Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 30 tháng 5, 2020

CON CÁI: MÓN QÙA QÚY GIÁ DUY NHẤT

Người mẹ của 9 đứa con ở miền Thất Sơn xa xôi, quê mùa vẫn say sưa kể về từng đứa con của bà. Bà nhớ từng ngày sinh của mỗi đứa, kỷ niệm đặc biệt khi sinh mỗi đứa và tiểu sử, lý lịch của từng đứa. Trong câu chuyện về 9 đứa con, bà nhớ từng chi tiết, từng tình tiết và rành mạch khúc chiết trình bầy có trật tự, lớp lang, không lẫn lộn đứa này qua đứa kia… Với bà, mỗi đứa là một đứa con duy nhất, mỗi người được sinh ra là một con người duy nhất, mỗi lần thụ thai, cưu mang, sinh nở là một biến cố duy nhất.
Có đứa lớn đứa nhỏ, đứa béo tốt, èo uột, đứa chóng lớn, dễ nuôi, đứa bệnh hoạn lấy bệnh viện làm nhà; nhưng đứa nào cũng được gọi là con, được yêu như con, được bú mớm, chăm sóc đúng “tiêu chuẩn” của con.
Quả thực, tình yêu có đôi mắt tinh anh của tình cha mẹ để nhận ra: mỗi đứa con là một món quà của Thượng Đế, món quà của mẹ cha trao tặng nhau, món quà của gia đình ban cho thế giới. Và đặc điểm của món quà này là tính độc đáo, duy nhất.
1.   Quà của Thượng Đế:
Nếu nhìn vào cơ thể con người, ta phải cúi đầu cảm tạ Thượng Đế đã để trong con người một trời mầu nhiệm. Không mầu nhiệm sao được khi tinh trùng của người cha gặp gỡ trứng của người mẹ đã sinh ra một mầm sống mới và mầm sống ấy lớn lên trong chính cung lòng người mẹ chín tháng mười ngày trước khi vào đời. Không mầu nhiệm sao được khi tinh trùng và trứng là những yếu tố xem ra tầm thường, đơn sơ đã hình thành một con người có thân xác, linh hồn với trí khôn, tình cảm, thao thức, ước mơ. Không mầu nhiệm sao được khi tình vợ chồng, tình cha con, tình mẹ con phát sinh từ cuộc hội ngộ giữa những con người này.
Là món quà của Thượng Đế, đứa con đã trở nên dấu chứng của “Trời tín nhiệm Người” khi mời gọi con người cùng cộng tác trong công trình tạo dựng. Không phải khơi khơi, vô tình mà Thượng Đế đã trao ban cho con người sứ mệnh sinh sản. Trái lại, Ngài muốn  nói lên lòng tín nhiệm và tôn trọng của Ngài đối với con người. Cho con người cộng tác vào việc truyền sinh loài người, Thượng Đế đã không coi con người là tạo vật bình thường, nhưng đã nâng con người lên hàng tạo vật cao qúy, thánh thiện, vì con người được sinh sẽ không chỉ là thụ tạo có thân xác mà còn có linh hồn thiêng liêng, bất tử.
Ý thức con cái là quà tặng của Thượng Đế cho thế giới, cha mẹ sẽ nhận con như nguồn ơn phúc từ Trời, như cây Phúc từ nay được vợ chồng cùng nhau vun xới, chăm đẵm. Cây Phúc mang đến hạnh phúc. Cây Phúc đem về lộc Trời, cây Phúc ban phát tình người. Và bao lâu thế giới còn những  cha mẹ biết trân trọng sự ra đời và sự sống của con cái, bấy lâu nhân loại còn được sống trong yêu thương, hạnh phúc.
Đón nhận con cái như món quà của Thượng Đế, cha mẹ sẽ không coi việc có thai, sinh con là chuyện “bình thường, đôi khi qúa tầm thường” trong cuộc sống. Hai người sẽ không nhìn việc thụ thai là kết qủa tất nhiên của chuyện ăn nằm, là hậu qủa khó tránh của chung đụng xác thịt, thoả mãn đòi hỏi của bản năng; nhưng trân qúy bào thai, trân trọng sự sống như kết qủa của tình yêu, như bảo chứng của dấn thân toàn phần và toàn diện của hai người tự nguyện cùng làm chung lịch sử. Có thai, có con sẽ không còn là chuyện thuần tình dục; nhưng là chuyện của một đời gắn bó, yêu thương. Em bé ra đời sẽ không là tai ương, tai nạn, tai hoạ; nhưng là tài sản qúy giá của nhân loại, tài sản tinh thần không bao giờ mất của gia đình, tài sản tình yêu ngày càng sinh sôi nẩy nở của cha mẹ.
  
2.   Quà tình yêu của cha mẹ:
Ngoài hạnh phúc nhìn thấy con mình mới sinh, người mẹ còn một hạnh phúc lớn khác, đó là được chiêm ngắm nụ cười mãn nguyện của chồng mình. Nàng hạnh phúc khi nhìn chồng ẵm con trong tay. Nàng sung sướng, cảm động khi chồng cúi xuống hôn và thì thầm: “Cám ơn em đã cho anh đứa con”. Hạnh phúc hôm nay của nàng là được trao ban hạnh phúc cho chồng mình: hạnh phúc làm cha. Nàng hãnh diện đã sinh cho chồng một người con, và tự hào đã chu toàn bổn phận đó. Nàng vui vì giá trị quá lớn và duy nhất của quà tặng là đứa con nàng vừa hạ sinh. Đó là quà tặng qúy  giá nhất nàng có thể cho chồng.
Nhìn hai người quấn quít hạnh phúc bên đứa con mới sinh, người ta không thể không đồng cảm với niềm vui lớn ấy, niềm vui của những người đã cho nhau món quà lớn nhất và duy nhất: Con.
Là món quà của yêu thương, em bé trở nên sợi giây tình thắt chặt hơn cuộc đời của  cha mẹ. Từ nay, nhìn thấy con là nhớ chồng, ẵm con trong tay là thương vợ quay quắt. Đứa con là hình ảnh, hiện thân, phó bản của chồng và vợ. Cả hai người gặp nhau và gặp mình trong đó. Con nhắc nhớ hai người kỷ niệm. Con nâng đỡ hai người trên đường đời vất vả. Con đem lại cho hai người niềm vui và hy vọng sống.
Nhưng người ta chỉ nhận được món quà hạnh phúc này khi tình yêu có mặt; nghiã là hai người sẽ chỉ nhận con cái như món quà cho nhau khi họ thực sự yêu nhau. Ngoài tình yêu, con cái sẽ chỉ còn được coi như những “xui xẻo, phiền toái, cản trở, gánh nặng, hình phạt khổ sai”. Thiếu tình yêu, con cái sẽ như những cây non không được tưới dưới trời nắng hạ, những chim non không đưọc chim mẹ mớm ăn. Chúng sẽ chết tức tưởi, thảm thương. Vắng bóng tình yêu, con cái sẽ biến thành những con tin bất hạnh bị ném như trái banh giữa hai đối thủ. Không tình yêu, em bé sẽ thoái biến thành đồ vật, món hàng và bị đổi chác, mặc cả bởi chính mẹ cha. Cạn kiệt tình yêu, con cái sẽ không là con, nhưng là dấu vết của tủi nhục, chứng cớ của hận thù, vật chứng của phản bội, nhân chứng của bất nhân, bạo hành.
3.   Quà cho nhân loại:
Khi sinh ra một con người, cha mẹ đương nhiên trở thành người ơn của thế giới khi tặng cho thế giới một con người mới. Con người mới này sẽ làm mới thế giới và cho thế giới luôn được đổi mới. “Tre già măng mọc” là thế, khi thế hệ trẻ tiến lên kế nghiệp thế hệ già để bảo đảm sự trường tồn của thế giới con người. Thiếu những chồi măng non, làm sao thế giới tồn tại và phát triển? Nhờ cha mẹ nuôi dưỡng, giáo dục, thế giới sẽ có những con người đức hạnh, tài năng để loài người ngày càng bớt bất hạnh nhờ tình yêu và khả năng của những con người được đào tạo trưởng thành. Khi ý thức mình là người ơn của nhân loại khi sinh ra và giáo dục con cái, cha mẹ sẽ trân trọng chính mình, vì biết mình mang một trọng trách và tôn trọng con cái, vì biết chúng mang một sứ mệnh.
