Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 15 tháng 8, 2020

THIÊN CHÚA TỎ TÌNH

 

Người ta tỏ tình bằng nhiều cách khi yêu nhau. Người thì tỏ tình bằng lời nói, người khác viết thư, làm thơ, sáng tác nhạc. Cũng có người không viết, không nói, nhưng tỏ tình qua cử chỉ âu yếm, cưng chiều và hành động chăm sóc, quan tâm. Dù bằng cách nào đi nữa, hai người yêu nhau cũng háo hức tìm dịp tỏ cho nhau tình yêu mình dành cho đối tượng. Nếu không, tình ấy  dễ rơi vào  câm lặng để bất hạnh biến thành tình đơn phương, tình cô đơn, tình một chiều, tình đi hoài không tới…

Thiên Chúa yêu nhân loại và cũng tỏ tình với nhân loại, như hai người yêu nhau xúc động khi tỏ tình trước người mình yêu, và hạnh phúc được người yêu mở lòng  đón nhận lời tình ngỏ.

   Tạo dựng con người, Thiên Chúa tỏ tình với con người bằng chúc lành và đặt con người làm  chủ mọi loài trên mặt đất (x. St 1,28);  chọn một dân riêng, Thiên Chúa tỏ tình với Ápraham, tổ phụ của Ítraen bằng chúc phúc cho ông, và  cho những ai chúc phúc cho ông (x. St 12,2-3) ; trước nỗi thống khổ của Ítraen, Thiên Chúa đã tỏ tình thương xót  và sai Môsê đi giải phóng : Ta đã thấy rõ cảnh khổ cực của dân Ta bên Ai Cập, Ta đã nghe tiếng chúng kêu than vì bọn cai hành hạ. Phải, Ta biết các nỗi đau khổ của chúng…Giờ đây, tiếng rên siết của con cái Ítraen đã thấu tới Ta ; Ta cũng thấy cảnh áp bức chúng phải chịu vì người Ai Cập. Bây giờ ngươi hãy đi ! Ta sai ngươi đến với Pharaô  để đưa dân Ta là con cái Ítraen ra khỏi Ai Cập (Xh 3, 7.9 -10).

    Trong Tân Ước, Thiên Chúa tỏ tình một cách « táo bạo » hơn bằng sai Con Một của Ngài xuống thế gian, mặc lấy thân phận phàm nhân, « sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự » (Pl 2,7-8), để chuộc tội  nhân loại.

     Trong chuyện tình giữa Thiên Chúa và con người, Thiên Chúa đã yêu con người trước và tỏ tình  với con người, như thánh Gioan đã diễn tả : « Không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Ngài đã yêu thương chúng ta » (1 Ga 4,10). Nói cách khác, Thiên Chúa đã  say mê và đi tìm con người ; đã « phải lòng » con người, vì « Thiên Chúa là Tình Yêu » (1 Ga 4,16), và « tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa » (1 Ga 4, 7).

   Chính Đức Giêsu đã  không ngừng  bầy tỏ tình yêu của Ngài đối với « đám đông lầm tha, vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt » (Mt 9, 36), với những người tật nguyền, đau bệnh, bị qủy ám (x. Mt 8,16-17) với người tội lỗi bị lên án, tẩy chay (x. Mt 9,19-13), với những mảnh đời bọt bèo, hèn mọn bị xã hội khinh chê, coi thường. Riêng với các môn đệ, nhiều lần Ngài bộc lộ  một tình yêu nồng nàn, sôi sục, như trước giờ chia tay lên đường chịu khổ hình và  đóng đinh vào thập giá. Trong giây phút thiêng liêng, dạt dào xúc động ấy, Đức Giêsu đã tỏ cho các môn đệ tình yêu vô cùng của Ngài khi nói với các ông : « Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương  của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình » (Ga 15,13).

    Còn lời tỏ tình nào cảm động và trìu mến hơn lời của Đức Giêsu vừa nói ? Còn giá trị, ý nghiã nào cao đẹp hơn ý nghiã và giá trị của một tình yêu sẵn sàng chết cho người mình yêu ? Nhất là khi giá trị và ý nghiã cao cả của tình yêu ấy được minh chứng ngay sau đó bằng việc làm sống động và cụ thể : giang tay chết trên thánh giá.

