Thân
xác là tiếng nói của tâm hồn; nói cách khác, thân xác biểu lộ những gì tâm hồn
muốn nói, nên cơn đau của bao tử chưa hẳn chỉ thuần là cơn đau của thân xác mà có thể là cơn đau của cả tâm hồn. Người mang tâm sự buồn là người mang
thân xác rã rời, mệt mỏi, bần thần, chán sống. Cõi lòng tan nát kéo theo thân
xác nát tan vì con người gồm thân xác và tâm hồn.
Một
cách nôm na, ta gọi sinh lý là thân xác và tâm lý là tâm hồn. Sinh lý là những
sinh hoạt thấy được trên thân xác, tâm lý là những sinh hoạt tuy có thực nhưng
không thấy được như đam mê, tình cảm, mặc cảm, ý chí, tình yêu…
Em
bé của chúng ta cũng là con người, nên sinh hoạt tâm sinh lý của em cũng theo
những định luật bình thường của con người; nghiã là sinh lý ảnh hưởng tâm lý và
ngược lại tâm lý cũng góp phần làm thay đổi sinh lý. Chỉ khác một điều: em bé
không diễn tả như người lớn, nên cha mẹ phải bỏ công phỏng đoán, tìm tòi.
Một
vài hiện tượng sinh lý thường gặp nơi em bé :
1.
Khóc
nhè, dỗ hoài không nín :
Em
“Gà con” khóc có thể vì đói, khát hay mới tè trong tã; cũng có thể em đau bụng
hay khó chịu vì không ngủ đẫy giấc. Với các em 3, 4, 5 tuổi, khóc nhè có thể vì
mẹ đã không chú ý đến em, hoặc em có cảm tưởng bị mẹ bỏ rơi, không còn thương
em nữa khi mẹ quan tâm đặc biệt đến anh “Beo”. Em khóc cũng có thể sáng nay em
lười đi nhà trẻ, muốn ở nhà chơi với bà ngoại, vì ở nhà trẻ có một bạn hay ghẹo,
giành dựt đồ chơi và hay cào mặt bé.
Khi
bé Gà Con khóc nhè như vậy, mẹ đừng nóng giận la rầy, nhưng điềm tĩnh lắng nghe
và đặt cho bé những câu hỏi như : “Mẹ không thương bé hả ? Không có
đâu, Mẹ thương bé mà…; Ai ghẹo bé ? Mẹ sẽ nói bạn không được ghẹo bé nữa…”.
Những câu hỏi có tính giải toả những ấm ức không nói được của bé sẽ làm bé nguôi ngoai và không khóc nhè nữa.
2.
Em
bé thích sờ cu, vạch mông trước mặt người khác :
Em
làm như vậy là vì chưa phân biệt được sự khác biệt giữa riêng tư và công cộng,
giữa những gì phải giữ kín cho riêng mình và những gì có thể khoe với người
khác. Nhiều em đã bắt chước những gì đã thấy trên truyền hình và làm lại một
cách rất vô tư. Khoa phân tâm có khuynh hướng cắt nghiã hiện tượng trên theo
Libido của Sigmund Freud. Người viết không hoàn toàn ủng hộ lối cắt nghiã dưới ảnh
hưởng hoàn toàn của Libido này, vì cho rằng
em bé chưa phân biệt được sự khác biệt và công dụng riêng biệt của các bộ phận
trên thân thể, nên em chưa phải chịu sức
ép của tính dục như Freud chủ trương.
Thực
ra, hành động sờ cu, vạch mông trước mặt người khác của em bé chỉ là những hành
động tự nhiên, bình thường, không nên đặt thành vấn đề. Vấn đề cần đặt là đừng
gieo mặc cảm tội lỗi cho em khi giận dữ trách mắng : “Đừng sờ cu như vậy,
dơ lắm ! Đừng vạch mông như thế, bẩn vô cùng !”. Với em cu hay mông
cũng như đầu, mắt, bụng, tay chân. Bây giờ người lớn bảo cu dơ, mông bẩn, em mới
biết chúng bẩn và sẽ ghi nhận hình ảnh dơ bẩn của cu, mông trong tâm trí em. Sự việc này tạo một mặc cảm khó phai sau này trong đời sống
tình dục khi em khám phá ra công dụng của các phần tế nhị trên thân thể.
