Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 9 tháng 12, 2019

VĂN HOÁ CẠNH TRANH LÀNH MẠNH


Nhiều người tự biện minh cho những hành vi không lương thiện trong việc làm ăn của mình bằng phương châm “Thương trường là chiến trường”. Và tự cho mình cái quyền hạ gục đối phương bằng bất cứ phương tiện nào, dù phi nhân, phi đạo đức đến đâu. Đây là hiện tượng phá hoại tận gốc rễ, nền tảng luân lý, đạo đức, nhưng rất tiếc, hiện tượng này ngày càng trở nên bình thường và được coi là chuyện tự nhiên, đương nhiên, không thể làm khác nếu muốn tồn tại, thành công.
Thực ra, chúng ta không chỉ lo lắng trước tình trạng cạnh tranh thiếu lành mạnh, cạnh tranh không lương thiện trong kinh doanh, thương mại, mà còn lo sợ trước tình trạng cạnh tranh “bá đạo” trong mọi sinh hoạt của đời sống. Do ảnh hưởng chủ nghiã thực dụng, người ta dễ dàng nghĩ đến chuyện truy diệt những người cùng buôn bán một mặt hàng, cùng làm một ngành nghề, cùng theo đuổi một chủ trương, đường hướng, để tiến đến độc quyền thao túng thị trường, độc quyền khống chế sinh hoạt xã hội. Vì thế, đừng tưởng những người cùng chung một nghề, cùng thực hiện một công việc luôn biết đoàn kết, tương thân tương trợ, trái lại, chính những người chung nghề như ta lại tìm cách giết ta bạo tay hơn người khác, những người cùng đường hướng hoạt động như ta lại là đối thủ nguy hiểm nhất của ta. Và qủa thực, lòng người qúa khó dò, khó đo !
Thực tế làm chứng điều này, khi báo chí đăng tin những đại gia dùng mọi thủ đọan đê hèn đốn hạ nhau, như  làm tờ rơi vu khống, bôi bác, mạ lỵ, hoặc như tiệm phở kia đã bị bà chủ quán phở đối diện gài người bỏ muối vào nồi phở, bỏ thuốc vào đồ ăn. Kết qủa là khách hàng bị đau bụng, và tất nhiên nhà hàng mất khách, phải đóng cửa, đồng thời bị truy tố. Cũng vậy, rất nhiều công ty đã phá sản vì bị công ty đối thủ cạnh tranh bằng gài người ăn cắp thông tin, gieo tin đồn, gây chia rẽ nội bộ, thúc đẩy, mua chuộc nhân viên chống đối giám đốc, đình công, bãi thị. Cùng một cách thức, đời sống khu phố, thôn xóm thường xuyên xáo trộn, mất đoàn kết,   những màn hạ uy tín, vùi dập danh dự, đấu đá, tranh chấp giữa  hàng xóm láng diềng, do cạnh tranh không lành mạnh, bằng những phương tiện triệt hạ nhau rất  xấu xa, thô bỉ.
Nhiều người nghĩ rằng : đã cạnh trạnh thì không cần đạo đức, cũng như đã vào cuộc chiến “thua được, sống chết”, thì bất cứ vũ khí nào cũng được tự do sử dụng. Đàng khác, một khi đã gọi là lâm chiến, lâm trận thì không độc ác không được, không dã man không xong, không tàn bạo không chiến thắng, nên mọi thủ đọan ma mãnh, mọi mưu kế thâm độc, mọi kế hoạch gian xảo, mọi chiêu trò qủy quyệt đều coi như được phép, và mọi phương tiện, cách thế dù độc địa, tàn ác đến đâu cũng không làm người ta rùng mình, nương tay, chùn bước. Và do ý nghĩ duy nhất khi cạnh tranh là phải chiến thắng, phải thành công, phải hạ cho bằng được đối phương, bởi đối phương sống, thì ta chết, nên ta muốn sống, bằng mọi giá ta phải tiêu diệt, đốn gục đối phương.
Như thế sẽ không còn đạo đức trong cạnh tranh, khi thắng thua là tiêu chí, và hai bên không thể sống chung dưới một bầu trời, hai đối thủ không thể thở chung một làn khí, hai kẻ thù không được chiếu sáng chung bởi một mặt trời.
Nhưng tại sao cạnh tranh lại phi đạo đức, và không lành mạnh ?  
Thưa vì người ta lầm tưởng cạnh tranh là chiến tranh, sai lầm khi đồng hoá cạnh tranh với chiến tranh, và ảo tưởng khoác cho cạnh tranh áo giáp của chiến tranh, trang bị cho cạnh tranh vũ khí chiến tranh, và ép sinh hoạt cạnh tranh vốn bình thường, lành mạnh trở thành cuộc chiến tang thương, đẫm máu.    
Thực vậy, cạnh tranh không là chiến tranh, vì cạnh tranh là cố gắng vươn lên, là phấn đấu để vươn cao, vươn xa, vượt trội nhờ ý chí, khả năng, nghị lực. Trí thông minh, óc sáng tạo, tinh thần qủa cảm, hy sinh và việc làm hữu hiệu, có chất lượng là điều kiện, phương tiện, khí giới để cạnh tranh thành công. Giữa nhiều cửa tiệm buôn bán, giữa nhiều xí nghiệp sản xuất, giữa nhiều công ty dịch vụ, người ta đều có quyền và phải nỗ lực cạnh tranh, vì đó là luật tự nhiên, luật xã hội, luật lao động, khi ai nấy đều muốn sản phẩm của mình tốt hơn sản phẩm của người khác, dịch vụ của mình làm vui lòng khách hàng  hơn dịch vụ của công ty bạn. Có như thế con người mới tiến bộ, kinh tế mới phát triển, quốc gia mới phú cường.
Khi hiểu đúng cạnh tranh là cuộc thi đua lành mạnh, nghiã là mọi người đều được kêu gọi cố gắng để thành công hơn những người khác, xí nghiệp được nhắc nhở sản xuất sản phẩm có chất lượng hơn các xí nghiệp bạn với tinh thần cầu tiến, và lương thiện, cạnh tranh sẽ không còn là cuộc chiến tranh tương tàn, khi anh em, bạn bè, đồng nghiệp tìm cách đánh sụp cơ đồ, sự nghiệp của nhau cách tàn nhẫn, bằng những thủ đọan đê tiện ; cạnh tranh sẽ không bị xếp vào danh sách cuộc chiến  không đội trời chung giữa những người làm chung một ngành nghề, chủ trương chung một đường lối, khi không ngại xuống tay làm “tan gia bại sản” của nhau ; cạnh tranh sẽ không cho phép chiến tranh can thiệp với những chiến thuật, chiến lược tàn bạo, những vũ khí giết người, bởi chiến tranh không là cạnh tranh, khi chiến tranh đòi máu xương, thì cạnh tranh cậy nhờ trí tuệ, tìm đến ý chí  phấn đấu, hy sinh và dựa vào tinh thần hăng say làm việc.
Tóm lại, cạnh tranh là đòi hỏi tốt đẹp, điều kiện cần thiết, và việc làm chính đáng trong cuộc sống mà ai cũng phải cố gắng thực hiện, nếu muốn thành công hơn người. Đây là cuộc thi đua, phấn đấu đúng nghiã nhân văn cao qúy, khi đem hết khả năng, tài trí và nỗ lực của mình để xây dựng tương lai bản thân, và đóng góp vào sự phát triển của quê hương, đất nước, cũng như  hạnh phúc của cả nhân loại. Cạnh tranh khi ấy sẽ không vẩn đục ý nghĩ thù hận, ganh ghét, không vướng víu thủ đọan phi nhân, không tanh dơ mùi máu xương bạo lực, không nhơ nhớp những cáo trạng vu khống gian ác, hồ đồ, chỉ vì muốn diệt cho bằng được đối phương để  thành đạt, phải bước lên xác người khác để tiến thân khi đồng hoá cạnh tranh với chiến tranh và hăng say lao mình vào những cạnh tranh bất chính, không lành mạnh.     
Một xã hội mà cạnh tranh không lành mạnh, khi người ta lầm tưởng cạnh tranh là chiến tranh, thi đua là đấu đá, phấn đấu là hạ gục, tiêu diệt, thì diệt vong sẽ là tai hoạ không thể tránh. Vì thế, để con người sống bình an, xã hội chan hòa hạnh phúc, chúng ta phải cùng nhau phát huy nền văn hoá cạnh tranh lành mạnh, để đẩy lui não trạng “thương trường là chiến trường”, não trạng đã làm rạn nứt nền móng nhân ái, lương thiện của nhiều thế hệ, và hệ lụy của hiện tượng rạn nứt ấy vẫn còn rất nặng nề trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta.
Ước mong thế hệ trẻ hôm nay ý thức giá trị và ý nghiã đích thực của văn hoá cạnh tranh lành mạnh để cuộc sống ngày càng thăng tiến cho hạnh phúc của mọi người.
Jorathe Nắng Tím

VĂN HÓA THÂN THIỆN

Đến một nơi hoàn toàn xa lạ, không quen biết ai, ngôn ngữ lại không rành, thì điều ước mơ lớn sẽ là gặp được một người có lòng tốt và thân thiện chỉ dẫn. Mới dọn đến lưu xá sinh viên năm đầu đại học, gặp được người bạn hàng xóm thân thiện để được giúp đỡ là một may mắn không dễ quên trong đời đi học. Hốt hoảng, ngơ ngác vì lạc đường, lạc nhóm giữa thành phố lớn trong chuyến du lịch nước ngoài, sẽ không gì sung sướng hơn khi gặp được người bản xứ thân thiện tận tình dẫn về khách sạn. Bị mất cắp điện thoại, giấy tờ trên đất khách quê người, sẽ không gì vui hơn được nhân viên an ninh thân thiện tìm cách giúp liên lạc với người thân.
Như thế, thân thiện là thái độ của người có lòng tốt sẵn sàng và tận tình giúp đỡ người khác khi họ cần, hoặc đoán trước nhu cầu của người khác và tự nguyện đề nghị giúp đỡ, như người nào đó thân thiện hỏi ta có cần họ giúp một tay không, khi thấy ta vất vả loay hoay với “tay xách nách mang”, đùm đề đồ đạc lỉnh kỉnh, lại đèo bồng hai con nhỏ nheo nhóc trước quầy “check -  in” ở phi trường. Thân thiện còn là thái độ vui vẻ chào thăm, hỏi han, vấn an người khác cách lịch sự, để tạo tương quan tin tưởng, và bầu khí thoải mái, vui tươi.
Người thân thiện không ngại mở đầu câu chuyện bằng lời chào niềm nở ; không ngượng ngùng nắm chặt bàn tay nói lời vấn an ; không rụt rè trao gửi nụ cười thân ái chung vui, và lúc nào cũng như muốn mở lòng, để cùng người chung quanh tạo thêm những tương quan mới, có thêm những bạn hiền mới, nối kết những tình thân mới. Người thân thiện luôn tươi tắn, dễ thương, hoà nhã, lịch sự, vì tận đáy sâu tâm hồn, họ có lòng tôn trọng tha nhân, tinh thần vị tha, bác ái, và tính năng nổ hay giúp đỡ, thích phục vụ mọi người.
Do đó, thân thiện không là thái độ bông lơi, nhẹ dạ, càng không là “tà lanh, tà lẹc”, xí xoọng, linh tinh, nhưng là đức tính cao qúy, nét đẹp nhân văn, nền văn hoá tuyệt vời làm cho các tương quan hài hoà, và đời sống xã hội an vui, hạnh phúc.
Trong xã hội văn minh, văn hoá thân thiện được coi là rất cần thiết, vì ở đó người ta đối xử với nhau lịch sự, có tình người, thể hiện qua thái độ thân thiện tôn trọng quyền lợi của nhau, qua lời ăn tiếng nói thân thiện khi trao đổi, qua cử chỉ thân thiện khi gặp gỡ, qua cách thế thân thiện khi cùng giải quyết một vấn đề, sự việc. Xã hội văn minh không cho phép con người  thô lỗ, bạo lực, dửng dưng, bất cần nhau trong sinh hoạt, nghiã là người văn minh phải là người có văn hoá thân thiện, khi loại bỏ khỏi đời sống chung những lời nói, việc làm mang tính chia rẽ, khai trừ, tẩy chay, loại bỏ. Những thái độ “phùng mang trợn mắt” như muốn “ăn tươi nuốt sống” người khác, những kiểu cách côn đồ, đe dọa, kiêu căng “xưng hùng xưng bá”, cả những phong thái lạnh nhạt, vô tâm, vô trách nhiệm đối với người chung quanh đều đi ngược nếp sống văn hoá thân thiện, và không xứng hợp với con người thân thiện.
