Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 29 tháng 6, 2020

BÉ CẦN KỶ LUẬT


Ba mẹ cứ tưởng bé không cần kỷ luật, nên cứ để bé tự do tung hoành, muốn ăn lúc nào, ngủ giờ nào cũng được. Cũng vì nghĩ kỷ luật làm bé  khó lớn nên ba mẹ để bé mặc sức quậy phá, la hét, bầy bừa. Bé như  ông vua vô kỷ luật muốn làm gì thì làm và bé không còn biết sợ ai. Một ngày của bé là một ngày kinh dị cho chị vú. Và chị bắt đầu ngao ngán cái cảnh “hoang dã, vô kỷ luật” của bé …

Người viết đã từng chứng kiến cậu bé 6 tuổi, con một gia đình giầu có mà người ta gọi là đại gia hất tung đĩa bánh và hét vào mặt chị người làm: “Tao đã bảo, tao không ăn mà !”. Hình ảnh ấy đã ghi sâu và trở thành ấn tượng cực xấu trong đầu người viết đối với con cái một số các “trưởng giả học làm sang” thời thượng ở Việt Nam.
Con cái thường dựa vào thế giá của gia đình để nghĩ rằng mình không chịu lệ thuộc một quyền lực ràng buộc nào. Những câu ấm, cô chiêu thời đại phóng xe như bay trên đường phố Sàigòn, ăn nhậu rồi phá phách trong các quán bar, phòng trà ở các thành phố lớn đã đủ để thấy cái cảnh phá sản giáo dục trong nhiều gia đình có tiền, có chức ở Việt Nam hôm nay. Đây là một sự thật đau lòng mà người có tâm huyết với tương lai đất nước phải can đảm nhìn nhận và tìm cách cứu chữa.
Thực ra, ngay từ tuổi thơ, em bé đã cần một kỷ luật. Em cần và em muốn. Nhiều nhà tâm lý nhi đồng đã qủa quyết: các em bé ngay từ khi sinh ra đã cần một kỷ luật và mong cha mẹ áp dụng kỷ luật cho em, bởi chin tháng trong lòng mẹ là chin tháng em đã quen sống kỷ luật. Cơ thể của mẹ có nội quy sinh hoạt và em đắm mình trong sinh hoạt có kỷ luật, thứ tự, lớp  lang ấy. Vì quen với kỷ luật khi còn là thai nhi, em bé thấy hụt hẫng khi chào đời và mong được tiếp tục sinh hoạt trong kỷ luật.
Tại sao em bé cần kỷ luật?  Vì kỷ luật bảo đảm  an toàn cho em. Đây là lý do nền tảng, vì chính em đã thấy ích dụng của kỷ luật khi nằm trong bụng mẹ: nếu không có kỷ luật cơ thể, chắc chắn em đã bị nuốt sống bởi các tế bào khác, khi em chưa kịp thành hình trong lòng mẹ. Kỷ luật không là hình phạt, cũng không tiêu cực như  nhiều người lầm tưởng. Chính vì nghĩ sai, tưởng lầm kỷ luật mà người lớn đã chủ trương tháo khoán, buông lỏng tất cả và để em muốn làm gì thì làm. Nhưng người lớn đã chọn lựa sai, khi chính em đang cần và đi tìm một kỷ luật để được an toàn trong đời sống.
Trẻ em không những cần mà còn muốn sống có kỷ luật. Khi em quậy phá tanh bành chính là lúc em đang kêu cứu: “Hãy cho con kỷ luật”. Chính trong những hổ lốn, vô trật tự là khát vọng kỷ luật ở em dâng cao. Một cách vô thức, em bé gào thét để được người lớn cho vào kỷ luật, để được cha mẹ áp dụng kỷ luật; vì nhờ kỷ luật em không còn sợ những đe doạ, rủi ro đến từ nhiều phiá.
Như thế, em bé tuy còn non nớt nhưng đã nhận ra một cách vô thức: kỷ luật rất cần thiết cho chính sự sống của em. Sở dĩ kỷ luật cần cho mọi người, vì kỷ luật mang những đặc tính:
a.   Hướng dẫn: Kỷ luật như những bảng chỉ đường giúp người đi đường, người lái xe nhận ra đúng hướng phải đến, đúng đường phải đi. Thiếu bảng chỉ đường, làm sao ngườ ta có thể đi mà không lạc? Em bé sống vô kỷ luật cũng như người đi mà không biết mình đi đâu, về đâu. Một em bé quen sống vô kỷ luật sẽ là một người lớn lông bông, sống không bến bờ như thuyền không lái.
b.   Bảo vệ: Kỷ luật như tường cao bao quanh sân thượng để tránh bị nhào đầu xuống đất, như hàng rào, song sắt để không ai trượt chân rơi xuống sông khi đi trên cầu. Kỷ luật không mang tính đàn áp, khống chế, bóp chẹt như nhiều người lầm tưởng, nhưng căn bản là bảo vệ an toàn.
c.    Huấn luyện: Đặc tính quan trọng khác của kỷ luật là huấn luyện, đào tạo con người. Không một trường huấn luyện nào dám bỏ quên vai trò của kỷ luật. Không một trường học nào được gọi là trường điểm, trường nổi tiếng mà không “nổi tiếng, đạt điểm cao” về kỷ luật. Không kỷ luật, không có đào tạo. Không kỷ luật,  không huấn luyện được ai, vì kỷ luật là phương tiện rất cần thiết để  cho con người  trưởng thành, có lòng tự trọng, có khả năng ứng xử, tinh thần phục vụ, và nếp sống,  tư cách đạo đức.
Vì thế, ngay từ tuổi thơ, em bé cần được bầu khí kỷ luật bao bọc. Bầu khí kỷ luật sẽ giúp em chóng lớn vì em thấy mình được an toàn; giúp em hiểu biết giới hạn của mình và ranh giới cần được tôn trọng nơi người khác để đời sống chung được hài hoà, tốt đẹp. Kỷ luật cho em kỹ năng  ứng xử khi biết dựa vào kỷ luật để biết điều gì được phép, điều gì không đưọc phép, điều gì nên làm và điều gì phải tránh. Kỷ luật hướng dẫn chọn lựa của em, vì em học được nguyên tắc  chọn lựa khi sống kỷ luật. Kỷ luật còn cho em tự  tin ở mình khi nhận ra mình là một giá trị được kỷ luật gìn giữ, che chở.        
