Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 30 tháng 3, 2019

NHỮNG CHUYẾN ĐI CUỘC ĐỜI


Đời mỗi người không chỉ là một chuyến đi, nhưng là những chuyến đi liên tiếp, không ngừng: đi từ bào thai trong lòng mẹ vào cuộc đời làm người; đi từ tuổi thơ hồn nhiên, vô tư đến tuổi lập thân, trưởng thành; đi từ tuổi trẻ “kinh bang tế thế” đến tuổi già thất thế, “gần đất xa trời”. Đời người ấy như những chuyến đò, chuyến xe, chuyến tầu lửa, chuyến máy bay đi từ nơi này sang nơi khác, từ Bắc vào Nam, từ Đông qua Tây, từ quê nhà ra nước ngoài, từ Á sang Âu, từ cực Bắc xuống cực Nam. Đời ấy củng đi từ yếu đuối sang mạnh mẽ, từ tối tăm qua ánh sáng, từ rối loạn đến bình an, từ ganh ghét, hận thù sang tha thứ, yêu thương hoặc ngược lại. Và trên những chuyến xe, chuyến tầu ấy, con người không thể đi một mình đơn độc, nhưng đi với người khác, đi chung với nhau; trên hành trình từ bé đến lớn, từ yếu thành mạnh, từ tội lỗi nên thánh thiện, con người không thể “cô thân độc hành”, nhưng từng bước chân đi, từng dặm đường đời luôn có người khác đồng hành. 
    Người khác đồng hành vì ta cần người khác, bởi chuyến đi nào xem ra cũng không thể tự mình thực hiện. 
     Trước nhất là chuyến đi vào đời, nếu không có mẹ cha, làm sao ta vào được cuộc đời? Tiếp đến là hành trình làm người, nếu không có tình yêu và bàn tay chăm chuốt xây dựng của rất nhiều người,  chắc gì đời ta có được hôm nay? 
   Tuy thế, đã có nhiều lúc ta bực bội trách mình sao đã dại khờ, nhẹ dạ gặp gỡ, thân quen với người này người nọ, mà vì họ, đời ta đã “xất bất xang bang”, xuống dốc không phanh, chìm sâu vực thẳm; có nhiều lần ta oán trách hàng loạt “người thân kẻ sơ” đã đến rồi để lại cho đời ta gánh nặng oan khiên. Họ là những người ta gặp trên những chuyến đi, những người đã một lần đồng hành, có thể chỉ “chung đường chung lối” dăm ba bước, vài cây số, nhưng cũng có thể dài lâu, có khi gần hết cuộc đời dài, nhưng cuối cùng thì vẫn phụ tình, phản bội,  “nghìn trùng xa cách”, “lạnh lùng như người dưng”, và để lại trong ta “tai ách đau thương”. 
      Họ là những người ta không cần, nhưng cần ta, hoặc ta đã cần họ, nhưng nay không cần nữa. Họ là những người ta chỉ cần cho một công việc nhất định, nhất thời, giai đoạn, hoặc họ chỉ  cần ta cho một thời vụ, một “phi vụ chớp nhoáng”. Và khi hết thời, xong việc, cả ta và họ đều nóng lòng tìm cách xa nhau cho khỏi phiền phức, bận rộn, cho bớt bẽ bàng, rủi ro. 
   Bên cạnh những người ta muốn quên, hoặc muốn quên ta là những người ta muốn giữ ở lại với ta suốt đời, nhưng ta không đủ sức giữ họ, hoặc họ không muốn ở lại với ta. 
   Vì thế, mỗi chuyến đi là một mạo hiểm, một hành trình mới, những cây số mới, không gian mới, thời điểm mới, bạn đường mới, với hành trang mới, ý nghĩa mới, và suy tư, tâm tình mới. 
   Tính cách mới sẽ đáng trân trọng vì thăng tiến và làm đẹp đời ta khi những chuyến đi hôm nay tích cực hơn những chuyến đi hôm qua, và những chuyến đi tương lai theo dòng đời ngày càng thêm tích cực. 
      Như thế, được gọi là chuyến đi mới khi không bạn đường nào bị ta coi là vô ích, vô dụng , “vô tích sự” trên hành trình đời ta, bởi mỗi người có mặt trong những chuyến đi đều là nhịp cầu cần thiết cho hạnh phúc đời ta. 
     Họ có thể chỉ là nhịp cầu tre chênh vênh, nhưng không có nhịp cầu tre mong manh, vắt vẻo, và cần thiết ở một thời điểm khó khăn, ta đã không vượt qua được thác đá cheo leo, nguy hiểm. Họ có thể chỉ là chiếc cầu khỉ khó đi, nhưng thiếu nhịp cầu thô sơ, chông chênh khi không còn phương tiện nào khác, chắc gì ta đã đạt đích tới chờ mong. Họ chỉ là cây cầu sần sùi, thô kệch, rêu phong, nhưng thiếu bóng dáng họ, không chắc đời ta đã ngời sáng. 
      Do đó, chỉ khi nào ta ý thức những chuyến đi đời ta là những chuyến đi hồng ân, vì gặp những con người đem lại hồng phúc và chính ta cũng là sứ giả mang ơn phúc cho họ, ta mới có thể hạnh phúc bước đi mỗi ngày trên hành trình luôn được tình yêu và ơn an bình thăng tiến, đổi mới. 
    Với người Kitô hữu, trên từng cây số cuộc đời, trong từng chuyến đi dong duổi, chúng ta có Đức Giêsu là Đấng Cứu Độ hướng dẫn, có Đức Giêsu phục sinh 
là bạn đường đồng hành, có Đức Giêsu là Thiên Chúa của lòng thương xót nâng đỡ, ủi an, chia sẻ. 
   Như trên đường Emmau năm xưa, Ngài đồng hành với  hai môn đệ trên  đường trĩu nặng gánh sầu tang chế; đồng cảm khi lắng nghe tâm sự của hai người thất thế, thất bại; chia sẻ niềm hy vọng sống lại khi ở lại và đồng bàn với họ khi trời đã tối. 
   Hôm nay, cũng Đức Giêsu phục sinh cũng có mặt trong mọi biến cố, trên mọi nẻo đường, ở mọi tình huống, với hết mọi người chúng ta trong những chuyến đi cuộc đời. Ngài có mặt trong anh chị em cùng đi với ta, với lương thực ban sự sống, với ơn hình an và niềm hy vọng. 
    Có Đức Giêsu, mắt ta sẽ được mở ra như hai môn đệ trên đường Emmau để nhận ra Thiên Chúa trong anh em khi ta đồng hành, yêu thương, giúp đỡ, chia sẻ, thứ tha. Có Đức Giêsu đồng hành trong những chuyến đi, Ngài sẽ mở trái tim ta để ta biết trân quý mọi người, dù họ là ai, giầu nghèo, sang hèn, yếu đuối , thánh thiện, bởi tất cả đều là sứ giả, nhịp cầu, cánh tay nối dài của Thiên Chúa giầu lòng thương xót đang xót thương đời ta, và đời mọi người. 


Jorathe Nắng Tím 

THIÊN CHÚA NÀO LÀ THIÊN CHÚA CỦA KITO GIÁO?