Chính vì thế, khi phải ở trong một xã hội chậm tiến, kém phát triển, nhất là về phương diện giáo dục, thì người có văn hoá thân thiện dễ bị coi là người thiếu khôn ngoan khi chung quanh đầy những kẻ lưu manh, gian xảo, hở ra là chôm chỉa, cướp bóc ; dễ bị coi là người không cẩn trọng, khi xã hội dung dưỡng những kẻ lợi dụng lòng tốt của người khác ; dễ bị coi là ngây thơ, dại khờ trước phần đông những người mà trái tim đã hầu như vô cảm, chai đá. Và trong xã hội chậm tiến đó,  người ta coi thường những con người có tâm hồn và nếp sống thân thiện rất đáng trân qúy này.
Họ thực là những người rất đáng trân qúy, vì lối sống thân thiện của họ đem lại niềm vui cho cuộc sống, an ủi cho nhiều người, bởi một thế giới  gồm toàn những gương mặt cau có, khó chịu, lầm lì, “đâm lê”, thì hỏi niềm vui giữa người với người sẽ tìm đâu ra đất sống ? Họ thực là những người đáng trân trọng, vì có họ, gánh nặng đời sống của nhiều người sẽ bớt nặng hơn, khi được cảm thông, nâng đỡ bởi những tương giao thân thiện, những chia sẻ thân thiện. Họ thực là những người rất đáng tuyên dương, vì thái độ thân thiện phát xuất tự nhiên từ tâm hồn vị tha, nhân ái đã cho cuộc sống những bông hồng tươi thắm tình người.
Tóm lại, để trở thành người có văn hoá thân thiện, chúng ta không thể không trang bị cho mình một trái tim nhân ái, bởi không nhân ái, chúng ta không thể thân thiện được với ai, vì thân thiện chính là mở lòng ra với người khác, thân thiện là đưa bàn tay quảng đại và phục vụ ra cho người khác, thân thiện là hoà nhịp đập của trái tim với vui, buồn của người khác, thân thiện là đằm thắm chia sẻ và ân cần nâng đỡ người khác, thân thiện là quên mình để mang lại cho người khác niềm vui và hạnh phúc biết mình được quan tâm, trân trọng, yêu mến.
Vâng, được ở  khu phố có văn hoá thân thiện, được làm việc trong xí nghiệp có văn hoá thân thiện, được sống giữa xã hội có văn hoá thân thiện, cũng như được giao lưu, và ở với người có văn hoá thân thiện, chúng ta thực sự là những người may mắn hơn tất cả, bởi không gì đem đến cho ta niềm vui sống bằng tình người thân thiện, và không ai cho ta hạnh phúc sống hơn người có trái tim và lối sống thân thiện là “hoa thơm, trái ngọt” của văn minh loài người.
Jorathe Nắng Tím  

GIÁNG SINH CỦA NHỮNG NGƯỜI HÈN MỌN, BÉ NHỎ

Bêlem trong đêm Chúa giáng sinh cách đây hơn hai ngàn năm chắc chắn không như đêm giáng sinh năm nay ở Rôma, Paris, Nữu Ước, Sàigòn, … với trời đầy sao sáng, những đại lộ rộng lớn, muôn mầu rực rỡ, những cửa hàng lộng lẫy, sang trọng, và rừng người chen chúc xuống đường mừng Noel.
Qủa thực, Giáng Sinh năm xưa ở Bêlem không huy hoàng, tráng lệ như hôm nay, nhưng im lìm, lặng lẽ, không kèn đồng, trống phách, không tiếng người vui nhộn, không pháo nổ rền vang, không cây thông với thiệp mừng, quà tặng, không tiệc tùng với rượu qúy, đặc sản đắt tiền.
Giáng sinh năm ấy rất lặng lẽ với đám “người chăn chiên sống ngoài đồng và thức đêm canh giữ đàn vật”. Họ được thiên thần báo tin. Họ đã sang Bêlem và đã thấy “một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ”, cùng với bà Maria, ông Giuse, thân sinh của Hài Nhi (x. Lc 2,8-16).
