Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 7 tháng 4, 2020

Suy Niệm TUẦN THÁNH với Đức Mẹ

    THINH LẶNG CỦA ĐỨC MARIA, MẸ ĐỨC GIÊSU CHỊU ĐÓNG ĐINH
Trong suốt trình thuật Thương Khó, Tin Mừng Gioan chỉ kể lại duy nhất một lần về Đức Maria: “Đứng gần thập giá Đức Giêsu, có thân mẫu Người, chị của thân mẫu, bà Maria, vợ ông Cơlôpát, cùng với bà Maria Máđala. Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giêsu nói với thân mẫu rằng: ‘Thưa Bà, đây là con của Bà’. Rồi Người nói với môn đệ: ‘Đây là mẹ của anh’. Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình” (Ga 19,25-27).
Tuy không thường xuyên nhắc sự hiện diện của thân mẫu Đức Giêsu trên đường Thương Khó và Tử Nạn của con mình, nhưng mọi người đều hiểu Đức Maria không rời Con mình một bước, không xa con mình một giây, nhất là khi Con bị trói, bị đánh đập, đội mão gai, bị chế diễu, xỉ nhục, bị đám đông đả đảo, tố cáo, bị kết án tử hình, và tự mình vác thập giá đến nơi hành hình đóng đinh.
Không rời xa Con, nhưng “thinh lặng, đứng đó”, thinh lặng có mặt để chết với Con trong giây phút Con rướn mình kêu cầu Chúa Cha và tức tưởi chết trên Thánh Giá.
Thực không còn nỗi đau nào hơn nỗi đau của Mẹ phải đứng nhìn con chết treo, trần truồng như phạm nhân trọng tội; không còn nỗi khổ nào lớn hơn nỗi khổ của Mẹ  phải nghẹn ngào nuốt vào tim tiếng nấc tàn hơi, cạn sức của Con giờ hấp hối; không còn tang thương nào đắng đót hơn cho lòng Mẹ trước thân xác con rũ liệt đầm đià máu và nước từ thương tích của đinh nhọn, lưỡi đòng; không còn nước mắt nào mặn hơn, xót hơn nước mắt của Mẹ khi ôm chặt xác con vừa được tháo xuống từ thập tự.
Đức Maria, Mẹ Đức Giêsu chịu đóng đinh đã có mặt trong mọi tình huống của Con mình với thinh lặng của trái tim cầu nguyện.
Mẹ đã thinh lặng ngay từ buổi Truyền Tin với tâm tình cầu nguyện của nữ tỳ Thiên Chúa: Xin vâng như lời sứ thần truyền (x. Lc 1,26-34); thinh lặng khi bào thai Giêsu do quyền phép Chúa Thánh Thần từng ngày lớn lên mà chồng mình là Giuse chưa được biết (x. Mt 1,18-25); thinh lặng khi “chết lặng” trước lời tiên tri của cụ già Simêon: “Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà” (Lc 2,35); thinh lặng khi con lạc mất ba ngày ở Giêrusalem, đến khi tìm lại được thì Con lại hỏi: “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của cha con sao?” (Lc 2, 49); thinh lặng khi đồng hương Nadarét phẫn nộ tìm cách xô Con mình xuống vực, khi Con về thăm quê (x. Lc 4,28-30); thinh lặng khi đến gặp Con, “mà không làm sao lại gần được, vì dân chúng qúa đông” (Lc 8,19); thinh lặng khi thiên hạ thán phục, ngưỡng mộ Con, mà ca tụng Mẹ: “Phúc thay người mẹ đã cưu mang Thầy và vú đã cho Thầy bú” (Lc 11,27); thinh lặng khi Con nghe lời xin của Mẹ mà làm phép lạ cho sáu chum nước biến thành rượu ngon trong tiệc cưới ở Cana, vì nhà đám hết rượu giữa tiệc (x. Ga 2,1-11); thinh lặng dưới chân Thánh Giá, thinh lặng an táng Con, thinh lặng cả sau khi Con sống lại vinh hiển, và khi Mẹ hiện diện giữa Nhóm Mười Hai sau khi Con về trời (x. Cv 1,12-14).