 Hỡi những bạn trẻ lần đầu làm cha mẹ!
Tôi muốn chung niềm vui lớn với các Bạn ngày sinh của cháu bé, vì niềm vui ấy qủa thực rất lớn, lớn hơn tất cả các niềm vui khác cộng lại: niềm vui làm cha mẹ.
Tôi muốn được hôn lên trán con đầu lòng của các Bạn nụ hôn vừa chúc phúc vừa xin được chúc phúc. Tôi chúc cho cháu dư đầy ơn phúc trong cuộc đời và cũng xin cháu tràn xuống cho tôi ơn phúc đang chan hoà ở bé, vì bé là món quà vĩ đại của Tình Trời mầu nhiệm. 
Tôi muốn ghé thăm và xíết chặt đôi tay các Bạn với lời chúc “Can Đảm”, vì ngày mai trước mặt sẽ là ngày mai của tận tụy hy sinh.
Và tôi muốn cùng các Bạn chắp tay cầu nguyện cho tương lai hạnh phúc của con cái chúng ta cũng như của chính chúng ta.

TẠI SAO NGƯỜI TRẺ CÔNG GIÁO ĐI THEO GIÁO PHÁI? (2)

NGƯỜI TRẺ CẦN ĐƯỢC ĐỒNG HÀNH 
Giáo Hội là đoàn thể những người cùng đi theo Đức Giêsu, như đám đông ngày xưa đã kéo nhau đến nghe Ngài giảng “Tám mối phúc thật” (x. Mt 5,1-12), như “đám đông lũ lượt đi theo Ngài và được chứng kiến Ngài làm phép lạ cho con bà góa thành Nain sống lại” (x.Lc 7,11-17), như “những đám người đông đảo kéo đến cùng Người, đem theo những kẻ què quặt, đui mù, tàn tật, câm điếc và nhiều bệnh nhân khác nữa. Họ đặt những kẻ ấy dưới chân Người và Người chữa lành” (Mt 15,30), như đám đông đi theo Ngài và ở với Ngài “đã ba ngày rồi mà không có gì ăn” được Ngài “chạnh lòng thương” làm phép lạ cho bánh hoá nhiều để ai nấy được ăn no nê (x. Mc 8,1-9), như đám đông “đang vất vả mang gánh nặng nề” được Ngài kêu gọi đến với Ngài để được nghỉ ngơi, bồi dưỡng (x. Mt 11,28-30), và cũng những đám đông đã đi theo Ngài, “thuộc mọi dân, mọi chi tộc, mọi nước và mọi ngôn ngữ” đang “đứng trước Con Chiên, mình mặc áo trắng, tay cầm nhành lá thiên tuế lớn tiếng tung hô: “Chính Thiên Chúa chúng ta, Đấng ngự trên ngai, và chính Con Chiên đã cứu độ chúng ta” trong Vương Quốc Nước Trời hằng sống (Kh 7,9-10).
Hình ảnh đám đông  đi theo Đức Giêsu trong Tin Mừng chính là hình ảnh Giáo Hội đồng hành: mọi người đồng hành với nhau trên đường theo Đức Giêsu. Đặc tính đồng hành này có nền tảng trên yếu tính Hiệp Thông của Giáo Hội, yếu tính không thể thiếu đối với một Giáo Hội được ví như  thân thể mà tất cả mọi người đều là chi thể, bởi “tất cả chúng ta đều đã được chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể. Tất cả chúng ta đã được đầy tràn một Thần Khí duy nhất” (1Cr 12,13).
Như thế, không ai thuộc về Giáo Hội mà  bị cô lập bởi Giáo Hội; không ai ở trong Giáo Hội mà bị Giáo Hội kỳ thị, khai trừ; không người Kitô hữu nào phải chịu cảnh thui thủi cô độc, lầm lũi đơn côi trên đường đi đạo, bởi Giáo Hội không chỉ là Thân Thể duy nhất, mà còn là đoàn thể cùng nhau đi theo Đức Giêsu, cùng nhau sống chết với Đức Giêsu, cùng nhau loan báo Tin Mừng của Đức Giêsu, cùng nhau đi vào Nước Trời và chung hưởng hạnh phúc được chính Thiên Chúa hứa ban.
