Tìm kiếm Blog này

Thứ Tư, 10 tháng 10, 2018

Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật 28 TNB ( Mc 10, 17-30)


Tin mừng chúa nhật 28 đặc biệt đề cập đến chuyện tiền của và những khó khăn không chỉ đối với người muốn hiến thân đi theo Đức Giêsu làm môn đệ của ngài, mà còn khó cả với mọi người đi tìm hạnh phúc đời sau.
Qủa thực, không ai dám coi thường tiền của, vì tiền của giữ một vai trò chiến lược cho sự “sống còn”, chiếm một chỗ đứng quan trọng trong sinh hoạt đời sống. Ở bất cứ thời đại nào, và bất cứ nơi nào, của cải cũng là một vấn đề lớn của con người.
 Là vấn đề lớn, vì không tiền, không giải quyết được nhiều việc cần giải quyết : từ việc sinh con đẻ cái đến việc tống táng ma chay, cả một đời người, không lúc nào vắng bóng đồng tiền và ai cũng phải công nhận : không tiền thì hầu như tất cả đều là số không. Được trọng vọng, qúy mến vì có tiền ; bị khinh miệt, ruồng rẫy, bỏ rơi vì không tiền. Có tiền thì xa cũng thành gần, lạ cũng thành thân, dốt cũng thành giỏi, hèn cũng thành sang, ma giáo cũng thành chân thật, xấu xí cũng thành xinh đẹp, tồi tệ cũng thành tuyệt vời, tầm thường cũng thành phi thường, siêu sao. Có tiền không thiếu bạn hữu xum xuê, nườm nượp xếp hàng thăm hỏi ; thế quyền, thần quyền vị nể, vấn an, nhưng khi sa cơ thất thế, khánh kiệt, không tiền, thì một mình một bóng cô liêu, tủi buồn, hiu quạnh.
Chính vì kinh nghiệm về sức mạnh của đồng tiền, mà không ai bảo ai, tất cả đều muốn có tiền, cần tiền, ham tiền, tìm kiếm tiền, và lệ thuộc tiền. Đứa trẻ tuy chưa nhận diện chính xác đồng tiền, nhưng đã biết tiền rất quan trọng, vì thấy cha mẹ vất vả kiếm tiền, chửi mắng, dằn vặt, đay nghiến nhau vì tiền, khóc lóc, bấn loạn vì những ngày không tiền và dành rất nhiều thời gian cho những lo lắng, lo âu, lo sợ, lo nghĩ, lo liệu vì đồng tiền. Cứ thế lớn lên, em bé cũng đi vào vòng xoay của tiền bạc và như cha mẹ, em cũng sẽ dành phần lớn qũy thời gian sống để lo sao có tiền, có tiền rồi thì lo mất tiền, dù biết rất rõ sẽ có một ngày chẳng còn gì khi phải bỏ cuộc đời ra đi.
 Cũng chính vì mãnh lực khủng khiếp, sức chi phối qúa lớn, tầm ảnh hưởng qúa sâu, qúa rộng của đồng tiền, mà người ta không mấy khi thoát khỏi tầm kiểm soát của đồng tiền, nghiã là, người ta cứ tưởng mình đã vượt lên trên tiền bạc, không còn bị tiền của khống chế, nhưng thực ra tiền đã thống lãnh, làm chủ từ lúc nào, và người ta đã vâng phục tiền bạc một cách vô thức từ tư tưởng, lời nói đến việc làm. Tư tưởng thì không thể không đặt tiền bạc ở mức rất cao trên thang giá trị, để rồi chọn lựa cũng từ đó bị hướng chiều về tiền bạc. Lời nói thì vô tình, vô ý luôn đứng về phiá người giầu với đủ ngôn từ biện minh rất thuyết phục, và việc làm tất nhiên bị tiền của điều khiển tinh vi, chặt chẽ. Rồi cũng có lúc bất ngờ hồi tâm, phản tỉnh, nhưng tức khắc bị tiền của dìm ý thức xuống thật sâu, chìm ngỉm với trăm ngàn lý lẽ bào chữa cho chỗ đứng của tiền bạc, để ngượng ngùng vá víu một lương tâm đã rách bươm vì lỡ làm tôi mọi của cải.
Hơn ai hết, Đức Giêsu hiểu sức mạnh dữ dội, khôn lường của tiền của, nên nhiều lần cảnh giác các môn đệ của Ngài về nguy cơ bỏ Thiên Chúa để đi theo tiền của, và không ngại đặt tiền của ngang hàng Thiên Chúa : “Không ai có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này, mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi Tiền Của được” (Mt 6, 24).
  Tin mừng hôm nay lại một lần nữa cho chúng ta thấy cơn cám dỗ cực mạnh của tiền của. Cám dỗ đã không thể vượt qua với người thanh niên được coi là giữ đạo hoàn hảo, nhưng vì giầu có đã không thể đi theo Đức Giêsu, nên đành “sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi” (Mc 6, 22).
 Bỏ đi tức là không đi theo, không ở lại, không chung sống. Bỏ đi tức là không còn, không có nữa, không hiện diện, không đồng hành, không chung bước bên nhau. Người thanh niên giữ đạo thật hoàn hảo, nhưng không có Chúa ; nghĩ mình đi đúng đường, nhưng lại bỏ Đức Giêsu, Đấng là Đường đích thực đưa đến Thiên Chúa Cha ; tự tin mình hoàn hảo, giữ trọn mọi giới răn, nhưng giới răn duy nhất quan trọng anh lại bỏ, đó là yêu chính Đức Giêsu, Dung Mạo đích thực của Thiên Chúa ; ảo tưởng sự thánh thiện của mình khi dài dòng kể lể lý lịch, công nghiệp giữ đạo tuyệt hảo của mình, nhưng lại bỏ Đức Giêsu, Đấng là Sự Sống của Thiên Chúa Ba Ngôi. Chính vì thế anh thanh niên đã không vui, và mãi mãi không vui, vì anh đã không chọn đi theo Đức Giêsu là Hạnh Phúc và Nguồn Vui bất tận, nhưng thay vào đó, anh đã chọn tiền của như gia nghiệp không thể rời xa. Thánh sử Máccô đã ghi rõ thái độ buồn rầu, tiu nghỉu của anh thanh niên khi bỏ Đức Giêsu mà đi. Ghi nhận rất tinh tế này cho chúng ta biết thêm một điều, đó là tiền của không mang lại niềm vui đích thực, vật chất không mang lại bình an đích thực cho người chọn nó làm ông chủ, coi nó là gia nghiệp, lý tưởng của đời mình. Và cuộc sống thực tế quanh ta cũng làm chứng điều này, khi bao nhiêu người đã thất kinh bát đảo, ăn không ngon, ngủ không yên, lao tâm tổn lực vì tiền của, và cái kết buồn nhiều hơn vui của đa số người giầu suốt đời sống đời nô lệ của cải, tiền bạc.
 Như đã thưa với bạn : Đức Giêsu không chỉ nhắc nhở : khó có thể đi theo Chúa, chọn Chúa nếu không biết buông bỏ tiền của, vì tiền của rất nặng nề, cồng kềnh, khó gỡ, khó quên, khó xa, khó thoát, mà còn cảnh báo chúng ta tiền của còn là chướng ngại rất lớn trên đường về Nước Trời của mỗi người.
Ở đây, chúng ta không đi vào vấn đề chú giải chữ “Kim”, vì người viết đã phân tích hầu qúy bạn rồi, chúng ta chỉ ghi nhận với nhau tính khó khăn của người giầu trên đường tìm kiếm hạnh phúc đời đời. Cho dù Đức Giêsu có khôi hài đến độ so sánh giữa con lạc đà với lỗ kim khâu, một so sánh hầu như không thể so sánh, nếu không nói là khôi hài, hoặc hiểu chữ “Kim” là cửa nhỏ mang tên cửa Kim, bên cạnh cửa chính vào thành Giêsrusalem, thì nội dung sứ điệp của Ngài vẫn là : người giầu khó vào Nước Trời (Mc 10, 25).
Khó vào Nước Trời, hay khó đi theo làm môn đệ của Đức Giêsu, tiền của dưới mắt Đức Giêsu thực sự là một chướng ngại rất lớn trên đường đi theo Chúa và hành trình tìm kiếm Nước Trời, nên dù chúng ta không muốn nghe, Đức Gêsu cũng vẫn lên tiếng cảnh tỉnh, nhắc nhở.
Tuy thế, một điều an ủi rất lớn cho chúng ta là “tiền của không lớn hơn Thiên Chúa”, bởi nó chỉ có thể trong khả năng mê hoặc, khống chế  loài người, nếu loài người không tỉnh táo để biết quản lý, làm chủ nó. Ngoài ra nó không làm được gì khác, trong khi “Thiên Chúa thì không phải thế, vì đối với Thiên Chúa, mọi sự đều có thể được” (Mc 6, 27). “Có thể được” với Thiên Chúa, khi Ngài làm cho tâm hồn người giầu vẫn một lòng yêu mến, phụng sự Ngài ; “có thể được” với Thiên Chúa khi Ngài ban cho trái tim người “nhiều tiền lắm của” biết nhận ra tình trạng nghèo khó, đáng thương của mình trước Thiên Chúa ; “có thể được” với Thiên Chúa, khi gìn giữ tấm lòng thương xót của người giầu trước nhu  cầu của những người đói rách chung quanh ; “có thể được” với Thiên Chúa khi ban cho con tim đại gia tình yêu quảng đại để san sẻ, chia sớt với những người cùng khốn ; “có thể được” với Thiên Chúa, khi chúc phúc cho những gia đình sống trong nhung lụa như gia đình Giakêu ơn cứu độ, để đức công bình và ơn Bình An của Ngài ngập tràn thế giới. 
 Thứ tư tới là “Ngày Thế Giới Chống Nghèo Đói”, chúng ta không chỉ cầu ngyện cho người nghèo đói, mà còn cầu nguyện cho người giầu có, cho các đại gia, để bàn tay người giầu chạm được bàn tay người nghèo, để con tim đại gia và trái tim kẻ bần hàn cùng chung nhịp đập và niềm xác tín của Tin Mừng : Trong chia sẻ, chúng ta có Thiên Chúa, vì tất cả là Hồng Ân. 
Jorathe Nắng Tím