Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 16 tháng 10, 2018

Truyền giáo là Phục Vụ mọi người như tôi tớ!

Suy Niệm Tin Mừng CN 29 TNB, Chúa Nhật Truyền Giáo : Mc 10, 35 - 45
 Tin Mừng Chúa Nhật Truyền Giáo chia thành hai phần với nội dung hoàn toàn trái ngược : phần nhất từ câu 35 đến câu 41 là câu chuyện hai tông đồ Gioan và Giacôbê quấn quýt, bám chặt Đức Giêsu để chạy chức, chạy quyền với lời van xin tha thiết : "Xin cho chúng con được ngồi, một người bên hữu, một người bên tả trong vinh quang của Thầy", và phần hai từ câu 41 đến 45 với giáo huấn của Đức Giêsu : Ai muốn làm lớn thì hãy trở nên tôi tớ, vì "Con Người không đến để được phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống mình làm giá chuộc tội thay cho nhiều người" (Mc 10,45).

1.   Sống đạo là truyền giáo :
Truyền giáo là căn tính của Giáo Hội, nên không có Giáo Hội, nếu không có Truyền Giáo, vì căn tính và sứ vụ của Giáo Hội là : "Hãy đi khắp thiên hạ rao giảng Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo. Ai tin và chịu thanh tẩy thì sẽ được cứu rỗi ..." (Mc 15,15-16).
Một cách cụ thể, truyền giáo là "loan truyền Chúa chịu chết và tuyên xưng Chúa sống lại cho tới khi Chúa đến", điều mà mọi tín hữu đều long trọng xướng lên ở phút cao điểm của thánh lễ. Đây chính là lẽ sống, đường sống, và sinh hoạt của đời người Kitô hữu. Họ sống đạo khi loan truyền Đức Giêsu chịu đóng đinh, chết và sống lại. Họ trở thành người có Đạo một cách thiết thực, sống động và chính danh khi loan báo cho mọi người Thiên Chúa vì yêu thương con người đã làm người, chết cho con người và sống lại để con người được sống. Sống đạo và truyền đạo là một, vì chung một mục đích, chung một hoạt động. Vì thế sẽ không có tín hữu sống đạo mà không truyền giáo, cũng như không có nhà truyền giáo nào bị coi là không sống đạo. 
Từ chối bổn phận truyền giáo là không sống đạo ; phủ nhận trách nhiệm loan báo Đức Giêsu cho mọi người chung quanh là mặc nhiên chối đạo ; bỏ quên sứ mệnh "được sai đi" khi chịu bí tích thánh tẩy là đào ngũ, bởi loan báo Đức Giêsu, tuyên xưng Đức Giêsu, giới thiệu Đức Giêsu, dẫn người ta đến gặp Đức Giêsu, tạo điều kiện để Đức Giêsu ngự đến trong nhà người khác, chuẩn bị mảnh đất tâm hồn tha nhân để hạt giống Tin Mừng của Đức Giêsu được mọc lên tươi tốt là căn tính, điều kiện không thể thiếu để trở thành người có đạo, người sống đạo, người có Đức Giêsu.
Như thế, người Kitô hữu trước hết phải được sứ mệnh truyền giáo cuốn hút, bằng xác tín mãnh liệt : mình được sai đi qua bí tích Thánh tẩy. Có tin rằng mình được Thiên Chúa sai đi qua Giáo Hội, chúng ta mới tự tin và hăng hái lên đường truyền giáo. Sở dĩ nhiều người công giáo đã không tha thiết với sứ vụ truyền giáo là vì não trạng : truyền giáo là việc của các giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ, chứ không phải việc của "con chiên, giáo dân". Chính não trạng này, cộng thêm não trạng  "giáo sĩ trị" đã làm hoang mang và chùn chân người giáo dân trong sứ vụ truyền giáo của mình.
Nhờ được sứ vụ truyền giáo cuốn hút, chúng ta sẽ nhận ra trách nhiệm của mình với thế giới, với mọi người chung quanh : trách nhiệm loan báo Tin Mừng để mọi người được hạnh phúc như chúng ta.
Chính trong trách nhiệm làm cho thế giới được hạnh phúc nhờ lãnh nhận Tin Mừng của Đức Giêsu, chúng ta nhận được niềm vui đích thực của Tin Mừng, niềm vui mà Thiên Chúa hứa ban cho những ai đi theo Ngài để làm chứng Thiên Chúa yêu thương và cứu độ mọi người.

2.   Truyền giáo là Phục Vụ :
Có lẽ, anh chị cũng như tôi, chúng ta đã có lần suy nghĩ và tự hỏi : Vẫn biết truyền giáo là loan báo Đức Giêsu làm người, đã chết và sống lại ; truyền giáo là giới thiệu Đức Giêsu - Thiên Chúa làm người cho mọi người, mọi nơi, mọi thời, nhưng cụ thể, chúng ta bắt đầu truyền giáo từ đâu, từ công việc nào ?
Quả thực, câu hỏi rất quan trọng và ít nhiều đã làm chúng ta băn khoăn. Trong Tin Mừng của ngày Truyền Giáo hôm nay, Đức Giêsu trả lời chúng ta rất rõ ràng, chính xác : Truyền giáo là Phục Vụ mọi người như tôi tớ.
Hai tông đồ Giacôbê và Gioan đã năn nỉ hai chỗ quan trọng trong vương quốc của Đức Giêsu, và cả hai đã nhận được câu trả lời : "Các ngươi biết : các kẻ được coi là thủ lĩnh các dân tộc thì làm chúa trên họ, và những người làm lớn thì bắt người khác phục quyền mình. Nhưng các ngươi thì không như thế ! Ai muốn làm lớn trong các ngươi thì hãy hầu hạ các ngươi, và ai muốn làm đầu các ngươi thì hãy làm tôi tớ mọi người" (Mc 10,42-44).
Đức Giêsu đã không ngần ngại làm vỡ mộng "quan lớn" của hai tông đồ, bằng đưa ra một đường lối hoàn toàn trái ngược : phục vụ mọi người như đầy tớ. Làm môn đệ, tông đồ, chứng nhân, người được sai đi loan báo Tin Mừng của Ngài sẽ không cai trị ai, không bắt ai phục dịch, hầu hạ mình, càng không đàn áp, khống chế, bóc lột ai vì tư lợi, nhưng tự nguyện trở nên tôi tớ để phục vụ mọi người. Từ đây, tông đồ không còn nuôi giấc mộng bá quyền, cai trị, nhưng chỉ còn một thách đố trước mắt là qùy xuống rửa chân cho mọi người như tôi tớ ; nhà truyền giáo không còn lên đường với não trạng "kẻ cả, người trên" bố thí Tin Mừng, nhưng là loan báo Tin Mừng bằng phục vụ mọi người như người anh em hèn mọn ; người được chọn lãnh đạo trong Giáo Hội cũng không còn tơ vương làm vua làm chúa, nhưng biết mình được chọn để trở nên "đồng hình đồng dạng" với Đấng đến trong thế gian để "phục vụ chứ không phải để được phục vụ, đến để  hiến mạng sống mình làm giá cứu chuộc nhiều người".
Đức Giêsu đã đưa ra một nguyên tắc truyền giáo : Phục Vụ ; đã chỉ cho chúng ta một phương án truyền giáo : Phục Vụ ; đã dậy chúng ta một bài học truyền giáo : Phục Vụ bằng quả quyết sứ mệnh của Ngài là Phục Vụ : "Con Người không đến để được phục vụ, nhưng là để phục vụ" (Mc 10,45).
Không còn gì chính xác hơn lời qủa quyết này, vì nếu sứ vụ cuả Đức Giêsu, Đấng đến trong thế giới để loan báo Tin Mừng Cứu Độ của Thiên Chúa được thực hiện bằng Phục Vụ mọi người, bằng qùy xuống rửa chân môn đệ mình như đầy tớ, thì những người khác được Ngài sai đi tiếp nối sứ vụ loan báo Tin Mừng sẽ không thể làm khác, nghiã là không thể né tránh đòi hỏi Phục Vụ, không thể khước từ lời mời gọi Phục Vụ, không thể khấu trừ điều kiện Phục Vụ. Trái lại, không phục vụ sẽ không thể loan truyền Đức Giêsu chịu chết cho ai, không phục vụ sẽ không có cách tuyên xưng Đức Giêsu sống lại cho người nào, không phục vụ sẽ vô phương làm chứng Đức Giêsu - Thiên Chúa làm người, chết cho con người vì yêu thương con người.
Phục Vụ từ nay không còn là việc làm có cũng được, không có cũng chẳng sao, nhưng là điều kiện mang tính quyết định thành bại trong đời sống đạo, cũng như trong công cuộc truyền giáo. Thiếu phục vụ, không ai tin lời chứng của chứng nhân ; không phục vụ, tiếng nói của nhà truyền giáo không thuyết phục ; bỏ quên phục vụ, dung mạo đích thực của Đức Giêsu sẽ không chỉ bị bóp méo, bôi nhọ, xấu xí, dị hợm, mà còn biến dạng thành kinh tởm, đe doạ, đáng ghét trên môi miệng người được sai đi.
Ước gì Lời Chúa đang mời gọi chúng ta lên đường truyền giáo bằng cúi xuống phục vụ mọi người như tôi tớ, loan báo Nước Thiên Chúa bằng qùy xuống rửa chân cho anh em như đầy tớ hèn mọn, giới thiệu Đức Giêsu là Tình Yêu thương xót và Tin Mừng Cứu Độ bằng hiến mạng sống cho hạnh phúc của anh em được thực hiện ngay hôm nay bằng một việc làm cụ thể : phục vụ một người gần nhất đang cần sự giúp đỡ của chúng ta.
Jorathe Nắng Tím
 

Mừng Kính Thánh Luca


DUYÊN PHÚC
   Vào đời, ai cũng mong có nghề nghiệp vững chắc, việc làm tốt để bảo đảm cuộc sống, không phiền ai đã đành, mà còn gánh vác được gia đình, và người khác. Để thực hiện mục tiêu đó, người ta phải dầy công chuẩn bị. Có những nghề đòi thời gian dài như nghề y, cũng có những nghề tương đối dễ và thời gian học không qúa lâu. Tuy vậy, không hẳn học nghề nào sẽ làm nghề đó, vì nhiều lý do, nhất là khi hoàn cảnh kinh tế không thuận lợi, hoặc tình hình chính trị không cho phép,  nhiều người đã phải làm những nghề mình chưa từng học, có khi chưa từng nghe nói tới. Thế giới hôm nay với làn sóng tỵ nạn, di dân ngày càng dữ dội, công ăn việc làm đang là nan đề nhức nhối, khó giải quyết cho hầu hết các quốc gia, đẩy hàng triệu người vào cảnh bất đắc dĩ phải làm trái nghề, và một số khác đông gấp nhiều lần ở vào tình trạng thất nghiệp kinh niên, mãn tính.
    Qủa thực, được làm nghề mình học, được làm công việc mình đam mê và kỹ lưỡng chuẩn bị, người ta sẽ không rầu rĩ trên đường đến sở ; không căng thẳng, bực bội, chán ngán khi một ngày làm việc bắt đầu ; không lừng khừng, thụ động, tiêu cực mỗi sáng thứ hai đầu tuần ; sẽ không thiếu lửa nhiệt tình, thiếu tích cực sáng kiến, thiếu phấn khởi cộng tác vào công việc đang làm, nên ở đâu, thời nào và với bất cứ ai, được làm công việc mình chọn đều được coi là hạnh phúc rất lớn không thua gì hạnh phúc có một gia đình ấm êm, bởi việc làm không ổn thì mái ấm cũng  chẳng được yên.
  Ở đây, người viết muốn chia sẻ với bạn một khả thể tuyệt vời khác, một hạnh phúc lớn hơn chút nữa, đó là được làm công việc gần gũi với lý tưởng phục vụ tha nhân.
   Tất nhiên, công việc nào cũng tốt, cũng mang tính nhân văn, khi không vi phạm, làm tổn thương con người, nhưng đem lại lợi ích chính đáng. Tuy vậy, cũng có những công việc không mấy gần gũi với mục đích phục vụ nhân sinh như nghề tra tấn để khai thác can phạm, nghề lý hình chặt đầu, treo cổ, bắn chết, chích thuốc độc tử tội, hoặc tệ hơn nữa là nghề phá thai, lấy sự sống của đứa con ra khỏi cung lòng người mẹ.
   Công việc có duyên phúc mà người viết muốn đề cập cụ thể hôm nay là những công việc vừa kiếm được cơm gạo nuôi thân, vừa làm được từ thiện giúp người, như  nghề bác sĩ của thánh sử Luca mà Giáo Hội mừng kính ngày 18 tháng Mười hằng năm.
     Thánh Luca làm nghề chữa bệnh là nghề chăm lo sức khỏe thân xác, và “Lương Y như Từ Mẫu” là vinh dự nhân gian dành cho các thầy thuốc. Làm nghề này, người ta trước hết phải thích người khác, thích săn sóc người khác, thích giao lưu với người khác, bởi người không thích liên đới, nhưng chỉ muốn lầm lũi, khép kín, đơn độc  sẽ không thích hợp với nghề phải tiếp cận và chăm nom người khác trong tình trạng đau yếu, bệnh tật. Làm bác sĩ, y sĩ, điều dưỡng là làm cho người bệnh được an tâm điều trị, an tâm vì biết mình được yêu thương và chữa trị. Thái độ thân thiện cởi mở của bác sĩ làm bệnh nhân an lòng ; lòng nhiệt thành tận tâm phục vụ của y sĩ giúp người bệnh lạc quan, hy vọng ; cung cách chia sẻ quan tâm và ân cần chăm sóc của y tá làm giảm cơn đau của bệnh tật, và nhẹ đi gánh nặng thể xác cũng như tinh thần của người đau ốm. 
    Duyên phúc của thánh Luca hệ tại ở việc vừa là bác sĩ vừa loan báo Tin Mừng, vừa chữa bệnh thân xác vừa chăm sóc sức khoẻ linh hồn. Cùng một lúc vừa có nghề để sinh sống, vừa có cơ hội thuận tiện làm việc tông đồ, thánh nhân cũng như bao nhiêu đồng nghiệp khắp nơi, mọi thời trong nghề y thực sự đã được chung hưởng duyên phúc không dễ có ở  nhiều ngành nghề  khác, tuy vẫn có thể làm từ thiện, tông đồ, nhưng cơ hội không thuận tiện bằng nghề y, nghề giáo dục, nghề  trực tiếp bảo vệ con người...
    Mừng lễ thánh Luca, chúng ta cũng mừng các bạn làm việc trong ngành y. Ước mong cái duyên nghề y không ngừng làm lớn cái phúc cứu người nơi các bạn, để duyên nghề nghiệp mãi mang lại cho đời dư đầy phúc đức của Từ Mẫu - Lương Y.
Jorathe Nắng Tím