Nhưng Giáo Hội có thực sự là Giáo Hội đồng hành? Giáo Hội có sống đòi hỏi đồng hành với con cái? Giáo Hội có phát huy tinh thần đồng hành giữa đoàn chiên? Hay trong Giáo Hội vẫn còn những tín hữu bị bỏ rơi, những con chiên đơn độc, những người trẻ không được ai đồng hành?
Đây là một vấn đề không nhỏ, khi nhiều người trẻ sau khi bỏ Giáo Hội gia nhập các giáo phái đã thẳng thắn chia sẻ tình cảnh chơi vơi, lạc lõng của mình trước đó giữa lòng Giáo Hội, và không ngần ngại khẳng định lý do khiến họ bỏ Giáo Hội, vì thấy mình như người xa lạ trong nhà Mẹ Giáo Hội, như khách lạ trong gia đình Hội Thánh, như người lữ hành cô độc không bạn đường giữa cộng đoàn dân Chúa trên hành trình đức tin.
Là người trẻ còn non nớt, họ cần được những bậc cha anh trong Giáo Hội đồng hành với họ, như Đức Giêsu đã đồng hành với các môn đệ:

1.   Ngài đã đồng hành tình nghiã:
Đồng hành tình nghiã thầy trò, tình nghiã cha con, tình nghiã của Thiên Chúa, Đấng Cứu độ với con người tội lỗi cần được cứu độ. Chính trong bầu khí tình nghiã này mà các môn đệ đã được Đức Giêsu huấn luện, để lớn lên trong đời sống làm người, và trưởng thành trong đời làm con Chúa, môn đệ.
Đức Giêsu đã đồng hành tình nghiã khi yêu thương những kẻ thuộc về mình và Người yêu thương họ đến cùng (Ga 13,1), bởi chỉ có thể tình nghiã với ai, khi “yêu thương họ đến cùng”, vì yêu không đến cùng sẽ không được kể là tình nghiã, như những người yêu một khoảnh khắc, yêu một thời gian, yêu một qũang đường. Những người yêu từng phần mà không toàn phần, yêu có giới hạn mà không vô hạn, yêu được lập trình sẵn mà không là dấn thân mạo hiểm đi vào vô cùng này không được kể là người tình nghiã, vì “có tình có nghiã” phải được hiểu là trái tim yêu đến cùng, dù “đường cùng phải đến” có cùng khổ, cùng cực, cùng quẫn thế nào đi nữa.
Chính vì không dám yêu “người mình yêu” với gánh nặng của qúa khứ, với đe dọa của hiện tại, với rủi ro của tương lai, mà chúng ta không muốn yêu ai đến cùng như Đức Giêsu đã yêu những kẻ thuộc về mình. Và khi không muốn yêu đến cùng, chúng ta rất khó có thể đồng hành tình nghiã với họ.
Vì thế, tuy là đoàn thể cùng đi trên một tuyến đường, cùng chia sẻ vất vả và hạnh phúc của những người đồng hành, đồng hướng, nhưng nhiều người trong Giáo Hội đã trải nghiệm những bước chân lầm lũi, đơn độc, nặng nề giữa cộng đoàn; đã sống những xót xa, đắng đót vì bị cô lập, bỏ rơi giữa lòng Mẹ Giáo Hội, mà lý do thì nhiều vô kể, và thành phần trẻ thường chiếm đa số.
    
Người trẻ khao khát được đồng hành tình nghiã, nên khi rơi vào tình cảnh lạnh lùng, vô cảm của cha anh đồng đạo, người trẻ sẽ thất chí, nản lòng; người trẻ ao ước được cùng đi với những người cởi mở, thân thiện, nên chẳng may  đi bên cạnh những chức sắc xét nét, nhỏ mọn, hở ra là “lên lớp” dọa dẫm, đe nẹt, thì họ chẳng còn nhiệt tình, nhiệt huyết để đạt mục đích ở  cuối đường.
Vì thế, khi một cộng đoàn đức tin thiếu đồng hành tình nghiã, nghiã là vắng bóng tình yêu thương huynh đệ trên hành trình đức tin, cộng đoàn ấy sẽ mau chóng rời rạc, chia rẽ dẫn đến tình trạng tự ý ra khỏi cộng đoàn của nhiều người, đặc biệt người trẻ, và thực tế đã chứng minh: nhiều người trẻ bỏ đức tin công giáo vì không tìm được “bạn đường đức tin” đồng hành tình nghĩa, nhất là trong những thử thách cam go của đức tin, giữa sóng gió nghi nan, ngờ vực về hiện hữu của chính mình.
2.   Ngài đã đồng hành tôn trọng:
Đồng hành tình nghiã thôi chưa đủ, còn phải đồng hành tôn trọng, khi trân qúy nhân phẩm và tôn trọng quyền con người của nhau, như Đức Giêsu đã đồng hành tôn trọng với Nhóm Mười Hai của Ngài.                
Đức Giêsu đã đồng hành tôn trọng khi tôn trọng tự do đi theo Ngài của mỗi người, bởi có rất nhiều người đã nghe tiếng Ngài kêu gọi “Hãy theo tôi!”, nhưng theo Ngài chẳng có bao nhiêu, như người thanh niên đã tế nhị từ chối khi lặng lẽ “buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải” (Mt 19,22), hay như khi Gioan Tẩy Giả giới thiệu hai môn đệ của mình cho Đức Giêsu và muốn họ đi theo Ngài, Đức Giêsu đã đồng hành tôn trọng tự do của các môn đệ này bằng mời các ông “Đến mà xem”. Họ đã đến xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy” (Ga 1,39), vì Ngài không bao giờ làm áp lực trên chọn lựa của bất cứ ai, không áp đặt, khống chế người nào phải tin và đi theo Ngài, bởi Ngài tuyệt đối tôn trọng giá trị của mỗi người và chỉ muốn đồng hành tôn trọng mọi người.
Đức Giêsu đã đồng hành tôn trọng cả khi môn đệ Phêrô chối mình, mặc dù đã được cảnh báo: “Này anh Phêrô, Thầy bảo cho anh biết, hôm nay gà chưa kịp gáy, thì đã ba lần anh chối là không biết Thầy” (Lc 22,34), cũng như với Giuđa, Ngài đã bảo ông: “Giuđa ơi, anh dùng cái hôn mà nộp Con Người sao?” (Lc 22,48), khi ông lại gần để hôn khi Ngài bị bắt.
Trên hành trình đức tin với cộng đoàn dân Chúa, người trẻ cũng cần được đồng hành tôn trọng không chỉ khi người trẻ “hăng say, đạo đức”, nhưng cả lúc nguội lạnh, khô khan, khủng hoảng, vì hơn ai hết, người trẻ rất nhậy bén với những gì là độc tài, cưỡng bức, khống chế, tước đọat tự do, khinh mạn, phỉ báng, nên khi vấp phải chướng ngại trên hành trình tự do của đức tin, người trẻ sẽ rơi vào bất mãn và tìm đường thoát thân bằng rút lui, bỏ cuộc.
Thực vậy, với tâm hồn lương thiện, chúng ta sẽ phải khiêm tốn nhìn nhận những thiếu sót đối với người trẻ trong Giáo Hội khi chưa đồng hành với lòng tôn trọng, để không ít người trẻ cảm thấy bị coi thường, bị xúc phạm, bị tổn thương cách này cách khác, từ đó con đường đi tìm các giáo phái có cơ hội  mở ra.
3.   Ngài đã đồng hành cá nhân”:
Đồng hành cá nhân là đồng hành quan tâm đến từng người, như Đức Giêsu đã gần gũi với từng môn đệ, biết rõ từng người, cảm thông với từng người, và có phương án riêng để hướng dẫn, nâng đỡ, vực dậy từng người.
