Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 20 tháng 2, 2020

BÉ NHỎ TRONG TÌNH YÊU


Em bé yêu mẹ và chỉ mong được mẹ âu yếm ôm vào lòng. Lòng mẹ, vòng tay mẹ là hạnh phúc tràn đầy của em. Trước tình mẹ, em thấy mình bé nhỏ và càng bé nhỏ, em càng thấy mình được yêu hơn.
Không ai dậy em, nhưng em đã chọn phần tốt nhất trong tình yêu là trở nên bé nhỏ. Bé nhỏ trong vòng tay ôm của mẹ, em đã nói lên cái vĩ đại của lòng mẹ. Bé nhỏ bên ngực mẹ, em đã làm cho tình mẹ lớn hơn. Và tình mẹ càng lớn, lòng mẹ càng bao la, em càng hạnh phúc, vì cái bao la, vĩ đại của tình mẹ dành cho em.
Trong tình yêu đôi lứa, nét bé nhỏ, ngây thơ, vụng về của đôi trẻ trong những ngày đầu mới quen, mới yêu là những kỷ niệm không thể phai mờ. Và họ sẽ nhắc nhớ mãi buổi sáng ngây ngô, vụng dại, dễ thương, chập chững yêu ấy.
Cả trong tình bạn, người ta cũng không tìm gì hơn là những nét trẻ thơ, bé nhỏ. Chỉ có những người bạn chân tình trong những tình bạn bé nhỏ.
Như thế, yêu nhau là chập chững cùng đi trên đường tình, làm đường tình. Không có tình yêu thầy - trò, ông - cháu, hiểu theo nghiã có một đối tượng lão luyện, dầy dạn, rành rõi hết mọi sự trong tình yêu. Và kinh nghiệm cho thấy, yêu một con người bé nhỏ vẫn thấy hay và mộng mơ hơn yêu một tên phù thủy đầy quyền năng.
Sở dĩ tình bé nhỏ đẹp, vì tình ấy cần đến một tình khác. Lớn sẵn, to sẵn ắt chẳng cần ai, nhưng nhỏ bé luôn cần nương tựa, chở che, đùm bọc, chia sẻ. Em bé cần mẹ, cần mọi người, vì em không tự làm được gi. Cuộc sống của em không thể vắng bóng ân tình, yêu thương của người khác. Người khác tuy khác em, nhưng gần em và em muốn có họ bên em, với em mãi. Em yêu người khác không hẳn vì em tính toán lợi dụng họ, nhưng bản thân em bé bỏng, tự nó đã nói lên một nhu cầu và nhu cầu này tự nhiên, chính đáng. Tình của em cũng bé nhỏ như em, không bé nhỏ theo đơn vị đo lường, nhưng nhỏ bé trong cung cách. Nụ cười biết ơn, ánh mắt chan chứa hạnh phúc của em bé hai tuổi trong tay mẹ, ai dám cho là bé nhỏ vì ít oi. Nụ cười, ánh mắt ấy tuy rất bé vì là ánh mắt, nụ cười của em bé, rất nhỏ vì nở trên mắt, trên môi em nhỏ; nhưng ánh mắt, nụ cười ấy ăm ắp cả trời bao la và cao vời hơn tất cà. Cái gì đã làm cho những bé nhỏ trong em trở nên kỳ diệu, tuyệt ý, nếu chẳng phải là vì tình yêu quá lớn, qúa vĩ đại nên đã phải mượn cung cách thơ ngây, bé bỏng này để biện bạch, bộc lộ.
Hình ảnh này có thể giúp ta hiểu khối tình lớn lao của Thiên Chúa trong em bé Giêsu bé bỏng ở Bêlem, Nazareth. Bởi tình Thiên Chúa ấy lớn lao, vĩ đại qúa nên đã phải trở nên thật bé, thật nhỏ, thật thơ ngây, thật vụng về…
Tình bé nhỏ còn đẹp vì nó luôn nhận ra giá trị tình yêu nơi người khác. Khi cần đến ai, ta ít quên họ, ta dễ trân trọng khả năng của họ. Tình yêu từ đó tăng trưởng từ nền tảng nhận ra giá trị của nhau. Ngược lại, yêu nhau bằng cung cách “không bé nhỏ” sẽ cho một đường tình nhiều ổ gà, nhiều chướng ngại vì không đủ bé nhỏ để lách qua những cồng kềnh, phức tạp, lôm côm, to lớn của nhau.Tình yêu sẽ trắc trở khi cả hai cùng lớn, cùng mạnh. Cùng lớn mạnh nên chẳng ai chịu ai, chẳng ai cần ai, chẳng ai nhận ra ai. Cơn cám dỗ ngàn đời của người “lớn.” vẫn luôn là không nghe người khác, không muốn nhận giá trị của người khác, không trân trọng yêu thương người khác.
