Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 18 tháng 4, 2020

THỜI ĐẠI BỊ ĐE DỌA

Sau tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, thủ tướng Anh quốc Boris Johnson, nay đến tổng thống Pháp Emmanuel Macron lên tiếng đặt vấn đề “Trung Quốc” trong bối cảnh của dịch Covid-19 tính đến hôm nay 18.04.2020 đã lấy đi hơn 140.000 sinh mạng, 2.135.410 người bị lây nhiễm, và 4,4 tỷ người trên thế giới, tức 57% dân số toàn cầu phải áp dụng chế độ cách ly xã hội.
Trước số tử vong, lây nhiễm làm ngộp thở, nền kinh tế đổ dốc không thắng, sinh hoạt xã hội ngưng trệ, đảo lộn tạo nên tâm trạng bất an, hoảng loạn, nhiều giả thuyết ban đầu nay được đặt thành đề tài nghiên cứu, nhiều dấu hiệu bất thường nay được đem ra điều tra, làm rõ, nhiều điều không cần nói, không nên nói khi quan hệ ngoại giao còn bình thường nay được thẳng thừng yêu cầu xử lý từ miệng  các nhà lãnh đạo. Và người ta bắt đầu đặt chính quyền Trung Quốc thành một “ẩn số để thế giới cùng truy tìm “lời giải”, đáp án.
Có rất nhiều dấu hiệu đưa đến nghi vấn Covid-19 thuộc chương trình vũ khí vi trùng được sản xuất bị “rò rỉ” hoặc “tung ra” từ Vũ Hán, Trung Quốc trong ý đồ làm tê liệt, sụp đổ các quốc gia đối thủ hầu thực hiện tham vọng bá chủ thế giới của nhà cầm quyền Trung Quốc. Những dấu hiệu, và cách hành xử đáng nghi ngờ  của chính quyền Trung Quốc không những lôi kéo chú ý của giới lãnh đạo nhiều quốc gia, mà còn là câu chuyện ngày càng sôi nổi của quần chúng, đám đông thuộc mọi giai cấp, thành phần, trình độ.
Người viết không lạm bàn chính trị, chỉ mượn tình hình Covid-19 và khuynh hướng thế giới để được chia sẻ  một vài suy tư về tương lai nhân loại:
1.   Nhân loại đang bước vào thời kỳ bị đe dọa nặng nề của chiến tranh:
Đe dọa lớn nhất mà thế giới nhận ra sau nạn dịch Covid-19 là chương trình phát triển bí mật vũ khí sinh học, vũ khí vi trùng. Chỉ một con vi khuẩn mang tên Corona, hay Covid-19 mà thế giới đã chịu hậu qủa rất nặng nề: tử vong hằng trăm ngàn trong một thời gian qúa ngắn, kinh tế suy sụp, với một tương lai mờ mịt, nhiều khó khăn.
Bên cạnh hậu qủa đang phải gánh chịu là đe dọa thường xuyên của vũ khí sinh học, vũ khí vi trùng tương tự như Covid-19, hay ngàn lần nguy hiểm, do khả năng tàn phá nhiều và nhanh. Những vũ khí “vô hình”, vũ khí nổ tung thế giới mà không ai nghe gì, tiêu diệt nhân loại mà không người nào hay biết trở thành đe dọa liên  lỷ và kinh hoàng, vì chỉ khi “ngộp thở” mới biết mình sẽ tắt thở trong vài giây do những vũ khí khó nhận diện, khó khống chế, và hầu như không thể kiểm soát vì tính đột biến “muôn hình vạn trạng” mà một số quốc gia đã có sẵn trong tay.
Qủa thực, chỉ một chút suy nghĩ, người ta cũng mừơng tượng tương lai thế giới  bị đe dọa ở mức trầm trọng đáng lo ngại, nếu thực sự Covid-19 nằm trong ý đồ “thăm dò, và thử sức” của Trung Quốc; chỉ một thoáng suy tư, người ta cũng thấy nguy cơ bị hủy diệt của một thế giới liên tục bị đe dọa bởi tham vọng bá chủ được hậu thuẫn và thực hiện bằng những phòng thí nghiệm  vũ khí sinh học, những chương trình tiêu diệt hàng loạt, những chiến lược, chiến thuật tàn sát đồng loại  phi nhân ngoài sức tưởng tượng. 
