Đức Giêsu.
Từ cái nhìn không mấy thiện cảm, nhiều người đã củng cố “thành kiến” về một Giáo Hội thống trị hơn phục vụ, pháo đài khép kín hơn cởi mở, “ra sâu, ra xa”, kiểm soát, thanh trừng hơn tôn trọng, khai phóng.
Cũng vì thành kiến không mấy tốt đẹp, người ta đi đến hành động soi mói, rình rập những sơ sót, vi phạm của người có trách nhiệm lãnh đạo trong Giáo Hội, và khai thác những điểm yếu “con người” nơi các vị tạo thành những “sóng thần” miệt thị, cao trào lên án kinh khủng dữ dội, ảnh hưởng nặng nề trên đời sống người tín hữu và uy tín của Giáo Hội.
2.   Giáo Hội bị coi là một tổ chức lạm dụng thần quyền:
Khi được hỏi: Tại sao bạn bất mãn với Giáo Hội? Vì Giáo Hội qúa lạm dụng thần quyền cho mục đích không chính đáng.
Đó là câu trả lời chiếm đa số, và người ta say mê kể ra hàng loạt những lạm dụng trong Giáo Hội ở mọi cấp độ, mà chúng ta khó có thể che chống, bênh vực.
Về vấn đề này, Bạn chỉ cần theo dõi những phương tiện truyền thông đại chúng sẽ thấy những nổi cộm căng thẳng bị coi là “xì căng đan” trong Giáo Hội, mà nhiều thế lực đang triệt để khai thác.
Cách chung, Giáo Hội bị tố cáo đã dung dưỡng những thành phần “lạm dụng thần quyền”, tức quyền thiêng liêng được trao ban để phục vụ, với mục đích tìm kiếm tư lợi, bằng những hành động vi phạm quyền làm người, làm con Chúa của người khác. Đó là chưa kể Giáo Hội bị rất nhiều người bực bội, vì những thái độ trịch thượng, cửa quyền, xơ cứng, vô cảm trước nhu cầu của người bé mọn, thấp cổ bé miệng đang “nài xin” lòng tốt của những con người tử tế.    
3.   Giáo Hội bị coi là một tổ chức lạc hậu, chậm tiến:
Một số không nhỏ những người trẻ không “tâm phục khẩu phục” Giáo Hội, vì cho rằng Giáo Hội với những luật lệ trói buộc, những phép tắc lỗi thời, những quy định lạc hậu, những giáo huấn không còn thích hợp và hầu như bất khả thi đối với người đương thời, những cấm cản bị coi là thiếu văn minh đã không còn khả năng  đáp ứng nhu cầu tâm linh của con người thời đại.
Người ta đòi Giáo Hội phải thay da đổi thịt, phải đổi mới, phải can đảm “làm cách mạng” để không ù lì ở mãi trong vỏ ốc cổ hủ, cũ kỹ, han rỉ, và không co mình hưởng thụ trong tháp ngà của “tình trạng lãng quên” thế giới đang chuyển mình đến chóng mặt chung quanh mình.
Nói chung, những người bực bội với Giáo Hội cho rằng Giáo Hội đã trở thành lực cản của văn minh, tiến bộ khi đi ngược trào lưu, bơi ngược dòng đời và những gì Giáo Hội chủ trương không còn hợp với con người thời đại.
4.   Giáo Hội bị coi là tập thể những người ở trên và ở ngoài cộng đồng nhân loại:
Tuy có những đóng góp cho xã hội, nhưng não trạng khó tẩy gột ở một số phần tử trong Giáo Hội, khi coi mình là thành phần ưu tú đã dẫn đến những chọn lựa bị xem là “ở trên và ở ngoài” cộng đồng nhân loại, nghiã là “đi riêng, đánh lẻ”, chứ không gần gũi thân thiện, chia sẻ tận tình, đồng hành sát cánh với mọi người. Vì thế, Giáo Hội bị coi là giai cấp “cao, xa, sang, chảnh”, thích đi với giai cấp có quyền, thích giao du với thành phần có tiền, thích làm việc với những người sang trọng, và chảnh choẹ, coi thường kẻ nghèo hèn, nên đến với Giáo Hội rất khó, gặp gỡ Giáo Hội không luôn dễ dàng vì nhiều cổng sắt, hàng rào, cửa nẻo khóa kỹ, và được chia sẻ chân thành với Giáo Hội tất nhiên là điều hầu như “không có thể”, vì Giáo Hội thường bận bịu với những việc “ở trên và ở ngoài”.
5.   Giáo Hội bị coi là nơi không có tự do:
Cảm tưởng chung của nhiều người khi so sánh Công Giáo với các tôn giáo khác là bầu khí thiếu tự do ở Công Giáo. Chẳng hạn như các tín đồ Phật Giáo, họ không bị gò bó bởi cơ cấu tổ chức nặng nề, phức tạp của giáo hội, như tín hữu Công Giáo, vì cơ cấu tổ chức của Phật Giáo thường thông thoáng, nhẹ nhàng.
Cảm tưởng này dẫn đến định kiến không có tự do trong Giáo Hội Công Giáo, khi cho rằng “nhất cử nhất động” của người tín hữu đều bị xem xét, canh chừng, kiểm soát, trừng phạt, nếu vi phạm, và Giáo Hội cuối cùng chỉ còn là thể chế bảo đảm một trật tự được lập trình sẵn cho những “niềm tin yếu đuối, dựa dẫm, tầm gửi” không bao giờ trưởng thành, vì thiếu dưỡng khí tự do.
Sau khi vắn tắt lược qua những mũi dùi nhắm vào Giáo Hội, chúng ta thấy mặt trận chỉ trích, tấn công Giáo Hội có mức độ toàn diện kiểu “vết dầu loang”, nghiã là bất cứ “vấn đề” của một cá nhân nào trong Giáo Hội đều bị coi là vấn đề của toàn thể Giáo Hội, bất cứ sai phạm của một người nào trong Giáo Hội đều được coi là sai phạm của cả Giáo Hội, bất cứ hậu qủa tai hại nào do một người của Giáo Hội gây ra đều bị xem như việc làm tắc trách, đáng lên án của tất cả Giáo Hội, đúng như kinh nghiệm dân gian thường chia sẻ: “Con sâu làm rầu nồi canh”, nhưng chính xác hơn là lời căn dặn của thánh Phaolô trong thư gửi giáo đoàn Côrintô khi Ngài dậy về Giáo Hội là Thân Thể mầu nhiệm của Đức Giêsu: “Không có chia rẽ trong thân thể, trái lại các bộ phận đều lo lắng cho nhau. Nếu một bộ phận nào đau, thì mọi bộ phận cùng đau. Nếu một bộ phận nào được vẻ vang, thì mọi bộ phận cũng vui chung” (1 Cr 13,25-26).
Riêng với người viết, trong tư cách con cái trong gia đình Giáo Hội, khi đứng trước những phê phán, chỉ trích, miệt thị, lên án, bách hại mà Mẹ Giáo Hội phải gánh chịu, tôi luôn suy nghĩ và tìm hy vọng, nghị lực ở duy nhất một điều, đó là “Ý muốn của Đức Giêsu”, Đấng sáng lập và là Đầu của Giáo Hội.  
1.   Do ý muốn của Đức Giêsu mà Giáo Hội được thành lập với sự có mặt và cộng tác của con  người để phục vụ con người:
Đức Giêsu đã không lập một Giáo Hội “không có con người”, mặc dù con người nào cũng bất toàn, nếu không muốn nói là tội lỗi, bởi Giáo Hội không là tập thể những thánh nhân, những con người hoàn hảo, những siêu sao tài đức vẹn toàn, những thiên thần giữa trần thế, nhưng là đoàn thể những người đi theo Đức Giêsu.
Chỉ một điều kiện “đi theo Đức Giêsu” thôi đã đủ để trở thành người thuộc Giáo Hội, chỉ một điều kiện “muốn trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Giêsu” thôi đã đủ trở nên chi thể của Thân Thể mầu nhiệm có Đức Giêsu là Đầu, để một khi đã thuộc về Giáo Hội, đã là chi thể của Thân Thể Đức Giêsu, người tín hữu sẽ được chính Đức Giêsu nuôi dưỡng bằng sự sống của Ngài, được  thánh hoá bằng máu Ngài, được đổi mới bằng ơn Ngài, như thánh Phaolô đã viết: “Ví như thân thể người ta chỉ là một, nhưng lại có nhiều bộ phận, mà các bộ phận của thân thể tuy nhiều, nhưng vẫn là một thân thể, thì Đức Kitô cũng vậy. Thật thế, tất cả chúng ta, dầu là Do Thái hay Hy Lạp, nô lệ hay tự do, chung ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể. Tất cả chúng ta đã được đầy tràn một Thần Khí duy nhất” (1 Cr 12,12-13).
Do đó, trong Giáo Hội có đủ mọi chủng tộc, mọi thành phần, mọi giai cấp, mọi trình độ với một mẫu số chung: tất cả đều là những con người yếu đuối, mỏng dòn, tội lụy muốn đi theo Đức Giêsu để được trở nên giống Ngài hơn mỗi ngày.
Đó chính là lý do chúng ta thấy trong Giáo Hội những con người đã làm gương mù gương xấu, những con người đầy thói hư tật xấu, những con người rất tầm thường, tồi tệ, những chi thể ốm yếu, bệnh hoạn, nhưng đó cũng là nền tảng sự bền vững của Giáo Hội, vì Giáo Hội được Đức Giêsu thiết lập như Nhà của Thiên Chúa cho con người yếu đuối, bệnh hoạn được nương náu, chữa lành, Mái Ấm yêu thương của Thiên Chúa giữa trần gian cho tội nhân đang cần lòng thương xót, nên bao lâu Giáo Hội còn là nơi chở che, an ủi, cứu giúp người có tội, kẻ bất hạnh phần hồn phần xác, bấy lâu Giáo Hội còn lý do có mặt giữa loài người, vì loài người cần được cứu rỗi.
Vì thế, khi bức xúc thái qúa và lên án gắt gao những tín hữu bị coi là “bất xứng” trong Giáo Hội, cũng như thất vọng, ngã lòng trước tội lỗi ngay trong lòng Giáo Hội, chúng ta đã vô tình không hiểu ý muốn của Đức Giêsu là lập một Giáo Hội gồm những con người tội lỗi để cứu những con người tội lỗi.  
2.   Do ý muốn của Đức Giêsu mà Giáo Hội được dại diện bởi một  con người có tội:
Có bênh vực đến đâu, dưới  mắt người đời, tông đồ trưởng Phêrô cũng vẫn không xóa được lý lịch chối Thầy, và vết chàm phản bội. Ấy thế mà Đức Giêsu, Đấng sáng lập Giáo Hội vẫn không thay thế vai trò “anh trưởng của Nhóm Mười Hai” bằng một vị khác có lý lịch sạch, có nhân thân bảo đảm, có qúa trình “trung tín”. Trái lại, Ngài vẫn chọn và trao cho Phêrô chià khoá Nước Trời, và thay mặt Ngài quản trị Giáo Hội ở trần thế (x. Mt 16,18-19).
