Suy
Niệm Tin Mừng Chúa Nhật 3 Mùa Chay, năm B
Với
người Do Thái, Đền Thờ Giêrusalem là trung tâm tôn giáo, nơi tất cả các chi tộc
Ítraen tụ tập về, nơi mỗi người tín hữu đến gặp Đức Chúa, bởi Đền Thờ là dấu chỉ
của Giao Ước Giavê Thiên Chúa đã ký kết với dân Ngài (x. Xh 20,1-17), là nhà của Đức Chúa giữa dân riêng, và là đền thánh của
Lề Luật. Chẳng thế mà khi nhắc đến Giêrusalem, tâm hồn người Do Thái nào cũng
phấn khởi, vui mừng như lời thánh vịnh : “Vui dường nào khi thiên hạ bảo tôi :
Ta cùng trẩy lên đền thánh Chúa. Và giờ đây Giêrusalem hỡi, cửa nội thành, ta đã
dừng chân. Giêrusalem khác nào đô thị, được xây nên một khối vẹn toàn. Từng chi
tộc, chi tộc của Chúa, trẩy hội lên đền ở nơi đây, để danh Chúa, họ cùng xưng tụng,
như lệnh đã truyền cho Ítraen. Cũng nơi đó, đặt ngai xét xử, ngai vàng của vương
triều Đavít… Nghĩ tới đền thánh Chúa, Thiên Chúa chúng ta thờ, tôi ước mong thành
được hạnh phúc, hỡi thành đô” (Tv 121,1-5.9).
Như
mọi con trẻ Do Thái khác, Đức Giêsu ngay từ buổi đầu đời đã được cha mẹ đem lên
đền thờ để dâng tiến cho Thiên Chúa (x. Lc 2,22-24), và hằng năm Ngài đều theo
cha mẹ “trẩy hội đền Giêrusalem mừng lễ Vượt Qua” (Lc 2,41), cũng như khi bước
vào hành trình công khai loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa, Ngài thường xuyên lên
Đền Thờ, vì đền thờ là “nhà của Cha Ngài”, và Ngài có bổn phận, như Ngài đã trả
lời cha mẹ, khi hai ông bà tìm thấy Ngài sau ba ngày lac mất : “Cha mẹ không
biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?” (Lc 2,49).
Cũng
như mọi năm, “gần đến lễ Vượt Qua của người Do Thái, Đức Giêsu lên thành Giêrusalem”
(Ga 2,13), nhưng lần này thì một biến cố lớn xẩy ra, khi “Người thấy trong Đền
Thờ có những kẻ bán chiên, bò, bồ câu và những người đang ngồi đổi tiền. Người
liền lấy dây làm roi mà xua đuổi tất cả họ cùng với chiên bò ra khỏi Đền Thờ ;
còn tiền của những người đổi bạc, Người đổ tung ra, và lật nhào bàn ghế của họ”
(Ga 2,14-15).
Thật
khủng khiếp cơn lôi đình của Đức Giêsu, nhưng còn dữ dội, táo bạo hơn khi Ngài
lớn tiếng thách thức : “Các ông cứ phá hủy Đền Thờ này đi ; nội ba ngày,
tôi sẽ xây dựng lại” (Ga 2,19). Và tất nhiên, Đức Giêsu đã gây sốc, khi chạm đến
niềm tự hào vô cùng vĩ đại của người Do Thái, bởi “Đền Thờ đã phải mất bốn mươi
sáu năm mới xây xong” (Ga 2,20), và được xây hai lần : lần thứ nhất từ thời
vua Salômôn thế kỷ X trước công nguyên, và bị quân Babylon phá hủy năm -586 trước
công nguyên, ; được xây lại lần thứ hai 70 năm sau, nhưng đến năm 70 sau công
nguyên lại bị quân Rôma tàn phá bình địa một lần nữa.
Chính
trong cơn lôi đình và gây sốc này, Đức Giêsu đã báo trước Đền Thờ mới sắp được
xây lại là “chính thân thể Người” (Ga 2,21).
Cũng
như Đền Thờ Giêrusalem là dấu chỉ của Giao Ước Thiên Chúa đã ký kết với dân riêng
của Ngài là Ítraen, Đền Thờ mới là Thân Thể Đức Giêsu, dấu chỉ của Giao Ước mới
được ký kết với Thiên Chúa bằng chính máu Ngài, qua hy lễ Thánh Giá. Giao Ước mới đã không chỉ được ký kết với một dân tộc, một
mầu da, một tiếng nói, nhưng với toàn thể nhân loại, vì Đức Giêsu đã tự hiến mình
để cứu chuộc tất cả mọi người, bất phân mầu da, ngôn ngữ, văn hoá, chính kiến,
giai tầng, hoàn cảnh… như chính Ngài đã nói với các môn đệ trước khi lên đường
đi chịu chết: “Đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra vì muôn người” (Mc 14,24).
