Tìm kiếm Blog này

Thứ Tư, 25 tháng 12, 2019

MÁI NHÀ NGÀY XUÂN


Những năm tháng còn bé, ở nhà với cha mẹ, không ai nghĩ đến hạnh phúc được ở nhà, có nhà, về nhà, nhưng khi lớn khôn vào đời, rồi bôn ba, phiêu bạt đó đây, người ta mới hiểu thế nào là hạnh phúc có được mái nhà, niềm vui được ở nhà với mẹ cha, và nỗi nhớ  nhà quay quắt những ngày đầu năm, Tết đến.
Qủa thế, không người con nào quên được nhà mình vào dịp đầu xuân : nhà mình rộn ràng, xôn xao những ngày trước Tết ; nhà mình được sơn phết, dọn dẹp, trang hoàng ; nhà mình sân trước vườn sau gọn gàng, sạch sẽ ; nhà mình khói hương ngào ngạt bàn thờ tổ tiên ; nhà mình ấm cúng chuyện trò bên nồi bánh chưng, bánh tét ; nhà mình mai, đào rực rỡ, hoa trái xum xuê ; nhà mình khấp khởi mong ngóng anh trai, chị gái từ xa về ; nhà mình rộn rã tiếng cười và chất ngất hạnh phúc đoàn tụ, yêu thương .
Chẳng thế mà cứ mỗi độ Xuân về, người xa quê lại chạnh lòng nhớ quê, người đi xa tìm về mái ấm, người tha hương thổn thức niềm thương nỗi nhớ mái nhà xưa, làng quê cũ, với gốc tre, bụi chuối, khóm trúc, luống khoai, rặng dừa. Và nhớ hơn cả là hình bóng ông bà, cha mẹ đã khuất với rất nhiều kỷ niệm ấm êm những năm tháng được sống với ông bà, cha mẹ.
Như bất cứ người con nào, chúng ta gắn bó với nhà mẹ cha, vì ở đây, chúng ta được sinh ra và nuôi lớn ; ở đây chúng ta được học làm người và từ đây chúng ta bước chân vào cuộc đời sau nhiều năm được chuẩn bị kỹ lưỡng, nên trách làm sao được, khi đứa con bị người ta đuổi ra khỏi nhà cha mẹ mình đã uất ức, điên cuồng phản ứng dữ dội ; khi cả nhà lăn lộn, hoảng lọan vì bị cưỡng chế ra khỏi nhà, trước khi nhà bị giật sập, san bằng theo lệnh quy họach. Cũng thế, không ai đã không khỏi ngậm ngùi, tiếc xót khi bất đắc dĩ phải bán nhà mẹ cha, miễn cưỡng phải chia năm xẻ bẩy mái ấm gia đình, bắt buộc phải để người xa lạ chiếm cứ, phá rỡ ngôi nhà tổ vô cùng qúy báu, thân thương.
Vâng, nhà cha mẹ, còn gọi là nhà tổ thực là một kho báu qúy giá mà không gì có thể mua được, đối với những đứa con có tâm hồn, và hiếu thảo. Sở dĩ phải có tâm hồn, vì ở vào cái thời thực dụng tận chân răng này, thì cha mẹ chưa chết, con cái đã nhao nhao đòi bán nhà chia của, hay ngọt ngào dụ dỗ cha mẹ nhường nhà đang ở, để những đứa con tham lam “chia năm xẻ bẩy” mái ấm, nhà tổ. Đây là sự thực đáng buồn ngày ngày xẩy ra trong xã hội hôm nay, bởi nhan nhản  những cha mẹ già chỉ ao ước được nhắm mắt trong ngôi nhà của mình đã tạo nên bằng mồ hôi nước mắt, thế mà cũng không được toại nguyện, vì những đứa con không có tâm hồn và bất hiếu của thời đại  thực dụng.