Làm như thế, Đức Giêsu muốn chúng ta thấy rõ ý muốn của Ngài là “đến để cứu những tâm hồn thống hối, đến để chuộc lại những gì đã hư mất, đến để đem lại hy vọng cho những trái tim thất vọng, đến để tha thứ những bước chân trở về, đến để thương xót những giọt lệ ăn năn”, như Ngài đã âu yếm “quay lại nhìn” Phêrô bên trong dinh thượng tế, giúp ông sực nhớ lời Chúa đã bảo ông: “Hôm nay, gà chưa kịp gáy thì anh đã chối Thầy ba lần”. Và ông ra ngoài, khóc lóc thảm thiết (Lc 22,61-62), cũng như ba lần hỏi ông “Con có yêu mến Thầy không?” bên bờ hồ Galilê, để xác quyết tình Ngài dành cho ông trước sau như một, trung tín đến cùng, và đời đời bền vững (x. Ga 21,15-17).
Ý muốn chọn Phêrô với lý lịch không trong sạch làm người đại diện mình quản trị  Nhà Giáo Hội, Đức Giêsu bộc lộ ý muốn có một Giáo Hội được nuôi dưỡng bằng tình yêu thương xót, được trưởng thành với lòng thương xót khi tất cả thành phần trong Giáo Hội bất kể ai, bất kể ở đấng bậc, vị thế, trách nhiệm nào  đều phải thực hành lòng thương xót, thực sự sống lòng thương xót, thực tình phục vụ anh em với lòng thương xót, bởi Giáo Hội sẽ chỉ là Giáo Hội của Đức Giêsu khi biết chạnh lòng thương xót và khiêm tốn biết mình cần được xót thương, và bao lâu trong Giáo Hội, con người còn xót thương và còn được thương xót, bấy lâu Giáo Hội còn là dấu chỉ sự hiện diện và hoạt động của Đức Giêsu, Thiên Chúa của lòng thương xót giữa nhân loại.        
Nhận ra ý muốn của Đức Giêsu khi giao cho Phêrô, người môn đệ có tội nhưng  thống  hối trở về, chià khóa Nước Trời, chúng ta không còn những ý nghĩ tiêu cực về một Giáo Hội dành riêng cho người thánh thiện, ưu tú, không tỳ ố, hoặc Nước Trời  chỉ là nơi đón “các chư thánh, Đấng Bậc toàn thiện, toàn mỹ”. Trái lại, Giáo Hội là nhà thương của Thiên Chúa, và Nước Trời là  bến bờ hy vọng của tội nhân tín thác vào lòng Chúa xót thương. 
3.   Do ý muốn của Đức Giêsu mà Giáo Hội là đoàn thể lữ hành:
Báo trước cho các tông đồ tương lai của Giáo Hội, một hành trình nhiều sóng gió, nhiều chông gai, nhiều cạm bẫy, nhiều thử thách, bách hại, Đức Giêsu ân cần cảnh báo: “Này Thầy sai anh em đi như chiên đi vào giữa bầy sói” (Mt 10,16), nên “nếu thế gian ghét anh em, anh em hãy biết rằng nó đã ghét Thầy trước… Nếu họ đã bắt bớ Thầy, họ cũng sẽ bắt bớ anh em” (Ga 15,18.20).
Chia sẻ với các tông đồ ưu tư này,  Ngài cũng muốn nhấn mạnh với các ông: Giáo Hội của Ngài không là một pháo đài, một tình trạng chiến thắng sau khi đã đạt đích, nhưng là một hành trình, một con đường phải đi, mà tất cả những ai muốn theo Ngài đều phải lên đường, phải đi như một lữ hành, lữ khách có lúc hăng hái, chân bước rộn ràng trong gió xuân, cũng có khi mệt nhoài, mồ hôi nhễ nhãi, chân chồn gối mỏi dưới nắng hè thiêu đốt, lại có lúc run rẩy lần mò từng bước trong sương tuyết, giá lạnh mùa đông.
Vì là lữ hành trên đường dài nhiều rủi ro, thách đố, người tín hữu trong Giáo Hội biết mình không thể đơn độc trên đường dài vạn dặm, nhưng cần Chúa và cần anh em. Biết mình cần, vì không toàn năng; biết mình cần, vì có lúc yếu đuối, bất lực, không thể tự xoay sở, nên người lữ hành sẽ cần khiêm tốn để đón nhận ơn Chúa, ơn người; sẽ cần hiền lành, cởi mở để kề vai sát cánh với anh em; sẽ cần qủang đại, chân thành để chia sẻ, cộng tác với mọi người. Nhờ thế, con cái Giáo Hội sẽ không kiêu căng, vênh váo nghĩ mình là kẻ đã đạt đỉnh vinh quang thánh thiện, không tự mãn, tự phụ cho mình là kẻ chiến thắng, không cục bộ, khinh miệt, kỳ thị những người còn vất vả trên đường chiến đấu, và nhiều phen qụy ngã. Trái lại, Giáo Hội lữ hành khiêm tốn, nhẫn nại bước đi với Đức Giêsu trên con đường Từ Bỏ “những gì không thuộc về Đức Giêsu”, từ bỏ những hành trang lỉnh kỉnh, cồng kềnh ngược với Tin Mừng, từ bỏ “cái tôi” vĩ đại, hoành tráng, đỉnh cao tuyệt vời. Chính “cái tôi” ích kỷ, kiêu căng, hưởng thụ là những gì không thuộc về Đức Giêsu và không phù hợp Tin Mừng đã đục khóet Thân Thể mầu nhiệm, làm méo mó khuôn mặt Giáo Hội, lấy đi dung nhan xinh xắn, dễ thương của Hiền Thê  Đức Giêsu.
