Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 30 tháng 11, 2020

CON TIM SẴN SÀNG

 

Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật II Muà Vọng, Năm B


Trông đợi, trông mong, hay trông ngóng đều nói lên tình trạng sẵn sàng của trái tim đang nôn nao chào đón, của qủa tim đang rạo rực niềm khát khao hội ngộ, và của cõi lòng đang mở toang cho yêu thương gặp gỡ, đoàn tụ. Chính trái tim sẵn sàng đã làm nên trông đợi, và tình yêu  phấn khởi, xôn xao, náo nức trong tim mới đem lại cho trông ngóng, trông mong giá trị và ý nghiã.

Thánh Gioan đã làm công việc chuẩn bị những trái tim sẵn sàng này, khi lớn iếng “kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội” và rao giảng rằng : “Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người. Tôi thì tôi làm phép rửa cho anh em trong nước, còn Người, Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần” (Mc 1,4.7)

Vai trò tiền hô của Gioan như gạch nối giữa Cựu Ước và Tân Ước đã được ngôn sứ Isaia tuyên sấm từ rất lâu trước đó : “Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con, người sẽ dọn đường cho Con. Có tiếng người hô trong hoang địa : Hãy dọn sẵn con đường của Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi”, để “mọi thung lũng sẽ được lấp đầy, mọi núi đồi sẽ phải bạt xuống, nơi lồi lõm sẽ hóa thành đồng bằng, chốn gồ ghề nên vùng đất phẳng phiu” (Is 40,3-5).

1.   Gioan loan báo : Đấng sắp đến là Đức Giêsu Kitô, Đấng Thiên Chúa sai đến để cứu dân Người.

Sứ điệp Gioan loan báo cho mọi người hôm nay cũng là Tin Mừng sứ thần đã mang đến cho các mục đồng trong đêm Giáng Sinh “Anh em đừng sợ. Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân : Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đavít, Người là Đấng Kitô Đức Chúa” (Lc 2,10-11).

Đấng Kitô là Đấng được xức dầu, như ngôn sứ Isaia đã viết về Ngài : “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho người nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa”, và chính Đức Giêsu tại hội đường Nadarét đã khẳng định và chứng thực trước các đồng hương của Ngài : “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh qúy vị vừa nghe” (Lc 4,18-19.21).     

Gioan đã không loan báo một nhân vật nào khác ngoài Đức Giêsu Kitô, Đấng Thiên Sai, Đấng Cứu Thế. Ngài “hùng dũng, nắm trọn chủ quyền” (Is 40,10), nhưng “như mục tử, Ngài chăn giữ đoàn chiên của Ngài, tập trung cả đoàn dưới cánh tay. Lũ chiên con, Ngài ấp ủ vào lòng, bầy chiên mẹ, cũng tận tình dẫn dắt” (Is 40,11). Là mục tử nhân lành, Đức Giêsu biết từng con chiên, và  “hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên”, để “cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10.11.14).

Gioan đã không giới thiệu một tướng quân với chiến mã oai hùng, với binh lực hùng hậu để giải phóng Ítraen khỏi ách thống trị của đế quốc Rôma, nhưng giới thiệu Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, cũng gọi là Con Người, Đấng đựợc sai đến làm “Chiên gánh tội, xóa tội trần gian” (x. Ga 1,36).

Gioan cũng đã không làm sợ, khi loan báo Đức Giêsu Kitô sắp đến, nhưng trấn an và kêu gọi mọi người hãy mở cửa lòng mình trong bình an, hãy khiêm tốn trở về với Thiên Chúa bằng nhìn nhận mình có tội, hãy đổi mới trái tim với niềm tín thác vào lòng bao dung, thương xót của Đấng Cứu Độ sắp đến, vì “Người kiên nhẫn đối với anh em, vì Người không muốn cho ai phải diệt vong, nhưng muốn cho mọi người đi tới chỗ ăn năn hối cải, để anh em được cứu độ” (2 P 3,9.15).  

2.   Gioan  đề nghị mọi người  sám hối bằng trở về với lòng mình :

Khi kêu gọi mọi người : “Hãy dọn sẵn con đường của Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi” (Mc 1,3), Gioan đề nghi mỗi người trở về với chính lòng mình, trở lui vào thâm sâu của trái tim, trở lại với ký ức, qúa khứ của đời sống. Gioan không đề nghị một chương trình hoành tráng để nghênh đón Đấng Thiên Sai, không khởi xướng phong trào rầm rộ, rềnh rang bên ngoài để chào đón Ngài, mặc dù chính ông đã qủa quyết : “Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người” (Mc 1,7). Nhưng điều hệ trọng mà Thiên Chúa muốn ông loan báo chính là trở về với lòng mình, và chuẩn bị một trái tim sẵn sàng.

Thực vậy, con đường của Đức Chúa đi, con đường của Đức Giêsu, Đấng Cứu Độ đang đến với mỗi người không là những con đường làm bằng xi măng, đá tảng, những xa lộ thẳng tắp, những cao tốc thênh thang, những con đường rợp bóng cờ, biểu ngữ, những con đường hai bên là hàng rào danh dự, là hoa tươi rải lối, là cỏ thơm lót thảm, là kèn trống ầm ĩ, tiếng nhạc vang lừng, nhưng là đường của trái tim, đường trong tâm hồn, đường công lý và tình yêu rất bé nhỏ, nhẹ nhàng, đơn sơ, chân thật.

Là Thiên Chúa giầu lòng thương xót, Đức Giêsu muốn đến với từng người qua đường thương xót của trái tim biết chạnh lòng, trắc ẩn trước khổ đau của đồng loại ; là Thiên Chúa của khiêm hạ thẳm sâu đã vâng lời cho đến chết, Đức Giêsu muốn đi vào cuộc đời mỗi người qua con đường của trái tim “hiền lành và khiêm nhường” ; là Đấng được sai đến với những người  nghèo hèn,  bệnh tật, bị tù đầy, áp bức, bị bạc đãi, bỏ rơi, bị sỉ vả, vu khống bất công, Đức Giêsu đến trong nhà con người qua con đường của “trái tim nghèo khó”, bởi chỉ ở đây mới có chỗ cho Thiên Chúa và những con người bé nhỏ được Thiên Chúa thương (x. Mt 11,25) ; là Đấng Cứu Độ nhân hậu, Đức Giêsu đến gặp mọi người qua con đường của trái tim bao dung, tha thứ, vì chỉ trên con đường “Tha Thứ Cho Nhau”, con người mới được gặp và gặp được Thiên Chúa.

Vâng, Đức Giêsu Kitô đã đến và sẽ trở lại để đón chúng ta lên trời với Chúa Cha. Con đường “trở lại” với con người của Ngài chính là con đường “trở về” với Thiên Chúa của những con người có trái tim sẵn sàng : sẵn sàng làm lại, sẵn sàng đứng lên, sẵn sàng bước tiếp, sẵn sàng yêu thương, sẵn sàng bỏ qua, sẵn sàng làm hoà, sẵn sàng tha thứ, sẵn sàng quên mình, từ bỏ mình  để làm theo Thánh Ý Chúa. Chỉ với con đường của Trái Tim Sẵn Sàng này, Đức Giêsu, Đấng Cứu Độ mới đến được với chúng ta và cư ngụ giữa chúng ta, để được hạnh phúc trong Chúa  như lời Thánh Vịnh : “Tín nghiã ân tình nay hội ngộ, hoà bình công lý đã giao duyên. Tín nghiã mọc lên từ đất thấp, công lý nhìn xuống tự trời cao. Vâng, chính Chúa sẽ tặng ban phúc lộc và đất chúng ta trổ sinh hoa trái. Công lý đi tiền phong trước mặt Người, mở lối cho Người đặt bước chân” (Tv 84,11-14).

Jorathe Nắng Tím

Thứ Hai, 23 tháng 11, 2020

TỈNH THỨC

 


Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật I Mùa Vọng , Năm B

Khi đợi chờ ai, ta thấp thỏm, bồn chồn ; khi trông ngóng ai, tâm hồn ta nôn nao, và thân xác ta khó yên vị một chỗ, nhưng quanh quẩn ra vào, liên hồi di động. Đó là chưa kể đối tượng mong đợi là người ta thiết tha thương mến, người ta chờ đợi là người ta đang rất cần gặp để được bênh vực, giúp đỡ, giải thoát, cứu sống, nên ở vào tình trạng trông đợi, trông mong, trông ngóng này, khó ai có thể ngủ yên, ngáy khò mà không tỉnh thức, thao thức, sốt ruột, nóng lòng.

