Tìm kiếm Blog này

Thứ Tư, 22 tháng 7, 2020

THIÊN CHÚA KHIÊM HẠ ĐẾN VỚI NHỮNG NGƯỜI KHIÊM HẠ


Tin Mừng mặc khải một sự thật không thể chối cãi, nhưng lại là sự thật ít được con người đón nhận, đó là Thiên Chúa, mặc dù yêu thương và muốn cứu độ tất cả mọi người, nhưng Ngài chỉ đến với những con người khiêm hạ, cho dù người ấy tội lỗi, bất xứng, yếu đuối đến đâu. Và ngoài con đường khiêm hạ con người phải đi để gặp được Chúa, chúng ta không còn con đường nào khác.
Không còn con đường nào khác, vì Thiên Chúa chỉ thương yêu, chúc phúc và phù trợ những ai khiêm hạ. Còn những kẻ quyền thế lòng trí kiêu căng, Ngài dẹp tan, loại bỏ (x. Lc 1,51-52). Không còn tuyến đường nào khác, vì Đức Giêsu đã thẳng thừng lên án các kinh sư và Pharisêu kiêu căng và gọi họ là “đồ mãng xà, nòi rắn độc” (Mt 23,33), “quân giả hình, gian ác” (Mt 23,28), và qủa quyết số phận bị kết án, hoả ngục của họ (x. Mt 23,13.14.15). Không còn lộ trình nào khác, vì để gặp được Thiên Chúa, bất cứ ai cũng phải trở nên như con trẻ “hiền lành, khiêm nhường, phó thác”, “vì Nước Trời là của những ai giống như chúng” (Mt 19,14), khác với người kiêu căng  thủ đọan, ma  mãnh, ngang ngược, hung bạo, ích kỷ, thần tượng chính mình, và phủ nhận tha nhân. Không còn lối ngõ nào khác để đến với Chúa, vì Chúa không ở trong dinh thự, biệt phủ của kẻ kiêu căng, nhưng đồng bàn với những người tội lỗi khiêm hạ biết mình có tội (x. Mt 9,10-12), vào nhà những  người như Dakêu bị đời lên án bất chính nhưng có lòng khiêm hạ (x. Lc 19,1-10), vì “người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần” (Mt 9,12), và “Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất” (Lc 19,10). Không còn ngóc ngách nào khác để được đứng vào  hàng ngũ “những người được Chúa Cha chúc phúc” ở ngày chung thẩm trước Nhan Thiên Chúa, ngoài những con hẻm lầy lội trong xóm lao động có những người nghèo khổ, đau ốm, thất học khiêm hạ, những ngõ cụt tối tăm không đèn là nơi náu ẩn của cụ già neo đơn, người mẹ  cơ nhỡ, đám trẻ bụi đời không ngày mai, bởi Thiên Chúa đã “tự đồng hoá” mình “với những anh em bé nhỏ nhất” (x. Mt 25,31-46). Không còn phương tiện nào liên lạc được với Thiên Chúa ngoài Khiêm Hạ, vì Thiên Chúa không để tai lắng nghe tiếng nói của người kiêu ngạo, nhưng chỉ quan tâm lắng nghe và đoái nhận lời cầu xin của người thu thuế tội lỗi  khiêm hạ bên cạnh người Pharisêu “được tiếng là gương mẫu đạo hạnh” nhưng kiêu căng, tự phụ (x.Lc 18,9-14).
Thế nên con đường duy nhất, địa điểm duy nhất, phương tiện duy nhất, điều kiện duy nhất  tiên vàn  phải có để gặp được Đức Giêsu chính là biết mình tội lỗi, bất xứng, nhiều giới hạn để khiêm nhường và tự hạ trước Thiên Chúa và anh em. Chính Đức Giêsu không ngớt nhắc nhở các môn đệ và rao giảng cho đám đông tinh thần khiêm hạ, như đòi hỏi tiên quyết mà những ai muốn đi theo Ngài, muốn gặp Ngài, muốn ở lại với Ngài phải đáp ứng.
Khi kêu gọi “Hãy qua cửa hẹp mà vào, vì cửa rộng và đường thênh thang thì đưa đến diệt vong, mà nhiều người lại đi qua đó. Còn cửa hẹp và đường chật thì đưa đến sự sống, nhưng ít người tìm được lối ấy” (Mt 7,13-14), Đức Giêsu muốn nói đến lòng Khiêm Hạ từ đó mở ra con đường đến với Ngài là “Sự Thật và là Sự Sống”. Cũng như khi đưa ra điều kiện: “Ai không vác thập giá mình mà theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được” (Lc 14,27), Đức Giêsu tiếp tục nhấn mạnh đòi hỏi phải Khiêm Hạ, bởi người kiêu căng thích được mọi người răm rắp phục tùng, suy tôn, ca tụng, hầu hạ mình làm sao có thể từ bỏ tất cả, nhất là “cái tôi vĩ đại, cao ngất ngưởng” để theo Đức Giêsu trên đường Thánh Giá với cây thập tự sần sùi, nặng nề, ô nhục trên vai?    
Nhưng có một phần thưởng vô cùng lớn lao cho những tâm hồn khiêm hạ là chính Thiên Chúa tìm đến và đứng vào hàng ngũ Khiêm Hạ với họ.
