Suy Niệm Tin Mừng CHÚA NHẬT 24 Thường Niên, Năm A
Bất cứ ai đã một lần yêu đều thấm thiá một sự thật: tình yêu “không như là mơ”, và tình yêu không dễ nuôi chút nào. Chính vì “không như là mơ” mà nhiểu cuộc tình trong thực tế đã đổ bể, vỡ toang; vì khó nuôi, khó dưỡng mà không ít gánh tình đã đứt giữa đường, để lại trong tim một trời hoang vắng, và cho người một đời thương đau.
Sở dĩ tình yêu trong mơ khác tình yêu “thực”, vì người
trong mộng khác người bằng xương bằng thịt, tình yêu lý tưởng khác tình yêu đời
thường, khi mộng thì hoàn hảo, tuyệt vời,
lãng mạn, đắm đuối, và đời thường thì sần sùi, thô kệch, bất toàn, khiếm khuyết,
bởi hai người yêu nhau lúc này không còn “vẽ nên nhau” như hình ảnh mình ham muốn,
tôn thờ nhau như “thần tượng” mình đúc tạc, nhưng đối diện nhau như nhau “là”,
chạm vào những gì của nhau “có”, mà những gì “nhau là, nhau có” thì không đẹp,
không tốt, không ngon lành, không đạt đỉnh, “chuẩn không cần chỉnh” như trong mơ.
Thế nên tình yêu nếu mãi là tình yêu say nắng, nếu mãi
ở lì trong “tiếng sét ái tình”, nếu mãi bám chặt cảm xúc cháy bỏng của nụ hôn
buổi đầu gặp gỡ “phải lòng” nhau thì tình yêu ấy không thể đi xa hơn, và hai người không có cơ may dìu nhau đến bến bờ hạnh phúc.
Tại sao vậy?
Thưa vì tình yêu chỉ sống bằng lương thực hy sinh,
trái tim chỉ đập và yêu khi có máu hy sinh, hai người chỉ sống được bên nhau, đồng hành với nhau khi
dám làm những những bước chân hy sinh cho nhau, và hy sinh cao cả, thiết yếu nhất
hai người yêu nhau phải trao ban cho nhau chính là tha thứ, để tình yêu không
bao giờ phải ngậm ngùi giẫy chết, đột tử.
Bởi hy sinh thời giờ, tiền bạc, sức khỏe, tuy cần thiết,
nhưng không thay thế được hy sinh tối quan trọng đến mức không thể thiếu là tha thứ cho nhau, vì cả hai không ai hoàn
hảo, hoàn thiện, hoàn mỹ; bởi tiền bạc, sức khỏe, thời giờ dù gì đi nữa cũng
không chạm đến chính “cốt lõi” của “cái tôi” số một tuyệt vời, qúy báu, dễ
thương, nhưng rất dễ bị tổn thương mà ai cũng ra sức bảo vệ; bởi bất cứ hy sinh
vật chất và ngay cả tinh thần nào cũng không bằng hy sinh tha thứ cho người mắc
nợ, có lỗi với mình, vì tha cho người
xúc phạm đến mình, tha cho người hạ nhục mình, tha cho người vu khống mình, tha
cho người phản bội mình, tha cho người làm mình phải thua thiệt, mất mát, “thân
bại danh liệt” là hy sinh vượt xa mọi hy sinh khác, có giá trị như mất đi chính
mạng sống mình. Do đó, tha thứ được coi là hành vi chết cho người người mình yêu như Tin Mừng Gioan đã khẳng định
: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh mạng sống
vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13).
Bởi tha thứ cho ai là phải từ bỏ chính mình, phải xoá
đi “cái tôi rất lớn, rất mạnh, rất đáng yêu” để hạ thấp ngang tầm kẻ “bất xứng”,
kể cả “bất nhân” đã làm điều xấu, đã lầm lỗi, đã phạm đến mình; bởi tha thứ cho
ai là phải ra khỏi vị thế có quyền lên án, trừng phạt kẻ đáng tội với mình; bởi
tha thứ cho ai là tự nguyện cởi bỏ quyền chính đáng “đòi nợ” kẻ vay nợ mình, rời
khỏi ghế quan toà công lý “bắt tội” kẻ
có tội với mình, nên tha thứ cho ai chính là tự đánh mất những gì thuộc quyền
mình có trên người ấy, xóa bỏ ranh giới quan toà - phạm nhân giữa mình với người
xúc phạm, làm tổn thương, mắc nợ mình, và lập một giao ước mới giữa mình với
người làm khổ mình để họ được sống.