Mùa Vọng khởi đầu với Tin Mừng Máccô nhắc chúng ta về tâm tình, thái độ và hành động của người trông đợi, mong chờ Thiên Chúa : “Cũng như người kia trẩy phương xa, để nhà lại, trao quyền cho các đầy tớ của mình, chỉ định cho mỗi người một việc, và ra lệnh cho người giữ cửa phải canh thức. Vậy anh em phải canh thức, vì anh em không biết khi nào chủ nhà đến : Lúc chập tối hay nửa đêm, lúc gà gáy hay tảng sáng… Anh em phải canh thức, kẻo lỡ ra ông chủ đến bất thần, bắt gặp anh em đang ngủ” (Mc 13,33-36).  

Ông chủ đây là Đức Giêsu, Đấng đã đến và sẽ bất thần trở lại với mỗi người. Hình ảnh ông chủ trở về nhà “lúc chập tối hay nửa đêm, lúc gà gáy hay tảng sáng” diễn tả  thời khắc mà bóng đêm còn bao trùm, bóng tối còn che phủ, như bóng ma của thần dữ đang điên đảo săn mồi, ráo riết quần thảo tìm bắt các linh hồn, bởi “Satan đã xin được sàng anh em như người ta sàng gạo” (Lc 23,31).

Trong văn hoá Do Thái, đêm tối là biểu tượng của thế giới đang chìm trong bóng tối của thần dữ, một thế giới bị quyền lực Tối Tăm thống trị, khống chế. Vì thế, sự trở lại của Đức Giêsu, qua hình ảnh trở về nhà của ông chủ, đối với các tín hữu sẽ là biến cố cắt đứt giai đọan thử thách, kết thúc thời gian bị thần dữ lôi cuốn, cám dỗ, mua chuộc, mồi chài để bước vào “ngày của Thiên Chúa”, đi vào rạng đông phục sinh của Đức Giêsu.

Điều quan trọng Đức Giêsu nhấn mạnh ở đây chính là các đầy tớ được đặt vào tình trạng trông ngóng “tích cực”, trông đợi “hoạt động”, trông chờ “tin tưởng”, trông mong “trung thành”, chứ không là chờ đợi “vô công rỗi nghề”, chờ trông buông thả, lười biếng, chờ mong lạnh lùng, vô vọng, vì trước khi đi xa, “ông chủ đã trao quyền cho các đầy tớ của mình, chỉ định cho mỗi người một việc”, như thánh Phaolô đã qủang diễn trong thư gửi giáo đoàn Côrinthô : “Trong Đức Kitô  Giêsu, anh em đã trở nên phong phú về mọi phương diện, phong phú vì được nghe lời Chúa và hiểu biết mầu nhiệm của Người. Thật thế, lời chứng về Đức Kitô đã ăn sâu vững chắc vào lòng trí anh em, khiến anh em không thiếu một ân huệ nào, trong lúc mong đợi ngày Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta mặc khải vinh quang của Người” (1 Cr 1,5-7).    

Như thế, tỉnh thức đồng nghiã với chu toàn bổn phận được trao, với tất cả khả năng và phương tiện được chủ ban cho ; tỉnh thức còn có nghiã tôn trọng, yêu mến, tin tưởng và trung thành với chủ, bởi chủ đã tín nhiệm các đầy tớ trước, khi trao quyền, và giao nhà cửa, gia sản cho đầy tớ trông nom, coi sóc. 

Và nếu đầy tớ biết đợi chờ chủ với tinh thần trách nhiệm và nỗ lưc làm công việc  chủ chỉ định, nếu biết trông chờ chủ với tâm tình yêu mến, biết ơn trung tín, thì chủ có bất thần về “lúc chập tối hay nửa đêm, lúc gà gáy hay tảng sáng”, hoặc bất cứ lúc nào khác sẽ không còn là vấn đề cả với chủ lẫn đầy tớ, vì qua tâm tình, thái độ và hành động của đầy tớ, chủ sẽ thừa biết những đầy tớ nào tôn trọng hay coi thường mình, tôi tớ nào trung tín hay mang tâm địa vô ơn, phản trắc, người gác cổng nào tỉnh thức canh chừng hay ươn lười, mê ngủ.

Thực vậy, không ai biết ngày giờ Chúa đến, cũng là ngày giờ mỗi người sẽ phải rời bỏ thế gian lên đường trình diện Chúa. Với người không tin được Thiên Chúa yêu thương và trao sứ vụ trong cuộc sống, thì ngày giờ định mệnh ấy thật rợn rùng, kinh khủng, không chỉ vì sẽ đến thình lình, bất ngờ, đột ngột, mà còn vì tính nghiêm trọng của phán quyết đời đời về số phận mỗi người của Thiên Chúa.

Nhưng với người môn đệ một lòng tín thác, một dạ trung thành, một đời phụng sự Chúa và phục vụ anh em, thì ngày Chúa đến sẽ là ngày hạnh phúc chứa chan, ngày hoan lạc đầy tràn, ngày đất trời giao duyên, ngày tôi tớ Chúa được thoả lòng  trông đợi, vì “chính mắt được nhìn thấy Thiên Chúa” (Mt 5,8), chính tay được nhận phần thưởng lớn lao trên trời (x. Mt 5,12), chính chân được bước vào Vương Quốc Chúa đã “dọn sẵn ngay từ thuở tạo thiên lập địa” (Mt 25,34), và niềm vui sẽ vô cùng bất ngờ, vĩ đại khi được chính Chúa “đưa vào bàn ăn và đến bên từng người mà phục vụ” (Lc 12,37).   

Bước vào Mùa Vọng, muà trông đợi Chúa đến, xin Chúa thương xót và nâng đỡ đức tin của chúng con, để chúng con xác tín ơn gọi và sứ vụ của mình trong cuộc đời này, và như người đầy tớ trung tín luôn hết tình, hết mình yêu mến chủ và chu toàn bổn phận được trao phó, để bất cứ lúc nào, và ở đâu, chúng con luôn sẵn sàng và sẽ được diễm phúc thân thưa với Chúa như cụ già Simêon : “Muôn lậy Chúa, giờ đây theo lời Ngài đã hứa, xin để tôi tớ này được an bình ra đi. Vì chính mắt con được nhìn thấy ơn cứu độ Chúa dành sẵn cho muôn dân” (Lc 2,29-30).

Jorathe Nắng Tím

Chủ Nhật, 22 tháng 11, 2020

BÊN GIƯỜNG NGƯỜI SẮP QUA ĐỜI

  


       Bên giường người bạn những ngày cuối cùng của đời người, sau hơn bốn năm chống chọi với căn bệnh ung thư, tôi phần nào cảm được nỗi sợ ở người biết mình sắp giã từ cuộc đời, người đời để vĩnh viễn ra đi, không bao giờ trở lại. Trong nỗi sợ của người sắp ra đi ấy, tôi nhận ra nỗi sợ của chính mình…

        Tôi nhận ra mình sợ đau trong nhăn nhó, quằn quại của bạn tôi mỗi lần ngưng thuốc giảm đau. Nhìn bạn toát mồ hôi hột, co dúm người, rên xiết van xin y tá tăng liều lượng morphine, mà chân tay tôi bủn rủn vì sợ. 

      Tôi nhận ra mình sợ xa người thân, khi thấy bạn tôi  nghẹn ngào, hai giòng lệ chảy dài, mỗi lần vợ con, bạn hữu ghé thăm, và đau đớn giấu mặt  nức nở khi người thân tạm biệt ra về. 

   Tôi nhận ra mình sợ bị bỏ rơi, quên lãng, khi bạn tôi thèm được người đến thăm nắm chặt bàn tay, hay âu yếm xoa nhẹ đôi bàn chân gầy xơ xác, trắng bệch. 

     Tôi nhận ra mình sợ khoảng không chơi vơi, trống trải không điểm tựa, không trụ bám, khi đôi mắt vô hồn của bạn tôi  bâng quơ  lạc lõng như ở một cõi vô định nào đó vô cùng xa xôi.

    Tôi nhận ra mình sợ  bị trừng phạt, khi toàn thân bạn tôi  run rẩy sợ hãi và miệng ú ớ hốt hoảng đến thảm thương. 

     Tôi nhận ra mình sợ tan biến vào hư vô, khi đôi mắt  hoắm sâu, vàng vọc, thất thần của bạn tôi  lạnh lùng và cay đắng quét dài trên thân xác tàn tạ, cạn kiệt sức sống của chính mình. 

    Tôi nhận ra mình sợ thần chết nham nhở và tàn nhẫn với lưỡi hái sắc nhọn đã chực sẵn ở đầu giường, khi đôi bàn tay bạn tôi cứ quờ qụang tìm đường trốn chạy. 