2.   Các quốc gia cần nhau để tồn tại, nhưng  chủ nghiã dân tộc qúa khích phá vỡ công trình “thế giới sống chung hoà bình”:
Không ai có thể chối cãi các quốc gia cần nhau để phát triển, vì thế giới ngày càng trở nên như một đại gia đình, mà mọi thành viên liên đới, tương trợ và ảnh hưởng trên nhau. Một quốc gia chiến tranh sẽ đem đến cho các nước láng diềng nhiều khó khăn, chẳng hạn như phải gánh vác lượng người tỵ nạn bỏ nước tránh bom đạn, hay tránh chế độ độc tài, diệt chủng…
Vì thế, chủ trương chung của các nước là thiết lập quan hệ tốt đẹp trong tinh thần tương trợ và tôn trọng chủ quyền, để tất cả cùng tồn tại, cùng phát triển. Tuy thế, bên cạnh cố gắng này, người ta gặp phải sức đối kháng dữ dội của những nhóm dân tộc qúa khích. Những nhóm này ngày càng nhiều và hoạt động hăng say, với chủ trương loại trừ người ngoại quốc, không giúp đỡ các quốc gia chậm tiến, hay đang lâm chiến nhiều khó khăn, bế tắc, nhưng bảo thủ, và bảo vệ tối đa quyền lợi người dân bản xứ, với một tinh thần bài ngoại qúa khích, kỳ thị cực đoan.
Những nhóm này có mặt ngày càng nhiều trong quốc hội, chính phủ các nước và không ít  người dân bị dụ dỗ đi vào đường lối dân tộc qúa khích nguy hiểm này, một bất lợi lớn cho công trình xây dựng  hoà bình, hợp tác phát triển giữa các dân tộc, quốc gia, như điều kiện không thể thiếu cho một thế giới văn minh.
3.   Chủ nghiã bành trướng, bá chủ là tai ương lớn của nhân loại:
Hiện giờ thì Trung Quốc rất “mang tiếng” về chủ trương bành trướng, đường lối xâm lăng, chiến thuật “cả vú lấp miệng em”, dùng bạo lực thôn tính lãnh thổ các nước láng giềng, trong đó có biển đảo của Việt Nam. Bằng chứng là từ nhiều năm nay, đường lưỡi bỏ Biển Đông mà Trung Quốc ngang nhiên nhận chủ quyền, ngang ngược vẽ lại hải đồ khi xóa những đảo thuộc Việt Nam khỏi bản đồ Việt Nam và đặt vào lãnh hải của mình đã gây sóng gió trên thế giới, đặc biệt những nước liên quan.
Qủa thực, chủ trương và những hành động của Trung Quốc không lương thiện và thân thiện chút nào với các nước láng diềng. Chính Nhà Nước Trung Quốc với chủ trương bành trướng, xâm lăng trên đã làm mất đi hình ảnh đẹp về một dân tộc có nền văn hoá lâu đời và phong phú, và làm cho người Trung Hoa định cư ở các nước không còn được “nhìn” một cách thiện cảm, đáng tin cậy.
Tất nhiên, không chỉ có Trung Quốc nuôi mộng bá vương, mà còn những quốc gia khác cũng không từ bỏ giấc mộng bá chủ thế giới này. Và đó chính là nỗi lo của nhân loại, khi “chiến tranh các vì sao” nổ tung, kéo theo một thế giới bị tàn khốc tiêu diệt.   
Tóm lại, chúng ta đang sống trong một thế giới nhiều đe dọa, mà đe doạ lớn là hoạ bị tiêu diệt vì vũ khí sinh học, vũ khí vi trùng được dùng khi có chiến tranh, mà nguyên nhân phát sinh chiến tranh chính là chủ nghiã dân tộc cực đoan và  mộng xâm lăng, bành trướng.
Covid-19 là cơ hội cho chúng ta suy nghĩ, nhận định, và tiên liệu.
Chúng ta đã suy nghĩ và nhận định thế giới cần hoà bình, tương trợ và hợp tác để sống chung hạnh phúc, và cùng nhau phát triển, nhưng tham vọng của một số quốc gia không luôn tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện lý tưởng đó.
Chúng ta cũng nhận ra nguy hiểm của những khả thể chiến tranh và sức phá hoại vô cùng kinh khủng của nó, nếu chẳng may xẩy ra.
    Chúng ta còn nhận diện khuynh hướng thu mình, khép mình để đi đến tự lập toàn bộ của nhiều quốc gia, và nhất là chúng ta đang đối diện với đe dọa của chủ nghiã dân tộc cực đoan đưa đến kỳ thị chủng tộc và chủ trương bành trướng, bá chủ của những nước lớn.
