Tìm kiếm Blog này

Thứ Sáu, 3 tháng 8, 2018

MẸ DẠY CON TIN

      Sắp đến  lễ Vu Lan, rằm tháng bẩy, ngày Báo Hiếu mẹ cha, ngày con cháu nhớ đến ông bà, cha mẹ. Như các bạn Phật tử và với tâm tình hiếu thảo qúy báu của  người  dân Việt, tôi chạnh lòng nhớ ba mẹ tôi đã nhiều năm khuất bóng.  
      Như qúy bạn, tôi nhớ nhiều lắm : nhớ những kỷ niệm yêu thương, những năm tháng vất vả, cơ cực, những khoảnh khắc lo sợ, căng thẳng muốn đứt gân máu, cả những ngày tháng xum vầy, đoàn tụ hạnh phúc  của gia đình, mà ba mẹ luôn là người yêu thương nhất, vất vả, cơ cực nhất, lo sợ, căng thẳng nhất và cũng hạnh phúc nhất. Nhưng riêng tôi, ngoài những nỗi nhớ, niềm thương, ký ức, hoài niệm với ba mẹ, tôi còn nhớ mẹ tôi đã dậy tôi tin.
   Mẹ tôi không được học nhiều, vì ông ngoại  chịu ảnh hưởng của Khổng Tử  trọng nam khinh nữ : “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”, nhưng mẹ rất thông minh và có trí nhớ sắc sảo. Mẹ đọc vanh vách không thiếu một kinh, một dòng của sách giáo lý, một bài hát trong phụng vụ  và dậy chúng tôi cầu nguyện bằng hát thánh ca, đọc kinh, lần chuỗi . Nhưng ấn tượng mẹ khắc sâu trong tâm khảm tôi hơn cả, chính là gương sống đức tin của mẹ :
-  Mẹ dậy tôi kính sợ Chúa và luôn căn dặn : nghĩ gì, nói gì, làm gì, con cũng phải sợ Chúa buồn và hỏi xem : nếu Chúa có mặt ở đây, con sẽ làm gì ?
-  Mẹ dậy tôi ngợi khen Chúa và hướng dẫn tôi : con cứ đọc kinh, hát kinh, lần chuỗi để được cùng toàn thể Giáo Hội chúc tụng Chúa. 
-  Mẹ dậy tôi cầu nguyện với tâm tình của người thiếu thốn, nghèo khó và ân cần chỉ bảo : con đừng kiêu căng, vì Chúa không thích và người khác cũng không ưa.
-  Mẹ dậy tôi nhớ ơn Chúa  và nhắn nhủ : đừng vô ơn ai, nhất là ơn Chúa.
    Hôm nay mẹ không còn, nhưng gương sống đức tin của mẹ vẫn ở trong tôi. Tôi đã cố gắng từng ngày sống đức tin như mẹ dậy, cho đến một ngày, bất chợt  tôi nhận ra : mẹ tôi đã sống đức tin như Đức Mẹ, vì mẹ tôi có lòng yêu mến Đức Mẹ rất đặc biệt : mẹ lần chuỗi, cầu xin và bám chặt vào Đức Mẹ trong mọi hoàn cảnh, nên không nghi ngờ gì việc mẹ tôi đã chăm chỉ học tin nơi Đức Mẹ , như tiếng mẹ khẽ hát ngày xưa khi còn sống: “Trông lên Mẹ là gương mẫu của đời con”. 
    Vâng, Đức Maria đã là Mẹ của Đức Giêsu, nên là Mẹ của các bà mẹ, và của mọi tín hữu. Ngay giây phút  Thiên Chúa làm người, Đức Maria đã dậy Chúa Giêsu tin ; đã giáo dục đức tin của cậu Giêsu suốt ba mươi năm ở Nadarét ; đã hướng dẫn sinh hoạt đức tin của con trai mình với một chương trình huấn luyện căn bản được tỉ mỉ trình bầy trong kinh Tán Tụng - Magnificat :
    “Linh hồn tôi ngợi khen Chúa va thần trí tôi hớn hở vui mừng trong Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi. Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới ; từ nay hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc. Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, Danh Người thật chí thánh chí tôn. Đời nọ đến đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người. Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh, dẹp tan phường lòng trí kiêu căng. Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường. Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư, người giầu có, lại đuổi về tay trắng. Chúa độ trì Ítraen, tôi tớ của Người, như đã hứa cùng cha ông chúng ta, vì Người nhớ lại lòng thương xót dành cho tổ phụ Ápraham và con cháu đến muôn đời” ( Lc 1,46-55).
