Tìm kiếm Blog này

Thứ Sáu, 12 tháng 6, 2020

Xin Chớ Để Chúng Con Sa Chước Cám Dỗ (Tác giả: Jorathe Nắng Tím)


    Viết về ma quỷ hay nói về ma quỷ ở thời đại “a còng” này là một việc làm lạc hậu, dở hơi đối với nhiều người, cũng như khẳng định có ma quỷ với người trẻ hôm nay, bạn sẽ bị xếp vào danh sách bệnh nhân tâm thần, vì hầu như người ta đã quên hẳn sự có mặt của ma quỷ trong thế giới này.
   Quả thực, khi niềm tin tôn giáo không còn, Thượng Đế bị truất phế, Thiên Chúa bị khai tử, thì tâm thức thiêng liêng, ý niệm siêu nhiên, và cảm xúc thần thiêng cũng tàn phai, suy giảm. Cũng vậy, khi tôn giáo bị coi là thuốc phiện, thuốc mê, bùa lú làm băng hoại tinh thần, thì ma quỷ, thánh thần, các thực tại thiêng liêng đều bị coi là mê tín, ảo tưởng, không thực.
   Khi niềm tin tôn giáo bị chối từ, người ta sẽ ngang nhiên phủ nhận ma quỷ, và công việc của chúng trong thế giới loài người. Những hoạt động làm hại con người của thần dữ Satan từ nay được xếp vào hiện tượng tâm bệnh, và những nạn nhân của Satan sẽ được chữa trị như một bệnh nhân bằng phương pháp trị liệu y học bình thường. Tâm bệnh trở thành “danh từ” chung để chỉ những trường hợp quỷ ám, quỷ nhập, mà người ta rất ngại gọi đúng tên, tìm tòi, và mở rộng nghiên cứu.
   Nhưng tai hại hơn cả chính là tình trạng “bán tín bán nghi”, nửa thật nửa giả, hư thực lẫn lộn giữa công việc của ma quỷ và hoạt động của con người, giữa thành quả siêu nhiên do Thiên Chúa can thiệp và hệ quả công trình có bàn tay ma quỷ đâm thọc. Ranh giới giữa việc làm của ThiênChúa và hoạt động của ma quỷ không dễ được mọi người nhận ra, vì cần đôi mắt Đức Tin, và đòi hỏi phải có trái tim yêu thương bằng tình của chính Thiên Chúa mới có thể phân biệt chính xác hai thực tại thiêng liêng này. Chúng ta đừng quên bản tính thiêng liêng và quyền năng thuộc hàng thiên thần của ma quỷ vẫn còn nguyên vẹn, vì Thiên Chúa không hủy bỏ bất cứ bản tính của thụ tạo nào do Ngài dựng nên, cũng như không xóa tên bất cứ công trình nào từ tay Ngài thiết lập.
   Cũng vì lấn cấn do nghi ngờ trong đời thường, người ta không ngần ngại chọn cho Thiên Chúa và ma quỷ trạng thái “thỏa hiệp”, mà không bận tâm, thắc mắc, với chiêu bài: Con người không biết gì về thế giới thần linh, tốt hơn không nên can dự vào. Kết quả là Thiên Chúa, Đấng Tạo Dựng, và ma quỷ, thụ tạo thiêng liêng kiêu căng phản nghịch bị Thiên Chúa trục xuất khỏi thiên đàng, cả hai được con người thu xếp để chung sống hòa bình, cùng có phần, và hoạt động đồng thời trong thế giới. Trong hoạt cảnh do con người “tự biên tự diễn” đó, con người là ngư ông đắc lợi khi nghiễm nhiên trở thành chủ nhân có quyền làm trọng tài giữa hai lực lượng thiêng liêng: Thiên Chúa và ma quỷ.
   Trước những vô minh, vô tri, vô ý, vô tình của con người khi đối diện những thực tại thiêng liêng, vô hình, trong đó có hỏa ngục, ma quỷ, Đức Giêsu đã mặc khải, bằng công khai vạch mặt chỉ tên, công khai lật tẩy Satan và bè lũ trong Tin Mừng để cảnh gác con người, và không để chúng lừa đảo, bịp bợm, lấn lướt, trấn áp con người.
   Tập chia sẻ về ma quỷ vì thế sẽ không có gì mới mẻ, ngoài trình bày chân lý Đức Tin theo giáo huấn của Giáo hội.