Khi tập cho con thơ sống kỷ luật từ việc tôn trọng giờ bú sữa, giờ thay tã, giờ ngủ, giờ chơi, giờ đi dạo, giờ đi tắm, cha mẹ đang tập cho con  nếp sống quy củ, trật tự sau này. Thiếu nếp sống trật tự, con cái sẽ không thể thành công trong cuộc sống. Nhiều cha mẹ vì lầm tưởng kỷ luật sẽ làm khổ con nên không quan tâm tập cho con nếp sống kỷ luật từ kỷ luật vệ sinh cá nhân, kỷ luật ăn uống, kỷ luật ngủ nghỉ, kỷ luật giải trí, kỷ luật học hành, kỷ luật tôn giáo như đọc kinh sáng tối đến kỷ luật tương quan như chào cha mẹ, ông bà. Không dậy con kỷ luật và không áp dụng kỷ luật trong đời sống gia đình, cha mẹ đã vô tình chuẩn bị cho con một đời  thất bại rất chua cay vì thiếu kỷ luật sống. Kỷ luật sống sở dĩ cần thiết vì nó giúp con cái nhận ra đúng con đường phải đi, việc phải làm, chọn lựa phải dấn thân, bổn phận phải chu toàn. Chính thói quen có kỷ luật nhắc nhở con khi cha mẹ không ở gần. Chính kỷ luật gìn giữ con khi cha mẹ khuất bóng, xa xôi. Chính kỷ luật sẽ nâng đỡ con khi sóng gió kéo về thử thách. Kỷ luật còn tạo uy tín cho con dưới mắt mọi người và  cho con một vị thế xứng đáng trong cộng đồng, xã hội.
Thống kê của TNS Sofres năm 2012 cho biết: có đến 82% cha mẹ đau khổ vì con cái không vâng lời và 76% cha mẹ không tỏ ra có uy quyền.
Nguyên nhân nào đã cho ra hậu qủa tai hại đó, khi con cái không còn vâng lời cha mẹ và cha mẹ xem ra hoàn toàn nhu nhược trước ương ngạnh, ngang tàng của con cái?  Câu trả lời rất đơn sơ: vì con cái thiếu kỷ luật và vì cha mẹ không dựa vào kỷ luật.
Con cái thiếu kỷ luật nên mới không vâng lời cha mẹ. Vâng lời đây không được hiểu là thái độ vâng lời tối mặt, nghiã là cha mẹ bảo sao, con phải nghe vậy, không được “ý kiến ý cò”. Nhưng vâng lời muốn nói ở đây là vâng lời có trách nhiệm khi con cái và cha mẹ có trao đổi, đối thoại để hai bên được nói và được lắng nghe. Chính thái độ vâng lời đối thoại  có trách nhiệm này mới thực là vâng lời của người trưởng thành, có kỷ luật, có giào dục, có tự trọng và lòng hiếu thảo. Đừng hiểu vâng lời là “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó”. Những kiểu vâng lời khoán trắng, thụ động, vô trách nhiệm và vô cảm, vô hồn, chưa kể mang nặng hờn dỗi ấy không đem lại ích lợi gì cho ai, trái lại sẽ là nguyên nhân của nhiều mâu thuẫn, thất bại, đổ vỡ. Ngày nay cha mẹ không bảo được con cái, con cái không vâng lời cha mẹ là vì chính cha mẹ đã không cho con sống một đời sống có kỷ luật, để rồi đến một ngày, con cái không còn  mốc chốt nào để bám víu,  không còn tiêu chuẩn nào để chọn lựa, không còn thang giá trị nào để ưu tiên hay từ bỏ. Thiếu kỷ luật, con cái sẽ thản nhiên không vâng lời cha mẹ, vì chính ý niệm vâng lời cũng đã chưa một lần có trong óc em. Đừng quên: những ý niệm luân lý, đạo đức, tôn ty trật tự đều phát sinh từ nếp sống kỷ luật mà em bé học từ thời thơ ấu, nếu được sống trong bầu khí kỷ luật gia đình.
Từ đó, một hệ luận đuợc rút ra, đó là thái độ nhu nhược, đầu hàng của cha mẹ trong việc áp dụng kỷ luật đối với con cái. Uy quyền xuất phát từ luật lệ. Quyền làm cha mẹ đến từ kỷ cương gia đình. Nếu gia đình thiếu kỷ cương, sống vô kỷ luật  thì uy quyền của cha mẹ cũng theo đó sụp đổ. Cũng có nhiều trường hợp cha mẹ không dám thực hiện kỷ luật với con vì:
a.   Muốn giữ hình ảnh đẹp của người cha nhân từ, người mẹ hiền dịu. Nghĩ như thế, cha mẹ đã tự xoá hình ảnh nhân từ và hiền dịu của mình, vì thiếu con mắt kỷ luật, con cái không nhận ra những đức tính, giá trị này.
b.   Cha mẹ có những lỗi lầm bản thân nào đó, nên muốn lấp liếm, tránh né bằng cách không dám thực thi kỷ luật đối với con cái. Sợ con đến nỗi không dám xử dụng quyền làm cha mẹ để giáo dục thì không gì nguy hại hơn cho con cái. Những cha mẹ này đã quên một điều là không có cha mẹ nào trên đời này là cha mẹ hoàn hảo, và cũng chẳng con cái nào đòi cha mẹ phải hoàn hảo. Chúng chỉ đòi cha mẹ yêu thương và giúp chúng trưỏng thành, nên người.
c.    Đánh mất ý thức về vai trò làm cha mẹ: Đây là hâu qủa tất yếu của chủ nghiã ích kỷ, hưởng thụ đang phá hoại các gia đình. Người ta ngày càng đọc được những bài báo viết về những người mẹ bán con lấy tiền, những người cha lạm dụng tình dục và nhiều cảnh bạo hành đáng nguyền rủa khác của cha mẹ trên con cái.

Tóm lại, bản chất của kỷ luật là hướng dẫn, bảo vệ, huấn luyện, thăng tiến con người. Một quân đội mạnh là một quân đội có kỷ luật. Kỷ luật làm quân đội mạnh là vì kỷ luật đã huấn luyện thành công những người lính trưỏng thành, có nhân cách, có dũng khí, có tinh thần. Đội quân mạnh do chiến sĩ mạnh. Không có những người lính can trường nhờ sống kỷ luật, không có những chiến sĩ qủa cảm, hy sinh vì được kỷ luật quân trường đào luyện làm sao có được quân đội hùng mạnh bảo vệ tổ quốc?  
Như thế, kỷ luật hoàn toàn khác với những phương tiện có tính không chế, đe doạ, trừng phạt, xiết chặt, bóp nát của chủ nghiã uy quyền thống trị. Kỷ luật không đi với chủ nghiã này, vì chủ nghiã “bạo lực” mới thực sự là vô kỷ luật, khi  sản sinh ra những lối sống thiếu nhân bản “chồng chúa vợ tôi”, những người cha dã man, phi nhân đánh con đến suốt đời mang thương tật, những người mẹ hành hạ con như tra tấn địch thù. Kỷ luật không đội trời chung với chủ nghiã bất nhân này khi trật tự nhân bản bị đảo ngược vì chính chủ nghiã ấy. Trái lại, kỷ luật tạo nên uy quyền cho cha mẹ, một thứ uy quyền nhân bản, uy quyền của tình yêu, có tình yêu làm nền tảng, có tình thương là động lực, có hạnh phúc của con làm mục tiêu, đích tới. Uy quyền của cha mẹ là khả năng giúp con sống kỷ luật để con trờ nên mạnh mẽ: mạnh mẽ trong tư duy, tình cảm, hành động. Và vì thế, kỷ luật hoàn toàn khác với chủ nghiã uy quyền thống trị với đa đoán của độc tài, gò bó, kềm kẹp của bạo lực làm tổn thương nhân vị.       

Ước mong tuổi thơ được gìn giữ, bảo vệ, thăng tiến nhờ kỷ luật gia đình, để những thế hệ tương lai có những đầu óc minh mẫn, những trái tim yêu thương, những đời sống quân bình xây dựng một xã hội nhân bản, hài hoà, bình an.  

THIÊN CHÚA LÀ NƠI CON ĐƯỢC NGHỈ NGƠI, BỒI DƯỠNG

Suy Niệm TIN MỪNG CHÚA NHẬT 14, Thường Niên, Năm A
Đức Giêsu là Đấng Thiên Chúa sai đến, Đấng mà người Do Thái mường tượng như một vị vua uy nghi, quyền năng, oai phong lẫm liệt, bách chiến bách thắng ngự giá giữa đoàn quân, trước muôn dân cúi mình thần phục, và không ai đã nghĩ đến “Đấng nhân danh Thiên Chúa mà đến ấy” sẽ đến như một vị vua chiến thắng nhưng hiền hoà, hay chạnh lòng thương cảm những người bé mọn, và là nơi nương náu, chốn nghỉ ngơi cho những tâm hồn đau khổ, những thân xác rã rời vì vất vả, lao nhọc.
Ngay trong bài đọc thứ nhất, ngôn sứ Dacaria đã loan báo một Đức Vua “chính trực, toàn thắng, nhưng khiêm tốn ngồi trên lưng lừa con” (Dcr 9,9). Chính Ngài sẽ đem lại hoà bình cho muôn dân, muôn nước, và mọi người sẽ hân hoan reo mừng.
Đây là hoà bình của tình yêu, hoà bình được xây dựng trên tình yêu, hoà bình không tìm thấy từ “chiến mã, cung nỏ” của chiến tranh (x. Dcr 9,10), nhưng từ lòng nhân hậu dành cho những người “vô danh tiểu tốt, thấp cổ bé miệng”, từ trái tim biết chạnh lòng trước những con người túng thiếu, cực khổ, từ tâm hồn đồng cảm với những thân phận bị đàn áp, bỏ rơi, kỳ thị, khai trừ, vì ở những  con người bị xã hội lãng quên này, chân lý của Thiên Chúa đã được mặc khải, như Đức Giêsu đã qủa quyết trong lời cầu nguyện của Ngài với Chúa Cha: “Lậy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn” (Mt 11,25). Và điều quan trọng hơn cả là Ngài đã khẳng định: “Vâng lậy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha” (Mt 11,26).
Đẹp ý Chúa Cha khi Tin Mừng “Thiên Chúa yêu thương” được loan báo cho người nghèo hèn, “Thiên Chúa giải thoát” được công bố cho người bị giam cầm, “Thiên Chúa cứu chữa” đến với người đau ốm, tật nguyền, và Tin Vui “Thiên Chúa thứ tha, ban ơn phúc” được lan toả giữa những người khao khát hạnh phúc thật (x. Lc 4,16-19). Và Đức Giêsu đã làm đẹp lòng Chúa Cha khi chu toàn sứ vụ giữa những người bé mọn cho đến giây phút cuối cùng trên Thánh Giá.
Thực vậy, Đức Giêsu là Đức Vua nhân hậu luôn quan tâm và yêu thương thần dân bé mọn, và sứ vụ Thiên Sai của Ngài luôn hướng đến những người nghèo khó, sầu khổ, cùng cực, bị vu khống, hàm oan, bị khinh khi, áp bức, những con người nhỏ bé có tâm hồn đơn sơ, trong sạch, khao khát công chính và kiên trì tìm kiếm Nước Trời như chính Ngài đã công bố trong Hiến Chương Nước Trời (x. Mt 5,1-12).
Và trên hành trình dương thế “đầy nước mắt”, Đức Vua nhân hậu Giêsu luôn có mặt, đồng hành để trở nên chốn nghỉ ngơi, nơi bồi dưỡng cho những ai “đang vất vả mang gánh nặng nề”, và bảo đảm: “Tâm hồn anh em sẽ được bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng”, với duy nhất một điều kiện, như đặc tính của người bé mọn được Đức Giêsu yêu thương và mời gọi: “Hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường” (Mt 11,28-30).  
Xin Đức Giêsu, Vua nhân hậu “hiền lành và khiêm nhường tận đáy lòng” ban cho chúng ta hạnh phúc được nghỉ ngơi bên Thánh Tâm Ngài.
Jorathe Nắng Tím