Tìm kiếm Blog này

Thứ Sáu, 12 tháng 6, 2020

CON TÔI ĂN CẮP VẶT !


Các cô “bảo mẫu” trong các nhà trẻ không lạ gì cảnh tranh dành đồ chơi, giành giật nhau chí chóe của các em bé. Không ngày nào không có vài em mếu máo méc cô “Bạn ghẹo, bạn đánh, bạn cào, bạn dành đồ chơi của bé” và cuộc vật lộn với đám trẻ liên tục gào thét vì  giành dật đồ chơi tiếp diễn đến phút cuối của một ngày “giữ  trẻ”.
Tranh giành biểu hiện nhu cầu sở hữu. Sở hữu là khao khát tự nhiên của con người và ai cũng muốn có của riêng để giữ, để làm chủ, để được gọi là ông chủ, bà chủ. Nghèo lắm thì cũng làm chủ thân xác mình, làm chủ hơi thở, ý nghĩ của mình.
Chính vì có nhu cầu sở hữu mà con người ai cũng muốn vơ vét, tích trữ, thu gom cho mình ; nhưng khi mức độ thu gom, tích trữ vượt quá giới hạn cho phép thì biến thành tham lam, đưa đến hành động chiếm đoạt, trấn lột bất chính, phi pháp.
Đứa bé đòi quyền sở hữu trên những gì thuộc về bé. Bé giữ kỹ đồ chơi của bé. Bé có thể cho bạn cùng chơi, nhưng sẽ đòi lại sau đó, hoặc không cho bạn chơi cùng và khư khư giữ chặt cho mình. Bé biểu lộ quyền làm chủ trên của cải và quyết chí bảo vệ quyền làm chủ ấy bằng la hét thất thanh, inh ỏi khi có bạn nào rắp ranh chiếm đoạt. Ngay từ những tháng đầu đời, em bé đã diễn tả quyền làm chủ này khi không muốn cho ai đụng vào bình sữa của bé.
Lớn hơn một chút, bé sẽ muốn mẹ là của riêng bé, ba là của riêng bé, em Gấu là  của riêng bé… và tất cả, nếu được đều là cuả riêng bé. Khuynh hướng chiếm đoạt  làm của riêng bắt đầu lớn dần trong bé…
Đến một lúc, em thực hiện quyền làm chủ một cách phi pháp là ăn cắp tài sản của người khác và biến thành của  mình. Tiến trình từ nhu cầu sở hữu đến ăn cắp, chiếm đoạt được thực hiện rất nhanh, và tạo nhiều bước nhẩy vọt đáng chú ý.
Khi ăn cắp, em bé đã rơi vào tâm lý tham lam: muốn sở hữu thật nhiều. Nhưng tại sao em tham lam ? Em tham lam là do em chưa hiểu được giới hạn của quyền sở hữu và đòi hỏi của công bình xã hội. Nói cách khác, em chưa được dậy về công bình trong tương quan nhân loại.
Công bình là một ý niệm nền tảng trong đời sống chung của loài người. Công bình quy định ranh giới quyền lợi và bổn phận của mỗi người; đồng thời ấn định những nguyên tắc để đảm bảo trật tự của sở hữu. Trong một xã hội thiếu công bình, người ta sẽ bị cám dỗ “ăn thịt” nhau như cá lớn nuốt từng đàn cá bé. Trong thế giới không công bình, con người sẽ trở nên lang sói, điạ ngục của nhau, vì ai cũng muốn làm chủ, thống trị người khác.
Công bình bắt nguồn từ lòng tôn trọng người khác. Nhờ tôn trọng “con người” của người khác, ta sẽ tôn trọng của cải vật chất của họ. Nhờ tôn trọng nhân vị, ta sẽ tôn trọng mọi giá trị của nhân vị ấy. Thiếu lòng tôn trọng tha nhân như nền tảng của công bình, ta sẽ không thể học thuộc bài học công bình trong đời sống. Như thế, giáo dục về công bình là  giáo trình không thể thiếu trong gia đình và là bổn phận của cha mẹ đối với con cái.
Khi thấy con ăn cắp, cha mẹ bắt đầu khám phá con mình đã vượt ranh giới của sở hữu chính đáng, khi xâm phạm quyền làm chủ của người khác. Qua hành động  ăn cắp, em đã phá bỏ hàng rào phân định quyền sở hữu của em với quyền sở hữu của người khác. Và đó là vi phạm cần được chỉnh sửa.
Cha mẹ có thể chỉnh sửa thói ăn cắp nơi con bằng tập cho con một cung cách điều độ : điều độ trong ăn uống, điều độ trong ăn mặc, điều độ trong ăn chơi. Khi dậy em bé không phí phạm đồ ăn, thức uống, không vứt bỏ bừa bãi lương thực, không lấy quá nhiều đồ ăn vào điã rồi bỏ bứa, cha mẹ đang huấn luyện con tinh thần  điều độ chừng mực, một tinh thần cần thiết  của công bình. Khi hạn chế mua sắm áo quần, không mặc sức mua sắm hàng hiệu, cha mẹ đang đưa con vào điều độ khuôn khổ của tiêu dùng, một kỷ luật cần thiết cho công bình. Khi định mức chi phí giải trí, tạm gọi là ăn chơi, cha mẹ đang đưa con vào con đường điều độ hợp lý, một điều kiện cần thiết cho công bình. Nhờ chỉnh sửa con điều độ trong  chừng mực, khuôn khổ, hợp lý, cha mẹ  dẫn con đến gần hơn ý thức về công bình.
