Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 18 tháng 6, 2019

CƠ CHẾ

     
Đề tài này sốc hàng lắm, nên người viết phải minh định ngay hai điều quan trọng : điều thứ nhất : người viết không chống phá bất cứ cơ chế đạo đời nào, vì con người là sinh vật có xã hội tính, nên cần có tổ chức, cơ chế để có thể chung sống hạnh phúc, sống chung hoà bình, được tồn tại và phát triển trong công bằng, trật tự. Điều thứ hai : người viết dựa vào Tin Mừng của Đức Giêsu để tìm ra đâu là điểm yếu của cơ chế thường làm đời sống bất an, tâm hồn bất ổn và cuộc sống xã hội nhiều lấn cấn, bất hoà.
        Minh định hai điều trên bao hàm sự đồng tình : phải có cơ chế trong sinh hoạt xã hội, dù đó là sinh hoạt hạn hẹp hay rộng lớn, gia đình hay thế giới, bởi chỉ cần có hai người cùng chung sống, người ta đã phải thiết lập một cơ chế, hình thành một tổ chức để mưu tìm trật tự, an sinh và hạnh phúc chung. Hai người nam nữ yêu nhau đã chẳng phải ngồi hằng giờ bên nhau trước khi cưới để cùng tính toán và xây dựng một cơ chế riêng cho hai người. Và bất cứ cơ chế nào, để được nhìn nhận là cơ chế chính danh, chính đáng đều phải được xây trên nền tảng nghiã vụ và quyền lợi của các thành viên thuộc cơ chế. Trệch qũy đạo nghiã vụ và quyền lợi này, cơ chế sẽ mất hết giá trị và ý nghiã phục vụ nhân sinh, bảo vệ an sinh, mưu tìm cho con người phúc lợi.
        Ở đây, khi đặt vấn đề cơ chế dựa vào Tin Mừng Mátthêu, chương 23, chúng ta không đứng vào vị thế nào, hoặc người lãnh đạo cơ chế, hoặc quần chúng được cơ chế lãnh đạo, vì ở cả hai, cái nhìn sẽ không khách quan, vì ở dưới những góc độ khác biệt, chẳng hạn : người lãnh đạo thì biện minh cho tính quyền lực của cơ chế, trong khi quần chúng bị lãnh đạo thì củng cố một lý luận ngược lại. Điều chúng ta có thể làm được là nhận ra cái mạnh, cái yếu của quyền lực qua cái nhìn của chính Đức Giêsu trong Tin Mừng :    
        Tin Mừng Mátthêu, chương 23 là một trình thuật về quan điểm của Đức Giêsu trước một cơ chế của đạo Do Thái đương thời, cơ chế mà theo Ngài có nhiều điểm yếu, vì không đáp ứng những đòi hỏi căn bản của một cơ chế đích thực chính danh, chính nghiã, chính trực :
1.      Đức Giêsu không chủ trương xoá bỏ cơ chế :
       Cơ chế của Đạo Do Thái lúc bấy giờ dưới mắt tín hữu Do Thái là các Kinh Sư và các người Pharisêu ngồi trên toà ông Môsê mà giảng dạy (Mt 23,2). Họ là những người được quần chúng trọng vọng, được đám đông tôn kính, được giáo hữu tuân phục, vì họ là những người được tuyển chọn để giảng dạy, giáo huấn, hướng dẫn người khác. Ngồi trên tòa Môsê là kiểu nói diễn tả quyền bính trong Đạo, một thứ quyền đến từ trên cao, mà loài người không được phép đung tới, phân tích, đặt lại vấn đề, phản biện hay truất phế, xóa bỏ. Nói cách khác, đây là thần quyền, thứ quyền đến từ thần thánh, quyền của thần thánh mà không người thế gian nào có quyền phế lập, sửa đổi. Chính vì là thần quyền, mà quyền bính thuộc cơ chế tôn giáo luôn mang tính tuyệt đối, và vì tuyệt đối, nên khó có thể di dời, thay đổi, nhân nhượng.
