Năm 2020 qủa thực là một năm nhiều giông bão cho toàn thế giới vì đại dich Covid 19, mà hậu qủa tai hại còn tiếp tục kéo dài không biết đến bao giờ. Riêng giáo phận Đà Lạt, ngoài cơn bão Covid còn gánh thêm cơn giông khác cũng không kém mất mát nặng nề. Đó là hiện tượng “Nhà Chúa Cha” ở Bảo Lộc.
Mất
mát vì một linh mục bị treo chén, một giáo dân bị vạ cấm chế ; mất mát vì
sự hiệp nhất trong giáo phận bị rạn nứt khi nhiều phe nhóm đối kháng, nhiều
quan điểm đối nghịch, nhiều ý kiến trái chiều, nhiều phát biểu phủ nhận, kình
chống, lên án nhau.
Một
bầu khí u ám như mây mù những sáng sớm Đà Lạt khi các mạng xã hội thi nhau bàn
tán xôn xao với đủ cung bậc ủng hộ, đả phá, công kích, bênh vực, mà cả Toà Giám
Mục Đà lạt với Đức Cha Đaminh Nguyễn văn Mạnh và “Nhà Chúa Cha Bảo Lộc” với cha Nguyễn
Chu Truyền, chị Thiên Thương đều là nạn nhân, đối tượng rất đáng mến, nhưng cũng
rất đáng thương.
Thôi
thì đủ luận cứ, chứng cớ, qủa quyết, kết luận : đúng sai. Cả phe chống cũng
như phe ủng hộ Đức Cha hay cha Truyền, chị Thương đều cương quyết khẳng định mình và gay gắt lên án đối phương : người thì bảo Đức
Cha sai, độc đoán, độc tài, kiêu căng, “giáo
sĩ trị”,
coi thường giáo dân, ngoan cố trước ý muốn của Chúa Cha ; người thì nói chị
Thương, cha Truyền mất trí, lạc đạo, bất tuân phục, phản bội, phá họai Hội Thánh…
Cũng có những bài viết dài phân tích cặn kẽ tùy theo quan điểm như đề cao sự vâng
phục trong Giáo Hội, phân tích vai trò của Giám Mục, làm nổi bật đoàn sủng, “cường điệu” sự xuất hiện của
qủy vương trong thời đại mới và sự can thiệp trực tiếp của Chúa Cha.
Tóm
lại, chúng ta đang đứng trước nguy cơ một cuộc ly giáo, và sự hình thành có hệ
thống một giáo phái mới tách biệt khỏi Công Giáo. Chia sẻ nỗi buồn và lo âu của
Đức Cha Đaminh, cũng như lo âu và nỗi buồn của cha Truyền, chị Thương, người viết
xin được trải lòng với tư cách một người con, một người anh em, một chi thể
trong Thân Thể mầu nhiệm Đức Kitô là Giáo Hội của Ngài về hai điểm mà người viết
cho là then chốt hơn cả đã tạo nên nhiều lấn cấn, sai lạc. Đó là sự khác biệt
giữa Thần Khí của Thiên Chúa và các thần khí khác, sự khác biệt giữa Đoàn Sủng
và Mạc Khải trong giáo lý đức tin.
1.
Thần Khí của Chúa và
các thần khí khác:
a.
Các thần khí không thuộc
Thiên Chúa :
Tin
Mừng luôn nhắc nhở và nhấn mạnh sự khác biệt giữa Thần Khí của Thiên Chúa, Thần
Khí của Đức Giêsu Kitô và các thần khí khác như thần khí của con người, thần khí
của thế gian, thần khí của ma qủy.
Sách Samuen kể :
· Sau khi
ông Samuen qua đời... “Người
Philitinh tập hợp lại và đến đóng trai ở Sunêm… Vua Saun thấy trại của người
Philitinh thì sợ và tim ông đập mạnh. Ông thỉnh ý Đức Chúa, nhưng Đức Chúa
không trả lời, dù bằng giấc mộng, bằng thẻ urim, hay qua trung gian ngôn sứ.