Thực vậy, cá nhân không bị quên trong “đám đông đi theo Chúa”, mỗi người không bị biến thành con số trong cộng đoàn Giáo Hội, nhưng cá nhân được chăm sóc, mỗi người có một sứ vụ, như mỗi chi thể có công tác, cơ năng riêng trong thân thể. Về chân lý này, không ai có thể cắt nghiã khúc chiết, phong phú hơn thánh Phaolô: Thiên Chúa đã đặt mỗi bộ phận vào một chỗ trong thân thể như ý Người muốn. Giả như tất cả chỉ là một thứ bộ phận, thì làm sao thành thân thể được? Như thế, bộ phận tuy nhiều mà thân thể chỉ có một. Vậy mắt không thể bảo tay: “Tao không cần đến mày”; đầu cũng không thể bảo hai chân: “Tao không cần chúng mày” (1 Cr 12,18-21).
Do đó, khi đồng hành cá nhân với các môn đệ, Đức Giêsu muốn nói lên địa vị và vai trò quan trọng của mỗi người trong Giáo Hội của Ngài, một Giáo Hội được ví như Thân Thể, mà tất cả các chi thể, bộ phận đều cần thiêt và liên đời với nhau, nên khi bỏ quên việc đồng hành cá nhân với người trẻ, chúng ta đã vô tình tỏ ra không cần họ, không nhìn nhận chỗ đứng và ơn gọi, sứ vụ của từng người trẻ trong Giáo Hội, để họ mang mặc cảm bị hạ giá, bị bỏ ra bên lề, bị đẩy ra ngoài sinh hoạt của Giáo Hội. Chúng ta nên chân thành tự vấn: có bao nhiêu người trẻ trong cộng đoàn đã được chúng ta tín nhiệm, giao trọng trách? Có bao nhiêu thanh thiếu niên trong giáo xứ đã được người có quyền quản trị chia sẻ công việc với niềm tin tưởng và tôn trọng? Có bao nhiêu người trẻ đã chán nản bỏ cuộc, không muốn cộng tác với chúng ta sau một thời gian, vì thái độ “hống hách, coi thường, thiếu cởi mở, kể cả vắt chanh bỏ vỏ” của chúng ta? Và có bao nhiêu người trẻ đã bỏ Giáo Hội đi theo các giáo phái vì không được Giáo Hội quan tâm đồng hành “cá nhân” với họ?     
Thực ra, không dễ để thực hiện lý tưởng đồng hành với từng người, như Đức Giêsu đã “biết từng con chiên của Ngài” và chiên nào cũng biết Ngài và nghe tiếng Ngài (x. Ga 10,3-5), vì chúng ta không có thời giờ, và khả năng có giới hạn, nhưng cản trở đáng buồn chính là tính ích kỷ và ganh tị của chính chúng ta là những người có trách nhiệm đồng hành với người trẻ. Qua tâm sự của nhiều người trẻ nạn nhân, chúng ta phải nhận một sự thật phũ phàng là không ít những người lớn đi trước có trách nhiệm xây dựng đức tin của người trẻ lại ghen tương, tranh giành, đấu đá với người trẻ khi thấy họ nổi bật hơn mình về kiến thức, khả năng. Đây là ung nhọt phải được cắt đi sớm bao nhiêu có thể, vì ảnh hưởng phá hoại rất tồi tệ của nó.
4.   Ngài đã đồng hành giáo dục khai phóng:
Các môn đệ đi theo Đức Giêsu không phải là những người hoàn hảo, nhưng tất cả đều là những con người bình thường, với những khuyết điểm, tính hư tật xấu, và lòng dạ còn nhiều điều phải sửa chữa, thay đổi.
Tin Mừng đã ghi lại những màn tìm kiếm ngôi thứ, địa vị trong Vương Quốc tương lai của Đức Giêsu (x. Mc 10,35-40), những cảnh các môn đệ nóng giận xin Đức Giêsu sai lửa từ trời xuống thiêu rụi làng này, tỉnh kia chỉ vì không ân cần tiếp đón các ông (x. Lc 9,51-55), những thái độ thiếu nhân bản khi xua đuổi trẻ em  đang náo nức muốn đến gần Đức Giêsu để đuợc Ngài âu yếm chúc lành (x. Mt 19,13-15), những câu nói thiếu tế nhị  làm tổn thương trước người đàn bà ngọai đạo kiên trì năn nỉ Đức Giêsu chữa lành con gái bà bị quỷ ám (x. Mt 15,23), và còn vô số những thiếu sót, yếu đuối nơi các ông, mà điển hình là Giuđa đã bán Thầy, Phêrô đã chối Chúa, và hầu hết các môn đệ đã trốn chạy bỏ rơi Đức Giêsu những ngày tang thương, sầu thảm nhất trên đường Thánh Giá.
