Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 3 tháng 1, 2019

MÁI ẤM



Có bay nhảy đến đâu trong trời rộng, “phiêu du lãng tử” cỡ nào trong đời sống, người ta cũng mơ và cần một mái ấm gia đình. 


Gọi là mái ấm, vì ở đó không có cái nóng thiêu đốt, đổ lửa, cũng không có cái lạnh buốt thấu xương. Mái ấm có độ ấm của da thịt người, có hơi ấm của tình người, có nồng ấm của hạnh phúc đời người, và chỉ ở trong mái ấm, ở dưới mái ấm, con người mới thực sự được lớn lên làm người một cách quân bình và toàn diện nhờ cái ấm áp kỳ diệu. 
Cũng vì “kỳ diệu của độ ấm”, mà mái ấm được gọi là “tổ uyên ương, tổ ấm hạnh phúc, nôi ấm yêu thương, bến bờ hy vọng”.
Nhưng mái ấm cùng lúc phải đối mặt với một thách đố rất lớn, đó là không thể đánh mất độ ấm kỳ diệu của mình, nếu không, mái ấm, tổ ấm lập tức biến thành hỏa ngục, lò lửa đốt cháy, thiêu rụi những người trong đó, hoặc khối băng sơn khổng lồ đổ ập lên, làm chết cứng mọi người. Đó là tình cảnh rực lửa ghen ghét, đố kỵ, gây hấn, hận thù giữa những người thân trong gia đình  là cảnh lạnh lùng trong lời nói, lạnh lẽo trong thái độ, lạnh tanh trong tình cảm, lạnh ngắt trong ánh mắt của những người tuy chung một nhà, nhưng lòng vạn dặm cách xa. 
Thực vậy, là người, ai cũng cần một mái ấm. Em bé chào đời, trưởng thành vào đời, già yếu lìa đời, tất cả đều cần, đều mơ ước, và tìm về mái ấm. 
Cần một mái ấm để được yêu thương, và yêu thương; cần một mái ấm để biết nhận và cho đi; cần một mái ấm để được nâng đỡ, chia sẻ và chia sẻ, nâng đỡ. Ở dưới mái ấm, ai cũng có quyền được yêu thương và có bổn phận yêu thương; ai cũng có quyền được giúp đỡ và có trách nhiệm giúp đỡ; ai cũng có quyền được làm phiền người khác và nghĩa vụ  để người khác làm phiền; ai cũng có quyền được an ủi khi khóc lóc sầu buồn, và bổn phận ủi an người khác khi họ sầu buồn khóc lóc; ai cũng có quyền được săn sóc, cưng chiều và nghĩa vụ săn sóc, cưng chiều. Chính nhờ những quyền lợi và bổn phận được tận tâm thực hiện cho nhau mà mái ấm không bao giờ mất đi hay  sút giảm độ ấm cần thiết cho hạnh phúc của mọi người, và mỗi người thuộc về mái ấm. 
Nếu bạn phải tha phương cầu thực, cầu học, hay cầu bất cứ cái gì khác, kể cả cầu thẻ xanh, quốc tịch, bạn cũng mong được về lại mái ấm gia đình, thăm lại mái nhà xưa, mái ấm cũ, tổ ấm năm nào ngày còn thơ bé. Và dù xa xôi, lâu lắm không về, lòng người viễn xứ vẫn mãi không nguôi ngoai nỗi nhớ mái nhà xưa, niềm thương tổ ấm cũ. Tất nhiên, người ta chỉ có thể nhớ mái ấm, thương tổ ấm, chứ không thể nhớ thương “mái nóng, mái lạnh” đã tàn nhẫn đốt cháy, làm tê cóng cuộc đời họ. 
  Nhìn ra ngoài, năm chưa mới, Tết chưa đến, mà đường thành phố đã vắng tanh, vì ai nấy nôn nao bỏ thành thị, phố xá về quê, nơi có mái ấm gia đình, có ông có bà, có mẹ có cha, có anh có chị, có em có cháu vui vầy, ấm áp khôn tả.  Và không chỉ người xa quê tìm về mái ấm, cả người xa đất nước cũng lũ lượt tìm về quê làng xưa, mái ấm cũ. 
Ôi đẹp làm sao những mái ấm đơn sơ, nhưng sâu lắng tình gia đình; những mái ấm nghèo, nhưng giầu tình mẹ cha; những mái ấm xiêu vẹo nhưng kiên cường tình huynh đệ; những mái ấm nhỏ bé, nhưng bao la niềm hy vọng; những mái ấm cũ nát, nhưng luôn mới lòng trắc ẩn, xót thương; những mái ấm không sơn phết loè loẹt, nhưng tươi thắm niềm nhung nhớ; những mái ấm không lung linh ánh đèn mầu, nhưng rực sáng hào quang hy sinh, quên mình; những mái ấm không tường cao cửa kín, nhưng không nơi nào an toàn hơn cho đứa con hoang đàng, lỡ bước những mái ấm không nguy nga, hoành tráng, nhưng không đâu tốt hơn cho tâm hồn tan nát nghỉ ngơi; những mái ấm không đài các, xe xua, nhưng chẳng nơi nào trân quý, và ân cần săn sóc xác thân con rã rời, và đời con cơ nhỡ, tơi tả bằng ở đây. 
Năm mới Tết đến, xin mang đến Mái Ấm quê hương tôi những gì đẹp nhất, mới nhất. Xin đừng làm tăng nhiệt chia rẽ, hận thù, cũng đừng giảm nhiệt đến cóng lạnh trong các mái ấm gia đình trên đất nước tôi. Xin hãy trân quý, giữ gìn và xây dựng mái ấm gia đình, mái ấm quê hương bằng đem lại ấm no, ấm áp, ấm lòng cho mọi người dân Việt ngàn đời yêu dấu. 
Jorathe Nắng Tím