Vua Saun bảo triều thần : Hãy tìm cho ta một bà đồng bóng, để ta thỉnh ý
bà ấy”.
Triều thần nói với vua : Thưa có một bà đồng bóng ở Ênđo” (1 S 28,4-7).
Đây
là trường hợp nghe theo thần khí của con người, mà không phải Thần Khí của
Thiên Chúa.
Tin Mừng Máccô ghi lại :
· “Đức Giêsu và các
môn đệ sang tới bờ bên kia Biển Hồ, vùng đất của dân Ghêrasa. Người vừa ra khỏi
thuyền, thì từ đám mồ mả, có một kẻ bị thần ô uế ám liền ra đón Người. Anh này
thường sống trong đám mồ mả, và không ai có thể trói anh ta lại được, dầu phải
dùng cả đến xiềng xích”
(Mc 5,1-3). Một hôm khác, một người trong đám đông thưa với Đức Giêsu : “Thưa Thầy, tôi đã
đem con trai lại cùng Thầy ; cháu bị qủy câm ám. Bất cứ ở đâu, hễ qủy nhập
vào là vật cháu xuống. Cháu sùi bọt mép, nghiến răng, cùng đờ người ra” (Mc 9,17-18).
Đây
là trường hợp thần khí của ma qủy ám nhập làm khổ con người.
Thánh
Gioan Tông Đồ khẳng định có những thần khí không chỉ khác Thần Khí của Thiên Chúa,
mà còn chống lại Thần Khí của Đức Kitô : “Anh em thân mến, anh em
đừng cứ thần khí nào cũng tin, nhưng hãy cân nhắc các thần khí xem có phải bởi
Thiên Chúa hay không, vì đã có nhiều ngôn sứ giả lan tràn khắp thế gian” (1 Ga 4,1).
b.
Thần Khí của Thiên
Chúa :
Kinh
Thánh xác định rất rõ Thần Khí của Thiên Chúa trên công trình của Ngài và những người Ngài chọn :
· “Lúc khởi đầu,
Thiên Chúa sáng tạo trời đất. Đất còn trống rỗng, chưa có hình dạng, bóng tối
bao trùm vực thẳm, và Thần Khí Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước” (St 1,1)
· Pharaô, vua Ai Cập, sau khi nghe ông Giuse, con của tổ phụ Giacóp cắt nghiã giấc chiêm bao của mình đã nói với triều thần : “Chúng ta tìm đâu được một người như người này, một người có Thần Khí Thiên Chúa ? Và Pharaô nói với ông Giuse : Sau khi Thiên Chúa đã cho ông biết tất cả những điều ấy, không ai thông minh và khôn ngoan như ông. Ông sẽ là tể tướng triều đình của ta...” (St 41,38-40).
· Sách
Xuất Hành ghi lại : “Đức
Chúa phán với ông Môsê : Ngươi hãy coi : Ta đã gọi đích danh Bơxanên
con của Uri, con của Khua, thuộc chi tộc Giuđa. Ta sẽ ban cho nó dồi dào Thần
Khí của Thiên Chúa, để nó thành người khéo léo, giỏi giang và lành nghề mà làm
mọi công việc…”
(Xh 31,1-3).
Trong
Tân Ước, Thần Khí của Thiên Chúa ngự xuống
và quyền năng của Đấng Tối Cao rợp
bóng trên Đức Maria trong buổi Truyền Tin thụ thai Ngôi Lời nhập thể (x. Lc
1,35). Khi chịu phép rửa của Gioan bên bờ sông Giođan, “Đức Giêsu được Thần Khí
Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu và ngự trên Người” (Mt
3,16) ; Ngài còn “được
Thần Khí dẫn vào hoang địa để chịu cám dỗ” (Mt
4,1).
