Tìm kiếm Blog này

Thứ Tư, 1 tháng 7, 2020

THÁO - BUỘC

Suy Niệm TIN MỪNG CHÚA NHẬT 21, Thường Niên A
“Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” (Mt 16,15).
Câu hỏi của Đức Giêsu không chỉ dành cho các tông đồ, nhưng cho mỗi người chúng ta, và suốt cuộc đời, câu hỏi ấy vẫn vang vọng  nhắc nhớ chúng ta tương quan giữa chúng ta với Đức Giêsu.
Khi Phêrô trả lời Đức Giêsu: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16,16), ông đã tuyên xưng :
1.   Tương quan Cha - Con giữa Đức Giêsu và Thiên Chúa Cha:
Giữa lúc mọi người hoặc còn đang nghi ngờ hoặc kịch liệt chối bỏ thiên tính của Đức Giêsu, thì Phêrô tuyên xưng Ngài là Con Thiên Chúa, tức đồng bản thể với Thiên Chúa Cha. Bằng chứng: “kẻ thì nói là ông Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Êlia, có người lại cho là ông Giêrêmia hay một trong các ngôn sứ” (Mt 15,14). Nghiã là  người ta chỉ coi Đức Giêsu như hiện thân của một trong những  ngôn sứ  đã có mặt trong lịch sử Do Thái, nhưng không ai nghĩ hay tin Ngài là Con Thiên Chúa, là Thiên Chúa nhập thế, nhập thể như Phêrô đã tin và tuyên xưng trước Đức Giêsu và anh em Nhóm Mười Hai.
2.   Đức Giêsu là con người thật:    
Khi tuyên xưng “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”, Phêrô đã không chỉ tuyên tín thiên tính của Đức Giêsu, mà còn khẳng định niềm tin vào Đức Giêsu: Thiên Chúa thật và con người thật; qủa quyết thiên tính và nhân tính đồng hiện diện nơi Đức Giêsu.
Là con người thật, Đức Giêsu sống như con người, chết như con người. Là Thiên Chúa thật, Ngài sống lại với quyền năng của Thiên Chúa vì Ngài là Thiên Chúa hằng sống.
Lời tuyên xưng đức tin hôm ấy “ở vùng kế cận thành Xêdarê Philípphê” của Phêrô chính là “đức tin tông truyền” mà chúng ta đang tuyên xưng và làm chứng, đức tin từ Tông Đồ trưởng Phêrô, người đại diện Nhóm Mười Hai Tông Đồ đã tuyên xưng  tin vào Đức Giêsu: Thiên Chúa làm người để cứu độ con người, ngay trước mặt Đức Giêsu, và lời tuyên xưng long trọng ấy đã được Đức Giêsu chính thức và công khai chứng thực: “Này anh Simôn, con ông Giôna, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời đã mặc khải cho anh” (Mt 16,17).
Phần Đức Giêsu, khi xác nhận với các tông đồ: không phải phàm nhân đã làm cho các ông biết và tin Ngài là “Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”, nhưng Chúa Cha đã tỏ cho các ông biết điều này, Ngài muốn các ông hiểu rằng: đức tin là ân huệ, qùa tặng của Thiên Chúa cho con người, là hồng ân lớn lao chính Chúa Cha trao ban, là kho tàng qúy báu mà thế gian không cho  được, nên những ai tin Ngài là “Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” đều được Chúa Cha mặc khải và thương yêu, được đi vào tương quan thiết thân với Chúa Cha, khi được Chúa Cha ban cho đức tin để tin vào Con của Ngài.
Và để làm chứng cho các tông đồ biết: đức tin là kho tàng qúy báu Thiên Chúa muốn ban cho toàn thể nhân loại, là hồng ân bao la Thiên Chúa muốn tất cả mọi người được chung hưởng, là ơn cứu độ Thiên Chúa muốn ban tặng từng người bất kể người ấy là ai, thuộc sắc tộc, trình độ, giai tầng xã hội nào, miễn tin Ngài là “Con Thiên Chúa hằng sống, Đấng đã được sai đến trong thế gian để cứu độ mọi người”, Ngài đã lập Giáo Hội của Ngài trên nền tảng Nhóm Mười Hai tông đồ, là những người đã tuyên tín Ngài là Thiên Chúa làm người, Đấng Cứu Độ muôn dân, với mục đích làm cho mọi người tin vào Ngài, và trở thành môn đệ của Ngài để họ được cứu rỗi, được sống hạnh phúc đời đời trong Nước vinh quang của Ngài (x. Mt 28,19).
Khi ban cho các tông đồ chià khoá Nước Trời, Đức Giêsu đã dùng hai động từ “tháo - buộc” là kiểu nói của hiền nhân Do Thái thời đó để nói lên hình ảnh tín nhiệm và trao phó toàn quyền cho một người. Nhưng ở đây, hai động từ “Tháo - Buộc” phải được hiểu một cách tích cực theo văn mạch và ngữ cảnh của Tin Mừng, bởi không ít người đã cắt nghiã một cách tiêu cực, chủ quan và dùng như tiền đề biện minh cho việc củng cố quyền lực, chỗ đứng cai trị của mình trong sứ vụ phục vụ.
Bởi theo nguyên ngữ và theo văn mạch, động từ “Buộc” phải được hiểu cách tích cực là “nối kết lại, tạo ra những liên đới mới, thắt chặt hơn tình nghiã” giữa người với người, giữa các chi thể của cùng một Thân Thể với nhau. Buộc đây là “buộc nhau trong đức ái, buộc nhau chặt hơn trong lòng thương xót, tha thứ, buộc nhau sát hơn trong tình huynh đệ”, chứ không lấy những khối đá to đùng, nặng nề của lề luật, cơ chế mà buộc cổ nhau, tìm những thiếu sót, kẽ hở yếu đuối của nhau như những giải lụa, giây thép mà buộc tay chân nhau, hoặc rình mò những sai phạm, tội lỗi của nhau mà xiềng xích, buộc trói cuộc đời nhau.   
Cũng vậy, “Tháo” ở đây không có nghiã tháo những liên đới, tháo những tương quan, nhưng là “tháo cởi” những gì làm con người xa nhau, “tháo bỏ” những chướng ngại ngăn cản con người đến với nhau, “tháo gỡ” những khúc mắc, khó khăn, bế tắc làm con người phải đau khổ và phải chết. Tắt một lời, động từ “Tháo”  ở đây chính là hủy bỏ, tiêu diệt tất cả những gì đi ngược đức ái, để “buộc” nhau lại trong Tình Yêu đích thực của Con Thiên Chúa, Đấng đến thế gian để cứu độ chứ không để luận phạt, đến để “phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá cứu chuộc muôn người” (Mt 20,28).
Do đó, sứ mệnh của Giáo Hội chính là tháo những gì ngăn trở yêu thương, và nối kết, hợp nhất, “buộc” mọi người lại với nhau trong đức ái của Đức Giêsu, bởi Phêrô đã không tuyên xưng một Thiên Chúa làm người để kết án, trừng  phạt, tiêu diệt, bắt con người phải chết, nhưng đã tuyên xưng đức tin vào Đức Giêsu là Đấng Kitô, tức Đấng Cứu Thế, Đấng Thiên Chúa sai đến để cứu và sứ vụ của Đức Kitô,  Đấng Cứu Thế chính là: “loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn, công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố năm hồn ân của Chúa cho mọi người” (Lc 4,18-19); đồng thời tuyên xưng Đấng Kitô là Con Thiên Chúa hằng sống, nghiã là Thiên Chúa của sự sống, Thiên Chúa của người sống, Thiên Chúa ban lại cho con người sự sống đời đời.
Chúng ta  xin Chúa thêm đức tin cho chúng ta, và cầu nguyện cho Giáo Hội để đừng bao giờ Giáo Hội quên lời tuyên xưng đức tin của thánh tông đồ trưởng Phêrô trước Đức Giêsu: “Lậy Thầy, Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”, để trung thành với sứ vụ “tháo - buộc” trong yêu thương, vì yêu thương và mang lại sự sống của Đức Giêsu cho muôn người, như sứ vụ được chính Đức Giêsu trao phó.
Jorathe Nắng Tím

GIÁO DỤC VỊ THA


Em bé muốn được mọi người quan tâm, chú ý. Em khóc vì thế… Khóc để kéo chú ý, khóc để tự khẳng định, khóc để mọi người biết “tôi đang có mặt”. Em rất sợ bị bỏ rơi và buồn khi mọi người không quây quần “ú oà”, nói chuyện, chơi đuà với em. Bằng tiếng khóc, tiếng cười, chân tay muá máy, em diễn tả sự hiện diện của mình và khát vọng là trung tâm lôi cuốn mọi sinh hoạt gia đình. Em rất vui khi có người đút cho ăn, khen em ngoan, em đẹp, rất hãnh diện khi được mẹ dỗ dành, chị nâng niu. Thế giới của em lúc này chỉ có em là trọng tâm và  bằng mọi giá em muốn bảo vệ chỗ đứng trọng tâm đó. 
Khuynh hướng vị kỷ, tức chỉ vì mình, trong em khá mạnh, mạnh đến độ em khó có thể chia sẻ cha mẹ với người khác, ngay cả với anh chị trong nhà; bằng cớ khi mẹ ẵm chị hay em bé nào khác trước mặt  là em hét lên, đòi mẹ phải ẵm em ngay. Tính ganh tỵ bắt đầu đâm chồi trong em và em biểu lộ bàng giận dỗi, bỏ ăn, không ngủ.
Tình trạng tìm chỗ đứng quan trọng của em trong gia đình là chuyện tâm  lý bình thường, không xấu không tốt. Nó là những hiện tượng phát triển của tâm lý. Cái không bình thường cần phải tránh có thể xẩy ra là hiện tượng vị kỷ ấy sẽ bám chặt, ăn rễ sâu và  biến thành nhân cách của em. Khi đó vị kỷ trở thành bá chủ thống trị toàn thể đời sống của em.
Vị kỷ là chỉ nghĩ đến mình, làm vì mình, hưởng riêng mình. Người vị kỷ thường thực dụng vì lợi ích cá nhân là mục tiêu cần đạt trong mọi nỗ lực, hoạt động. Vị kỷ khác vị tha. Vị tha là nghĩ đến người khác, sống vì người khác, chung hưởng với người khác. Nhưng vị tha không có nghiã là vong thân, bỏ quên chính mình hay đánh mất chính mình; trái lại, người vị tha lấy chính mình làm khởi điểm để đi đến người khác, chọn chính bản thân là điểm xuất phát cho hành trình tìm gặp gỡ tha nhân. Đứa bé vị tha lấy bánh của mình đang có để chia sẻ cho người chung quanh, tức là bắt đầu từ chính mình, từ miếng bánh bé đang có trên tay. Hình ảnh đơn sơ nhưng nói lên bản chất của vị tha.
Một trong những mục tiêu giáo dục khó nhất ở tuổi thơ là giáo dục vị tha, khi em bé muốn gom tất cả về mình, tìm tất cả cho mình, muốn tất cả phục vụ mình. Giúp em nhận ra mình là một con người, có vị thế riêng biệt, nhưng không là trọng tâm duy nhất của gia đình, không là cái rốn của vũ trụ là tránh cho em nhiều hậu qủa tai hại của ích kỷ sẽ ảnh hưởng xấu trên nhân cách và thành công sau này của em.
a.   Vì ích kỷ, em sẽ trở thành nô lệ trung thành của vật chất: Một người không biết chia sẻ sẽ đau đớn, khổ sở vì vật chất, bởi bất cứ một mất mát, giảm thiểu vật chất nào, dù cỏn con, bé nhỏ đến đâu cũng làm họ đau khổ. Say mê thu vén cho riêng mình, họ sẽ lầm lẫn vai trò của vật chất và chỗ đứng của họ để rồi đáng lẽ ra phải là chủ, họ lại chấp nhận trở thành đầy tớ; vì  vật chất đặc biệt có sức mê hoặc  người ích kỷ và dễ dàng biến họ thành nô lệ
b.   Vì ích kỷ, em sẽ rất chật hẹp trong phán đoán, tư duy. Nếu ích kỷ vật chất biến em thành nô lệ của đồng tiền, của cải thì ìch kỷ tinh thần giải giới hết khả năng hướng ra ngoài và đẩy em rớt sâu trong những định kiến, thành kiến, thiên kiến thiếu hào phóng, quảng đại, bác ái, vị tha. Tư tưỏng của em vì thế sẽ cằn cỗi, phán đoán của em sẽ phiếm diện và biến thành độc đoán. Người ích kỷ tinh thần không làm việc được với ai, ngay cả với chính mình, vì không còn khả năng tương quan, liên đới. Nên nhớ, người ích kỷ tinh thần đóng kín hết cửa lòng nên ngay chính bản thân, họ cũng không gặp được.  
c.    Vì ích kỷ, em sẽ tìm hưởng hạnh phúc một mình: Đây là dạng ích kỷ tình cảm khi em không muốn trao ban tình cảm cho người khác, vì sợ mất mát, thua thiệt. Vì thế, em sẽ không đủ quảng đại để vị tha và cùng tìm hạnh phúc với người khác. Những người rơi vào tình trạng tâm lý ích kỷ tình cảm này thường tìm hạnh phúc một mình, nghiã là chọn những hình thức  “tự biên tự diễn” và  “tự sướng ” như thủ dâm. Họ sẽ khó sống đời đôi lứa vì luôn cảm thấy bị đe doạ khi phải chia sẻ với người khác. Đóng kín đường, bịt kín cửa, khép kín lòng trước tha nhân, người ích kỷ cũng nhốt kín luôn hạnh phúc của mình trong ngục tù “cái tôi ”, một cái tôi mà khả năng  giới hạn ở việc sản xuất ra những mảnh vụn của một thứ hạnh phúc rất bệnh hoạn, kỳ quái; bởi bản chất của hạnh phúc tình cảm hệ tại ở hai yếu tố không thể thiếu, đó là cho đi và nhận lãnh.

d.   Vì ích kỷ, em sẽ chỉ muốn biết một mình và bo bo giữ lấy kiến thức như vật sở hữu. Hình ảnh những em học sinh lấy tay và cả thân mình  che tập bài làm vì  không muốn bạn làm được bài  như mình, hay hình ảnh những sinh viên không biết hay cố tình không muốn biết làm việc chung  với các bạn cùng lớp, cùng khoa là hình ảnh đáng buồn của “thế hệ thực dụng, ích kỷ”.  Ích kỷ trí thức là phản trí thức, vì người trí thức luôn thao thức, mơ ước một điều là đem hết những gì mình biết, mình đã học hỏi, nghiên cứu để phục vụ nhân sinh, phụng sự nhân loại. 


e.    Vì ích kỷ, em cũng sẽ chỉ muốn lên thiên đàng, về Niết Bàn một mình; nghiã là tôn giáo, thần thánh là của riêng em, phục vụ một mình em. Người ích kỷ sẽ ích kỷ cả trong tín ngưỡng, niềm tin của mình và muốn thuợng đế, thánh thần thuộc về riêng họ, làm theo ý họ. Cuối cùng, không phải họ theo tôn giáo, nhưng tôn giáo phải đi theo họ, làm theo ý họ. Nhìn những người đi đạo mà luôn miệng “người này xuống hoả ngục, người kia không lên thiên đàng” đủ cho thấy có những người muốn độc quyền cả tôn giáo, thượng đế, thánh thần. Ngạo mạn và ích kỷ đến thế là cùng !
Giáo dục vị tha ngay từ thời thơ ấu là tập cho em bé nghĩ đến người khác như cầu nguyện cho ông bà đã qua đời, ghi nhớ ngày sinh của mọi người trong gia đình, viết thư thăm bà ngoại, chung vui, chia buồn với hàng xóm, gia tộc. Những việc làm như quét nhà, nhặt rau cũng cho em thói quen chia sẻ, cộng tác. Tập cho  em biết niềm nở đón khách, vui vẻ rót nước mời khách của mẹ, ân cần, lịch sự với mọi người, biết mời trước khi ăn, cúi đầu lễ phép khi đi lúc về là những thực hành tinh thần vị tha, hướng đến người khác. Bên cạnh đó, cha mẹ tránh  xem con như ông chủ, bà chủ nhỏ của gia đình và cho con  những cơ hội chia sẻ, cộng tác với người khác. Đến thăm gia đình nào mà cha mẹ suỵt suỵt ra dấu cho khách đừng nói lớn kẻo con thức dậy, hay do dự không quyết định được ngày giờ đi chơi chung  của hai gia đình vì phải đợi ý kiến của con… ; người ta nhận ra ngay gia đình ấy đang  sản xuất những ông vua ích kỷ, những bà hoàng kiêu căng , tự mãn mà tương lai của những ông vua, bà hoàng này chắc chắn sẽ không mấy gì sáng sủa, hạnh thông vì ích kỷ đóng kín hết đường lên, lối vào.        

TRÁI TIM THIÊN CHÚA

Những ngày nằm bệnh nhiều thời gian rảnh rỗi, tôi có dịp xem nhiều clip trừ qủy khắp đó đây trên thế giới. Có những clip qủy được phép nói những điều rất đáng sợ liên quan đến tương lai chung của nhân loại như chiến tranh hạt nhân, với hơn nửa loài người sẽ bị tiêu diệt trong một thời gian cực ngắn; có những clip người bị qủy ám lên án hàng giáo phẩm, giáo sĩ là những con “chó câm”, những người xảo quyệt mà trong mọi tình huống đều rất khôn khéo biện hộ cho đời sống bất xứng, hưởng thụ, tìm được phục vụ của mình; có những clip phơi bầy đời sống mất đức tin, bỏ Thiên Chúa của giáo dân, người trẻ, và hầu như các clip đều cảnh báo cơn giận của Thiên Chúa và hình phạt khủng khiếp nặng nề mà Thiên Chúa sẽ đổ trên toàn thể nhân loại.
Càng xem qủy phùng mang trợn mắt, lăn lộn, giẫy giụa, càng nghe qủy chửi rủa, đe dọa, tôi càng rụng rời kinh hãi. Rụng rời vì lo sợ cho tương lai của nhân loại, của Giáo Hội, của người thân và của chính mình, và cực kỳ kinh hãi trước viễn tượng “ngày thịnh nộ, ngày tai biến rất khổ đau, khi Thiên Chua dùng lửa mà xét xử trần gian”. Thú thực, tôi sợ lắm, càng xem càng sợ, càng nghe càng hãi, mà càng hãi càng cuống, không biết phải làm gì, càng sợ càng hoảng hốt, mất tinh thần, hoang mang, không biết xử trí ra sao đời sống qúa nhiều thiếu sót, nhếch nhác, lôm côm, tội lỗi của mình.
Tất nhiên, Mẹ Giáo Hội không ngừng cảnh báo ngày Chúa đến và nhắc nhớ con cái ăn năn sám hối, và tin vào Tin Mừng để được tha tội, như Gioan Tẩy Giả đã thức tỉnh dân Do Thái ngày xưa, như có lời chép trong sách ngôn sứ Isaia rằng: “Có tiếng người hô trong hoang địa: hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi. Mọi thung lũng, phải lấp cho đầy, mọi núi đồi, phải bạt cho thấp, khúc quanh co, phải uốn cho ngay, đường lồi lõm, phải san cho phẳng. Rồi hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa” (Lc 3,4-6). Nhưng không hiểu sao tôi vẫn cảm thấy lo, chưa hoàn toàn vững dạ mình sẽ được cứu rỗi.
Chính trong những giây phút hốt hoảng lo âu về phần rỗi của mình, những ngày dài bất an trước những “điềm xấu” đang dồn dập xuất hiện trên thế giới báo hiệu một tương lai không mấy tươi sáng, Chúa đã mở cửa lòng tôi, cũng là cửa lòng của qúy Bạn để tim chúng ta thấy được phần nào trái tim yêu thương vô cùng của Thiên Chúa đối với mỗi người và toàn thể nhân loại.
1.       Chúa mặc khải cho chúng ta  trái tim mẹ hiền của Ngài:
Ít lâu nay, ở Việt Nam rộ lên hiện tượng mẹ bỏ con ngoài đường. Bên cạnh rất nhiều trẻ sơ sinh bị mẹ bỏ trước cổng chùa, nhà thờ, nhà trẻ, bệnh viện, có người mẹ vừa sinh đã bỏ con còn đỏ hỏn xuống hố ga ngày 6/6/2020 dưới cái nắng 38 độ của Hà Nội, mà hai ngày sau người ta mới phát hiện với đàn kiến hàng ngàn con bám đen kín người cháu. Sau 23 ngày cố gắng chữa trị, sáng nay 29/6/2020, cháu Nguyễn Văn An, tên các bác sĩ đã đặt cho cháu với ước mơ cháu được sống một đời bình an đã qua đời. Cũng trong tháng sáu năm nay, một người mẹ khác bỏ con mới sinh còn nguyên nhau và giây rốn trên bãi cỏ thuộc phường An Thạnh, tỉnh Bình Dương.
Đó là những người mẹ tuy là mẹ, nhưng tim đã cạn kiệt máu “mẹ hiền” vì lý do nào đó, mà chúng ta không có ý bàn thêm ở đây.
Khác với trái tim con người, trái tim Thiên Chúa mà chúng ta được chính Ngài mặc khải là trái tim của mẹ hiền, mẹ rất hiền, mà ngôn sứ Isaia đã mô tả: “Có phụ nữ nào quên được đứa con thơ của mình, hay chẳng thương đứa con mình đã mang nặng đẻ đau?” (Is 49,15).
Hỏi là trả lời, và trái tim mẹ hiền của Thiên Chúa đã khẳng định với chúng ta: Ngài không quên một ai, nhưng thương từng đứa con do chính Ngài dựng nên. Không quên là nhớ: nhớ lại Lời Hứa cứu độ con cái; nhớ đến con cái với thân phận yếu đuối, mỏng dòn luôn cần lòng thương xót của trái tim mẹ hiền; nhớ thương con đói khổ, phải chăn heo, ăn cám sống qua ngày vì nông nổi, hoang đàng, sa đọa (x. Lc 15,15-16); nhớ qúa nên phải tìm cho kỳ được đứa con mình đã sinh ra nay đang “biệt vô âm tín”, và niềm vui chỉ trọn vẹn trong trái tim mẹ hiền của Thiên Chúa trong tiệc mừng “con tôi đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy” (Lc 15,24).  
Thiên Chúa nhớ và thương từng người, thương và nhớ mỗi người, nên Ngài không khước từ ai, không ruồng bỏ ai, không xua đuổi ai, không luận phạt ai khi đến với Ngài, vì ai cũng từ cung lòng Ngài đã mang nặng đẻ đau, ai cũng mang hình ảnh Ngài, ai cũng được sinh ra để hưởng hạnh phúc làm người như Ngài đã làm người, và hạnh phúc làm con Thiên Chúa, bởi Ngài là Thiên Chúa, để nỗi buồn vì có tội, nỗi sợ bị Thiên Chúa xua đuổi không còn nữa, nhưng được nguôi ngoai, xóa bỏ và thay thế bằng niềm hy vọng của con thơ bé bỏng tuyệt đối tín thác vào “tình yêu mẹ hiền” của Thiên Chúa. Và niềm hy vọng ấy dẫn chúng ta vào niềm vui khôn tả trong  trái tim Thiên Chúa với bảo đảm không gì chắc chắn hơn: “Mà cho dù nó có quên đi nữa, thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ” (Is 49,15).     