Vì thế, giữ được nhà tổ, giữ được mái ấm của cha mẹ đã xây dựng không còn là việc dễ làm và chuyện dễ có hôm nay nữa, bởi tiền của đã trở thành yếu tố quyết định, vượt xa giá trị gia đình, cũng như tương quan giữa các thành viên trong gia đình không còn mang tính thiêng liêng, bất khả xâm phạm, khi cha mẹ không còn được yêu kính, phụng dưỡng hết lòng, anh lớn không còn được em út yêu mến, vâng phục, và trật tự, nề nếp, gia phong bị đảo lộn, hủy hoại một cách khủng khiếp và tận gốc rễ. Những thảm cảnh tội ác gia đình như anh giết em, con hãm hại mẹ, cháu xiết cổ ông bà đến tắt thở, mà báo chí hằng ngày phải ngao ngán đăng tải là bằng chứng cho tình trạng xuống dốc của gia đình và số phận hẩm hiu của Mái Nhà.   
Nhưng không có mái nhà để nhớ, không còn mái nhà để ước mơ trở về, không nhà tổ để niềm hy vọng một ngày được sống lại kỷ niệm ấu thơ, niên thiếu trong chính nơi mình đã được sinh ra, được ẵm bế yêu thương, được chăm nom, dạy dỗ, nhất là được thở làn khí năm xưa của cha mẹ một đời tận tụy, hy sinh vì đàn con thơ dại, được hít hà mùi hương dịu dàng của cây mận “cổ thụ” gần giếng phiá sau nhà do chính tay mẹ trồng, được trèo lên cây xoài do tay cha chăm bẵm, và nhắm mắt tưởng nhớ tình cha ngọt ngào, những người con vô phúc xa nhà, xa quê cảm thấy hụt hẫng, chênh vênh, như thiếu vắng một cái gì quan trọng lắm trong cuộc đời mình.  
Không có mái nhà để nhớ, không còn mái nhà để thờ tổ tiên, ông bà, cha mẹ, người con xa xứ, xa quê sẽ buồn lắm mỗi độ Xuân về, vì Xuân găn liền với Nhà, Xuân không thể “không nhà”, Xuân chỉ rực rỡ, rộn ràng, nao nức, khấp khởi, vui tươi, hạnh phúc khi Xuân có Nhà, Xuân có người nhà, Xuân đón người đi xa về nhà, Xuân ngóng đợi người nhà ở xa, Xuân quây quần, tụ họp mọi người trong nhà. Không có nhà, Xuân bất hạnh vì thiếu tình cha, tình mẹ ; không còn nhà, Xuân thất thểu vì không bến đỗ bình yên ; không được ở trong nhà, Xuân cô đơn, lạc lõng ; không được vào nhà, Xuân ngậm ngùi, nức nở phận lang thang.   
Hôm nay Xuân về, là người con xa xứ, con kính cẩn cúi mình trước Chúa Xuân, là niềm vui của mọi người !
Xin Chúa Xuân ban cho dân con “Mái Nhà Quê Hương, Dân Tộc” an bình, cho mọi gia đình có mái  ấm yêu thương, cho cha mẹ già an nhàn trong nhà mình, cho con cái, cháu chắt quây quần, xum họp quanh ông bà, cha mẹ, chú bác, cô dì, cậu mợ, anh chị em dưới mái nhà tổ an vui. Và con thiết tha xin Chúa Xuân ban hơi ấm mùa Xuân, và tình Xuân hy vọng cho tất cả những ai không nhà, vì bất cứ lý do nào.
Jorathe Nắng Tím
        

THÁNH GIUSE TRONG GIA ĐÌNH THÁNH

Mỗi lần chiêm ngắm Gia Đình của Đức Giêsu, chúng ta không khỏi ngạc nhiên về thánh Giuse, khuôn mặt quan trọng của Thánh Gia nhưng luôn mờ nhạt, kín đáo, âm thầm, và yên lặng. Không một lời về ngài, ngoại trừ là người công chính (Mt 1,19), còn tất cả các lời khác về ngài đều  là những Lời trong mơ, Lời thì thầm trong giấc ngủ.