    Đức Maria đã dậy chúng ta tin bằng : 
1.  Nhớ lại bao nhiêu điều cao cả Thiên Chúa đã làm :
      Khởi đầu của hành trình đức tin, chính là nhớ lại hồng ân Thiên Chúa đã tuôn đổ trên mình, gia đình, Giáo hội, quê hương, thế giới. Nhớ lại là việc làm cần thiết của người tín hữu, bởi không nhớ lại ân sâu nghiã nặng đã nhận, làm sao có thể  nhớ ơn, biết ơn , trả ơn. Cũng chính vì không nhớ lại, mà Luciphe đã làm loạn chống lại Đấng đã yêu thương tạo dựng nên mình ; vì không nhớ lại, Ađam, Evà đã toa rập với ma qủy chống lệnh, và ly khai khỏi hàng ngũ con cái được cưng chiều của Thiên Chúa ; cũng vì không nhớ lại, Giuđa đã phản bội Đức Giêsu, người thầy đã yêu thương, tuyển chọn, cưu mang và đào tạo mình ; cũng vì không nhớ lại, chúng ta dễ bỏ Chúa, Đấng đã  xót thương và hiến mình cứu sống chúng ta.
        Thực ra khi ta nhớ lại lòng thương xót của Thiên Chúa, thể hiện qua bao nhiêu điều cao cả Chúa đã làm, chính là lúc ta xác tín Chúa là Đấng trung tín, không bao giờ lừa dối ai và luôn giữ trọn Lời Hứa. Khi nhớ lại bao điều cao cả Chúa làm, ta  nhận ra  điều này, đó là đức tin  sẽ chỉ là đức tin khi được xây trên Lời Hứa của Thiên Chúa, và chỉ có giá trị  khi ta tín thác vào lòng trung tín của Ngài và tuyệt đối tin tưởng : Thiên Chúa sẽ thực hiện Lời Ngài hứa. Và tin vào Lời Chúa hứa  được coi là cao điểm của đức tin, bởi chỉ có thể là người tín hữu đích thực, khi qủa cảm dấn thân, và triệt để lao mình vào cuộc mạo hiểm của Lời Thiên Chúa hứa.
     Qủa thực,  nếu Thiên Chúa là Thiên Chúa trung tín, luôn  thương xót, “độ trì Ítraen, tôi tớ của Người như Người đã hứa cùng cha ông chúng ta” (Lc 1, 54-55), và “Người nhớ lại lòng thương xót dành cho tổ phụ Ápraham và con cháu đến muôn đời” (Lc 1,55), thì người Kitô hữu cũng được mời gọi nhớ lại bao nhiêu điều cao cả  và lòng thương xót  của Thiên Chúa đã “trải qua từ đời nọ đến đời kia, trên những ai kính sợ Người” (Lc 1,49-51) ; nếu đức tin là gặp gỡ giữa Thiên Chúa và con người, thì con người phải nhớ lại những điều kỳ diệu mà Đấng Toàn Năng đã làm cho mình, như  một đáp trả công bình và chính đáng việc Thiên Chúa đã nhớ lại lòng thương xót của Ngài (Lc 1,55).
      Tóm lại, việc nhớ lại là hành động cần thiết của đức tin, bởi đức tin chỉ thực sự là đức tin khi có Thiên Chúa nhớ đến Lời Hứa thương xót  con người, và con người nhớ lại lòng thương xót con người của Thiên Chúa.
2.    Kính sợ Thiên Chúa :
    Nếu khởi điểm của hành trình đức tin là nhớ lại, thì bước thứ hai của đức tin là kính sợ, bởi đứng trước những điều kỳ diệu, cao cả của Đấng Toàn Năng đã làm, thì bất cứ ai cũng đều phải kính sợ. Kính sợ là tâm tình hiếu thảo của thụ tạo trước Đấng Chủ Tạo, tình yêu của con dành cho cha mẹ, ân tình sâu đậm của môn sinh dành cho sư phụ.
      Sợ ở đây không có nghiã sợ hãi, sợ sệt, nhưng sợ mang ý nghiã tôn kính Đấng  toàn năng nhưng yêu thương ; quy phục Đấng toàn lực toàn quyền nhưng không tru diệt, tàn sát, mà bênh vực, cứu sống ; tôn thờ Đấng toàn thiện, toàn mỹ nhưng  gần gũi, an ủi, đỡ nâng.Ý nghiã kính sợ phát xuất từ  tình yêu con cái dành cho cha mẹ. Đó là thứ  tình yêu đặc biệt với lòng hiếu thảo, kính cẩn, tôn sùng, nên sợ ở đây đồng nghiã với ngưỡng mộ, suy tôn, muốn đến gần để chiêm ngắm,  muốn tìm về  để vui hưởng hạnh phúc được yêu thương,  chứ không là sợ hãi, lẩn tránh, tháo lui, trốn chạy.