Và
các Tông Đồ trong nhiều thư mục vụ đã không ngừng cho chúng ta thấy đâu là Thần
Khí của Thiên Chúa, và cách nào để nhận ra Thần Khí đến từ Ngài:
Thánh
Phaolô, tông đồ dân ngoại dậy chúng ta : “Những ai sống theo tính
xác thịt thì hướng về những gì thuộc tính xác thịt ; còn những ai sống
theo Thần Khí, thì hướng về những gì thuộc Thần Khí. Hướng đi của tính xác thịt
là sự chết, còn hướng đi của Thần Khí là sự sống và bình an. Thật vậy, hướng đi
của tính xác thịt là sự phản nghịch cùng Thiên Chúa, vì tính xác thịt không
phục tùng luật của Thiên Chúa, mà cũng không thể phục tùng được” (Rm 8,5-7).
“Qủa vậy, phàm ai
được Thần Khí Thiên Chúa hướng dẫn, đều là con cái Thiên Chúa”, và một khi đã
là con cái Thiên Chúa, chúng ta không còn là nô lệ và phải sợ hãi như xưa, nhưng
“Thần
Khí làm cho anh em nên nghiã tử, nhờ đó chúng ta được kêu lên : Ápba !
Cha ơi! ”
(Rm 8,14-15).
Thánh
Phêrô, tông đồ trưởng thì nhắc nhở : Người tín hữu là “những người được
Thiên Chúa Cha biết trước và kén chọn, những người được Thần Khí thánh hoá
để vâng phục Đức Giêsu Kitô và được máu Người tưới rảy” (1P 1,2). Điều
này muốn nói lên sự vâng phục Đức Giêsu Kitô là dấu chỉ sự hiện diện của Thần
Khí Thiên Chúa.
Một
cách chính xác hơn, thánh Phaolô qủa quyết : người có Thần Khí của Thiên
Chúa thì kết hiệp mật thiết với Ngài (x.1 Cr 6,17), và “mầu
nhiệm Đức Kitô” tức “trong
Đức Kitô Giêsu và nhờ Tin Mừng, các dân ngoại được cùng thừa kế gia nghiệp với
người Do Thái, cùng làm thành một thân thể và cùng chia sẻ điều Thiên Chúa hứa”
(Ep 3,6) sẽ chỉ được Thiên Chúa dùng Thần Khí của Ngài, “mà
mặc khải cho các Tông Đồ và ngôn sứ của Người”
(Ep 3,5).
Như thế, để “thấu hiểu các mãnh lực thần thiêng” (Kn 7,20), tức các thần khí không thuộc về Thiên Chúa, chúng ta cần có “ơn phân định thần khí” (1Cr 12,10), vì có rất nhiều thần khí xuất phát từ xác thịt, từ thế gian, từ ma qủy, bởi “thần khí nào không tuyên xưng Đức Giêsu, thì không bởi Thiên Chúa ; đó là thần khí của tên phản Kitô” (1 Ga 4,3), cũng như thần khí nào không phục tùng lề luật của Thiên Chúa, không đón nhận mặc khải từ các Tông Đồ và Ngôn Sứ đều sẽ không được nhận là thần khí đến từ Thiên Chúa.
2.
Đoàn Sủng và Mặc Khải :
a. Đoàn Sủng là ơn được ban để phục vụ cộng
đoàn :
Giữa
Đoàn Sủng và Mặc Khải có sự khác biệt rất quan trọng mà nhiều người hay lầm lẫn.
Chính vì thế mà nhiều khúc mắc, lấn cấn cứ ngày càng chồng chất, đan chéo nhau.
Sách Xuất Hành ghi lại lời Thiên Chúa Giavê nói
với Môsê : “Chính
ngươi sẽ bảo những thợ giỏi, đã được Ta ban tràn đầy tài năng khôn khéo, may áo
tế cho Aharon, để ông được thánh hiến, mà thi hành chức tư tế phục vụ Ta” (Xh 28,3). Thiên
Chúa ban đặc sủng cho những người thợ này để họ phục vụ cộng đoàn,khi may áo tế
cho ông Aharon. Vì thế, đặc sủng được gọi là đoàn sủng, bởi mục đích là lợi ích
chung của cộng đoàn, mà không vì lơi ích riêng tư, cá nhân.