Vâng, ý muốn của Đức Giêsu mới là điều chúng ta cần bám chặt để vượt qua những cám dỗ “coi thường, khinh chê, lên án, phủ nhận” Giáo Hội, bởi một khi ý thức và xác tín: Ý muốn của Đức Giêsu, Thánh Ý của Thiên Chúa mới là mục tiêu chúng ta tìm, chúng ta sẽ không “làm khổ” Giáo Hội, “phân thây” Giáo Hội, “mổ xẻ” Giáo Hội như chúng ta muốn, như thế gian đề nghị, như ma qủy hiến kế, vì một lý do duy nhất: Đức Giêsu đã lập Giáo Hội theo ý muốn của Ngài, và ý muốn ấy bảo đảm sự sống, hoạt động và bền vững của Giáo Hội, mà “quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi” (Mt 16,18).
Thực vậy, ý muốn của Thiên Chúa không luôn phù hợp với ý muốn của con người, và thường làm chúng ta bị sốc. Tin Mừng làm chứng điều này, khi giáo huấn của  Đức Giêsu đã làm đám đông bực bội, nổi nóng phản đối Ngài, như khi Ngài tuyên bố: “Tôi là bánh  hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống… Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống” (Ga 6,51. 54-56). Ngay cả các môn đệ cũng cho rằng: “Lời này chướng tai qúa!... Từ lúc đó, nhiều môn đệ rút lui, không còn đi theo Người nữa” (Ga 6,60.66).
Là ý muốn của Thiên Chúa, nên Giáo Hội cũng như con đường Từ Bỏ phải đi của Giáo Hội đã không hấp dẫn nhiều người. Trái lại, nhiều người đã ngao ngán bỏ đi, không theo Đức Giêsu nữa, vì không thể chấp nhận ý muốn “lạ đời, khác người” của Ngài.
Với ơn Chúa, Bạn và tôi đã là con cái trong Giáo Hội, hay sắp gia nhập gia đình Giáo Hội, chúng ta chung nhau một niềm xác tín: sự toàn hảo của Giáo Hội được tỏa sáng trong chính những bất toàn, bất hảo của chúng ta, và Giáo Hội hôm qua cũng như hôm nay và cho đến tận thế vẫn là một Giáo Hội yếu đuối trong những gì của con người, nhưng vô cùng mạnh mẽ trong Chúa Thánh Thần, Đấng làm cho Giáo Hội sống và không ngừng hoạt động trong Giáo Hội.
Vì thế, nếu Giáo Hội đã không chu toàn sứ mệnh được Đức Giêsu trao phó, là vì Giáo Hội đã quy tụ những con người yếu đuối là chúng ta. Nhưng dù thế nào đi nữa, Giáo Hội luôn là đảm bảo chắc chắn của sự trung thành với Lời Thiên Chúa, và gìn giữ kỹ lưỡng kho tàng đức tin.
Trong tâm tình con cái của gia đình Giáo Hội, chúng ta xin Chúa ơn biết sống sứ mệnh của Giáo Hội mỗi ngày, đó là Hiệp Thông trong Tình Yêu Mến, Cầu Nguyện và Loan Báo Tin Mừng.
Jorathe Nắng Tím 

Chương IX: NHỮNG NẾP SÔNG HẬU LY DỊ


Đứng trước hay bị đặt vào bất cứ hoàn cảnh, tình huống mới nào, con người đều cần biểu hiện một cách ứng xử, chọn lựa một thái độ, thích nghi một vị thế.
Như từ ngoài trời sáng bước vào phòng tối, đôi mắt phải vận động để chọn lựa “sống với” và thích nghi với bóng tối. Thiếu khả năng chọn lựa và thích nghi, mắt sẽ không thấy gì khi thay đổi môi trường tối - sáng. Cũng như người con gái giã từ thời độc thân đi vào đời sống hôn nhân, nàng phải chọn lựa và cố gắng thích nghi với đời làm vợ, làm mẹ khi chấp nhận thay đổi từ nếp nghĩ, nếp sống, đến nếp nhà, và bỏ lại nếp nghĩ thời con gái, nếp sống độc thân, nếp nhà cha mẹ.  
Kết hôn là bắt đầu cuộc đời chung của vợ chồng. Ly hôn là bắt đầu cuộc đời riêng của vợ chồng quyết định chấm dứt tình trạng chung sống. Nghiã là từ ngày ly hôn, vợ chồng sẽ không còn gì chung:  không chung nhà, chung giường, chung mâm, chung hướng, chung sức, chung lòng, chung tình, “chung đụng”. Tắt một lời là không còn gì để “chung nhau”.
Vì bắt đầu một cuộc sống riêng khi bước ra khỏi đời  chung  sống, người trong cuộc bị đặt trước một tình thế mới, không giống như những gì có hôm qua, không bình thường như tuần trước, nên một lối sống, kiểu sống, lẽ sống, nếp sống mới phải được tức khắc cập nhật.
Có nhiều chọn lựa khác nhau, vì mỗi người đều có tự do làm điều mình cho là đúng và thích hợp nhất. Không ai có quyền bắt buộc người khác phải theo mô hình của mình, vì chẳng hoàn cảnh nào giống hoàn cảnh nào, chẳng cuộc tình nào giống cuộc tình nào, và tất nhiên chẳng có hai cuộc chia tay ly dị  rập chung một khuôn mẫu. Chính vì thế, điều cần ghi nhận trước tiên chính là tính đặc thù, “không giống ai” của từng cặp vợ chồng ly dị.
