Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 7 tháng 11, 2020

NHỮNG NGƯỜI ĐỐI THOẠI

 

Giáo Hội cũng như xã hội không ngừng kêu gọi đối thoại, vì đối thoại cần thiết cho công trình tìm kiếm sự thật, cho đời sống bác ái, huynh đệ, cho cộng đồng nhân loại hoà bình, hạnh phúc. Lịch sử làm chứng đã có biết bao cuộc chiến tranh, cũng như ly giáo vì thiếu đối thoại, và vô số hôn nhân đổ vỡ, gia đình ly tan vì người trong cuộc không đủ khiêm tốn, can đảm và kiên nhẫn đối thoại. Tuy thế, không phải đối thoại nào cũng đem lại đáp số đúng, đối thoại nào cũng mang lại hoà giải, hoà bình, và đối thoại nào cũng là đối thoại đúng nghiã và có giá trị.

Tin Mừng cho chúng ta thấy : Đức Giêsu rất cởi mở, và dễ gần. Ngài gặp gỡ và đối thoại với hết mọi người, không trừ ai, từ người thương đến kẻ ghét, từ người tội lỗi đến người thánh thiện, đạo hạnh, từ giai cấp trí thức, chức sắc đến thành phần bị xã hội khinh khi, cô lập, bạc đãi, từ người đồng đạo đến người khác đạo, từ trẻ em đến người lớn, từ đàn ông đến đàn bà… Và với ai, Ngài cũng cởi mở đối thoại.

Tin Mừng cũng cho chúng ta nhận diện nhiều người đã đến gặp và đi vào đối thoại với Đức Giêsu với những ý nghĩ, tâm tình và thái độ rất khác nhau :

1.   Những người đối thoại với điều kiện :

Tin Mừng Luca tô đậm hình ảnh ba nhân vật nói với Đức Giêsu về ý muốn đi theo Ngài của họ, nhưng với những điều kiện được đặt ra thật chính xác, rõ ràng:

Nhân vật thứ nhất nói với Ngài : Thưa Thầy, Thầy đi đâu, tôi cũng xin đi theo, nhưng khi Đức Giêsu trả lời : Con chồn có hang,chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu (Lc 9,57-58), thì cuộc đối thoại tức khắc bị cắt đứt, vì điều kiện phải có nhà cửa, cơ sở vật chất, văn phòng làm việc, tổng hành dinh truyền giáo được đặt ra đã không được Đức Giêsu đáp ứng.

Nhân vật thứ hai thì được Đức Giêsu ngỏ lời mời : Anh hãy theo tôi!, nhưng người ấy thưa : Thưa Thầy, xin cho phép tôi về chôn cất cha tôi trước đã ». Và anh ta cũng đơn phương chấm dứt cuộc đối thoại, vì điều kiện đưa ra đã không được Đức Giêsu chấp nhận, khi Ngài bảo anh : Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ. Còn anh, anh hãy đi loan báo Triều Đại Thiên Chúa (Lc 9,59-60).  

Nhân vật thứ ba cũng như nhân vật thứ nhất ngỏ lời xin theo Đức Giêsu : Thưa Thầy, tôi xin theo Thầy, nhưng xin cho tôi từ biệt gia đình trước đã, và cả anh này cũng đã lặng lẽ bỏ dở cuộc đối thoại, vì điều kiện đưa ra đã không được Đức Giêsu tán thành, vì Ai đã tra tay cầm cầy mà còn ngoái lại đàng sau, thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa (Lc 9,61-62).

Tin Mừng Máccô thì tường thuật về người thanh niên giầu có đến gặp và thưa với Đức Giêsu : Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp? (Mc 10,17). Nhưng sau khi trò chuyện với Đức Giêsu, và kể với Ngài về đời sống đạo hạnh, gương mẫu của mình, anh cũng đã bỏ ngang cuộc đối thoại, sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi (Mc 10,22), vì điều kiện anh đặt ra một cách kín đáo, tế nhị đã không được Đức Giêsu chấp thuận, khi Ngài bảo anh : Anh chỉ thiếu  có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi (Mc 10,21).

Có rất nhiều đối thoại không thành tựu, vì những điều kiện đặt ra đã không được đáp ứng, vì không phù hợp với Ơn Gọi, như vừa đi theo Chúa, vừa được thoải mái làm giầu, của cải sung túc, hay không thích ứng với sứ vụ như muốn đi rao giảng Tin Mừng, nhưng đòi phải được ở dinh thự khang trang, tiền tiêu rủng rỉnh, đời sống tiện nghi, ra vào có người phục dịch, hầu hạ và cha mẹ, gia đình, người thân phải luôn ở kề bên.

2.   Những người đối thoại cầm chừng, thủ thế, tránh né :

Có những cuộc đối thoại loanh quanh ngoài lề, mà không vào được trọng tâm của vấn đề, như bên giếng Giacóp, vào buổi trưa nóng bức, Đức Giêsu đã nói chuyện với người đàn bà Samari.  

Đọc kỹ đọan Tin Mừng Gioan (Ga 4,7-30), chúng ta sẽ thấy người phụ nữ đối thoại một cách cầm chừng, giữ thế và cố tránh né chuyện đời tư nhiều chồng của mình, bằng lái câu chuyện giữa chị và Đức Giêsu sang những vấn đề thần học khác. Chị muốn giấu chuyện đời tư thầm kín, trong khi Đức Giêsu muốn cởi trói chị khỏi mặc cảm của chuyện hôn nhân trắc trở, bởi đây mới chính là chìa khóa cởi mở tâm hồn chị, để chị có thể nhận ra Đấng Cứu Độ là người đang đối thoại với chị. Bằng chứng là chỉ khi Đức Giêsu bảo chị hãy gọi chồng chị ra, và cho chị biết chị đã năm đời chồng rồi và người hiện đang sống với chị không phải là chồng chị, sau khi chị nói : Tôi không có chồng, thì tâm hồn chị mới mở ra được, và nhẹ lòng, phấn khởi thưa với Ngài : Thưa ông, tôi thấy ông thật là một ngôn sứ…, và nhận ra Ngài là Đấng Mêsia, gọi là Đức Kitô (Ga 4,19. 25-26).

Một con người khác cũng cầm chừng, giữ thế, dè dặt để được an toàn tối đa khi đối thoại với Đức Giêsu là ông nghị viên Nicôđêmô. Ông đã đến gặp và nói chuyện với Đức Giêsu ban đêm, và trong câu chuyện, ông tỏ ra thái độ dè dặt, thủ thế, khi bảo vệ những suy nghĩ riêng của mình, trong tư thế một người trí thức, lãnh đạo hiểu biết lẽ đạo trong Ítraen (x. Ga 3,1-21), và ông đã không cởi mở, nhưng khép kín, và giữ an toàn tối đa cho mình trong khi đối thoại với Đức Giêsu. 

3.   Những người đối thoại tráo trở, gạt gẫm :

Họ là những người đã dùng đối thoại để gài bẫy Đức Giêsu, lợi dụng những sơ hở của Đức Giêsu trong khi nói chuyện với họ để chụp mũ, tố cáo, buộc tội, lên án Ngài, nhất là dựa vào một cớ nào đó để kích động quần chúng, khuấy động dư luận chống lại Ngài.

Câu chuyện người đàn bà ngoại tình bị bắt qủa tang mà các kinh sư và người Pharisêu dẫn đến trước mặt Đức Giêsu, với mục đích gài Ngài vào một cạm bẫy cực độc và nguy hiểm, để có bằng cớ tố cáo Ngài khi hỏi Ngài : Thưa Thầy, người đàn bà này bị bắt qủa tang đang ngoại tình. Trong sách Luật, ông Môsê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao? (Ga 8,5).