Gieo
mặc cảm là việc làm rất vô tình của cha mẹ khi con cái có những cử chỉ, thái độ
“không bình thường”. Đừng quên rằng quả quyết điều gì trước mặt các em là
in sâu hình ảnh ấy trong tâm não các em. Nếu là hình ảnh đẹp, kết qủa sẽ tích cực;
nhưng nếu là hình ảnh xấu, hậu qủa sau này sẽ rất tiêu cực. Điều cha mẹ nên làm
trong trường hợp này là nhẹ nhàng cắt nghiã cho em bé : “Con sẽ đẹp hơn
nhiều khi không sờ cu, vạch mông trước mặt người khác” mà không cần “chú giải”
dài dòng. Với thời gian, em bé sẽ tự khám phá mình đẹp thực, và lời mẹ dặn là
đúng.
3.
Em
bé hay giận dữ bất thường:
Có
những em bé năng động nhưng hay giận dữ. Khi giận dữ, em bỏ ăn, bỏ ngủ, tiêu tiểu
không đúng giờ, đúng cữ. Đây là dấu hiệu của tình trạng tâm lý căng thẳng như sợ
phải xa cách người thân, sợ mất bạn, sợ đối thủ, sợ thất bại…Tuy còn bé, nhưng
em đã cảm được nỗi sợ mất mát và thất bại, nên khi có đe doạ, em thu mình vào vỏ
ốc “hoảng sợ và giận dữ”. Với những em bé này, tốt hơn cả là tạo cho em một
không gian rộng, đầy đủ tiện nghi, thóang mát để mang lại cho em bầu khí thư
giãn thực sự. Trong bầu khí này, em sẽ có những ý nghĩ tích cực, những hình ảnh
tươi sáng giúp cho vô thức của em tìm lại trạng thái an toàn. Có nhiều cơn hoảng
sợ phát sinh từ cái nhìn và thái độ thiếu thiện cảm của người lớn. Một em bé bị
người lớn đe dọa hay trừng phạt là một em bé bị khủng hoảng tâm lý trầm trọng.
Hậu qủa “vô hình”, không ai hay biết, nhưng phân tâm học khẳng định: đây là những
vết nứt có thể làm nghiêng ngôi nhà tâm lý. Nguời viết đã chứng kiến trường hợp
em bé mỗi lần cha mẹ dẫn vào thang máy là hét lên hoảng hốt. Trấn an, dỗ dành
thế nào em cũng không chịu vào, và không ai hiểu tại sao em đã không dám vào
thang máy suốt thời gian 11 năm. Mãi đến năm 13 tuổi, em mới không còn sợ. Sau
một thời gian dài tìm hiểu, gia đình mới biết: năm 1 tuổi, em đã bị ông
chú bỏ vào thang máy một mình, vì em cứ
khóc đòi mẹ. Và từ đó, hình ảnh thang máy đã trở thành hình ảnh vô cùng khủng
khiếp trong em. Ông chú đã làm em sợ bằng một hình phạt được xếp vào loại “phi
nhân”, hình phạt “nhốt vào thang máy một em bé một tuổi” là một việc làm không
thể chấp nhận đã làm tổn thương nặng nề tâm lý
còn non nớt của em. Đây cũng là kinh nghiệm cần được các bậc phụ huynh
ghi nhận để tránh gửi con cho những người vô trách nhiệm, không đủ kiến thức
tâm lý, không trưởng thành và nhất là không có những đức tính cần thiết như
kiên nhẫn, chịu đựng. Trao con cho những người này là “giao trứng cho ác” mà hậu
qủa tâm lý trên con sẽ tai hại khó lường.
Trên
đây là tóm lược hết sức giản đơn một vài
hiện tượng thường gặp nơi trẻ em, để nói lên tương quan mật thiết giữa hai sinh
hoạt sinh lý và tâm lý. Tương quan này chặt chẽ và phản ảnh trung thực tình trạng
thực tế. Nắm vững nguyên tăc tương quan, cha mẹ sẽ không vội vã kết luận với những
quan sát đơn thuần trên thân thể, mà còn nhìn sâu hơn, xa hơn vào sinh hoạt tâm
lý để tìm ra căn nguyên, gốc rễ của vấn đề.
Ý
thức mối giây liên lạc giữa thân xác và tâm hồn, cha mẹ sẽ nhìn em bé là một
toàn phần cần được hiểu biết để có thể giúp em vượt qua những khó khăn mà em
chưa tự mình diễn tả được.
Công
trình nuôi nấng, giáo dục con cái là công trình trường kỳ và khó khăn đòi hỏi
cha mẹ một trình độ sư phạm nào đó. Như người thầy, cha mẹ sẽ hướng dẫn con đi
qua tuổi thơ dưới bầu trời nhiều sao sáng, những vì sao lấp lánh tình yêu của mẹ,
hy sinh của cha, và hồn nhiên, trong trắng của tuổi thơ thiên thần.