Tính cách đặc thù bắt nguồn từ những nguyên nhân đưa đến ly hôn. Có hằng ngàn vạn nguyên nhân to nhỏ, quan trọng, tầm thường khác nhau đã góp phần làm nên đổ vỡ hôn nhân. Cặp này ly dị vì áp lực gia đình, cha mẹ; cặp khác bỏ nhau vì không chịu nổi tính hư tật xấu của nhau; đôi này chia tay vì không hợp lối sống; đôi nọ đứt gánh vì làm ăn thất bát, nợ nần chồng chất đã đẩy đến tình trạng phải xa nhau. Trăm đôi thì ngàn lý do đưa đến ly dị. Ngàn đôi thì vạn nguyên nhân khác biệt dẫn đến ly hôn. Vấn đề là một khi đã chia tay rồi, người ta sẽ phải đối diện với chính mình để lại phải bắt đầu lên đường, vì đã làm người không ai được phép dừng lại trên đường đời, nhưng luôn phải bước, dù bước thế nào mặc lòng, bởi đường đời cứ cuốn người đi, đi mãi trên đường đời cho đến khi đôi bàn chân người xếp thẳng, dựng đứng, bất động, không còn chạm đất.  
1.   Tái hôn :
Phần đông nghĩ đến chuyện tái hôn, vì  có đến 52% các cặp vợ chồng trong thời chuẩn bị ly dị đã có người mới và không lạ gì khi 63,5% nguyên nhân đưa đến ly dị là do quan hệ ngoài luồng trong khi vợ chồng còn chung sống.
Tái hôn là giải pháp của đa số những người ly dị, vì nhiều nhu cầu:
a.   Nhu cầu tâm lý:
Người ta khó có thể sống cô đơn, ngay cả bậc tu hành cũng cần  đến cộng đoàn để có thể sống mà không rơi vào trầm cảm, u uất, thất vọng. Cuộc sống con người tự thân đã là cuộc sống với: với người khác, nên khi phải cô đơn, con người đánh mất tính chất cộng đoàn, một điều làm con người đau khổ không ít, cũng như vì muốn thoát ra khỏi cô đơn  mà phần đông đã cưới vợ, lấy chồng. Rất nhiều người lập gia đình vì cần được yêu thương, cảm thông, chia sẻ, tức ra khỏi cảnh cô đơn hơn là vì những nhu cầu khác.   
b.   Nhu cầu sinh lý:
Nhu cầu sinh lý cũng là nhu cầu không thể thiếu, vì  người nam và người nữ cần đến thân xác của nhau để bổ túc, hoàn chỉnh, kiện toàn nhân cách và đem lại hạnh phúc cho nhau. Sinh lý là sinh hoạt quan trọng, vì con ngưòi có thân xác, và thân xác ấy cũng như tinh thần có những nhu cầu cần được đáp ứng hợp lý. Ngoài nhu cầu ăn, uống còn nhu cầu tình dục. Nhờ có nhu cầu tình dục mà giống nòi được bảo tồn và đời sống tâm lý của con người được quân bình phát triển.
c.    Nhu cầu xã hội:
Phải tái hôn vì chưa có con, tái hôn vì cha mẹ muốn, tái hôn để nói cho mọi người biết: “tôi vẫn còn ngon cơm, chứ không bết bát, tầm thường như người ta tưởng”.
Biến cố ly hôn ít nhiều cũng hạ thấp người bị “bó buộc” ly hôn trước mắt người chủ động nộp đơn ly hôn và gia đình, phe cánh bên nguyên đơn. Tái hôn vì thế cũng là dịp để bầy tỏ quan điểm và biểu dương khí thế và giá trị của người bị miễn cưỡng ly hôn.
Ngoài ra, có thể vì chỗ đứng trong xã hội, và uy tín nghề nghiệp, có khi cũng vì phải xóa cái tiếng “bất lực, đồng tính”, nếu chẳng may người vợ cũ đã tàn nhẫn rêu rao bí mật phòng the trong thời gian đấu đá trước ly dị mà người đàn ông phải gấp rút tái hôn.
Trong các động lực thúc đẩy tái hôn, gần 47% là do tác động xã hội; nghiã là người ta phải tái hôn, nếu không sẽ khó cam nổi những áp lực từ bên ngoài, do người khác ảnh hưởng. 
d.   Nhu cầu nuôi dưỡng con cái:
Nhiều người sau khi ly dị đã không giải quyết được vấn đề nuôi và giáo dục con, vì bó buộc của nghề nghiệp hoặc vì không có khả năng giáo dục con cái đã phải gấp rút tìm một chỗ dựa mới để bảo đảm tương lai con cái. Có nhiều cuộc tái hôn không vì tình yêu, nhưng vì lợi ích của con cái, nhất là khi cả hai bên đều đã vly dị và có con riêng . Họ cần nhau để cùng lo cho hai đàn con riêng mà từ nay dù muốn dù không, chúng  phải chung sống hoà bình dưới một mái nhà.   
Nhưng không phải tất cả những người đã ly dị có thể tái hôn một cách dễ dàng và thành công. Nguyên nhân có thể là:
·      Tuy muốn tái hôn, nhưng tâm lý chưa ổn định sau biến cố ly hôn; do tâm trạng sợ sệt, lo lắng một hôn nhân mới cũng sẽ đổ vỡ sau này. Tâm trạng chung của hầu hết những người đã một lần ly dị là rất vui vì sẽ tái hôn, nhưng băn khoăn, nghi ngại vỉ bị ám ảnh bởi cuộc hôn nhân cũ.  