Thánh
Phaolô đã viết rất rõ về ân huệ và sứ vụ
tông đồ của mình : “Tôi
là Phaolô, tôi tớ của Đức Kitô Giêsu ; tôi được ơn gọi làm tông đồ, và dành
riêng để loan báo Tin Mừng của Thiên Chúa”
(Rm 1,1), và “nhờ
Người, chúng tôi đã nhận được đặc ân và chức vụ Tông Đồ, để làm cho hết thảy các
dân ngoại vâng phục Tin Mừng, hầu danh Người được rạng rỡ” (Rm 1,5).
Thánh
nhân còn cắt nghiã cặn kẽ trong thư gửi giáo đoàn Côrinthô : “Có nhiều đặc sủng
khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí. Có nhiều việc phục vụ khác nhau, nhưng chỉ
có một Chúa. Có nhiều hoạt động khác nhau, nhưng vẫn chỉ có một Thiên Chúa làm
mọi sự trong mọi người. Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì ích
chung. Người thì được Thần Khí ban cho ơn khôn ngoan để giảng dậy, người thì đuợc
Thần Khí ban cho ơn hiểu biết để trình bầy. Kẻ thì được Thần Khí ban cho lòng
tin ; kẻ thì cũng được Thần Khí duy nhất ấy ban cho những đặc sủng để chữa
bệnh. Người thì được ơn làm phép lạ, người thì được ơn nói tiên tri ; kẻ
thì được ơn phân định thần trí ; kẻ khác thì được ơn nói các thứ tiếng lạ ;
kẻ khác nữa lại được ơn giải thích các tiếng lạ. Nhưng chính Thần Khí duy nhất ấy
làm ra tất cả những điều đó và phân chia cho mỗi người mỗi cách, tùy theo ý của
Người”
(1 Cr 12, 4-11).
“Như thế, không có
gì ngăn cách, chia rẽ chúng ta khi mỗi người nhận được đặc sủng từ Thần Khí Thiên
Chúa để phục vụ cộng đoàn, vì chúng ta là thân thể Đức Kitô và mỗi người là một
bộ phận. Trong Hội Thánh, Thiên Chúa đã đặt một số người, thứ nhất là các Tông Đồ,
thứ hai là các ngôn sứ, thứ ba là các thầy dậy, rồi đến những người được ơn làm
phép lạ, được những đặc sủng để chữa bệnh, để giúp đỡ người khác, để quản trị, để
nói các thứ tiếng lạ”
(1 Cr 12,27-28).
Ở
đây, chúng ta nhận thấy : ơn làm Tông Đồ được xếp vào hàng thứ nhất, bởi các
Tông Đồ là những người được Đức Giêsu chọn và trên nền tảng Tông Đồ, Ngài đã xây
dựng Giáo Hội của Ngài. Kế vị các Tông Đồ là các Giám Mục bản quyền. Như các thánh Tông Đồ, các ngài là rường cột của Giáo Hội, được trao phó sứ vụ chăn
dắt đoàn chiên với quyền quản trị, thánh hoá, nên chính các ngài có trách nhiệm
bảo đảm mục đích phục vụ lợi ích chung của các đoàn sủng nhận được từ Thần Khí Thiên Chúa trong Giáo Hội.
Nói cách khác, Giám Mục có nhiệm vụ duy trì và phát huy sự hiệp thông, hiệp nhất
trong Giáo Hội, mà không để những đặc sủng nhận được biến thành cớ gây mâu thuẫn,
xung đột, đối kháng, chia rẽ trong hàng ngũ dân Chúa, thay vì xây dựng thân thể
mầu nhiệm Đức Giêsu là Giáo Hội, như thánh Phaolô đã nhấn mạnh : “Anh em cũng vậy :
vì khao khát những ơn của Thần Khí, anh em hãy tìm kiếm để được dồi dào các ân
huệ đó, nhằm xây dựng Hội Thánh”
(1 Cr 14,12).