Cái bẫy qúa rõ và đe dọa, bởi nếu Ngài trả lời : cứ theo Luật Môsê mà ném đá chị ta, thì còn đâu ở Ngài Thiên Chúa của lòng thương xót, như giáo lý Ngài đang giảng dậy, nhưng nếu bảo : không được ném đá chị ta, thì lập tức đám đông sẽ bị các ông Pharisêu kích động để họ lập tức ném đá Ngài, vì đã công khai chống lại Lề Luật Môsê là Luật của Thiên Chúa, và ai trong chúng ta cũng biết Đức Giêsu đã giải quyết vấn đề thế nào, khi Ngài đề nghị những người có mặt : Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi (Ga 8,7), rồi Ngài cúi xuống viết trên đất cho đến khi Ngài ngẩng lên và nói : Này chị, họ đâu cả rồi? Người đàn bà đáp : Thưa ông, không còn ai cả. Đức Giêsu nói : Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa! (Ga 8,10-11).

Một cuộc đối thoại khác cũng giữa Đức Giêsu và các ông Pharisêu. Lần này họ rắp tâm gài Ngài vào tội xúi dân chống lại Xêda, và chính quyền Rôma là đế quốc bảo hộ, khi hỏi Ngài : Có được phép nộp thuế cho Xêda hay không? (Mt 22,17).

Câu hỏi khó và rất đáng sợ, vì bảo không nộp thuế cho Xêda, tức công khai chống lại đế quốc đang nắm quyền đô hộ, và chắc chắn Ngài sẽ phải lãnh án tử hình với tội danh phiến loạn, phản động, chống chính quyền, xúi dân làm loạn không nộp thuế, nhưng nếu trả lời phải nộp thuế cho Xêda, thì khác nào nhận mình là phản quốc, theo đế quốc đô hộ làm khổ đồng bào, giầy xéo đất nước. Đàng nào cũng chết, kiểu nào cũng bị tấn công, lên án. Và Đức Giêsu đã trả lại cho những người đối thoại với ác ý gài bẫy Ngài trách nhiệm phải phân định mà Thiên Chúa đã trao cho họ, nhưng họ từ chối, không chấp nhận, khi Ngài nói với họ : Của Xêda, hãy trả về Xêda ; của Thiên Chúa, hãy trả về Thiên Chúa. Nghe vậy, họ ngạc nhiên và để  Người lại đó mà đi (Mt 22,21-22).

Qủa thực, trong đời sống hằng ngày, không ít thì nhiều, chúng ta đã gặp và đi vào đối thoại với những kiểu người đối thoại vừa kể. Họ làm chúng ta nổi giận khi khám phá đối thoại của họ chỉ là những chiêu trò lừa dối, tráo trở cốt đưa ta vào bẫy để thực hiện ý đồ đen tối, thâm độc của họ ; họ làm chúng ta ngao ngán, chán chường khi đối thoại chỉ là những đẩy đưa nhằm ích kỷ trục lợi với những điều kiện được khéo léo, tinh vi lập trình ; họ làm chúng ta mệt mỏi, thất vọng, mất niềm tin khi đưa chúng ta vào những đối thoại không chân thành, thiếu cởi mở, nhưng  khép kín, cầm chừng, nhạt nhẽo, hời hợt, vu vơ. Nhưng có thể chính chúng ta cũng thuộc những loại người đối thoại không đáng tin cậy trên, khi làm  người khác phải bực bội, chán ngán, thất vọng khi đối thoại, nhất là làm mất niềm tin của họ khi ta dùng đối thoại để bịp bợm, lừa dối, gài bẫy, vu khống, buộc tội người đối thoại với ta.