Tin Mừng lễ Thánh Gia làm nổi bật thái độ chăm chú lắng nghe và hăng hái thực hiện Lời Thiên Chúa của thánh Giuse khi tường thuật tỉ mỉ về cuộc chạy trốn trước  lệnh truy lùng gắt gao của vua Hêrôđê, sau khi biết các đạo sĩ đã tìm đường khác về nhà, mà không trở lại Giêrusalem để gặp lại và cho Vua hay về nơi Hài Nhi Giêsu sinh ra :
Khi các đạo sĩ đã ra về, thì sứ thần Chúa hiện ra báo mộng cho Giuse rằng : Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai Cập và cứ ở đó cho đế khi tôi báo lại, vì vua Hêrôđê sắp tìm giết Hài Nhi đấy ! Ông Giuse liền trỗi dậy và đang đêm, đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai Cập. Ông ở đó cho đến khi vua Hêrôđê băng hà … (Mt 2,13-15)
Thái độ của thánh Giuse cho chúng ta nhớ lại thái độ tuyệt đối vâng lời Thiên Chúa của Môsê đã đem vợ con về lại Ai Cập, khi Đức Chúa phán với ông ở Mađian : Đi đi, hãy trở về Ai Cập, bởi vì mọi kẻ tìm cách làm hại mạnh sống ngươi đã chết cả rồi (Xh 4,19).
Như Môsê, thánh Giuse đã tin tưởng tuyệt đối vào Lời Thiên Chúa và đem ra thực hành. Ngài là con người của đức tin, khi đặt hết niềm tin vào Thiên Chúa, vào Lời Thiên Chúa và không nghi ngại lên đường với Hài Nhi và mẹ Ngài trốn khỏi cơn giận dữ và truy lùng tìm giết Hài Nhi của vua Hêrôđê, để bảo vệ tuyệt đối ngai vàng.
Như Đức Maria, người nữ có phúc hơn mọi người nữ đã kiên trì trong đức tin từ buổi Truyền Tin đến Lễ Hiện Xuống, ngang qua đường Thánh Giá và biến cố Phục Sinh, thánh Giuse đã không ngừng chú tâm lắng nghe Lời Thiên Chúa chỉ bảo, hướng dẫn để từng ngày, và ở bất cứ tình huống nào, ngài vẫn trung tín chu toàn bổn phận làm cha nuôi Đấng Cứu Thế, và làm bạn thanh sạch Đức Trinh Nữ Maria trong chương trình cứu độ mầu nhiệm.
Suốt đời làm gia trưởng, Thánh Giuse đã chỉ được nghe thiên sứ nói cho biết điều Thiên Chúa muốn trong giấc ngủ, giữa cơn mơ, và Tin Mừng ghi lại ba lần Ngài được báo mộng :
Lần thứ nhất khi thánh Giuse phân vân muốn bỏ Đức Mẹ cách kín đáo để giữ thanh danh cho Đức Mẹ khi thấy Đức Mẹ có thai : Đang toan tính như vậy, thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng : Này ông Giuse, con cháu Đavít, đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai, và ông đặt tên cho con trẻ là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ (Mt 1,20-21). Và ngài đã đón Đức Mẹ về nhà mình, như Lời sứ thần dậy.
Lần thứ hai là lệnh thiên sứ truyền phải trốn qua Ai Cập, và ngài cũng nhanh chóng tuân hành, thực hiện (x.Mt 2, 13-15).
Lần thứ ba là, sau khi vua Hêrôđê băng hà, thiên sứ lại hiện ra với ông Giuse bên Ai Cập, báo mộng cho ông rằng : Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người về đất Ítraen, vì những kẻ tìm giết Hài Nhi đã chết rồi. Ông liền trỗi dậy đưa Hài Nhi và mẹ Người về đất Ítraen (Mt 2,19-21). 