Như
thế, khi các đoàn sủng không nhằm mục đích xây dựng Hội Thánh, mà cụ thể là xây
dựng tình hiệp thông, hiệp nhất thì các ơn đó không còn được coi là đặc sủng, đoàn
sủng, vì không hội đủ điều kiện “phục
vụ cộng đoàn”.
Thực tế là khi người nhận đoàn sủng làm
theo ý riêng, dù là thiện ý, mà từ chối đặt
mình dưới sự quản trị, hướng dẫn của Giám Mục bản quyền để việc thực thi đoàn sủng
của người ấy đem lại lợi ích chung cho Giáo Hội, như mục đích của đoàn sủng, thì
hậu qủa không thể tránh khỏi là gây hoang mang, bất an, bất ổn trong Giáo Hội dắt
đến tình trạng đố kỵ, chia rẽ, làm lợi cho ma qủy. Đó là lý do trong lịch sử Giáo
Hội đã không thiếu những người được Chúa ban đoàn sủng, nhưng khi được Đấng Bản
Quyền yêu cầu ngưng sử dụng đoàn sủng để làm phép lạ, chữa bệnh, trừ qủy hay nói
tiên tri, vì lợi ích chung của Giáo Hội, thì hầu hết các vị đều vâng phục quyền
tông đồ của Giám Mục bản quyền, bởi mục đích tự thân của đoàn sủng là phục vụ cộng
đoàn dân Chúa, chứ không phục vụ ý muốn cá nhân hay lợi ích bản thân. Đàng khác,
sự vâng phục để gìn giữ sự hiệp nhất của Giáo Hội được đánh giá là Của Lễ đẹp lòng
Thiên Chúa hơn tất cả.
Chúng
ta cũng nên biết ma qủy là “tên Cám Dỗ, đứa
Chia rẽ”,
tiếng latinh là Diabolus, trái ngược với Symbolus là hiệp nhất, nối kết, và công
việc chính của chúng là “tách
rời ra, kéo xa ra”,
khi tách con người rời xa Thiên Chúa, kéo con người ra xa nhau, như đã tách Ađam,
Evà rời xa Thiên Chúa, kéo Cain xa khỏi Aben, và tiếp tục cho đến tận thế bằng
mọi thủ đoạn, mưu kế tách đoàn chiên ra khỏi chủ chăn, gây hỗn loạn, chia rẽ giữa
đoàn chiên, và kéo Giáo Hội xa khỏi Đức Giêsu là Đầu của Thân Thể mầu nhiệm. Do
đó, thành qủa lớn mà ma qủy đạt được quanh biến cố trừ qủy ở nhà Chúa Cha là sự
cắt đứt hiệp thông,chia rẽ trong Giáo Hội, một sự thật đáng buồn mà không ai
trong chúng ta có thể phủ nhận.
b.
Mạc Khải
Khác
với Đoàn Sủng, Mạc Khải là việc Thiên Chúa nhân lành và khôn ngoan đã muốn mạc
khải chính mình và tỏ cho mọi người biết thánh ý Ngài (x Ep 1,9). Nhờ đó, loài
người có thể đến cùng Chúa Cha, nhờ Chúa Kitô, Ngôi Lời nhập thể trong Chúa Thánh
Thần, và được thông phần bản tính của Thiên Chúa (x. Ep 2,18 ; 2P 1,4).
