Được cha mẹ sinh
ra, đương nhiên bé là con của cha mẹ, nhưng có thể bé là con độc nhất, con lớn
nhất, con nhỏ nhất. Tuy con nào cũng là con, con nào cũng không thể thay thế,
hoán chuyển, con nào cũng duy nhất đối với cha mẹ, nhưng mỗi đứa ở vào những vị
trí làm con khác nhau nên có những đặc
điểm khác nhau. Cùng chia sẻ những đặc điểm của con cái : đưá đầu
lòng, đứa út ít, đứa độc nhất vô nhị, người viết mong được đóng góp vào hạnh
phúc của cha mẹ và niềm vui được yêu thương của những người có tên là “Con”.
1. Con một hay con độc nhất:
Không nói thì ai cũng biết con một là con được cưng chiều, vì ngoài bé
ra, không còn con nào nữa. Thường bé đến trong nỗi đợi chờ, niềm mong đợi nóng
bỏng của cha mẹ. Có thể vì cha mẹ lấy nhau muộn, hoặc cha mẹ gặp phải những khó
khăn trong việc thụ thai. Ngày vào đời của em vì thế đã trở thành ngày trọng đại,
ngày chứa chan hạnh phúc, niềm vui. Đúng vậy, khi nghe tin em chào đời, ai cũng
vui. Niềm vui từ trái tim mẹ em, cha em chảy lai láng về cả hai họ nội ngoại.Và
ai cũng cho mình là người vui nhất!
Ai cũng vui nhất vì bé đích thực là niềm vui. Ai cũng ngất ngây hạnh
phúc, vì bé chính là hạnh phúc của gia đình và mọi người. Và từng ngày bé lớn
theo niềm vui, hạnh phúc đó.
Nhưng không mấy người biết bé có những vấn đề :
a.
Vì là lần đầu
tiên có con, nên cha mẹ chưa có kinh nghiệm nuôi nấng, giáo dục. Chính vì thế,
ít nhiều bé sẽ chịu thiệt thòi.
b.
Bé không có ai để
chơi, không có ai để chia sẻ, cũng không có ai để đương đầu vì bé chỉ duy nhất
một mình. Bé khám phá ra một điều: làm con độc nhất bé phải tự mình hoc hỏi đời
sống làm con.
c.
Vì một mình, bé
mang hết một mình trên đôi vai kỳ vọng, ước mơ của cha mẹ. Mẹ thì muốn bé sẽ là
bác sĩ giải phẫu nổi tiếng, ba thì muốn bé sẽ là kiến trúc sư kỳ tài. Còn riêng
bé? Bé chỉ thấy mình oằn lưng dưới gánh nặng của đủ thứ ước mơ, kỳ vọng trong đầu
người lớn.
d.
Bé bắt đầu thấy
ngột ngạt vì mẹ bao bọc bé kỹ qúa. Không
việc làm nào của bé mà mẹ bỏ qua, không đồ dùng nào của bé mà mẹ không kiểm tra
kỹ lưỡng. Sự bao bọc qúa kỹ của mẹ cho bé cảm tưởng bé là một người tù, một “thiên
tử” bị loài người cẩn mật canh giữ.
Những vấn đề vừa nêu sẽ đưa đẩy bé đến tình trạng tâm
lý không mấy thuận lợi cho việc thành hình nhân cách của bé. Và vì không muốn
rơi vào tình trạng bất lợ cho nhân cách, bé muốn cha mẹ cùng bé đề phòng :
a. Vì được nuông chiều, “thần tượng”, “thần thánh hoá một
cách lố bịch, bé dễ trờ nên ích kỷ, thiếu xã hội tính, không trưởng thành. Bé
chấp nhận một cách lười biếng tình trạng được bao bọc, lệ thuộc mọi người, nhất
là cha mẹ mà không muốn cố gắng đứng trên đôi chân và tự mình bước. Bé thả trôi
đời mình trong tay cha mẹ và phó mặc hiện tại, tương lai cho người khác định liệu.