Người viết gửi đến bạn với ước mong bộ mặt thật của Satan và bè lũ một lần nữa bị phơi bầy hầu tránh những tai họa khó lường, nếu chẳng may, vì không biết, chúng ta liều mình rơi vào cạm bẫy của thần dữ Satan và bè lũ.


ĐỪNG ĐÁNH EM DÃ MAN NHƯ THẾ NỮA, TỘI LẮM!

Qủa thực, sau khi xem clip một sư cô với tu phục đánh dã man một em bé sáu, bẩy tuổi cũng mặc tu phục  ngay trong chùa được đăng trên trang mạng  Báo Mới  sáng ngày 12.06.2020, tôi không còn đủ bình tĩnh trước hành vi vô cùng bạo lực và tồi tệ của nhân vật « đáng kính », vì tu hành này.
    Trước hết, tôi loại bỏ hẳn chuyện tôn giáo, và không quan tâm đến người đánh em bé là «sư phụ, ni cô, ni sư », hay chức danh, chức sắc gì ; tôi cũng không lạm dụng việc làm rất  đáng trách này để kỳ thị  hay bôi nhọ bất cứ tôn giáo nào, nhưng  mục đích của bài này là nêu lên thói  bạo hành dã man ngày càng nhiều  và không còn ranh giới, biên cương, vùng cấm  nào trong xã hội Việt Nam hôm nay.
     Người ta ca tụng Việt Nam là nước có an ninh,  giỏi chống Covid, nhưng đồng thời cũng ngao ngán cảnh bạo hành nhan nhản xẩy ra khắp nơi từ trong nhà  ra  đường phố,  từ trường học đến chốn tu trì trang nghiêm. Ở đâu cũng có thể bị tấn công, chỗ nào cũng có thể bị « xử đẹp », hoàn cảnh nào cũng có thể bị thương vong, mất mạng.
    Nhưng thương nhất là các em bé. Người lớn đánh các em ở nhà, ở trường, ngoài đường, khắp nơi. Cứ muốn là đánh. Đánh không thương tiếc. Đánh cho hả giận. Đánh cho hạ hoả. Có những em mang tật cả đời vì bị người lớn đánh « qúa tay », có những em chết vì cơn nóng giận phi nhân, tàn ác của chính cha mẹ mình.
    Nhìn những cảnh đánh trẻ em mà như tra tấn gián điệp, kẻ thù, không ai không mủi lòng và phẫn nộ.
    Không  mủi lòng sao được trước nỗi khổ của những em bé  bị người lớn đánh te tua, sưng vù mặt mũi, vì không may bị bắt khi ăn cắp ổ bánh mì ? Không mủi lòng sao được trước tiếng khóc « xé dạ cắt lòng » của em bé bị người lớn liên hồi tát vào mặt,  vì sợ bị phạt đã nói láo ?  Không mủi lòng sao được trước van xin thống thiết thấu  Trời cao của em bé lăn lóc nhiều vòng dưới mũi giầy của người lớn, chỉ vì em đã không làm đúng điều người lớn muốn ?  Không mủi lòng sao được trước thân phận  nghèo, mồ côi, thiếu ăn thiếu mặc,  không được đến trường, phải tự bươn trải trên giòng đời để kiếm sống của tuổi thơ Việt Nam hôm nay, một sự thật mà người lớn Việt Nam phải  can đảm đối diện, nếu còn chút lương tri ?
        Đồng thời, tình cảm phẫn nộ cũng sục sôi trước những người lớn vô nhân đạo, khi thú tính  thống trị nhân tính, khi phần « con » lấn chiếm phần « người » đã hành xử không chỉ như dã thú, mà như ác qủy, bởi khi không còn nhân tính, loài người không « xuống cấp » để trở thành loài vật, nhưng « lên cấp » trong độc ác, dã man để trở thành ác qủy.
      Vì thế, khi đánh mất nhân tính, tức lòng nhân ái, tình người, con người sẽ gian dối, thủ đọan, tàn nhẫn, kinh dị như ma qủy, bởi  dã thú có dữ đến đâu cũng không ăn thịt con mình, có đáng sợ đến đâu cũng còn biết đường tránh, nhưng khi con người không còn nhân tính, lạc đường « nhân đạo », từ bỏ lòng nhân, con người sẽ ác như ác qủy.