Tuy vậy, Đức Giêsu vẫn thương yêu những người thuộc về Ngài và thương yêu họ đến cùng, bằng đồng hành giáo dục khai phóng họ.
Ngài nhẹ nhàng chỉ bảo các ông để các ông nhìn ra vấn đề hơn; Ngài ân cần khuyên răn các ông để các ông tử tế hơn với mọi người; Ngài khéo léo uốn nắn các ông để các ông nhận ra điều ngay lẽ phải; Ngài kiên nhẫn dậy dỗ các ông để các ông  đuợc biến đổi, hầu đón nhận Thánh Ý Thiên Chúa trong cuộc sống; nhất là Ngài khiêm tốn chịu đựng các ông khi các ông sai trái, mà không nóng giận, hằn học, trừng phạt, lên án, tẩy chay, khai trừ.
Cứ nhìn thái độ của Đức Giêsu đối với Phêrô khi ông vừa chối Ngài thì biết trái tim đồng hành của Ngài lớn thế nào: Ngay lúc Phêrô còn đang chối: không biết Đức Giêsu là ai, thì Chúa quay lại nhìn ông, ông sực nhớ lời Chúa đã bảo ông: “Hôm nay, gà chưa kịp gáy, thì anh đã chối Thầy ba lần. Và ông ra ngoài khóc lóc thảm thiết” (Lc 22,61-62).
Trước sai phạm nghiêm trọng của môn đệ Phêrô, Đức Giêsu đã không hề phản ứng bạo lực, trái lại vẫn yêu thương đến cùng, và bằng ánh mắt buồn nhưng âu yếm cảm thông, Ngài đã nâng đỡ Phêrô, giúp Phêrô thoát khỏi cơn sóng tuyệt vọng, và dậy bảo ông thống hối trở về. Tính cách giáo dục khai phóng của Đức Giêsu khi đồng hành với các môn đệ được đặt trên tình yêu vô cùng và đến cùng. Nhờ tình yêu mãnh liệt và bền vững này, Ngài luôn hy vọng vào ơn đổi mới nơi người môn đệ yếu đuối, tội lụy, mà không hề xúc phạm, hạ thấp giá trị của người thuộc về mình.
Như thế vẫn chưa đủ, Đức Giêsu, sau khi sống lại còn làm chứng cho Phêrô và các môn đệ biết: Ngài không mượn cớ, chờ dịp để trách móc, trừng phạt, sa thải, nhưng một lần nữa giáo dục các ông tinh thần khai phóng có trách nhiệm khi nhấn mạnh với các ông tiêu chuẩn để trở nên người môn đệ xứng đáng, tiêu chuẩn để trở thành người lãnh đạo tốt, tiêu chuẩn để trao trọng trách quản trị đoàn chiên của Ngài chính là Tình Yêu, khi nói với Phêrô: “Hãy chăm sóc chiên của Thầy”, sau khi hỏi ông ba lần: “Con có yêu mến Thầy không?” (Ga 21,17).
Nhìn lại những người trẻ bỏ Giáo Hội ra đi, chúng ta có chạnh lòng khi nghĩ đến những lần người trẻ sai lỗi đã bị người có trách nhiệm trong Giáo Hội nặng lời quở trách, nạt nộ, lên án? Chúng ta có bận tâm đặt mình vào chỗ của người trẻ để hiểu phần nào nỗi buồn “thất vọng với Giáo Hội” của họ, vì những “bất ngờ, không ngờ” có sức làm sụp đổ từ phiá những người có quyền quản trị? Chúng ta có giật mình băn khoăn khi người trẻ đột nhiên không còn nhiệt huyết, không còn lửa quảng đại phục vụ Giáo Hội ?
