NHÀ TRUYỀN GIÁO LÀM CHỨNG
CHỨ KHÔNG ĐỐI CHỨNG
Trên
đường Truyền Giáo, nhà truyền giáo rất dễ rơi vào thái độ căng thẳng, ăn nói cường điệu, đanh thép và lý luận cứng cỏi,
nặng nề làm cho người chung quanh có cảm tưởng nhà truyền giáo không còn làm chứng,
nhưng đối chứng với quyết tâm dành cho được phần thắng về mình.
Sở
dĩ nhà truyền giáo rất dễ mất hướng làm chứng và trệch sang đường đối chứng khi truyền giáo, vì không phải lúc nào người
nghe cũng lắng nghe nhà truyền giáo với thiện chí, cũng đón nhận với tấm lòng,
cũng học hỏi với tâm hồn lương thiện. Trái lại, có nhiều người tiên thiên đã
tìm kẽ hở để hạch hỏi trước khi tìm hiểu, tra vấn kiểu tra khảo trước khi truy
tìm chân lý, và “bầy binh bố trận” để đưa nhà truyền giáo vào thế bí, đường
cùng. Những người này đặt nhà truyền giáo vào một tình huống rất tế nhị, dễ gây
bức xúc, bực bội, và đẩy nhà truyền giáo từ phong cách làm chứng chuyển
sang thái độ đối chứng, từ chất giọng hiền lành, nhỏ nhẹ biến thành cung giọng
chua chát, khó chịu.
Nhà
truyền giáo rơi vào tình trạng bức xúc khi giáo lý bị phản biện cách vô lý, khó
chịu khi giáo huấn bị phê bình trắng trợn, và đó là nguyên nhân khiến tâm
lý của nhà truyền giáo chao đảo, xao động
đưa đến tình trạng lên giọng đối chứng như giải pháp cần thiết để hộ giáo, bênh
vực đức tin.
Thực
vậy, vì Tin Mừng không biên giới, và sứ mệnh của nhà truyền giáo là đi khắp tứ
phương thiên hạ làm chứng Đức Giêsu, Thiên Chúa làm người, Đấng đã chết và đã sống
lại, đồng thời làm cho muôn dân trở thành môn đệ của Đức Giêsu (x. Mt
28,19-20), nên nhà truyền giáo không có lựa chọn khi lên đường truyền giáo,
nghiã là không tự mình chọn “người nghe” Tin Mừng, không tự mình chọn địa điểm làm chứng
Đức Giêsu, không tự mình chọn trình độ, thành phần, giai cấp người được loan
báo Nước Trời. Trái lại, nhà truyền giáo chỉ biết mình là người được sai đi đến
nơi Đức Giêsu muốn, với đám đông gồm đủ mọi sắc dân, chủng tộc, văn hoá, chính
kiến, trình độ, hoàn cảnh… để làm chứng Đức Giêsu, Thiên Chúa giầu lòng thương
xót, Đấng cứu độ duy nhất của nhân loại.
Do
đó, khó có thể tránh những đối kháng công khai hoặc kín đáo, nổi cộm hoặc ngấm
ngầm từ những người nghe Tin Mừng, vì không phải tất cả đều thiện tâm, thiện
chí, chân thành đi tìm Chân Lý và đón nhận Tin Mừng, nhưng điều cốt yếu họ tìm
là “vạch là tìm sâu” kiếm chuyện để phản
biện, đối chứng, lý sự hơn thua với nhà truyền giáo.
Chẳng
thế mà Đức Giêsu đã có lần than thở: “Tôi phải ví thế hệ này với ai? Họ giống
như lũ trẻ ngồi ngoài chợ gọi lũ trẻ khác, và nói: Tụi tôi thổi sáo cho các
anh, mà các anh không nhảy múa; tụi tôi hát bài đưa đám, mà các anh không đấm
ngực khóc than”. Thật vậy, ông Gioan đến, không ăn không uống, thì thiên hạ bảo:
“Ông ta bị qủy ám”. Con Người đến, cũng ăn cũng uống như ai, thì thiên hạ lại bảo:
“Đây là tay ăn nhậu, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi” (Mt 11,
16-19). Chỗ khác Ngài còn nói: “Ai có tai thì nghe!” (Mc 4,9), khi thấy có những
người thờ ơ, hờ hững đối với Tin Mừng được
loan báo, vì hạnh phúc của họ.