    Cũng với tình yêu cao cả, tuyệt vời của người đã tự nguyện chết cho người mình yêu, Đức Giêsu lại tỏ tình một lần nữa trước các môn đệ sau khi Ngài sống lại từ cõi chết :

  Bên bờ hồ Tibêria, sau khi chỉ cho các môn đệ : « Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi, thì sẽ bắt được cá » và các ông đã vâng lời Ngài « thả lưới xuống, nhưng không sao kéo lên nổi, vì lưới đầy những cá » (Ga 21,5-6), Đức Giêsu đã cùng ăn với các môn đệ. « Khi các môn đệ ăn xong, Đức Giêsu hỏi Simôn Phêrô : « Này anh Simôn, con ông Gioan, anh có yêu mến Thầy hơn các anh em này không ? Ông đáp : « Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy. » (Ga 21,15). Và liên tiếp ba lần, Ngài hỏi Phêrô với cùng một câu hỏi.

    Khác với những lần trước, lần này  Đức Giêsu tỏ tình với Phêrô, cũng là tỏ tình với các môn đệ có mặt bằng cách đặt câu hỏi, thay vì khẳng định tình yêu của Ngài dành cho các ông. Đây là cách tỏ tình rất quen thuộc ở những cặp đôi đang « say nắng » nhau, cách tỏ tình dễ thương, lãng mạn ở những đôi uyên ương  dưới trời hạnh phúc, khi anh chị thay vì thỏ thẻ : « Em yêu anh!», hay âu yếm thì thầm : « Anh yêu em ! » đã mượn câu hỏi : « Em có yêu anh nhiều không ? », « Anh có yêu em thật lòng không ? » như một lời tỏ tình nhẹ nhàng, tế nhị với niềm vui ngút ngàn vời vợi khi người tình khẳng định tình yêu  dành cho mình.

    Đức Giêsu hỏi Phêrô : « Anh có yêu mến Thầy hơn các anh em này không ? » trước hết để tỏ cho ông biết Ngài yêu ông rất nhiều, nhiều hơn các anh em khác, dù ông mới công khai chối không biết Ngài là ai, dù ông yếu đuối phản bội Ngài (x. Ga 18, 15-27), mà không lâu trước đó ông đã qủa quyết : « Dầu có phải chết với Thầy, con cũng không chối Thầy » (Mt 26, 35) ; sau nữa, Ngài muốn công khai xóa mặc cảm tội lỗi cho ông, trước mặt anh em Tông Đồ, như ông đã công khai chối Ngài trước nhiều người trong sân dinh Thượng Tế, để ông được bình an trong tình yêu bao dung của Ngài khi trao cho ông quyền thay mặt Ngài coi sóc đoàn chiên.   

   Ở đây, chúng ta nhận ra một điểm khác biệt giữa Thiên Chúa và con người khi tỏ tình. Tuy cùng là tỏ tình, nhưng Thiên Chúa tỏ tình để trao ban, cứu giúp như Đức Giêsu tỏ tình với đám đông để cho đám đông được ăn no nê, dư dả ; tỏ tình với người quặt, đui mù để họ đi được và sáng mắt ; tỏ tình với người tội lỗi, yếu đuối để họ được trắng án, tha bổng, đổi mới, bình an, vững mạnh ; tỏ tình với người phản bội để họ tìm gặp đường về  và hăng hái dấn thân ; tỏ tình với toàn thể nhân loại để xóa tội và ban ơn cứu độ trong khi con người  tỏ tình với nhau chưa chắc đã vì hạnh phúc của nhau, mà có thể chỉ vì lợi ích riêng tư của bản thân mình, vì ích kỷ nghĩ cho mình hơn qủang đại quan tâm đến đối tượng mình yêu.  Hơn thế nữa, tuy cũng là tỏ tình, nhưng Thiên Chúa tỏ tình vì chung tình, khi yêu vô cùng và yêu đến cùng (x. Ga 13,1), trong khi con người  có thể đắm đuối tỏ tình rồi  hững hờ bỏ tình ngay sau đó.  

     Thực vậy, Thiên Chúa vẫn tiếp tục tỏ tình với con người, vì Ngài yêu con người đến cùng, cho dù con người có « thay lòng đổi dạ », nay yêu mai ghét, sớm tỏ tình, chiều phụ tình. Và vì yêu đến cùng, Ngài  cố tìm cho kỳ được cơ hội để con người nhận ra lời tỏ tình của Ngài, bằng đích thân nắn nót từng chữ rất thẳng trên những hàng kẻ cong  của đời mỗi người, với khao khát cháy bỏng là cũng  nhận được những tỏ tình đơn sơ, chân thành từ phiá con người.