     Con người mất nhân tính ác như ác qủy mới có thể nghĩ ra những đòn độc khi tra tấn khảo cung ; ác như ác qủy « máu mới đủ  lạnh » để  giết cha, tố mẹ, triệt hạ anh em ruột thịt ; ác như ác qủy mới lạnh lùng vung dao  xối xả chém giết những người vô tội hoàn toàn không quen biết, ân oán với mình đang ăn trong qúan ; ác như ác qủy mới nhẫn tâm liên tục tát vào mặt làm gẫy răng, trật quai hàm em bé năm, bảy tuổi giãy giuạ khóc trên sàn nhà ; ác như ác qủy mới đủ ma mãnh lập mưu đốt sống chồng, băm nhừ  xác vợ sau khi xiết cổ chết ; ác như ác qủy mới tỉnh bơ giật bông tai của người mẹ trẻ chở hai con nhỏ trên xe máy, để cả ba chết tang thương trên đường.  
     Vâng, đất nước chúng ta có nhiều điểm mạnh, nhưng cũng không thiếu những điểm yếu, và điểm yếu nhất đang làm chúng ta bất hạnh chính là làn sóng bạo lực, cao trào bạo hành đang hoành hành khắp trong xã hội.
   Đừng để bạo lực  với thời gian trở thành thân quen, dù trước đó chúng ta sợ hãi, tránh né ; đừng để bạo lực theo « vết dầu loang » ngày càng lấn sân, chiếm đất trong đời sống ; đừng thờ ơ, dửng dưng trước những cảnh bạo hành, nhất là bạo hành trẻ em, vì đó là một trọng tội không thể tha thứ ; đừng vô tình trở thành đồng loã bất đắc dĩ trước những hành động phi nhân tính, vì thái độ « bàng quan, vô trách nhiệm », bởi chính chúng ta sẽ trở thành nạn nhân của bạo lực một ngày không xa, nếu không ý thức mãnh lực phá hoại an sinh, hạnh phúc của bạo lực, và nguy hiểm khôn lường của bạo lực khi con người vì bạo lực mà bỏ quên nhân tính, nhân ái, nhân đạo.
    Ước gì chúng ta biết bớt xử dụng bạo lực để giải quyết vấn đề, giảm thiểu bạo lực để dàn xếp các mâu thuẫn trong tương quan, hạ thấp sĩ số nạn nhân của bạo lực, để đất nước được bình an, mọi người được hạnh phúc thực sự trong một xã hội mà lòng nhân ái được tôn trọng, đề cao. 
Jorathe Nắng Tím

CON TÔI ĂN CẮP VẶT !


Các cô “bảo mẫu” trong các nhà trẻ không lạ gì cảnh tranh dành đồ chơi, giành giật nhau chí chóe của các em bé. Không ngày nào không có vài em mếu máo méc cô “Bạn ghẹo, bạn đánh, bạn cào, bạn dành đồ chơi của bé” và cuộc vật lộn với đám trẻ liên tục gào thét vì  giành dật đồ chơi tiếp diễn đến phút cuối của một ngày “giữ  trẻ”.
Tranh giành biểu hiện nhu cầu sở hữu. Sở hữu là khao khát tự nhiên của con người và ai cũng muốn có của riêng để giữ, để làm chủ, để được gọi là ông chủ, bà chủ. Nghèo lắm thì cũng làm chủ thân xác mình, làm chủ hơi thở, ý nghĩ của mình.
Chính vì có nhu cầu sở hữu mà con người ai cũng muốn vơ vét, tích trữ, thu gom cho mình ; nhưng khi mức độ thu gom, tích trữ vượt quá giới hạn cho phép thì biến thành tham lam, đưa đến hành động chiếm đoạt, trấn lột bất chính, phi pháp.
Đứa bé đòi quyền sở hữu trên những gì thuộc về bé. Bé giữ kỹ đồ chơi của bé. Bé có thể cho bạn cùng chơi, nhưng sẽ đòi lại sau đó, hoặc không cho bạn chơi cùng và khư khư giữ chặt cho mình. Bé biểu lộ quyền làm chủ trên của cải và quyết chí bảo vệ quyền làm chủ ấy bằng la hét thất thanh, inh ỏi khi có bạn nào rắp ranh chiếm đoạt. Ngay từ những tháng đầu đời, em bé đã diễn tả quyền làm chủ này khi không muốn cho ai đụng vào bình sữa của bé.