      Tuy biết những người nắm giữ quyền bính của cơ chế tôn giáo này nói mà không làm, đúng hơn là chỉ nói và bắt người khác làm, và tệ hơn lại làm những điều qúa đáng như : bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào (Mt 23,4), chưa kể họ chẳng phục vụ ai, chỉ ra vào với những tua áo thật dài, ăn trên ngồi trước trong đám tiệc, thích được mọi người bái chào inh ỏi, lớn tiếng nơi cộng cộng (x. Mt 23,5-7), nhưng Đức Giêsu vẫn không kích động, hô hoán dân chúng lật đổ các ông lãnh đạo bất xứng, và xách động quần chúng lật đổ, xóa bỏ cơ chế tôn giáo Do Thái thời Ngài. Một cách đơn sơ, nhưng thiết thực, Ngài đã khuyên những người có mặt đang lắng nghe Ngài : Vậy, tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ, còn những việc họ làm, thì đừng có làm theo, vì họ nói mà không làm (Mt 23,4).  
              Chuyện người làm lớn nói lớn mà không làm là câu chuyện thường ngày ở huyện, thường đến độ không còn mấy người quan tâm, bởi hoạ hiếm mới có người làm điều mình nói, thực hiện điều mình dạy, sống điều luật mình bắt người dưới trướng phải tuân theo, cứ như là đã làm lớn thì được miễn trừ mọi nghiã vụ, mà chỉ còn lại quyền lợi và quyền lợi.
           Nhưng tại sao Đức Giêsu, tuy vạch trần tình trạng ngôn hành bất nhất của những người lãnh đạo cơ chế tôn giáo Do Thái, nhưng vẫn khuyên mọi người hãy làm và giữ những gì họ nói ? Thưa bởi những gì họ nói đều đúng, và cần thiết, như ăn ngay ở lành, tôn thờ Thiên Chúa, yêu quê hương, thương đồng bào, làm phúc bố thí, ăn chay hãm mình, cư xử công bình, bác ái, hiếu thảo, huynh đệ, trung tín, chân thành… Và những điều này hợp với luật tự nhiên, và cũng là lề luật của Thiên Chúa cho hạnh phúc của con người.
          Vì thế, cơ chế, trừ một số trường hợp, không xấu tự thân, từ bản chất, nhưng bị làm xấu đi bởi người lãnh đạo xấu, và bằng những cách thế xấu của người điều hành. Do đó, khi phê bình, phán đoán về một cơ chế, chúng ta cần sáng suốt phân biệt bản chất của cơ chế và những con người điều khiển, vận hành cơ chế đó. 
2.     Đức Giêsu vạch trần những điểm yếu của cơ chế :
          Cơ chế như đã trình bày phải được đặt trên nền tảng nghiã vụ và quyền lợi. Sở dĩ như thế là vì cơ chế phải được quan niệm như khế ước xã hội, như tổ chức giữa nhiều người nhằm mục đích đem lại hạnh phúc chung cho tất cả, với điều kiện mỗi người vừa phải có nghiã vụ vừa có quyền lợi. Một cơ chế mà chỉ một thiểu số có quyền và đa số có nghiã vụ sẽ khó có thể tồn tại, vì bất công sẽ mau chóng làm rạn nứt nền móng của cơ chế. Thí dụ : gia đình là một cơ chế, ở đó cha mẹ, con cái đều có nghiã vụ và quyền lợi đối với nhau. Nhờ thế, cơ chế gia đình mới bảo đảm an ninh và hạnh phúc lâu dài của mọi thành viên gia đình.
         Vì thế, khi tính công bình mất chân đứng trong cơ chế, tức khi cơ chế không còn chu toàn sứ mệnh phục vụ quyền lợi chung của mọi người, mặc dù họ đã nghiêm chỉnh hoàn thành nghiã vụ, thì những điểm yếu xuất hiện và làm suy giảm khả năng phục vụ nhân sinh, mưu tìm hạnh phúc cho con người của cơ chế. Đức Giêsu trong Tin Mừng Mátthêu đã thẳng thắn vạch ra những điểm yếu, đúng hơn là những nguy cơ của cơ chế, đặc biệt cơ chế tôn giáo:
a.     Cơ chế có thể góp sức tạo thành giai cấp thống trị và dễ biến con người của cơ chế thành kiêu căng, hưởng thụ :
        Đã là cơ chế tất có phân biệt thứ bậc : kẻ trên, người dưới, chức sắc vị vọng, thứ dân vô danh tiểu tốt, khố rách áo ôm ; đã là tổ chức ắt không tránh khỏi người lãnh đạo, kẻ thừa hành, ông giám đốc, người giữ xe. Tôn giáo cũng cần cơ chế, như Do Thái giáo thời Đức Giêsu.
