Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 3 tháng 9, 2018

Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật 23 TNB

    
Chúng ta đang theo Đức Giêsu trên hành trình mục vụ của Ngài ở ngoài miền Galilê, với nhiều phép lạ chữa các tật bệnh và hoá bánh ra nhiều lần thứ hai (Mc 8,1-10).
     Hôm nay thánh sử Máccô trình thuật cảnh tượng Đức Giêsu chữa người vừa điếc vừa câm:
“Đức Giêsu lại bỏ vùng Tia, đi qua ngả Xiđôn, đến biển hồ Galilê vào miền Thập Tỉnh.Người ta đem một người vừa điếc vừa ngọng đến với Đức Giêsu, và xin Người đặt tay trên anh. Người kéo riêng anh ta ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào lỗ tai anh, và nhổ nước miếng mà bôi vào lưỡi anh. Rồi Người ngước mắt lên trời, rên một tiếng và nói : Épphatha, nghiã là:  hãy mở ra ! Lập tức tai anh ta mở ra, lưỡi như hết bị buộc lại. Anh ta nói được rõ ràng. Đức Giêsu truyền bảo họ không được kể chuyện đó với ai cả. Nhưng Người càng truyền bảo họ, họ lại càng đồn ra. Họ hết sức kinh ngạc và nói: “Ông ấy làm việc gì cũng tốt đẹp cả: ông làm cho kẻ điếc nghe được, và kẻ câm nói được” ( Mc 7,31-37).   

    1. Đức Giêsu đã kéo anh ta ra khỏi đám đông.
    Kéo anh  ra khỏi đám đông, Đức Giêsu muốn làm nổi bật lòng ưu ái, quan tâm của mình đối với người câm điếc, và cử chỉ này nói  lên một điều quan trọng, đó là Ngài yêu anh đặc biệt và không khinh khi anh như bao người thời đó coi người bệnh tật là  tội nhân bị Thiên Chúa trừng phạt, bỏ rơi. Chúng ta đừng quên mục đích chính của phép lạ Đức Giêsu làm là để mọi người tin vào Ngài. Nhưng tin vào Ngài là gì, nếu không phải  là tin Thiên Chúa yêu thương con người và mỗi người là tình yêu của Thiên Chúa, là con ngươi trong mắt Thiên Chúa.

     2. Đức Giêsu chạm đến người câm điếc:
   “Đặt ngón tay vào lỗ tai anh, và nhổ nước miếng mà bôi vào lưỡi anh”, Đức Giêsu đã chạm vào thân phận yếu đuối, bệnh hoạn của người câm điếc. Con người Thiên Chúa đã không chỉ ở giữa loài người, nhưng còn gần gũi, sát cạnh để chạm được vào da thịt, sờ được vào nỗi đau, sẻ chia được tất cả những gì ở con người. Không có Thiên Chúa nào yêu con người, say đắm con người và hết mình, hết tình vì con người như Thiên Chúa trong Đức Giêsu, một Thiên Chúa ở giữa con người, sống với con người và chết như con người, cho con người được sống.

   3. Đức Giêsu ngước mắt lên trời:
   Đức Giêsu đã đến để làm theo ý Chúa Cha, nên trong bất cứ việc làm, hay quyết định nào, Ngài đều ngước mắt lên trời cầu xin sức mạnh của Thiên Chúa Cha. Đây mới chính là trung tâm, trọng điểm của phép lạ, khi Đức Giêsu cậy đến ơn sủng, kêu cầu sức mạnh từ Thiên Chúa và đặt hoạt động của Ngài cũng như những người được Ngài chữa lành, cứu sống trong tương quan với Thiên Chúa, Cha Ngài. Việc chữa bệnh, trừ qủy, cho sống lại của Ngài nhắm chung một mục đích là làm vinh danh Cha Ngài và để mọi người nhận ra Cha Ngài yêu thương họ như thế nào.
 
    4. Đức Giêsu nói với người câm điếc : “Éphata - Hãy mở ra!” 
   “Hãy mở ra!” không chỉ là lệnh truyền mà còn là chương trình sống Đức Giêsu đề nghị cho người câm điếc được chữa lành. Khi truyền cho tai và lưỡi của thân xác anh mở ra, Đức Giêsu muốn tâm hồn anh cũng mở ra với Thiên Chúa, với  mọi người.
      qua người câm điếc hôm nay, Đức Giêsu nói với mỗi người chúng ta:
-   Hãy mở ra tâm hồn! Vì từ lâu ta tự khép kín trong cô độc, và một mình ngậm ngùi gặm nhấm tất cả khổ đau, như cách trả thù đời, trả thù người.
-   Hãy mở ra cửa lòng! Vì đủ thứ mặc cảm đã đóng chặt ta ở qúa khứ với gánh nặng vô song của những kỷ niệm buồn.
-   Hãy mở ra trái tim! Vì không biết từ bao giờ, ta đã không còn niềm vui đợi chờ được yêu, và hạnh phúc lên đường yêu thương người khác.
-   Hãy mở ra mắt nhìn! Vì quanh ta còn nhiều người cô đơn, bất hạnh hơn ta và đang cần ta nói với họ và lắng nghe họ nói. Từ lâu họ câm không nói, điếc không nghe, vì ta đã làm họ thất vọng, nên không còn muốn nói, muốn nghe .
-   Hãy mở ra đôi tay! Vì tay không trao dâng, ban tặng sẽ bại liệt vì thiếu máu “tình người”
-   Hãy mở ra với Lời Chúa! Vì Lời Thiên Chúa đổi mới, ban sức sống, tự do và niềm hy vọng.
-   Hãy mở ra với thế giới! Vì trong thế giới và với thế giới, ta mới có thể yêu mến và phụng sự Thiên Chúa.
-   Hãy mở ra với chính mình! Vì mình cần được mở ra để Thánh Thần là Hơi Thở Tình Yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa tràn ngập, chiếm lãnh.
-  Hãy mở ra với lòng thương xót để được xót thương và học biết thương xót đồng loại.
   
    5. Đức Giêsu đã truyền bảo không được kể chuyện đó với ai.
     Tin Mừng Máccô ghi nhận bốn lần làm phép lạ, Đức Giêsu đã dặn không được kể lại với ai : chữa người bị phong hủi : Mc 1,44, cho con gái ông  Gia-ia sống lại :  Mc 5,43, chữa người mù ở Bétxaiđa : Mc 8,26, và chữa người vừa điếc vừa ngọng: Mc 7,36. Mục đích của lời căn dặn này là để người ta không ảo tưởng về một Đấng Cứu Thế với uy lực chính trị, vì bối cảnh của Ítraen bị trị lúc bấy giờ. Nhưng điều Đức Giêsu muốn là mọi người đón nhận Tin Mừng bằng thay đổi đời sống để đi vào tương quan cha - con với Thiên Chúa và anh - em với mọi người, đồng thời nhận ra Đấng Cứu Thế qua dung mạo khiêm tốn, nghèo hèn, gần gũi mọi người, giầu lòng thương xót và đường lối cứu thế  của Ngài là “từ bỏ mình, vác thập giá” (Mc 8,34). 

                                                          *****
       Như người câm không thể nói gì, vì họ điếc không bao giờ nghe thấy gì ; như người điếc lớn lên và già đi trong một thế giới không tiếng nói, không âm thanh, chúng ta cũng có thể như họ, khi  đến với Chúa trong tình trạng “không nghe không nói”, như người câm điếc, vì sự điếc lác của tâm hồn làm chúng ta câm và  sợ hãi. Cũng vì điếc Lời Chúa, chúng ta sẽ không có ngôn từ của Chúa để nói với Ngài và nói về Ngài. Và đó là căn bệnh nan y, nguy hiểm của mọi thời, mọi nơi : không muốn nghe và không muốn nói với Thiên Chúa và về Thiên Chúa.    
      Xin Chúa thương tháo cởi chúng con khỏi mọi gông cùm, xiềng xích của Satan để tai chúng con mở ra lắng nghe Lời Chúa, và môi miệng chúng con mở ra kể mọi kỳ công do tay Chúa và ca ngợi Ngài.
Jorathe Nắng Tím


MỪNG SINH NHẬT MẸ MARIA

                                     
      Tin Mừng trong lễ sinh nhật  Mẹ đã không cho chúng con chi tiết gì về lý lịch riêng của Mẹ, và phần kể gia phả, cũng như câu chuyện thánh Giuse muốn bỏ Mẹ cách kín đáo vì thấy  Mẹ có thai trong Mátthêu đều tập trung vào Đức Giêsu. Đức Giêsu bao trùm bầu khí ngày sinh của  Mẹ, như muốn biến sinh nhật của Mẹ mình thành ngày sinh của những người đi theo mình, và sinh nhật của Mẹ đã  thực sự  trở thành ngày sinh của người Kitô hữu  (Mt 1,1-24).


   1Ngày sinh của  Mẹ là sinh nhật của người Kitô hữu đầu tiên :
    Vì từ hôm ấy, do quyền phép Chúa Thánh Thần, Mẹ đã trở thành người tín hữu đầu tiên được chọn mang Đức Giêsu, Con Thiên Chúa trong cung lòng mình. Mang Đức Kitô là có Đức Kitô trong đời, và ai có Đức Kitô, người ấy được gọi là Kitô hữu,  Mẹ đã mang thai Đức Kitô “để ứng nghiệm lời xưa kia Chúa phán qua miệng ngôn sứ : Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là EMMANUEL, nghiã là Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (Mt 1,22-23).

      2. Ngày sinh của Mẹ là sinh nhật của người Kitô hữu đầy ơn phúc : 
    Hơn mọi người, Mẹ có Đức Giêsu, Thiên Chúa làm người trong lòng Mẹ. Thiên Chúa làm người ấy là nguồn ơn  cho toàn thể nhân loại đang cần được cứu độ.Vì thế, lòng Mẹ tràn đầy ơn phúc, đời Mẹ chan chứa ân sủng, bước chân Mẹ trải ngợp muôn hồng ân, vì Mẹ mang trong mình chính nguồn ơn phúc.
 
      3. Ngày sinh của  Mẹ là sinh nhật của người  Kitô hữu hoàn toàn khiêm tốn vâng phục Thánh Ý :
     Chắc chắn không cặp vợ chồng nào đã rơi vào hoàn cảnh nghiệt ngã, khó xử như Mẹ và thánh Giuse. Trước giằng co căng thẳng đến rướm máu, không chọn lựa nào đã có thể được coi là hợp lý, hợp tình, nếu không là  sự vâng phục tuyệt đối Thánh Ý Thiên Chúa được mặc khải trong ánh sáng đủ mờ để thấy, và đủ tối để tin trong giấc mơ. Sở dĩ thánh Giuse “khi tỉnh giấc đã làm như sứ thần Chúa dậy và đón vợ về nhà” (Mt 1, 24), là vì thấy Mẹ hiền hậu, đằm thắm, khiêm tốn vâng phục Thánh Ý Thiên Chúa, qua lời sứ thần ngày truyền tin : “Con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần” (Mt 1, 20).
   
      4. Ngày sinh của  Mẹ là sinh nhật của người Kitô hữu  trong lịch sử ơn Cứu Độ :
   Trong kinh Tán Tụng, Mẹ  nhận ra mình trong dòng lịch sử của ơn Cứu Độ khi phấn khởi hát : “Chúa độ trì Ítraen, tôi tớ của Người, như đã hứa cùng cha ông chúngta, vì Người nhớ lại lòng thương xót dành cho tổ phụ Ápraham và cho con cháu đến muôn đời” (Lc 1,54-55), và Tin Mừng trong ngày sinh của Mẹ cũng không quên đặt người Kitô hữu đầu tiên là Mẹ trong lịch sử ấy, khi kể gia phả  ba lần mười bốn đời tính từ Ápraham đến Đức Giêsu : “Như thế, tính chung lại thì : từ tổ phụ Ápraham đến vua Đavít, là mười bốn đời ; từ vua Đavít đến thời lưu đầy ở  Babylon là mười bốn đời ; và từ thời lưu đầy ở Babylon đến Đức Kitô, cũng là mười bốn đời” (Mt 1, 17).

      5. Ngày sinh của  Mẹ là sinh nhật của người Kitô hữu hoàn hảo, lý tưởng, tuyệt vời :

   - Người Kitô hữu hoàn hảo là người không rời xa Đức Kiô dù  một giây trong đời .Người ấy là Mẹ, vì từ buổi Truyền Tin cưu mang Đức Kitô cho đến chân thánh giá, cả những ngày sau phục sinh cho đến khi Ngài về trời, Mẹ luôn có mặt và đồng hành với Đức Kitô trên mọi nẻo đường.
- Người Kitô hữu lý tưởng là người thở hơi thở của Đức Kitô, sống  sự sống của Đức Kitô, và chết sự chết của Đức Kitô. Người ấy là Mẹ, vì Mẹ đã thở, sống và chết Đức Kitô trọn vẹn, toàn phần suốt cuộc đời mình.
- Người Kitô hữu tuyệt vời là người  sống tất cả vì Đức Kitô, làm tất cả cho Đức Kitô. Người ấy là  Mẹ, bởi  Mẹ hoàn toàn tan biến trong Đức Kitô, và không ai, không sự gì chiếm được “chỗ đứng tất cả” của Đức Kitô nơi mẹ, vì chỉ một mình Đức Kitô là lẽ sống của Mẹ, một mình Đức Kitô hoạt động trong Mẹ, một mình Đức Kitô là Đấng Mẹ tôn thờ, yêu mến, và  chỉ một mình Đức Kitô chiếm hữu tất cả đời Mẹ.     
- Mừng Sinh Nhật Mẹ, chúng con tạ ơn Chúa đã ban cho nhân loại
Mẹ, là người Kitô hữu đầu tiên, đầy ơn phúc, luôn vâng phục
Thánh Ý, và tín thác bước đi trong dòng lịch sử ơn cứu độ.
      Xin Mẹ dậy chúng con biết trông lên Mẹ mỗi ngày là  mẫu gương  Kitô hữu hoàn hảo, lý tưởng, và tuyệt vời luôn đẹp lòng Thiên Chía Ba Ngôi.