      Vâng, bên giường bạn tôi ở những ngày sau cùng của một  đời người, tôi thực sự biết sợ, khi tận mắt nhìn bạn tôi sợ : sợ đau, sợ bị bỏ rơi, sợ bị trừng phạt, sợ chơi vơi, sợ  bị tan biến,  sợ sẽ vỡ vụn, sợ đi vào hủy diệt, hư vô …

                                                                          ***

      Rồi bạn tôi chết… Những ngày bên xác bạn, tôi miên man nghĩ về một ngày đến phiên mình chết. Tuy sợ, rất sợ, nhưng tôi liều một phen đối diện với cái chết, trực diện với thần chết và tự đặt mình vào tình huống của giờ chết, với mục đích tìm cho mình cách thế nào để bớt sợ, bớt hốt hoảng, bớt kinh hoàng, bớt khủng khiếp khi đến phiên mình hấp hối, lâm chung.  

      Nhưng dù đã  khó nhọc tìm kiếm trong kho tàng tri thức của nhân loại, tôi cũng không gặp được bí quyết nào để chết mà không sợ, chết mà không lo, chết mà không hoang mang, hãi hùng,  mà chỉ thấy và bị ám ảnh mãi những gì tôi đã thấy ở bạn tôi trước giờ chết :  cô đơn và bất lực. Tôi sẽ như bạn tôi cô đơn, vì không ai chịu chia sẻ với tôi cái chết, không ai chịu chết theo tôi cho có bầu có bạn trên đường vào cõi chết chưa một lần khám phá, tham quan ; tôi sẽ như bạn tôi bất lực, vì không còn làm chủ được bất cứ sự gì trong tôi, thuộc về tôi, liên quan đến tôi, nhưng nhắm mắt, xuôi tay, xương cốt rã rời, hơi thở vội vã, sự sống hối hả tàn lụi. Bên cạnh cô đơn và bất lực của chính mình là bất lực toàn phần của toàn thể thế giới loài người trước cái chết của tôi, bởi không ai có thể  kéo dài  thêm  cho tôi một giây sự sống, không người nào có thể thay đổi số phận  phải chết của tôi, và không quyền lực trần gian nào có thể cứu tôi ra khỏi sự chết. 

      Chính trong bế tắc tuyệt vọng của tư duy về sự chết, tôi nhận ra mình chỉ còn duy nhất một khả thể là bám víu vào Thượng Đế toàn năng với niềm hy vọng không bị trừng phạt, và tiêu diệt. 

      Niềm tin lúc này với tôi qủa thực không còn là mê tín, thừa thãi, ấu trĩ, hoang đường, vì chỉ còn lại niềm tin mới  cứu tôi ra khỏi hãi hùng, kinh sợ ; chỉ niềm tin mới cho tôi an lòng ; chỉ niềm tin mới ban cho tôi niềm hy vọng, bởi chính mắt tôi đã thấy người sắp chết không bám víu, nương tựa được vào ai, vì không ai còn là bến bờ hy vọng, thành quách an toàn, nơi nương náu chở che bảo đảm , do luật lệ nghiệt ngã của sự chết là mỗi người phải ra đi một mình, không hành trang, không sức vóc, không tài năng, không của cải, không quyền lực, không bạn đường, không người hướng đạo. Niềm tin với tôi  bỗng dưng không còn là đồ trang sức xa xỉ, phụ tùng rẻ tiền, nhưng thiết yếu đến độ nếu không tin, tôi không thể sống nổi vì qúa sợ chết, không còn bình an để làm việc vì cảnh tượng hấp hối bi thương ám ảnh nặng nề, và tôi nhận ra  tôi chỉ còn duy nhất một Đấng Chủ Tạo đã cho tôi vào đời, làm người là nơi tôi phải đặt trọn niềm tin. 

      Tôi thấy mình có quyền đặt niềm tin ở Ngài, vì chỉ mình Ngài mới có thể cứu tôi, và tôi tin rằng chính Đấng ấy sẽ gọi tôi ra khỏi cuộc đời, đi vào một thế giới khác cũng thuộc về Ngài, qua ngưỡng cửa sự chết, như Ngài đã gọi tôi vào cuộc đời, trong thế giới thuộc về Ngài mà tôi đang sống, qua ngưỡng cửa sự sống. Lý trí tự nhiên và suy luận hợp lý cho phép tôi tin rằng : phải có một Đấng toàn năng đã cho tôi vào đời làm người, và suốt cuộc đời, Đấng ấy đã gìn giữ tôi để tôi được tồn tại, nên tôi cũng có quyền và được thúc bách tin rằng : cũng chính Ngài sẽ dắt tôi đến tận cùng của hành trình dương thế để vào một cuộc sống khác, cũng do Ngài sắp xếp, chuẩn bị, bởi Ngài là Thượng Đế, là Đấng Tạo Dựng mà tôi trực giác thấy : luôn yêu thương mọi loài Ngài đã dựng nên và cho chúng hạnh phúc trọn vẹn và tương lai tốt đẹp, ngời sáng. Cũng lý trí và trực giác, tôi nhận ra Ngài là Thượng Đế của Tình Yêu đã tạo dựng  vũ trụ và con người vì yêu thương, để tất cả mọi loài được sinh ra từ tình Ngài yêu thương sẽ được trở về với Ngài là nguồn yêu thương tuyệt đối.

     Một khi đã nhận ra Ngài là Yêu Thương tuyệt đối, Yêu Thương vô cùng, Yêu Thương  đời đời trung tín, tôi sẽ nhận ra một chân lý khác là chính Ngài sẽ bảo đảm cho giờ chết của tôi, nói cách khác, tôi tìm thấy nơi Ngài bảo đảm vững chắc cho tôi không sợ khi giờ chết đến, không phải run rẩy khi phải lìa đời, không chút hoang mang, tuyệt vọng khi phải « cô đơn, bất lực » bỏ mọi sự, mọi người đi vào cõi chết, bởi  có Ngài, tôi sẽ không cô đơn, bất lực ; có Ngài tôi sẽ không đi vào  cõi chết chơi vơi, hư vô ;  có Ngài là Tình Yêu, tôi sẽ không bị  xua đuổi, trừng phạt, hủy diệt đời đời.  

    Vâng, tôi không thể  được sinh ra bởi một Đấng toàn năng, mà lại cô đơn, bất lực đi vào cõi chết mà không có Ngài ; tôi không thể được sinh ra bởi Đấng là tình yêu, mà phải cô quạnh, lầm lũi đi vào vùng hủy diệt, bởi tình yêu luôn bất tử và sức mạnh của tình yêu là  « sự sống lại và sự sống » miên trường, vĩnh cửu ; tôi cũng không thể bị bỏ rơi, quên lãng, hay bị trừng phạt dễ dàng bởi Đấng dựng nên tôi và yêu thương tôi, bởi tôi tin đời tôi cũng như đời của mọi người không thể là ngẫu nhiên vô nghiã trước một Thượng Đế có tên là Tình Yêu. Và như thế, lý trí tự nó đã cho phép tôi nhận ra cái vô lý của lo sợ, và phi lý của tuyệt vọng ở giờ chết, vì tin rằng Đấng tạo dựng nên tôi toàn năng và yêu thương sẽ không thể bỏ rơi thụ tạo thuộc về mình ở giờ vượt qua sự chết đi vào cõi sống đời đời, như đã cho nó được vượt qua cát bụi hư vô để làm người trong thế giới hôm nay. Lý trí còn khuyến khích tôi chẳng nên qúa  lo sợ khi giờ chết đến, bởi chết không là đối thủ ngang cơ, ngang hàng, ngang tầm của Thượng Đế ; chết không phải đối thủ đáng ngại của Thượng Đế, nhưng chết nằm trong tay Thượng Đế, bởi chính Ngài sắp xếp và định đọat thời điểm gọi mỗi người về với Ngài, vì tất cả thuộc về Ngài, và sự sống, sự chết của tất cả  đều nằm trong trái tim và  bàn tay yêu thương, quan phòng của Ngài.  

     Tuy thế tôi đã chỉ yên lòng, vững dạ , khi nhận ra một chân lý cuối cùng rất quan trọng, đúng hơn là đòi hỏi mang tính định mệnh bảo đảm giờ mình sẽ chết, đó là thái độ và việc làm yêu thương trong cuộc sống. 