Những
ghi nhận trên là sự thật hằng ngày mà nhà truyền giáo phải đối diện. Và không
nhà truyền giáo nào đã không trải nghiệm những căng thằng trong một tình huống “chẳng
đặng đừng” khi bị cám dỗ rời bỏ “làm chứng”
để chuyển sang “đối chứng”; biện chứng.
Kinh
nghiệm của nhà truyền giáo hôm nay cũng là kinh nghiệm qúy báu của các thánh
tông đồ hôm xưa, mà thánh tông đồ trưởng Phêrô đã ân tình chia sẻ: Trong khó
khăn, thử thách, “Đừng sợ những kẻ làm hại anh em và đừng xao xuyến. Đức Kitô
là Đấng Thánh, hãy tôn Người làm Chúa ngự trị trong lòng anh em. Hãy
luôn luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của
anh em. Nhưng phải trả lời cách hiền hoà và với sự kính trọng” (1 Pr
3,14-16).
Trả lời cũng như
loan báo, đặt vấn đề, kể lại, thực hành trong đời sống, tất cả đều là làm chứng,
nên trả lời những vấn nạn về Đức Giêsu, và giáo huấn của Ngài là một trong những
công việc quan trọng của nhà truyền giáo.
Có
rất nhiều vấn nạn, và vấn nạn nào cũng đặc thù, đặc biệt, bởi không ai giống
ai, không ai suy nghĩ như ai, không ý hướng của người nào giống người nào, và
nhà truyền giáo được mời gọi sẵn sàng đáp ứng tất cả các vấn nạn đôi khi rất phức
tạp đó để làm chứng Đức Giêsu.
Vấn
đề ở đây là cách thức trả lời những vấn nạn thiện tâm, chân thành, và những “bắt
bẻ” có hậu ý, ác ý sao cho xứng hợp với sứ vụ loan báo và làm chứng Tin Mừng của
nhà truyền giáo.
Thánh
tông đồ Phêrô đã không ngần ngại đưa ra phương án rất chính xác, rõ ràng trong
thư thứ nhất của ngài:
1.
“Luôn
luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai”:
Cái
khó, cái khổ của nhà truyền giáo là phải
trả lời cho bất cứ ai, kể cả những người hạch hỏi, phản biện không vì thiện
tâm, “đối chứng”, lý sự không với lương tâm ngay thẳng, bởi nhà truyền giáo tin
rằng: bổn phận gieo và tưới là của nhà truyền giáo, còn cho mọc lên là của
Thiên Chúa, như Phaolô đã viết trong thư gửi giáo đoàn Côrintô: “Tôi trồng, anh
Apôlô tưới, nhưng Thiên Chúa mới làm cho lớn lên” (1 Cr 3,6), nên “sẵn sàng trả
lời cho bất cứ ai” để hạt giống Tin Mừng được gieo và tưới, với niềm hy vọng
Thiên Chúa sẽ cho mọc lên một ngày không xa, cho lớn lên xum xuê trên mảnh đất
tâm hồn của người đối thoại, chất vấn mà bề ngoài lúc này xem ra như chưa được
cầy xới, chuẩn bị.
2.
“Chất
vấn về niềm hy vọng của anh em”:
Tuy
thế, Thánh tông đồ trưởng không đề nghị nhà truyền giáo trả lời tất cả mọi vấn
nạn, nhưng chỉ trả lời những chất vấn về
niềm hy vọng của nhà truyền giáo nơi Đức Giêsu. Điều này có nghiã nội dung
chất vấn được giới hạn ở niềm hy vọng nơi Đức Giêsu để phù hợp với sứ vụ loan
báo và làm chứng Tin Mừng của nhà truyền giáo.
Thực
vậy, nếu nhà truyền giáo mê man trả lời tất cả mọi vấn nạn thuộc đủ mọi lãnh vực
đời sống thì nhà truyền giáo đang biến mình thành “tự điển bách khoa”, điều mà Đức Giêsu không trao phó cho các vị
khi kêu gọi, thánh hiến và sai đi. Nếu nhà truyền giáo nghĩ mình phải thông biết
mọi sự trên đời để mọi người phải bái phục khối óc tuyệt vời, đỉnh cao trí tuệ
của mình, thì nhà truyền giáo đang tự tách mình ra khỏi sứ vụ loan báo Đức Giêsu chịu đóng
đinh, điều duy nhất Đức Giêsu ký thác ở nhà truyền giáo khi trao “bài sai”. Nếu
nhà truyền giáo cứ phải trả lời hết mọi
vấn nạn thuộc đủ thể loại từ chính trị, xã hội, văn hoá đến thương mại, kinh
doanh… thì ơn gọi làm tông đồ, làm môn đệ Đức Giêsu của nhà truyền giáo không
còn thuần khiết, minh bạch, nhưng bắt đầu vẩn đục, u ám, vì việc làm không còn
ngay thẳng theo đường ơn gọi, nhưng loạng quạng ra khỏi qũy đạo của bài sai
truyền giáo.
Do
đó, chỉ niềm hy vọng vào Đức Giêsu đã chết
và đã sống lại mới là nội dung các đáp án, trả lời của nhà truyền giáo, vì
các vị được chọn để làm chứng Chân Lý cứu độ duy nhất này.
3.
“Nhưng
phải trả lời cách hiền hoà và với sự
kính trọng”:
Không
gì đẹp hơn ở nhà truyền giáo tâm hồn hiền lành, khiêm nhường, và thái độ hiền
hoà, kính trọng người khác. Con người của nhà truyền giáo luôn là tấm gương
mang tính thuyết phục rất cao, là lời chứng hùng hồn, thu hút hơn tất cả, là đường
cao tốc và nhịp cầu ngắn cho mọi người đến với Đức Giêsu, mà hiền hoà và tôn trọng người khác là đức tính trổi vượt, quan trọng
và “truyền giáo hữu hiệu” nhất.
Cũng
thế, người ta rất sợ và tránh xa những nhà truyền giáo dữ tợn, hung hăng, ngông
nghênh, xấc xược, coi thường mọi người, vì không gặp được ở những nhà truyền
giáo này hình ảnh Đức Giêsu - Mục Tử nhân lành, người cha nhân hậu, Thiên Chúa
nhân từ, Đấng Cứu Độ nhân ái.
Vì
vậy, trong mọi trường hợp, dù “đau đầu, nhức óc”, dù muốn nổi sùng, gắt gỏng đến
đâu trước những chất vấn “không ra làm sao” của nhiều người, nhà truyền giáo vẫn
phải cố giữ bình tĩnh để hiền hoà, và tôn trọng người khác, bởi đó là đòi hỏi của
sứ vụ.
Thánh
Phêrô, vì hiểu nỗi khổ của nhà truyền giáo trước những nghịch cảnh trên đường
truyền giáo khi bị lôi kéo vào đối chứng thay vì làm chứng, đã nhắc nhủ với tâm
tình của Tông Đồ trưởng: “Hãy giữ lương tâm ngay thẳng, khiến những kẻ phỉ
báng anh em vì anh em ăn ở ngay thẳng
trong Đức Kitô, thì chính họ phải xấu hổ vì những điều họ vu khống, bởi lẽ thà
chịu khổ vì làm việc lành, nếu đó là ý của Thiên Chúa, còn hơn là vì làm điều
ác” (1 Pr 16-17).
Giữ lương tâm
ngay thẳng cũng là giữ mình ở trong ơn gọi tông đồ,
và trong sứ vụ loan báo Đức Giêsu chịu đóng đinh, bởi chỉ bước đi ngay thẳng
trên đường được sai đi, với sứ vụ được trao phó, nhà truyền giáo mới có thể “không
sợ, không xao xuyến để sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm Hy Vọng
của mình trong Đức Giêsu đã chết và sống lại”, và mới có thể giữ mãi tâm tình
và thái độ hiền hoà, tôn trọng người khác khi làm chứng Tin Mừng cho muôn dân, mà không cần
phải căng thẳng lý sự, bực bội đối chứng.
Xin
Đức Giêsu phục sinh ban cho các nhà truyền giáo ơn hiền lành, khiêm nhường tận
đáy lòng, và trái tim bác ái, vị tha để trong mọi sự, mọi tình huống, với mọi
người, các vị “luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng” của
các ngài ở Đức Giêsu “một cách hiền hoà và với sự kính trọng” trên con đường
truyền giáo không biên giới.
Jorathe
Nắng Tím