Thực vậy, cuộc đời của Đức Maria, thân mẫu Đức Giêsu chịu đóng đinh là cuộc đời thinh lặng, nhưng không là thinh lặng của trí khôn rỗng tuếch, hời hợt, thinh lặng của tâm hồn vô cảm, lười biếng, thinh lặng của lối sống khép kín, ích kỷ. Trái lại, thinh lặng của Mẹ là thinh lặng của tâm hồn biết lắng nghe tiếng Chúa và “hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng” (Lc 2,51), thinh lặng của trái tim trung tín và kiên cường dám đón nhận thánh ý Thiên Chúa, dù “không hiểu lời Người vừa nói” (Lc 2,50), thinh lặng của cõi lòng khiêm nhu, hiền lành chỉ biết một dạ tri ân Đấng Toàn Năng đã đoái thương nhìn tới phận nữ tỳ hèn mọn, và thương xót thực hiện bao điều cao cả (x. Lc 1,48-50); thinh lặng của người tôi trung tận tụy phục vụ đến hy sinh quên mình.
Tóm lại, thinh lặng của Đức Maria là thinh lặng của cầu nguyện, vì tâm hồn cầu nguyện không ồn ào, huyên náo; trái tim cầu nguyện không huênh hoang, nhiều lời; tâm tình cầu nguyện không kiêu căng, tự đắc; thái độ cầu nguyện không biểu diễn, phô trương.
Thinh lặng nơi Mẹ còn là gắn bó hiệp thông với Con là Của Lễ cứu chuộc nhân loại trên Thánh Giá; là tình yêu hiệp nhất nên một trong Hy Lễ duy nhất và tuyệt đối là Đức Giêsu dâng Chúa Cha; là lễ dâng của toàn thể nhân loại được hoà tan như giọt nước trong Máu sinh ơn cứu độ của Thiên Chúa làm người.
Tuần Thánh thương đau có Mẹ, Tuần Thánh lặng lẽ với Mẹ, Tuần Thánh thinh lặng cầu nguyện bên gối Mẹ cũng là đường dài Thánh Giá, cuộc Thương Khó liên lỷ của đời chúng con có Mẹ cùng đi, là lời cầu bé nhỏ, bất xứng của chúng con có thinh lặng bình an của Tình Mẹ.
 Jorathe Nắng Tím  

A WRONGFUL CONVICTION

A WRONGFUL CONVICTION :
GEORGE CARDINAL PELL  - An Innocent Man
                                                  Author : Jorathe Nắng Tím
                                           Translator : A.Prisca

Cardinal George Pell has been freed from prison after Australia's High Court, a full bench of 07 judges, ruled unanimously in Cardinal Pell’s favor, found the jury had not properly considered all the evidence presented at the trial and overturned his conviction on five counts of historical child sex abuse in Brisbane at 10:02 April 7, 2020: He has consistently innocent ! Cardinal Pell, 78, was serving a six-year jail sentence after he was convicted in 2018 of abusing two choirboys in the priests’ sacristy after Mass in Melbourne’s St. Patrick’s Catheral in the 1990s  while he was Archbishop of Melbourne.
Pell was the most high-ranking figure in the Catholic Church to be jailed as part of a wave of court cases around the world against priests alleged to have committed serious sexual misconduct. The quashing of Cardinal Pell’s guilty verdict really brings the relief to the Vatican and the joy for the Universal Church, especially for Australia, where it seems that we cannot find the voice of justice for an innocent person in such a modern time.
Actually, the wrongful convictions are not the things that seldomly happen in the society because of different causes, but above all, they come from the limitations of human beings in terms of some limits of kindness, some limits of the purity of conscience, and and some lacks of the pure of heart, the benevolence and the generosity.
Like Cardinal George Pell, over 2000 years ago, Jesus was also in the list of poor victims who were sentenced to death despite of His innocence. The proof was that Governor Pontius Pilate, the only one who had the authority for the death sentence, in front of the Jews, the chief priests and the Pharisees shouting out loud “Let him be crucified!”, publicly said : “I find no guilt in him” (Jn 18,38). However, under the increasing pressure of the ones who tried to kill Jesus, Pilate once more went out and said to them, “Look, I am bringing him out to you, so that you may know that I find no guilt in him.” (Jn 19,4). Finally, being suppressed by the crowds when the chief priests and the guards saw Jesus, crying out, “Crucify him, crucify him!”, Pilate, though finding no guilt in Jesus, cowardly said to them, “Take him yourselves and crucify him.” (Jn 19,6) Likewise, for the past few years, although most of people have found out George Pell was not guilty and a lot of supporters had long argued that he was not guilty, the voice of justice has been too weak and low to overcome the pressure coming from the accusation of various social classes.     
The most cruel absurdity of the two situations of Jesus and Pell is in that people try to accuse them of what they never have any intention to do. When Jesus taught them to do : Repay to Caesar what belongs to Caesar and to God what belongs to God., he was accused of misleading [his] people; [opposing] the payment of taxes to Caesar and maintaining that he is the Messiah, a king.” (Lk 23,2) In the same way, Cardinal Pell was accused of child sexual abuse when he has made stand against same-sex marriage.  Additionally, people apply the common merely stupid and amateurish strategy to judge and accuse innocent people. We can find in the situation of Jesus, when asked “What charge do you bring [against] this man?” (Jn 18,29), the crow answered “If he were not a criminal, we would not have handed him over to you.” (Jn 18, 30). It is not far from the way Cardinal Pell was accused of child molestation, right in the priests’ sacristy after Mass around the crowd going just nearby, with the only argument : the altar boy said that !
The Way of the Cross or The Passion in the modern society with a lot of violence to accuse innocent people, to judge righteous people, and to break the scale of justice has always welcomed the lowly, the poor, the kind, the merciful, the righteous as the disciples and followers of Jesus, who willingly embrace the final sentence as Jesus “Lamb of God, taking away the sins of the world”.
In unity with the joy of the Universal Church on this event, we offer God great thanks and continue our praying for the other similar disciples, who have been going through difficult and possibly unpleasant challenges just because No disciple is above his teacher, so if they persecuted me, they will also persecute you…. And they will do all these things to you on account of  my name, because they do not know the one who sent me.” (Jn 1,20-21)

KẾT ÁN NGƯỜI VÔ TỘI

                               Đức Hồng Y George Pell, người vô tội
Với tỷ số tuyệt đối 7/7, Tối Cao Pháp Viện Úc tại toà án Brisbane vào lúc 10 giờ 02 phút ngày 07.04.2020 đã quyết định và công bố: Đức Hồng Y George PELL hoàn toàn vô tội. Vào lúc án lệnh vô tội được chính thức công bố, Đức Hồng Y vẫn còn ở nhà tù Barwon gần Geelong, bang Victoria, và trong vài giờ tới, Ngài sẽ  rời nhà tù này, nơi Ngài đã bị giam giữ “vô tội”, sau cáo buộc được đưa ra vào tháng 12 năm 1996 tố cáo Ngài lạm dụng tình dục hai cậu bé giúp lễ trong sáu phút ngay tại phòng áo lễ mở toang cửa, sau thánh lễ Chúa Nhật đầu tiên tại nhà thờ chính toà của tổng giáo phận Melbourne, nơi Ngài là Tổng Giám Mục.
Dòng dã những tháng ngày thụ án, và ngồi tù, Đức Hồng Y George Pell đã là khuôn mặt lớn của Giáo Hội Công Giáo bị bôi nhọ và tổn thương nặng nề, vì vai trò và chỗ đứng quan trọng trong Giáo Hội. Biến cố “vô tội” của Ngài được công nhận và công bố hôm nay thực là niềm vui lớn cho Giáo Hội đã đành, nhưng chính yếu là niềm hãnh diện của nhân loại, đặc biệt nước Úc, tưởng đã không còn tìm được tiếng nói của công lý trong vụ án người vô tội ở thời đại văn minh này.
Thực ra, người công chính bị kết án bất chính, người vô tội bị chụp mũ tội đồ, người đơn sơ, hiền lành bị vu khống oan uổng, nhục nhằn oan sai là chuyện xưa như trái đất, bởi không chỉ vì lòng dạ con người có khi biến thành “lòng lang dạ thú”, mà mắt con người nhiều khi cũng mù loà không nhìn ra sự thật vì nhiều lý do khác nhau, nhưng tựu trung đều xuất xứ từ giới hạn của con người.
