Một
chi tiết trong “Đọan Cuối” của Tin Mừng Gioan, khi Đức Giêsu đề cập đến tương
lai của Phêrô, sau khi hỏi ông ba lần “Con có yêu mến Thầy không?”, chi tiết mà
người viết cho là quan trọng cho đời người môn đệ của Đức Giêsu.
Hiện
ra với các môn đệ ở Biển Hồ Tibêria, sau khi sống lại, Đức Giêsu đến giữa các ông
khi các ông buồn ngủ, mệt lả, lại đói bụng, vì các ông thả lưới suốt đêm mà không
bắt được con cá nào (x. Ga 21,1-3). Ngài đã chỉ cho các ông chỗ có nhiều cá, và
mẻ lưới hôm ấy đã bắt được “một trăm năm mươi ba con.” (Ga 21,11). Ngài còn đốt
lửa, nướng sẵn cá và bánh và bảo các ông “Anh em đến mà ăn!” (Ga 21,12), rồi
trao quyền chăn dắt và ký thác đoàn chiên của Ngài cho các ông.
Và
liền ngay sau khi bảo: “Hãy chăm sóc chiên của Thầy”, Đức Giêsu nói với Phêrô: “Thật, Thầy bảo thật cho anh biết: lúc còn
trẻ, anh tự mình thắt lưng lấy, và đi đâu túy ý. Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải
dang tay cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn” (Ga
21,18).
Không
ai ngờ trong bối cảnh của buổi gặp gỡ hôm đó, Đức Giêsu lại nói với Phêrô, cũng
là nói với các môn đệ khác đang có mặt về tương lai của các ông, được nhấn mạnh
qua cụm từ “khi đã về già”.
Đức
Giêsu đã nói về tuổi già với các môn đệ trong bối cảnh trao bài sai, ký thác sứ vụ; đã nói về tuổi già của các ông giữa tuổi
thanh xuân đầy năng lực và nhiệt huyết tông đồ; đã đề cập đến tuổi già ngay sau
khi sai các ông đi truyền giáo,và trao “bài sai” mục tử để chăn dắt đoàn chiên.
Ngài
muốn nhắc các ông tuổi già khắc nghiệt sẽ
đến ở những cây số sau cùng của đời người, khi từng bộ phận trên cơ thể rủ nhau
mệt mỏi, rã rời, xiêu vẹo, lung lay, xuống cấp kéo theo nhiều giới hạn và giới
hạn đáng buồn nhất là không còn khả năng tự lo cho mình và phải hoàn toàn lệ
thuộc người khác: “Anh sẽ phải dang tay cho người khác thắt lưng”.
Ngài
tiên báo tuổi già nhiều bất trắc và bế tắc mà người già sẽ phải đối diện, đương
đầu, chịu đựng, chưa kể vô số mặc cảm như bị bỏ rơi, không được quan tâm, bị bạc
đãi và rất nhiều nỗi lo âu, sợ sệt: sợ cô đơn, sợ phải rời xa thế giới này một
mình, khi không có ai bên cạnh, lo tối nay ai dắt đi vệ sinh, lo sáng mai ai
cho uống thuốc…
Ngài
không giấu các ông tương lai tuổi già
khi “chân chồn, gối mỏi, tay run, mắt mờ” và chẳng tự mình đến được nơi mình muốn,
trái lại, phải đến những nơi mình không muốn, bị dẫn đến chỗ mình không mong, áp
đặt ở những vị trí mình không tìm.
Bên
cạnh những giới hạn rất khắc nghiệt, còn những thách đố nội tâm phải gắng gượng
vượt qua, như tâm trạng chán nản trước bạc bẽo của dòng đời, ngao ngán trước bẽ
bàng của cuộc sống, và oán hận trước oái oăm của tình đời. Đó là chưa kể những hồi
ức mang nặng tiếc nuối, xót xa, ân hận làm ray rứt tâm can, và biến người già trở
nên khó tính, trầm cảm, hay hờn dỗi.
Thực
vậy, Đức Giêsu là Đường, và ở Ngài, người môn đệ tìm được cho đời mình khởi điểm
và đích tới. Khởi điểm của đường tông đồ
là “Hãy theo Thầy” của hôm nao khi Đức Giêsu đi dọc theo biển hồ Galilê, thì thấy
hai anh em kia, là ông Simôn, cũng gọi là Phêrô, và người anh là ông Anrê, đang
quăng chài xuống biển, vì các ông làm nghề đánh cá. Người bảo các ông “Các anh
hãy theo tôi…” (Mt 4,18-19). Và đích
tới của đường tông đồ của các môn đệ cũng là “Hãy theo Thầy”, như Đức Giêsu
đã qủa quyết với các môn đệ sau khi nói với các ông về tương lai của tuổi già,
tức những tháng ngày cuối đời tông đồ (x. Ga 21,19).
Thật
bất ngờ khi Đức Giêsu liên tiếp hai lần nói với Phêrô “Hãy theo Thầy” (Ga 21,19), và nhấn mạnh đó là việc ông phải làm ở
tuổi xế bóng với nhiều giới hạn, khi ông không còn làm được gì, cũng chẳng đến
được nơi mình muốn, và lần thứ hai, khi ông hỏi Ngài về tương lai tuổi già của
Gioan, Ngài cũng trả lời ông như lần trước: “Phần anh, hãy theo Thầy” (Ga 21,22).
Nói
với Phêrô đích tới của con đường đi theo Ngài, báo trước cho Phêrô những gì sẽ
xẩy ra trong tương lai, cả ở nghiã đen và nghiã bóng: nghiã đen là tuổi già khắc
nghiệt khi thân xác yếu nhược, tinh thần không còn minh mẫn; nghiã bóng khi “ám
chỉ ông sẽ phải chết cách nào để tôn vinh Thiên Chúa.” (Ga 21,19), Đức Giêsu muốn
nói với từng môn đệ có mặt hôm ấy, và tất cả các môn đệ của Ngài từ xưa đến
nay, và tiếp nối cho đến ngày tận thế: đời người môn đệ là đi theo Ngài trên
con đường có khởi điểm là theo Ngài, và đích điểm cũng là theo Ngài. Khi nói với
các ông điều này, Đức Giêsu muốn các môn đệ Ngài hiểu rõ: Làm môn đệ Ngài không phải làm một nghề nghiệp:
Nghề
nghiệp thì đòi khả năng chuyên môn, hợp đồng; nghề nghiệp phân định rõ ràng công
tác, công việc, giờ giấc chính xác, lương bổng theo ngạch trật, thâm niên; nghề
nghiệp có ngày nghỉ, tuổi hưu, có tăng lương, khen thưởng, sa thải, cách chức.
Nhưng
“theo Đức Giêsu” không cần khả năng chuyên môn, chỉ cần “Con có yêu mến Thầy không?”;
không cần hợp đồng sáu tháng, một năm, nhiều năm, vì là chuyến đi của cả cuộc đời,
hành trình của trọn vẹn số kiếp, thân phận; không quy định lương bổng, ngạch trật,
vì “tất cả những gì của con là của Cha, của Cha là của con”; không giới hạn ở năm
tháng, tuổi tác, sức vóc, cũng không định lượng, chấm điểm trên thành qủa theo
bảng lượng giá của con người, vì “đi theo Thầy” là đồng hành, có mặt với Thầy bất
cứ lúc nào, bất kỳ ở đâu, bất kể hoàn cảnh, tình huống nào; “đi theo Thầy” không
có tuổi thanh xuân được o bế, trọng vọng vì làm được việc, cũng không có tuổi
già bị lãng quên, bạc đãi vì hết thời, vô dụng ở người môn đệ, vì “theo Đức Giêsu”
không có tuổi, không căn cứ trên tuổi để phân biệt đối xử, không dựa trên tình
trạng sức khỏe thân xác và tinh thần mà trọng dụng hay phế bỏ.
Thực
vậy, con đường của người môn đệ Đức
Giêsu có khởi điểm là “Hãy theo Thầy”, và đích tới cũng là “Hãy theo Thầy”.
Bởi
Thầy là Đường, nên từ khởi điểm đến đích điểm, từ đầu này đến đầu kia, Con Đường
vẫn là Thầy, và không gì có thể thay thế Thầy trên Con Đường của người môn đệ.
Bởi
Thầy là Đường, nên từng bước chân người môn đệ đều có bước chân đồng hành của Đức
Giêsu, dù phải bước đi trong nước mắt, bước vào thử thách, gian truân.
Vì
chỉ có Thầy làm nên con đường, chỉ một mình Thầy là Đường của đời người môn đệ,
nên bất cứ ở cây số nào, khúc quanh, triền đồi, dốc đá, thung lũng nào trên đường
đời, người môn đệ Đức Giêsu chỉ nuôi một ước mơ “đi theo Thầy”, và ước mơ ấy đã
được Đức Giêsu công khai bảo đảm khi kêu gọi các ông ở điểm xuất phát, cũng như
khi báo trước điểm tới ở cuối đường bằng
một tiếng gọi duy nhất: “Hãy theo Thầy”.
Bằng
tiếng gọi duy nhất “Hãy theo Thầy” ở khởi điểm cũng như đích điểm, Đức Giêsu tỏ
cho các môn đệ biết: Ngài là Nguồn Cội
và Cùng Đích của đời người môn đệ, nên đi theo Ngài, các ông chẳng phải lo
lắng gì, cũng chẳng nên tìm kiếm gì, vì Ngài không bỏ rơi các ông khi, trái lại,
khi đi theo Ngài các ông sẽ “được gấp trăm và sự sống đời đời”.
Bằng
tiếng gọi duy nhất “Hãy theo Thầy” ở đầu con đường cũng như ở cuối con đường, ở
bước khởi hành thứ nhất cũng như ở bước tới sau cùng, Đức Giêsu muốn các môn đệ
an tâm vững dạ đi theo Ngài, vì chính Ngài là gia nghiệp, phần thưởng của các ông.
Bằng
tiếng gọi duy nhất “Hãy theo Thầy” trên từng cây số và cho đến cây số sau cùng
của đường đời, Đức Giêsu muốn các môn đệ tin rằng: chính Ngài là lẽ sống duy nhất
của đời các ông, bởi khi chọn các ông và các ông chấp nhận đi theo Ngài, các ông
đã hoàn toàn thuộc về Ngài, và Ngài yêu
thương các ông đến cùng (x. Ga 13,1).
Thực
vậy, như cuộc đời của Môsê đã được Thiên
Chúa Giavê bảo đảm khi sai ông đi (x. Xh 3,10), đời người môn đệ cũng được bảo
đảm khi đáp lại lời kêu gọi “Hãy theo Thầy” của Đức Giêsu.
Chính
tiếng gọi “Hãy theo Thầy” cho hồn tông đồ niềm xác tín: “Bỏ Thầy chúng con biết
theo ai?”, và niềm hạnh phúc biết được con đường, như Tôma đã nói với Đức Giêsu:
“Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao biết được đường?” (Ga
14,5) và Đức Giêsu đã trả lời ông, như đang trả lời cho từng nhà truyền giáo,
những môn đệ của Ngài: “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không
ai có thể đến với Chúa Cha mà không qua Thầy” (Ga 14,6), cũng như không người môn
đệ nào có thể bước đi trong niềm vui loan báo Tin Mừng nếu không xác tín: đời người môn đệ chỉ có một việc duy nhất
phải làm là đi theo Đức Giêsu, như tiếng gọi “Hãy theo Thầy” văng vẳng thúc
giục suốt trên đường đời.
Jorathe
Nắng Tím