Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 29 tháng 12, 2020

Lễ Hiển Linh


THIÊN CHÚA TỎ MÌNH CHO MUÔN DÂN

Đến một nơi chưa một lần đến, gặp một người chưa một lần gặp, ta phải tự giới thiệu, nếu không được ai đó đã quen biết trước giới thiệu ta cho những người xa lạ, lần đầu tiên gặp gỡ.

Ngôi Lời của Thiên Chúa đã tỏ mình cho nhân loại bằng cả hai cách : được người khác giới thiệu và tự giới thiệu :

Được người khác giới thiệu, khi Ngôi Lời được Chúa Cha dùng hẳn một dân tộc được tuyển chọn là  Ítraen để giới thiệu, và  trao cho lịch sử của dân tộc này một sứ vụ rất quan trọng, là chuẩn bị công trình Nhập Thế, Nhập Thể để cứu chuộc của Ngôi Lời Thiên Chúa là Đức Giêsu Kitô.

Thực vậy, bên cạnh sứ vụ làm chứng giữa các dân tộc chân lý Thiên Chúa Giavê là Thiên Chúa duy nhất, dòng dõi của tổ phụ Ápraham còn mang một trọng trách khác nữa là loan báo từ hàng ngàn năm trước, qua các ngôn sứ là những người được Thiên Chúa chọn trong dân để báo trước Đấng Thiên Sai sẽ đến để cứu chuộc loài người, mà hình ảnh về Ngài đã được mô tả như  sau “trong sách ngôn sứ Isaia : Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa” (Lc 4,17-19).   

Và khi thời gian đã đến, Ngôi Lời được Gioan, người anh họ được Thiên Chúa tuyển chọn làm Tiền Hô giới thiệu  cho mọi người “như  có lời chép trong sách ngôn sứ Isaia rằng : Có tiếng người hô trong hoang địa : Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi. Mọi thung lũng phải lấp cho đầy, mọi núi đồi, phải bạt cho thấp, khúc quanh co, phải uốn cho ngay, đường lồi lõm, phải san cho phẳng. Rồi hết mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa” (Lc 3,4-6).

Gioan đã vừa giới thiệu Đức Giêsu, vừa tự giới thiệu mình : “Tôi là tiếng người hô trong hoang địa : Hãy sửa đường cho thẳng để Đức Chúa đi” (Ga 1,23), “Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người. Tôi làm phép rửa cho anh em trong nước, còn Người, Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần” (Mc 1,7-8). Ấn tượng hơn cả là một hôm kia, khi ông Gioan thấy Đức Giêsu tiến về phía mình, thì  liền nói : “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian. Chính Người là Đấng tôi đã nói tới khi bảo rằng : Có người đến sau tôi, nhưng trổi vượt hơn tôi, vì có trước tôi” (Ga 1,29-30).  

Không chỉ được giới thiệu, Ngôi Lời còn tự giới thiệu mình dọc suốt Tin Mừng, đặc biệt trong đêm Giáng Sinh, Ngài tự giới thiệu mình  dưới hình hài “một trẻ thơ sơ sinh bọc tã, nằm rong máng cỏ”, như sứ thần Chúa đã nói với các mục đồng khi hiện ra báo cho họ tin mừng Giáng Sinh : “Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người : anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ” (Lc 2,12).

Khi tỏ mình cho các mục đồng, Thiên Chúa làm người đã  tự giới thiệu mình là con người nghèo khó, bé nhỏ như trẻ sơ sinh mong manh, yếu đuối. Đồng thời tự giới thiệu mình là lương thực nuôi sống mọi người khi nằm trong máng để cỏ cho chiên lừa ăn, nhất là đã sinh ra ở một làng có  tên Bêlem, nghiã là “Nhà của cơm bánh”, ở đó sẽ chẳng còn ai phải đói khát, thiếu ăn.