Kinh nghiệm  không hẳn lúc nào cũng làm người ta tự tin, vững tâm tiến bước, nhất là những kinh nghiệm  ấy hằn sâu  đổ vỡ, thất bại. Nó thường trở nên nỗi ám ảnh khó phai, mà người trong cuộc nếu không  đủ nghị lực để tẩy xóa sẽ khó có thể làm lại hôn nhân lần nữa mà không tiếp tục gẫy đổ.   
Nhiều người tự an ủi: nhờ có kinh nghiệm từ cuộc hôn nhân cũ đã đổ vỡ, ta sẽ tái hôn thành công. Nhưng đó cũng chỉ là một phần lợi thế có tính chủ quan.
·      Cả người đàn ông và người đàn bà đã ly dị đều rút ra những bài học nhớ đời từ thất bại ly hôn trước đó, nên khi tái hôn, cả hai đều mang nặng ý nghĩ phài thủ thân, phải nghiêm ngặt đề cao cảnh giác người bạn đời mới, đồng thời cũng là đối phương  bằng thủ sẵn những khí giới tự vệ tinh thần như  không quá vồ vập, không quá nuông chiều, không qúa tin tưởng, không qúa ký thác, không qúa buông lỏng, không qúa dễ dãi; nghiã là cái gì cũng  phải thắng, phải kềm, phải dè dặt và tên của vũ khí được xử dụng không giới hạn là “Không Qúa”.
Nhưng tình yêu không thể nhốt vào khuôn khổ một cách tàn nhẫn, bởi tình yêu là hào sảng, bao la, ngùt ngàn, sâu  thẳm, diệu vợi, mênh mông. Nhờ đam mê như chất xúc tác, tình yêu sẽ như trăng như sao, như mây như gió, như nhiệm mầu, phép lạ, nên không thể giam hãm tình yêu trong những cũi sắt “không qúa”; bởi tình yêu mà bị buộc trói, bị gông cùm sẽ phát sinh  trăm nỗi bất hạnh trái ngược kết qủa của tình yêu là hạnh phúc. Và rất nhiều nguy cơ từ đó sẽ dấy lên đe dọa sự bền vững và hạnh phúc của hôn nhân mới.     
·      Trước khi tái hôn, người ta thường ngây thơ nghĩ rằng: hôn nhân mới chắc chắn sẽ không có nhiều vấn đề phức tạp và đời sống sẽ dễ thở, thoải mái, thư thả hơn hôn nhân cũ. Điều này có thể đúng và có thể sai. Đúng vì sẽ bớt sai phạm những lỗi lầm của qúa khứ, cũng như sẽ khôn ngoan, sáng suốt, nhậy bén hơn trước những dấu hiệu tiêu cực để tránh hoặc chỉnh sửa kịp thời. Sai vì mỗi cuộc sống, mỗi giai đoạn, mỗi hoàn cảnh có những khó khăn riêng. Đàng khác, hôn nhân mới với người mới, chưa kể những đứa con riêng rất mới của vợ mới, chồng mới sẽ hứa hẹn nhiều bất ngờ mới, những bất ngờ vừa hứa hẹn vừa đe doạ,
Nhiều người ly dị  sau khi  bước vào hôn nhân mới đã thú nhận: không khó khăn nào giống khó khăn nào, cũng như không vợ nào giống vợ nào, nên gia đình cũ có vấn đề của gia đình cũ, hôn nhân mới có khó khăn của hôn nhân mới, chẳng ai có thể đoán trước, lường hết được những trắc trở, thử thách, nhiêu khê.        
·      Đàn bà đã ly dị thường khó tái hôn phần vì tâm lý ngao ngán đời hôn nhân, phần vì khó tìm gặp ý trung nhân mới. Nếu chưa có con, tái hôn  còn tương đối dễ, nhưng nếu đã có con,vấn đề trở nên phức tạp hơn vì chủ thể dè dặt, do dự và những  điều kiện khách quan sẽ không dễ dàng thoả mãn.
Như thế, tái hôn là một giải pháp được phần đông người đã ly dị chọn như con đường nhập cuộc mới. Con đường hôm nay cũng gập ghềnh, chông gai không kém con đường tình họ đã đi. Trên con đường này, hạnh phúc  cũng vẫn lơ lửng treo đầu ngành  đong đưa cám dỗ. Đạt được hay không là ở hai người mới tái hôn. Chính họ lại một lần nữa quyết định vận mệnh và hạnh phúc đời mình như  đã có một ngày rất vui, rất tình, rất đẹp năm xưa, chính họ đã tin tưởng ký hôn ước.
2.   Trở về đời độc thân:
Như ngườivừa thoát chết, nhiều người  đã mô tả cuộc sống hôn nhân của họ như một lần chết với nấm mồ chôn đời lứa đôi bất hạnh. Hôn nhân trở nên ghê tởm, đáng ghét, buồn nôn và người ta không mảy may nghĩ đến một lần khác nữa bước vào đời sống hôn nhân.
Với những người này, hôn nhân thất bại đã phá hủy đời họ; hôn nhân tan vỡ đã cướp khỏi đời  họ bao nhiêu  ước mơ, hy vọng; hôn nhân đổ vỡ đã làm hoen ố, dơ bẩn, tan nát đời họ và đẩy họ xuống vực sâu  nuối tiếc. Vì thế, trở về và ở lại trong đời độc thân là chọn lựa vô điều kiện, hiển nhiên. Họ không thể làm khác, vì tâm hồn đã chai đá trước mời gọi của tình yêu mới. Họ không thể thay đổi tư duy,vì hôn nhân đã làm họ sợ và không còn là ý niệm ấn tượng. Độc thân từ nay là hạnh phúc, dù hạnh phúc ấy thực chất chỉ là sự vắng mặt của lo sợ, đe doạ, khống chế. Độc thân từ nay là  bình an, dẫu cho bình an mới chỉ là  sự yên lặng của bom đạn. Nhưng ở vào tâm trạng ngao ngán đến tận cùng hôn nhân không hạnh phúc, người ta chỉ còn biết bám lấy đời độc thân như chiếc phao cứu hộ an toàn giữa con nước xóay đục ngầu. 