         Vì phải cơ chế mà tôn giáo đã không tránh khỏi tình trạng có người thích được người khác gọi mình là Ráp-bi, nghiã là “Thầy (Mt 23,8) ; vì cần cơ chế để điều hành mà tình trạng khúm núm, sợ sệt, lấm lét thường xẩy ra giữa người đồng đạo, khi cơ chế làm bàn đạp, bệ phóng cho một số người thời cơ, khéo luồn lách khi bắt được thời rồi thì o ép người khác phải phục tùng, cung phụng, qụy lụy và xem mình là cha của mọi người ; vì cơ chế tôn giáo không hữu hiệu trong sứ mệnh phục vụ, nên tạo ra nhiều ranh giới khó xoá bỏ, nhiều vực thẳm khó vượt qua giữa người đồng đạo với nhau, và đó là lý do của tệ trạng kiêu căng, ganh ghét, đố kỵ, loại bỏ, khai trừ giữa những người của cùng một cơ chế tôn giáo.     
       Trước điểm yếu này, Đức Giêsu xem ra đã mạnh tay khi không ngần ngại tuyên bố : Phần anh em, thì đừng để ai gọi mình là “ráp-bi, nghiã là “thầy, vì anh em chỉ có một Thầy, còn tất cả anh em đều là anh em với nhau. Anh em cũng đừng gọi ai dưới đất này là cha của anh em, vì anh em chỉ có một Cha là Cha trên trời. Anh em cũng để ai gọi mình là người lãnh đạo, vì anh em chỉ có một người lãnh đạo là Đức Kitô (Mt 23,8-10).
        Nhưng như thế thì còn gì là kỷ cương và phẩm trật còn ý nghiã gì ?
       Nhiều người lo ngại khi nghe Đức Giêsu tuyên bố chẳng nên gọi ai là Cha, Thầy, Lãnh Đạo, vì tất cả đều là anh em ; lại có người buồn thiu khi thấy Đức Giêsu tỏ ra bất cần phẩm trật, thứ hạng, chức tước ; cũng có người  hớn hở khi kéo Đức Giêsu đi với mình vào phong trào đấu tranh giai cấp, cào bằng xã hội, để mọi người bình đẳng như nhau, không ai trên ai, dưới ai.
        Thực ra, điều Đức Giêsu muốn nói chính là thái độ hống hách, kiêu căng, ngạo mạn, mượn cơ chế để bắt người khác phục vụ mình thay vì phục vụ, khống chế người khác thay vì khai phóng, bóc lột, đàn áp thay vì mưu tìm hạnh phúc cho mọi người. Ngài lên án những người mượn gió bẻ măng, biến cơ chế là cơ quan, tổ chức có mục đích phục vụ lợi ích chung thành phương tiện quyền lực riêng  để thao túng, trục lợi, vinh thân phì gia. Ngài nặng lời với đám người cậy cửa quyền cơ chế để mạt sát anh em, trù giập người thấp cổ bé miệng. Với Ngài, cơ chế chỉ để phục vu, cơ chế chỉ để tương trợ, cơ chế chỉ để làm cho đời sống ngày càng yêu thương, hài hoà, huynh đệ hơn. Chẳng thế mà Ngài đã dạy tất cả mọi người đi theo Ngài hãy khiêm tốn phục vụ dù ở bất cứ thứ bậc, vị thế, phẩm trật nào của cơ chế Giáo Hội khi lên tiếng : Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm ngừơi phục vụ anh em. Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống ; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên (Mt 23,11-12).  
