Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 2 tháng 3, 2020

MẸ, NGƯỜI PHỤ NỮ VIỆT NAM

Viết về người Phụ Nữ Việt Nam là vinh dự lớn cho người viết, vì được viết về Mẹ. Hơn nữa, tâm tư dành cho người phụ nữ Việt Nam có tên “Mẹ” ấy, cũng là tâm tình người viết kính trao, mến gửi về nhiều người phụ nữ khác có những tên khác như dì, cô, mợ, thím, chị, em, bạn gái, người yêu, người tình… và tất cả các Phụ Nữ Việt Nam là đồng bào, đồng hương qúy mến.
Mẹ tôi cũng như phần đông phụ nữ Việt Nam khác ít quan tâm đến chuyện trang điểm, làm đẹp, làm xinh, nhưng lại rất tình. Mẹ tình với bố, tình với con cháu, nhưng dễ thương nhất vẫn là cuộc sống tình nghiã của Mẹ với mọi người. Đặc biệt Mẹ tình nghiã với họ nội, mặc dù thời làm dâu, mẹ khổ nhiều với các cô, em của bố, vì cái thời ấy, có mấy ai “về làm dâu nhà chồng” mà không khổ. Thế mà chưa một lần tôi nghe mẹ thở than, kể lể đời làm dâu của mẹ, và tỏ ý trách móc bà nội, các cô, mà  chỉ qua lời kể của các dì : “Mẹ mày làm dâu khổ sở lắm”, chúng tôi mới biết đời Mẹ cũng nhiều vất vả gian truân.
Mẹ không được đi học, vì văn hoá Khổng Mạnh xem nhẹ, coi thường phụ nữ, và ông bà ngoại là những ngưòi chịu ảnh hưởng nặng nề của chủ nghiã “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”, khi quy định, kiểm sóat chặt chẽ đời người phụ nữ, theo quy luật : “Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử” - còn bé thì ở nhà với cha mẹ, lấy chồng phải theo chồng, chồng chết phải theo con, nên Mẹ không được xếp vào hàng người “thông minh, có học”. Nhưng chúng tôi không cần Mẹ thông minh, chỉ say mê, ngưỡng mộ đời hy sinh, quên mình của Mẹ.  
Những năm tháng ly loạn, đổi thay bao đời chính trị, mầu cờ, Mẹ vẫn luôn là người “ở lại sau cùng” để đối phó, gánh vác, lãnh chịu hậu qủa, vì Bố không thể ra mặt đương đầu, bởi đàn ông ở nước tôi, thời nào, thể chế nào cũng dễ dàng bị đưa đi “biệt tăm biệt tích”, không ngày về.
Mẹ không giỏi giang, kiểu bà Tú Xương : “Quanh năm buôn bán ở ven sông. Nuôi đủ năm con với một chồng” như thơ ông tú ca tụng vợ, nhưng Mẹ rất dịu dàng, và nét dịu dàng đã vượt xa cái giỏi giang Mẹ thiếu. Mẹ dịu dàng trong lời ăn tiếng  nói, nên không làm mất lòng ai ; Mẹ dịu dàng khi khuyên bảo, dậy dỗ, nên chẳng con cháu nào giận dỗi Mẹ ; Mẹ dịu dàng trong hành xử, nên không ai bị Mẹ làm tổn thương vì Mẹ, dù đôi khi Mẹ cũng cố ý lái người khác đi theo đường hướng, ý muốn của Mẹ.
Mẹ cũng không bề ngoài bầy vẽ cầu kỳ, nhưng đơn sơ, chân thành, tế nhị, nên con cháu không ngượng ngùng hỏi han, tâm sự, không ngại ngùng giữ kẽ, đóng kịch, giả hình, nhưng gần gũi con cháu vì thật thà, hiểu đươc mọi người vì chân thành, đơn sơ, và được mọi người tin tưởng, yêu mến, vì kín đáo, tế nhị.
Hôm nay Mẹ không còn nữa, nhưng Mẹ vẫn là hình ảnh người phụ nữ Việt Nam mà con ca ngợi khi có dịp, và những đức tính của Mẹ luôn là niềm hãnh diện của con về người phụ nữ Việt Nam.
Con say mê hình ảnh Mẹ Việt Nam, cũng là hình ảnh người phụ nữ Việt Nam một đời chỉ biết hết mình, hết tình Hy Sinh : hy sinh cho cha mẹ, hy sinh cho chồng con, hy sinh vì làng xóm, hy sinh vì đất nước, dân tộc. Ở đâu trên quê hương ngàn năm nô lệ, trăm năm đô hộ, mấy chục năm chinh chiến, tiếp nối là thời gian đằng đẵng căng thẳng chẳng biết đến khi nào bình an, thanh thản, người phụ nữ Việt Nam vẫn tần tảo hy sinh, tận tụy quên mình, và là người “sau cùng ở lại” cho vẹn nghiã, trọn tình với gia đình, non sông.
Con ngưỡng mộ Mẹ vì Mẹ sống vì mọi người, cũng như ngưỡng mộ người phụ nữ Việt Nam suốt đời thiệt thòi, không chỉ vì xã hội “trọng nam khinh nữ”, “chồng chúa vợ tôi”, “con gái là ngoại tộc”, mà còn vì não trạng và thú vui thiếu nhân văn của không ít người xem phụ nữ chỉ là công cụ phục vụ, và phương tiện đáp ứng nhu cầu.
Con trân qúy Mẹ vì một đời lương thiện, chính trực, cũng như trân trọng người phụ nữ Việt Nam giữa cuộc sống nhiễu nhương, xô bồ đầy bất công, bất chính vẫn “nhẫn nại, kiên cường từng ngày dậy dỗ con thơ ăn ngay ở lành, kính trên nhường dưới, tiên học lễ - hậu học văn, vị tha, bác ái”.
Con ghi khắc hình ảnh khiêm tốn, hiền lành, “chịu thương chịu khó” của Mẹ, như sẽ chẳng bao giờ để phai nhoà trong tâm tưởng người phụ nữ Việt Nam không chỉ anh hùng trong chiến tranh, khi thay chồng nuôi dậy đàn con bé bỏng, mà còn anh dũng thay chồng lặn lội từ sáng sớm đến chiều hôm kiếm ăn nuôi cha mẹ già, và đàn con, khi chồng ngoài chiến trường trước “làn tên mũi đạn”, hay trong trại cải tạo heo hút, xa xôi.
Con hạnh phúc mỗi khi thấy Mẹ nhìn con từ bàn thờ có hương khói nghi ngút, cũng là giây phút con nhớ đến và nguyện cầu ơn bình an cho tất cả phụ nữ Việt Nam, vì hơn ai hết, những người Phụ Nữ Việt Nam đáng kính, đáng yêu, đáng mến luôn là niềm hãnh diện không chỉ của con, mà của cả dân tộc, giống nòi.
Mẹ ơi, nhớ Mẹ nhiều trong ngày lễ Thế Giới Phụ Nữ, con cũng nhớ những người Phụ Nữ Việt Nam con quen biết, chịu ơn, yêu thương, gắn bó, có trách nhiệm, và càng yêu Mẹ, con càng thương mến, biết ơn họ hơn. 
Mẹ là người phụ nữ đầu tiên con biết, con yêu, và là người thứ nhất đã dậy con lòng kính trọng người phụ nữ. Nhờ Mẹ, con khám phá giá trị tuyệt vời và không thể thiếu của người phụ nữ cho con người và cho cuộc sống. Là người phụ nữ đầu tiên đi vào đời con, đúng hơn là con đi vào đời Mẹ, khi được êm ấm chở che trong cung lòng Mẹ, để con được Mẹ truyền cho tình yêu, tấm lòng qủang đại, hào hiệp và cao thượng phải có đối với phụ nữ, vì qua Mẹ con hiểu phần nào hy sinh trời bể nhưng âm thầm, lặng lẽ, kín đáo của người Phụ Nữ Việt Nam như Mẹ. Và con xác tín một điều : vì không có Mẹ, không thể có con ; thiếu Mẹ, con không thể làm người và thành nhân, nên con cũng không thể hạnh phúc trong đời làm người, nếu không có những người Phụ Nữ tình nghiã, dịu dàng, hy sinh, kín đáo, tế nhị là Mùa Xuân của nhân loại, Hy Vọng của mọi Thế Hệ và Trái Tim của đời con.
Viết về Mẹ, người phụ nữ Việt Nam mà người viết say mê, ngưỡng mộ, trân qúy, biết ơn là “thay lời muốn nói” với tất cả Phụ Nữ Việt Nam, với một ước mơ và lời cầu : Ước mơ quê hương chúng ta thôi bất hạnh, và cầu cho người phụ nữ trên đất nước này được hưởng trọn vẹn Hạnh Phúc làm con, làm chị, làm em, làm vợ, làm  mẹ, làm bà, bởi một lý do rất đơn giản : người phụ nữ Việt Nam suốt đời luôn là “người đầu tiên có mặt để chịu thiệt thòi”, và là “người cuối cùng ở lại” để gánh hết hậu qủa thương đau.
Jorathe Nắng Tím  

ĐƯỢC ĐI VÀO VINH QUANG CỦA THIÊN CHÚA


                Suy niệm TIN MỪNG CHÚA NHẬT 2, Mùa Chay, Năm A
Được yêu thương, chiều chuộng hơn các tông đồ khác, “các ông Phêrô, Giacôbê và Gioan là em ông Giacôbê” đã được Đức Giêsu cho theo mình, “đi riêng ra một chỗ, tới một ngọn núi cao. Rồi Người biến đổi hình dạng trước mặt các ông. Dung nhan Người chói lọi như mặt trời, và y phục Người trở nên trắng tinh như ánh sáng” (Mt 17, 1-2).