Bé
thực là một thân tầm gửi có hạng!
b. Vì
không quen đương đầu, xoay xở, chiến đấu, bé rơi vào tâm trạng sợ cuộc sống, sợ
ra khỏi vòng ôm an toàn của mẹ, sợ đi xa mái ấm được xây tường, rào dậu. Bé chấp
nhận ở mãi trong pháo đài an toàn hơn là xông pha dấn thân mạo hiểm vào cuộc đời
trước mặt. Đôi chân của bé qủa yếu ớt trước nắng gió và đường dài ngày
mai !
c. Vì là cục cưng của cha mẹ, bé dễ rơi vào một liên đới tình cảm “bất thường”, con trai với
mẹ, con gái với cha, một thứ tình cảm lẫn lộn tình cha con, mẹ con với tình đôi
lứa. Đến một lúc nào đó, bé vô phúc trở thành
người tình của cha, nếu là con gái, hay người tình của mẹ, nếu là con
trai. Hiện tượng tâm lý khá phức tạp này thường xẩy ra khi cha mẹ thuộc diện
tâm lý “độc quyền và sở hữu”. Những cha mẹ thuộc diện này có khuynh hướng vật
thể hoá con và biến chúng thành một vật sở
hữu trong sinh hoạt mà không hay
biết. Chính vì không biết mà tình trạng
tâm lý dễ trở nên suy đồi trầm trọng biến con cái thành nạn nhân của mất quân bình tình cảm, đưa đến thái độ từ chối
mọi liên đới tình cảm chính đáng khác trong cuộc sống. Không thiếu những thanh
niên đã không thể sống đời hôn nhân, thiếu nữ từ chối đời làm vợ vì tuổi thơ đã
là nạn nhân của một liên đời tình cảm không bình thường đối với cha mẹ.
d. Một
nguy cơ khác cũng thường thấy, đó là khi cha mẹ quá kỳ vọng trên đứa con độc nhất
của mình đã phóng ảnh đời mình lên con và bắt con phải thực hiện đúng như những
gì mình muốn. Hậu qủa là khi lớn lên, khi con không thực hiện được những “lý tưởng
cao vời vợi” đó, cha mẹ sẽ biến thành thù địch của con chỉ vì con đã làm mình vỡ
mộng. Trong trường hợp này, cha mẹ đã không hề tìm hạnh phúc cho con, nhưng từ
đầu đã chỉ nghĩ thoả mãn tham vọng của riêng mình.
Con
độc nhất có nhiều cái “nhất”, nhưng cũng dễ bị trúng “độc”. Khôn ngoan trong
giáo dục chính là thận trọng trước từng vị trí của con cái để có những phương
thức giáo dục thích hợp cho từng đứa. Hãy can đảm và khiêm tốn cùng con yêu “độc
nhất” bước xuống cuộc đời để giúp con chạm mặt những gì không luôn đòi phải “nhất”,
nhưng rất thực, rất gần, rất đáng yêu của cuộc đời mà con chưa bao giờ được gặp.
2.
Con
đầu lòng:
Con
đầu lòng cũng có nhiều điểm tương đồng với đứa con độc nhất, vì là con thứ nhất
và duy nhất cho đến khi xuất hiện đứa thứ hai. Vì chưa có đứa thứ hai, cha mẹ sẽ
dồn tất cả tình yêu và quan tâm cho bé. Tuy thế, không như đứa con độc nhất,
con đầu lòng không trở thành con Trời, con vua, cũng không “tầm gửi, lười biếng,
buông xuôi, phó mặc”, nhưng luôn ý thức về một
trách nhiệm lớn.