“LẠY CHA, nếu có thể được ...”

Đời con là những chuyến đi, có những chuyến đi vui, chuyến đi không vui, nhưng không chuyến đi nào đã thê thảm, não nề như chuyến đi với Chúa vào vườn Cây Dầu, như năm xưa Chúa đã đưa Phêrô, Gioan, Giacôbê đi riêng với Chúa để cùng Chúa toát mồ hôi máu trước giờ lên đường chịu chết làm lịch sử cứu độ. 
Đi với Chúa vào vườn Cây Dầu, con mới thấm thía nỗi đau cô đơn, cô độc khi bị bỏ rơi; nỗi khổ khi bị tẩy chay, cô lập; nỗi nhục khi bị quy tội, lên án; nỗi buồn khi lực bất tòng tâm, nỗi thất vọng khi ngày mai không một tia hy vọng. Nhưng có lẽ, thấm thía nhất trong con chính là nỗi tủi bị chính cha mẹ, người thân hắt hủi, tra vấn, nghi ngờ. 
 Đi với Chúa vào vườn Cây Dầu, con mới biết thế nào là giọt đắng đọng khô trong cổ họng cháy rát, khi sức tàn, trí khôn bấn loạn, tâm hồn xao xuyến hoang mang, tim gan xe thắt nghẹn ngào chỉ vì con quá khổ đau.
Đi với Chúa vào vườn Cây Dầu, con mới nghe rõ  được âm thanh xé nát lòng của lời cầu trong cơn thử thách cực kỳ cam go: “Lậy Cha, nếu có thể được …”
Đi với Chúa vào vườn Cây Dầu, con mới nếm được vị đắng của ly rượu Thương Xót, ly rượu mà ai chưa uống sẽ chẳng hiểu được thế nào là tình yêu xoá mình.
Đi với Chúa vào vườn Cây Dầu, con mới nhìn tận mắt dung mạo não nề, căng thẳng, nhưng quả cảm của Chúa, dung mạo mà con chưa một lần dám hình dung trước đó.
Một năm sắp qua, và lời cầu nguyện của con với Chúa trong vườn Cây Dầu cũng vẫn thế, vẫn điệp khúc quen thuộc: “Lậy Cha, nếu có thể được ...” của trái tim hao mòn, se thắt. 
Nhưng đêm nay Giao Thừa, trong rạo rực, nôn nao của vạn vật và loài người đang Vượt Qua từ cũ  sang mới, con chợt giật mình nhớ lời Chúa thì thầm bên tai khi con ở với Chúa.
Chúa đã chẳng bảo con chọn một mình Chúa đó sao ? Và nếu chỉ chọn một mình Chúa, con đâu có thể bỏ Chúa đi một mình trên đường lên núi Sọ. 

Chúa đã chẳng bảo con : “Cha ở đâu, thì con cũng ở đó với Cha”. Không lẽ con bỏ Chúa một mình tơi tả trước toà án Philatô ? 
    Chúa đã chẳng mời con cộng tác trong công trình cứu thế giới, và con đã trả lời: “Này con đây !” Không lẽ công trình đang dang dở, đang cần bàn tay con, thì con lại rút lui, hủy hợp đồng ? 
Chúa đã chẳng ngỏ ý xin con quảng đại không chỉ góp công góp của, nhưng góp xương góp máu, góp luôn cả uy tín, danh dự, tính mạng, để muôn người được sống và sống dồi dào, và con đã vui vẻ “Xin vâng”. Không lẽ hôm nay con rút lời, khép lại cửa lòng ? 
Chúa đã chẳng kêu gọi và con đã đáp lời chấp nhận trở thành của lễ hy sinh, để chuộc tội người khác. Không lẽ củi, lửa đã dọn, mà lễ vật là con lại biệt tăm, mất dạng ? 
Chúa đã chẳng chọn con làm bạn tri âm tri kỷ, và chia sẻ với con giấc mơ cứu thế sao ? Không lẽ đến giờ lãnh sứ vụ và lên đường thì con lại do dự, nhụt chí ? 
Cũng trong thinh lặng của đêm nay, trước ngưỡng cửa của năm mới, con nhận ra điều Chúa muốn nói với con :  “Hãy theo Cha !” Và đừng quan tâm gì đến những gì ngoài Cha, bởi Cha đủ sức làm thỏa lòng con, vì Cha là Thiên Chúa. Cha có thể làm tất cả mọi sự như Cha muốn. Con còn tìm kiếm, đợi chờ sức mạnh nào nữa, ngoài Cha ?  
Sẽ chẳng có ai, hay quyền lực nào làm hại được con, vì bàn tay Cha luôn đặt trên vai con và hướng dẫn con. 
Tất cả những gì là con, thuộc về con đều thuộc về Cha, và Cha làm cho tất cả tan biến trong tình yêu của Cha, để không một vết tích nào của con mà không mang thương tích lòng Thương Xót của Cha, vì Cha muốn chọn con làm dung mạo của Cha, cũng như Chúa Cha đã chọn Cha làm dung mạo lòng Thương Xót của Ngài. 
Cha đã chọn riêng con đi với Cha vào vườn Cây Dầu, vì cha tín nhiệm con, yêu con hơn nhiều người khác. Và càng yêu con, Cha càng muốn con nên giống Cha trong lòng thương xót, mà thương xót thì sao tránh khỏi xót xa, nặng lòng ? 
Cha cũng có kế hoạch riêng của Cha trên đời con, kế hoạch mà con chỉ biết hết khi mọi sự đã hoàn tất, như ngày nào năm xưa giờ phút Cha giang tay chịu đóng đinh trên thập giá, đâu có ai, kể cả các môn đệ thân tín đã hiểu được giá trị của ơn cứu độ và thấy được vinh quang của ngày phục sinh. Hãy tin ở Cha, và ở lại trong tình thương của Cha, vì Cha đã yêu con trước và là Đấng kêu gọi, tuyển chọn con cho Cha. 

Vâng, lậy Chúa, sớm mai, trong thánh lễ đầu năm, con sẽ cùng anh em dâng Chúa phần sau lời cầu nguyện của Chúa với Chúa Cha, cũng là sứ mệnh Chúa muốn con thực hiện suốt đời làm người Kitô hữu : 
“Xin cho Ý Cha được thể hiện, chứ không phải ý con”. 
Jorathe Nắng Tím