Chúng
ta có thể nói: Kitô giáo là đạo của Trái Tim, vì Đấng sáng lập là Thiên Chúa Tình yêu, giáo lý là “yêu mến”, giới răn là “yêu thương nhau như Thiên Chúa đã yêu thương”, và con đường phải đi để đến
đích Thiên Đàng là con đường đức ái: cho kẻ đói ăn, cho kẻ rách rưới ăn mặc,
cho khách lạ trú chân, chăm sóc kẻ đau ốm, thăm nuôi kẻ tù đầy, dậy dỗ kẻ ngu
muội, an ủi kẻ âu lo, nâng đỡ người thất vọng, che chở người cô thế, bênh vực
người thấp cổ bé miệng, cứu giúp người sa cơ thất thế, xót thương tội nhân yếu
đuối, cùng đường… (x. Mt 25,31-46), nên lễ kính Thánh Tâm Chúa là lễ mừng Thiên
Chúa Tình Yêu, là đại lễ của toàn thể những người mang Trái Tim Đức Giêsu trong
cuộc đời và cùng đi theo Đức Giêsu, Đấng đã hiến mạng sống vì yêu thương nhân
loại đến cùng trên “đường
tình” đến với mọi người,
không trừ ai, kể cả đối phương, kẻ thù.
Khi
nói đến Tình Yêu, người ta cảm thấy lâng lâng niềm hạnh phúc, vì tình yêu không
làm sợ hãi, bởi tình yêu không đe dọa, nhưng bênh vực, che chở; tình yêu không
áp bức, nhưng đằm thắm âu yếm, nâng niu; tình yêu không ích kỷ, lợi dụng, nhưng
vị tha, dâng hiến; tình yêu không phá hoại, hủy diệt, nhưng xây dựng, ban sự sống;
tình yêu không dữ dằn, hung bạo, nhưng khiêm tốn, hiền lành; tình yêu không so đo, tính toán, nhưng chia sẻ quảng đại,
tình yêu không kiêu căng thống trị, nhưng phục vụ quên mình vì người yêu, và hy
sinh chính mình cho hạnh phúc của đối tượng.
Cũng
vậy, hình ảnh lôi cuốn nhất là trái tim, vì trái tim là cơ năng của tình yêu và
sự sống, nên khi yêu ai, ta nghe trái tim xôn xao, rạo rực; khi nhớ ai, ta thổn
thức, quay quắt, bâng khuâng; khi mất người ta thương, tim ta nhức nhối, quặn
đau như vỡ toang, nát vụn. Trái tim cũng là tổng hành dinh điều phối hoạt động
của toàn thân, nên khi trái tim trong sáng, an bình, ta sống hồn nhiên,hạnh
phúc, nhưng khi trái tim vẩn đục ganh ghét, hận thù, sinh hoạt đời sống trở nên
u ám, nặng nề.
Ở
trái tim có một sự thật quan trọng, đó là tình yêu đích thực lại rất kín đáo,
tình yêu chân chất thường rất đơn sơ, tình yêu chung thủy chẳng bao giờ to tiếng
ồn ào. Vì thế tình yêu chân chính, trung thành, sâu đậm ít được nhận ra, và những
trái tim yêu thương nồng nàn, tha thiết, sâu lắng thường không được nhiều người
để ý, lưu tâm. Đó là lý do, những tình yêu lớn thường chỉ gặp được ở những con
người bé nhỏ, và những trái tim vĩ đại thường có mặt nơi những con người “tầm thường, hèn mọn”, vì ở những con người bé mọn
này, tình yêu mới có thể đạt đến độ trong suốt, tinh ròng, bởi tình yêu của họ
không bị danh vọng, của cải làm thoái hoá biến thành phương tiện cho tham vọng,
trái tim không biến thái thành công cụ để thực hiện những mục tiêu không phải
là tình yêu.
Đức
Giêsu, Thiên Chúa của Tình Yêu trong Tin Mừng Mátthêu đã công nhận Tình Yêu
Thiên Chúa được mặc khải nơi những người bé nhỏ, hèn mọn này: “Lậy Cha là Chúa Tể trời đất,
con xin ngợi khen Cha vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan, thông thái biết
những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn” (Mt 11,25), bởi ngoài Tình
Yêu là chính mình, Thiên Chúa đã không mặc khải bất cứ điều gì, nói cách khác,
toàn thể chân lý được Đức Giêsu mặc khải đều là Tình Yêu, như thánh Gioan đã khẳng
định: “Thiên Chúa yêu thế
gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết,
nhưng được sống muôn đời”
(Ga 3,16), “vì Thiên Chúa
là Tình Yêu” (1 Ga 4,8).
Khi
công nhận Tình Yêu được mặc khải nơi những người bé mọn, Đức Giêsu cũng không
giấu diếm những vất vả, cơ cực họ phải chịu vì sống Tình Yêu, những sầu thương, ô nhục chất nặng đôi vai họ phải
gánh vác vì trung thành với Tình Yêu được Thiên Chúa trao ban, bởi họ đã khóc
vì yêu tha nhân, đã sầu buồn vì thấy anh em bất hạnh, đã bận tâm nặng lòng vì
lo cho người khác ra khỏi bế tắc, đường cùng, đã chịu mất danh thơm tiếng tốt,
vì thương xót thi ân, đã thiệt thòi, mất mát vì hiến thân làm con vật tế thân để
chữa lỗi, chạy tội cho đồng loại. Và Đức Giêsu đã không quên khích lệ, nâng đỡ
họ: “Tất cả những ai đang
vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11,28).
Điểm
đặc biệt ở đây là Ngài đã dậy những người đã đi theo Ngài để phải “mang gánh nặng yêu thương”, những trái tim yêu thương
như Ngài để phải chịu nhiều phiền phức,
liên lụy bí quyết của Thiên Chúa yêu thương, đó là: “Anh em hãy mang lấy ách của
tôi và học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ
được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng” (Mt 11,29-30).
Thực
vậy, bí quyết tình yêu của Đức Giêsu, Thiên Chúa yêu thương là hiền hậu và
khiêm nhường khi yêu thương, dâng hiến; hiền hậu và khiêm nhường khi trái tim
yêu thương tan nát vì bị phản bội; hiền hậu và khiêm nhường khi tình yêu “chết
cho người mình yêu” bị
người yêu phủ nhận; hiền hậu và khiêm nhường khi trái tim rướm máu vì bạc
nghiã, vô ơn của người mình thương, bởi chỉ có bí quyết của “Thiên Chúa làm người” đã dầy kinh nghiệm đau khổ
trong tình yêu, đã chết bởi tay những người mình yêu mới làm cho trái tim đau
khổ vì yêu thương được nghỉ ngơi, bồi dưỡng; chỉ bí quyết của Đấng đã yêu
thương đến cùng và chấp nhận chết để xoá tội, chuộc tội những người đã tra tay
đóng đinh mình mới có thể chữa lành và làm nguôi ngoai những tâm hồn bị vùi giập,
nghiền nát vì yêu thương, phục vụ.
Thực
vậy, không tình yêu nào không hy sinh,
không trái tim biết cảm thương nào thoát
cảnh đọan trường, nên yêu là đau khổ, yêu là mang ách nghiệt ngã, tang thương,
và oằn vai với gánh nặng nề, để rồi chỉ
còn một nơi an nghỉ, bồi dưỡng, chỉ còn một chốn nương náu, được chữa lành, ủi
an, đó là Trái Tim của Đức Giêsu, Thiên Chúa Tình Yêu, Trái Tim của Thiên Chúa
hiền hậu, khiêm nhường, Trái Tim của Chúa Cha giầu lòng xót thương, Trái Tim của
Thiên Chúa yêu thương vô cùng và đến cùng những tâm hồn tuy yếu đuối, bất xứng
nhưng luôn vững lòng trông cậy ở Thiên Chúa là Tình Yêu, và từng bước “khiêm nhường, hiền lành” đi theo Đức Giêsu trên đường
Tình Yêu đến với Chúa Cha và mọi người.
Vâng
người Kitô hữu là người mang Trái Tim của Đức Giêsu. Chính Trái Tim yêu thương
của Thiên Chúa làm cho chúng ta được “sống sự sống của Đức Giêsu,Thiên Chúa”, như thánh Phaolô đã chia sẻ: “Tôi sống, nhưng không còn phải
là tôi sống, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20). Cũng nhờ Trái Tim Thiên Chúa ban Tình Yêu và Sự Sống
ấy, mà chúng ta được “nên
hoàn hảo” và “được mạnh dạn trong ngày phán
xét” (1 Ga 4,17).
Jorathe
Nắng Tím
0 nhận xét:
Đăng nhận xét