    Vâng, lậy Chúa Giêsu ! Chúa đợi chờ chúng con tỏ tình với Chúa không chỉ bằng lời nói, mà còn bằng việc làm sống động, cụ thể hướng đến tình yêu cao cả là chết cho người mình yêu. Chết cho người mình yêu là cách tỏ tình của Đức Giêsu, Thiên Chúa làm người. Đó cũng là cách tỏ tình Chúa dậy chúng con phải thực hiện mỗi ngày để « con người tự nhiên » được Ơn Chúa biến đổi  thành con người siêu nhiên, « con người phàm tục » được Máu Chúa  rửa sạch và thánh hoá thành  « con Thiên Chúa ». Bởi chỉ là con Thiên Chúa, con người mới biết tỏ tình với Thiên Chúa khi tha thiết gọi  Thiên Chúa « Ápba, Cha ơi ! » (Rm 8,15) ; chỉ con người được Chúa kéo lên  Thánh Giá với Ngài mới có thể trung tín đến cùng trong tình yêu và gan lì tỏ tình ngay cả trong lúc bị người yêu bỏ rơi,  bị người tình lạnh lùng ruồng bỏ, như chính Chúa ở giờ hấp hối trong « thân phận con người » đã thổn thức, nức nở tỏ tình với  Thiên Chúa Cha : « Lậy Thiên Chúa, Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con ? » (Mc 15,34).   

    Xin cho chúng con suốt đời  sống « có tình » với Chúa, và liên lỷ « tỏ tình » với Chúa bằng cầu nguyện, hãm mình hy sinh, dấn thân phục vụ mọi người trong mọi hoàn cảnh vui buồn, thành công cũng như thất bại, nhục nhằn cũng như vinh quang, « lên » như diều trong vinh dự cũng như  « xuống » tận đáy sâu lầm than, cùng quẫn, vì bất cứ ở đâu và lúc nào Chúa cũng vẫn mãi trung tín và « tỏ tình » yêu thương con.

Jorathe Nắng Tím   

CÂY NHO

 

     Tin Mừng Mátthêu ghi lại nhiều dụ ngôn về vườn tược và người làm vườn : từ dụ ngôn người gieo giống, cỏ lùng, hạt cải (x. Mt 13,3-32) đến dụ ngôn thợ làm vườn nho (x. Mt 20,1-16), cây vả không ra trái (x. 21,18-22), những tá điền sát nhân (Mt 21,33-45. Và những hình ảnh sống động ấy cho chúng ta nhận ra tâm tình và ước muốn của Thiên Chúa đối với con cái Ngài. Trong số những hình ảnh ấy, Cây Nho là hình ảnh  quen thuộc trong Cựu Ước được Đức Giêsu thường  dùng để nói về chính mình.

1.     Cây nho là Dân Thiên Chúa của Cựu Ước:

     Thiên Chúa đã tuyển chọn  Ítraen làm dân riêng của Ngài,  như người chủ chọn cho mình cây nho tốt nhất :

 Mẹ ngươi giống cây nho được trồng bên dòng nước, qủa trĩu nặng, lá sum suê, nhờ mạch nước dồi dào. Nó trổ ra những cành vững chắc, thành những cây vương trượng ; thân của nó vươn cao lên tới tầng mây thẳm. Người ta nhìn thấy nó vì thân nó cao, cành lá um tùm (Ed 19, 10-11).

   « Gốc nho này, Chúa bứng từ Ai cập, đuổi chư dân, lấy chỗ mà trồng. Chúa khẩn hoang bốn bề quang đãng, cho bén rễ sâu và lan rộng khắp nơi » (Tv 80,10).  