Tình bé nhỏ còn là tình hy vọng. Ta hy vọng, cậy trông nơi người khác vì ta chưa đủ lực, ta còn thiếu, còn yếu. Tình yêu mà tự hào “đã đủ, đã đầy” khó có thể là một tình yêu thật, một tình yêu thăng tiến; bởi thái độ tự mãn, tự đủ báo hiệu một suy thoái trầm trọng, một tình trạng còi xương mãn tính của tình yêu trong khi tình yêu thật phải là tình muốn lớn, tìm lớn trong ý thức còn thiếu sót, cần đỡ nâng. Người có ý thức “cần người khác.” để yêu, để học yêu là người có cung cách bé nhỏ trong tình yêu.
Tình bé nhỏ còn là tình bao dung, bao dung cho người và bao dung với mình. Vào dường tình đã có mấy ai không vấp ngã, té nhào? Trên đường tình mấy người đã dám vỗ ngực xưng tên là hoàn hảo. Khi nhận mình lớn, ta khó bao dung cho những yếu đuối của người, vì cho rằng họ không xứng đáng với tình của ta; ta cũng không dễ thứ tha cho chính ta, vì không thể hiểu hoàn hảo như ta, sao lại có thể vấp ngã. Với cung cách bé nhỏ, ta sẽ lướt thắng tất cả yếu đuối nhờ khiêm tốn. Khiêm tốn sẽ giúp ta dứng dậy, đi tiếp đường tình mà không hề mặc cảm, bối rối.
Tình bé nhỏ còn là tình hiền lành. Kẻ mạnh thường dữ, kẻ bé nhỏ dữ với ai? Hiền lành là nền tảng cho tình yêu đứng vững. Cặp vợ chồng dữ tợn suốt năm suốt tháng đấu tranh dành giật thắng lợi chỉ có thể xây chung một điạ ngục hay một nhà tù. Thiên đàng không ở trong con tim hung dữ, nhưng chỉ rạng rỡ trong dáng dấp hiền lành, khuôn mặt hiền hậu mang nét mượt mà, tình tứ của tình yêu.
Khi trả lời các người đương thời câu hỏi: “ Ai là người lớn nhất trong vương quốc của Ngài?”, Đức Kitô đã gọi một em bé đến gần và giới thiệu với họ: “Chính em là người lớn nhất trong nước trời” (Lc 9,46-48).
Kinh ngạc vì vô lý, nhưng các ông phải yên lặng vì tình yêu có lý riêng của nó và những câu chuyện tình khó hiểu cũng chỉ có thể lý giải bằng tình yêu. Không cho các ông lớn, bà lớn là người lớn trong nước trời, Đức Kitô đã cho ta thấy “nước trời” khác với “nước đời”. Nước trời là nước tình yêu, có luật pháp tình yêu, có vua là tình yêu. Trong nước tình yêu này, người bé nhỏ nhất sẽ có chỗ cao nhất và thứ tự ưu tiên bình thường hoàn toàn bị đảo ngược.
Học yêu thương với Đức Kitô, ta phải học bé nhỏ mỗi ngày. Có trở nên bé nhỏ, ta mới thương được người khác, dung thứ những yếu đuối của người khác, sống tình được với người khác. Những cái khác của người khác sẽ chỉ “gần.” được ta, nếu ta chịu thu mình nhỏ lại một chút, rút “cái tôi” bé lại một tị.
Nhỏ bé trong cung cách, nhỏ bé trong tâm tình, Đức Kitô đang mời gọi chúng ta nhận vinh dự làm công chuá, hoàng tử trong nước Trời của Ngài.

ƯU TIÊN CỦA TÌNH YÊU


Có lẽ Đức Tin là bận tâm số một của nhiều người có đạo. Họ lo cho Đứcc Tin vững chắc, vun xới cho Đức Tin lớn mạnh, hăng say bảo vệ thành trì Đức Tin và gieo rắc hạt giống Đức Tin khắp gần xa. Đức Tin là bảng hiệu của nhà thờ, là cờ quạt của các hội đoàn, là nơ đeo trên ngực của giáo dân. Người có Đức Tin là người đưọc nể trọng, kẻ mất Đức Tin hay yếu Đức Tin bị trách móc, khai trừ. Đức Tin là thước đo lòng đạo đức, mức độ giữ đạo, khả năng hành đạo. Ai có Đức Tin nhiều và mạnh, người ấy là người sống đạo tốt, giáo dân tốt, con chiên tốt.