Tin Mừng đã mô tả toàn thể quang cảnh đêm giáng sinh ở Bêlem, và quang cảnh ấy thật vắng vẻ, êm đềm, thanh tịnh : vắng vẻ vì chỉ vỏn vẹn một nhóm chăn chiên, với thánh gia ; êm đềm vì cuộc gặp gỡ đã diễn ra rất nhẹ nhàng, chóng vánh, không huyên náo, ồn ào ; thanh tịnh vì bầu khí êm ả, trong sáng, đơn sơ, nghèo nàn. Qủa là một đêm an bình, một trời thanh bình, một cõi lòng bình an, khi Ngôi Lời đã bé nhỏ, kín đáo, âm thầm “làm người”, như không muốn đánh thức, làm phiền giấc ngủ của bất cứ tạo vật nào. Ngôi Lời “bé nhỏ” đã không đến trong cung điện nguy nga của vua Hêrođê, giữa lòng thủ đô Giêrusalem huyên náo, nhộn nhịp, nhưng chọn cánh đồng Bêlem chìm trong đêm tối, chìm trong thinh lặng, chìm trong nghèo khó, và ở giữa bóng đêm, thinh lặng, nghèo khó ấy, Thiên Chúa đã xuống thế làm người và ở giữa chúng ta.
Chọn Bêlem bé nhỏ, chọn thánh gia nghèo nàn, chọn đêm khuya thanh vắng, chọn thời điểm khó khăn, Thiên Chúa đã đi ngược suy đóan của con người, vì ai cũng nghĩ với lời loan báo “Hôm nay Đấng Cứu Thế đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đavít, Người là Đấng Kitô, Đức Chúa” (Lc 2,11), Ngôi Lời sẽ đến trong vinh quang ngời sáng uy lực của Thiên Chúa các đạo binh, ai cũng tưởng Đấng Thiên Sai sẽ “oai phong lẫm liệt” vào đời cho xứng với danh hiệu và vinh dự Đức Chúa,  nhưng đã không có gì xẩy ra như ý nghĩ của con người, không có gì đã thực hiện như suy đoán của phàm nhân, khi ánh sáng của Thiên Chúa đã không chói sáng đến độ làm mù loà những người chăn chiên nghèo khó, cũng không quét sáng cả vùng để mọi người tỉnh giấc, vội vàng kéo nhau từng đoàn đông đảo đến Máng Cỏ Bêlem. Trái lại, ánh sáng dịu dàng của Thiên Chúa đã chỉ nói với những người chăn chiên nghèo hèn, đơn sơ, chất phác ; ánh sáng thân thiện, đằm thắm của Ngôi Hai đã chỉ trao đổi với những con người mà tâm hồn luôn sẵn sàng đón nhận ánh sáng ngay trong đêm đen, và bóng tối của cuộc sống hằng ngày ; ánh sáng tế nhị, ân cần của Đấng Cứu Thế đã chỉ chia sẻ với những con người bị xã hội khinh khi, nhưng vẫn hiền lành, nhân hậu. Và ánh sáng của Hài Nhi Giêsu đã kín đáo đến với nhân loại qua những con đuờng hiền lành, khiêm nhường, nghèo khó, để những con đường ngợp ánh đèn kiêu căng, những dẫy phố giăng kín sao danh vọng, những đại lộ chói chan ích kỷ, gian tham đã không là đường để ánh sáng nhẹ nhàng, êm dịu, khiêm cung của Thiên Chúa làm người đi qua, đến với nhân loại.         
Nhưng tại sao ánh sáng của Thiên Chúa giáng sinh lại chọn những con người nhỏ bé, nghèo hèn ?
