Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 27 tháng 4, 2019

CHÚNG TÔI CHỈ KỂ LẠI

Sách Công Vụ các Tông Đồ là hoạt động truyền giáo của các thánh tông đồ sau khi Đức Giêsu sống lại và về trời. Thực ra hoạt động truyền giáo này không ra ngoài việc kể lại những gì các vị đã thấy, đã nghe khi ở với Đức Giêsu, từ lúc đi theo Ngài cho đến khi Ngài sống lại, và sai các vị đi loan báo Tin Mừng. Trong khi kể lại những gì đã thấy, đã nghe ở Đức Giêsu, các vị không quên nói cho mọi người biết những trải nghiệm của riêng mình để làm chứng với niềm xác tín : Chúng tôi đã gặp gỡ Đức Giêsu, Thiên Chúa làm người, Đấng Cứu Độ muôn dân.
     Trước hết, như giao điểm giữa Cựu Ước và Tân Ước, ở vị thế con gái Sionmẹ Đấng Cứu Thế, Đức Maria đã là người chứng thứ nhất bằng kể lại :
     Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, danh Người thật chí thánh, chí tôn… Đời nọ đến đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người (Lc 1,49).
     Mẹ kể lại ơn hồng phúc lạ của lòng thương xót Thiên Chúa luôn tuôn đổ trong lịch sử của nhân loại từ đời nọ đến đời kia, nghiã là không lúc nào Thiên Chúa không yêu thương và rời mắt chăm sóc con cái mình.
     Kể lại kỳ công cao vời của tình yêu là tâm tình yêu mến, biết ơn sâu đậm và cao qúy nhất của người được yêu ; nói cho người khác biết những việc làm cao cả của người yêu thực hiện cho mình là hành động đáng yêu nhất của người được yêu, và Đức Maria đã làm công việc kể lại rất đáng yêu của người rất được yêu này.
      Nhưng Đức Maria đã không dừng lại ở những điều cao cả Thiên Chúa làm cho Mẹ và nhân loại, mà còn kể cho mọi người : Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới (Lc 1,48), bởi đó là sự thật cũng đáng yêu, đáng qúy như sự thật Thiên Chúa là Đấng chí thánh, chí tôn.
     Đức Maria đã kể lại chính đời sống của Mẹ : đời nữ tỳ hèn mọn được sống trong tình yêu chăm sóc, che chở của Thiên Chúa toàn năng. Hai sự thật gặp gỡ trong một con người : thân phận tội lụy, yếu đuối cần được thương xót, và Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ giầu lòng xót thương hằng thương xót những ai kính sợ Người (Lc 1,49).  
     Như thế, việc truyền giáo, tức loan báo Đức Giêsu cho thế giới phải được rặp theo khuôn mẫu kể lại của Đức Maria, người Kitô hữu đầu tiên, nhà truyền giáo đầu tiên, người làm chứng đầu tiên rất tuyệt vời, và đẹp lòng Thiên Chúa. Khuôn mẫu ấy gồm:
1.     Kể lại việc Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả :
  Bởi phải kể lại những việc cao cả, kỳ diệu Thiên Chúa làm cho mình, cho gia đình, cho bạn hữu xa gần, cũng như cho Giáo Hội, quê hương, thế giới, chúng ta mới nhớ lại, để chân nhận và xác tín cùng với mọi người : Thiên Chúa thật chí thánh, chí tôn ! (Lc 1,49).
     Thiên Chúa chí thánh, chí tôn, hằng thương xót những ai kính sợ Ngài là mục tiêu của truyền giáo, chủ đích của việc loan báo Tin Mừng, nên việc phải làm đầu tiên của người làm chứng chính là kể lại kỳ công do tay Thiên Chúa làm nên, và những điều cao cả, lạ lùng Ngài đã thực hiện vì lòng thương xót.
2.     Kể lại tình trạng bất toàn, chênh vênh, mong manh, yếu đuối, thấp hèn của mình :
  Công việc thứ hai có mục đích làm nổi chủ đích vinh danh Chúa là nói lên thân phận thực của mình, kể lại sự thật đời mình, sự thật hầu như luôn đối nghịch với sự thánh thiện, toàn năng của Thiên Chúa.
    Đức Maria, tuy là người đầy ơn phúc, tràn ngập ân sủng cũng không dám nhận mình là người thánh thiện, mà chỉ dám kể lại cho bà chị họ Êlisabét và hết mọi đời phận nữ tỳ hèn mọn của mình. Sở dĩ nhận mình là phận nữ tỳ hèn mọn, vì Mẹ biết mình luôn đáng thương, và cần được Thiên Chúa xót thương.
    Qủa thực, kể cho mọi người nghe biết mình là người luôn cần lòng thương xót của Thiên Chúa là việc làm không kém quan trọng trong sứ mệnh được sai đi loan báo Tin Mừng, bởi có nhận mình là phận hèn mọn, ta mới cần được thương xót ; có cần được thương xót, ta mới cần đến Đấng chí thánh, chí tôn… hằng thương xót … (Lc 1, 49-50), và khi được Thiên Chúa thương xót, linh hồn ta mới có thể ngợi khen Thiên Chúa,  và thần trí hớn hở vui mừng trong Thiên Chúa, Đấng cứu độ như  Đức Maria (x. Lc 1,46). 
    Tiến trình khởi sự từ nhận thức mình là người yếu đuối  đến niềm vui trong Thiên Chúa là Đấng Cứu Độ phải đi qua trải nghiệm của ơn sủng lòng thương xót, vì nếu chỉ biết mình tội lỗi, mà không cảm nghiệm ơn thứ tha, hoà giải từ lòng thương xót của Thiên Chúa, chúng ta không thể cảm được niềm vui được tha thứ, và hạnh phúc của người con hoang đàng ngày trở về trong vòng tay yêu thương của cha. Cũng vậy nếu chỉ kể về Thiên Chúa toàn năng, chí tôn, chí thánh, mà bỏ qua tình trạng bi thương, đáng thương của mình và phép lạ của lòng thương xót Chúa thì không ai có thể xác tín và tuyên xưng : Chính Thiên Chúa là Đấng Cứu Độ tôi.
3.     Kể lại niềm vui, hạnh phúc khi được Thiên Chúa thương xót :   
     Đức Maria đã không ngần ngại bộc lộ niềm vui làm phấn khởi, rạo rực cả tâm hồn Mẹ khi kể lại những điều cao cả Thiên Chúa đã thực hiện, nhất là đã không e dè khi nói về hạnh phúc được Thiên Chúa đoái thương nhìn tới : Vâng, từ nay, hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc (Lc 1,48).
     Đây là niềm vui chính đáng của tội nhân được xóa hết tội ; hạnh phúc đích thực của người tôi tớ hèn mọn được Thiên Chúa nhìn tới và xót thương ; bình an của kẻ cơ cùng, yếu đuối được Thiên Chúa là Đấng toàn năng, chí thánh, chí tôn bênh đỡ, hộ phù. Họ là những người mang cả trời xuân tạo dựng, là tạo vật tuyệt vời hạnh phúc trong tình yêu của Đấng chủ tạo, là chú chiên bé bỏng, ngơ ngác lạc đàn được chủ chăn nhân lành bồng ẵm trên vai.
    Đây cũng là kinh nghiệm của người đã gặp gỡ, sống với và chia sẻ với  Đức Giêsu, Thiên Chúa làm người họ đang kể về Ngài cho người khác. Thiếu những kinh nghiệm thiêng liêng sống động, mà niềm vui được Thiên Chúa yêu thương, cứu chữa là cảm nghiệm đặc trưng nơi những người nhận được lòng thương xót, người ta sẽ không làm chứng về Thiên Chúa cách hữu hiệu và thuyết phục. Trái lại, với lời kể đơn sơ, chân thực xuất phát từ tâm hồn, và niềm xác tín nhờ kinh nghiệm sống của bản thân mà người nghe sẽ dễ dàng đồng cảm và đón nhận Tin Mừng.
     Tóm lại, Đức Maria đã loan báo Tin Mừng cứu độ của Thiên Chúa bằng kể lại việc cao cả Chúa làm, kể lại thân phận nữ tỳ mọn hèn của mình và kể lại niềm vui được Thiên Chúa yêu thương đoái nhìn tới.
     Noi gương truyền giáo của Đức Mẹ, các tông đồ cũng không làm gì khác hơn là làm chứng Đức Giêsu bằng kể lại những gì đã thấy, đã nghe, đã cảm nghiệm nơi Đức Giêsu, như chính Đức Giêsu đã nói với hai môn đệ của Gioan tẩy giả khi được sai đến gặp và hỏi Ngài : Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác ? (Lc 7,19). Đức Giêsu đã trả lời họ : Các anh cứ về thuật lại cho ông Gioan những điều mắt thấy, tai nghe : người mù được thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết trỗi dậy, kẻ nghèo được nghe tin mừng (Lc 7, 22).
    Trên hành trình truyền giáo được sách Công Vụ các Tông Đồ thuật lại, tông đồ trưởng Phêrô, cũng như các tông đồ khác trong khi làm chứng bằng kể lại cuộc đời Đức Giêsu cho đám đông (Cv 2,22-36) đã làm cho nhiều người đón nhận lời ông, và chịu phép rửa (Cv 2,41).   
       Tuy thế, các tông đồ, trong khi làm chứng bằng kể lại những gì đã thấy, đã nghe ở Đức Giêsu suốt thời gian Người sống giữa chúng ta, kể từ khi Người được ông Gioan làm phép rửa cho đến ngày Người lià bỏ chúng ta và được rước lên trời (Cv 1, 21-22) đều ý thức hai điều quan trọng, đó là:
a.     Người làm chứng luôn có ơn trợ giúp của Chúa Thánh Thần :
   Như Thượng Hội Đồng Do Thái đã làm chứng khi nghe hai ông Phêrô và Gioan kể về Đức Giêsu trước mặt họ :
Họ ngạc nhiên khi thấy ông Phêrô và Gioan mạnh dạn, và biết rằng hai ông là những người không có chữ nghiã, lại thuộc giới bình dân. Họ nhận ra hai ông là những người đã từng theo Đức Giêsu (Cv 4,13).
Và cộng đoàn tín hữu đầu tiên cũng khẳng định điều này : Nhờ quyền năng mạnh mẽ Thiên Chúa ban, các tông đồ làm chứng Chúa Giêsu đã sống lại. Và Thiên Chúa ban cho các ông dồi dào ân sủng (Cv 4,33).
b.     Thiên Chúa là Đấng sẽ làm chứng cho chứng nhân :
   Trong Tin Mừng Gioan, chính Đức Giêsu đã xác quyết trước những người Pharisêu: Tôi làm chứng cho chính mình, và Chúa Cha là Đấng đã sai tôi cũng làm chứng cho tôi (Ga 8,18). Vì thế, người được Đức Giêsu sai đi làm chứng về Ngài cũng sẽ được Thiên Chúa làm chứng cho họ.

       Vâng, Đức Giêsu đã sống lại, và tảng đá đóng kín cửa mồ đã bị bật tung, mở ra cho tất cả những ai muốn đi theo Ngài con đường loan báo Tin Mừng trước mặt. Từ nay, tảng đá kếch sù, đen đúa, nặng nề, ám khí tử thần ấy không còn quyền lực ngăn cấm, đe dọa, khống chế, áp đảo, và làm sợ nữa, bằng chứng là Maria Mácđala đã không còn sợ và thôi khóc, nhưng chạy đi báo các môn đệ : Tôi đã thấy Chúa, và bà kể lại những điều Người đã nói với bà (Ga 20,18), khi thấy tảng đá đã lăn khỏi mồ (Ga 20,1), và thấy Đức Giêsu đứng đó (Ga 20,14).
    Trên con đường loan báo Tin Mừng hôm nay, chúng ta nhận ra anh mù từ thưở mới sinh được Đức Giêsu cho sáng mắt đang kể lại việc kỳ diệu Đức Giêsu đã làm cho anh và qủa quyết trước các người Pharisêu và đám đông : Người tên là Giêsu đã trộn một chút bùn, xức vào mắt tôi, rồi bảo : Anh hãy đến hồ Siloác mà rửa. Tôi đã đi, đã rửa và tôi đã nhìn thấy (Ga 9,11).
   Trên con đường loan báo Đức Giêsu cho thế giới hôm nay, chúng ta gặp lại người bệnh đã ba mươi tám năm được Đức Giêsu chữa trong ngày Sabát. Anh đang kể lại phép lạ  vừa nhận được : Chính người chữa tôi khỏi bệnh đã nói với tôi : Anh hãy vác chõng mà đi ! (Ga 5,11).
    Trên con đường loan báo Đức Giêsu sống lại, chúng ta thấy người phụ nữ Samari đang kể cho bà con lối xóm những gì chị đã thấy và nghe ở Đức Giêsu, người đã xin chị chút nước uống (Ga 4,7). Họ đã tin vào lời chị kể, và  sau khi được gặp Ngài, cả dân làng đã nói với chị :  Không còn phải vì lời chị kể mà chúng tôi tin. Qủa thật, chính chúng tôi đã nghe và biết rằng Người thật là Đấng cứu độ trần gian (Ga 4,42). 
      Vâng, trên con đường loan báo Tin Mừng trước mặt, chúng ta được mời gọi noi gương Đức Mẹ, các tông đồ, và mọi người được Thiên Chúa tỏ lòng từ bi, nhân hậu kể lại kỳ công Chúa đã làm cho chúng ta, và bộc lộ niềm vui của thân phận yếu đuối, tội lụy khi được Thiên Chúa  xót thương, đoái nhìn.  
        Vấn đề là chúng ta có nhận ra ơn Chúa, và những điều cao cả, kỳ diệu Ngài làm cho chúng ta hay không, như tâm tình nhắc nhở của Đức Giêsu gửi trao mỗi người chúng ta khi nói với người đàn bà Samari : Nếu chị nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban, và ai là người nói với chị : Cho tôi chút nước uống, thì hẳn chị đã xin, và người ấy đã ban cho chị nước hằng sống (Ga 4,10).     
 Jorathe Nắng Tím