     Kính sợ Thiên Chúa vì thế là nền tảng của tình yêu con người dành cho Thiên Chúa, Đấng đã dựng nên con người vì yêu thương con người và để con người thuộc về Thiên Chúa trong hạnh phúc đời đời và đích thực của Ngài. Điều đó muốn nói lên chân lý : con người được dựng nên cho Thiên Chúa và thuộc về Thiên Chúa, nên cuộc sống của con người nằm trong bàn tay của Thiên Chúa. Do đó, người kính sợ Chúa là người đặt hy vọng nơi Chúa, phó thác trọn vẹn đời mình trong tình yêu quan phòng của Chúa. Và vì kính sợ Chúa, họ sẽ không lo lắng gì, không sợ hãi ai ; nhưng vì kính sợ Chúa, lòng họ sướng vui, tâm họ thư thái, hồn họ an bình.         
   Đức Maria đã tuyên xưng : “Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người” (Lc 1, 50), và dậy chúng ta kính sợ Thiên Chúa, bởi không kính sợ Thiên Chúa, chúng ta sẽ đứng chung hàng ngũ  những kẻ kiêu căng đáng bị  “Thiên Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh, dẹp tan phường lòng trí kiêu căng và hạ bệ những ai quyền thế” (Lc 1,51-52), bởi chỉ kẻ không kính sợ Thiên Chúa mới có thể kiêu căng, cậy quyền, ỷ thế ; còn những người  biết kính sợ Chúa sẽ chẳng dám kiêu căng, nhưng đơn sơ, khiêm hạ trước Nhan Thánh Ngài, đồng thời khiêm nhu, đằm thắm, ân cần, hiền hậu với anh em.
3.    Tin với trái tim của người nghèo khó :
    Trái tim của người nghèo khó không chỉ là sự cởi bỏ vật chất, mà còn là sự khiêm tốn và cởi mở của tâm hồn. Trái tim nghèo khó ấy đòi lột bỏ tất cả những ham muốn không quy hướng về một mình Chúa. Trái tim nghèo khó còn ý thức mình có nhiều giới hạn và luôn cần Chúa, phụ thuộc vào Chúa. Đức Maria đã tin với trái tim của người nữ tỳ nghèo khó, hèn mọn, nên đã được Thiên Chúa “đoái thương nhìn tới và từ nay, hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc” (Lc 1, 48).
    Đức Maria là người nữ đầy ơn phúc, vượt trên hết mọi người nữ không chỉ vì Mẹ đã tin, nhưng hơn thế nữa, vì Mẹ đã tin với trái tim của người tôi tớ nghèo khó, hèn mọn.Vì nghèo khó, mà Chúa cho giầu có, no đủ : “Kẻ đói nghèo, Chúa ban của cải đầy dư” (Lc 1,53); vì  hèn mọn,  mà “Chúa đã nâng cao” (Lc 1, 52); vì phận nữ tỳ bé nhỏ, mà “Chúa đã đoái thương nhìn tới” (Lc 1,48). 
    Thực vậy, Hiến Chương Nước Trời mà Đức Giêsu đã loan báo trên núi cho đám đông hôm nào là Lời Hứa Hạnh Phúc cho những tâm hồn bé nhỏ, những trái tim nghèo khó, những thân phận hèn mọn, vì chỉ những trái tim nghèo khó của cải, danh vọng mới có chỗ cho Nước Trời; chỉ những tâm hồn hiền lành, không bon chen, kèn cựa, gây hấn mới có thể rộng mở đón nhận Thiên Chúa làm gia nghiệp ; chỉ những cõi lòng đơn sơ, chất phác, yêu mến công bình và hoà bình mới nhận được phần thưởng của Thiên Chúa ; chỉ những thân phận  mọn hèn, không tự mãn, kiêu căng, nhưng rộng lòng thương xót anh em mình mới được Thiên Chúa xót thương; và chỉ những trái tim nghèo khó, trong sạch, không cồng kềnh những ham muốn bất chính mới được nhìn thấy Thiên Chúa (x. Mt 5,1-12).