Như thế, tha thứ chính là từ bỏ mình và vác thập giá mình khi tháo gỡ mình
khỏi mọi ràng buộc của “cái tôi”, để chỉ còn tư duy và hành động vì hạnh phúc của
người khác, dù người khác ấy không “tử tế, xứng đáng, dễ mến, dễ thương”.
Hơn ai hết, là Thiên Chúa Tình yêu, Đức Giêsu hiểu
tình yêu phải đi đôi với hy sinh cao cả nhất là tha thứ, và tha thứ cho ai
chính là chết đi cho người ấy, bởi có dám để “cái tôi ích kỷ, tự ái, quyền lực,
danh dự” chết đi, chúng ta mới thật lòng tha thứ cho anh em khi bị họ xúc phạm,
làm tổn thương; bởi có dám hy sinh những giá trị nhiều khi còn lớn hơn cả mạng sống để hạ
mình, xoá mình tha thứ cho người đã táo tợn cướp đi tất cả những gì mình ôm ấp,
nâng niu, và bằng mọi giá giữ gìn như danh dự, uy tín, chúng ta mới chân thành
tha thứ “không giới hạn bẩy lần”, như thánh Phêrô trộm nghĩ, mà vô hạn, không
tính toán, và nhiều đến “bẩy mươi lần bảy”, nghiã là không đếm nổi
như Thiên Chúa muốn (x. Mt 18,21-22).
Ở đây Đức Giêsu đã cho chúng ta biết trong ý muốn caủ
Thiên Chúa tha thứ không có hạn định, không có biên giới, nhưng là con đường
dài, rất dài của cả đời sống trên đó chúng ta gặp gỡ Đức Giêsu. Con đường tha
thứ ấy không chỉ là “bỏ qua” một cách máy móc, và bất đắc dĩ sai phạm, lầm lỗi, nợ nần của người khác, như
vượt qua chướng ngại cản trở bước chân tiến
về tương lai, nhưng ngàn lần hơn thế, tha thứ chính là tiêu diệt hận thù, và sự
chết để làm nẩy sinh sự sống, làm cho người mắc nợ được sống như dụ ngôn đức vua nhân hậu
kia đã chạnh lòng thương xót xóa nợ cho người đầy tớ “mắc nợ vua mười ngàn yến
vàng”, nhưng không có gì để trả đã sấp mình xuống bái lậy nài xin đức vua “rộng
lòng hoãn lại” ( x. Mt 18,24-26). Và nhờ lòng thương xót tha nợ của đức vua,
người đầy tớ mắc nợ mới khỏi chết, mà được sống.
Thực vậy, Thiên Chúa muốn chúng ta tha thứ cho nhau, như Ngài đã tha thứ cho chúng ta,
cũng như muốn chúng ta yêu thương nhau như Ngài đã yêu thương chúng ta (x. Ga
13,34), bởi yêu thương đòi tha thứ, và chỉ
thực sự tha thứ khi yêu thương đạt đến độ quên mình, xóa mình, hiến
mình, bỏ mình vì hạnh phúc của người mình yêu.
Đây là đòi hỏi rướm máu của đức ái Kitô, là điều kiện
để được Thiên Chúa thương xót cứu độ, như Đức Giêsu đã khẳng định trong Hiến
Chương Nước Trời : “Phúc cho ai có lòng thương xót, vì họ sẽ được Thiên Chúa
xót thương.” (Mt 5,7), và như sách Huấn Ca đã răn dậy : “Kẻ báo thù sẽ chuốc
láy báo thù của Đức Chúa, tội lỗi nó, Người xem xét từng ly. Hãy bỏ qua điều
sai trái cho kẻ khác, thì khi bạn cầu khẩn, tội lỗi bạn sẽ được tha. Người với
người cứ nuôi lòng hờn giận, thế mà lại xin Đức Chúa chữa lành! Nó chẳng biết
thương người đồng loại, mà lại dám xin tha tội cho mình! Nó chỉ là người phàm
mà để tâm thù hận, thì ai sẽ xin tha tội cho nó?” (Hc 28,1-5). Trái lại, “chúng
ta đừng xèt đoán nhau nữa” (Rm 18,13), mà “hãy nhớ đến các điều răn mà đừng oán
hờn kẻ khác, nhớ đến giao ước của Đấng Tối Cao mà không chấp nhất điều lầm lỗi
của nhau” (Hc 28,7).
Xin Chúa dậy chúng ta sống tình yêu bằng tha thứ cho
anh em, vì tha thứ biểu hiện một tình yêu cao cả, anh hùng khi “để mình chết đi” cho sự sống nơi người
khác được hồi sinh, như Đức Giêsu Thiên Chúa sẽ cho chúng ta được sống lại với
Ngài khi tha thứ, xóa tội chúng ta bằng
máu và sự chết của Ngài.
Jorathe Nắng Tím