Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 7 tháng 4, 2020

KẾT ÁN NGƯỜI VÔ TỘI

                               Đức Hồng Y George Pell, người vô tội
Với tỷ số tuyệt đối 7/7, Tối Cao Pháp Viện Úc tại toà án Brisbane vào lúc 10 giờ 02 phút ngày 07.04.2020 đã quyết định và công bố: Đức Hồng Y George PELL hoàn toàn vô tội. Vào lúc án lệnh vô tội được chính thức công bố, Đức Hồng Y vẫn còn ở nhà tù Barwon gần Geelong, bang Victoria, và trong vài giờ tới, Ngài sẽ  rời nhà tù này, nơi Ngài đã bị giam giữ “vô tội”, sau cáo buộc được đưa ra vào tháng 12 năm 1996 tố cáo Ngài lạm dụng tình dục hai cậu bé giúp lễ trong sáu phút ngay tại phòng áo lễ mở toang cửa, sau thánh lễ Chúa Nhật đầu tiên tại nhà thờ chính toà của tổng giáo phận Melbourne, nơi Ngài là Tổng Giám Mục.
Dòng dã những tháng ngày thụ án, và ngồi tù, Đức Hồng Y George Pell đã là khuôn mặt lớn của Giáo Hội Công Giáo bị bôi nhọ và tổn thương nặng nề, vì vai trò và chỗ đứng quan trọng trong Giáo Hội. Biến cố “vô tội” của Ngài được công nhận và công bố hôm nay thực là niềm vui lớn cho Giáo Hội đã đành, nhưng chính yếu là niềm hãnh diện của nhân loại, đặc biệt nước Úc, tưởng đã không còn tìm được tiếng nói của công lý trong vụ án người vô tội ở thời đại văn minh này.
Thực ra, người công chính bị kết án bất chính, người vô tội bị chụp mũ tội đồ, người đơn sơ, hiền lành bị vu khống oan uổng, nhục nhằn oan sai là chuyện xưa như trái đất, bởi không chỉ vì lòng dạ con người có khi biến thành “lòng lang dạ thú”, mà mắt con người nhiều khi cũng mù loà không nhìn ra sự thật vì nhiều lý do khác nhau, nhưng tựu trung đều xuất xứ từ giới hạn của con người.
Vì lòng tốt bị giới hạn, nên chuyện chơi xấu nhau, đánh lén nhau được coi là bình thường; vì tình người bị giới hạn, nên oan trái, oan uổng là lương thực hằng ngày của người hiền lành, thấp cổ bé miệng; vì độ trong sáng của lương tâm bị giới hạn, nên số người bị hiểu lầm, hiểu sai, chịu thiệt thòi, bất công thì vô số kể; vì tâm hồn vị tha, bao dung, quảng đại bị giới hạn, nên bạo lực lộng hành, người có quyền, có tiền luôn thắng thế và người bé nhỏ, vô tội tiếp tục bị kết án oan sai.
Như Đức Hồng Y George Pell, cách đây hơn hai ngàn năm, Đức Giêsu cũng nằm trong danh sách những nạn nhân đáng thương bị kết án tử hình, mặc dù Ngài hoàn toàn vô tội. Bằng chứng là chính quan tổng trấn Philatô, ngưòi duy nhất có quyền kết án tử hình, trước các thượng tế, Pharisêu và đám đông người Do Thái phẫn nộ đang inh ỏi hò hét yêu cầu bản án tử hình Đức Giêsu: “Đóng đinh nó vào thập giá!” đã công khai tuyên bố: “Phần ta, ta không tìm thấy lý do nào để kết tội ông ấy” (Ga 18,38). Nhưng vì áp lực qúa dữ dội của những người quyết tâm giết Đức Giêsu, Philatô lại một lần nữa ra ngoài và nói với họ: “Đây ta dẫn ông ấy ra ngoài cho các người, để các người biết là ta không tìm thấy lý do nào để kết tội ông này” (Ga 19,4). Chưa hết, Philatô lại nói với họ lần thứ ba, nhưng lần này thì Philatô hoàn toàn bị quần chúng áp đảo và ông đã hèn nhát nhương bộ họ khi chấp thuận cho họ mang Đức Giêsu đi đóng đinh vào thập giá, mặc dù lương tâm vẫn nói với ông : Ngài là người vô tội: “Các người cứ đem ông này đi mà đóng đinh vào thập giá, vì phần ta, ta không tìm thấy lý do để kết tội ông ấy” (Ga 19,6).