4.   Những người đối thoại lương thiện, chân thành :

Khác với những người đối thoại được kể trên, đó là những người đã tìm đến Đức Giêsu và lương thiện, chân thành đối thoại với Ngài. Trong cuộc đối thoại đã không hề có âm mưu, thủ đọan, ý đồ, mục đích thiếu lương thiện, nhưng tất cả đều được đặt trên bàn, dưới ánh sáng của Sự Thật và Tình Yêu. Sự thật và tình yêu là tiếng nói chung trong đối thoại, như cuộc đối thoại chân thành và cởi mở giữa Đức Giêsu và người mù từ lúc mới sinh trong Tin Mừng Gioan :

Với tình yêu, ngay từ giây phút nhìn thấy anh ta bên vệ đường, Đức Giêsu đã qủa quyết : Không phải anh ta, cũng chẳng phải cha mẹ anh ta đã phạm tội. Nhưng sở dĩ như thế là để thiên hạ nhìn thấy công trình của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi anh, khi các môn đệ hỏi Ngài với thành kiến thường có của người đời : Thưa Thầy, ai đã phạm tội khiến người này sinh ra đã bị mù, anh ta hay cha mẹ anh ta? (Ga 9,1-3).

Với trái tim tôn trọng sự thật, anh mù sau khi được chữa lành đã đối thoại hết sức cởi mở và lương thiện với đám đông vừa tò mò, vừa hạch hoẹ tìm sơ hở để kiếm cớ tố cáo Đức Giêsu : Người tên là Giêsu đã trộn một chút bùn, xức vào mắt tôi, rồi bảo : Anh hãy đến hồ Siloác mà rửa. Tôi đã đi, đã rửa và tôi nhìn thấy. Họ lại hỏi anh : Ông ấy ở đâu? Anh đáp : Tôi không biết (Ga 9,11-12). Và suốt nhiều lần bị hạch hỏi bởi nhóm người Pharisêu, anh đã kiên trì kể lại toàn bộ sự thật được Đức Giêsu chữa sáng mắt, và trước sau như một, anh đã lương thiện trả lời mọi câu hỏi gài bẫy Đức Giêsu và gài tội anh của những người Pharisêu thiếu tình yêu và sự thật trong đối thoại, cho đến khi họ không còn chịu nổi sự cứng đầu của anh nữa, đã đuổi anh ta đi, sau khi nghe anh dõng dạc lý luận với giọng điệu dí dỏm : Kể cũng lạ thật! Các ông không biết ông ấy ở đâu mà đến, thế mà ông ấy lại là người đã mở mắt cho tôi! Chúng ta biết : Thiên Chúa không nhậm lời những kẻ tội lỗi ; còn ai kính sợ Thiên Chúa và làm theo ý của Người, thì Người nhậm lời người ấy. Xưa nay chưa hề nghe nói có ai đã mở mắt cho người mù từ lúc mới sinh. Nếu không phải là người bởi Thiên Chúa mà đến, thì ông ta đã chẳng làm được gì (Ga 9,30-33).

Thực vậy, chỉ trong đối thoại có sự thật và bác ái, chúng ta mới gặp được Đức Giêsu, như anh mù trong Tin Mừng đã tuyên xưng  Đức Giêsu là Con Thiên Chúa: Thưa Ngài, tôi tin, rồi anh sấp mình xuống trước mặt Ngài (x. Ga 9,35-38) ; chỉ những người đối thoại lương thiện trước sự thật và chân thành trong tình yêu mới không bị Thiên Chúa xét xử là kẻ xem thấy lại nên đui mù, và phải nhận lời trách mắng nặng nề của Đức Giêsu như những người Pharisêu đã đối thoại với trí khôn kiêu căng, ngoan cố và trái tim thâm hiểm, ác độc : Nếu các ông đui mù, thì các ông đã chẳng có tội. Nhưng giờ đây các ông nói rằng : Chúng tôi thấy, nên tội các ông vẫn còn! (Ga 9,41).

Xin Chúa cho chúng con biết học với anh mù từ lúc mới sinh tinh thần lương thiện và tâm tình chân thành trong đối thoại với mọi người, để bất cứ cuộc đối thoại nào cũng là cuộc gặp gỡ, hội ngộ, hiệp thông, hiệp nhất với anh em trong Chúa là Sự Thật và Tình Yêu.

Jorathe Nắng Tím