     Sở dĩ, tôi cần phải yêu thương để không phải run rẩy, sợ hãi ở giờ chết, bởi vào giờ sau cùng ấy, ngoài vốn liếng tình yêu đã suốt đời chắt chiu, gom góp , chẳng hành trang nào được xem là đáng giá ; ngoài sự nghiệp yêu thương đã tần tảo suốt đời xây dựng, không kho tàng nào « có cửa » được gọi tên, định giá ; ngoài yêu thương được tận tụy gieo vãi, vun trồng, tuyệt nhiên không một công trạng, thành qủa nào được ghi nhận ; ngoài tình yêu suốt đời cần mẫn đan dệt, không trang phục nào được xem là xứng đáng để được mời vào đại yến tiệc đời sau ; ngoài Tình Yêu như dấu hiệu duy nhất để được Thượng Đế nhận ra là con cái, không một đồng phục, huy hiệu, huân chương, lon lá nào được chứng thực ; ngoài Tình Yêu như tiếng nói còn lại duy nhất khi miệng lưỡi cứng đơ, thân xác lạnh lẽo khi linh hồn lià khỏi xác, không tuyên ngôn nẩy lửa, hoặc  mỹ từ lộng lẫy, hùng hồn nào có khả năng vang vọng ; ngoài Tình Yêu là thông hành bắt buộc ở  ngưỡng cửa vào vương quốc Thiên Đàng, không một bằng cấp, chứng chỉ, chứng minh thư, giấy giới thiệu nào có giá trị ; ngoài Tình Yêu là cán cân tội phúc, không đơn vị hay phương tiện  đo lường nào được công nhận ở giờ phân xử công minh, bởi không lúc nào đức công minh của Thượng Đế được thể hiện trọn vẹn ở giờ chết, khi tất cả mọi người, bất luận nam nữ, sang hèn, giầu nghèo, đẹp xấu, giỏi giang, ngu si, qúy tộc, thứ dân, ông chủ, đầy tớ đều chung nhau một mẫu số Tình Yêu như quà tặng qúy giá và như bổn phận phải thực hiện. 

     Như quà tặng qúy giá, vì mỗi người đều nhận như nhau, bằng nhau tình yêu từ Thượng Đế ; như bổn phận phải thực hiện, vì khả năng yêu thương được ban đồng đều cho mọi nguời để yêu thương tha nhân trở thành đòi hỏi duy nhất của Thượng Đế ở mỗi người. Do đó,  không ai được miễn trừ vinh dự, quyền lợi và  nghiã vụ Yêu Thương, vì  yêu thương làm con người nên giống Thượng Đế, để con người nhận ra Thượng Đế là Cha, và Thượng Đế nhận ra con người là con, đồng thời mọi người nhận ra nhau là anh em cùng được sinh ra, cùng được  yêu thương, cùng được gọi về bởi một Cha để chung một nguồn Yêu Thương,  chung một mái ấm hạnh phúc , chung một cung lòng yêu thương của Thượng Đế, mà từ đó mỗi người đã được sinh ra, vào đời. 

    Từ những ngày cuối đời của bạn tôi đến ngày đưa tiễn bạn về với đất, tôi đi từ cảm nhận sợ hãi  trước cái chết đến niềm tin ở Thượng Đế, và nhận ra điều Ngài muốn tôi thực hiện trong cuộc sống để khi phải đến trước ngưỡng cửa của sự chết, như nhịp cầu cần thiết đi vào thế giới của sự sống mới, tôi sẽ không phải lo âu, sợ hãi, hoang mang, tuyệt vọng. Và tôi hiểu : điều tối cần thiết tôi phải làm ngay bây giờ là tập sống yêu thương mỗi ngày, tập ý thức lẽ sống yêu thương từng ngày, vì con  người được sinh vào đời để yêu thương, như lòng mong ước  của Thượng Đế, nên nếu kiên trì đồng hành mỗi ngày với yêu thương, cái chết có bất ngờ đến, bước đi tới cũng vẫn là những bước chân yêu thương trên hành trình cuộc sống. Và khi yêu thương có mặt, Thượng Đế sẽ không vắng bóng, bởi đâu có yêu thương, ở đấy có Thượng Đế, và khi có Thượng Đế, tôi tin sẽ chẳng có gì làm con người phải qúa khiếp sợ, kinh hãi ở giờ « tử biệt »

      Sở dĩ không phải quá khiếp sợ, vì khi tập sống yêu thương hằng ngày, nghiã là sống yêu thương từng phút giây của hiện tại ; là tập thân thiện đón nhận hết mọi người tôi gặp gỡ mỗi ngày ; là quảng đại chia sẻ những gì tôi có từ tâm tình, thời gian đến khả năng, vật chất ; là bao dung bỏ qua, « cho chìm xuống » những bất công, mâu thuẫn, đối kháng, và tổn thương tinh thần cũng như vật chất người khác gây ra cho tôi; là thao thức, khắc khoải lo cho tương lai và hạnh phúc của mọi người, bắt đầu từ những người thân yêu tôi có trách nhiệm ; là hết tình, hết mình cộng tác với mọi người trong việc xây dựng một xã hội công bình, nhân ái ; là khiêm tốn dấn thân chung vai sát cánh với những người thiện chí trong công tác phục vụ những anh chị em bất hạnh, kém may mắn ; là hào sảng, hồn nhiên, chân thành và trung tín trong mọi tương quan để tâm hồn luôn trong sáng, lương tâm luôn ngay thẳng hầu trở thành sứ giả Bình An cho mọi người. 

      Vì thế, sống yêu thương ở giây phút hiện tại là tất cả những gì Thượng Đế mong đợi ở mỗi người, vì trước mặt Ngài, chỉ hiện tại là đáng kể, vì là thời gian duy nhất con người có trong tay để biểu hiện tình yêu đối với Ngài và với anh em đồng loại, vì quá khứ đã qua, và ngày mai chưa tới. Sống yêu thương ngay giây phút hiện tại là việc làm không chỉ bao gồm lòng trân qúy Tình Yêu như qùa tặng của Thượng Đế, nhiệt tình chu toàn bổn phận yêu thương của con người, mà còn là thái độ chân thành  tạ tội, sám hối, ăn năn lầm lỗi. Sống yêu thương « ngay lúc này và ở đây » còn là bằng chứng của trái tim đầy thiện chí muốn nên tốt hơn, tử tế hơn, đạo hạnh hơn mỗi ngày như đòi hỏi của sự thánh thiện. Sống yêu thương hôm nay, với hết mọi người, kể cả với người « không dễ thương, nhưng dễ ghét », với người « biết hết mọi sự trừ biết điều », với người « không quen hy sinh vì người khác, mà chỉ  sành sỏi hy sinh người khác vì mình », tôi sẽ thấm thiá giá trị cứu chuộc,  ý nghiã cứu rỗi, sức mạnh cứu độ của bài học tình yêu mà Đức Giêsu đã dậy nhân loại : 

      « Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính. Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi ? … Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện » (Mt 5,44-46.48).

     Vâng, nhờ được ở bên cạnh những ngày cuối đời, và  chứng kiến sự ra đi của người bạn rất trân qúy, tôi đã hiểu ra : chỉ có tình yêu được sống mỗi ngày, và hiện thực từng ngày, đặc biệt tình yêu bao dung, tha thứ, tôi mới tìm lại được Bình An  trong chính Đấng đã cho tôi vào đời và sẽ lấy tôi ra khỏi đời theo chương trình yêu thương của Ngài, mà chương trình yêu thương thì bao giờ cũng mang lại kết qủa an bình, hạnh phúc. 

     Với niềm tín thác ở Thượng Đế là Tình Yêu bất diệt và trung tín, cùng với nỗ lực liên lỷ yêu thương  từng ngày, chắc chắn nỗi sợ chết trong tôi sẽ dần dà nguôi ngoai, phai nhạt, vì được thay thế bằng niềm hy vọng được bảo chứng, khi tôi xác tín và năng thầm nhủ:  « Sống hay chết, mình vẫn cố yêu thương ».  

Jorathe Nắng Tím

 

 

 

 

 

 

 

 

 

MÙA VỌNG LÀ MÙA LỚN LÊN TRONG NIỀM HY VỌNG

 


    

Không ai sống mà không hy vọng, dù hy vọng vào ai, hay hy vọng vào sự gì, như người bệnh hy vọng vào bác sĩ, vào thuốc men, tù nhân tử hình hy vọng được chủ tịch nước giảm án, khoan hồng, người ở vào đường cùng, chân tường bế tắc hy vọng “sau cơn mưa trời lại sáng”, “hết cơn bĩ cực tới hồi thái lai”.

Bởi cuộc sống bất an do đủ nguyên nhân : covid-19 đe dọa sức khỏe toàn thể nhân loại và đang dẫn đến nguy cơ suy sụp toàn bộ kinh tế thế giới ; chủ nghiã dân tộc quốc gia qúa khích ngày càng dâng cao trong nhiều quốc gia đưa đến phong trào kỳ thị chủng tộc là ngòi nổ rất nguy hiểm cho hoà bình ; làn sóng hồi giáo cuồng tín, bạo lực đang làm mọi người ngao ngán, sợ hãi, sau những vụ khủng bố đẫm máu ngay trong các nhà thờ công giáo ; bởi đời sống ngày càng khó khăn do đất đai không nở, mà con người không ngừng được sinh ra, do việc ít người nhiều, tài nguyên thiên nhiên bị những nhóm quyền lực khai thác bất chính, và của công không được phân phối công bằng, hợp lý cho mọi người ; bởi hiện tại của đa số rất bấp bênh trước tương lai khó có thể định hướng, định hình ; bởi lòng tốt ngày càng bị lợi dụng và người tốt không ngừng bị người xấu đe dọa, khống chế, hãm hại, nên không còn nhiều người dám sống tốt, dám bầy tỏ quan điểm tốt, dám làm việc tốt trong xã hội ; bởi sức mạnh của gian dối, tham lam, thế lực đen tối ngày càng lan rộng và bao trùm ; bởi kinh nghiệm xương máu “chết vì thành thật, khổ vì tin tưởng, tan gia bại sản vì thương xót” trong một xã hội mà niềm tin, nhân nghiã không còn giá trị, nhân ái, huynh đệ rẻ mạt, và chỉ còn tiền là luôn có giá, được giá đã làm người ta sợ và co mình, rút lui vào vỏ ốc an toàn.