Thiên Chúa làm người ấy còn tự giới thiệu mình qua những tặng vật của ba đạo sĩ theo ngôi sao lạ đến từ phương xa (x. Mt 2,11) : với vàng, Ngài tự giới thiệu mình là vua với quyền “xét xử dân Ngài theo công lý, và bênh vực quyền lợi kẻ nghèo hèn…, bảo toàn quyền lợi dân cùng khổ, ra tay cứu độ kẻ khó nghèo, đập tan lũ cường hào ác bá… Triều đại Người, đua nở hoa công lý, và thái bình thịnh trị tới ngày nao tuế nguyệt chẳng còn” (Tv 71,2.4.7) ; với “nhũ hương”, Ngôi Lời tỏ mình cho muôn dân Ngài là Đức Chúa, vì chỉ Đức Chúa mới được  xông hương thờ lậy, và được chúc tụng, như “muôn vàn thiên binh hợp với sứ thần cất tiếng ngợi khen  rằng : “Vinh danh Thiên Chúa trên trời” trong đêm Giáng Sinh (Lc 2,13-14), “vì vinh quang của Đức Chúa như bình minh chiếu tỏa” trên “bóng tối bao trùm mặt đất, và mây mù phủ lấp chư dân” (Is 60,1-2) ; sau cùng, với “mộc dược”, Ngôi Hai Thiên Chúa tự tỏ mình với muôn dân Ngài là con người thật, vì Ngài cũng chết và được tẩm liệm bằng mộc dược như mọi người.

Tóm lại, Đức Giêsu đã tỏ mình qua mầu nhiệm Giáng Sinh : Ngài là Con Người thật, như thánh Gioan tông đồ đã qủa quyết : “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta. Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người” (Ga 1,14), và chân lý ấy được thánh Phaolô, tông đồ dân ngoại củng cố mạnh mẽ khi viết cho giáo đoàn Philípphê : “Đức Giêsu Kitô, vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2,6-8).

Cùng một lúc, Ngôi Lời Thiên Chúa cũng tỏ mình là Đức Chúa, Đấng Cứu Tinh, Đấng đến để cứu chuộc nhân loại, như lời trấn an các mục đồng của sứ thần : “Anh em đừng sợ. Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân : Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đavít, Người là Đấng Kitô Đức Chúa” (Lc 2,10-11). Ngài là Thiên Chúa thật, Thiên Chúa  của Vinh Quang trên trời, và Thiên Chúa của Bình An cho hết mọi người thiện tâm dưới thế.

Với mỗi người, Thiên Chúa còn tỏ mình là người Cha nhân hậu, Mục Tử nhân lành, người Bạn Đường nhân ái luôn có mặt, đồng hành để yêu thương, ủi an, bênh đỡ, cứu chữa, làm cho “sống và sống dồi dào” (Ga 10,10), như con cái được thừa hưởng gia nghiệp, như bạn hữu tri âm tri kỷ biết mọi việc của chủ mình, và như đoàn chiên được âu yếm chăm sóc, nâng niu.

Jorathe Nắng Tím   


GIÁNG SINH MỖI NGÀY


Nếu hỏi em bé : Giáng Sinh là gì? Em sẽ trả lời : Giáng Sinh là qùa Noel mà em ước mơ. Cũng thế, với người Kitô hữu, Đức Giêsu là quà tặng tuyệt vời của Chúa Cha ban cho nhân loại, qùa tặng mang lại ơn cứu rỗi, quà tặng đem đến sự sống đời đời, qùa tặng ban lại vinh dự làm con Thiên Chúa.   

Nhưng quà tặng mà Chúa Cha ban cho nhân loại không như món quà vật chất em bé nhận được từ ba mẹ trong đêm Giáng Sinh, mà là quà tặng “một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho chúng ta” ; quà tặng “Ngôi Lời Thiên Chúa đã mặc lấy xác phàm và ở giữa loài người”, quà tặng “Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian”, quà tặng “Đường, Sự Thật, Sự Sống”, qùa tặng Tình Yêu và ơn Bình An của Thiên Chúa.

Như thế, quà tặng Giáng Sinh từ Chúa Cha mang một giá trị vô cùng toàn năng, tuyệt đối thánh thiện, nhưng đồng thời gần sát con người yếu đuối, bên cạnh con người tội lụy, cận kề con người cơ cùng, thiếu thốn, vì là chính Thiên Chúa từ trời cao xuống thế chia sẻ thân phận người với con người. Và Thiên Chúa muốn chúng ta đón nhận qùa tặng “Thiên Chúa làm người” trong chính thân phận con người, hoàn cảnh cụ thể của đời người, với tất cả thao thức, ưu tư, khắc khoải, lo âu, hy vọng, suớng vui, sầu khổ, thành công, thất bại, vinh quang, bạc bẽo, cả cái chết là đe dọa hãi hùng, kinh sợ của kiếp làm người.