3.   Sống chung không hôn phối:
Đây là kiểu sống thời đại mới đang thịnh hạnh, ăn khách. Lối sống không ràng buộc, không cột trói, không ai có quyền trên ai. Hai người tự nguyện sống chung, chia sẻ đồng đều vật chất, nhưng tránh không can dự đời riêng của nhau. Tuy ở chung, ăn chung, nằm cùng, nhưng đời ai nấy sống, tiền ai nấy tiêu, việc ai nấy làm, tương lai ai nấy lo. Con cái là tai nạn phải tránh để không là sợi giây buộc trói nhau. Vì không khế ước, giao kèo, thề thốt nên vui thi ở, buồn thì chia tay, không ai phải  tơ vương, bận vướng  điều gì, cũng chẳng phải ngậm ngùi, lưu luyến khi tình thế xô đẩy phải xa nhau.
Lý thuyết thì thế, nhưng thực tế không hẳn như vậy; bởi ai làm chủ, be bờ  được những cơn sóng đam mê, tình cảm ở mình và nơi người khác? Ai ngăn  nổi những bước liều lĩnh của cảm xúc ? Ai biết trước đường bay của trái tim ?
Nhưng vì không làm chủ được mình và tình huống không ngừng biến động, nên  người ta sẽ rơi vào tình trạng ngàn lần phức tạp hơn quyết định chính thức tái hôn, vì không định vị, gọi tên, nhận diện, mô tả chính xác được nếp sống nửa vời, nửa chừng, nửa nạc nửa mỡ mà họ đang  “nửa sống nửa chết” thoi thóp cầm cự.      
4.   Tiếp tục sống đời tầm gửi:
Có những người quen sống bám víu, cậy nhờ, nương bóng người khác, mà suốt đời không bao giờ có thể tự mình đứng vững, tự chủ, tự lập. Không thiếu những  vợ chồng phải đi đến ly hôn vì một trong hai người đã qúa ỷ nại, lười biếng, yếu đuối và khoán trắng đời mình cho người bạn đời mà không chút liêm sỉ, hổ thẹn.
Những người quen sống tầm gửi, lệ thuộc sẽ khó có thể tự mình làm cuộc sống sau khi ly dị, nên vẫn tiếp tục mon men tìm lại người cũ đã ly dị để bám víu, cậy nhờ.
Thực ra không chỉ lệ thuộc vật chất mà còn lệ thuộc tinh thần và lệ thuộc thứ hai này mới quan trọng, vì nó điều khiển lệ thuộc thứ nhất. Tâm lý người sống tầm gửi là không tin ở mình. Chính vì không dám tin mình, không muốn tin mình nên mất khả năng suy nghĩ và quyết định. Con người hơn con vật ở lý trí và ý chí để suy tư và quyết định, thế mà cả hai cơ năng quan trọng đều mất hoặc yếu liệt thì hỏi làm sao làm người cho đúng, làm người cho xứng đáng được ?
Những người này coi việc xé hôn thú không quan trọng, vì có hay không hôn thú, họ vẫn tiếp tục sống đời lệ thuộc. Họ lệ thuộc bằng lì lợm không ra khỏi nhà, ngay cả toà án đã quyết định phải ra đi. Họ lệ thuộc bằng sự có mặt trơ trẽn, không xấu hổ, ngượng ngùng, miễn sao được nhìn thấy người mình cần bám víu, nương tựa. Không hẳn bám víu vật chất, vì có thể họ không cần tiền, nhưng động cơ thúc đẩy họ gắn chặt vào đời người kia là tâm lý yếu đuối, tầm gửi. Ở vào hoàn cảnh này, người bạn đời cũ của họ sẽ là nạn nhân vô cùng đáng thương, vì không thể tái tổ chức cuộc sống riêng mình.
5.   Quên đời đi tu:
  Trên đây là một vài nếp sống tiêu biểu thời hậu ly dị. Gọi là tiêu biểu, bởi nếp sống thì không thể giản lược khi mỗi người là một thế giới đặc thù, riêng biệt, mầu nhiệm. Những lối sống mới, đường sống mới trên đây thực ra chỉ là những chọn lựa bên ngoài có tính xã hội, còn một chọn lựa ngàn lần quan trọng hơn và có giá quyết định hạnh phúc mới của mỗi người, đó là chọn lựa nội tâm, chọn lựa của trái tim, tâm hồn. 
Người  ta có thể vẽ vời hàng trăm mô hình sống, hình dung hàng ngàn kiểu cách thức thời, nhưng tất cả sẽ vô ích vì không giải quyết được vấn đề lẽ sống, ý nghiã cuộc sống, giá trị đời sống, và nhất là không đem lại cho đời người niềm vui sống, nếu trái tim chưa mở cửa và tâm hồn chưa tìm được hướng đi. 
Trái tim chưa mở cửa là trái tim đầy đặc chuyện xưa, việc cũ, và  vương vấn những buồn tủi, hận thù. Trái tim  chưa mở cửa là cõi lòng còn trống trải, hoang vu vì thương cảm, thứ tha chưa vào được. Trái tim chưa mở cửa là trái tim cố tình khép kín trước tất cả mọi mời gọi đến với người khác. Trái tim chưa mở cửa là trái tim cô độc, khô héo giữa sa mạc tình người. Và phần lớn trái tim đã một lần tan vỡ sau li dị là những  trái tim đầy đặc,hoang vu, trống trải, chưa mở cửa đó.