Đó là xã hội, còn Giáo Hội thì sao?

Giáo Hội thánh thiện vì sự thánh thiện của Thiên Chúa, nhưng Giáo Hội có những con người tội lỗi, những con người bất toàn, đầy thiếu sót, khuyết điểm. Những con người tội lỗi, trong đó có người viết đã làm Giáo Hội ít nhiều mất đi dung nhan tươi đẹp, dễ thương, như hôn thê của Đức Giêsu, và làm cho Giáo Hội  không còn đáng tin, đáng yêu, đáng kính đối với nhiều người.   

Vì thế, hy vọng của mỗi người từng ngày của cuộc sống bị đe dọa, chao đảo, thử thách.

Trước sóng gió của thất vọng, có người buông bơi chèo, bỏ tay lái ; trước phong ba bão tố của tuyệt vọng, có người để gió cuốn đi không dấu vết, để lũ nhận chìm “không sủi bọt”.

Tin Mừng cho chúng ta thấy rất nhiều tình huống đe dọa niềm hy vọng, rất nhiều hoàn cảnh hầu như bế tắc, tuyệt vọng của những người đi theo Đức Giêsu. Họ là người như chúng ta, và chúng ta cũng đang sống những thử thách tưởng chừng đã không thể vượt qua của họ.

Họ là những người tưởng đã chết đuối cả đám, khi thuyền đã xa bờ và “một trận cuồng phong nổi lên, sóng ập vào thuyền, đến nỗi thuyền đầy nước” (Mc 4, 37)…

Họ là những người tưởng đã “tan đàn xẻ nghé”, khi người ta “đánh chủ chăn, và đoàn chiên tan tác” (Mc 14,27).

Họ là những người không còn dám tin vào Lời Hứa “ngày thứ ba, Thầy sẽ sống lại”, nên cố ý làm ngơ như quên, khi người thì phản bội, kẻ thì chối bỏ, số đông còn lại thì cao bay xa chạy để bảo toàn tính mạng (x. Lc 22,47-62).

Họ là những người thất vọng vì Thầy bị giết chết, cơ đồ đổ vỡ tan tành, hiện tại bị đe dọa, tương lai đen tối đang lầm lũi, bơ phờ, thờ thẫn từng bước nặng nề trên đường về quê lánh nạn (x. Lc 24,13-35).

Và chúng ta nhận ra hoàn cảnh “sóng gió, nguy hiểm, bế tắc” của họ cũng là tình huống “giông bão, thử thách, đe dọa, cùng cực” của chúng ta hôm nay.

Nhưng nếu chúng ta và những con người được kể trong Tin Mừng đã ở vào hoàn cảnh niềm hy vọng bị tấn công, bị vây hãm đều là những người đi theo Đức Giêsu, là môn đệ của Đức Giêsu, thì không lý do gì, chúng ta sẽ không được Đức Giêsu lên tiếng ngăm đe gió và truyền cho biển : “Im đi! Câm đi” ( Mc 4,39) ; nếu chúng ta cùng đi trên một hành trình của Đức Giêsu như họ đã đi, thì không lẽ nào Đức Giêsu bỏ rơi chúng ta, mà không rảo bước tiến gần và cùng đi với chúng ta, như đã cùng đi với họ trên đường từ Giêrusalem về Emmau để an ủi, nâng đỡ, khi cắt nghĩa, giải thích cho họ thế nào là Niềm Hy Vọng ; nếu chúng ta cùng chia sẻ với nhau những thử thách, yếu đuối, bất hạnh trong cuộc đời, như hai môn đệ trên đường Emmau tuy thẫn thờ, buồn chán nhưng không ngớt chia sẻ tâm sự, thì không có lý nào Đức Giêsu sẽ không  nhận lời mời ở lại với chúng ta, “vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn”, như Ngài đã “ở lại và đồng bàn với họ” (Lc 24,29) ; nếu chúng ta không khác họ trong lúc khủng hoảng, lo sợ đã “không bỏ nhau”, như các tông đồ sau khi Đức Giêsu chết đã “đóng kín cửa” ở với nhau, “vì sợ người Do Thái”, thì không lẽ nào Đức Giêsu phục sinh không ở giữa chúng ta, như đã đến, đứng giữa các ông và nói : “Bình an cho anh em!” (Ga 20,19) ; nếu chúng ta  như họ đã chân thành và trung thực chia sẻ mọi sự với nhau trong lúc sa cơ, thất bại, thì chắc chắn Đức Giêsu sẽ có mặt giữa chúng ta để củng cố đức tin và ban cho chúng ta niềm hy vọng vào Ngài, như đã cho thánh Tôma được đặt ngón tay vào vết thương, nhìn xem bàn tay còn rịn máu, và đưa tay đặt vào cạnh sườn (x. Ga 20,27).  

Thực vậy, nếu không ai có thể sống mà không có niềm hy vọng vào ai, hay vào sự gì, thì người Kitô hữu càng không thể sống nếu không hy vọng vào Đức Giêsu, Đấng Cứu Độ. Nhưng khác nhiều người chưa tin, chúng ta đặt hy vọng vào Thiên Chúa là Tình Yêu Nhập Thể để “ở với chúng ta”, và chia sẻ thân phận người với chúng ta; chúng ta đặt hy vọng vào Thiên Chúa là Tình Yêu Cứu Độ, Đấng đã chết và sống lại để cho chúng ta được sống đời đời trong hạnh phúc của con cái Thiên Chúa.

Và niềm hy vọng ấy không bao giờ cạn kiệt, vì nhờ bí tích Rửa Tội chúng ta được trở nên người mang  Hy Vọng của Đức Giêsu đến cho mọi người ; nhờ được tháp nhập vào Thân Thể mầu nhiệm là Hội Thánh, chúng ta được sai đi làm chứng nhân của Đức Giêsu, nguồn Hy Vọng cứu rỗi của mọi người ; và nhờ được ở trong hàng ngũ Dân của Lời Hứa, chúng ta là con cái của Hy Vọng sẽ được thấy Thiên Chúa, được ở với Ngài, và được Nước Trời làm gia nghiệp.

Xin Chúa cho chúng ta sống Mùa Vọng với tâm tình hy vọng của người lữ hành trên đường hy vọng như các thánh tông đồ và tất cả những ai đã sống và đặt hy vọng vào Đức Giêsu, Thiên Chúa Cứu Độ.          

Jorathe Nắng Tím     

ÁNH SÁNG

                                      

       Có thể nói : Tin Mừng Gioan là tin mừng Ánh Sáng, vì ngay phần đầu của Tin Mừng, thánh Gioan đã  phấn khởi ca tụng Ánh Sáng : « Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời … Và Ngôi Lời là Thiên Chúa. Nhờ Ngôi Lời vạn vật được tạo thành, và không có Người, thì chẳng có gì được tạo thành. Điều đã được tạo thành ở nơi Người là sự sống, và sự sống là ánh sáng cho nhân loại. Ánh sáng chiếu soi trong bóng tối, và bóng tối đã không diệt được ánh sáng » (Ga 1,1-4).

      Ánh sáng ấy được Ngôi Lời đem đến cho nhân loại, cho từng người, như người mù từ lúc mới sinh đã được Đức Giêsu chữa lành để nhìn thấy ánh sáng (x. Ga 9).

    Nhìn những người anh em khiếm thị, chúng ta thấy họ vẫn sống, nhưng sự sống của họ luôn bị đe đọa vì không thấy đường, mà đường đi đầy những chướng ngại có thể làm họ té ngã, bị thương và có thể chết, vì đập đầu vào đá, vào tường, rơi xuống hố rãnh, sông rạch, hoặc bước vào lửa đang cháy nóng ;  anh em khiếm thị vẫn có thể sống, nhưng sống trong lo lắng vì không thấy những nguy hiểm rình rập quanh mình. 

   Vì thế, cuộc gặp gỡ giữa Đức Giêsu và người mù từ thuở mới sinh được Tin Mừng Gioan kể lại là một hẹn hò mang tính sinh tử. Trong cuộc hẹn này, Đức Giêsu đã đưa anh mù từ bóng tối của những đe doạ, hiểm nguy đưa đến sự chết vào vùng ánh sáng của sự sống được đảm  bảo, bình an.        