Sau cùng, chúng ta khám phá ra rằng không Thượng Đế nào, không quyền lực siêu nhiên nào đầy đọa con người, làm khổ con người, nhưng chính con người đầy đọa, làm khổ, đe dọa nhau.
Vấn đề còn lại: chúng ta phải tiên liệu thế nào, phải chuẩn bị tương lai làm sao để thế giới không tiếp tục chìm sâu vào một tương lai đầy đe dọa?
Nhiều người bi quan cho rằng sẽ khó tránh khỏi một đại chiến thế giới và số người chết sẽ là điều không ai dám nghĩ đến. Riêng người viết, với tinh thần lạc quan, và niềm tin tưởng vào Ơn Trên hy vọng một thay đổi có lợi cho toàn thế giới sau trận dịch Covid-19, bởi qua những ngày cách ly ở mọi cấp độ quốc gia, thế giới, vấn đề đã được phần đông các nhà lãnh đạo nhận diện và những biện pháp cần thiết để bảo vệ sinh tồn của nhân loại, cũng như chủ quyền độc lập  và thịnh vượng của các quốc gia cũng đã được đặc biệt quan tâm.
Tuy thế không thể thiếu ý thức của mỗi người về sự cần thiết cấp bách của một nền văn minh tình thương và văn minh sự sống. Đó là hai nền văn minh có chung một mục đích, một đường lối, một hoạt động: phục vụ con người.
Thiếu văn minh tình thương, hận thù sẽ thống trị và đẩy con người đến bạo lực tiêu diệt. Bỏ quên văn minh sự sống, sự chết sẽ trấn áp, hoành hành và con người sẽ chỉ còn là những con số được thêm bớt dễ dàng trên biểu đồ của sức mạnh tiêu diệt.
Hai nền văn minh như hai mặt của lòng nhân ái, mà bất cứ xã hội loài người nào không có, bất cứ một tập thể, cộng đồng “con người” nào coi thường, hoặc từ chối, hủy bỏ đều sẽ đi đến hủy diệt, vì duy nhất lòng nhân ái bảo dảm cuộc sống chung hoà bình giữa con người với con người, nhờ chung một tình người; duy nhất  lòng nhân ái giải quyết tốt đẹp mọi mâu thuẫn, căng thẳng giữa các quốc gia, bởi giá trị của một dân tộc, nét cao qúy của một đất nước hệ tại đời sống lương thiện, nếp sống nhân đạo như đòi hỏi của lương tâm ngay thẳng, quân bình.     
Ước mơ thế giới ra khỏi muà đe dọa để bước vào mùa bình an; thoát khỏi những ngày tháng cách ly để đi đến gặp gỡ thân thiện, hợp tác chân thành trên cơ sở cùng phát triển, cùng hạnh phúc.
Jorathe Nắng Tím

ĐƯỜNG TRUYỀN GIÁO KHÔNG BIÊN GIỚI (3)

NHÀ TRUYỀN GIÁO TRƯỚC THẤT BẠI

Không ai sống mà không nếm mùi thất bại, không ai hoạt động mà tránh khỏi những ngày u ám, những đêm buồn rười rượi vì công không thành, danh không toại, và chẳng mấy người dám vỗ ngực xưng tên: đời tôi không bao giờ thất bại.
Nhà truyền giáo là người, nên cùng chung số phận “có thành công, có thất bại” ấy; nhà truyền giáo là người hoạt động, nên hiểu thế nào là nhiêu khê của công việc, ê chề của chương trình bị đình trệ, dở dang, cay đắng của công trình bị phá hủy, sụp đổ. Không những thế, nhà truyền giáo là người của công chúng, người  của cộng đoàn, người thuộc về đám đông, nên còn thấm thiá hơn nhiều người khác gánh nặng nề, và chén đắng khó uống của những lần thất bại, ở đó thiên hạ nhao nhao phê bình, chỉ trích, đối phương hả hê và lợi dụng lên án, vùi giập. Đó là chưa kể sứ vụ của nhà truyền giáo không luôn dễ, vì là công việc của Thiên Chúa nhưng được thực hiện qua con người, và với con người có tự do.
Đọc Tin Mừng, chúng ta thấy không chỉ con người thất bại, các môn đệ thất bại, mà cả Thiên Chúa cũng thất bại.
Thiên Chúa thất bại khi công trình tạo dựng con người vì yêu thương đã bị chính con người phá đổ. Một thất bại lớn cho Thiên Chúa khi Ađam và Evà đã không tin rằng Ngài thương yêu ông bà, nên đã bất tuân lệnh Ngài và ăn trái cấm; một thất bại đáng buồn cho Thiên Chúa, khi ông bà nguyên tổ đã sử dụng tự do và quyền tự quyết của mình để làm theo lời dụ dỗ của Thần Dữ chống lại lệnh Thiên Chúa; một thất bại chua cay cho Thiên Chúa khi thấy con mình phải trở nên nghèo nàn, sợ hãi, lẩn trốn, vì xấu hổ sau khi phạm tội bất trung; một thất bại nặng nề cho Thiên Chúa khi con người không ở lại với Thiên Chúa trong địa đàng và không theo chương trình đã được Ngài đã sắp đặt từ đời đời cho hạnh phúc viên mãn của con người, là con cái với quyền thừa kế (x. St 3).
Vì thất bại với hai người đầu tiên của nhân loại, Đức Giêsu, Ngôi Lời của Thiên Chúa mới xuống thế làm người để chuộc lại hậu qủa của thất bại khởi đầu lịch sử nhân loại. Nhưng chính công trình cứu chuộc của Đức Giêsu với hơn ba mươi năm ở thế gian cũng không tránh khỏi những thất bại.
Đức Giêsu thất bại trong việc đào tạo các môn đệ, bằng chứng những ngày cuối đời, Nhóm Mười Hai thân tín, rường cột đã bỏ rơi Ngài: người thì phản bội, người thì chối “không biết ông ấy là ai”, những người khác thì “cao bay xa chạy”, lo thủ thân, bảo toàn tính mạng. Ngài thất bại đối với thần quyền, thế quyền, vì cả hai đã “hợp đồng, cộng tác” để tiêu diệt Ngài, và các thượng tế, kỳ mục, và nhóm Pharisêu đã thành công khi đưa đẩy Philatô ký án tử hình đóng đinh Ngài. Ngài thất bại với quần chúng, vì không giữ được họ đi đến cùng và bảo vệ Ngài những ngày lâm nạn, nhưng tất cả đều quay lưng, trở mặt. Ngài thất bại khi giáo lý của Ngài không lôi cuốn được bao nhiêu người, và hoàn toàn thất bại khi chịu đóng đinh, chôn trong huyệt sâu, mộ tối…
Vâng, nếu công trình của Thiên Chúa còn thất bại vì tôn trọng tự do của con người, nếu Đức Giêsu còn thất bại vì con người, dù sứ vụ của Ngài là yêu thương và cứu chuộc họ, thì những người thuộc về Thiên Chúa, môn đệ Đức Giêsu làm sao tránh khỏi thất bại khi thi hành sứ vụ được trao?
Tin Mừng kể lại nhiều thất bại của các môn đệ:
1.   Các môn đệ thất bại vì hiểu lầm đường lối, ý muốn của Đức Giêsu khi đi theo Ngài:
Tuy đáp lại lời mời gọi “Hãy theo tôi” của Đức Giêsu một cách dứt khoát, triệt để ngay phút đầu gặp gỡ Ngài (x. Mt 4,20), nhưng không mấy người trong nhóm đã hiểu rõ ý muốn và đường lối đích thực của Đức Giêsu.
Đó là lý do của nhiều ảo tưởng chính trị, quyền lực, chức tước khi “đầu quân” theo Đức Giêsu đã nhen nhúm trong các ông, như hai anh em con ông Dêbêđê đã xin trước hai chỗ quan trọng nhất trong vương quốc tương lai của Đức Giêsu mà các ông hoàn toàn lầm tưởng (x. Mt 20,20-23).
Đó là chưa nói đến não trạng quan chức theo tinh thần thế tục mà các môn đệ hằng đeo đuổi cho đến khi Đức Giêsu thẳng thắn nói với các ông: “Anh em biết: thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai qủan dân. Giữa anh em thì không được như vậy: Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em” (Mt 20, 25-27). Cũng như người thanh niên giầu có đã lầm tưởng tiền bạc không cản trở việc trở nên hoàn thiện, khi đến xin theo Đức Giêsu, và anh đã thất bại “buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải” (Mt 19,22).
Tưởng cũng nên nhắc lại thất bại của Phêrô, Giuđa, khi hai ông một chối Thầy, một bán Thầy những ngày cuối đời của Đức Giêsu. Sở dĩ hai ông thất bại khi phản bội Thầy, một phần vì các ông không hiểu đường lối của Thầy mình. Bằng chứng là Giuđa đã nuôi mộng phục quốc, đánh đuổi quân Rôma khi theo Đức Giêsu, và Phêrô đến giờ chót vẫn một mực can ngăn Đức Giêsu đi vào đường Thương Khó, để rồi bị qưở trách: “Xatan, lui lại đàng sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà của loài người” (Mt 17,23).
Nhà truyền giáo cũng sẽ không hơn các môn đệ, và một số thất bại trên đường truyền giáo cũng phát xuất từ tình trạng chưa hiểu hay hiểu lầm ý muốn và đường lối của Thiên Chúa khi đi theo Ngài. Chỉ một việc chọn công trình làm vinh danh Chúa thay vì chọn Chúa thôi cũng đã làm nhà truyền giáo rơi vào nguy cơ thất bại, bởi có những lúc, nhà truyền giáo hụt hẫng, thất vọng vì không làm được những gì mình khao khát, mơ ước thực hiện trong đời làm môn đệ của mình cho vinh danh Chúa, để rồi tự ty nghĩ rằng mình đã thất bại nặng nề khi đầu tư lầm đời mình, đi sai đường khi theo Chúa, chỉ vì không làm được việc mình muốn làm để vinh danh Chúa.
Thất bại này rất tang thương, và nguy hiểm vì là thất bại rất tàn phá, thất bại của nội tâm, thất bại trong đáy sâu tâm hồn, thất bại của chọn lựa lẽ sống, và tất cả đều là hậu qủa của hiểu lầm, hiểu sai ơn gọi của mình là chọn Chúa, chọn một mình Chúa thôi, mà không nghĩ gì đến việc phải làm, công tác được trao, chức vụ được ủy thác, bởi những hoạt động ấy, việc ấy, chức tước, vai trò ấy không là đối tượng của chọn lựa ở người được chọn, không là đối tượng của đời truyền giáo. 
2.   Các môn đệ thất bại vì bị thế gian ghen ghét, kiếm chuyện, phá đám, khi thi hành sứ vụ:
Không phải đến đâu, gặp ai, người môn đệ của Đức Giêsu cũng được niềm nở, ân cần đón tiếp và chăm chú lắng nghe giảng dậy. Bằng chứng là Đức Giêsu đã cảnh báo các môn đệ khi sai các ông đi truyền giáo về rủi ro bị người ta từ chối không mời vào nhà, hay khinh khi, bạc đãi: “Nếu người ta không đón tiếp và nghe lời anh em, thì khi ra khỏi nhà hay thành ấy, anh em hãy giũ bụi chân lại”, và Ngài không quên nhắc các ông: “Này Thầy sai anh em đi như chiên đi vào giữabầy sói. Vậy anh em phải khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu” (Mt 10,14.16). 
Tuy được cảnh báo, nhưng thế gian ngày đêm săn lùng, phá hoại, nên người môn đệ khó tránh khỏi thất bại, vì có lúc sao lãng thiếu khôn ngoan như rắn, hoặc chưa đủ đơn sơ như bồ câu.
Người môn đệ còn thất bại dưới con mắt người đời, vì bảo vệ sự thật giữa thế gian đầy xảo trá, gian dối; bảo vệ công lý trong một xã hội đầy bất công; tranh đấu cho văn minh sự sống giữa một thế giới bạo lực, phò Thần Chết, như Gioan Tẩy Giả đã bị chém đầu, mất mạng vì đã can đảm lên tiếng can ngăn vua Hêrôđê khi ông cướp vợ của anh trai mình (x. Mt 14,3-12).   
3.   Các môn đệ thất bại vì  yếu đuối:
Là người, ai cũng yếu đuối. Chính yếu đuối làm chúng ta nhiều phen thất bại. Phêrô yêu mến Chúa, nên mới tuyên xưng đức tin một cách hùng hồn: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16,16) và thề thốt: “Dầu có phải chết với Thầy, con cũng không chối Thầy”, nhưng rồi ông đã chối, mặc dù đã được Đức Giêsu cảnh báo: “Thầy bảo thật anh: nội đêm nay gà chưa kịp gáy, thì anh đã chối Thầy ba lần” (Mt 26,34-35). 
Và không chỉ một mình Phêrô, mà “tất cả các môn đệ cũng đều nói như vậy” (Mt 26,35), và tất cả đã cùng chạy trốn,  bỏ rơi Thầy, trừ Gioan.
Các môn đệ đã thất bại vì yếu đuối, như thánh Phaolô đã viết về cảm nghiệm yếu đuối của chính mình: “Muốn sự thiện thì tôi có thể muốn, nhưng làm thì không. Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, thì tôi lại cứ làm” (Rm 7,19). Chính vì sự thiện muốn mà không được làm, mà người môn đệ đã rơi vào thất bại.
4.   Các môn đệ thất bại vì thiếu đức tin:
Tin Mừng Máccô kể: một người trong đám đông có đứa con bị qủy ám đã chạy lại nói với Đức Giêsu: “Tôi đã nói với các môn đệ Thầy để họ trừ tên qủy đó, nhưng các ông không làm nổi”, và Đức Giêsu đã than thở về tình trạng đức tin yếu kém của các môn đệ: “Ôi thế hệ cứng lòng, không chịu tin! Tôi phải ở cùng các người cho đến bao giờ, còn phải chịu đựng các người cho đến bao giờ nữa?” (Mc 9,18-19). Và khi chỉ còn lại Thầy trò với nhau, các môn đệ hỏi riêng Ngài: “Tại sao chúng con không trừ nổi tên qủy ấy?” Người đáp: “Giống qủy ấy, chỉ cầu nguyện mới trừ được thôi” (Mc 9,28-29).
Chẳng thế mà nhiều lần các môn đệ đã xin Đức Giêsu thêm đức tin cho các ông, và dậy các ông cầu nguyện (x. Lc 17,5 ; 11,2-4).  
5.   Thất bại của các môn đệ là do ý muốn của Thiên Chúa:
Không phải tất cả thất bại của người môn đệ, nhà truyền giáo đều do con người, nhưng thất bại còn do ý muốn của Thiên Chúa.
Khi Ladarô, em của hai cô Mácta và Maria đau nặng, hai cô đã cho người khẩn báo Đức Giêsu để xin Ngài về chữa cho ông em, nhưng hai cô đã hoàn toàn thất bại, khi Đức Giêsu đã không về khi Ladarô còn sống, mặc dù Ngài có thể về, như Tin Mừng Gioan đã ghi rõ: “Đức Giêsu qúy mến cô Mácta, cùng hai người em cô là cô Maria và anh Ladarô. Tuy nhiên, sau khi được tin anh Ladarô lâm bệnh, Người còn lưu lại thêm hai ngày tại nơi đang ở” (Ga 11,5-6).
Sự chậm trễ của Đức Giêsu chắc hẳn là thất bại lớn đối với hai chị em Mácta, Maria là những môn đệ thân tín của Ngài, nên “khi vừa được tin Đức Giêsu đến, cô Mácta liền ra đón Người” và phụng phịu “bắt đền”: “Nếu có Thầy ở đây, thì em con đã không chết” (Ga 11,21). Nhưng không ai biết được ý của Đức Giêsu là không đến khi Ladarô còn sống, nhưng chỉ đến Bêtania, khi Ladarô đã chết để gọi ông sống lại sau bốn ngày trong mồ. Ý muốn này Đức Giêsu đã tỏ ra cho các môn đệ đi cùng Ngài, khi nói với các ông: “Ladarô đã chết. Thầy mừng cho anh em, vì Thầy đã không có mặt ở đó, để anh em tin” (Ga 11,15).
Như thế, thất bại của chị em cô Mácta, Maria lại là thành công của Đức Giêsu, khi Ngài làm cho “nhiều kẻ tin vào Người” sau khi cho Ladarô sống lại, như Tin Mừng đã qủa quyết (Ga 11,45).
Tin Mừng Gioan còn làm nổi bật ý muốn của Thiên Chúa trong thất bại của các môn đệ: Tuy là những ngư phủ lành nghề, thế mà cả đêm, các ông đã “không bắt được gì cả” (Ga 21,3). Trước thất bại nghề nghiệp của các ông, Đức Giêsu phục sinh đã hiện ra, và bảo các ông: “Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi, thì sẽ bắt được cá”, và các ông đã đánh được mẻ cá “khủng”, đầy những cá (Ga 21,6). Như thế  thất bại “không bắt được gì sau một đêm dài vất vả lưới cá của các môn đệ đã nằm trong thánh ý của Thiên Chúa, khi Ngài muốn tỏ cho các ông biết: Vâng lời Thầy, các ông sẽ gặt nhiều kết qủa.