Triết học phân biệt căn tính, bản tính và thuộc tính. Căn tính hay bản tính là cái làm nên hữu thể, cái căn bản cho hữu thể được tồn tại. Căn tính người làm cho con người là người, căn tính chó làm cho con chó là chó, căn tính nhà làm cho cái nhà là nhà mà không phải là cái khác. Căn tính hay bản tính xác định chính xác từng loại, từng thứ để giữa các thứ loại không lẫn lộn nhau.
Khác với căn tính, bản tính, thuộc tính là các tính chất thuộc về một hữu thể, nhưng tự nó không làm nên hữu thể. Nó khác căn tính, bản tính, vì thiếu nó hữu thể vẫn tồn tại.
Thí dụ : bản tính người làm nên con người, nhưng những tính chất phụ thuộc như màu da, tiếng nói, trình độ văn hoá, tính tình, thông minh, dốt nát... không làm con người không là người khi thiếu chúng, bởi chúng không phải căn tính, bản tính người để làm nên con người, nhưng chỉ là những thuộc tính luôn mang tính phụ thuộc, vì lệ thuộc căn tính, phụ vào cho bản tính.
Vì thế, khi chọn ai, theo ai, yêu ai ta chọn, theo và yêu chính con người ấy, con người độc nhất, riêng biệt, không “chung chung”, không thể thay thế, hoán chuyển hay pha trộn lẫn lộn. Người ấy có căn tính riêng mà nhờ căn tính riêng biệt, độc đáo, đặc thù, độc nhất, ta không lầm người ấy với những người khác, không lộn người ta yêu với nhiều người chung quanh tuy có thể “hao hao giống”, nhưng “không bao giờ” là người ấy.
Cũng vậy, khi chọn một tôn giáo, chúng ta không thể không biết Đấng thiêng liêng mà tôn giáo ấy tôn thờ là ai, Đấng chúng ta đi theo, phụng sự, tin tưởng, cầu khấn và trao phó vận mạng đời này và tương lai đời sau là Đấng nào? Vẫn biết không ít người phó mặc chuyện tôn giáo cho tổ tiên và an tâm giữ đạo của cha mẹ, ông bà để lại mà không chút thắc mắc, đặt lại vấn đề. Bên cạnh là những người dứt khoát không muốn tìm hiểu, vì coi tôn giáo không cần thiết, mà còn là xì ke, thuốc phiện mê hoặc, phản khoa học, đi ngược trào lưu tiến hoá của nhân loại. 

Với chúng ta, những người lữ hành trên đường đi tìm Chân Lý, Thiên Chúa của tôn giáo chúng ta đi theo và tôn thờ phải được lý trí thao thức, khắc khoải đi tìm, bởi không biết sẽ không yêu, như hai người yêu nhau luôn muốn biết tường tận về nhau. “Vô tri bất mộ” là thế!
Quả thực, vấn nạn Thiên Chúa là ai đã được đặt ra ngay từ khi con người có mặt, bởi con người muốn biết nguồn cội của mình và nguồn cội ấy đã luôn không thỏa mãn khao khát của con người nếu chỉ dừng lại ở con người, bởi nguồn cội ấy chính là Thiên Chúa.
Khi chọn Ápraham, Thiên Chúa đã chúc phúc cho ông và chúc phúc cho những ai chúc phúc cho ông (x. St 12,2-3), và hơn thế nữa, Thiên Chúa còn khẳng định : “Nhờ ngươi, mọi gia tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc” (St 12,3). Vì thế, ông “dựng bàn thờ để kính Đức Chúa và kêu cầu danh Đức Chúa” (St 12,8), Đức Chúa rất nhân hậu.
Với Môsê, Thiên Chúa nói với ông Ngài là Đấng Hiện Hữu (Xh 3,14), Đấng đang có mặt với dân Ngài trong mọi hoàn cảnh :
“Ta là Thiên Chúa của cha ông các ngươi. ..Ta đã thật sự quan tâm đến các ngươi và cách người ta đối xử với các ngươi bên Ai Cập. Ta sẽ cho các ngươi thoát cảnh khổ cực bên Ai Cập ... lên miền đất tràn trề sữa và mật ong” (Xh 3, 16- 17).
Và suốt dòng lịch sử của Israël, dân riêng, Thiên Chúa đã cho họ biết Ngài là “Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, thương xót, chậm bất bình và nhân nghĩa, thành tín” (Xh 34,6).
Căn tính Thương Xót của Thiên Chúa Israel đã tách biệt dân riêng của Ngài khỏi các dân khác đang thờ các thiên chúa khác với những căn tính hoàn toàn khác Ngài, Thiên Chúa của Ápraham, Isaác và Giacóp (Xh 3,16).
Là Thiên Chúa của lòng thương xót, căn tính của Ngài là Tình Yêu, mà không là những thuộc tính như toàn năng, công minh chính đại, khôn ngoan, thông biết mọi sự, vô thuỷ vô chung, phân minh thưởng phạt. Những thuộc tính này không thay thế căn tính Tình Yêu nhưng được bao bọc bởi căn tính Tình Yêu để hoạt động dưới sự hướng dẫn và tác động của Tình Yêu, nghĩa là toàn năng cũng chỉ là toàn năng của tình yêu, công bình cũng chỉ là công bình trong yêu thương, phân minh thưởng phạt cũng chỉ là thưởng phạt phân minh, công bằng vì thương xót. Căn tính tình yêu thực sự bao trùm tất cả, và tất cả đều phải quy hướng về.
Thực vậy, dòng dã lịch sử Israel, Thiên Chúa đã cưu mang, khai sinh, nuôi dưỡng, giáo dục dân Ngài bằng tình yêu của người mẹ như ngôn sứ Isaia đã viết : “Có phụ nữ nào quên được đứa con thơ của mình, hay chẳng thương đứa con mình đã mang nặng đẻ đau? Cho dù nó có quên đi nữa, thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ” ( Is 49, 15); đã kiên nhẫn chịu đựng những cứng cỏi, ương ngạnh, bất trung và phản nghịch của dân Ngài với tình yêu trung tín ( Xh 34, 7); đã quả cảm giữ đến cùng lời thề của giao ước yêu thương, dù không ngừng bị bội phản. Tắt một lời, Thiên Chúa đã chứng tỏ Ngài là Thiên Chúa tình yêu khi không ngừng “thương xót từ đời nọ đến đời kia những ai kính sợ Ngài” (Lc 1, 50)