Nhưng còn một bước  nữa để đạt ý thức công bình nơi em bé mà cha mẹ phải làm, đó là giá trị của cải : vật chất và tinh thần. Khi đề cập đến những giá trị này, cha mẹ sẽ cho em thấy : không một giá trị nào mà không đòi máu xương, mồ hôi, nước mắt ; không một của cải nào mà không đến từ bàn tay chai sần vất vả, từ khối óc nhọc nhằn hy sinh. Chính vì thế, những giá trị ấy đòi mọi người phải tôn trọng quyền làm chủ của người có quyền sở hữu chúng. Và một khi ngang nhiên, ngang ngược, ngang tàng chiếm đoạt, người ta đã vi phạm một trọng tội đáng khinh bỉ. Sở dĩ đáng khinh bỉ vì không chỉ vi phạm quyền làm chủ của người khác trên của cải của họ, mà còn vi phạm chính nhân vị của người ấy; đồng thời hạ thấp nhân cách của mình. Bằng một phương pháp sư phạm tiệm tiến, cha mẹ dần dà cắt nghiã cho em : ăn cắp là vi phạm chính nhân vị của người khác.
Tại sao phải cho em bé biết : ăn cắp là vi phạm chính nhân vị của người khác, mà không chỉ là vi phạm tài sản vật chất của họ ? Vì ăn cắp vật chất chỉ là ăn cắp ở mức độ còn có thể bồi thường, nhưng ăn cắp những giá trị tinh thần như danh dự, uy tín thì  chẳng bao giờ có thể hàn gắn, đền trả. Từ ăn cắp vật chất, em bé sẽ lớn và có thể trở thành tên ăn cắp những tài sản tinh thần la điều không ai dám nghĩ, nhưng có thể xẩy ra.
Công bình như thế sẽ là điểm tựa để con cái bám chặt vào khi bị lòng tham cám dỗ. Công bình sẽ là ngọn hải đăng soi sáng những đêm đen bất chính của ích kỷ. Công bình sẽ là con đường thiết lập những tương quan vững chắc và sâu đậm cho tương lai trước mặt. Và công bình là bài học cha mẹ phải dậy cho con từ tấm bé khi hạt cỏ tham lam mới nhen nhúm nẩy mầm, len lỏi phát sinh trong tâm hồn thơ trẻ.
Xã hội hôm nay đang trải qua cơn khủng hoảng lớn về công bình. Nếu em bé trong gia đình ăn cắp, thì người lớn trong xã hội tham nhũng, hối lộ. Điều xấu tưởng nhỏ nơi em bé đã trở thành quốc nạn. Người ta không còn ý niệm về công bình xã hội và thản nhiên ăn cắp của công, biển thủ ngân qũy, làm mọi cách để chiếm đoạt tài sản của người khác và của quốc gia. Xã hội băng hoại khi công bình không còn chỗ đứng, và tệ hơn, khi người công chính bị cô lập, tẩy chay, dập vùi, tống khứ. Xã hội ngày càng nhiều tệ đoan, vì xã hội thiếu công bình. Xã hội ngày càng nhiều người nghèo khổ, vì xã hội không còn công bình. Một xã hội mà người ta không còn coi công bình là một giá trị, mà tệ hơn khi coi công bình là một cản trở thì xã hội ấy sẽ đi về đâu ?
Giữa bối cảnh bất lợi cho giào dục công bình, cha mẹ phải cố gắng hai lần hơn để chuẩn bị cho xã hội, đất nước những người con yêu mến công bình, dám dấn thân cho công bình. Chuẩn bị bằng giáo dục con cái tinh thần tôn trọng người khác và những gì thuộc về người khác.
Nhưng giáo dục công bình hay giáo dục bất cứ điều gì khác đều cần đến gương mẫu sống động. Nếu cha mẹ vui khi thấy con mang về nhà những đồ “lấy” được ở trường, hoặc “nhặt” được ở chợ mà không đặt vấn đề những thứ đó ở đâu, ai cho, thì em bé sẽ tiếp tục làm vui lòng cha mẹ bằng cách càng ngày càng “thỉnh” về nhà nhiều thứ khác. Nếu cha mẹ nhắm mắt trước những “cầm nhầm” của con thì con sẽ tiếp tục cầm nhầm vì biết cha mẹ không bao giờ muốn mở mắt. Nếu cha mẹ cũng “của người bồ tát, của mình lạt buộc”, tiện đâu “chôm” đấy thì con cái dại gì không phóng tay phát động phong trào đi “hôi của”. Trái lại, một gia đình có cha mẹ nghiêm khắc trong nếp sống công bình, không chấp nhận bất công ngay trong sinh hoạt gia đình sẽ giúp con cái nhận ra giá trị luân lý của công bình. Một gia đình ở đó cha mẹ luôn tỉnh táo trước những « bất thường” của con, nhất là những bất thường trong tiêu xài, đồ dùng, quần áo, con cái sẽ khó rơi vào cạm bẫy của trộm cắp, lưu manh.            
Giáo dục công bình sẽ dẫn con cái đến lòng vị tha, bác ái, vì nền tảng của lòng nhân ái chính là công bình. Người ta không thể thương người khác, giúp đỡ người khác nếu không sống công bình với người khác. Công bình làm cho thế giới loài người an bình và làm cho đời sống xã hội hài hoà, trật tự.
Để đất nước có công bình, gia đình phải sống công bình. Với những người con được yêu thương và đối xử trong công bình, xã hội sẽ có những công dân tốt với tư duy, hành động, nếp sống công bình “chí công vô tư”.   

0 nhận xét: