Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 13 tháng 2, 2020

NGÔN NGỮ TÌNH YÊU CỦA ĐỨC KITÔ


Khi bắt đầu yêu ai, ta làm tất cả để họ yêu ta. Nếu một mình làm không xong, ta nhờ bạn bè, gia đình sắp xếp, đẩy đưa thêm. Công việc quả không dễ, nhất là khi đối tượng lại đẹp, có nhiều khả năng và thuận lợi hơn ta.
Một trong số những chiến thuật thường được số đông xử dụng là nói về mình, nói về những cái mình có, cốt để tạo một niềm tin, đưa ra một bảo đảm với hy vọng đối tượng sẽ yêu ta, theo ta, sống với ta vì thấy ta cũng có “cửa”, có “số má”.
Khi nói về mình ta phải liệu lời cho khéo, cho hay, cho thuận tai. Để được như vậy, tiên vàn phải tránh những khuyết điểm, những thiếu thốn và phải che đậy những điểm tiêu cực, phải xoá bớt những vết nhăn, vết nám, vết sần sùi trên thân xác, gia thế, cuộc đời.
Đức Kitô cũng bắt đầu biểu lộ tình của Ngài bằng nói, bằng tâm sự; nhưng nội dung và cách vào chuyện của ngài có phần khác chúng ta.
Hôm ấy Ngài đi vào một làng thuộc miền Samaria. Trong khi các môn đệ đi mua bán ngoài chợ, Đức Kitô lân la lại gần bờ giếng và chuyện trò với một người đàn bà đang kín nước. Ngài vào đề bằng cách xin chị ta cho Ngài chút nước. Xin ai điều gì tức là cần đến họ. Cần đến người khác vì mình còn thiếu, chưa đủ. Đức Kitô đang khát và Ngài cần có nuớc để đỡ khát. Tuy ở ngay bờ giếng nhưng Ngài không có gầu, không có dây kéo nước trong khi giếng quá sâu. Để có nước, Ngài phải cần đến người đàn bà đang kín nước vì chị đang có tất cả mọi phương tiện và điều kiện.
Khi khiêm tốn ngỏ lời: "Chị ơi, cho tôi xin tí nước", Đức Kitô đã tế nhị nhập đề câu chuyện giữa Ngài và người đàn bà đang nhiều ray rứt vì đã qua năm đời chồng. Và từ đó Ngài đã đi vào đời chị.
Hơn ai hết, Ngài có quyền và có khả năng đi thẳng vào đề cho chị ta biết "Tôi là Đấng Thiên Chúa sai đến"; Ngài cũng không bị ngăn cấm để làm một "phép lạ nho nhỏ"; hoặc ít nhất Ngài cũng có thể "huỵch toẹt" cho chị ta biết Ngài là một tiên tri biết tất cả bí ẩn của đời chị.
Quả thật nếu là ta trong trường hợp này, chắc chắn ta đã lên lớp, thuyết trình một hồi lâu về "lý lịch huy hoàng, thân thế tuyệt vời, thành tích hoành tráng" của đời ta và người đàn bà kia chỉ còn biết phục lăn, tấm tắc khen ngợi và theo ta suốt đời.
 Ngỏ lời xin nước, Đức Kitô đã muốn đi vào đời chị, vào đời mỗi người bằng chia sẻ chân thành về nhu cầu của chính mình. Là Thiên Chúa, Ngài không cần ta, nhưng vì là "Thiên Chúa làm người" nên Ngài muốn trở thành như chúng ta với tất cả mọi nhu cầu của một con người, một đời người, từ nhu cầu sinh tồn như ăn uống, ngủ nghỉ, nhu cầu tình cảm cần yêu và được yêu đến những nhu cầu thiêng liêng như đi tìm Tuyệt đối nên Ngài cần ta và xin ta.
 Như đã chia sẻ ở trên, nhìn vào nhu cầu của người mình yêu là yêu họ thật, nhưng như thế vẫn chưa đủ. Tình yêu thật còn đòi hỏi một điều kiện bên cạnh là nói với người yêu những nhu cầu của mình. Có như thế ta mới có thể giữ mãi được nét đẹp của tình nhân loại. Bởi khó có thể cảm thông với người khác nếu tôi chẳng có nhu cầu gì để trông chờ, chẳng có gì tìm kiếm, đợi chờ nơi người tôi yêu. Bởi không thể chia sẻ bình đẳng nếu tôi chỉ cho đi mà không bao giờ nhận lãnh. Không có nhu cầu trong cuộc sống hay không đợi chờ gì nơi người mình yêu, ta sẽ quên đi thân phận bất toàn của đời mình và sẽ kiêu ngạo tự phong mình làm thủ lãnh trong tình yêu, độc tài trong đời sống trong khi tình yêu lại không bao giờ chấp nhận chung sống với khuynh đảo, chung chăn với đàn áp kiểu chồng chúa vợ tôi, gia trưởng độc tài.
 Nhìn thẳng vào nhu cầu của người yêu và khiêm tốn nói về nhu cầu của mình, tình yêu sẽ giữ được thăng bằng cần thiết nhờ thao thức dâng hiến, xây dựng đối tượng cùng với lòng khiêm hạ cần được nâng đỡ của chủ thể. Và khi đó, yêu sẽ là cho đi hết mình và yêu cũng là đón nhận hết tình. Hai người yêu nhau cùng thấy nhu cầu của nhau để chính những nhu cầu đó sẽ được đáp ứng bởi nhau, nhờ nhau và cho nhau. Tình yêu quân bình và đích thực trong ý nghĩa này sẽ biến cái tôi, cái anh thành "nhau", một cái "nhau" tròn đầy, viên mãn bởi "tình yêu nhau" này có sức mạnh thăng tiến và kiện toàn cả hai người yêu nhau.
 Đức Kitô đã xin nước uống, người phụ nữ đã không từ chối lời xin chân tình khiêm tốn của Ngài. Tình yêu chớm nở trong hồn chị khi chị ân cần mời Ngài uống nước. Chị đâu ngờ rằng, ngay khi ngỏ lời xin chị nước, Đức Kitô đã nhìn vào nhu cầu của đời chị. Ngài lân la đến chuyện trò với chị là vì chị, vì thương chị, vì muốn chia sẻ tâm sự hằn sâu, trĩu nặng của chị. Gầu nước chị cho đã giải quyết nhu cầu uống của Ngài, đã làm dịu cơn khát rát bỏng trong cổ họng Ngài. Nhưng cùng một lúc, trái tim Ngài đã cho chị một thứ nước khác mầu nhiệm, trường cửu hơn: nước hằng sống. Chính nước này từ tình yêu cảm thông chia sẻ trong tim Ngài đã đem chị ra khỏi mọi lo âu, mặc cảm từ lâu vốn rối bời, cắn rứt tâm can, đời sống chị. Nhờ Ngài, chị trút được nhiều gánh nặng, gánh nặng mặc cảm tôn giáo, khi Đức Kitô căn dặn chị: "Đã đến lúc không còn thờ Thiên Chúa hoặc trên núi này hoặc trong thành thánh kia; nhưng tôn thờ Ngài trong tâm hồn và chân lý" (Ga 4,23 ); thứ đến là gánh nặng luân lý khi Ngài giải tỏa ẩn ức về cuộc đời nhiều chồng của chị. Nhưng điều quan trọng mà Ngài đã làm nơi chị là yêu thương chị. Ngài đã cho chị biết tình yêu không có biên giới, và không một lề luật, định chế nào có quyền hay có thể cấm cản sự sống của tình yêu. Chính chị đã ngạc nhiên hỏi Ngài: "Tại sao ông là người Do Thái lại đến xin tôi nước, trong khi tôi là người Samaria? Ông không biết giữa chúng ta có một mối thù truyền kiếp lâu đời sau?” (Ga 4,9 ).
 Với Đức Kitô, không có mối thù nào có thể đứng vững trước thổn thức của trái tim và ngài đã minh chứng điều đó bằng tìm đến yêu thương chị.
 Lạy Đức Kitô, con xin gửi ghắm tình con trong tim Chúa. Xin cho tình con luôn là tình người để luôn sống với nhu cầu của đời người. Như Chúa, con học can đảm chia sẻ nhu cầu của người và khiêm tốn nói lên nhu cầu của chính con. Bởi trong tình yêu không có "ân nhân người chịu ơn " mà chỉ có một thứ tình duy nhất và trong tình yêu này, con cần yêu và muốn được yêu. Xin cho tình con luôn "người " như tình Chúa, tình của một "Thiên Chúa làm người” đã yêu con.

CÁI NHÌN TÌNH YÊU CỦA ĐỨC KITÔ


Mắt để nhìn, nhưng có nhiều cách nhìn và mục đích khác nhau. Có cái nhìn đe dọa mục đích làm người khác sợ; có cái nhìn soi mói với mục đích khám phá, lột trần; có cái nhìn âu yếm để tỏ tình; có cái nhìn nhân hậu mang ý nghĩa thứ tha. Đại loại ta có thể xếp thành hai thứ nhìn: nhìn vì mình và nhìn vì người.
Nhìn vì mình là cái nhìn tìm lợi, cái nhìn có tính toán thủ đoạn, cái nhìn chiếm doạt, cưỡng bức người, cái nhìn khấu trừ quyền sống, giảm bớt quyền lợi của người, cái nhìn thu hẹp không gian có mặt của người. Cái nhìn ấy là cái nhìn có chiều đi và lập tức có chiều về: nhìn người để thu lợi về mình.
Cái nhìn vì mình là cái nhìn của người ích kỷ, người không có thói quen nhìn người khác vì người khác, không có khả năng vượt ra khỏi tầm "riêng tư, hạn hẹp". Họ nhìn gần vì chưa nhìn ra đã vội nhìn vào, chưa kịp mở đã vội khép và khi mí mắt họ khép cũng chính là lúc cửa lòng họ đóng lại.
Bên cạnh và ngược với cái nhìn vì mình là cái nhìn vì người. Cái nhìn theo đúng hướng đi, tầm mắt của nó: đến với người khác. Nhìn ai là muốn trao gửi nơi họ một điều gì; nhìn ai là muốn nói với họ một tâm tư, một ý nghĩ, một sứ điệp. Sứ điệp, ý nghĩ, tâm tư ấy chọn địa chỉ đến là người khác, không quay về người gửi như cái nhìn ích kỷ ở trên. Trong cái nhìn này, người khác là một chủ thể không bị đe dọa, triệt khấu nhưng nằm trên cùng một tương quan "người" với tất cả giá trị của con người.
Trong tình yêu, cái nhìn đóng một vai trò quan trọng. Hầu hết những cuộc tình đều thai nghén từ những cái nhìn, những làn mi, những thiết tha mời gọi, trao gửi của đôi mắt. Mắt ghi nhận những bẽn lẽn của tình yêu vừa chớm nở. Mắt chuyển vào tim những ngây thơ, diệu vợi của tình đầu trong trắng. Mắt gửi vào ký ức từng vết chân những cây số đầu của đường tình dịu ngọt. Mắt có giá, mắt được trân trọng, nâng niu, gìn giữ bởi mắt làm công việc đầu tiên và khó nhất của tình yêu, đó là tạo nhịp cầu. Nhờ đôi mắt, bến bờ của tình yêu ngắn lại. Cũng nhờ mắt, ta cho nhau nhiều hơn những gì ta có, nói với nhau nhiều hơn những gì ta muốn nói, thông cảm nhau hơn mức độ ta trông chờ.
Nhưng tình yêu đòi cái nhìn nào và đợi chờ đôi mắt nào? Tất không thể là những cái nhìn xua đuổi, khai trừ, thách thức, chiếm đoạt. Hẳn cũng không thể là đôi mắt cú vọ canh chừng, đe dọa. Càng không phải những tia mắt căm hờn muốn ăn tươi nuốt sống. Tình yêu đợi chờ một đôi mắt tình, một cái nhìn chất chứa yêu thương và yêu thương ấy chỉ có thể có trong những cái nhìn vì người khác.
Nhìn vì người là nhìn vì yêu người. Cái nhìn yêu người mà Đức Kitô đã nhìn là cái nhìn vào chính nhu cầu của họ. Khi nhìn vào nhu cầu của người khác, Đức Kitô đã biến cái nhìn của Ngài trở thành một quà tặng, một dâng hiến. Thấy nhu cầu của người mình yêu, nhìn vào nhu cầu của người mình yêu là yêu họ. Không yêu, cái nhìn sẽ không đủ tinh tế, bén nhạy để nhận ra nhu cầu của người tình, nhất là khi nhu cầu ấy lại là những nhu cầu tình cảm vốn rất thầm kín, tế nhị. Tình yêu cho cái nhìn một ánh sáng đặc biệt để cả những nếp gấp thầm kín nhất cũng phải lộ ra dưới cái nhìn. Nên khi yêu, đôi mắt sẽ rất sáng nhờ có tình, tầm nhìn sẽ rất xa nhờ có yêu thương. Đức Kitô đã nhìn con người bằng đôi mắt chất chứa tình này.
Khi bắt gặp cái nhìn khẩn khoản của mẹ Ngài trong tiệc cưới Cana (Ga 2,1-10), Đức Kitô đã hiểu ngay điều Ngài phải làm: cứu đôi tân hôn và gia đình hai họ ra khỏi cơn bế tắc vì không còn rượu. Làm phép lạ cho nước hóa thành rượu, Đức Kitô đã cùng mẹ Ngài nhìn thẳng vào nhu cầu cấp bách của hai họ, đã đọc hết nỗi lo sợ mất mặt của cô dâu chú rể, đã nhận ra cảnh huống lúng túng bất lực của ban tổ chức. Nhìn vào nhu cầu của họ và can thiệp cứu họ bằng phép lạ, Đức Kitô đã gửi đến đôi tân hôn, đến gia đình hai họ, đến từng người khách dự tiệc quà tặng lớn nhất, giá trị nhất: tình yêu của Ngài. Tình yêu ấy không khách sáo, bôi bác, không lớn tiếng ồn ào, không phô trương, đòi ghi sổ; nhưng thâm trầm, kín đáo, nhẹ nhàng, trân trọng.
Từ lúc nhìn vào nhu cầu của hai họ, Đức Kitô đã không nói gì, không tuyên bố hay đòi hỏi gì. Chỉ có những trao đổi thân thương giữa Ngài và mẹ Ngài, giữa mẹ Ngài và gia nhân, giữa trái tim Ngài và trái tim những người có mặt. Ánh mắt không nhiều lời nhưng nói hết, ánh mắt không có tài biện bạch, diễn giải nhưng biểu lộ được tất cả. Chính tình yêu đã biến đổi cái nhìn, đã đem đến cho đôi mắt sức mạnh canh tân và phục sinh. Cũng là đôi mắt, cũng những cái nhìn, nhưng đôi mắt mang cái nhìn của tình yêu thì hoàn toàn khác những đôi mắt sôi sục hận thù, chiếm đoạt.
Kinh nghiệm cho thấy, khi mới quen, người ta thích nhìn nhau, chiêm ngưỡng nhau; nhưng chỉ mới nhìn nhau, thấy nhau; còn nhu cầu của nhau chưa hẳn đã được nhìn ra. Càng sống lâu bên nhau, ta càng mất thói quen nhìn nhau, chưa nói đến tình trạng dửng dưng, nhắm mắt trước nhu cầu của nhau.
Yêu như Đức Kitô, với nghệ thuật yêu của chính Đức Kitô, ta phải tập nhìn nhau, nhìn vào chính nhu cầu của nhau mỗi ngày. Những nhu cầu ấy có thể dễ thấy nhưng cũng có thể rất khó nhận ra. Với những nhu cầu thầm kín, khó thấy, ta chỉ có thể nhận ra bằng đôi mắt của tình yêu. Thiếu đôi mắt tình này, ta sẽ chẳng thấy gì, kể cả thấy nhau.