Tôi cũng có mặt trong những người "say mê.” Đức Tin ấy; nhưng một thoáng suy nghĩ làm tôi khựng lại, khi nghe Đức Kitô nhắc nhở nhiều về Đức Ái và dường như đối với Ngài, Đức Ái chiếm một chỗ quan trọng hơn Đức Tin. Tôi đan cử một vài dẫn chứng:
Khi được hỏi lề luật nào trọng nhất và cao cả nhất, Đức Kitô đã không ngần ngại công bố: Đó là giới luật yêu thương “Yêu Thiên Chúa và yêu tha nhân” (Mc 12,28-31).
Trong Đạo cũ, lề luật thì vô số và luật nào cũng lo canh chừng Đức Tin của người có đạo. Từ luật nhỏ đến luật lớn, tất cả đều cố giữ con người trong vòng lễ giáo Đức Tin. Và hàng rào lề luật chặt chẽ đến nỗi không còn chỗ cho bác ái có mặt. Câu chuyện Đức Kitô chữa người bệnh trong ngày Sabát đã làm cho các ông Biệt Phái khó chịu, phản đối. Họ cho rằng Đức Kitô đã không giữ luật khi chữa bệnh trong ngày nghỉ lễ. Phần Ngài, lợi dụng cơ hội, Ngài cho họ thấy ưu tiên số một của tình yêu trước lề luật và nói với họ: “Nếu các ông có một con chiên bị rơi xuống hố trong ngày Sabát, các ông sẽ không kéo nó lên sao? Con người qúy hoá hơn chiên nhiều, nên được phép làm việc thiện trong ngày Sabát” (Mt 12,9-13).
Khi nói “được phép làm”, Đức Kitô đã công khai phá luật ngày Sabát. Ngài phủ nhận tính quan trọng của ngày Sabát trước đòi hỏi của Đức Ái. Việc Ngài chữa người bệnh là một việc bác ái.Bác ái này không chịu bất cứ luật lệ nào ràng buộc, ghì trói, giới hạn.Nó vượt xa tất cả, bởi nó có luật riêng của nó: luật yêu thuơng. Luật yêu thương đòi hỏi yêu thương và chọn lựa vì yêu thương. Trong lề luật này, ích lợi và hạnh phúc của tha nhân chính là mục đích.
Đặt hạnh phúc của người khác như tiêu chuẩn của chọn lựa, Đức ái không ngần ngại bị hiểu lầm, bị chụp mũ, bị tai tiếng là “thiếu Đức Tin, yếu Đức Tin, khủng hoảng Đức Tin.”. Đức Ái chấp tất cả vì đòi hỏi cấp bách và mãnh liệt của ước muốn cháy bỏng đi tìm hạnh phúc cho người khác. Như Đức Kitô bị chụp mũ là “vô đạo”, bị kết án là “qủy ám”, bị khinh miệt là “con gã thợ mộc làng Nazareth”, Đức Ái cũng sẽ đẩy ta đến chỗ bị chụp mũ, khinh khi, kết án như vậy.
Nhưng bạo gan và quyết liệt hơn cả là hình ảnh ngày chung thẩm của loài người và đời mỗi người được cực tả bởi chính Đức Kitô: Thiên Thần Chúa sẽ phân người lành một bên, người dữ một bên. Người lành sẽ nhận được phần thưởng, người dữ sẽ bị luận phạt. Nhưng lạ thay, tiêu chuẩn để đo lường tội phúc không phải Đức Tin nhưng là Đức ái và chỉ là Đức ái. Công phúc được kể ra không phải là “chuyện tin, nhưng là chuyện thương”: “Khi xưa Ta đói, con đã cho ăn, ta khát, con đã cho uống, ta rách rưới, con đã cho mặc, Ta tù đầy con đã thăm nuôi, Ta là khách lạ con đã ân cần tiếp đón…” và Chúa đồng hoá tha nhân với chính Ngài: “Bởi bất cứ việc bác ái nào con làm cho người khác là làm cho chính Ta” (Mt 25,31-46).
Tội phúc từ đây trong đạo yêu thương là Đức ái được thực hiện hay không. Đức Tin không còn là điều kiện duy nhất và đủ để được cứu rỗi, nhưng là Đức ái. Đức ái chiếm vị trí trổi vượt và là điều kiện cần thiết để Đức Tin mang đúng và đầy đủ ý nghiã Đức Tin. Bởi lẽ Đức Tin thiếu Đức Ái là một Đức Tin chết, Đức tin bánh vẽ, Đức Tin cuồng tín, Đức Tin sát nhân, Đức Tin thống trị, Đức Tin xâm lăng. Thiếu Đức ái, Đức Tin không mang ý nghiã siêu nhiên phải có, mà chỉ còn là mớ lý thuyết tưởng tượng về một thượng đế ảo được trá hình để bao che những mưu đồ ích kỷ.
Khi loan báo giới luật yêu thương, Đức Kitô đặt tất cả trên nền tảng yêu thương. Ngài nhìn thấy sức mạnh của tình yêu và hình ảnh một thế giới thiếu tình yêu. Sức mạnh của tình yêu sẽ chiến thăng tất cả, kể cả sự chết; bằng chứng là Ngài đã chết vì yêu, nhưng Thiên Chúa tình yêu đã phục sinh Ngài; bằng chứng là những người sống yêu thương sẽ không bị luận phạt nhưng sẽ được Ngài phục sinh và cho sống với Ngài. Trái ngược với tình yêu là hận thù, ở đó không gì có thể sống, kể cả chính sự sống.
Như thế, không thể sống Đức Tin nếu thiếu Đức ái. Nói cách khác, Đức Tin chỉ có thể là Đức Tin nếu được nuôi dưỡng bằng Đức ái. Tình yêu mà Thiên Chúa “là”, chính là đối tượng của Đức Tin, nên Đức Tin không thể không biết “yêu.”, không yêu; bởi đối tượng của nó là tình yêu tinh ròng, tuyệt đối. Đức Tin ấy sẽ lớn lên trong nồng nàn của yêu thương và cứng cáp, trưởng thành trong các việc làm yêu thương. Đức Tin sẽ không cuồng tín, thao túng, bệnh hoạn, tiêu diệt; nhưng ôn hoà, trìu mến, khiêm tốn, bao dung, nhẫn nại, trung thành. Đức Tin sẽ trở thành quà tặng của Thiên Chúa tình yêu và Thiên Chúa ấy, bởi là chính Tình yêu, nên không thể tặng món quà nào khác hơn là Tình Yêu, quà tặng đẹp nhất và hoàn hảo nhất: chính bản thân Ngài.
Nhận diện Đức Ái trong đòi hỏi của Đức Kitô, ta sẽ phải nhìn lại lối sống Đức Tin của mình và đặt lại các nấc thang giá trị trong các chọn lựa. Các chọn lựa từ nay phải ưu tiên cho Đức Ái, vì chính Chúa sẽ đánh giá đời sống ta trên các hành vi Đức ái này. Đức Tin không bao sân, chắn lối Đức Ái, nhưng cần Đức ái như nhựa sống, như khí thở. Trong Đức Tin có Đức ái, trong Đức Ái có Đức Tin, nhưng cao cả và bền bỉ hơn vẫn là Đức ái.
Tôi muốn cùng bạn tạm gác một bên những phong trào bảo vệ Đức Tin, rao giảng Đức Tin. Thiết tưởng thế giới hôm nay không thiếu Đức Tin, có khi còn lạm phát nữa. Những người tin ấy đang cuồng nhiệt nhân danh Thượng Đế chém. giết, phanh thây, xẻ thịt nhau. Các người “bạo tin.” ấy đang gào thét những bản án tử hình cho nhau, cho đồng loại. Nhân danh Đức Tin, họ đã có thể làm bất cứ điều gì, kể cả những tội ác “ác” nhất. Thế giới qủa không thiếu Đức Tin, nhưng thế giới thiếu Đức ái, thiếu những con người say mê yêu, biết yêu, dám yêu. Vì thiếu tình yêu, thế giới không lớn được, không trẻ được, không sinh hoạt lành mạnh được. Thảm cảnh tang thương và khốn khổ nhất của con người là thảm cảnh thiếu tình thương. Cá nhân, gia đình, đất nước, thế giới tan nát vì thiếu tình thương. Thế giới đang lạm phát Đức Tin và khan hiếm Đức ái. Vì có sẵn, nên người ta dễ dàng nhân danh Đức Tin để thánh chiên, giết lát đồng loại, nhưng không thể nhân danh Đức ái. Người ta có thể xây lò sát sinh, trại tập trung vì Đức Tin, nhưng không thể dùng Đức ái mà nhân danh. Đức Ái hiếm hoi nên rất qúy, khó ai có thể nhân danh bừa bãi. Đàng khác, Đức Ái chỉ có một khả năng duy nhất là Yêu Thương. Không yêu thương, Đức Ái không hiện hữu, không còn là Đức Ái.
Dẹp qua một bên chương trình Đúc Tin vĩ đại, mơ hồ, tôi với bạn cùng bắt đầu một ngày Đức ái trong những chọn lựa nhỏ bé: làm những việc yêu thương nhỏ bé nơi những con người bé nhỏ. Đó chính là sống Tình yêu Đức Kitô, Đấng sẽ phán xử chúng ta qua tình yêu và chỉ với tình yêu.