Lớn hơn một chút, bé sẽ muốn mẹ là của riêng bé, ba là của riêng bé, em Gấu là  của riêng bé… và tất cả, nếu được đều là cuả riêng bé. Khuynh hướng chiếm đoạt  làm của riêng bắt đầu lớn dần trong bé…
Đến một lúc, em thực hiện quyền làm chủ một cách phi pháp là ăn cắp tài sản của người khác và biến thành của  mình. Tiến trình từ nhu cầu sở hữu đến ăn cắp, chiếm đoạt được thực hiện rất nhanh, và tạo nhiều bước nhẩy vọt đáng chú ý.
Khi ăn cắp, em bé đã rơi vào tâm lý tham lam: muốn sở hữu thật nhiều. Nhưng tại sao em tham lam ? Em tham lam là do em chưa hiểu được giới hạn của quyền sở hữu và đòi hỏi của công bình xã hội. Nói cách khác, em chưa được dậy về công bình trong tương quan nhân loại.
Công bình là một ý niệm nền tảng trong đời sống chung của loài người. Công bình quy định ranh giới quyền lợi và bổn phận của mỗi người; đồng thời ấn định những nguyên tắc để đảm bảo trật tự của sở hữu. Trong một xã hội thiếu công bình, người ta sẽ bị cám dỗ “ăn thịt” nhau như cá lớn nuốt từng đàn cá bé. Trong thế giới không công bình, con người sẽ trở nên lang sói, điạ ngục của nhau, vì ai cũng muốn làm chủ, thống trị người khác.
Công bình bắt nguồn từ lòng tôn trọng người khác. Nhờ tôn trọng “con người” của người khác, ta sẽ tôn trọng của cải vật chất của họ. Nhờ tôn trọng nhân vị, ta sẽ tôn trọng mọi giá trị của nhân vị ấy. Thiếu lòng tôn trọng tha nhân như nền tảng của công bình, ta sẽ không thể học thuộc bài học công bình trong đời sống. Như thế, giáo dục về công bình là  giáo trình không thể thiếu trong gia đình và là bổn phận của cha mẹ đối với con cái.
Khi thấy con ăn cắp, cha mẹ bắt đầu khám phá con mình đã vượt ranh giới của sở hữu chính đáng, khi xâm phạm quyền làm chủ của người khác. Qua hành động  ăn cắp, em đã phá bỏ hàng rào phân định quyền sở hữu của em với quyền sở hữu của người khác. Và đó là vi phạm cần được chỉnh sửa.
Cha mẹ có thể chỉnh sửa thói ăn cắp nơi con bằng tập cho con một cung cách điều độ : điều độ trong ăn uống, điều độ trong ăn mặc, điều độ trong ăn chơi. Khi dậy em bé không phí phạm đồ ăn, thức uống, không vứt bỏ bừa bãi lương thực, không lấy quá nhiều đồ ăn vào điã rồi bỏ bứa, cha mẹ đang huấn luyện con tinh thần  điều độ chừng mực, một tinh thần cần thiết  của công bình. Khi hạn chế mua sắm áo quần, không mặc sức mua sắm hàng hiệu, cha mẹ đang đưa con vào điều độ khuôn khổ của tiêu dùng, một kỷ luật cần thiết cho công bình. Khi định mức chi phí giải trí, tạm gọi là ăn chơi, cha mẹ đang đưa con vào con đường điều độ hợp lý, một điều kiện cần thiết cho công bình. Nhờ chỉnh sửa con điều độ trong  chừng mực, khuôn khổ, hợp lý, cha mẹ  dẫn con đến gần hơn ý thức về công bình.
Nhưng còn một bước  nữa để đạt ý thức công bình nơi em bé mà cha mẹ phải làm, đó là giá trị của cải : vật chất và tinh thần. Khi đề cập đến những giá trị này, cha mẹ sẽ cho em thấy : không một giá trị nào mà không đòi máu xương, mồ hôi, nước mắt ; không một của cải nào mà không đến từ bàn tay chai sần vất vả, từ khối óc nhọc nhằn hy sinh. Chính vì thế, những giá trị ấy đòi mọi người phải tôn trọng quyền làm chủ của người có quyền sở hữu chúng. Và một khi ngang nhiên, ngang ngược, ngang tàng chiếm đoạt, người ta đã vi phạm một trọng tội đáng khinh bỉ. Sở dĩ đáng khinh bỉ vì không chỉ vi phạm quyền làm chủ của người khác trên của cải của họ, mà còn vi phạm chính nhân vị của người ấy; đồng thời hạ thấp nhân cách của mình. Bằng một phương pháp sư phạm tiệm tiến, cha mẹ dần dà cắt nghiã cho em : ăn cắp là vi phạm chính nhân vị của người khác.