Con
đầu lòng tự ý thức vai trò đứng đầu, “lãnh đạo” của mình. Em biết cha mẹ trông
cậy vào em, tín nhiệm em và cần đến em để nuôi nấng, chăm nom các con khác. Em
nhận ra một cách tự nhiên vai trò đại diện, thay thế cha mẹ khi cha mẹ vắng mặt,
một vai trò cực nặng đối với em. Trên vai em dường như lúc nào cũng lên xuống,
nhấp nhỏm một gánh nặng đối với các em và một ước vọng đỡ đần cha mẹ. Em không
cho phép mình chơi thoải mái, quậy tới bến như
các em, nhưng nhiệm vụ cao cả làm anh cả, chị hai nhắc em phải chăm sóc các em, thận trọng bảo vệ các
em, đằm thắm yêu thương các em, nhẫn nhịn chịu đựng các em, kiên nhẫn bảo ban
các em và nếu cần cứng rắn sửa sai các em.
Là
con đầu lòng, em cũng mang nỗi lo cho tương lai của đàn em và tự khoác cho mình
chiếc áo “bảo mẫu” nặng chình chịch.
Có
nhiều chị hai đã không muốn đi lấy chồng vì thương các em, vì không muốn cha mẹ
một mình gánh vác đàn con đông. Những chị hai chấp nhận “ở vậy” không lấy chồng
vì các em đã tự nguyện hy sinh chính đời mình. Bên cạnh những chị hai từ chối hẳn
đời hôn nhân, còn những chị hai đi lấy chồng nhưng ngay ngáy lo lắng cho các em
thay cha mẹ. Các bà chị hai này dễ rơi vào tình trạng tâm lý bị xé đôi: một bên
gia đình lớn với cha mẹ, các em, một bên gia đình nhỏ với chồng con và hậu qủa
sẽ không tốt đẹp khi người chồng ích kỷ lên tiếng phản đối. Người chồng có thể
phản đối sự quan tâm thái qúa của chị đối với cha mẹ riêng và các em bên nhà khi thấy chị ngược xuôi, vất vả, bơ phờ vì lo
chuyện bên nhà, nhất là khi những “lo lắng” đó đụng chạm đến vật chất, tiền bạc
của gia đình nhỏ. Nhiều gia đình đã đổ vỡ vì nguyên nhân tình cảm rất “tế nhị”
này. Nhiều chị hai đã không đủ khôn ngoan phân định ranh giới của bổn phận. Nhiều
xung đột đã xẩy ra chỉ vì chị hai quá “hot” với việc của gia đình riêng mà đôi chút lơ là chuyện gia đình mình đã đưa đến
bực dọc, bất mãn nơi người chồng không cùng
“tần số”.
Trong
nghiên cứu về tâm lý tuổi cặp kê, các nhà tâm lý đã đề cập đến tình trạng không
thể tiến tới đời sống lứa đôi của một số thiếu nữ đã không có khả năng tách
mình ra khỏi gia đình riêng khi quan hệ với bạn trai. Nhiều cô gái đã không thể
đi chơi riêng với bạn trai mà không kéo theo một hai đứa em; không thể kết thúc
một buổi hẹn hò mà không nhắc đến các em, cha mẹ với nhân tình đang chỉ chú ý đến
cô, và chỉ quan tâm một mình cô; không thể bỏ quên những chuyện “chẳng đâu vào
đâu” và thường là những chuyện không vui, những nhu cầu vật chất của gia đình
mình trong dòng tâm sự với người yêu; không thể không thở than, sụt sùi thương
thằng em đau bệnh, thương con em bị ở lại lớp, thương cha vừa mất việc, thương mẹ
bán buôn ế ẩm với người tình đang chỉ muốn nói chuyện “hai đứa”, chuyện “chúng
mình”. Cô gái đang làm một công việc không nên làm vì chính cô đang đẩy xa người
tình muốn đến với cô, đang làm tan tình cảm chàng dành cho cô, vì cô quên bẵng
một điều tối quan trọng trong tình yêu và đời sống đôi lứa, đó là hai người là
đối tượng duy nhất của nhau, hai người đến với nhau và chỉ vì nhau mà đến. Vì
thế, tất cả những gì không phải là “nhau” đều không có ý nghiã và lý do tồn tại,
nhất là ở buổi sơ giao, tìm hiểu. Cô đã làm một lỗi lầm đáng trách, đó là đã
qúa vội đem cả gia đình, cha mẹ, các em mình nhét vào trái tim của người yêu, trong khi trái tim ấy đang chỉ muốn
dành hết chỗ cho một mình cô lúc này. Và đã không thiếu những quan hệ lứa đôi
đã hoàn toàn bết tắc vì thiếu sót này.