Quà tặng “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”, “Thiên Chúa làm người và cắm lều giữa nhân loại” không là món qùa chỉ mang tính biểu thị một tình cảm, diễn tả một tâm tình, nhưng là môt “con người ở với”, một Thiên Chúa đi cùng, một “con người Thiên Chúa” chia sẻ, gánh vác, đỡ nâng, đổi mới ; một “Thiên Chúa làm người” để xót thương, bao dung, cứu chuộc, thánh hoá, ban sự sống đời đời và hạnh phúc  vĩnh cửu. Tóm lại, qùa tặng là chính  Đức Giêsu, Con Một Thiên Chúa, với thiên tính và nhân tính ; chính Ngôi Lời của Thiên Chúa xuống thế làm người vì thương yêu con người tội lỗi.  

 

Do đó, qùa tặng chỉ có ý nghiã khi con người sống sự sống của Thiên Chúa  từng giây từng  phút của đời mình ; quà tặng chỉ mang giá trị “thần tính”, khi con người để Thiên Chúa thánh hoá “nhân tính” của mình. Và để thực hiện điều này, Hài Nhi Giêsu ở Bêlem đã mời gọi chúng ta sống mầu nhiệm Giáng Sinh của Ngài không chỉ một ngày, một đêm, hay một mùa trong năm, nhưng sống mọi ngày, sống mỗi ngày, sống từng ngày, sống liên lỷ ngày này qua ngày khác trong suốt cuộc đời.

Sống mầu nhiệm Giáng Sinh mỗi ngày là xác tín ơn gọi “tìm kiếm vinh danh Chúa bằng mưu tìm bình an, hạnh phúc cho đồng loại”, khi chọn Đức Giêsu làm Lẽ Sống, Cùng Đích và Gia Nghiệp, khi tin Ngài là Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ rất khoan nhân, giầu lòng thương xót, và tuyệt đối tín thác ở Ngài ; là từ bỏ bớt “cái tôi”, xóa bớt “cái mình” để có thể chấp nhận những cái khác của “người khác”; là biết dùng đôi mắt để quan tâm đến người chung quanh trong cơ hàn, túng quẫn ; là  tận dụng đôi bàn tay để lau khô nước mắt trẻ thơ vô tội đang mếu máo nức nở vì mất cha, lạc mẹ ; là nỗ lực xây dựng nền hoà bình thế giới bằng đẩy lùi chiến tranh, giập tắt lửa hận thù, xây dựng một cộng đồng nhân loại công bằng, nhân ái ; là chia sẻ những gì mình có, mình là cho  người anh em sa cơ thất thế ; là cảm thông và giải quyết những vấn đề “khó nói” của người chị em lỡ bước, lầm đuờng ; là qủang đại quên đi những tổn thương, xúc phạm, và mau mắn thắp sáng ngọn nến hy vọng trong những trái tim tan nát, sầu buồn ; là bịt miệng những thị phi, vu khống và lên tiếng, mở lời làm rạng rỡ đức yêu thương, tình huynh đệ ; là ân cần mời người ăn xin vào nhà dùng bữa và mở rộng tấm lòng nhân hậu, bao dung đối với người phản phúc, vô ơn và kẻ thù.     

Có như thế, Giáng Sinh mới có ý nghiã “sinh nhật của Ngôi Lời” giữa thế giới loài người, “ngày sinh của Đấng Cứu Thế” trong lòng mỗi người, và “ngày thiên đàng chớm nở ngay dưới thế” trước mắt chúng ta. Nếu không, lễ Giáng Sinh sẽ chỉ còn là một lễ hội không mang ơn Bình An của Thiên Chúa từ trời cao xuống cho người Chúa thương, vì người được Chúa thương là người biết trân qúy và sống “Đức Giêsu, Thiên Chúa làm người” là quà tặng vô giá, vì tuyệt đối, vô cùng Chúa Cha đã ban cho nhân loại vì yêu thương.

Jorathe Nắng Tím