Tại sao phải cho em bé biết : ăn cắp là vi phạm chính nhân vị của người khác, mà không chỉ là vi phạm tài sản vật chất của họ ? Vì ăn cắp vật chất chỉ là ăn cắp ở mức độ còn có thể bồi thường, nhưng ăn cắp những giá trị tinh thần như danh dự, uy tín thì  chẳng bao giờ có thể hàn gắn, đền trả. Từ ăn cắp vật chất, em bé sẽ lớn và có thể trở thành tên ăn cắp những tài sản tinh thần la điều không ai dám nghĩ, nhưng có thể xẩy ra.
Công bình như thế sẽ là điểm tựa để con cái bám chặt vào khi bị lòng tham cám dỗ. Công bình sẽ là ngọn hải đăng soi sáng những đêm đen bất chính của ích kỷ. Công bình sẽ là con đường thiết lập những tương quan vững chắc và sâu đậm cho tương lai trước mặt. Và công bình là bài học cha mẹ phải dậy cho con từ tấm bé khi hạt cỏ tham lam mới nhen nhúm nẩy mầm, len lỏi phát sinh trong tâm hồn thơ trẻ.
Xã hội hôm nay đang trải qua cơn khủng hoảng lớn về công bình. Nếu em bé trong gia đình ăn cắp, thì người lớn trong xã hội tham nhũng, hối lộ. Điều xấu tưởng nhỏ nơi em bé đã trở thành quốc nạn. Người ta không còn ý niệm về công bình xã hội và thản nhiên ăn cắp của công, biển thủ ngân qũy, làm mọi cách để chiếm đoạt tài sản của người khác và của quốc gia. Xã hội băng hoại khi công bình không còn chỗ đứng, và tệ hơn, khi người công chính bị cô lập, tẩy chay, dập vùi, tống khứ. Xã hội ngày càng nhiều tệ đoan, vì xã hội thiếu công bình. Xã hội ngày càng nhiều người nghèo khổ, vì xã hội không còn công bình. Một xã hội mà người ta không còn coi công bình là một giá trị, mà tệ hơn khi coi công bình là một cản trở thì xã hội ấy sẽ đi về đâu ?
Giữa bối cảnh bất lợi cho giào dục công bình, cha mẹ phải cố gắng hai lần hơn để chuẩn bị cho xã hội, đất nước những người con yêu mến công bình, dám dấn thân cho công bình. Chuẩn bị bằng giáo dục con cái tinh thần tôn trọng người khác và những gì thuộc về người khác.
Nhưng giáo dục công bình hay giáo dục bất cứ điều gì khác đều cần đến gương mẫu sống động. Nếu cha mẹ vui khi thấy con mang về nhà những đồ “lấy” được ở trường, hoặc “nhặt” được ở chợ mà không đặt vấn đề những thứ đó ở đâu, ai cho, thì em bé sẽ tiếp tục làm vui lòng cha mẹ bằng cách càng ngày càng “thỉnh” về nhà nhiều thứ khác. Nếu cha mẹ nhắm mắt trước những “cầm nhầm” của con thì con sẽ tiếp tục cầm nhầm vì biết cha mẹ không bao giờ muốn mở mắt. Nếu cha mẹ cũng “của người bồ tát, của mình lạt buộc”, tiện đâu “chôm” đấy thì con cái dại gì không phóng tay phát động phong trào đi “hôi của”. Trái lại, một gia đình có cha mẹ nghiêm khắc trong nếp sống công bình, không chấp nhận bất công ngay trong sinh hoạt gia đình sẽ giúp con cái nhận ra giá trị luân lý của công bình. Một gia đình ở đó cha mẹ luôn tỉnh táo trước những « bất thường” của con, nhất là những bất thường trong tiêu xài, đồ dùng, quần áo, con cái sẽ khó rơi vào cạm bẫy của trộm cắp, lưu manh.            
Giáo dục công bình sẽ dẫn con cái đến lòng vị tha, bác ái, vì nền tảng của lòng nhân ái chính là công bình. Người ta không thể thương người khác, giúp đỡ người khác nếu không sống công bình với người khác. Công bình làm cho thế giới loài người an bình và làm cho đời sống xã hội hài hoà, trật tự.
Để đất nước có công bình, gia đình phải sống công bình. Với những người con được yêu thương và đối xử trong công bình, xã hội sẽ có những công dân tốt với tư duy, hành động, nếp sống công bình “chí công vô tư”.