Tuy thế, không phải tất cả đã đón nhận Thiên Chúa là Tình Yêu. Trái lại có nhiều người không chỉ khước từ căn tính tình yêu của Thiên Chúa, mà còn muốn căn tính yêu thương ấy phải được thay thế bằng những thuộc tính thực dụng khác như Thiên Chúa oai hùng, dũng mạnh để tức khắc nghiền nát đối phương, lập tức “ăn tươi nuốt sống” kẻ thù; Thiên Chúa nghiêm khắc để thẳng tay trừng phạt, không thương tiếc phường tội lỗi, sa đọa mà không chần chừ, do dự, xót xa; Thiên Chúa tuyệt đối công minh, để việc gì cũng chiếu theo Luật mà xét xử, không chút nương tay, khoan hồng; Thiên Chúa “chí công vô tư” đến vô cảm, tàn nhẫn, không chạnh lòng thông cảm trước yếu đuối, lỡ lầm; Thiên Chúa chi li, không sai lệch từng phân li công tội đến băng giá lạnh lùng khi xét xử; Thiên Chúa ngăn nắp, trật tự như đòi hỏi của cơ chế hành chánh; Thiên Chúa chắc nịch, “bất di bất dịch” như từng dấu chấm, dấu phẩy nặng nề, ì ạch cuộn mình trong các khoản luật ngạo nghễ tự coi là tuyệt đối hoàn hảo và đời đời không thể sửa đổi, cải tiến đang trói buộc tự do của những người con được mang hình ảnh của cha mình là Thiên Chúa.
Những người này đã không bao giờ tìm thấy hạnh phúc trong Thiên Chúa, Đấng có tên là Tình Yêu, và nhiều cuộc nổi loạn chống Thiên Chúa và phá bỏ Giao Ước với Ngài đã từ đó phát sinh.
Đến thời Tân Ước, khi Đức Giêsu, Đấng là dung mạo đích thực của Thiên Chúa Tình Yêu có mặt trong thế giới , giữa mọi người, Ngài cũng được những người đương thời xôn xao thắc mắc hỏi nhau về căn tính của Ngài : “Ông Giêsu này là ai vậy ?”, và chính Ngài cũng có lần hỏi các môn đệ : “Các con bảo Thầy là ai?” (Mt 16,15).
Trong bất cứ khẳng định nào về căn tính, Đức Giêsu đều quả quyết Ngài đến từ Thiên Chúa, được Chúa Cha sai đến để thực hiện ý muốn của Chúa Cha, và chính Ngài với Thiên Chúa Cha là một. Điều này xác định căn tính của Ngài là căn tính của Thiên Chúa và Tình Yêu chính là căn tính ấy như thánh tông đồ Gioan đã minh định không chút nghi ngại trong thư thứ nhất của ngài:
“Anh em thân mến, chúng ta hãy yêu thương nhau, vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa. Phàm ai yêu thương, thì đã được Thiên Chúa sinh ra, và người ấy biết Thiên Chúa. Ai không yêu thương thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là Tình Yêu” (1 Ga 4,7-8).
Vì Thiên Chúa là Tình Yêu, nên sự thật ở Thiên Chúa là sự thật của Tình Yêu, chứ không là sự thật trắng trợn bị lột trần bởi cán bộ điều tra, quan toà; Đường của Thiên Chúa là đường Tình Yêu dẫn đến hạnh phúc, chứ không là “đường đi không
Con Thiên Chúa hằng sống”(Mt 16, 16), đến”, hay mê lộ, tử lộ, ngõ cụt, đường cùng; sự sống nơi Thiên Chúa cũng là sự sống phát xuất từ Tình Yêu, được nuôi dưỡng bằng Tình Yêu, chứ không là sự sống “không lẽ sống”, nên lời tuyên xưng của thánh Phêrô : “ Thầy là Đức Kitô, khi thay mặt anh em tông đồ trả lời câu hỏi của Thầy: “Các con bảo Thầy là ai ?” đã xác tín Đức Giêsu là Thiên Chúa, Đấng là Tình Yêu hiện hữu, Đấng Hiện Hữu
trong Tình Yêu, Nguồn Sống đời đời phát xuất từ Tình Yêu hiện hữu.
Thánh Gioan đã sống với Đức Giêsu và cảm nghiệm sâu xa căn tính Tình Yêu của Thiên Chúa nên đã viết: “Tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta được biểu lộ thế này: Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống” (1Ga 4, 9). “Và Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian và yêu thương họ đến cùng” (Ga 13, 1).
Chân lý ấy được minh chứng hùng hồn bằng cái chết vì người mình yêu, cho hạnh phúc của người mình yêu trên Thánh Giá của Đức Giêsu, “Thiên Chúa làm người” , mà “ngoài Người ra, không ai đem lại ơn cứu độ” (Cv 4, 12). Thánh Giá còn là dấu chỉ của Thiên Chúa là Tình Yêu đã yêu con người đến cùng, yêu đến hơi thở cuối cùng, cây số sau cùng, trong vô cùng của Tình Yêu.
Nếu thời Cựu Ước, nhiều người đã tạc bò vàng để thờ (Xh 32, 1-6), dù đã biết và đang sống dưới bóng yêu thương của Thiên Chúa là Tình Yêu, chỉ vì không chấp nhận Thiên Chúa là Tình Yêu mà muốn Thiên Chúa phải là đấng nào khác, với căn tính khác, thì dưới thời Tân Ước và cho đến tận thế, vẫn không thiếu những người chống lại Tình Yêu là Thiên Chúa, tìm lật đổ, hạ bệ Thiên Chúa là Tình Yêu, bởi Thiên Chúa Tình Yêu ấy cản trở mưu mô, thủ đoạn của trí khôn họ; làm phiền toái con tim đầy gian tham, ích kỷ của họ; gây khó khăn cho những toan tính hận thù, ganh ghét của tâm hồn họ; làm bực bội, xốn xang lòng dạ không nhân nghĩa của họ; làm rối rắm, mệt mỏi lương tâm ngày càng biến thái, tha hóa của họ; biến tâm can họ thành bãi chiến trường của những giằng co giữa thiện và ác, trung thực và gian dối, tốt lành và xấu xa, thánh thiện và quỷ quái, bởi được sinh ra từ Tình Yêu của Thiên Chúa, con người sẽ là hình phạt hỏa ngục của chính mình khi đi ngược ơn gọi yêu thương của mình.
Được sinh ra bởi Thiên Chúa tình yêu, nên hạnh phúc đích thực của con người không thể là gì khác ngoài tình yêu, cũng như nguồn duy nhất đem lại hạnh phúc cho con người là Thiên Chúa Tình Yêu. Ở ngoài Thiên Chúa, không tình yêu nào đảm bảo hạnh phúc viên mãn, tròn đầy. Vắng bóng Thiên Chúa là Tình Yêu, tai họa của ganh ghét, hận thù, bạo lực sẽ đổ ập xuống đời con người như lẽ tự nhiên, thường tình.
Quả thực, căn tính của Thiên Chúa trong Đức Giêsu là Tình Yêu, và trong tình yêu, con người gặp được Thiên Chúa, mà gặp gỡ Thiên Chúa, đi vào tương quan với Thiên Chúa chính là mục đích của tôn giáo, và niềm tin.
Kitô giáo là tôn giáo có Thiên Chúa, Đấng là Tình Yêu, nên “ai ở lại trong tình yêu thì ở lại trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa ở lại trong người ấy” (1Ga 4, 16).
Và con đường có Đức Giêsu, Thiên Chúa làm người đồng hành với con người không thể là con đường nào khác ngoài con đường Yêu Thương, vì Thiên Chúa là Tình Yêu đã chọn đi trên con đường này để đến gặp loài người chúng ta.