Công Vụ các Tông Đồ còn cho chúng ta thấy thánh ý của Thiên Chúa trong những thất bại của con người, như trường hợp Saolô, được đổi tên thành Phaolô sau này, ngã ngựa trên đường đi Đamát bắt bớ người có đạo. Và chúng ta nhận ra thánh ý này qua đối thoại trong một thị kiến giữa Thiên Chúa và ông Khanania, người môn đệ của Chúa ở Đamát được Chúa trao phó nhiệm vụ săn sóc và chữa lành đôi mắt mới bị mù của Saolô:
Khanania thưa với Chúa: “Lậy Chúa, con đã nghe lắm kẻ nói về người ấy, về tất cả những điều ác người ấy đã làm cho dân thánh Chúa tại Giêrusalem. Còn ở đây, người ấy được các thượng tế cho quyền bắt trói tất cả những ai kêu cầu danh Chúa”. Nhưng Chúa phán với ông: “Cứ đi, vì người ấy là lợi khí Ta chọn để mang danh Ta đến trước mặt các dân ngoại, các vua chúa và con cái Ítraen. Thật vậy, chính Ta sẽ chỉ cho người ấy thấy tất cả những đau khổ người ấy phải chịu vì danh Ta” (Cv 9,13-16).  
Vâng, là môn đệ Đức Giêsu, nhà truyền giáo sẽ không tránh được những thất bại do nhiều nguyên nhân, mà một số nguyên nhân chính đã được trình bầy ở trên.
Vấn đề của nhà truyền giáo không phải thành công hay thất bại, cho bằng  thái độ được chọn trước thành công, thất bại. Bởi nếu cuộc đời nhà truyền giáo đã được tận hiến cho Đức Giêsu chịu đóng đinh và sống lại trong sứ vụ làm chứng, thì sẽ không có gì làm nhà truyền giáo chao đảo, thất vọng, mất tinh thần, cũng không có gì làm cớ cho nhà truyền giáo tự đắc, kiêu căng, vì nếu Chúa muốn, nếu là chương trình của Chúa thì công trình nào của nhà truyền giáo đã hoàn thành, đang thi công hay sẽ thực hiện thình lình bị “vỡ toang, dẹp bỏ, thay thế”, nhà truyền giáo cũng vẫn bình an nhìn thất bại, mà ai cũng thấy được đó bằng đôi mắt phó thác, tin yêu, đôi mắt của người đầy tớ hèn mọn chỉ biết làm điều Chủ muốn, chỉ biết cố gắng hết sức mình, chỉ biết cống hiến tất cả  khả năng với ước mơ duy nhất chu toàn bổn phận  để làm vui lòng Chủ.
Cũng với đôi mắt phó thác, tin yêu, nhà truyền giáo sẽ khiêm tốn đón nhận thất bại như hồng ân của Thánh Ý, khi thất bại vì mình, đến từ mình, do mình thiếu sót, thiếu khôn ngoan, vội vã, bồng bột, hăng say, liều lĩnh, kể cả háo thắng, háo danh. Vấn đề là trước thất bại, nhà truyền giáo nhận ra mình yếu đuối, để dựa vào sức mạnh của Chúa và vượt qua thất bại.   
Trên đường truyền giáo, thánh Phaolô đã cảm nghiệm yếu đuối của mình trước thất bại, vì hơn ai hết, thánh tông đồ dân ngoại đã nhiều phen khốn đốn tang thương vì thất bại đủ kiểu, đủ cách do người đời ganh ghét cũng có, mà do anh em trong nhà cũng có, như có lần Ngài viết cho giáo đoàn Côrinthô: “Tôi còn hơn họ nữa! Hơn nhiều vì công khó, hơn nhiều vì tù, hơn gấp bội vì chịu đòn, bao lần suýt chết. Năm lần tôi bị người Do Thái đánh bốn mươi roi bớt một; ba lần bị đánh đòn; một lần bị ném đá; ba lần bị đắm tầu; một đêm một ngày lênh đênh giữa biển khơi! Tôi còn hơn họ, vì phải thực hiện nhiều cuộc hành trình, gặp bao nguy hiểm trên sông, nguy hiểm do trộm cướp, nguy hiểm do đồng bào, nguy hiểm vì dân ngoại, nguy hiểm ở thành phố, trong sa mạc, ngoài biển khơi, nguy hiểm do những kẻ giả danh là anh em” (2 Cr 11,23-26).