Tin Mừng Mátthêu kể lại: Đức Giêsu đã tự ý “đến sông Giođan gặp ông Gioan để xin ông làm phép rửa cho mình” (Mt 3,13). Vì Gioan biết Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế, Đấng mà ông đang loan báo cho mọi người để ai nấy chuẩn bị đón rước bằng ăn năn sám hối, biểu hiện qua việc chịu phép rửa, nên ông đã một mực can Người và nói: “chính tôi mới cần được Ngài làm phép rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi!” (Mt 3,14). Nhưng Đức Giêsu vẫn xin Gioan làm phép rửa cho Ngài, như ông đang làm cho bao nhiêu người khiêm hạ ăn năn sám hối khác.
Thái độ khiêm hạ của Đức Giêsu khi tự ý đến và xin Gioan làm phép rửa, dù Ngài là Thiên Chúa thánh thiện, Chiên trong trắng, vô tội của Thiên Chúa đến để gánh tội và xóa tội trần gian đã làm ngạc nhiên Gioan, vì ông không thể ngờ Đấng Thánh của Thiên Chúa lại khiêm hạ đến độ tự nguyện đứng chung hàng ngũ với những người tội lỗi cần lòng xót thương đang khiêm hạ xin ông làm phép rửa sám hối. Hơn ai hết, ông biết Đức Giêsu là Thiên Chúa, như ông đã giới thiệu với đám đông khi qủa quyết: “Đấng đến sau tôi, và tôi không đáng cởi quai dép cho Người” (Ga 1,27). “Tôi rửa anh em trong nước, nhưng Đấng ấy sẽ rửa anh em trong Thánh Thần” (Ga 1,33). Gioan còn sửng sốt, kinh ngạc khi thấy Đức Giêsu chịu phép rửa xong, vừa ở dưới nước lên, thì các tầng trời mở ra, và Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu và ngự trên Người. Và có tiếng từ trời phán: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người” (Mt 3,16-17). Và Gioan đã vui mừng thốt lên: “Tôi đã thấy, nên xin chứng thực rằng Người là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn” (Ga 1,34).
Qủa thực, điều làm Chúa Cha vui lòng chính là thái độ khiêm hạ thẳm sâu của Đức Giêsu khi tự ý đến với Gioan Tẩy Giả như người tội lỗi để nhận phép rửa sám hối từ tay Gioan là người dọn đường cho mình; là tâm tình khiêm hạ của người tôi tớ Thiên Chúa khi kín đáo, lặng thinh theo đoàn người lũ lượt khiêm hạ thống hối ăn năn để đón Nước Trời sắp đến; là chọn lựa khiêm hạ thân phận của tội nhân khi đứng chung hàng ngũ những người cần được thương xót, tha thứ. Và Đức Giêsu đã làm đẹp lòng Chúa Cha không vì những biểu dương vương quyền, uy lực, những nghi lễ ra mắt hoành tráng, uy nghi, những phẩm phục, vương trượng oai phong, huy hoàng, những tuyên ngôn hùng hồn, nẩy lửa như thiên hạ vẫn thi nhau thể hiện khi đến thời, gặp thời. Trái lại, Ngài đã đến im ắng, đã bắt đầu sứ vụ Cứu Thế cách nhẹ nhàng, đơn sơ, đã  khởi sự công cuộc loan báo Tin Mừng bằng tâm tình và cung cách  bình dị, tế nhị, kín đáo, bé nhỏ của một người tội lỗi khiêm hạ đi tìm lòng xót thương, ơn tha tội.
Vâng, nếu Đức Giêsu đã làm đẹp lòng Chúa Cha vì Ngài khiêm hạ, đã làm sững sờ, kinh ngạc Gioan Tẩy Giả vì khiêm hạ, Ngài cũng đang làm chúng ta xúc động, hạnh phúc vì sự khiêm hạ tận cùng của Ngài. Chúng ta không xúc động sao được trước một Thiên Chúa khiêm hạ đích thân đến với chúng ta khi chúng ta khiêm hạ đi tìm Ngài? Chúng ta dửng dưng sao được với một Thiên Chúa không bao giờ bỏ chúng ta đơn độc trên đường Khiêm Hạ đi tìm Ngài? Chúng ta rời xa sao được một Thiên Chúa tự ý đứng chung hàng với tội nhân, tự nguyện mang chung thân phận yếu đuối, tự mình đưa vai gánh hình phạt nặng nề của phạm nhân trọng tội là chúng ta? Chúng ta nhắm mắt làm ngơ sao được trước tình yêu khiêm hạ của một Thiên Chúa đã xuống sâu đến tận cùng của thân phận tro bụi, đã xuống thấp đến tận bàn chân dơ bẩn, đầy cáu ghét của con người tội lỗi để cứu cho kỳ được người con mà Ngài đã dựng nên và luôn thương xót?
Chúng ta chỉ còn biết đón nhận Hạnh Phúc của người được Thiên Chúa thương xót, thứ tha, bằng khiêm hạ cúi mình trước Thiên Chúa rất khiêm hạ, giầu lòng trắc ẩn, cảm thương như người đầy tớ mắc nợ ông chủ món nợ kếch xù mà không có gì để trả đã được ông chủ tha hết nợ (x. Mt 18,23-27), để thờ lậy và cảm tạ  Chúa, vị Mục Tử nhân lành ngày đêm  hớt hải, tất bật đi tìm cho kỳ được đám chiên lạc là chúng ta đang khiêm hạ nài xin Ngài thương cứu độ.  
Jorathe Nắng Tím