Giáo
dục con đầu lòng sẽ không là ngăn chặn tính kiêu căng, lười biếng của đứa con độc
nhất, nhưng là ngăn chặn tính bao sân, ôm đồm muốn lo hết cho đàn em của chị cả,
anh hai.
3.
Các
con ở giữa:
Các
con ở lừng chừng, không đầu, không cuối, không cả, không út này thường có chung
một kinh nghiệm: ít được cha mẹ quan tâm và phải thường xuyên chiến đấu để sống
còn. Không hưởng quy chế “con trời, con vua” như đứa con độc nhất, không có đôi
vai rộng để cùng cha mẹ gánh vác việc nhà, chuyện đàn em như anh hai, chị cả,
cũng không được miễn trừ mọi việc và được nâng niu như con út, đám con ở giữa
này thường biết thân biết phận và bảo nhau phải biết sống. Biết lúc nào lên được
và lúc nào phải xuống, nếu muốn được yên. Biết làm đúng việc, đúng thời để
tránh mâu thuẫn. Biết nhìn trước sau để
không là tác giả gây “tai nạn” trong nhà. Tóm lại, đám con ở giữa sẽ rất biến
báo, khéo léo để không bị thiệt thòi, vì chúng biết chúng không được quy chế đặc
biệt nào chở che.
Thường
thì mặc cảm ít được quan tâm xâm lấn tâm tư các đứa con ở giữa. Thí dụ :
việc các bé phải mặc lại quần áo cũ của anh chị cũng đã là điều gây nên một
thoáng mặc cảm không được coi là duy nhất. Các bé dễ có cảm tưởng bị cha mẹ xếp
thành hàng và thay tên bằng những con số và mặc cảm mất cá tính, nhân vị dễ bộc
phát nơi các bé.
Tâm
lý của những đứa con “không đầu không cuối” này thường dễ chao đảo trước bất cứ
hành động, thái độ nào của cha mẹ. Chỉ cần một cử chỉ không khéo của mẹ, em bé
có thể mất hết thăng bằng tâm lý và rơi vào tình trạng bị khủng hoảng tinh thần.
Với các em bé này, cha
mẹ cần biểu lộ quan tâm đồng đều và cá nhân để các bé nhận ra: mình không phải
là những đứa con hạng hai so với chị hai, anh cả, em út.
4.
Con
út:
Tất
nhiên với con út cha mẹ luôn nghĩ: đó là đứa con bị thiệt thòi hơn các anh chị
khác, vì cha mẹ đã già không còn lo được
cho con nhiều như các anh chị. Nếu gia đình làm ăn khấm khá, cô út, cậu út sẽ “thưà
thắng xông lên” như diều gặp gió tha hồ được cưng chiều, hưởng thụ. Nếu chẳng
may gia đình rơi vào cảnh khánh kiệt, xuống dốc thì cha mẹ cũng sẽ cố hết sức tìm mọi cách bù đắp cho cô út, cậu út. Như thế, đàng nào
thì con út cũng sẽ được cha mẹ cưng chiều
và ưu tiên trong sinh hoạt gia đình.
Con
út còn một thuận lợi khác là cha mẹ thường
liên tưởng đến những ngày đầu yêu nhau khi họ có đứa con sau cùng, vì định luật
liên tưởng: bao giờ cái sau cùng cũng đánh thức cái đầu tiên, và đích tới luôn gợi về khởi điểm.
Cô,
cậu út sẽ được cha mẹ thương hơn, chiều hơn, nhưng cũng là lý do để bị anh chị
ghen ghét, kiếm chuyện. Để trụ được trong chỗ đứng ưu tiên và để tự vệ, con út
sẽ dùng mọi chiến thuật để không bị ăn hiếp. Em sẽ dựa vào cha mẹ như ô dù vạn
năng. Với anh chị, em sẽ tùy cơ ứng biến, “mềm nắn rắn buông”, theo tình hình
mà lên xuống, nặng, nhẹ. Nói tóm lại, em sẽ phải liên tục chiến đấu và cẩn mật
đề phòng để không mất đi lợi thế “con út” của mình. Kết quả là em sẽ được cha mẹ
bảo vệ tối đa, cực kỳ che chở, thường xuyên bênh đỡ. Em trở thành một “yếu nhân”
được mọi người đặc biệt chú ý hoặc để ghen ghét, kiếm chuyện, hoặc để bảo vệ,
chở che. Đời sống của em vì thế mà trở nên căng thẳng, ngột ngạt… vì vừa bị soi
bói vừa được bảo vệ.
Là
cha mẹ, không ai tiên liệu chính xác những vấn đề của con cái, cũng như không
ai nắm hết trong tay tương lai của con mình. Bằng chứng sống động là cách đầy không
đầy hai mươi phút, người viết nhận được tin nhắn của một người cháu làm linh mục
trong một họ đạo thuộc khu dân cư gồm đủ “đầu trâu mặt ngựa, đá cá lăn dưa” lúc
nào cũng sôi sục “đâm chém”. Con số tội phạm tệ đoan trong vùng này cao nhất nước.
Cha vừa báo tin buồn: con trai bà thơ ký của nhà xứ mới 16 tuổi vừa bị băng đảng
đâm lủng phổi. Cấp cứu không kịp đã tắt thở sáng nay. Bà chỉ có một con trai
duy nhất !
Nhưng
làm cha mẹ cũng bị bổn phận bó buộc phải tiên liệu ngày mai của con cái trong
khả năng của mình.
Tiên
liệu là thực hiện ngay bây giờ và ở đây chủ trương yêu thương đồng đều giữa con
cái, yêu thương cá nhân từng đứa, yêu thương qua đối thoại, yêu thương nhờ lắng
nghe, yêu thương bằng quan tâm, chăm
sóc.
Tiên
liệu là không rơi vào hai thái cực trong giáo dục : hoặc quá thả lỏng, hoặc
quá bao bọc. Thả lỏng làm con mất hướng, lạc đường. Bao bọc làm con ngột ngạt,
không tự lập và mất khả năng sáng tạo.
Tiên
liệu là không đánh giá thấp cũng không quá kỳ vọng. Đánh giá thấp con là hạ nhục
con, gieo trong con mặc cảm “vô tích sự”. Kỳ vọng quá sẽ sớm quật ngã con vì chất trên con những gánh nặng không thể
mang vác.
Tiên
liệu là mở cho con cảnh cửa vào thế giới
bên ngoài, cánh cửa đến với người khác.
Tiên
liệu là làm cho con cảm thấy an toàn, bình an và hạnh phúc ngay hôm nay, trong
gia đình này.
Tiên
liệu là luôn giữ “đường giây nóng” của tình cha con, mẹ con, nhất là khi con gặp
khó khăn, thử thách.
Tiên
liệu là không bao giờ cảm thấy đủ tình yêu cho con, nhưng lại thấy dư thừa tham
vọng trên con, vì tình yêu nâng con lên, và tham vọng dìm con xuống.
Tiên
liệu là đưa con vào trời rộng và không nhốt con trong tù ngục ích kỷ.
Tiên
liệu là làm cho con đứng được một mình mà không cần tay mình vịn giữ.
Tiên
liệu là nhìn con cười, ngắm con chơi, nghe con thủ thỉ mà không cho là mất thời
giờ, vô ích.
Tiên
liệu là nói với con mỗi ngày: “cám ơn, tạm biệt, xin lỗi, ngủ ngon nhé, thương
con nhiều”.
Và
tiên liệu là từng phút giây không quên mình là người đã ban sự sống cho những
con người mang cùng tên “Con” và gọi mình là “Cha Mẹ”.