2.   Chúa ghi khắc chúng ta trong lòng bàn tay của Ngài:
Khi yêu nhau, người ta không chỉ âu yếm, lãng mạn ngọt ngào, và nũng nịu, trìu mến thì thầm gọi tên nhau, mà còn tìm khắc tên nhau trên lá trên hoa, trên cây trên đá, trên cả thân xác, da thịt mình. Riêng trên thân xác, da thịt, người ta thường khắc tên người yêu hoặc ở lưng, bụng, ngực, hoặc trên đùi, vai, cánh tay, nhưng không mấy người khắc tên người mình yêu giữa lòng bàn tay, là nơi mà người ta thường thấy, dễ thấy hơn cả so với các chỗ khác trên thân thể.
Bạn cứ thử mà xem, khắc tên ai trên cánh tay, trên vai, trên bụng, trên đùi thì còn thi thoảng thấy, chứ khắc trên lưng thì mấy khi đọc được tên người ấy. Chỉ có bàn tay là “gần gũi, thuận lợi” cho đôi mắt hơn cả, nên ghi khắc tên ai, hình ảnh người nào trong lòng bàn tay thì người ấy qủa thực là người có phúc vì được yêu thương rất nhiều.
Thế mà Thiên Chúa đã không chỉ khắc tên con người, mà ghi khắc cả con người trong lòng bàn tay của Ngài: Hãy xem, Ta đã ghi khắc ngươi trong lòng bàn tay Ta (Is 49,16)
“Ghi khắc ngươi” là ghi khắc toàn thể con người ngươi, toàn thể cuộc đời ngươi, toàn thể qúa khứ, hiện tại, tương lai cuộc sống ngươi, toàn thể ưu điểm, khuyết điểm ở ngươi, toàn thể sở trường, sở đoản của ngươi, toàn thể điểm mạnh, điểm yếu nơi ngươi, toàn thể những gì ngươi là, ngươi có, toàn thể tội lỗi, công trạng của ngươi. Tóm lại, ngươi thế nào Ta đón nhận ngươi như thế, ngươi làm sao, Ta yêu thương ngươi như vậy, không so đo, mặc cả, tính toán, phân loại, bởi tình Ta dành cho ngươi là tình tuyệt đối, tình vô cùng, chỉ vì Ta đã sinh ra ngươi và ngươi là con của Ta.
Thực vậy, Tin Mừng đã không vẽ nên hình ảnh nào về Thiên Chúa ngoài hình ảnh người Cha nhân hậu có trái tim mẹ hiền, cũng không tạc nên hình tượng nào về con người, ngoài hình tượng con thơ bé bỏng trong vòng tay yêu thương quan phòng của người Cha Thiên Chúa, điều mà thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu không ngớt say mê chiêm ngưỡng và triệt để thực hành trong cuộc sống. Chính thánh nữ cũng đã trải qua những cơn sợ hãi, nghi nan trước một Thiên Chúa uy nghi, công thẳng, tội phúc vô cùng phân minh cho đến khi thánh nhân nhận ra tình cha hải hà của Thiên Chúa và hạnh phúc tuyệt vời của đứa con bé bỏng, ngây thơ chỉ say mê yêu mến Cha mình và hồn nhiên hạnh phúc bơi lội trong đại dương bao la của tình cha Thiên Chúa.
Đó cũng là niềm ủi an, hy vọng của chúng ta trong những thử thách của đức tin, trước những hiện tượng làm chúng ta chao đảo, nghi ngờ lòng thương xót của Thiên Chúa, Cha chúng ta, Đấng đã sinh ra và nuôi nấng chúng ta bằng tình yêu của trái tim mẹ hiền. Chân lý này chính Đức Giêsu đã mặc khải và chúng ta có nền tảng Lời Chúa để sống hạnh phúc ân huệ làm con Thiên Chúa, ân huệ được ở trong trái tim mẹ hiền của Đấng đã hứa: “Nước Trời là của những ai trở nên giống như trẻ nhỏ” (Mt 19,14).
Vâng, trước những biến động bất thường, những dấu hiệu bất an, chúng ta luôn có trái tim mẹ hiền của Thiên Chúa là nơi nương náu, ẩn thân, nên “dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương qủy lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta” (Rm 8,38-39).
Xin Thánh Tâm Chúa Giêsu tràn đầy lòng thương xót ban bình an cho chúng con!
Jorathe Nắng Tím