    Với Thiên Chúa, Ítraen là cây nho qúy, và Ngài  chăm bón  cẩn thận,, nhưng cây nho « dân riêng » ấy đã phụ lòng yêu thương của Ngài, khi phản bội, xóa bỏ Giao Ước đã ký kết với Ngài, như lời than thở của Ngài từ miệng các ngôn sứ Giêrêmia, Isaia và Hôsê:

   « Còn Ta, Ta đã trồng ngươi như cây nho hảo hạng, cây nho thuần chủng. Sao ngươi lại thoái hoá thành những cây nho tạp chủng ? » (G 2,21), bởi vì « Người những mong họ sống công bình, mà chỉ thấy toàn là đổ máu ; đợi chờ họ làm điều chính trực, mà chỉ nghe vẳng tiếng khóc than » (Is 5,7)

      Thật không còn gì đau khổ hơn cho người chủ vườn nho, khi « anh ra tay cuốc đất nhặt đá, giống nho qúy đem trồng, giữa vườn anh xây một vọng gác, rồi khoét bồn đạp nho. Anh những mong nó sinh trái tốt, nó lại sinh nho dại », để phải than thở, tiếc nuối khôn nguôi : « Có gì làm hơn được cho vườn nho của tôi, mà tôi đã chẳng làm ? Tôi những mong trái tốt, sao nó sinh nho dại ? » (Is 5,2.4).

2.     Cây Nho là Giáo Hội của Tân Ước :

    Trong Tân ước, Đức Giêsu lấy lại hình ảnh Cây Nho để diễn tả  tương quan mật thiết giữa Ngài và Giáo Hội. Theo Ngài, Chúa Cha vẫn là người chủ vườn, nhưng từ nay, Cây Nho chính là Ngài. Ngài là Cây Nho mà các ngành nho phải kết hiệp để được « sống và sống dồi dào» (Ga 10,10), và  sinh nhiều trái ngon ngọt.

    Thánh Gioan đã ghi lại thật rõ lời Đức Giêsu khi nói về Cây Nho : « Thầy là cây nho thật. Cha Thầy là người trồng nho. Cành nào gắn liền với Thầy mà không sinh hoa trái, thì Người chặt đi ; còn cành nào sinh hoa trái, thì Người cắt tiả cho nó sinh nhiều hoa trái hơn...» (Ga 15,1-3).

  Như thế, mỗi người Kitô hữu được Thiên Chúa mời gọi tháp nhập đời mình vào Đức Giêsu, « cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho », như Đức Giêsu đã cảnh báo : « Anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy » (Ga 15,4), vì « Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được » (Ga 15, 5).

  Ở đây, chúng ta bị đặt trước một vấn nạn : Tại sao đang là cành  gắn liền với cây mà vẫn bị chủ vườn chặt đi ? Tại sao cành vẫn liền  cây, mà cành lại không sinh hoa trái, đến nỗi bị  đốn bỏ, quăng ra ngoài, khô héo đi và người ta ném vào lửa cho cháy ? (x.Ga 15,6). Nói cách khác, nếu đã là người Kitô hữu, tức thuộc  hàng ngũ những người đi theo Đức Giêsu Kitô, thì sao còn chuyện bị loại trừ, sa thải, chặt đứt phăng, và  « quăng ra ngoài » ?

   Thưa, đòi hỏi của ông chủ vườn chính là các cành phải « sinh nhiều hoa trái » (Ga 15,5), vì ông chủ muốn như thế, nên cành nào không cho trái thơm ngon, như cây vả lười biếng không cho trái sẽ bị chặt đi.

    Chính vì muốn các cành  nặng trĩu qủa, mà ông chủ vườn không chỉ vun xới, tưới nước, bón phân mà còn phải « cắt tiả cho nó sinh nhiều hoa trái hơn» (Ga 15,3). Ông chủ không thể để các cành lớn lên bừa bãi, nhưng ông biết phải làm gì để các cành cho nhiều qủa ngon, trái ngọt. Ông còn chăm chút, kiên nhẫn  vạch từng chiếc lá để tìm sâu, bởi có những con sâu lẩn trốn dưới khe lá để cắn đọt non, làm hư hoa qủa.    

  Bên cạnh công việc « cắt tiả, chăm bón » của ông chủ là nghiã vụ của cành nho, nghiã vụ « ở lại trong cây nho ». « Ở lại » là động tự rất quan trọng Đức Giêsu thường dùng để nói lên sự hiệp nhất giữa người Kitô hữu và Ngài, như các chi thể trong một Thân Thể duy nhất. Nhưng « ở lại » như thế nào với Cây để không bị cắt đi và ném ra ngoài, như cành nho khô héo ?