Vì
thế, loan báo Tin Mừng ở người Kitô hữu chính là “rao giảng một Đức Kitô chịu đóng
đinh, điều mà người Do Thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho
là điên rồ” (1 Cr 1,23), bởi chỉ ở nơi Đức Giêsu chịu đóng đinh, tội lỗi của mọi người mới được tẩy xóa ; chỉ trong máu
của Đức Giêsu, loài người mới được thánh hoá, cứu chuộc, trở nên công chính và được
hiện hữu trong Thiên Chúa (x .1 Cr 1,30) ; chỉ trên khuôn mặt của Đức
Giêsu, tội nhân mới nhận ra và nhận được sức mạnh cứu rỗi toàn năng của Thiên
Chúa được biểu hiện và thể hiện nơi Tình Yêu được trọn vẹn dâng hiến.
Thực
vậy, Đức Giêsu từ nay là Giao Ước mới giữa loài người tội lụy cần được thương xót
và Thiên Chúa nhân hậu, giàu lòng xót thương, đồng thời, thân thể của Đức Giêsu
trở nên Đền Thờ của Thiên Chúa giữa loài
người, như dấu chỉ của Giao Ước mới, điều Đức Giêsu đã muốn nói, khi lớn tiếng
thách thức : “Các ông cứ phá hủy Đền Thờ này đi ; nội ba ngày, tôi sẽ
xây dựng lại”, mà các môn đệ của Ngài chỉ hiểu được sau khi “Người từ cõi chết
sống lại sau ba ngày chôn trong mồ” (x . Mc 8,31 ; 9, 31 ;
10,34).
Vâng,
Đền Thờ mới, dấu chỉ của Giao Ước mới là
Thân Thể của Đức Giêsu, mà Thân Thể ấy chính là Giáo Hội, như thánh Phaolô đã
khẳng định : “Ví như thân thể người ta chỉ là một, nhưng lại có nhiều bộ
phận, mà các bộ phận của thân thể tuy nhiều, nhưng vẫn là một thân thể, thì Đức
Kitô cũng vậy. Thật thế, tất cả chúng ta, dầu là Do Thái hay Hy lạp, nô lệ hay
tự do, chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân
thể… Vậy anh em, anh em là thân thể Đức Kitô, và mỗi người là một bộ phận” (1
Cr 13,12-13.27).
Vì
Thân Thể Đức Giêsu là Đền Thờ, và mỗi người chúng ta là chi thể của Thân Thể ấy,
nên cũng là những hòn đá sống động xây dựng Đền Thờ của Thiên Chúa giữa loài người…
Vì
Thân Thể Đức Giêsu là Hội Thánh, và mỗi Kitô
hữu là chi thể của Thân Thể mầu nhiệm có Đức Giêsu là Đầu, nên cũng là
những viên gạch xây dựng Giáo Hội, là Nhà Thiên Chúa giữa nhân loại.
Vì
là chi thể của Thân Thể mầu nhiệm, nên mỗi
người chúng ta khi lãnh nhận “Bánh được bẻ ra” sẽ được trở nên Thân Thể của Đức
Giêsu, và Đền Thờ của Chúa Thánh Thần, như thánh Phaolô qủa quyết : “Nào
anh em đã chẳng biết rằng anh em là Đền Thờ của Thiên Chúa, và Thánh Thần Thiên
Chúa ngự trong anh em sao? Vậy ai phá hủy Đền Thờ Thiên Chúa, thì Thiên Chúa sẽ
hủy diệt kẻ ấy. Vì Đền Thờ Thiên Chúa là nơi thánh, và Đền Thờ ấy chính là anh
em” (1Cr 3,16 -17).
Ước
gì trong Mùa Chay thánh, chúng ta tâm niệm và xác tín : “Không ai có thể đặt
nền móng nào khác ngoài nền móng đã đặt sẵn là Đức Giêsu Kitô” (1 Cr 3,11), và
trên nền móng này, Giao Ước giữa Thiên Chúa với con người được thiết lập và Đền
Thờ Thiên Chúa được xây dựng bền vững trên đất người, và trong tâm hồn mọi người.
Jorathe
Nắng Tím