 Để có hạnh phúc tái hôn hay niềm vui “ở độc thân” sau ly dị được bảo đảm, tâm hồn  phải thông thoáng để tìm thấy  hướng đi; bời cuộc đời tự thân đã là hành trình, nên một khi có mặt trên  hành trình, dù muốn dù không con người phải bước đi.
Chính vì phải bước đi mà tâm hồn phải định hướng. Không định hướng, hành trình cuộc đời không có đích tới để sẽ không bao giờ  “cập bờ về  bến”.
Nhưng đâu là chià khoá để mở cửa lòng khép kín; đâu là bí quyết để trái tim ra khỏi hoang vu, trống trải; đâu là bao la làm tan khối u đầy đặc sầu buồn, và đâu là hướng tâm hồn phải đi ?
Hơn bất cứ lúc nào, hậu ly dị  là thời cần quảng đại để cửa lòng thôi khép kín, để tâm hồn thôi tự chôn vùi. Quảng đại là chià khóa vạn năng mở ra chân trời mới, mở ra cuộc sống mới tràn đầy hy vọng, đồng thời trả lại cho người vừa ra khỏi đêm đen ly dị ánh sáng hân hoan và rạng đông ngày mới.
Quảng đại để quên đi những chuyện cần quên, nên quên cho tâm hồn thanh thản. Quảng đại để không chấp nhất chuyện buồn ngày cũ, cả những chuyện cỏn con bị người cũ thổi phồng. Quảng đại để hôm qua không làm hỏng hôm nay, và không phá hoại ngày mai cho bước chân hôm nay được vững chắc đi vào ngày mai rạng rỡ. Quảng đại để tất cả những gì đã qua được nhẹ nhàng qua đi trên  dòng sông qúa khứ cho hôm nay  bên suối mát, nguời với người lại rộn rã theo ngày mai đi vào hy vọng. Quảng đại để thôi sầu đời hận người và cho tương lai một cơ hội đẹp hơn. Quảng đại để thất bại hôm qua không là thảm họa  định mệnh của ngày mai, nhưng chỉ là một bước hụt hẫng đã kịp thời  quân bình.
Không quảng đại, người ta không thể làm lại cuộc đời, làm đẹp cuộc sống mới sau  hôn nhân đổ vỡ, vì nợ nần cũ còn nặng nề cần thanh toán, chuyện tình cũ còn nặng lòng cần trang trải, vợ chồng cũ còn nặng nề ân oán hai vai. Không quảng đại sẽ không  quên được tháng ngày của nước mắt đợi chờ, trách móc, ngược đãi, tệ bạc, lừa dối…Không quảng đại sẽ tiếc nuối khôn nguôi thời chung  sống bất hạnh và giận mãi suốt đời những ngang ngược, lầm lỗi đã làm khổ  nhau. Không quảng đại sẽ chẳng bao giờ quên oán nhớ ơn để kỷ niệm còn được là những dấu ấn của một thời thân ái. Không quảng đại người ta sẽ mãi là pho tượng buồn cô đơn chết giữa hiện tại vì bận thở than dĩ vãng. Và ngày mai của tượng đá buồn vẫn mãi là dĩ vãng buồn của tượng đá.   
Để thôi làm tượng đá buồn dĩ vãng, người ta phải mở lòng để lòng  người khác vào được lòng mình. Muốn ra khỏi đời buồn  vô vọng, phải hé mở trái tim mình để đón những tia nắng hy vọng đến từ trái tim tha nhân. Đừng gắn  chặt  đời còn lại vào  những mảnh vụn của qúa khứ đổ vỡ, bởi quá khứ không là hiện tại, dù qúa khứ có đóng góp ít nhiều kinh nghiệm cho tương lai.
Nhiều người coi kinh nghiệm qúa khứ là đáp số của tương lai. Quyết đoán này không có cơ sở, cũng không đúng trong thực tế, khi khả năng thay đổi của con người luôn phong phú vô tận và trí  thông minh, cũng như ý chí lựa chọn của con người  chỉ chấp nhận kinh nghiệm qúa khứ  như một nhà tư vấn có thể cho những lời khuyên hay góp ý phần nào. Nhìn nhận chính xác và công bằng vai trò của kinh nghiệm sẽ giúp chúng ta thoát khỏi mặc cảm, ám ảnh, thành kiến, nhờ đó, ngày mai sẽ luôn mở ra trời xanh hy vọng.    
Tóm lại, muốn xây dựng lại cuộc đời, làm lại cuộc đời hay đổi đời, thay lối sống, người ta đều cần Quảng Đại làm nền móng. Có quảng đại tha thứ lỗi lầm xưa của mình và của người cũ, quá khứ đau buồn mới không làm nứt tường, nẻ vách ngôi nhà mới xây. Có quảng đại buông tha ký ức buồn, kỷ niệm không vui; qúa khứ mới không làm reo, bắt nạt, khống chế  hạnh phúc vừa đơm bông của hiện tại. Có quảng đại nhìn nhận những tích cực của người xưa và trân qúy, biết ơn; qúa khứ mới không đeo đuổi làm  ác mộng hù doạ tình yêu mới vừa nẩy mầm. Có quảng đại bao dung cho những khuyết điểm, thiếu sót và ngay cả tội lỗi của mình và của người xưa; qúa khứ mới không gào thét đòi nợ xương  nợ máu. Và có quảng đại quên bớt “cái tôi” thường xuyên vĩ đại, người ta mới có thể nhẹ bước trên hành trình hạnh phúc mới.