Trong việc mạc khải này, với tình thương chan chứa của Ngài, Thiên Chúa vô hình
(x ; Cl 1,15 ; 1 Tm 1,17) ngỏ lời với loài người như bạn hữu. Ngài đối
thoại với họ để mời gọi và đón nhận họ hiệp nhất với Ngài. Công cuộc mạc khải này
được thực hiện bằng các hành động và lời nói liên kết mật thiết với nhau. Nên các
việc Thiên Chúa thực hiện trong lịch sử cứu rỗi bày tỏ, củng cố giáo lý và những
điều được giải thích qua lời nói. Còn lời nói thì công bố các việc làm và khai
sáng các mầu nhiệm chứa đựng trong đó. Nhờ mạc khải này, chân lý thâm sâu về
Thiên Chúa cũng như về phần rỗi con người được sáng tỏ nơi Chúa Kitô, Đấng
trung gian, đồng thời là sự viên mãn của toàn thể mạc khải (Chương I, số 2, Hiến
Chế Tín Lý về Mạc Khải của Thiên Chúa – Dei Verbum, bản dịch của Ủy Ban Giáo Lý
Đức Tin, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, 2005).
Qua
trích dẫn trên, chúng ta thấy : kho tàng mạc khải gồm Thánh Kinh (Cựu Ước,
Tân Ước) và Thánh Truyền, ở đó “chân
lý về Thiên Chúa được sáng tỏ nơi Đức Kitô », Đấng Trung Gian giữa Thiên
Chúa và con người, Đấng Cứu Độ duy nhất, Ngôi Lời của Thiên Chúa. Cũng chính ở
Ngài, toàn thể mạc khải đã đạt đến độ viên mãn, và toàn bộ kho tàng mạc khải này
được trao cho Giáo Hội gìn giữ, bảo toàn như thánh Phaolô đã viết cho môn đệ
Timôthê : “Giáo
lý tốt đẹp đã giao phó cho anh, anh hãy bảo toàn, nhờ có Thánh Thần ngự trong
chúng ta”
(2 Tm 1,14), vì “Giáo
Hội là dấu chỉ của bí tích cứu rỗi”,
là thân thể mầu nhiệm của Đức Kitô.
Vì
đã đạt đến độ viên mãn ở Đức Kitô nên toàn thể Mạc Khải chỉ có thể tìm thấy nơi
Đức Kitô, Ngôi Lời của Thiên Chúa, mà không ở Chúa Cha, vì Đức Kitô là Ngôi Lời
của Chúa Cha, Đấng Chúa Cha sai đến để thực thi thánh ý của Ngài. Do đó, chúng
ta không thể thay đổi, hay thêm bớt vào kho tàng Mạc Khải bằng những mạc khải mới
trực tiếp từ Chúa Cha, vì Chúa Cha tín nhiệm Chúa Con, bởi Ba Ngôi Thiên Chúa là
một, như Đức Giêsu đã qủa quyết : “Ai
tin vào tôi, thì không phải là tin vào tôi, nhưng là tin vào Đấng đã sai tôi ;
ai thấy tôi là thấy Đấng đã sai tôi… Thật vậy, không phải tôi tự mình nói ra,
nhưng là chính Chúa Cha, Đấng đã sai tôi, truyền lệnh cho tôi phải nói gì, tuyên
bố gì. Và tôi biết : mệnh lệnh của Người là sự sống đời đời. Vậy, những gì
tôi nói, thì tôi nói đúng như Chúa Cha đã nói với tôi” (Ga 12,44-45 ;
49-50).
Qủa
thực, nếu cho rằng bây giờ là thời đại của Chúa Cha, và chính Chúa Cha trực tiếp
mạc khải, thì Tin Mừng của Đức Giêsu sẽ có nguy cơ bị thay đổi, vì người ta sẽ
phải hiểu rằng thời kỳ cứu chuộc của Đức Giêsu, cũng như thời đại của Chúa Thánh Thần trong Giáo Hội của Đức Giêsu
không còn nữa, nhưng chấm dứt để nhường chỗ cho thời đại mới của Chúa Cha, với
những mạc khải mới từ Chúa Cha.