  Trả lời câu hỏi trên, Đức Giêsu minh định : « Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người » (Ga 15,10). « Đây là điều răn của Thầy : anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em » (Ga 15,12).

   Như thế, điều kiện để cành nho sinh nhiều trái ngon  tuyệt hảo chính là giữ giới luật Yêu Thương của Thiên Chúa, như những người sẽ  « được Thiên Chúa chúc phúc » ngày phán xét chung. Họ được đi thẳng vào lòng Thiên Chúa yêu thương, vì suốt đời họ đã yêu thương đồng loại, xót thương người anh em khốn khó, bần hàn, cơ nhỡ, bị bỏ rơi, bởi phần thưởng đời đời và tuyệt hảo của những ai yêu thương anh em  chính là Thiên Chúa yêu thương họ (x. Mt 25, 31-46).

    « Điều kiện tất yếu » trên cũng là khẳng định không thể chối cãi về môt sự thật đau lòng, như sự thật Ítraen, Cây Nho qúy của Thiên Chúa Giavê đã cho những trái nho dại,  đó là có nhiều người Kitô hữu, tuy mang danh « thuộc về cây Nho Đức Kitô » nhưng không để mình được nuôi dưỡng bằng nhựa Yêu thương của Đức Kitô ; có những người mang tên môn đệ Đức Kitô nhưng không sống  sự sống của Đức Kitô giầu lòng thương xót ; có một số không nhỏ những người gắn trên áo nhiều phù hiệu  lóng lánh « người có đạo », nhưng bước đi như người mù, không bám gót Đức Kitô là Đường ; có không ít  dáng dấp « đạo gốc, đạo dòng », kể cả chức sắc, quan viên trong cơ chế đạo, nhưng không mấy ai nhận ra ở họ dung mạo  bao dung,nhân từ,  thương xót của Đức Kitô, Đấng đến để yêu thương và cứu độ.  

      Sở dĩ  người Kitô hữu chỉ « sinh nhiều hoa trái », chỉ « sống và sống dồi dào » trong Đức Giêsu là Thiên Chúa Tình Yêu, vì họ được sinh ra từ Đức Giêsu, như Ngài đã nói với ôngt Nicôđêmô : « Thật, tôi bảo thật ông : không ai có thể thấy Nước Thiên Chúa, nếu không được sinh ra một lần nữa bởi ơn trên » (Ga 3,3). Đó chính là lý do người  sinh ra « bởi Nước và Thần Khí » của Đức Kitô được  mang tên  « Kitô hữu », tức người được Đức Kitô sinh ra, người mang Đức Kitô, người sống sự sống của Đức Kitô, người tháp nhập đời mình trong Đức Kitô, mà  bằng chứng hùng hồn  cũng như dấu chỉ chắc chắn để biết ai là người Kiô hữu đích thực, chính là họ cùng Đức Kitô  yêu thương và phục vụ anh em mình.

      Tóm lại, Đức Giêsu mới thực sự là Cây Nho qúy giá của Thiên Chúa Cha để nhân loại được tháp nhập vào Ngài, hầu được sống dồi dào và sống đời đời. Ở ngoài Đức Giêsu, hay ở với Đức Giêsu nhưng không yêu thương, phục vụ như Đức Giêsu, chúng ta đều rơi vào tình trạng bị khô héo  dẫn đến nguy cơ bị ông chủ vườn nho là  Thiên Chúa Cha chặt bỏ, quăng ra ngoài, và  « người ta nhặt lấy, ném vào lửa cho nó cháy đi » (Ga 15,6).

       Ước gì mỗi người Kitô hữu đều trở thành những cành nho, dù  to hay bé, lớn hay nhỏ, cao hay thấp, nhưng luôn « ở lại trong tình thương » của Đức Giêsu, bằng giữ giới luật Yêu Thương của Ngài. Cụ thể là vui vẻ đón nhận vị trí Chúa đặt, vui tươi phục vụ mọi người Chúa gửi đến, và vui lòng thay đổi nơi chốn, sứ vụ đặc thù khi Chúa muốn, như cành nho hoàn toàn  tháp nhập vào cây nho, như người đầy tớ trung tín hoàn toàn lệ thuộc, yêu mến, vâng phục và thiết thân gắn bó với chủ mình (x. Mt 25,45-47).

Jorathe Nắng Tím