        Khi dạy điều này, Đức Giêsu đã công khai cho chúng ta thấy nguy cơ thứ nhất của cơ chế là biến những người ở trong cơ chế, nắm giữ cơ chế thành những kẻ kiêu căng và bắt người khác phục vụ mình, thay vì khiêm tốn phục vụ người khác khi được chọn làm người qủan lý cơ chế, điều hành cơ chế mà mục đích là mưu tìm phúc lợi cho mọi người. Và thái độ phải có theo Đức Giêsu chính là dùng cơ chế như phương tiện để phục vụ, chứ không như thành trì quyền lực bảo vệ quyền lợi và tham vọng riêng tư.
b.    Nguy cơ thứ thứ hai của cơ chế là biến chúng ta thành lạnh lùng độc đoán, và vô cảm độc tài :
        Độc đoán khi khoá cửa Nước Trời không cho ai vào ! (Mt 23,13). Cậy dựa cơ chế, chúng ta có thể lạnh lùng độc đoán  đóng cả cửa Nước Trời, cánh cửa mình chưa hề thấy, chưa một lần đến gần, và Nước Trời chưa chắc gì mình sẽ được vào. Thế  mới biết khi cám dỗ của quyền lực cơ chế bao phủ, con người của cơ chế sẽ đủ liều lĩnh để làm những việc lố bịch nhất !
     Cơ chế còn làm cho người bám chặt cơ chế như mục đích cuộc đời thành vô cảm độc tài, bởi chỉ độc tài, họ mới hy vọng bảo vệ cơ chế mãi trường tồn, cũng là bảo vệ tháp ngà vinh quang của chính họ, vì cơ chế còn, họ tồn tại, cơ chế rạn nứt, họ chao đảo, cơ chế sụp đổ, họ tiêu tan. Khi khiển trách các Kinh Sư và Pharisêu là những người thuộc cơ chế đã không vào, hoặc không vào được Nước Trời, mà những kẻ muốn vào, các ông ấy cũng không để cho vào (x. Mt 23,13), Đức Giêsu đã cực tả tính vô cảm độc tài của các ông nắm giữ cơ chế tôn giáo thời Ngài.
      Sở dĩ những con người của cơ chế  dễ trở nên độc đoán, độc tài đến lạnh lùng, vô cảm là vì họ đã tự đồng hoá  mình với cơ chế, cho quyền lực cơ chế là quyền lực của mình, sức mạnh của cơ chế là uy lực cá nhân, ảnh hưởng của cơ chế là tầm phủ sóng, vùng trời can thiệp riêng biệt. Ở họ, cơ chế không còn là phương tiện để phục vụ cộng đoàn, nhưng được dùng để  phục vụ quyền lực của riêng họ. Cơn cám dỗ quyền lực luôn là cơn cám dỗ kinh khủng dữ dội nhất, bởi cám dỗ quyền lực luôn hấp dẫn, lôi cuốn, vì có quyền, người ta sẽ có tất cả.
     Chính vì mãnh lực kinh hoàng của quyền lực, mà phong cách, thái độ của một con người sau khi được cất nhắc thường đột ngột thay đổi đến độ bạn bè, người quen biết phải thảng thốt, kinh ngạc. Khi hỏi vị chân tu khả kính : Làm thế nào để đánh giá một con người ?. Vị ấy trả lời : Cứ cho người ấy nếm mùi quyền lực rồi sẽ biết người ấy là ai. Nhiều người hiền lành, khiêm tốn đã biến thành sát thủ khi cờ lệnh nắm trong tay ; nhiều tấm lòng qủang đại, nhiệt thành, vị tha đã bị quyền lực biến thành lòng lang dạ thú ; nhiều tâm hồn cao thượng buổi hàn vi đã trở mặt thành hung thần máu lạnh khi quyền lực bao phủ ; nhiều trái tim nhân ái, cởi mở đã tự nguyện khép kín, đóng chặt khi đi vào bão lốc quyền lực. Vì thế, thánh nhân vẫn khuyên dạy : người khôn ngoan là người phải biết giữ cho mình khoảng cách an toàn đối với người có quyền, bởi kẻ có quyền không thích người khác đến gần, vì sợ bị cướp ngôi, tiếm quyền. Không biết lời khuyên này có đúng không, nhưng ít ra cũng nhắc cho chúng ta nguy cơ của quyền lực từ cơ chế luôn rình rập để chúng ta sập bẫy, đánh mất chính mình.          
c.      Nguy cơ thứ ba của cơ chế là chỉ thấy mình, và cho mình là chân lý :
    Lịch sử ghi lại : vào những ngày sắp tàn, các nhà độc tài đều rơi vào tình trạng ngu si đần độn đến đáng thương. Có những quyết định không thể chấp nhận được, nhưng nhà độc tài lại quyết thực hiện cho bằng được ; có những tuyên bố hoàn toàn bất lợi và nguy hiểm cho ngai vàng, nhưng nhà độc tài lại điên cuồng chủ trương ; có những gian thần mưu mô phản trắc, nhưng nhà độc tài lại say mê sủng ái, trọng dụng. Đó chính là nguy cơ chỉ thấy mình, khi quyền lực của cơ chế bao vây.
     Đức Giêsu cũng nặng lời khiển trách đám Kinh Sư và Pharisêu đã để quyền lực của cơ chế Đạo Môsê bao vây đến độ không còn nhìn thấy điều phải - trái, không còn nhận ra việc nào phải làm, việc nào phải tránh, nhất là hoàn toàn mù quáng trước công lý, lòng nhân và thành tín, là những điều quan trọng nhất trong Lề Luật (Mt 23,23). Bằng chứng là họ chỉ lo rửa sạch bên ngoài chén điã, nhưng bên trong thì đầy những chuyện cướp bóc và ăn chơi vô độ (Mt 23,25). Cơ chế họ nắm giữ đã làm Lề Luật mất đi giá trị và ý nghiã của công lý, lòng nhân và thành tín khi không còn phục vụ con người, không giúp con người đứng lên và bước đi  trên đôi chân của những con người tự do, nhưng Lề Luật bị tư hữu hoá, nghiã là bị biến thành công cụ của một số người nắm giữ quyền lực cơ chế, và những người này đã lấy Lề Luật làm bình phong để đàn áp, hành hạ, thống trị, khống chế mọi người, đáng thương nhất là những bà goá nghèo nàn bị đám Kinh Sư, Pharisêu nuốt hết tài sản (Mt 23,14), và bị o ép đủ điều.
       Chỉ thấy mình, nghiã là chỉ thấy mình đúng, mình có lý, vì  có do quyền, mà quyền nắm sẵn trong tay, nên Ta là Luật, Luật là Ta, Ta làm Luật, Luật do ta, và người có quyền trong cơ chế dễ trở thành mù quáng, vì không muốn nhìn ai, nghe ai, hiểu ai, đón nhận ai. Thế giới của họ vì thế khép nhỏ dần, và quanh họ chỉ còn là bóng tối dầy đặc của đần độn, ngu si, mù quáng (Mt 23,17.19.24).
d.     Nguy cơ biến thành người gian ác :
   Khi đã tự đồng hoá mình với cơ chế, nhập vai người nắm giữ quyền lực của cơ chế, nhập tâm mình là Lề Luật của cơ chế, người của cơ chế  sẽ đối diện với cơn cám dỗ sau cùng là bảo vệ bằng moị giá cơ chế. Thế nên khi cơ chế bị đe dọa, họ là người nhân danh cơ chế để giết chết những ai rắp tâm đụng chạm đến cơ chế, đổi mới cơ chế. Vì cơ chế bảo đảm tuyệt đối chỗ đứng vinh quang và đời sống vinh thân phì gia của họ, nên họ phải sống mái bảo vệ, bởi cơ chế mất, đời họ mất theo. Và để bảo vệ cơ chế, họ sẵn sàng sử dụng những phương tiện tàn ác nhất, miễn sao đạt mục đích giữ gìn cơ chế an toàn.
    Đức Giêsu đã nói đến máu người công chính từ máu ông Aben đến máu ông Dacaria, con ông Berécgia mà cơ chế Đạo đã giết giữa đền thánh và bàn thờ (Mt 23,35) để mô tả nguy cơ đi đến bạo lực rất tàn nhẫn để bảo vệ cơ chế tôn giáo, khi những người nắm giữ cơ chế từ chối mục tiêu, giá trị và ý nghiã  đích thực của cơ chế là phục vụ con người, cũng như Lề Luật của cơ chế là để thắp sáng Công Lý, Lòng Nhân và Thành Tín (Mt 23,23).         
     Tóm lại, Tin Mừng Mátthêu chương 23 đã cho chúng ta thấy tình trạng nặng nề, u ám của cơ chế trong Đạo cũ, đồng thời cho chúng ta những tiêu chuẩn để đánh giá, và cảnh báo những nguy cơ mà cơ chế có thể gây ra. Nếu ở thời Đức Giêsu, các chức sắc phẩm trật của cơ chế Đạo Do Thái đã gây nhiều phiền phức cho dân Chúa như cấm vận ơn sủng, đóng cửa Nước Trời, tham lam, bóc lột, gian ác, thì những người của Giáo Hội hôm nay cũng sẽ khó tránh khỏi những cám dỗ của quyền lực, quyền lợi, độc tài, độc đoán, kẻ cả thủ đọan gian ác, phi nhân, vì Giáo Hội bên cạnh sự thánh thiêng, không tỳ ố vì có Đức Giêsu là Đầu, vẫn là một cơ chế mang tính nhân loại gồm những con người bất toàn, yếu đuối. Vấn đề của chúng ta, những người con của Giáo Hội hôm nay, là làm thế nào để cơ chế không là mục đích phải tìm kiếm, cơ chế không là Nước Trời phải ở lại, cơ chế không là cứu cánh phải đạt tới, nhưng cơ chế chỉ là phương tiện để đến được Nước Trời, cơ chế chỉ là nơi tìm gặp Thiên Chúa, cơ chế chỉ tồn tại để phục vụ, cơ chế chỉ là dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa nhập thể, cơ chế chỉ là nơi Tình Yêu nhập cuộc cho hết mọi người được thương yêu, cứu độ.
     Để được như vậy, chúng ta không được quan niệm Giáo Hội như một cơ chế bình thường như bao nhiêu cơ chế khác, càng không được tổ chức, điều hành Giáo Hội như một cơ chế thuần trần thế, bởi Giáo Hội không là cơ chế do con người thành lập, cũng không sống bởi sự khôn ngoan và sức mạnh của con người, nhưng được chính Đức Giêsu thiết lập và sống bằng sức sống của Chúa Thánh Thần. Do đó, tiên vàn Giáo Hội phải làm chứng bằng liên lỷ cố gắng trở thành dung mạo sáng ngời của Chúa Cha giầu lòng thương xót, và hiện thân của Đức Giêsu, Đấng đã đến để phục vụ chứ không để được phục vụ, và đã hiến mạng sống làm giá cứu chuộc mọi người (Mt 20,28). Vì thế, khi  Giáo Hội đánh mất lẽ sống, lý tưởng, hướng đi, sứ vụ và sức sống là Lòng Thương Xót và Hiệp Thông của Thiên Chúa Ba Ngôi, thì Giáo Hội chỉ còn là cơ chế khô khan, lạnh lẽo, vô hồn, tệ hơn bất cứ một cơ chế trần thế nào khác, vì bị cắt nguồn sống từ Thiên Chúa, Đấng đã muốn Giáo Hội sống bằng chính sự sống của Ngài.    
   Đức Thánh Cha Phanxicô không chỉ một lần, nhưng rất nhiều lần rải rác trong các bài giảng, tông huấn đã tha thiết kêu gọi đừng để Giáo Hội của Đức Giêsu biến thành một cơ chế sơ cứng chỉ độc đoán phân tích, xếp loại, tuyển chọn, khai trừ người khác, thay vì nhiệt tâm loan báo Tin Mừng ; cũng đừng làm khó dễ, đặt chướng ngại vật trên đường đến với ân sủng, nhất là đừng làm nhụt chí những người đang khao khát tìm gặp Đức Giêsu, bằng dựng những trạm kiểm soát, hàng rào kiểm tra, lô cốt canh phòng, bảo vệ. Vì như thế cả Đức Giêsu và con người đều không có lối đi để đến với nhau.      
   Jorathe Nắng Tím