Như
thế, cả Ba Ngôi Thiên Chúa đã thứ tự thay phiên nhau cứu độ, mạc khải, và duy
chỉ một việc Chúa Cha can thiệp vào mạc khải
đã được viên mãn trong Đức Giêsu đã đủ làm đảo lộn tất cả giáo lý của Đức
Giêsu, và tín điều nhập thể cứu chuộc theo ý Chúa Cha của Đức Giêsu không còn nền
tảng để đứng vững.
Một
vấn đề hệ trọng khác, đó là Mạc Khải và Giáo Hội không thể tách rời nhau, vì Giáo
Hội có nhiệm vụ trung thành tuân giữ và gìn giữ nguyên vẹn chân lý đức tin, bởi
“Mạc
Khải trong Kinh Thánh hay trong Thánh Truyền đều được truyền lại trọn vẹn nhờ sự
kế vị hợp pháp các Giám Mục và nhất là nhờ sự quan tâm của chính Giám Mục Rôma.
Nhờ Thánh Thần Chân Lý, Mạc Khải ấy được gìn giữ cách cẩn trọng và trình bầy cách
trung thực. Để có thể khảo sát đứng đắn và trình bầy cách thích hợp Mạc Khải này,
Đức Giáo Hoàng và các Giám Mục làm việc cẩn thận bằng phương tiện thích hợp, tùy
theo nhiệm vụ và tầm quan trọng của sự việc ; nhưng các ngài không nhận được
một Mạc Khải công khai mới nào thêm vào kho tàng thần khải của đức tin” (Hiến Chế Tín Lý
về Giáo Hội - Lumen Gentium, số 25, bản dịch việt ngữ của Giáo Hoàng Học Viện
Piô X).
Theo
Hiến Chế này, không một Mạc Khải công khai mới nào được thêm vào kho tàng thần
khải của đức tin, nên hiện tượng Chúa Cha công khai mạc khải cho một cá nhân sẽ
phải được coi là điều không thể chấp nhận theo giáo lý Mạc Khải của Hội Thánh.
Một
nguy cơ khác nữa sẽ đến, đó là từ những mạc khải mang tính sinh hoạt đời sống
như chữa bệnh, cách xử lý tình huống cũng như những khúc mắc trong tương quan,
mà hiện nay Chúa Cha đang thực hiện với chị Thương ở “Nhà Chúa Cha” không lâu sẽ là
những mạc khải đụng chạm đến giáo lý đức tin, vì Chúa Cha luôn sẵn sàng trả lời
bất cứ câu hỏi nào của chị đặt ra. Điều đó cho phép chúng ta mường tượng một ngày
nào đó chị Thương hỏi Chúa Cha về những tín điều buộc người công giáo phải tin
trong Kinh Tin Kính, và nếu “chẳng
may”
Chúa Cha phủ nhận hay không dứt khoát khẳng định một hay nhiều tín điều nào đó,
thì thử hỏi sự hoang mang, bấn loạn ở nhiều người công giáo mà giáo lý đức tin
không đủ vững sẽ lớn lao như thế nào?
Chắc
chắn sẽ rất lớn lao, vì viễn cảnh ly giáo đang lấp ló, giáo phái mới đang thai
nghén, hình thành, bởi ngay bây giờ đã nhen nhúm nhiều chủ trương trái ngược với
giáo lý công giáo, khởi đi từ cách mạc khải hoàn toàn không phù hợp với đức tin
tông truyền, khi cho rằng Chúa Cha đã chọn một người và trực tiếp mạc khải bằng
đẩy tay người ấy viết lên điều mình muốn, một điều chưa từng có trong lịch sử các
tôn giáo, vì ngay cả “đại
tiên tri”
Môhamét của Hồi Giáo, dù tự hào được Đức Alla mạc khải, nhưng cũng chỉ được mạc
khải qua trung gian tổng lãnh thiên thần Gabrien, chứ không ai đã được chính Chúa
Cha trực tiếp trả lời từng câu hỏi, dù là những câu hỏi thuộc phạm vi sinh hoạt
đời sống thường ngày.