Cuộc biến hình của Đức Giêsu đã xẩy ra sau khi Ngài “bắt đầu tỏ ra cho các môn đệ biết : Người phải đi Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại” (Mt 16,21). Và tất nhiên, phản ứng chung của các môn đệ là buồn rầu, lo âu, thất vọng, ngoại trừ Phêrô đã kéo riêng Người ra và trách Người : “Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy !” (Mt 16,22), nhưng tức khắc ông đã bị Đức Giêsu nặng lời khiển trách : “Satan, lui lại đàng sau Thầy ! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người” (Mt 16,23).
Thực vậy, dù đã gần tròn ba năm ở với Thầy, nhưng các tông đồ vẫn chưa hiểu hết đường lối của Thầy mình, nên các vị vẫn “bán tín bán nghi” sứ mệnh Cứu Thế của Đức Giêsu.
Sở dĩ các vị chưa thể hiểu hết, vì cho đến lúc này, các vị vẫn ở trong đời thường, nhìn Đức Giêsu với đôi mắt bình thường, chấp nhận đi theo Đức Giêsu như một môn sinh bình thường, và đánh giá Thầy mình cũng bình thường như các sư phụ khác trong đời thường.
Chính vì thế, Đức Giêsu đã biến hình, và cuộc biến hình của Ngài trước mặt ba tông đồ là một biến cố rất quan trọng thay đổi tư duy và củng cố chọn lựa đi theo Ngài của cả Nhóm Mười Hai :
1.   Biến cố Biến Hình đã được thực hiện ở ngoài đời sống bình thường :
Tin Mừng ghi lại rất rõ : “Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, tới một ngọn núi cao” (Mt 17,1).
Đi riêng ra một chỗ nói lên một cách biệt, một không gian đặc biệt, một nơi chốn sinh hoạt không bình thường như những ngày thường, vì vị trí hiện diện đã “khác thường”.
Khi “đi riêng ra một chỗ”, Đức Giêsu tách ba môn đệ ra khỏi đời sống thường ngày, ở đó, các ông đã chỉ thấy ở Thầy mình những gì thuộc thế giới bình thường, mà không thể thấy những “phi thường” ở Thầy.
Điều này nói lên sự cần thiết của nhu cầu “đi riêng ra với Thiên Chúa”, bằng “đi ra khỏi” con người mình, nhà mình, “đi ra khỏi” danh phận, quyền lợi, ảnh hưởng của mình, để “trơ trọi, trần trụi” một mình với Thiên Chúa, bởi chúng ta chỉ thực sự tìm gặp được Thiên Chúa, được chạm vào Thân Thể Thiên Chúa, được thấy tận mắt Thiên Chúa, được diện đối diện với Thiên Chúa trong vinh quang của Ngài, nếu chúng ta chấp nhận “đi riêng ra một chỗ” với Ngài trong tình trạng không tìm kiếm gì, ngoài tìm kiếm Ngài ; không gánh gồng, đeo mang  gì, ngoài khát vọng được thấy Ngài ; không tham vọng, ước mơ gì, ngoài được ở với Ngài, như ba môn đệ đã theo Ngài, “đi riêng ra một chỗ” mà không cần biết mình đi đâu, không cần mang theo cơm nước, áo quần gì, mà chỉ biết được theo Ngài “đi riêng ra một chỗ”.
Đức Giêsu đưa các ông tới một ngọn núi cao (Mt 17,1). Núi cao trong truyền thống Kinh Thánh là nơi Thiên Chúa ngự đến (x. Tv 67,16 ; 1 V 19,8), nơi Thiên Chúa chọn để nói với con người, nơi con người nghe được tiếng Thiên Chúa, như Môsê (x.Xh 19,3 ; Đnl 32,49), nơi thờ phượng Thiên Chúa (x. Xh 3,12 ; Ed 20,40).
Trong Tân Ước, Đức Giêsu cũng thường lên núi để cầu nguyện (x. Mt 14,23), lên núi để giảng dậy (x. Mt 5,1), và những ngày sau hết, “ban ngày Đức Giêsu giảng dậy trong Đền Thờ ; nhưng đến tối, Người đi ra và qua đêm tại núi gọi là núi Ôliu” (Lc 21,37).
Đưa ba tông đồ cùng Ngài lên “một ngọn núi cao”, Đức Giêsu đã chọn cho các ông một không gian đặc biệt, một nơi chốn “thánh thiện” xa khỏi đời thường, một chỗ thinh lặng, thanh vắng, bởi Thiên Chúa chỉ nói với con người trong tĩnh lặng, và sâu lắng của tâm hồn, xa khỏi những huyên náo, ồn ào của dòng đời bon chen, vội vã, vì Thiên Chúa  của chúng ta là “Đấng hiện diện nơi kín đáo” (Mt 6,18), luôn căn dặn môn đệ Ngài “cầu nguyện nơi kín đáo” (x. Mt 6,6), làm phúc cách kín đáo (x. Mt 6,3), ăn chay càng phải kín đáo hơn (x. Mt 18).
2.   Biến cố Biến Hình tỏ cho các tông đồ vinh quang Thiên Chúa của Đức Giêsu :
Khi biến hình, Đức Giêsu đã cho ba tông đồ khám phá dung mạo vinh quang thuộc về Thiên Chúa của Ngài, mà bấy lâu các ông còn nghi ngờ. Dung mạo này hoàn toàn khác với dung mạo các ông thường gặp, khi Ngài ở với các ông, cùng các ông dong duổi trên khắp nẻo đường truyền giáo, nhất là không giống chút nào dung mạo mà các ông sẽ thấy trên đường Ngài vác Thánh Giá, và giang tay chết trên Núi Sọ.
Nhờ được thấy dung mạo vinh quang trên núi khi Đức Giêsu biến hình, mà các ông sẽ nhận ra Ngài sau khi Ngài sống lại từ cõi chết.
Vinh quang Thiên Chúa ấy còn được tỏ ra khi các ông nghe được tiếng phán ra từ đám mây : “Đây là Con yêu dấu của Ta. Các ngươi hãy vâng lời Người !” (Mt 17,5).
Sau cùng, sự có mặt của hai ông Môsê, và Êlia, là hai nhân vật rất quan trọng trong Cựu Ước “hiện ra đàm đạo” với Đức Giêsu đã là bảo chứng chắc chắn và hùng hồn về thiên tính của Thầy mình (x. Mt 17,3).
3.   Biến cố Biến Hình có mục đích củng cố niềm tin của các môn đệ Đức Giêsu :
Qua ba tông đồ Phêrô, Giacôbê và Gioan, là ba vị có uy tín, Đức Giêsu đã dùng biến cố Biến Hình để củng cố niềm tin vào Ngài không chỉ của ba ông, mà của tất cả các tông đồ, môn đệ khác.
Ngài biết các ông sắp phải trải qua cơn sóng gió dữ dội làm chao đảo niềm tin vào Ngài của các ông, khi Ngài “phải đi Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết” (Mt 16,21). Cũng vì niềm tin sẽ bị lung lay, do thử thách nặng nề, và thách đố cam go khi thấy Thầy mình bị kết án tử hình, đóng đinh vào thập giá, mà các ông sẽ rất khó tin : ngày thứ ba Đức Giêsu sẽ sống lại, như Ngài đã nói trước với các ông (x. Mt 16,21).
Vì thế, Đức Giêsu đã cho ba người trong các ông thấy vinh quang của Ngài khi biến hình, để các ông tin tưởng, và nâng đỡ nhau tin vào mầu nhiệm Phục Sinh vinh quang sau khổ hình và tử nạn của Ngài
Tóm lại, với biến cố Biến Hình vinh quang trên núi cao, chúng ta được Đức Giêsu, “Thiên Chúa làm người” mời gọi theo Ngài “đi riêng ra một chỗ”, để được thấy Ngài trong vinh quang của Thiên Chúa chí thánh, toàn năng, được nghe chính tiếng Chúa Cha nói về Ngài, hầu đức tin của chúng ta đủ mạnh để lên đường làm  chứng về Ngài trước muôn dân.
Hành trình làm chứng ấy chắc chắn không dễ, nhưng hứa hẹn nhiều bất trắc, rủi ro, nguy hiểm, “vì tôi tớ không hơn chủ. Nếu họ đã bắt bớ Thầy, họ cũng sẽ bắt bớ anh em” (Ga 15,20). Nhưng hành trình ấy tràn đầy hy vọng và tình yêu, vì được Chúa Cha bảo đảm qua tiếng Ngài phán từ đám mây : “Đây là Con yêu dấu của Ta… Hãy vâng lời Người !”, và chính Đức Giêsu, Đấng sai chúng ta lên đường làm chứng Tin Mừng đã âu yếm trấn an : Chỗi dậy đi, đừng sợ ! (Mt 17,7), như Ngài đã ân cần đến gần và động viên các tông đồ Phêrô, Giacôbê, Gioan khi các vị “ngã sấp mặt xuống đất”, vì kinh hoàng, sợ hãi (x. Mt 17,6), bởi Ngài đã hứa cho những ai theo Ngài “được đi vào vinh quang của Thiên Chúa”.  
Jorathe Nắng Tím