Vì lòng tốt bị giới hạn, nên chuyện chơi xấu nhau, đánh lén nhau được coi là bình thường; vì tình người bị giới hạn, nên oan trái, oan uổng là lương thực hằng ngày của người hiền lành, thấp cổ bé miệng; vì độ trong sáng của lương tâm bị giới hạn, nên số người bị hiểu lầm, hiểu sai, chịu thiệt thòi, bất công thì vô số kể; vì tâm hồn vị tha, bao dung, quảng đại bị giới hạn, nên bạo lực lộng hành, người có quyền, có tiền luôn thắng thế và người bé nhỏ, vô tội tiếp tục bị kết án oan sai.
Như Đức Hồng Y George Pell, cách đây hơn hai ngàn năm, Đức Giêsu cũng nằm trong danh sách những nạn nhân đáng thương bị kết án tử hình, mặc dù Ngài hoàn toàn vô tội. Bằng chứng là chính quan tổng trấn Philatô, ngưòi duy nhất có quyền kết án tử hình, trước các thượng tế, Pharisêu và đám đông người Do Thái phẫn nộ đang inh ỏi hò hét yêu cầu bản án tử hình Đức Giêsu: “Đóng đinh nó vào thập giá!” đã công khai tuyên bố: “Phần ta, ta không tìm thấy lý do nào để kết tội ông ấy” (Ga 18,38). Nhưng vì áp lực qúa dữ dội của những người quyết tâm giết Đức Giêsu, Philatô lại một lần nữa ra ngoài và nói với họ: “Đây ta dẫn ông ấy ra ngoài cho các người, để các người biết là ta không tìm thấy lý do nào để kết tội ông này” (Ga 19,4). Chưa hết, Philatô lại nói với họ lần thứ ba, nhưng lần này thì Philatô hoàn toàn bị quần chúng áp đảo và ông đã hèn nhát nhương bộ họ khi chấp thuận cho họ mang Đức Giêsu đi đóng đinh vào thập giá, mặc dù lương tâm vẫn nói với ông : Ngài là người vô tội: “Các người cứ đem ông này đi mà đóng đinh vào thập giá, vì phần ta, ta không tìm thấy lý do để kết tội ông ấy” (Ga 19,6).
Như thế, dù biết chắc Đức Giêsu vô tội, Philatô, vì hèn nhát, vẫn giao nộp Ngài cho thượng tế, kỳ mục, Pharisêu và đám đông a dua, mù quáng đem đi đóng đinh, như những tháng qua, hầu hết mọi người đều nhận thấy Đức Hồng Y George Pell vô tội, nhưng tiếng nói của công lý yếu qúa, hèn qúa, nhu nhược qúa, bị nhiều ràng buộc, áp lực đủ loại, đủ cỡ, đủ phía đã buộc tội  người vô tội, tuyên án tù cho người không hề làm điều xấu xa, gian ác.
Nhưng điều phi lý ghê tởm đã xẩy ra cho cả Đức Giêsu và Hồng Y Pell là người ta đã kết án điều ngược lại. Như Đức Giêsu không hề chống chính quyền Rôma, không một lời khích động dân chúng nổi loạn chống thuế má. Trái lại, Ngài còn đề nghị đồng bào Ngài một cách sống khôn ngoan, dưới ách bảo hộ của đế quốc Rôma, khi nói với họ: “Của Xêda thì trả cho Xêda, của Thiên Chúa thì trả cho Thiên Chúa”. Thế mà người ta lại buộc tội Ngài trước mặt Philatô, đại diện chính quyền Rôma: “Chúng tôi đã phát giác tên này sách động dân tộc chúng tôi, và ngăn cản dân chúng nộp thuế cho hoàng đế Xêda, lại còn xưng mình là Mêsia, là Vua nữa” (Lc 23, 2). Tương tự như người ta tố cáo Đức Hồng Y Pell đã lạm dụng tình dục trẻ em, tức ấu dâm, trong khi ngài là người quyết liệt chống đồng tính. Và thật trớ trêu, người ta đã gán cho ngài cái tội mà chính ngài lên án!