Như thế, dù biết chắc Đức Giêsu vô tội, Philatô, vì hèn nhát, vẫn giao nộp Ngài cho thượng tế, kỳ mục, Pharisêu và đám đông a dua, mù quáng đem đi đóng đinh, như những tháng qua, hầu hết mọi người đều nhận thấy Đức Hồng Y George Pell vô tội, nhưng tiếng nói của công lý yếu qúa, hèn qúa, nhu nhược qúa, bị nhiều ràng buộc, áp lực đủ loại, đủ cỡ, đủ phía đã buộc tội  người vô tội, tuyên án tù cho người không hề làm điều xấu xa, gian ác.
Nhưng điều phi lý ghê tởm đã xẩy ra cho cả Đức Giêsu và Hồng Y Pell là người ta đã kết án điều ngược lại. Như Đức Giêsu không hề chống chính quyền Rôma, không một lời khích động dân chúng nổi loạn chống thuế má. Trái lại, Ngài còn đề nghị đồng bào Ngài một cách sống khôn ngoan, dưới ách bảo hộ của đế quốc Rôma, khi nói với họ: “Của Xêda thì trả cho Xêda, của Thiên Chúa thì trả cho Thiên Chúa”. Thế mà người ta lại buộc tội Ngài trước mặt Philatô, đại diện chính quyền Rôma: “Chúng tôi đã phát giác tên này sách động dân tộc chúng tôi, và ngăn cản dân chúng nộp thuế cho hoàng đế Xêda, lại còn xưng mình là Mêsia, là Vua nữa” (Lc 23, 2). Tương tự như người ta tố cáo Đức Hồng Y Pell đã lạm dụng tình dục trẻ em, tức ấu dâm, trong khi ngài là người quyết liệt chống đồng tính. Và thật trớ trêu, người ta đã gán cho ngài cái tội mà chính ngài lên án!
Bên cạnh điều phi lý đáng nôn mửa trên là chiến thuật “mù mờ, lơ mơ” luôn được dùng để tố cáo và lên án người vô tội. Vì không nắm được sai sót của Đức Giêsu, những người mang dã tâm triệt hạ Ngài đã vu vơ tố cáo: “Nếu ông này không làm điều ác, thì chúng tôi chẳng đem nộp cho quan” (Ga 18,30), khi Philatô hỏi họ: “Các người tố cáo ông này về tội gì?” (Ga 18,29). Thật không còn gì vô duyên, vô lý hơn với câu trả lời hoàn toàn không ăn khớp với câu hỏi, vì chỉ là một tố cáo hồ đồ, vu vơ, lơ mơ, mù mờ. Chiến thuật này cũng không khác chiến thuật người ta dùng để tố cáo Đức Hồng Y phạm tội ấu dâm ngay trong phòng áo lễ, sau thánh lễ chúa nhật đông người, với luận cứ: cậu bé giúp lễ nói vậy. Thật trơ trẽn những người cầm cán cân công lý của một xứ sở văn minh, ở đó công lý và nhân quyền được tôn trọng vào bậc nhất trên thế giới!
Đường Thương Khó với bạo lực buộc tội người công chính, kết án người vô tội, bẻ gẫy cán cân công lý vẫn mãi mãi còn đó và tiếp tục đón những bước chân người môn đệ.
Từ bao đời, và ở mọi nơi, trên con đường này, không biết bao nhiêu người “hiền lành, tốt bụng, chất phác, đơn sơ, bé nhỏ” đã bị hàm oan, tù tội, mất mạng… Họ là những người đi theo Đức Giêsu và chịu chung số phận “Chiên vô tội, gánh tội trần gian” của Ngài.
Trong vui mừng chung của Giáo Hội khi Đức Hồng Y George Pell được Tối Cao Pháp Viện Úc trả lại công lý qua phán quyết vô tội, chúng ta hiệp ý tạ ơn Chúa và tiếp tục cầu nguyện cho các môn đệ của Đức Giêsu đang gặp khó khăn, thử thách như Đức Hồng Y, chỉ vì “môn đệ không hơn Thầy”, nên “nếu họ đã bắt bớ Thầy, họ cũng sẽ bắt bớ anh em… Họ sẽ làm tất cả những điều ấy chống lại anh em, vì anh em mang danh Thầy, bởi họ không biết Đấng đã sai Thầy” (Ga 15,20-21).
Jorathe Nắng Tím  

0 nhận xét: