Tìm kiếm Blog này

Thứ Sáu, 12 tháng 6, 2020

ĐỪNG ĐÁNH EM DÃ MAN NHƯ THẾ NỮA, TỘI LẮM!

Qủa thực, sau khi xem clip một sư cô với tu phục đánh dã man một em bé sáu, bẩy tuổi cũng mặc tu phục  ngay trong chùa được đăng trên trang mạng  Báo Mới  sáng ngày 12.06.2020, tôi không còn đủ bình tĩnh trước hành vi vô cùng bạo lực và tồi tệ của nhân vật « đáng kính », vì tu hành này.
    Trước hết, tôi loại bỏ hẳn chuyện tôn giáo, và không quan tâm đến người đánh em bé là «sư phụ, ni cô, ni sư », hay chức danh, chức sắc gì ; tôi cũng không lạm dụng việc làm rất  đáng trách này để kỳ thị  hay bôi nhọ bất cứ tôn giáo nào, nhưng  mục đích của bài này là nêu lên thói  bạo hành dã man ngày càng nhiều  và không còn ranh giới, biên cương, vùng cấm  nào trong xã hội Việt Nam hôm nay.
     Người ta ca tụng Việt Nam là nước có an ninh,  giỏi chống Covid, nhưng đồng thời cũng ngao ngán cảnh bạo hành nhan nhản xẩy ra khắp nơi từ trong nhà  ra  đường phố,  từ trường học đến chốn tu trì trang nghiêm. Ở đâu cũng có thể bị tấn công, chỗ nào cũng có thể bị « xử đẹp », hoàn cảnh nào cũng có thể bị thương vong, mất mạng.
    Nhưng thương nhất là các em bé. Người lớn đánh các em ở nhà, ở trường, ngoài đường, khắp nơi. Cứ muốn là đánh. Đánh không thương tiếc. Đánh cho hả giận. Đánh cho hạ hoả. Có những em mang tật cả đời vì bị người lớn đánh « qúa tay », có những em chết vì cơn nóng giận phi nhân, tàn ác của chính cha mẹ mình.
    Nhìn những cảnh đánh trẻ em mà như tra tấn gián điệp, kẻ thù, không ai không mủi lòng và phẫn nộ.
    Không  mủi lòng sao được trước nỗi khổ của những em bé  bị người lớn đánh te tua, sưng vù mặt mũi, vì không may bị bắt khi ăn cắp ổ bánh mì ? Không mủi lòng sao được trước tiếng khóc « xé dạ cắt lòng » của em bé bị người lớn liên hồi tát vào mặt,  vì sợ bị phạt đã nói láo ?  Không mủi lòng sao được trước van xin thống thiết thấu  Trời cao của em bé lăn lóc nhiều vòng dưới mũi giầy của người lớn, chỉ vì em đã không làm đúng điều người lớn muốn ?  Không mủi lòng sao được trước thân phận  nghèo, mồ côi, thiếu ăn thiếu mặc,  không được đến trường, phải tự bươn trải trên giòng đời để kiếm sống của tuổi thơ Việt Nam hôm nay, một sự thật mà người lớn Việt Nam phải  can đảm đối diện, nếu còn chút lương tri ?
        Đồng thời, tình cảm phẫn nộ cũng sục sôi trước những người lớn vô nhân đạo, khi thú tính  thống trị nhân tính, khi phần « con » lấn chiếm phần « người » đã hành xử không chỉ như dã thú, mà như ác qủy, bởi khi không còn nhân tính, loài người không « xuống cấp » để trở thành loài vật, nhưng « lên cấp » trong độc ác, dã man để trở thành ác qủy.
      Vì thế, khi đánh mất nhân tính, tức lòng nhân ái, tình người, con người sẽ gian dối, thủ đọan, tàn nhẫn, kinh dị như ma qủy, bởi  dã thú có dữ đến đâu cũng không ăn thịt con mình, có đáng sợ đến đâu cũng còn biết đường tránh, nhưng khi con người không còn nhân tính, lạc đường « nhân đạo », từ bỏ lòng nhân, con người sẽ ác như ác qủy.
     Con người mất nhân tính ác như ác qủy mới có thể nghĩ ra những đòn độc khi tra tấn khảo cung ; ác như ác qủy « máu mới đủ  lạnh » để  giết cha, tố mẹ, triệt hạ anh em ruột thịt ; ác như ác qủy mới lạnh lùng vung dao  xối xả chém giết những người vô tội hoàn toàn không quen biết, ân oán với mình đang ăn trong qúan ; ác như ác qủy mới nhẫn tâm liên tục tát vào mặt làm gẫy răng, trật quai hàm em bé năm, bảy tuổi giãy giuạ khóc trên sàn nhà ; ác như ác qủy mới đủ ma mãnh lập mưu đốt sống chồng, băm nhừ  xác vợ sau khi xiết cổ chết ; ác như ác qủy mới tỉnh bơ giật bông tai của người mẹ trẻ chở hai con nhỏ trên xe máy, để cả ba chết tang thương trên đường.  
     Vâng, đất nước chúng ta có nhiều điểm mạnh, nhưng cũng không thiếu những điểm yếu, và điểm yếu nhất đang làm chúng ta bất hạnh chính là làn sóng bạo lực, cao trào bạo hành đang hoành hành khắp trong xã hội.
   Đừng để bạo lực  với thời gian trở thành thân quen, dù trước đó chúng ta sợ hãi, tránh né ; đừng để bạo lực theo « vết dầu loang » ngày càng lấn sân, chiếm đất trong đời sống ; đừng thờ ơ, dửng dưng trước những cảnh bạo hành, nhất là bạo hành trẻ em, vì đó là một trọng tội không thể tha thứ ; đừng vô tình trở thành đồng loã bất đắc dĩ trước những hành động phi nhân tính, vì thái độ « bàng quan, vô trách nhiệm », bởi chính chúng ta sẽ trở thành nạn nhân của bạo lực một ngày không xa, nếu không ý thức mãnh lực phá hoại an sinh, hạnh phúc của bạo lực, và nguy hiểm khôn lường của bạo lực khi con người vì bạo lực mà bỏ quên nhân tính, nhân ái, nhân đạo.
    Ước gì chúng ta biết bớt xử dụng bạo lực để giải quyết vấn đề, giảm thiểu bạo lực để dàn xếp các mâu thuẫn trong tương quan, hạ thấp sĩ số nạn nhân của bạo lực, để đất nước được bình an, mọi người được hạnh phúc thực sự trong một xã hội mà lòng nhân ái được tôn trọng, đề cao. 
Jorathe Nắng Tím

0 nhận xét: