Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 26 tháng 3, 2020

MÙA CHAY TRUYỀN GIÁO 8

HÀNH TRANG PHỤC SINH
                                        Suy Niệm TIN MỪNG CHÚA NHẬT 3 PHỤC SINH, Năm A
Suốt Mùa Chay, Tuần Thánh và Phục Sinh, chúng ta đã đi với Đức Giêsu trên nhiều con đường : con đường vào thành thánh Giêrusalem, con đường Thánh Giá từ Giêrusalem lên Núi Sọ, con đường từ Núi Sọ đến mộ phần, con đường từ mộ phần mà tảng đá lấp kín cửa “đã lăn ra khỏi mộ” đến Galilê, ở đó Đức Giêsu phục sinh hẹn gặp chúng ta, cũng như đã hẹn gặp các môn đệ của Ngài.
Như đã sai các môn đệ từ Galilê, Đức Giêsu cũng sai chúng ta đi khắp tứ phương thiên hạ loan báo “Tin Mừng Chúa đã chết và đã sống lại. Chính Ngài là Đấng Cứu Độ muôn dân”, và truyền cho chúng ta làm cho muôn dân trở thành môn đệ của Ngài (x. Mt 28,19). Nhưng hành trang nào chúng ta cần trang bị để đi trên con đường Truyền Giáo không biên giới này ?
Nói về hành trang của người môn đệ được sai đi thì qủa là câu chuyện “lạc đề truyền giáo”, vì Đức Giêsu “đã chỉ thị cho các ông không được mang gì đi đường, chỉ trừ cây gậy ; không được mang lương thực, bao bị, tiền đồng để giắt lưng ; được đi dép nhưng không đuợc mặc hai áo” (Mc 6,8-9).
Không những rõ ràng, chính xác, mà còn dứt khoát, triệt để, quyết liệt. Với chỉ thị này, các môn đệ lên đường mà không hành trang ; đi đường mà không rương hòm ; đi xa mà không sắc tay, bóp ví ; truyền giáo mà túi rỗng, tay không ; loan báo Tin Mừng mà không một phương tiện “truyền thông” cần thiết.
Vì thế, khi đọc chỉ thị về hành trang truyền giáo của Đức Giêsu truyền cho các môn đệ của Ngài, cảm tưởng “có cái gì qúa đáng, bất khả thi, lỗi thời” nẩy sinh và làm chúng ta chút ít nghi ngờ tính khả thi và hữu hiệu của chỉ thị.
Chúng ta nghi ngờ tính bất khả thi của chỉ thị “không được mang gì”, vì nhà truyền giáo lên đường không hành trang như Đức Giêsu căn dặn thì chỉ có nước chết đói trước khi đến được nơi truyền giáo ; thi hành chỉ thị “không bao bị” của Đức Giêsu thì hầu như mọi việc sẽ bị đình trệ, hoặc bế tắc, vì không tiền, không bạc, không phương tiện vật chất thì chẳng làm được việc gì trong xã hội mà “mọi việc đều phải giải quyết bằng tiền hoặc bằng rất nhiều tiền” ; thực hiện không sai sót huấn lệnh “không thu gom, góp nhặt tiền bạc” của Đức Giêsu thì người môn đệ sẽ nắm chắc “ăn đường ngủ chợ”, vì tìm đâu ra người tốt bụng cho “ăn nhờ ở đậu” mà không tính toán, không trao đổi sòng phẳng khi đón tiếp vào nhà, và rộng rãi nuôi ăn, vì người tử tế, tốt bụng thật qúy hiếm, tựa mò kim đáy biển ở xứ sở “không ai dám tin ai” và thời đại thực dụng, ích kỷ “tận răng” hôm nay.
Chúng ta cũng nghi ngờ tính hữu hiệu của chỉ thị “truyền giáo không hành trang”, vì hôm nay không phải hôm qua, thời này và thời xưa khác xa hoàn toàn, nên truyền giáo mà không điện thoại, không xe pháo, không thẻ ngân hàng, thì khó mà xong việc ; truyền giáo mà nay đau mai ốm, lại  không tiền, thì nhiều người không thích làm bầu bạn, cả anh em và bề trên đến một lúc cũng  mệt mỏi, ngao ngán, nhạt nhẽo ; nhất là khi về già, người môn đệ không còn “năng xuất”, tức khả năng sản xuất, khả năng làm việc, tình hình sẽ khó và xấu hơn nhiều, kéo theo mức độ lệ thuộc trầm trọng làm người môn đệ hết thời nghẹn ngào tủi thân, xót xa số phận.
Vậy đâu là ý của Đức Giêsu khi ra chỉ thị xem ra gắt gao, chặt chẽ này?
Khi căn dặn các môn đệ đừng mang theo gì khi lên đường truyền giáo, Đức Giêsu muốn các ông nắm vững hai điều :
· Chính Ngài sai các ông đi, và chính Ngài sẽ lo liệu tất cả cho các ông.
Khi biết các ông lo lắng phải ăn gì, mặc gì, ở đâu, làm cách nào có tiền để giải quyết công việc, nhu cầu trên đường truyền giáo, Đức Giêsu đã trấn an bằng  ban cho các ông quyền “chữa lành người đau yếu, làm cho kẻ chết sống lại, cho người phong hủi được sạch bệnh, và khử trừ ma qủy” (Mt 10,8). Với quyền này, các ông sẽ an tâm, vì biết Thiên Chúa ở với các ông, và người ta sẽ nhận ra các ông là người được Thiên Chúa sai đến để phục vụ họ. Và như người được sai đến để phục vụ, các ông sẽ được mọi người kính nể, ngưỡng mộ, yêu mến, giúp đỡ. 
Đồng thời, trước khi ra chỉ thị đừng kiếm chác vàng bạc, cũng đừng mang theo bao bị lỉnh kỉnh, Đức Giêsu còn xác tín với các ông một điều quan trọng là các ông đừng lo gì, vì các ông sẽ nhận được rất nhiều, và sẽ không thiếu thốn gì, khi bảo các ông : “Anh em đã được cho nhưng không, thì cũng phải cho nhưng không” (Mt 10,8).
Tóm lại, Đức Giêsu là người bảo đảm an sinh bản thân và xã hội cho những người Ngài sai đi, vì Ngài biết chúng ta cần gì, và ngày mai, cũng như sự sống, sự chết của chúng ta luôn thuộc về Ngài (x. Mt 6,25-34).
· Sứ mệnh duy nhất, công việc duy nhất của Ơn Gọi làm môn đệ là loan báo Nước Trời: 
Sở dĩ chỉ thị “truyền giáo không hành trang vật chất” được Đức Giêsu ban bố một cách nghiêm nghị, cứng rắn, vì Ngài muốn nhấn mạnh ý muốn của Ngài, đó là  ngoài sứ mạng loan báo Tin Mừng, ngoài công việc rao giảng Nước Thiên Chúa, ngoài sứ vụ tuyên xưng và giới thiệu “Đức Giêsu đã chết và sống lại” cho muôn dân, các môn đệ không còn một công việc, sứ mạng, sứ vụ nào khác phải làm và được phép làm, nghiã là không được chèo kéo thêm một nghề nghiệp nào khác ; không được móc ngoặc thêm dịch vụ to nhỏ, gầy béo, xa gần nào khác ; không được thủ thân, thủ phận bằng một toan tính, kế hoạch, cơ đồ nào khác, vì tất cả những gì  lệch ra ngoài việc Loán Báo Nước Trời sẽ  làm sao lãng sứ vụ phục vụ Tin Mừng, làm xa dần sứ mạng loan báo Đức Giêsu, làm lạc lối bước chân người môn đệ được sai đi truyền giáo.
Cũng bởi cám dỗ lo cho an ninh bản thân, lo cho an sinh trăm phần trăm được bảo đảm, lo cho ngày mai tự do, độc lập, không lệ thuộc ai, không tùy thuộc cơ chế nào là cám dỗ rất khủng khiếp không chỉ với người môn đệ, mà với tất cả mọi người, nên Đức Giêsu đã tỏ ra dứt khoát với chỉ thị này.