     Tin với trái tim của người nghèo khó, tin với tâm hồn của tôi tớ hèn mọn như Đức Maria, chúng ta mới đón nhận được những gì Thiên Chúa hứa ban cho những kẻ tin ở Ngài.
4.    Tin với niềm hy vọng vào Lời Hứa của Thiên Chúa :
   Không thể có niềm tin, mà thiếu hy vọng, cũng như không thể hy vọng mà thiếu niềm tin. Tin và hy vọng luôn đi đôi với nhau, nên có tin, tức là có hy vọng, và có hy vọng là đã có tin. Khi Đức Maria dậy chúng ta nhớ lại những điều kỳ diệu, cao cả Thiên Chúa đã làm trong lịch sử nhân loại, hay lịch sử riêng của  mỗi người, Ngài cũng dậy chúng ta hướng đến tương lai với niềm hy vọng vào Lời Hứa của Thiên Chúa, Đấng đã hứa với tổ tiên và với chính chúng ta, bởi đức tin  đi vào lịch sử, hướng dẫn lịch sử và làm nên lịch sử cứu độ, vì thế mà đức tin là đời sống, luôn sống động, luôn sinh động, luôn hoạt động,  nên không có đức tin chết, đức tin bằng nhựa, đức tin robot, nhưng chỉ có con người đức tin, đời sống đức tin, sinh hoạt đức tin được thể hiện qua đức ái, như thánh Giacôbê đã khẳng định: “đức tin không có việc làm là đức tin chết” (Gc 2,26).
   Và đức tin luôn sống động ấy được tồn tại và lớn lên nhờ niềm hy vọng vào Lời Hứa của Thiên Chúa. Tin đối với người môn đệ Đức Giêsu là tin vào Lời Hứa của Ngài, tin vào Lời Ngài đã hứa. Ngài hứa Nước Trời, hứa lòng thương xót, hứa niềm vui thiên đàng, hứa phần thưởng lớn lao, hứa vinh dự làm con Thiên Chúa, và hứa trao ban chính Ngài cho những ai đặt hy vọng vào lòng trung tín của Ngài (x. Mt 5,1-12).
    Như thế, không hy vọng vào Lời Hứa của Thiên Chúa, người Kitô hữu không thể được gọi là người tin ở Đức Giêsu, bởi niềm tin phải được thử thách bằng lòng trông cậy và Lời Hứa kêu mời, đồng thời đo lường lòng trông cậy ấy. Đức Maria là người nữ đầy ơn phúc, vì đã tuyệt đối trông cậy khi đặt trọn vẹn niềm hy vọng vào Lời Thiên Chúa hứa, khi cộng tác với Chúa Giêsu, bằng đặt để trọn vẹn  niềm hy vọng vào mọi chương trình của Lời Hứa và tuyệt đối tín thác vào lòng trung tín của Thiên Chúa.
     Tóm lại, Đức Maria dậy chúng ta tin, như các bà mẹ công giáo của chúng ta đã dậy chúng ta tin. Bài học đức tin ấy đã bao trùm toàn thể đời sống của chúng ta: với qúa khứ đã sống, chúng ta được mời gọi nhớ lại  hồng ân Thiên Chúa đã ban; với hiện tại đang sống, chúng ta thể hiện niềm tin bằng kính sợ Thiên Chúa với trái tim nghèo khó của người tôi tớ hèn mọn; với tương lai sẽ sống, chúng ta hy vọng vào Lời Hứa của Thiên Chúa và tín thác vào lòng trung tín xót thương của Ngài. Đức Tin như thế sẽ là  sự sống, ở trong cuộc sống, hướng dẫn đời sống. Chỉ có cách Tin của Đức Mẹ mới giúp chúng ta tin trong cuộc sống; chỉ có bài học Tin của Đức Maria mới làm cho đời sống chúng ta trở thành Kinh Tin Kính sống động.
   Tháng tám dương lịch có ngày Vu Lan nhắc con cháu lòng hiếu thảo; tháng tám cũng có lễ Đức Mẹ hồn xác về Trời nhủ người Kitô hữu trông lên Đức Mẹ là gương mẫu của đức tin.
    Uớc gì gương sống đức tin của Đức Mẹ, cũng như bài học Tin Đức Mẹ dậy sẽ làm “hớn hở, vui mừng thần trí” chúng con và dắt chúng con từng bước vui tươi, hạnh phúc trên hành trình đi theo Đức Giêsu, là “Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ” chúng con (x. Lc 1, 47).
Jorathe Nắng Tím