Hy
vọng hiệp nhất còn mong manh hơn, khi hiện tượng “thai thánh”, nghiã là phụ nữ
không “quan
hệ”
với người nam mà vẫn có thai đã trở thành một vấn đề khó có thể chấp nhận được, không chỉ trong phạm vi giáo lý đức tin, mà còn ở quy
luật tự nhiên, bởi trong Kinh Thánh, ngoài Đức Maria là người trinh nữ duy nhất
đã có thai Đức Giêsu do quyền phép Chúa Thánh Thần, không một người thứ hai đã được
sinh ra ngoài quan hệ nam nữ, vì đó là luật tự nhiên. Thực vậy, Thiên Chúa chỉ
can thiệp cho vợ chồng son sẻ hay đã luống tuổi, như trường hợp vợ chồng Ápraham
- Xara đã sinh Ixaác, dù mang tiếng son sẻ, hay vợ chồng Dacaria - Êlisabét đã
sinh Gioan Tiền Hô ở tuổi già.
Đó
là chưa nói đến mục đích của việc “thai
thánh”,
bởi Thiên Chúa không thể phá bỏ luật tự nhiên do chính Ngài thiết lập khi cho một
số phụ nữ không quan hệ với nam nhân do được
đặt tay cầu nguyện đã có thai và sinh con mà không nhắm một mục đích cứu rỗi nào.
Qủa
thực, chỉ nguyên một sự kiện “thai
thánh”
thôi đã chạm đến mầu nhiệm thụ thai do quyền phép Chúa Thánh Thần của Đức Maria
trong nhiệm cuộc Nhập Thể, người mà Thiên Chúa đã gìn giữ cách đặc biệt và chọn
làm Mẹ Thiên Chúa do quyền phép của mình khi cho “một trinh nữ thụ thai và
sinh con trai”.
Tóm
lại, là người công giáo, là con cái trong gia đình Giáo Hội, là chi thể trong
Thân Thể mầu nhiệm Đức Kitô, chúng ta không có lý do thờ ơ, bàng quan, hờ hững,
vô cảm trước những gì đang xẩy ra trong giáo phận Đà Lạt, bởi “không có chia rẽ
trong thân thể, trái lại các bộ phận đều lo lắng cho nhau. Nếu một bộ phận nào đau,
thì mọi bộ phận cùng đau. Nếu một bộ phận nào được vẻ vang, thì mọi bộ phận cũng
vui chung”
(1 Cr 12,25-26).
Vì
thế, chúng ta có bổn phận chia sẻ nỗi đau của toàn thể Giáo Hội, nỗi lo của Đức
Cha Đaminh, Đấng Bản Quyền, nỗi khổ của qúy cha, qúy anh chị ở “Nhà Chúa Cha Bảo
Lộc”
bằng cầu xin cho mọi người tìm về và sống Đức Mến, bởi chỉ với Đức Mến, chúng
ta mới nhận ra mình và nhận ra nhau, để khiêm tốn hoà giải, và qủa cảm tìm về hiệp
nhất với nhau trong Chúa bởi “Đức
Mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc,
không làm đều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù,
không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức Mến tha
thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả” (1Cr 13,4-7), và
trong Đức Mến, chúng ta yêu thương nhau, để “Thiên Chúa ở lại trong
chúng ta, và tình yêu của Người nơi chúng ta được nên hoàn hảo” (1 Ga 4,10).
Với
niềm tin tưởng “Đức
Mến không bao giờ mất được”
(1Cr 13,8), chúng con xin ký thác tất cả cho Chúa và nhờ đức tin của Giáo Hội,
chúng con xin Chúa đừng để chúng con mất nhau, cũng đừng để ai trong trong chúng
con mất Chúa, xa khỏi Giáo Hội là mái ấm
hạnh phúc, quê hương đời đời, nhà của Thiên Chúa giữa nhân loại.
Jorathe Nắng
Tím
0 nhận xét:
Đăng nhận xét