Không muốn các môn đệ quên mình được chọn và sai đi cho duy nhất một Ơn Gọi, một sứ mạng, một sứ vụ : Loan Báo Đức Giêsu chịu đóng đinh, rao giảng Nước Thiên Chúa đã đến gần, và “làm cho muôn dân trở thành môn đệ” (Mt 28,19), Đức Giêsu còn biết rõ : chỉ có thể thực hiện được đòi hỏi thiêng liêng “loan báo Nước Trời”, nếu các môn đệ được sai đi hoàn toàn tách mình khỏi vấn vương vật chất, gỡ mình khỏi dan díu của cải, tự nguyện buông bỏ ràng buộc của thế gian dưới mọi hình thức, kiểu cách, mức độ, để toàn tâm, toàn ý, toàn thân thuộc về Đức Giêsu phục vụ Tin Mừng.
Hiểu như thế, chúng ta sẽ không còn thấy cái áo, cái quần, cái bao, cái bị, cây gậy, đôi giầy… là chính yếu, nhưng chính yếu là tinh thần từ bỏ và phó thác ; không còn nhìn ngó người anh em môn đệ bên cạnh có gì, người anh em cùng đi truyền giáo mang gì, vì tất cả chỉ là thứ yếu, khi cái chính yếu là tình trạng thư thái, nhẹ nhàng, không bị của cải ràng buộc, không bị tiền bạc trói chặt, không bị những giá trị trần tục linh tinh khác cầm chân, để người môn đệ có thể nâng tâm hồn lên với Chúa và tự do đến với mọi người mà không phải qua bất cứ cửa ải, trạm kiểm soát, hàng rào an ninh, quan thuế nào.
Xác định được điều chính yếu của chỉ thị “truyền giáo không hành trang vật chất” rồi, chúng ta mới thấy được giá trị của hành trang thiêng liêng mà Đức Giêsu muốn các môn đệ Ngài phải có trên đường truyền giáo.
Nếu Tin Mừng Mátthêu (10,1-16) tường thuật chi tiết cảnh Đức Giêsu sai mười hai tông đồ đi truyền giáo và chỉ thị “không được mang theo hành trang vật chất”, thì Tin Mừng Luca (24,13-35) vẽ lại cảnh Đức Giêsu đồng hành với hai môn đệ trên đường từ Giêrusalem về Emmau, sau khi Ngài sống lại, cũng với chỉ thị về hành trang, nhưng là chỉ thị về  “hành trang thiêng liêng phải mang theo” trên đường truyền giáo, khác với chỉ thị ở Tin Mừng Mátthêu : không được mang theo hành trang vật chất:
Trên con đường buồn thê lương, ảm đạm về Emmau, một làng “cách Giêrusalem chừng mười một cây số” (Lc 24,13), hai môn đệ kể cho nhau những chuyện buồn đã xẩy ra cho Thầy mình và cho nhóm các ông, những môn đệ của Đức Giêsu, hai ông phần vì  chán nản, thất vọng, phần vì “chậm tin vào lời các ngôn sứ” (Lc 24,25), và quên bẵng Lời Hứa “ngày thứ ba sẽ sống lại từ cõi chết” của Đức Giêsu, nên đã không nhận ra Ngài, khi Ngài đồng hành và nói chuyện với các ông.
Trong suốt hành trình, Đức Giêsu sau khi lắng nghe tâm sự buồn của hai ông, đã cắt nghiã Kinh Thánh cho hai ông “bắt đầu từ ông Môsê và tất cả các ngôn sứ. Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh” (Lc 24,27), và nhắc hai ông một điều rất quan trọng : “Nào Đấng Kitô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao ?” (Lc 24,26).  
Nhận lời mời của hai môn đệ “khi gần tới làng họ muốn đến” (Lc 24,28), Đức Giêsu đã ở lại với họ. Và “khi đồng bàn với họ, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ. Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người…” (Lc 24,30-31).     
“Nhận ra Người, tức nhận ra Đức Giêsu là Thiên Chúa, Đấng đã chết và sống lại” là mục đích của truyền giáo, là mơ ước, khát khao, thao thức, khắc khoải của nhà truyền giáo. Và hôm ấy, trên đường Emmau, chính Đức Giêsu đã đóng vai nhà truyền giáo khi làm cho hai môn đệ “nhận ra Người”.
Đức Giêsu đã làm cho hai ông nhận ra Người là Thiên Chúa khi cắt nghiã Kinh Thánh, và đồng bàn chia sẻ lương thực với hai ông. Ngài đã thi hành sứ vụ truyền giáo cho hai môn đệ của mình, vì các ông “chẳng hiểu gì cả” và lòng trí lại chậm tin (x. Lc 24,25).
Như thế, hành trang truyền giáo mà Đức Giêsu không những chỉ thị cho chúng ta phải trang bị, mà còn tự mình thực hành sứ vụ truyền giáo với hành trang đó trên đường Emmau chính là Lời Ngài và Mình Máu Ngài. Hai hành trang thiêng liêng không thể thiếu cho người môn đệ, hai bao bị không thể bỏ quên trên đường truyền giáo, cũng là đôi dép và cây gậy không thể rời xa người được sai đi.
Lời Chúa và Thánh Thể là hành trang Đức Giêsu muốn và chỉ thị người được sai đi phải có, phải mang theo, phải gắn bó thiết thân, phải yêu mến tận tình, phải phục vụ tận tụy, vì Lời Chúa và Thánh Thể là nguồn mạch cứu độ, là ánh sáng và sự sống đời đời, bởi Lời và Mình Máu Chúa là chính Chúa, Đức Giêsu - Thiên Chúa làm người, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại.
Nếu hai môn đệ trên đường Emmau, khi ngthe Đức Giêsu nói chuyện và giải thích Kinh Thánh đã thấy “lòng bừng cháy lên” (Lc 24,32) thì trái tim người được rao giảng cũng chỉ bùng sáng khi Lời Thiên Chúa được gieo vào tâm hồn họ. Nếu mắt hai môn đệ trên đường Emmau đã chỉ “mở ra và họ nhận ra Người ”, khi Đức Giêsu “cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ” (Lc 24,30-31), thì mắt người được loan báo Tin Mừng, mắt người chưa nhận ra Đức Giêsu, mắt người ngoại đạo sẽ chỉ mở ra khi Thánh Thể được cử hành, để nhận ra Đức Giêsu là Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ duy nhất quyền năng và nhân hậu.
Vì thế, ngoài hành trang Lời Chúa và Thánh Thể, người môn đệ không thể trông cậy vào bất cứ hành trang nào khác, dù là những hành trang đầy giá trị của quyền lực, của cải, thế giá, ảnh hưởng, tài giỏi, khôn ngoan… để làm cho người khác nhận ra Đức Giêsu là Thiên Chúa và “làm cho muôn dân trở thành môn đệ của Ngài”, bởi việc thánh hoá tâm hồn, đổi mới con tim, cải thiện đời sống thuộc quyền của Thiên Chúa, tuy có cần sự cộng tác của con người, nên phương tiện, cách thế được xử dụng cũng phải là phương tiện, cách thế của Thiên Chúa.    
Vâng, là người Kitô hữu với ơn gọi và sứ mạng loan báo “Đức Giêsu chịu chết và sống lại”, chúng ta không thể bỏ quên Lời Chúa và Thánh Thể là hành trang vô cùng quan trọng, không thể thiếu, không thể xa chúng ta dù một bước trên đường truyền giáo. Nếu không, tất cả thiện chí, ước mơ, cố gắng, công trình truyền giáo của chúng ta sẽ trở nên vô ích, và không mang lại ơn ích thiêng liêng cho ai, kể cả cho chính chúng ta, vì ngoài Lời Chúa và Thánh Thể, chúng ta không giúp  lòng trí ai “bừng cháy lên được”, cũng như không thể cộng tác với Thiên Chúa làm cho mắt muôn người “mở ra và nhận ra Người”.
Jorathe Nắng Tím