Tất cả đều là thất bại hoặc khả thể, rủi ro đưa đến thất bại duới mắt người đời mà thánh Phaolô đã gánh chịu, và thánh nhân kết luận: “Nếu phải tự hào, thì tôi sẽ tự hào về những yếu đuối của tôi” (2 Cr 11,30).
Như thánh Phaolô, nhà truyền giáo không chỉ có quyền tự hào về những yếu đuối của mình trong thành qủa truyền giáo mà còn “phải” tự hào mình yếu đuối trong cả những thất bại, để như ngài, chúng ta vượt qua thất bại vì tin vào lời Đức Giêsu: “Ơn của Thầy đã đủ cho anh, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối. Thế nên tôi rất vui mừng và tự hào, vì những yếu đuối của tôi, để sức mạnh của Đức Kitô ở mãi trong tôi” (2 Cr 12,9-10). 
Trên đường truyền giáo, người môn đệ Đức Giêsu sẽ không tránh khỏi những thất bại: thất bại trong tương quan với Bề Trên, với anh em, với đồng đạo, đồng bào, dân ngoại, thất bại nội tâm không ai biết, thất bại bên ngoài ai cũng hay, thất bại trong công trình công khai, sừng sững, lồ lộ, thất bại thiêng liêng, tinh thần từng ngày gặm nhấm. Thế nên trong mọi thất bại, trước mọi thất thế, nhà truyền giáo cần đôi mắt tín thác và đơn sơ để nhận ra Thiên Chúa đã làm gì sau khi thất bại vì nguyên tổ phản bội, Đức Giêsu đã phản ứng thế nào trước những thất bại, các thánh Tông Đồ đã xử sự làm sao khi không thành công?        
Thiên Chúa đã tiếp tục yêu thương và lên kế hoạch cứu chuộc loài người; Đức Giêsu đã yêu thương đến cùng và tha thứ cho tất cả; các tông đồ đã “hết lòng yêu mến anh em” (2 Cr 2,4), dù tim có se thắt, nước mắt có chan hoà, tâm can có quay quắt, xót xa vì thất bại đủ kiểu, do đủ người.
Vâng, chỉ có Đức Ái giúp nhà truyền giáo vượt qua thất bại; chỉ có lòng mến là thuẫn đỡ bảo vệ nhà truyền giáo khi rơi vào khủng hoảng “làm gì cũng không thành công”; chỉ Tình Yêu Đức Giêsu là sức mạnh thúc bách nhà truyền giáo tiếp tục hành trình yêu thương sau những lần gục ngã vì thất bại; chỉ lòng yêu mến anh em biến thất bại của nhà truyền giáo thành lễ tế hy sinh đẹp lòng Chúa; chỉ lòng xót thương, bao dung  đem lại bình an sâu lắng khi nhà truyền giáo thất bại, vì  chỉ “Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả” (1 Cr 13,7), bởi trong bất cứ thất bại nào cũng có tác nhân làm nên thất bại, trước bất cứ thất bại nào, người ta cũng tìm cho kỳ được tên tội đồ, và “con vật tế thần” cần thiết, nhất là bất cứ thất bại nào cũng làm khổ đau, nhục nhằn, buồn  giận, thất vọng.  
Vì thế, đức mến rất cần thiết để vượt qua những đố kị, nghi ngờ, đổ tội, vu khống, lên án, hận thù, bạo lực khi chúng ta thất bại; đức mến không thể thiếu để nâng chúng ta đứng dậy, khi chúng ta ngã lòng, giận hờn, căm phẫn, trách mình, thù người khi thất bại; đức mến không thể vắng mặt khi chúng ta thu mình trong cô đơn, khép mình trong sầu buồn khi thất bại, bởi duy đức mến trong Đức Giêsu, chúng ta, những nhà truyền giáo mới Vui Mừng khi thất bại vì có niềm hy vọng, mới kiên nhẫn Chịu Đựng mọi tủi nhục khi thất bại vì có Đức Giêsu chịu đóng đinh đồng hành, mới chuyên cần Cầu Nguyện khi thất bại, vì tin sức mạnh và ơn phù trợ chúng ta ở nơi danh Chúa, là Đấng sai chúng ta  đi loan báo, làm chứng Tin Mừng cứu độ.
Jorathe Nắng Tím