Và câu trả lời đã không được viết thành câu, nói thành tiếng, nhưng vội vã  biến thành hành động bỏ nhà đi tìm một mái ấm khác rất xa, rất lạ với nhà mẹ Giáo Hội.     
  
Qủa thực, các bạn trẻ đã bỏ nhà Giáo Hội đi theo các giáo phái đều chung một tâm sự, đó là “buồn vì đã không được Giáo Hội quan tâm đồng hành”. Rất có thể các bạn ấy đã chủ quan, vì Giáo Hội không bỏ bê công việc này, bằng chứng là các đấng bản quyền luôn quan tâm đến sứ vụ đồng hành với giới trẻ, và rất nhiều chương trình được thực hiện để phục vụ giới trẻ trên hành trình đức tin. Nhưng vấn đề được các em đặt ra ở đây chính là phương thức đồng hành, bởi đồng hành với đám đông khác đồng hành cá nhân với từng người; đồng hành kiểu  “tổ chức sự kiện” khác đồng hành liên lỷ kiểu “mưa dầm thấm lâu”; đồng hành kiểu công bố sắc lệnh, tuyên ngôn nẩy lửa khác đồng hành đằm thắm, nhẹ nhàng; đồng hành kiểu huyên náo, sôi nổi khác đồng hành kín đáo, lặng lẽ, thâm trầm; đồng hành kiểu đại trà, hoành tráng với khẩu hiệu, biểu ngữ khác đồng hành từng bước âm thầm, từng khúc mắc được cởi, từng vấn nạn được giải thích, từng nhu cầu được đáp ứng, từng thao thức, khắc khoải được khai mở thăng hoa.
Vâng, người trẻ không luôn dễ tính và đơn giản như người lớn thường lầm tưởng khi đánh giá. Trái lại, người trẻ nghĩ khác người lớn, người trẻ lý giải khác người già, người trẻ không luôn chọn lựa như ước mơ của cha anh, nên không đồng hành với người trẻ như người trẻ khao khát, chờ đợi, chúng ta sẽ mất người trẻ; không bước cùng nhịp với người trẻ trên hành trình đức tin, người trẻ sẽ không đi với chúng ta; không gắn bó, thân thiết đồng hành với người trẻ, người trẻ sẽ không hiểu  chúng ta và kết thúc bằng chia tay từ biệt.
Chính trong tình trạng “không cảm thấy được quan tâm đồng hành” trong Giáo Hội, người trẻ sẽ đi tìm sự quan tâm đồng hành ở nơi khác. Điều đáng nói là “những nơi khác” ấy luôn biết nắm thời cơ và thực hiện những kỹ năng đồng hành rất ăn khách, tạo ấn tượng sâu đậm nơi người trẻ đang có vấn đề đức tin. Kỹ năng đồng hành thường được “những nơi khác ấy” điều nghiên kỹ lưỡng và chi tiết lập trình, khởi đi từ những nhu cầu rất nhỏ và rất bình thường của đời thường như nhu cầu an sinh, nhu cầu học vấn, nhu cầu được lắng nghe… để từ đó tiến xa dần đến nhu cầu tâm linh, mà đích điểm là đức tin.
Thế nên không lạ gì khi nhiều người trẻ công giáo không tìm được chỗ đứng trong Giáo Hội, hoặc không cảm thấy được Giáo Hội quan tâm đồng hành đã dễ dàng gia nhập các giáo phái khi được mời gọi, vì ở đây, họ được trân trọng, ở đây họ cảm thấy an tâm vì được quan tâm, ở đây họ cảm thấy bình an, vì được ân cần nâng đỡ, thân thiện đồng hành, ở đây họ cảm thấy ấm áp như con cái, anh chị em trong nhà, vì khoảng cách giữa người với người không xa, tương quan người trên - kẻ dưới không hình thức, nặng nề, nhất là ở đây, những trăn trở, thắc mắc liên quan đến niềm tin, những vấn nạn đức tin từ lâu làm bận trí, nặng lòng đều được  giải toả, tháo gỡ bằng cách thay thế đức tin công giáo được xem là “lạc hậu, cũ kỹ, nặng nề”, bằng một “đức tin mới lạ, kỳ diệu, nhẹ tênh”.
Jorathe Nắng Tím