Bên cạnh điều phi lý đáng nôn mửa trên là chiến thuật “mù mờ, lơ mơ” luôn được dùng để tố cáo và lên án người vô tội. Vì không nắm được sai sót của Đức Giêsu, những người mang dã tâm triệt hạ Ngài đã vu vơ tố cáo: “Nếu ông này không làm điều ác, thì chúng tôi chẳng đem nộp cho quan” (Ga 18,30), khi Philatô hỏi họ: “Các người tố cáo ông này về tội gì?” (Ga 18,29). Thật không còn gì vô duyên, vô lý hơn với câu trả lời hoàn toàn không ăn khớp với câu hỏi, vì chỉ là một tố cáo hồ đồ, vu vơ, lơ mơ, mù mờ. Chiến thuật này cũng không khác chiến thuật người ta dùng để tố cáo Đức Hồng Y phạm tội ấu dâm ngay trong phòng áo lễ, sau thánh lễ chúa nhật đông người, với luận cứ: cậu bé giúp lễ nói vậy. Thật trơ trẽn những người cầm cán cân công lý của một xứ sở văn minh, ở đó công lý và nhân quyền được tôn trọng vào bậc nhất trên thế giới!
Đường Thương Khó với bạo lực buộc tội người công chính, kết án người vô tội, bẻ gẫy cán cân công lý vẫn mãi mãi còn đó và tiếp tục đón những bước chân người môn đệ.
Từ bao đời, và ở mọi nơi, trên con đường này, không biết bao nhiêu người “hiền lành, tốt bụng, chất phác, đơn sơ, bé nhỏ” đã bị hàm oan, tù tội, mất mạng… Họ là những người đi theo Đức Giêsu và chịu chung số phận “Chiên vô tội, gánh tội trần gian” của Ngài.
Trong vui mừng chung của Giáo Hội khi Đức Hồng Y George Pell được Tối Cao Pháp Viện Úc trả lại công lý qua phán quyết vô tội, chúng ta hiệp ý tạ ơn Chúa và tiếp tục cầu nguyện cho các môn đệ của Đức Giêsu đang gặp khó khăn, thử thách như Đức Hồng Y, chỉ vì “môn đệ không hơn Thầy”, nên “nếu họ đã bắt bớ Thầy, họ cũng sẽ bắt bớ anh em… Họ sẽ làm tất cả những điều ấy chống lại anh em, vì anh em mang danh Thầy, bởi họ không biết Đấng đã sai Thầy” (Ga 15,20-21).
Jorathe Nắng Tím  

Covid-19: “VẪN LUÔN PHẢI LÀ NGƯỜI”

Nói chuyện “là người” với con người thì thật khó quan niệm, vì ai chẳng là người, nên mắc mớ gì phải nhắc chuyện “vẫn luôn phải là người”.
Ấy thế mà trong cuộc sống, không phải lúc nào chúng ta cũng “là người”, hoàn cảnh nào cũng sống xứng đáng là người, tình huống nào cũng cư xử như những con người đích danh, đúng nghiã, nhất là không luôn ý thức mình phải là người ở bất cứ đâu, thời nào, trong trạng thái, cảnh huống, kể cả thử thách, khủng hoảng nặng nề tưởng vượt sức người có hạn.
Nhìn vào hoạt cảnh thế giới, cũng như xã hội quanh ta trong những ngày đại dịch, người ta dễ nhận ra sự khác biệt giữa những người vẫn luôn là người, và những người không còn là người, dù cả hai ở chung một hoàn cảnh, đối diện chung một thách đố, chịu chung một số phận.
Trước đại dịch, có người vẫn “là người” khi chấp nhận thiệt thòi để chia sẻ cơm áo, vật dụng y tế để phòng chống dịch với người khác; có quốc gia vẫn quyết tâm “là người“ khi qủang đại san sẻ với các nước láng diềng, và quốc gia thiếu điều kiện những thiết bị y tế cần thiết để giúp ngăn chặn dịch bệnh; có những đoàn bác sĩ, y tá thiện nguyện trong hoàn cảnh rất ngặt nghèo, khó khăn cho chính họ cũng vẫn muốn “là người” khi bất chấp nguy hiểm của dịch bệnh lên đường đến những nơi  đang cần được cấp thời trợ giúp.
Họ là những người muốn phải “là người” trong bất cứ khủng hoảng nào, dù ảnh hưởng đến chính mạng sống của mình, để qủang đại chia sẻ tình đồng loại với mọi người đang lâm cảnh khốn khó. Họ là những trái tim không biết ngừng đập “nhịp nhân ái”, những bàn tay không biết khép lại trước bất hạnh của tha nhân, những bàn chân luôn hối hả lao vào nơi có nước mắt khổ đau của đồng bào, lăn xả vào chốn thiên tai, nhân tai đang hành hạ đồng loại, mà không ích kỷ ki bo, vun vén, gom góp, tích trữ cho riêng mình.
Bên cạnh những con người vẫn luôn muốn “phải là người” trong mọi hoàn cảnh, là những người không còn muốn là người, không vì ý nghĩ hạ thấp giá trị cũng như ý nghiã cao cả của con người, nhưng vì ích kỷ đã che phủ, bao trùm hết giá trị và ý nghiã nhân bản đó.
Bạn hãy nhìn ra chung quanh để quan sát những con người không muốn là người trong cơn khủng hoảng Covid-19: vì an toàn bản thân, thay vì cùng chung tay với mọi người đẩy lui dịch bệnh, họ chỉ lo cho thân mình, bằng lối sống cực kỳ khép kín, ích kỷ. Họ có thể khép kín đến mức trở nên xa lạ, kỳ thị đối với mọi người; có thể ích kỷ đến độ trở thành những kẻ tiểu nhân, gian tham, lừa gạt, để bảo vệ tuyệt đối an toàn, đảm bảo tuyệt đối an sinh của bản thân. Không thiếu những cảnh “rất khó coi, khó có thể chấp nhận được” ở nhiều người đã không còn muốn “là người” trong cơn khủng hoảng chung của thế giới vì dịch Covid-19 đe dọa.        
Qủa thực, con người lạ lắm… Lạ vì dễ thay đổi mỗi thời: có người ở thời hàn vi  thì dễ thương, hiền lành, khiêm tốn, cởi mở, chơi đẹp với anh em, bạn bè, nhưng đến thời vàng son, thành đạt, thăng quan tiến chức lại tự mãn, cao ngạo, trịch thượng, hống hách, lạnh lùng, khinh bạc, ngang ngược, hung dữ, chém chặt không nương tay; có người thời dăm ba đứa còn chung gác trọ sập xệ, ăn cơm xã hội thì rất qủang đại, rộng rãi, hào sảng, nhưng khi đến thời vinh hiển lại nhìn anh em bằng nửa con mắt, tránh né bạn bè vì không muốn bị làm phiền, và mang tiếng là bạn cũ với những người kém may mắn, không thành công, không vị thế như họ.
Cũng vậy, đang bình an mà rơi vào hoạn nạn chung, đang êm ấm mà chẳng may tai họa đổ về, thì cuộc sống đột biến đổi thay: mạnh ai nấy sống, không ai còn muốn trăn trở, can dự đến chuyện sống còn của người khác.
Vâng, để vẫn mãi là người có lòng nhân ái trong cơn khủng hoảng chung của toàn thể nhân loại, chúng ta phải cố gắng rất nhiều, nếu không, tính ích kỷ sẽ cột chặt tay chân, không cho chân chúng ta đến với người khác, cũng không cho tay chúng ta mở ra ôm lấy và chia sẻ với bất cứ người nào; để trong hoàn cảnh nhiêu khê, thiếu thốn chung của thế giới, vẫn là người có trái tim biết chạnh lòng thương cảm, chúng ta không thể ngừng phấn đấu với tính tham lam vô đáy của mình, để vẫn là người của mọi người, niềm vui của người sầu buồn, nụ cười của người đang mếu máo khóc cho thân phận hẩm hiu, phận số bất hạnh; để vẫn mãi là người có nhân nghiã trong bất cứ giai đọan tuột dốc thê thảm nào của cộng đồng xã hội, chúng ta luôn phải nhắc mình giá trị con người hệ tại ở ước muốn mang lại hạnh phúc cho người khác và nỗ lực thực hiện ước muốn nhân văn, cao đẹp đó.
Vâng, chúng ta phải cố gắng rất nhiều và liên lỷ để “luôn phải là người tử tế, người có lòng, có tâm, có đức”, bởi muốn làm con Phật hay con Chúa, làm con Trời hay làm con của bất cứ thần thánh nào, trước hết và trên hết, chúng ta phải làm “con người”, phải “là người với lòng nhân ái, vị tha.
     Ước mong trong khủng hoảng Covid, chúng ta vẫn không mất nhau, vì còn nhận ra nhau là người.
Jorathe Nắng Tím