   Trong cuộc hẹn hò sinh tử này, chúng ta thấy cuộc chiến rất gay go giữa ánh sáng và bóng tối, giữa đức tin của người mù được sáng mắt và  những người biệt phái tuy mắt sáng nhưng cứng lòng không đón nhận Đức Giêsu là « Ánh Sáng Muôn Dân » (Ga 8,12).

1.   Cuộc chiến trường kỳ và căng thẳng giữa Ánh Sáng và Bóng Tối : 

    Vừa rời khỏi Đền Thờ để tránh cơn mưa đá của những nngười Do Thái qúa khích, Đức Giêsu « nhìn thấy một người mù từ thuở mới sinh » (Ga 9,1) thường ngày ngồi ăn xin bên lề đường (x. Ga 9,8), và Ngài chữa anh khỏi đui mù, khi « nhổ nước miếng xuống đất, trộn thành bùn và xức vào mắt người mù, rồi bảo anh ta : « Anh hãy đến hồ Silôác mà rửa ». Vậy anh ta đến rửa ở hồ, và khi về thì nhìn thấy được » (Ga 9,6-7).

    Chắc chắn anh hạnh phúc, vui mừng lắm, vì lần đầu tiên trong đời được nhìn thấy ánh sáng, được  chiêm ngắm trời đất, thiên nhiên, con  người , nhất là được nhìn thấy cha mẹ, anh chị em, họ hàng thân thuộc. Và cũng có nhiều người đã đến chung niềm vui với anh. 

    Nhưng bên cạnh những người đang vui với niềm vui được sáng mắt của anh, đã có những người như các ông Pharisêu đã không vui vì anh được chữa lành, đã không hài lòng vì anh được nhìn thấy, đã không bình an khi anh được Đức Giêsu làm phép lạ ban cho ánh sáng. Họ là những người đang bực tức, căm giận, chỉ vì anh được chữa lành, và được sáng mắt. Nhưng chính trong hoàn cảnh này, anh có dịp công khai tuyên xưng đức tin của anh vào Đức Giêsu, người đã  cứu chữa anh ra khỏi bóng tối.

   Trước nhóm Pharisêu hùng hổ vặn hỏi, và không ngớt đe đọa, anh luôn giữ một lập trường : kể lại chính xác những gì Đức Giêsu đã làm và đã nói với anh : « Người tên là Giêsu đã trộn một chút bùn, xức vào mắt tôi, rồi bảo : ‘Anh hãy đến hồ Silôác mà rửa’. Tôi đã đi, đã rửa và tôi nhìn thấy » (Ga 9,11). Bị chất vấn : « Còn anh, anh nghĩ gì về người đã mở mắt cho anh ? » Anh đáp : « « Người là một vị Ngôn Sứ ! » (Ga 9,17). 

     Những người Do Thái ghét Đức Giêsu còn mắng nhiếc anh thậm tệ và hạ uy tín của Đức Giêsu khi chụp mũ, lên án Ngài là người tội lỗi, cốt đế anh nghi ngờ, không tin Ngài là Đấng đến từ Thiên Chúa (x. Ga 9,24-33). Họ còn áp đảo tinh thần cha mẹ anh, bằng đe dọa : « trục xuất khỏi hội đường kẻ nào dám tuyên xưng Đức Giêsu là Đấng Kitô » (Ga 9,22).  

    Sau cùng, vì  không chịu nổi tính bất khuất, lòng biết ơn và niềm tin sắt đá của anh, nhóm Pharisêu và những người Do Thái về phe họ đã  vô cớ ra án cho anh : « Mày sinh ra tội lỗi ngập đầu, thế mà mày lại muốn làm thầy chúng ta ư ? ». Rồi họ trục xuất anh » (Ga 9,34).  

    « Đức Giêsu nghe nói họ đã trục xuất anh. Khi gặp lại anh, Người hỏi : « Anh có tin vào Con Người không ?» Anh đáp : « Thưa Ngài, Đấng ấy là ai để tôi tin ? » Đức Giêsu trả lời : « Anh đã thấy Người. Chính Người đang nói với anh đây ». Anh nói : « Thưa Ngài, tôi tin». Rồi anh sấp mình xuống trước mặt Người » (Ga 9, 35-38).

    Qủa thực, anh mù bẩm sinh được Đức Giêsu chữa lành đã trải qua nhiều  thử thách gây ra bởi những người Biệt Phái ganh ghét Đức Giêsu, và quyết tâm trừ khử Ngài. Vừa được sáng mắt sau bao nhiêu năm mù lòa, anh tưởng sẽ được bình an, hạnh phúc với mắt sáng như mọi người, nào ngờ cả một thế lực tôn giáo tấn công anh, bắt anh phải phủ nhận phép lạ anh vừa nhận, ép anh phải từ chối hồng ân từ tay người có tên Giêsu, đối thủ số một của những người đang o ép, khống chế, mua chuộc, gài bẫy anh phải nói dối,  cũng như ráo  riết « mớm cung » để anh phải bóp méo, bức tử « sự thật » bằng không nhận đã được Đức Giêsu « trộn một chút bùn, xức vào mắt, rồi bảo : « Anh hãy đến hồ Silôác mà  rửa », nhất là không được to tiếng công bố với niềm xác tín: « Tôi đã đi, đã rửa và tôi nhìn thấy» (Ga 9, 11).   

    Anh đã phải chiến đấu cam go trước cám dỗ được yên thân, được cơ chế tôn giáo ủng hộ, được đám đông tuyên dương, để có thể nói thật điều mình nghĩ đúng, nói đúng điều mình nghĩ thật, khi công khai « kể đúng » những gì Đức Giêsu đã « thật sự » làm cho anh, và nhắc lại « đúng » những lời của người chữa lành mắt đã « thực sự » nói với anh. Anh phải chiến đấu vất vả vì lực lượng hùng hậu, và ma mãnh của Bóng Tối đã không chấp nhận Ánh Sáng được trả lại cho anh, vì Bóng Tối  muốn mãi mãi thống trị anh, và không muốn anh đón nhận Ánh Sáng như hồng ân. 

   Những năm tháng mù loà, anh không thể mường tượng thế nào là ánh sáng, vì bóng tối với thời gian đã làm anh quen và không còn thấy xa lạ, khó chịu, bực bội với bóng tối, như người sống nhiều năm trong hang động, hay lâu ngày bị giam cầm dưới hầm tối sẽ lảo đảo, té nhào phút đầu tiếp cận  ánh sáng, nên khi có ánh sáng ùa vào cuộc đời, anh cũng phải  dũng cảm chiến đấu để Vượt Qua bóng tối, đi vào Ánh Sáng, chứ không ngoan cố ở lì trong bóng tối và không chịu thoát ra.

2.   Kết qủa khác biệt giữa Ánh Sáng và Bóng Tối : 

    Anh mù được chữa lành đã thấy ánh sáng, và khi đón nhận  ánh sáng, anh  đã nhận ra Đức Giêsu là Thiên Chúa, Đấng đã cứu anh khỏi bóng tối mù loà.

    Đấng ấy đến để ban ánh sáng cho nhân loại, nhưng không phải tất cả mọi người đều mở lòng đón nhận ánh sáng như anh. Bằng chứng là những người Pharisêu và nhiều người Do Thái có mặt hôm đó đã lên tiếng phủ nhận phép lạ ánh sáng của Đức Giêsu khi Ngài chữa lành anh, mặc dù phép lạ đã xẩy ra tỏ tường, và họ kiểm chứng được tận mắt, tận tay, tại chỗ.    

    Đó là lý do thánh Gioan Tông đồ đã nhấn mạnh trong phần mở đầu Tin Mừng : « Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người. Người ở giữa thế gian, và thế gian đã nhờ Người mà có, nhưng lại không nhận biết Người. Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận » (Ga 1,9-11). Cũng như chính Đức Giêsu đã khẳng định, trước những ngoan cố, và phủ nhận Ánh Sáng của nhóm Pharisêu và những người Do Thái cứng lòng : « Tôi đến thế gian này chính là để xét xử : cho người không xem thấy đuợc thấy, và kẻ xem thấy lại nên đui mù !» (Ga 9,39). 

    Nhìn vào anh mù được chữa lành, chúng ta thấy anh là người thiện tâm, khi lương thiện đón nhận « hồng ân được sáng mắt » được ban từ tay người có tên Giêsu, mà sau đó anh đã tuyên xưng niềm tin ở Ngài và sấp mình bái lậy (x. Ga 9,38). Chính nhờ mở lòng đón nhận hồng ân ánh sáng, Thiên Chúa đã cho anh được gặp Ngài, nhận ra Ngài và thờ lậy Ngài. Cũng chính vì nhận ra ơn Thiên Chúa ban cho mình, mà anh được bình an, dũng cảm để làm chứng bằng nói lên sự thật Thiên Chúa đã làm cho anh, trước mọi thách đố,  cạm bẫy, cám dỗ , thử thách của ác nhân.  

    Bên cạnh ơn bình an của đức tin, anh còn nhận được hoa trái ngon ngọt của Ánh Sáng là Lương Thiện, Công Chính và Chân Thật như thánh Phaolô đã ân cần nhắc bảo các tín hữu Êphêsô : « Anh em hãy ăn ở như con cái ánh sáng ; mà ánh sáng đem lại tất cả những gì là lương thiện, công chính và chân thật » (Ep 5,8-9).

    Ngược lại, khi nhìn vào những người chống lại ánh sáng, tức chống lại Đức Giêsu, như nhóm Pharisêu,  chúng ta thấy họ không tin, dù đã thấy tận mắt, đã sờ tận tay ; thấy họ không bình an, nhưng bất an, bất ổn, tâm hồn bấn loạn vì hận thù, ganh ghét, khi tìm đủ cách ngụy tạo, vu khống, thúc giục người này người kia  làm chứng gian, nói dối, bóp méo sự thật, như họ đã  điên cuồng làm áp lực trên anh mù và gia đình anh. 

      Chúng ta cũng thấy ở những người từ chối ánh sáng này con người và thái độ không chút « lương thiện, công chính và chân thật », qua tư tưởng bất chính,  lời nói  xảo quyệt, và việc làm gian ác, khi tìm mọi cách tận diệt niềm tin của anh mù vào Đức Giêsu, và giập tắt ánh sáng anh vừa nhận được như hồng ân vô cùng lớn lao từ Đức Giêsu, Thiên Chúa làm người. 

    Vâng, như anh mù được sáng mắt, nhờ bí tích Thanh Tẩy và Thêm Sức, chúng ta được Thiên Chúa cho sáng mắt, được lớn lên và xứng đáng hơn mỗi ngày với ơn huệ làm con cái  Ánh Sáng, khi thấy tất cả mọi người, mọi sự chung quanh mình, và nhìn mọi biến cố  xẩy ra hằng ngày  theo cái nhìn của Thiên Chúa, và dưới cái nhìn của Thiên Chúa. Nhờ đó, chúng ta không ngủ mê trong bóng tối, nhưng trỗi dậy dưới ánh sáng rạng ngời của Đức Giêsu (x. Ep 5,14), Ánh Sáng cứu độ của Thiên Chúa, Ánh Sáng cứu chuộc muôn dân. 

Jorathe Nắng Tím

VĂN HÓA «THẰNG, NÓ »



    Người viết phải minh định ngay : hai chữ văn hoá được dùng ở đây thật  gượng gạo, trái ý, nghịch lòng, vì ý nghiã của câu chuyện « văn hoá thằng nó » chẳng có chút gì được gọi là văn hoá..

   Câu chuyện xẩy ra vào mùa hè năm nay, trên chuyến xe điện ở Paris. Hôm ấy tôi ngồi đối diện với ba chị Việt Nam, tuổi đời khoảng  ba mươi, bốn mươi. Cả ba đều ngồi, và đứng trước họ là một nhóm người Ấn Độ. Vì ngồi đối diện, nên tôi nghe được những đối thoại khá lớn tiếng của các cô xoay quanh mấy người Ấn Độ chen chúc trước mặt : « Mấy thằng đen này hôi qúa ! ». Một cô khai hoả. Hai cô bên cạnh được dịp xối xả tiếp sức bằng những lời rất ngạo mạn, khinh bỉ và làm tổn thương những người da mầu trước mặt, mà có lẽ đã làm các cô khó chịu, bực bội vì chật chội, và trời mùa hè lại oi bức, nóng nực. Đại loại các cô gọi họ bằng thằng, bằng nó, và nặng lời xúc phạm màu da, chủng tộc …

    Bất ngờ, một thanh niên vạm vỡ trong nhóm Ấn Độ sấn tới, giận dữ chỉ vào mặt các cô  và bằng tiếng Việt hét lớn làm mọi người trong toa xe  hoảng hốt, vì lúc này ai cũng phập phồng  lo sợ bị khủng bố ở các nơi công cộng, đông người : « Tôi mời các cô xuống xe nói chuyện với chúng tôi ». Thế là khi cửa xe vừa mở ở trạm ngừng  Concorde, cả đám người Ấn Độ ép  ba cô phải xuống xe với họ… Không nói thì qúy bạn cũng mường tượng được chuyện gì đã xảy ra, khi cả đám người « Ấn Độ da đen nói và hiểu tiếng Việt vì trước đây có ở Việt Nam » đã bao vây « hạch tội » ba « người con gái da vàng » nhà mình. Rất may là tôi đã có mặt, như người « giao hoà, xin lỗi thay cho các cô », nhân danh tình đồng bào, đồng hương ! 

    Tội nghiệp ba cô hôm ấy  ngượng ngùng thì ít, nhưng sợ hãi thì nhiều,  vì lầm những người Ấn Độ trước đây ở Việt Nam là người Châu Phi nên đã gọi họ bằng thằng, bằng nó, để xúyt nữa bị phiền phức, rắc rối to. 

    Câu chuyện xẩy ra làm tôi ngẫm nghĩ nhiều đến thói quen của chính mình mỗi khi ngồi đấu láo với bạn bè : cái thói quen gọi người ta bằng thằng, bằng nó, mà rất ít gọi người vắng mặt được nói đến bằng ông, bằng bà, bằng cô ấy, anh ta, như mấy cô học trò có chồng Tây mỗi lần điện thoại  thì chẳng cô nào gọi chồng mình bằng anh ấy, hay  chồng em, chồng con, nhưng đều gọi chồng bằng nó, bằng thằng, khi tôi hỏi thăm về chồng con họ. 

     Cái « văn hoá thằng nó » ấy xem ra đã ăn sâu trong máu thịt nhiều người Việt, đến nỗi người ngoại quốc nào khi được nói tới trong câu chuyện cũng được gọi bằng thằng, bằng con, như thằng Tây,  con Mỹ, thằng Nhật,  con Bỉ, thằng Hoà Lan, con Đan Mạch ;  có khi còn bị bôi bác, châm biếm gọi là  thàng Chệt, con Xẩm, thằng Mẽo, con Đầm, thằng Miên, con Mọi,  mà tuyệt nhiên không gọi  bằng những danh xưng bình thường, tử tế  như ông Nga, bà Ý, anh Thái Lan, cô Lào.

   Cái văn hoá « thằng, nó » ấy cũng không tha chính đồng bào mình. Bằng chứng là trong câu chuyện hằng ngày ngoài đường  phố, người ta quen tai với những « thằng bộ trưởng, thằng giám đốc, con cán bộ, con thư ký », mà ít được nghe ông bộ trưởng, ông giám đốc, cô cán bộ, cô thư ký… Làm như ngôn ngữ khinh miệt là ngôn ngữ dễ xử dụng và ăn khách hơn cả ở quê nhà.

   Viết đến đây, tôi lại  thấy buồn, khi nhớ lại lời người thanh niên Ấn Độ hôm ấy. Bằng tiếng Pháp, anh ta nói : « Tôi không thể ngờ  người Việt Nam các anh mà tôi rất kính phục vì tinh thần kiên cường, anh dũng trong các cuộc chiến tranh vĩ đại  lại có những người tầm thường như mấy cô đây ». 

    Tận thâm tâm, tôi không nghĩ gì về ba chị, mà chỉ suy nghĩ từ đâu, và tại sao chúng ta  mắc phải cái văn hoá « không ra làm sao này », để  bị người ta cho là tầm thường, nếu không muốn nói là « không tử tế ». Không lẽ chúng ta có gien kiêu căng, hãnh tiến đến độ coi các dân tộc khác đều là man di mọi  rợ ? Không lẽ chúng ta có máu cao ngạo đến độ khinh miệt hết mọi người, và  bất cứ ai dưới mắt chúng ta may lắm cũng chỉ được là « thằng cha, con nhỏ », mà không được là ông, bà,  anh, chị, câu ta, cô ấy ? Không lẽ chúng ta ăn phải bả kỳ thị nặng đến độ không còn đủ lòng kính trọng để gọi người khác một cách có văn hoá, nhân văn ? Không lẽ chúng ta bị đầu độc tinh thần « hiếu chiến, bạo lực » đến độ nói về bất cứ người nào cũng phải bắt đầu bằng chà đạp họ với những  đại danh từ « thằng, con, nó » rất tồi tệ, và trầm trọng tổn thương ? 

   Qủa thực, nếu chúng ta không có can đảm nhìn lại mình, với những thiếu sót không nhỏ như  nếp sống « văn hoá thằng, nó » rất tai hại, thì bao giờ chúng ta mới  là một dân tộc lớn thưc sự, văn minh thực sự, đạo đức thực sự, mà nền tảng  căn bản phải có ở bất cứ đâu và thời nào, với bất cứ  sắc dân, chủng tộc nào luôn là lòng tôn trọng người khác phát xuất từ Nhân Ái, và lòng khiêm tốn phát sinh từ tình Huynh Đệ . 