Biến cố Lời Thiên Chúa được nói với thánh Giuse trong giấc ngủ, giữa giấc mộng cho chúng ta thấy : đức tin là ơn sủng của Thiên Chúa, nhưng đức tin luôn đặt chúng ta trước một chọn lựa, và chọn lựa này không luôn dễ, bởi đức tin không luôn minh bạch, rõ ràng, chắc chắn, như kết qủa của khoa học thực nghiệm được  cân, đo, đong, đếm, nhưng đức tin đòi chúng ta phó thác ở Thiên Chúa khi đức tin được trình bầy và mời gọi trong tình trạng luôn đủ ánh sáng để chúng ta thấy, đồng thời đủ bóng tối để chúng ta tin, bởi nếu thấy rõ mồn một, nhìn được tỏ tường trên dưới, ngang dọc, thì cần gì đến tin, như khi ta gặp gỡ, chuyện trò, ăn uống với một người nào rồi, thì ta đâu cần phải tin vào lời của người khác nói về người này nữa. Cũng vậy, đức tin luôn đòi sự liều lĩnh dấn thân, tín thác của ta vào một mình Thiên Chúa, nhờ đó, hành vi đức tin mới có giá trị cứu rỗi, và như thế mới được gọi là đức tin.
Sở dĩ gia đình của thánh Giuse, Mẹ Maria và Đức Giêsu được gọi là gia đình thánh, không phải vì gia đình gồm toàn thánh, nhưng vì gia đình gồm những người luôn chú tâm lắng nghe Lời Thiên Chúa, tin vào Lời Chúa và đem ra thực hành, như Đức Giêsu đã qủa quyết trong Tin Mừng : Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành (Lc 8,21).
Vâng, Thánh Gia hôm nay mời gọi chúng ta lắng nghe Lời Thiên Chúa và thực hành Lời hằng sống ấy bằng yêu mến cha mẹ như bài đọc thứ nhất nhắc nhở : Ai thờ cha thì bù đắp lỗi lầm, ai kính mẹ thì tích trữ kho báu… Hãy săn sóc cha con khi người đến tuổi già ; bao lâu người còn sống, chớ làm người buồn tủi. Người có lú lẫn, con cũng phải cảm thông, chớ cậy mình sung sức mà khinh dể người. Vì lòng hiếu nghiã với cha sẽ không bị quên lãng, và sẽ đền bù tội lỗi cho con… Ai bỏ rơi cha mình thì khác nào kẻ lộng ngôn, ai chọc giận mẹ mình, sẽ bị Đức Chúa nguyền rủa. Thiên Chúa sẽ nhớ đến con, ngày con gặp khốn khó, và các tội con sẽ biến tan (Hc 3, 3-4.12-15), và thực hiện điều Thiên Chúa muốn trong tương quan với các thành viên gia đình, cũng như với anh chị em trong cộng đoàn, như thánh Phaolô căn dặn trong bài đọc thứ hai : Anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hoà, nhẫn nại. Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau. Trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái: đó là mối dây liên kết tuyệt hảo” (Cl 3, 12-14).  
Nơi thánh Giuse, người gia trưởng của đức tin, chúng ta noi gương chú tâm lắng nghe và trung thành thực thi Lời Thiên Chúa, bằng nhạy bén nhìn ra những dấu chỉ của Thiên Chúa trong lịch sử, cũng như qua con người. Với thánh Giuse, chúng ta học nhìn mọi sự, mọi biến cố với đôi mắt Đức Tin, và như ngài, chúng ta tập đi trên con đường tự do, bởi chỉ có Lời Thiên Chúa mới cho chúng ta được tự do đích thực trong Đức Tin.
Lạy thánh Giuse, vị gia trưởng rất yêu mến của Thánh Gia !
Xin  phù hộ và ban tràn đầy niềm vui trên ông bà, cha mẹ chúng con, và cho chúng con biết học với Thánh Cả gương thinh lặng xóa mình, bài học kín đáo quên mình, thái độ âm thầm hiến mình cho hạnh phúc của mọi người trong gia đình thân yêu của chúng con.
Jorathe Nắng Tím