Vì cuộc đời họ là đêm tối được tạo ra do lòng ích kỷ, tham lam của đồng loại quyền thế, nên họ khao khát được ánh sáng Thiên Chúa chiếu soi, để họ không suốt đời phải tuyệt vọng trong tủi nhục, khi ánh sáng đến cho họ biết : “Chúa biểu dương sức mạnh... Người nâng mọi kẻ khiêm nhường… Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư” (Lc 1,51.52.53). Vì cuộc sống họ là bóng đêm làm nên bởi tham vọng bất chính của kẻ mạnh, nên họ mơ ước gặp được ánh sáng giải phóng, để đời họ không mãi là thân tù đầy, kiếp nô lệ, phận hẩm hiu, tăm tối, khi ánh sáng “loan báo Tin Mừng  cho kẻ nghèo hèn, công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức” (x. Lc 4,18-19). Vì kiếp người của họ chìm sâu trong bóng tối do ác độc của cơ chế quyền lực, nên họ mòn mỏi đợi trông ánh sáng cứu độ, để được giải thoát khỏi cảnh suốt đời phải khóc lóc, sầu buồn, bị “sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa”, khi ánh sáng đến mặc khải cho họ biết : Nước Trời là của họ, họ sẽ được Thiên Chúa ủi an, họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa, và phần thưởng của họ trên trời thật lớn lao (x. Mt 5, 3-12).          
Sở dĩ những người nghèo khó, cơ cùng, bé nhỏ này nhận được ánh sáng giáng sinh như các người chăn chiên ở Bêlem, vì họ khao khát, và mòn mỏi trông đợi ánh sáng của Thiên Chúa. Họ không như phần đông những người quyền thế, sang giầu đã không nhận ra “Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đã đến thế gian và chiếu soi mọi người” (Ga 1,9), nhưng với trái tim đơn sơ của người khiêm nhường, nghèo khó, họ nhận ra “Ngôi Lời đã trở nên xác phàm và cư ngụ giữa chúng ta”, và họ “được nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người, là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật” (Ga 1,14).
Đàng khác, họ nhận ra ánh sáng của Thiên Chúa, nhờ họ giống Thiên Chúa ở yếu đuối, mong manh, mỏng dòn, dễ vỡ của những con người bé nhỏ, vô danh tiểu tốt, không tiếng nói, không địa vị, bị đời khinh bạc, ruồng rẫy, bỏ rơi, bởi khi xuống thế làm người, Thiên Chúa đã chọn yếu đuối của “con trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ” để mặc khải cho những người nghèo hèn, nhỏ bé mầu nhiệm của Thiên Chúa, Đấng yêu thương và chọn  người bé nhỏ là người lớn nhất trong Nước Trời (x. Mt 18,1-4).
Họ là những người quảng đại đón nhận niềm vui của ánh sáng, vì ánh sáng có chỗ trong tâm hồn nghèo khó của họ, trong khi tâm hồn những người quyền thế, ham mê của cải không còn chỗ cho ánh sáng, như thánh Gioan đã viết : “Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận” (Ga 1,11). Không đón nhận, một phần vì không có chỗ, nhưng phần lớn vì không muốn đón nhận, bởi họ thích bóng tối hơn ánh sáng, khi bóng tối đồng loã che đậy những điều gian ác họ làm.
Họ là những người được Thiên Chúa tuyển chọn để làm chứng Thiên Chúa đã làm người bé nhỏ để không người bé nhỏ, hèn mọn nào bị coi là nhỏ bé trong Nước Thiên Chúa, bởi người nhỏ nhất sẽ là người lớn nhất, bởi “mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,40). “Làm như thế”, nghiã là “cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho kẻ rách rưới áo mặc, thăm viếng kẻ đau yếu, tù đầy, cho khách trú nhà, nghỉ chân” (x. Mt 25,35-36).
Sau cùng, vinh dự cao qúy Thiên Chúa dành cho người nhỏ bé, hèn mọn chính là sai họ như những người đầu tiên lên đường loan báo Tin Vui “nhân loại được cứu độ” như các mục đồng ở Bêlem “ra về, vừa đi vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa, vì mọi điều họ đã được mắt thấy tai nghe” (Lc 2,20)     
Giáng Sinh về, xin Chúa Hài Đồng cho chúng ta nhận ra “mầu nhiệm yếu đuối, bé nhỏ” của Thiên Chúa và tình yêu đặc biệt Ngài dành cho những con người nhỏ bé, để biết trân trọng những gì bị coi là bé nhỏ trong cuộc sống, và yêu mến, bênh vực, nâng đỡ những người bị người đời coi thường, bạc đãi vì hèn mọn, bé nhỏ, bởi mầu nhiệm Thiên Chúa đã chỉ được mặc khải cho những người bé mọn, mà không cho bậc khôn ngoan, thông thái (x. Mt 11,25).   
Jorathe Nắng Tím                   
Noel 2019