Jorathe Nắng Tím     

         

    

 

VĂN HÓA CỘNG TÁC



    Không phải ai cũng thích và biết làm  việc chung với người khác, bởi có rất nhiều công trình đã thất bại vì người trong cuộc không biết hoặc không muốn cộng tác đến cùng,  do rất nhiều nguyên nhân, nhưng hầu hết các nguyên nhân đều quy về cái lý do tối thượng, tối cao, tối quan trọng, đó là cái tôi  ích kỷ kiêu căng, cái tôi ích kỷ sở hữu, cái tôi ích kỷ chiếm đọat. 

    Nếu bạn đã làm việc chung, đã cùng nhiều người đóng góp công sức, tiền bạc đầu tư vào một kế hoạch, bạn sẽ có nhiều kinh nghiệm tương tự như những gì tôi sắp chia sẻ : 

1.   Không phải ai cũng có thể cộng tác, làm việc chung :

    Ban đầu khi kế hoạch còn trong trứng nước, ở thời kỳ phôi thai, cưu mang, bàn tính thì ai cũng mạnh miệng cộng tác và năng nổ hô to khẩu hiệu : « mỗi người một tay xây dựng công trình, thực hiện kế họach », nhưng khi mọi sự đã lên khuôn, mọi việc đã chạy đều, thì phát sinh  rất  nhiều vấn đề, những vấn đề của con người khi cộng tác với nhau. Và chỉ lúc này, nhiều người trong cuộc mới té ngửa thất vọng khi nhận ra không phải ai cũng có thể cộng tác, làm việc chung, vì rất ít người muốn cộng tác để cùng phát triển, thích cộng tác để cùng thăng tiến, và càng ít người có khả năng tinh thần để cộng tác chân thành, cao thượng.

2.   Không có thể cộng tác, làm việc chung vì ích kỷ : 

   Yếu tố làm cho cộng tác thành tựu, làm cho việc chung tiến triển tốt đẹp chính là mỗi người phải bỏ bớt « cái tôi », dẹp bớt « cái mình » ích kỷ, để việc chung không biến thành việc riêng, quyết định chung không biến thành quyết định riêng, đường lối chung không bị bẻ cong thành đường riêng của một người, bởi khi làm việc chung, nếu để khuynh hướng ích kỷ  của « cái tôi » lấn lướt thì « cái chúng tôi » không còn chỗ đứng và ý nghiã cộng tác không thể tồn tại ; nếu  sức mạnh ích kỷ của cá nhân có sức áp đảo tập thể cộng tác, thì sớm muộn, công trình chung sẽ phải đình trệ, đổ vỡ, vì không ai đủ nghị lưc và kiên nhẫn để đối đầu với cá nhân ích kỷ khi làm việc chung với họ. 

    Người ích kỷ chỉ nghĩ cho mình, nên độc đoán và tìm mọi cách đưa đẩy, lèo lái, khống chế  đường lối chung theo ý muốn riêng mình ; người ích kỷ chỉ tính toán lợi nhuận về mình, nên dùng mọi chiêu trò, thủ đoạn mượn uy tín của tập thể để làm lợi cho bản thân mình, dùng công trình, thành qủa chung làm bàn đạp để tiến thân, xây dựng cơ đồ,  thành qúach  riêng cho mình ; người ích kỷ chỉ thu gom cho mình, nên ma mãnh biến của chung thành của riêng, tìm sơ hở để sở hữu, chiếm đoạt bao nhiêu có thể tài sản của tập thể ; người ích kỷ chỉ nghĩ mình là trung tâm, nên coi thường đóng góp của người khác, mà chỉ vênh vang đề cao công sức, vai trò của mình ; người ích kỷ chỉ tìm mình, nên không quan tâm đến người cùng làm việc, không nhìn nhận kết qủa công việc của người cùng làm, và luôn đánh giá thấp người cộng tác với mình.          

3.   Để cộng tác, phải có tâm hồn cao thượng : 

   Người ích kỷ thì nhỏ mọn, hẹp hòi : hẹp hòi từ cái nhìn đến  tư duy, chọn lựa ;  nhỏ mọn từ lời ăn tiếng nói đến  ứng xử hành động. Ở người ích kỷ, người ta không gặp được những gì cao đẹp, cao qúy, cao thượng, bởi tâm hồn họ đóng kín, khép chặt, bởi trái tim họ không có chỗ cho bất cứ ai, ngoài  gia sản Ích Kỷ  kếch sù của họ, nên đời sống tinh thần của họ kinh niên nghèo nàn, cằn cỗi, khô héo. 

    Khác với người ích kỷ, người có tâm hồn cao thượng không tìm mình khi làm việc chung với người khác, nhưng nhìn việc chung như cơ hội tốt để tự đào tạo mình thành người tốt hơn, bằng quan tâm đến thành công và hạnh phúc của người khác, những người cùng chia sẻ công việc với họ ; người có tâm hồn cao thượng ý thức giá trị của hợp tác, ý nghiã cao đẹp của cộng tác, và tìm mọi cách để mọi người làm việc chung vói nhau trong niềm vui và hạnh phúc ; người có tâm hồn cao thượng không dòm ngó, rình mò, truy xét cái yếu của người cùng làm việc với mình, nhưng quan tâm  bảo vệ, giúp đỡ nâng tầm ; người có tâm hồn cao thượng không coi mình là chià khóa của thành công, nhân tố quyết định duy nhất, nhưng nhìn thấy giá trị của từng người, thành qủa  đóng góp của từng cá nhân trong công việc chung ; người có tâm hồn cao thượng không lợi dụng tập thể cho cơ đồ cá nhân, không khai thác những người cùng làm việc cho lợi ích riêng, nhưng đặt lợi ích chung của nhóm trên tất cả. 

   Bên cạnh những đức tính tốt đẹp cần thiết cho hợp tác, cộng tác, người có tâm hồn cao thượng còn nổi bật ở tinh thần vị tha, qủang đại, khi biết lắng nghe và kiên nhẫn chịu đựng : lắng nghe những người cùng làm việc, mà không tìm cách  áp đặt  người khác bằng mọi giá quan điểm, ý kiến của mình, đồng thời kiên nhẫn chịu đựng những thiếu sót của người cộng tác với mình, vì tôn trọng và yêu mến. 

  Thực vậy, có làm việc chung, người ta mới biết mình và biết người khác cách chính xác, bởi chỉ khi cộng tác, những đức tính và nết xấu mới có cơ hội lộ ra rõ ràng, không thể chối cãi, bởi người ích kỷ  thủ lợi thì mấy khi để ý đến  việc chung, quan tâm đến người khác, do thời gian đã được dành hết  để lo thu gom, bốc hốt cho mình ; bởi người  ích kỷ lười biếng  thì nói nhiều hơn làm, đưa đẩy người khác ra tuyến đầu, chống chọi mọi khó khăn, còn mình thì ung dung, « phè cánh nhạn » ; bởi người ích kỷ vô trách nhiệm thì tong tớn phê bình,  thụt thò chỉ trích, và hở ra là đấu đá, phá họai ; bởi người ích kỷ gian tham thì luôn miệng kể lể công lao, tự phong danh hiệu cách lố bịch, kệch cỡm, mà không biết mình rất tầm thường, tồi tệ khi mưu đồ chiếm đọat thành qủa chung, công trình của nhiều người khó có thể ngụy trang, che giấu mãi.

    Vì thế, có làm việc chung, chúng ta mới thấm thiá tình đời, và con người phức tạp, nhiêu khê khó đo lường ; có từng cộng tác, chúng ta mới biết phần lớn những thất bại không phải vì không có « thiên thời, địa lợi », nhưng vì thiếu « nhân hoà » giữa những người cùng làm việc ; có làm việc với nhiều người,  chúng ta mới thấy  được cộng tác với những người « có tâm có tầm »  là một may mắn rất hiếm hoi trong cuộc đời ; có trải qua những thách đố cam go khi giữa những người cùng làm việc có một, hay hai người ích kỷ, chúng ta mới thấu hiểu cái mệt mỏi, chán chường khi công trình chung không tiến được chỉ vì một trái tim qúa nhỏ nhen, hẹp hòi, ti tiện ; có từng vất vả chèo chống công trình chung đến kết qủa cuối cùng với một tập thể  gồm nhiều thành phần, chúng ta mới cảm nghiệm sâu sa  sự cao qúy của những con người có tâm hồn cao thượng.

     Ước gì chúng ta biết dẹp bỏ một chút cái tôi kiêu căng, quên đi một chút cái mình ích kỷ để cao thượng và chân thành cộng tác với mọi người cho lợi ích chung của xã hội, đất nước, Giáo Hội và của chính mình.            

Jorathe Nắng Tím