Jorathe Nắng Tím

Thứ Năm, 28 tháng 3, 2019

Trở Về


       Suy Niệm TIN MỪNG Chúa Nhật 4 Mùa Chay

    Trở về là tiếng chuông ngân nga suốt mùa chay trong các bài đọc thánh lễ, kinh nguyện phụng vụ ; cũng là tiếng lòng thổn thức của tội nhân trên đường về. 
    Nhưng trở về thế nào và trở về từ đâu ?
    Câu trả lời chính xác nhất được tìm thấy trong dụ ngôn “Người con hoang đàng” của Tin Mừng Luca qua những bước chân trở về của anh, sau thời gian dài bỏ nhà đi hoang, và tiêu tán hết tài sản được chia (Lc 15, 11-32).
   Tin Mừng cho thấy : anh đã trở về từ một nơi rất xa mái ấm mà anh đã bỏ đi ; trở về từ tình trạng tiền tiêu hết mà bụng thì đói meo, phải ở đợ, muốn lấy cám heo ăn cho đỡ đói cũng không được; trở về từ tình hình sức khỏe xuống dốc; trở về từ tình huống không còn bạn bè nghĩa thiết, em út xinh đẹp, đàn em năng nổ, răm rắp tuân phục (x. Lc 15, 14-17).
   Đó là những cọc mốc ghi dấu chân anh trở về, nhưng không là khởi điểm của đường về, vì chân có bước đi được là do lòng đã quyết, nên trái tim, tâm hồn mới chính là khởi điểm của đường về. Anh đã quyết định điểm xuất phát của hành trình trở về khi “anh hồi tâm và tự nhủ : Biết bao nhiêu người làm công cho cha ta được cơm dư gạo thừa, mà ta ở đây lại chết đói !” (Lc 15, 17).
   Nếu trở về là về lại với ai đó, thì hồi tâm là về lại với mình, để lòng gặp lòng, ta gặp ta, “cái tôi” soi gương trong “cái mình”, để không nhân vật, sự vật nào có thể làm vách ngăn, màn che, tường chắn giữa “cái tôi” nguyên hình, nguyên trạng và “cái tôi” phấn son, hoá trang, giả dạng ; không còn thế lực nào có thể làm sai lệch “cái tôi” thật bên trong luôn được che giấu, và “cái tôi” giả hiệu bên ngoài được khoe khoang, trưng bầy; không còn cơ chế, quy luật, tổ chức nào có thể làm sai kích cỡ, trọng lượng, phẩm chất giữa “cái tôi” riêng tư của tâm hồn và “cái tôi” xã hội. Và chỉ như thế, cuộc trở về với chính mình mới thành công, và ta mới thực sự gặp được ta.
   Thực vậy, ta gặp lại ta, ta tìm gặp lại chính mình là công đoạn then chốt của hành trình trở về, bởi để trở về với bất cứ ai, trở về bất cứ nơi nào, trước tiên phải trở về với chính mình, nếu không, hành trình trở về không có điểm xuất phát, điểm khởi hành, để rồi mãi mãi sẽ chẳng có bước chân lên đường, vì chủ thể mất định vị, định hướng.
   Sở dĩ người con hoang đàng trong Tin Mừng đã không trở về ngay những ngày đầu khi vừa ăn tiêu hết sạch tiền và phương xa ấy vừa chớm xẩy ra nạn đói khủng khiếp (Lc 15, 14), mà nấn ná, chần chừ mãi cho đến khi không còn gì để nhét vào bụng, vì chẳng ai cho, và gần như chết đói (Lc 15, 16-17), mới lê tấm thân tàn tạ, đói rách trở về là vì anh đã chưa tìm được điểm khởi hành, chưa định vị được chỗ anh đứng. Đến khi “hồi tâm, và tự nhủ” (Lc 15, 27), anh mới nhận ra mình là ai, đang ở đâu, và từ đó mới thiết kế chương trình trở về, mới nghiên cứu con đường về lại nhà cha.
   Ở khởi điểm hồi tâm, anh đã phải chiến đấu rất cam go với chính mình, khi bị giằng co “nửa muốn ở, nửa muốn về”, vừa muốn trở về nhà Cha để có cơm no áo ấm, vừa muốn tiếp tục ở lì trong thiếu thốn, cơ cực. Chính cái tôi ương ngạnh, kiêu căng, cái tôi vĩ đại không bao giờ chịu nhỏ bé, cái tôi hoành tráng không chịu ô nhục khi phải thu mình, “im hơi lặng tiếng”, cái tôi quyền lực phát điên khi phải hạ mình, rũ áo, cái tôi tham lam ki cóp tiền của khi phải mất mát, buông bỏ. Tất cả những cái tôi nặng nề, cồng kềnh, nhiêu khê, phức tạp đó đã ghì trói bước chân lên đường của người con hoang đàng, phung phá muốn trở về.
    Cũng ở khởi điểm hồi tâm, anh đã trải qua cuộc đấu tranh nội tâm rất gay go, với nhiều ray rứt trước viễn ảnh ngày mai không có gì bảo đảm, vì cho đến lúc này, trở về với anh cũng vẫn là một mạo hiểm, mạo hiểm vì không biết thái độ của Cha và anh hai ra sao ? Anh sẽ được tha thứ hay khước từ ? Lý do khiến anh còn phân vân, lo lắng là vì anh chưa đi vào trọng tâm của hồi tâm. Trọng tâm ấy chính là nhận ra dung mạo nhân từ, dáng dấp yêu thương, trìu mến của Cha trong đời làm con của mình, nên chỉ đến lúc nghẹn ngào thốt ra từ cửa miệng đắng chát hai tiếng “Cha tôi” khi đang tự nhủ, anh mới đứng lên và bước đi được (x Lc 15, 18. 20).
   Như thế, khi hồi tâm trở về lòng mình, trở về với con người thật, trần trụi của mình, anh tưởng đã gặp những “cái tôi” của mình, nhưng thực ra anh đã gặp Cha anh. Chính vì gặp Cha mà anh đã mạnh dạn tin tưởng trở về, bởi nếu chỉ gặp những “cái tôi” hoang đàng, phung phá, tiều tụy, đói rách, bệ rạc của mình, chắc chắn anh đã không đủ can đảm đứng dậy, trở về.
   Hồi tâm như thế là trở về với sự thật của “cái tôi” khờ dại, nông nổi, non nớt, yếu đuối, tội lụy, ngông cuồng, phản phúc để tìm gặp hình bóng yêu thương, nhân hậu, bao dung, toàn năng, cứu độ của người Cha Thiên Chúa, Đấng luôn hiện diện trong chính những bất toàn, bất trung, bất nghĩa của con cái Ngài đã sinh ra và cứu chuộc ; là về lại với mình để thấy mình cần tình Cha tha thứ, cần tay Cha chữa lành, cần Lời Cha hướng dẫn, cần máu thịt Cha nuôi sống, cần sự chết của Cha hồi sinh, và cần ơn Cha đổi mới.
   Hồi tâm như thế cũng là về lại nhà mình, nhưng không về để cố chấp bám víu “cái tôi” cũ nát, bám chặt cái mình đã hư hỏng, nhưng ra khỏi mình, rời bỏ “cái tôi” để mang lấy chính Tình Yêu thương xót của Cha trên trời, Đấng kiên nhẫn đợi chờ ngay đầu ngõ, vì đường tội nhân trở về gặp Ngài cũng là đường Ngài đến tìm tội nhân.
   Tóm lại, trở về không là trở về gặp mình rồi ở lại với mình, nhưng gặp con người thật của mình như điểm xuất phát để ra khỏi mình và đi gặp Chúa, từ bỏ chính mình để đi theo Chúa, như Đức Giêsu đã tuyên bố : “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình” (Mt 16,24).
   Từ bỏ mình như thế là không ở với mình như người tham lam không chịu rời xa lâu đài ích kỷ, hay như kẻ kiêu căng cố thủ pháo đài quyền lực, nhưng ra khỏi lâu đài của cải để gặp Thiên Chúa là Cha đang cư ngụ trong những người nghèo khó, bị bỏ rơi ; là cởi trói mình khỏi “cái tôi” gian ngoa, ác độc, hồ đồ vu khống, hung bạo, bất công để tìm về Thiên Chúa là Cha trong Đức Giêsu hiền lành và khiêm nhường, tự hạ làm thân nô lệ, tôi tớ phục vụ, và của lễ đền tội mọi người.
   Và trở về từ nay sẽ là bỏ mình chọn Chúa, ra khỏi cái tôi ích kỷ để đến với anh em, từ bỏ con người cũ đầy tham vọng để khiêm tốn đồng hành, gánh vác, chia sẻ với những người kém may mắn. Và quan trọng hơn tất cả là trở về với hạnh phúc của người con luôn mang trong mình hình ảnh Cha giầu lòng thương xót, và trái tim Cha bao dung, nhân hậu. Người Cha Thiên Chúa ấy đã không để con mình nói hết lời thú tội, xin lỗi, nhưng mừng vui khôn tả mời hết làng trên xóm dưới đến ăn tiệc mừng “con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy” (Lc 15, 32).
   Xin cho chúng con thấu hiểu : Chúa mới là khởi điểm và đích điểm của hành trình trở về, và dạy chúng con không đào bới tội xưa, lỗi cũ làm hành trang ngày về, nhưng suốt cuộc đời, ở bất cứ đâu, và trong mọi cảnh huống sẽ chỉ có tình Thiên Chúa xót thương là hành trang duy nhất của đời chúng con trên đường trở về.
  Jorathe Nắng Tím


Thứ Bảy, 23 tháng 3, 2019

PHÓ THÁC!

https://www.youtube.com/watch?v=lAGBsHINLjk
   Đặt hy vọng, kỳ vọng hay phó thác, tín thác, ký thác đều chung một động thái, chủ đích, và ý nghĩa là trao gửi chính mình, đời mình, tương lai, hạnh phúc của mình trong bàn tay yêu thương có sức thực hiện điều mà tự mình không thực hiện được của người mình yêu mến và tin tưởng.
   Như thế, để có tinh thần phó thác, chúng ta phải đáp ứng ít nhất hai đòi hỏi:

   1/ Phải yêu mến, tin tưởng, trung thành : 
    Không yêu sẽ không tin, nhưng đang yêu mà bỗng dưng vì một thất tín trầm trọng, hoặc lừa dối nào đó dẫn đến mất niềm tin, thì tình yêu cũng đành phải “cao bay xa chạy”, mà hành vi phó thác đòi cả hai điều kiện : Yêu và Tin, bởi ta không thể đặt hy vọng, trao gửi hoài bão trong tay người mà ta không yêu, không tin.
Cũng có trường hợp ta chỉ yêu, nhưng không tin, khi đối tượng không đủ khả năng bảo đảm lòng tin của ta, thí dụ đối tượng ta có bổn phận yêu thương lại là người quá trống trải, nhẹ dạ, không kín tiếng kín miệng, và có thể mang lại nguy hiểm cho ta vì sự ngây ngô, khờ khạo đáng thương của họ.
   Yêu mến, tin tưởng tuy cần thiết nhưng chưa đủ, vì còn cần lòng trung thành, bởi không trung thành, ta sẽ phó thác đời ta cùng một lúc trong tay nhiều người, theo kiểu “bắt cá hai tay”, và như thế, phó thác sẽ không còn ý nghĩa và giá trị đích thực và trọn vẹn của nó. 
   Như thế, phó thác là chọn lựa ở mức độ cao của tình cảm, vì đòi phải yêu, tin và trung tín. Mức độ phó thác ấy càng cao, khi tình yêu, niềm tin tưởng, lòng trung thành nơi người ta phó thác càng sâu thẳm, vững chắc. Về phía người ta tìm đến phó thác tất nhiên cũng phải là người yêu thương và sẵn sàng cưu mang, giúp đỡ ta. 

2/ Phải chân nhận sự bất lực của ta và khả năng của người ta tìm đến phó thác :
Ký thác cho ai một việc là công nhận người ấy có khả năng, có lực để giải quyết, đảm đương. Nhưng xa hơn và quan trọng hơn công việc, khi phó thác chính đời mình cho một người thì người ấy chắc chắn sẽ phải có quyền, có tài, có lực hơn ta rất nhiều. Nếu không sẽ chẳng còn là phó thác trong nghĩa “trao thân gửi phận”, nhưng có nguy cơ trở thành “giao trứng cho ác”, và tự chuốc lấy tang thương, thất bại.
   Như thế, để phó thác cuộc đời cho ai, ta phải nhận mình ở vào tình trạng bất lực khi không kiểm soát, định đoạt được tất cả những gì đang hoặc sẽ xẩy đến, đồng thời chân nhận giá trị, khả năng, thế lực của người ta tìm đến phó thác.
Cụ thể khi phó thác ở Thiên Chúa, chúng ta cần xác tín trước hết một điều rất quan trọng, đó là Thiên Chúa yêu thương ta trước khi ta biết và yêu mến Ngài ; cứu chuộc ta trước khi ta yếu đuối bỏ Ngài ; gìn giữ ta cả khi ta đang điên cuồng, ngạo nghễ lên án Ngài chỉ vì Ngài là Tình Yêu, mà đã là Tình Yêu, Thiên Chúa chỉ có thể yêu, mà không thể ganh ghét, thù hận, bạo hành, báo oán, giận dữ, ác độc đối với bất cứ ai hay tạo vật nào của Ngài, nếu không, Ngài sẽ tự phủ nhận chính mình là Thiên Chúa.
   Hãy nghĩ đến hạnh phúc của người con được Thiên Chúa là “Cha toàn năng, Đấng tạo thành trời đất muôn vật hữu hình và vô hình” yêu thương. Được người đời có quyền cao chức trọng yêu thương đã là hạnh phúc lớn, nay có Thiên Chúa toàn năng yêu thương, hỏi còn vinh dự, hạnh phúc nào lớn hơn ? 
   Và hạnh phúc nắm bắt ngay được trong Thiên Chúa toàn năng đang yêu thương con người chính là con người không còn phải lo lắng, tân toan trên giòng đời xem ra vô thường, vì được Thiên Chúa ban cho hạnh phúc được phó thác trọn vẹn cuộc đời và tất cả mọi người, mọi việc, mọi biến cố liên quan trong tay Ngài.
   Trong Tin Mừng, Đức Giêsu đã quả quyết hạnh phúc của những tâm hồn biết phó thác : 
   “Thầy bảo cho anh em biết : đừng lo cho mạng sống : lấy gì mà ăn ; cũng đừng lo cho thân thể : lấy gì mà mặc... Hãy nhìn xem chim trời : chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào kho ; thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng. Anh em lại chẳng quý giá hơn chúng sao ? ... Còn về áo mặc cũng thế, lo lắng làm gì ? Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng... : chúng không làm lụng, không kéo sợi ; thế mà ngay cả vua Sa lô môn, dù vinh hoa tột bậc, cũng không mặc đẹp bằng một bông hoa ấy” (Mt 6, 25-29). 
   Quả thực, phó thác như chim trời, hay cánh hoa đồng nội, con người sẽ chẳng còn bất hạnh vì quá khứ cắn rứt, dằn vặt, vì hiện tại bươn trải, nhọc nhằn, vì tương lai mịt mờ đe dọa, nhưng luôn bình an vì đã phó thác trong tay Chúa là Cha nhân hậu và bao dung quá khứ đầy bất toàn ; đã phó thác trong tay Chúa là Cha toàn năng hiện tại nhiều sóng gió, thử thách ; đã phó thác trong tay Chúa là Cha quan phòng cả giòng đời tương lai mịt mờ. Và như con thơ trong tay mẹ hiền, suốt đời sẽ chỉ biết yêu mẹ và nắm chặt tay mẹ mọi lúc, mọi nơi. 
   Nhiều người khi nghe hai chữ phó thác thì nhếch môi cười nhạt, trong ý nghĩ : “phó thác mà chết à”, bởi theo họ, chẳng có Thiên Chúa nào rảnh rang đến độ săn sóc cái đám lợi dụng chiêu bài “phó thác” để ươn lười, phè phỡn, không phấn đấu, làm việc. Có người liều mạng cắt nghĩa : như chim “không gieo, không gặt” và như hoa “không làm lụng, không kéo sợi”, ta đây vì phó thác nên cũng chẳng cần phải “chân lấm tay bùn”, làm ăn vất vả. Cắt nghĩa kiểu này thì nguy to cho cả họ, vì công việc của chim trời không là gieo, gặt, cũng như nhiệm vụ của bông hoa không là dệt tơ, kéo sợi. Nhưng đó chính là công việc của con người, mà Đức Giêsu dùng như hình ảnh để làm nổi bật tinh thần phó thác ở Thiên Chúa quan phòng.
   Người viết trộm nghĩ : nếu có ai đó ủng hộ quan điểm sai lệch trên, thì quả thực oan uổng cho các thánh trên trời và người lành dưới thế quá, bởi các vị đều là những người luôn phó thác đời mình trong tay Chúa, đồng thời say mê làm việc phục vụ mọi người.
Do đó, ta cần lưu ý thành kiến rất sai lệch và nguy hiểm ở một số đông đáng kế, đó là đồng hoá người lười biếng với người phó thác, và ngây ngô cho rằng: người sống phó thác là người chỉ nằm phó thác, “há miệng chờ sung rụng”, mà không thao thức, khắc khoải, ước mơ, dấn thân hoạt động, hay tận lực phấn đấu, tận tụy hy sinh thực hiện hoài bão.
   Khi Đức Giêsu dùng hình ảnh chim trời phó thác, Ngài chỉ cho đám đông đi theo Ngài cùng Ngài dõi theo những cánh chim đang bay trong trời rộng để làm vui thế giới, nhìn xem bầy chim sẻ đang ríu rít, líu lo nhẩy từ cành này sang cành khác để làm rộn ràng cuộc sống, cảm kích trước những chim mẹ đang chăm chú, chăm chỉ nhặt từng mụn bánh, từng hạt đậu nhỏ, khô lép rơi vãi trên sân đem về nuôi con. 
   Đức Giêsu đã không chỉ những con chim nằm kềnh, chổng gọng, phơi xác lười biếng, những con chim không hót líu lo, không bay nhảy, không chăm chỉ kiếm ăn, nhưng đàn chim được diễm phúc chọn làm hình ảnh phó thác hôm ấy gồm toàn những cánh chim vui sống, đang hăng say làm việc của mình, đang cố gắng chu toàn sứ mệnh của mình, đang tận tâm, tận lực lo cho đồng loại của mình.
Như những cánh chim sẻ, những bông hoa đồng nội cùng diễm phúc được chọn làm hình ảnh của Phó Thác hôm ấy cũng đang rung rinh, lả lơi tỏa hương thơm, khoe sắc đẹp trước gió để làm đẹp thế giới, làm phấn khởi lòng người như sứ mệnh của chúng khi được tạo dựng.
   Những bông hồng đỏ thắm biểu hiện tình yêu tha thiết, nồng nàn, những bông huệ trắng vươn cao như khát vọng trinh khiết, những nàng hướng dương, cúc vàng, trinh nữ, mimosa vừa rực rỡ vừa đằm thắm, dịu dàng cho hồn nhân thế vừa phơi phới, rạo rực, vừa trầm lắng, lâng lâng. Và cả đàn chim trời, cả rừng hoa muôn sắc hôm ấy đã tràn ngập hạnh phúc trong tình yêu của Thiên Chúa quan phòng.
Từ hình ảnh chim trời, hoa đồng nội, chúng ta nhận ra điều Thiên Chúa muốn ở những tâm hồn phó thác nơi Ngài.
   Phó thác không là “phó mặc” vô trách nhiệm, không là “thoái thác” hèn nhát. Trái lại, phó thác là luôn làm việc trong hiên tại như Thiên Chúa Ba Ngôi luôn làm việc ; luôn cố gắng chu toàn trong chính giây phút hiện tại trách nhiệm và sứ vụ được trao phó ; luôn chăm chỉ, tận tụy ngay “ở đây và lúc này” thực hiện chương trình còn dang dở, phải hoàn thành ; luôn thao thức và chăm chú lắng nghe lời thì thầm của Chúa Thánh Thần trong từng nhịp thở của trái tim ; luôn nhậy bén nhận ra những dấu chỉ của thời đại đế không bỏ lỡ cơ hội của ơn Cứu Độ ; nhất là luôn giữ ý thức và ý chí trên tuyến đường Thương Xót của Đức Giêsu vì đây mới chính là nền tảng của phó thác, nguồn suối của phó thác, sức mạnh của phó thác, bệ phóng của phó thác, và lẽ sống của phó thác.
Tại sao vậy ?
   Thưa vì con người chỉ có được diễm phúc phó thác quá khứ tội lỗi của đời mình trong tay Thiên Chúa vì Thiên Chúa giàu lòng xót thương. Giả như Thiên Chúa không giàu lòng xót thương, thử hỏi con người có cửa nào để được xoá hết lỗi lầm, tội lụy ? Do đó, không có lòng thương xót, thì chẳng có cơ may cho tội nhân được phó thác hết lỗi lầm đã vấp phạm.
   Nếu Thiên Chúa không là Tình Yêu thương xót, thì ai sẽ đủ sức che khỏi mắt Ngài những xúc phạm đáng luận phạt của mọi người và mỗi người đang phơi bầy trước mặt Ngài ? Và tội nhân là hết mọi người chúng ta chỉ có nước lẩn trốn khi Ngài nghiêm nghị gọi tên, mà chẳng bao giờ dám mơ cảnh con thơ phó thác ngủ yên trong tay mẹ hiền là Thiên Chúa. 
   Nếu Thiên Chúa không bao dung, thương xót, thì những người tội lỗi làm gì có ngày mai mà cần phải phó thác, vì 
tất cả mọi con đường hạnh phúc tương lai đều sẽ bị đóng lại.
Vì thế, phó thác chỉ thực sự có mặt trong tâm hồn khi tâm hồn nhận ra Thiên Chúa là Tình Yêu thương xót. Thiếu lòng thương xót của Thiên Chúa, phó thác sẽ vô ích, vô nghĩa, vì phó thác ở ai là tin, yêu, trung thành với người ấy, với một điều kiện tiên quyết : người ấy phải là người yêu thương ta và có khả năng cứu giúp, che chở, bênh đỡ, mang lại hạnh phúc cho ta. Vậy nếu Thiên Chúa, Đấng ta phó thác tất cả không yêu thương ta, thì ta phó thác cho Ngài làm gì, bởi Ngài sẽ chẳng đoái hoài, cũng chẳng quan tâm, chạnh lòng trước khốn khổ, quẫn bách, cơ cùng của đời ta. 
   Tóm lại, phó thác luôn hướng đến niềm hy vọng và bình an, nên chỉ trong lòng thương xót, phó thác mới sống được ; chỉ trên đất của lòng thương xót, phó thác mới nẩy mầm và lớn lên ; chỉ với nắng gió, mưa sương của lòng thương xót, cây rừng mới xanh lá và vườn kia mới cho hoa thơm, trái ngọt, bởi chỉ có lòng thương xót của Thiên Chúa dủ thương dân Ngài thì dân Ngài mới được niềm Hy Vọng, ơn Bình An, là Hanh Phúc con người hằng khát khao, mong đợi. 
   Mùa chay là mùa Thiên Chúa tỏ lòng thương xót dân Ngài, cũng chính là cơ hội dân Ngài đáp trả tình Ngài xót thương bằng phó thác linh hồn, thân xác, mọi sự, mọi việc, niềm vui, nỗi buồn, may mắn, trắc trở, thất bại, thành công, cả việc tốt lành và tội lỗi, cả người thân và kẻ bách hại, làm khổ, cả quá khứ, hiện tại, tương lai trong tay Thiên Chúa là Đấng toàn năng, giauf lòng thương xót luôn biết con cái cần gì và quan phòng, lo liệu tất cả.
Jorathe Nắng Tím


Đôi Mắt

https://www.youtube.com/watch?v=XKQUTlTdSzU
Sức quyến rũ của một người tập trung ở đôi mắt. Mắt thu hút người đối diện, mắt nói nhiều hơn miệng. Mắt tỏ tình, gợi cảm, mắt nắm bắt, lột trần thực tại. Sở dĩ mắt làm được nhiều chuyện, vì mắt nhìn được tất cả. Không có mắt, thực tại bên ngoài khó được nội tâm thu nhận. Thiếu mắt, cuộc sống mất đi nhiều cơ hội tương giao.
Nhưng mắt không đều đặn cho mọi người, mắt không đồng bộ cho mọi khuôn mặt, mắt không cùng độ nhạy bén cho tất cả, nên mới phải giải phẫu mắt, cắt mí mắt, đeo kiếng, đặt tròng, nhỏ thuốc làm mắt sáng long lanh, tô vẽ cho mắt thêm huyền ảo… Vì không cùng kích thước, chất lượng nên mắt mỗi người nhìn vũ trụ, con người khác nhau đưa đến nhận định, ý kiến, nhận thức khác nhau. Chính những khác nhau của đôi mắt và cách nhìn đã phát sinh những khó khăn, phức tạp, đối kháng trong đời sống xã hội vì những thành kiến, thiên kiến, loạn kiến, cận kiến, viễn kiến do những đôi mắt cận thị, viễn thị, loạn thị hay vật thị, lợi thị, linh thị, cực đoan thị, ngoan cố thị, phi nhân thị…


Tin Mừng mùa Phục Sinh tường thuật nhiều gặp gỡ giữa Đức Kitô Phục Sinh và các môn đệ của Ngài, từ lần gặp Mađalêna và các bà đạo đức buổi sáng sớm phục sinh gần cửa mộ (Mc 15,1-8) đến bước đồng hành với hai môn đệ trên đường Emmau (Lc 24,13-35), rồi với mười một tông đồ (Lc 24,36-49), và lần gặp được coi là sau cùng trên bờ biển Tibêriát (Ga 21,1-22). Trong các cuộc gặp gỡ, Đức Kitô đã hành xử như một người sống thực: cũng ăn nói, đi đứng, cư xử như ngày xưa, trước khi chịu chết, nhưng có điều lạ là tất cả đã không nhận ra Ngài. Đôi mắt các ông đã không còn nhìn thấy Ngài dù Ngài vẫn là Giêsu, Thầy của các ông. Đôi mắt các ông không nhận ra Ngài, dù Ngài vẫn cùng giọng nói, cùng dáng đi, cùng nếp sinh hoạt quen thuộc. Mađalêna đã tưởng Ngài là người làm vườn, các môn đệ gọi Ngài là ma, hai môn đệ trên đường Emmau nghĩ Ngài là người đi đường tình cờ gặp, không quen biết.
Quả thực, đôi mắt các vị đã không nhìn ra Đức Kitô từ cõi chết sống lại, bởi thân xác sống lại của Ngài đã biến đổi và không còn là thân xác trước đó nữa như Ngài đã nói với Mađalêna: “Con đừng giữ Thầy như vậy, vì Thầy chưa lên cùng Cha Thầy” (Ga 20,17). Tuy trở về đời sống như con người sống thực, nhưng thân xác phục sinh của Ngài đã biến thành thân xác siêu nhiên như ngày nào Ngài đã biến hình sáng láng trên núi trước mặt ba môn đệ Phêrô, Giacôbê và Gioan (Mt 17,1-8). Đó là lý do đã khiến đôi mắt nhân loại của các môn đệ không nhìn ra Ngài.


Như thế, vinh quang của Chúa Cha đã bao phủ thân xác phục sinh của Đức Kitô và mắt trần không thể nhìn ra Ngài. Các môn đệ tuy là những người thân cận, ở sát cạnh Đức Kitô nhiều năm cũng đã không nhận ra, dù Ngài đứng giữa các ông, nói chuyện với các ông, ăn uống với các ông, nhắc nhớ kỷ niệm đã có với các ông.

Nếu chính các môn đệ của Ngài không nhận ra Ngài, hỏi ai sẽ có thể nhận ra Ngài?

1.   Để nhận ra Đức Kitô Phục Sinh, Đấng đã chết để đem lại “trời mới, đất mới, thế giới mới, nhân loại mới”, đôi mắt phải được trang bị bằng cái nhìn “Tạo Dựng” ở đó “mọi sự, mọi loài đã được Thiên Chúa dựng nên và Ngài thấy tất cả đều tốt đẹp” (1Tm 4,4). Nhìn mọi sự như tạo vật tốt đẹp từ tay Thiên Chúa, nhìn mọi người với hình ảnh Thiên Chúa, đôi mắt sẽ “biết” nhìn tôn trọng, nhìn xây dựng, nhìn tích cực, nhìn bảo vệ, nhìn gìn giữ. Thế giới và con người sẽ được nhìn bằng đôi mắt tạ ơn, bằng ánh mắt cảm mến trước công trình tạo dựng tuyệt vời của Thiên Chúa là Cha. Trong tâm tình tri ân ấy, đôi mắt sẽ nhận ra Đức Kitô sống lại và tình yêu của Ngài trong tất cả mọi tạo vật, nhất là trong những người đương thời cùng sống.

2.   Để nhận ra Đức Kitô Phục Sinh, Đấng đã chết để đem lại Bình An cho mọi tâm hồn, đôi mắt phải mang cặp kiếng “Cứu Độ”, ở đó Thiên Chúa không bỏ sót, lãng quên, chối từ, xua đuổi một ai, nhưng “chậm bất bình và rất nhân hậu, khoan dung” để tất cả đều được cứu độ. Cặp kiếng cứu độ sẽ biết nhìn như Đức Kitô: không “bới lá tìm sâu”, không “bới lông tìm vết”, không kiếm dằm trong mắt anh em, không soi mói, kết án, không bóc trần, phanh phui, không theo dõi, tố giác. Cái nhìn của Đức Kitô biết nhắm lại làm thinh trước yếu đuối, biết cúi sâu khẽ khàng trước bẽ bàng, tội lụy, biết nhỏ lệ trước mất mát, thiệt thòi. Đó là đôi mắt của tình yêu thông cảm, nâng đỡ, đôi mắt của tình yêu an ủi, chữa lành. Với cặp kiếng Cứu Độ, mắt sẽ nhìn thấy trái tim nhạy cảm, hay chạnh lòng trước đau khổ của Đức Kitô, sẽ nhận ra độ cao độ dày của khối tình Thiên Chúa bao la và nhiệm lạ chỉ đợi chờ được mở lòng thứ tha.
Không nhận ra Đức Kitô vì mắt đã không được trang bị tình yêu của Ngài khi hận thù còn làm mắt “long lên sòng sọc”, ghen ghét còn làm “ngứa mắt”, cạnh tranh bất chính còn làm mắt xốn xang. Không nhìn ra Đức Kitô phục sinh khi mắt còn rực lửa dục vọng, còn sưng vù hay híp lại vì tham lam, ích kỷ. Chỉ với cặp kiếng Cứu Độ, đôi mắt trần tục mới nhìn ra Đức Kitô đã chết vì tình yêu và sống lại cho một thế giới mới, con người mới của tình yêu.

3.    Để nhìn ra Đức Kitô phục sinh, mắt phải mang lấy tầm nhìn “Hy Vọng Đổi Mới” của Chúa Thánh Thần. Sở dĩ mắt không nhìn được xa, không thấy được rộng, không sao mở lớn là vì mắt tự giam mình, tự đóng khung trong một giới hạn nhỏ bé vì ích kỷ, chật hẹp vì ghen tương, thiển cận vì thiếu bác ái, từ tâm và nhất là đui chột vì thiếu vắng niềm hy vọng. Mắt sẽ nổi cườm mờ mịt khi mắt không hy vọng vào ơn trở về của chính mình. Mắt sẽ kéo màng tăm tối khi không hy vọng vào khả năng đổi mới của anh em. Mắt sẽ khô võng mạc làm mù loà khi không hy vọng vào ngày mai sẽ mới hơn, tốt đẹp hơn của cộng đồng nhân loại. Mắt sẽ cay xè không còn thấy rõ khi mắt thất vọng, đào ngũ trước mời gọi dấn thân cho tương lai trước mặt. Không mang tầm nhìn Hy Vọng của Thánh Thần, Đấng sẽ đổi mới bộ mặt thế giới và đổi mới tâm hồn con người, đôi mắt trần tục sẽ chỉ nhìn những gì dưới chân để thoả mãn dục vọng nhất thời và đam mê tạm bợ.
Đức Kitô Phục Sinh đã không được nhận ra, vì mắt con người không mang Hy Vọng của Thánh Thần. Ở đôi mắt thất vọng, người ta chỉ thấy tiêu cực, bất lực và trong đôi mắt tuyệt vọng, uy lực của tử thần hiện lên.
Mang tầm nhìn Hy Vọng Đổi Mới của Chúa Thánh Thần để nhận ra “Thánh Thần chân lý ở trong chúng con và ở với chúng con” (Ga 14,17), để nhận ra đời mình luôn được an ủi (Ga 14,16), để thấy đời mình được hướng dẫn, dạy dỗ bởi Thánh Thần (Ga 16,13). Tầm nhìn Hy Vọng sẽ xoá tan mây mù thất vọng, phá tan màn sương vô vọng, diệt tan bóng tối tuyệt vọng phủ che đôi mắt. Tầm nhìn Hy Vọng trong Thánh Thần sẽ như lưỡi lửa của Thiên Chúa đậu xuống trên đầu, ban dư đầy ơn thánh, làm ngạc nhiên, sửng sốt mọi người (Cv 2,1-13).
Đức Kitô đã sống lại. Ngài cũng đến gặp gỡ mỗi người, như đã đi gặp các tông đồ. Nếu mắt con người đã không cho các ông nhận ra Ngài, thì đôi mắt nhân loại nơi mỗi người cũng khó nhìn thấy Ngài. Nhưng nếu không gặp được Ngài, không nhìn thấy Ngài, không nhận ra Ngài trong ngày Phục Sinh thì ngày mai của đời Kitô hữu sẽ ra sao? Không lẽ sẽ là chuỗi ngày dài không có Ngài? Không lẽ sẽ là cuộc đời buồn tênh không tình Ngài? Không lẽ sẽ là đường dài vô vọng không bóng Ngài đồng hành?
Lạy Đức Kitô đã chết và đã sống lại, xin cho chúng con đôi mắt Đức tin, Đức Mến, Đức Cậy để nhìn ra Chúa đang ở bên, để nhận ra Chúa đang đến gần, để phục vụ Chúa đang ở trong anh em.

Sợ Ma

https://www.youtube.com/watch?v=_enG0nF5JLU
Không phải ai cũng thấy ma, nhưng phần đông đều sợ ma. Không thấy mà sợ, sợ vì không thấy. Sợ ma vì thuở nhỏ được nghe những chuyện ma hãi hùng, kinh dị. Sợ ma vì hình dạng kỳ quái của ma được trí tưởng tượng phong phú thêu dệt, nhưng sợ ma cũng vì ma làm sợ như nhiều người bị ma nhập, ma hớp hồn, ma đeo đuổi, ma ám ảnh, ma chọc ghẹo.
Người ta sợ ma, nhưng không rõ ma từ đâu đến, bản chất ma là gì, công việc của ma ra sao. Vì không biết rõ nên ý tưởng về ma rất mông lung, mơ hồ và vì mơ hồ, người ta dễ dàng cho là ma tất cả những hiện tượng khó giải thích trong thiên nhiên; vì mông lung nên cả người chết cũng bị đẩy xuống làm ma: đám ma, thây ma, bãi tha ma.
Câu chuyện sợ ma vì thế có từ xa xưa, khi thế giới có người chết. Đang sống thì gần gũi thắm thiết, quây quần vui vẻ, nhưng chết là lập tức biến thành ma và người sống sợ hãi, tránh xa: không dám một mình bên thây ma, không dám một mình trong nhà ma, không dám một mình giữa bãi tha ma. Người chết khi vừa tắt thở là lập tức được chuyển hộ khẩu sang thế giới ma huyền bí và từ nay sự có mặt của họ trong đời thường, giữa người sống được coi là hiện tượng không bình thường như trường hợp hiện về của một số người đã chết.
Tin Mừng trong Tuần Thánh cũng kể chuyện sợ ma vào buổi sáng sớm khi các bà Mađalêna, Salômê, Maria mẹ ông Giacôbê ra thăm mộ Đức Kitô và “thấy một thanh niên, ngồi bên phải, mặc áo trắng” (Mc 16,1-8). Các bà sợ hú vía vì tưởng là ma và “hốt hoảng tháo chạy”. Đàn bà sợ ma, hay ít ra cũng sợ ma hơn đàn ông, nên khi thấy mộ mở toang, ghé mắt nhìn vào thì thấy một chàng trai mặc áo trắng ngồi ngay chỗ đã liệm xác Thầy và tỉnh bơ mở lời: “Các chị tìm Chúa Giêsu chịu đóng đinh hả? Ngài đã sống lại rồi, không còn ở đây nữa” (Mc 16,6), các bà sợ rụng rời chân tay và chạy về báo cho Phêrô và các tông đồ “Thầy đã sống lại” (Lc 24,9-10). Biết phụ nữ vốn đồng bóng, nhẹ dạ, sợ ma, nên các ông đã không tin và cho là chuyện bày đặt, hoang tưởng.
Thực vậy, các tông đồ không vội tin và biến cố sống lại của Đức Kitô đã bị xếp vào chuyện giả tưởng, chuyện ma nhảm nhí, bằng chứng là nhiều ngày sau đó, các ông vẫn “bán tín bán nghi” những điều các bà kể. Tôma không tin đã đành (Ga 21,25), các ông khác cũng không hoàn toàn tin, vì với các ông sự có mặt của Đức Kitô trong cõi đời thường sau khi Ngài đã thực sự chết và chôn trong mồ chỉ là hiện tượng hiện về của người chết, chứ không là sự kiện sống lại thật. Bằng chứng các ông đã gọi Ngài là ma, khi Ngài hiện ra với họ (Lc 24,37). Để giúp các ông ra khỏi ám ảnh sợ ma và nhận ra “Ngài đã sống lại thật từ cõi chết”, Đức Kitô đã nhắc các ông nhớ lại lời Ngài đã căn dặn trước khi đi chịu chết: “Thầy sẽ sống lại” và giúp các ông phân biệt “bóng ma, con ma” với thân xác sống lại từ cõi chết của Ngài.



1.   Ngài đã trở về cõi sống như con người sống động. Ma thường lởn vởn trong đời thường với bóng với hình, dưới dạng này dáng kia, nhưng không hiện diện, sinh hoạt như con người cụ thể, đang sống. Ma cũng chỉ thấp thoáng ẩn hiện, chứ không có mặt như con người bằng xương bằng thịt, ăn nói, chuyện trò, chia sẻ, cảm thông.
Không là ma hiện hình, không như người chết hiện về, Đức Kitô Phục Sinh mang thân xác sống động của con người sống: “Chúng con hãy nhìn xem chân tay Thầy nè. Chính Thầy đây. Hãy rờ chân tay Thầy mà xem, vì ma đâu có xương thịt như chúng con thấy Thầy có” (Lc 24,39). Chúa đã trấn an các tông đồ đang nghi nan, sợ hãi tưởng Ngài là ma, khi Ngài đến với các ông sau khi sống lại. Chính Ngài đã giúp các ông phân biệt ma với người, khi chỉ cho các ông nguyên tắc: ma thì không có xương thịt sống động như người sống.
Sống động như con người đang sống, Đức Kitô Phục Sinh đã nói tiếng nói của người sống, ăn uống như người sống, dùng thức ăn của người sống (Lc 24,42-43), đi lại như người sống, cư xử như người sống, lý luận như người sống, trách móc như người sống (Mc 16,14). Và câu chuyện đường Emmau giữa Ngài với hai môn đệ đã chứng minh điều này (Lc 24,13-35).
Là người sống, không là ma hiện hình, Đức Kitô Phục Sinh, không những chỉ suy nghĩ, lý luận, hành động như người sống, mà còn yêu thương, diễn đạt tình cảm của người sống, như người sống. Trước khi trao quyền Giáo Hoàng cho Phêrô, Ngài âu yếm hỏi ông nhiều lần: “Simon, con ông Gioan, con có yêu mến Thầy không?” (Ga 21,15-17).


Ma không sinh hoạt được như người sống, vì ma không có xương thịt như người để có mặt cụ thể trong không gian, thời gian cố định. Trái lại, khi phục sinh từ cõi chết, Đức Kitô sống đời sống người thật trong thân xác có xương có thịt của con người, nếu có khác là khác thân xác được sống lại từ cõi chết. Sự có mặt của Ngài sau khi sống lại với các tông đồ và nhiều người là sự có mặt của một con người sống, sống động, chứ không chỉ động như bóng ma động đậy trước gió, như dáng ma di động trên ngọn cây, như hình ma động nhẹ trên mái nhà. Chính sự sống “sống động” trong thân xác sống lại thật của Đức Kitô đã cho các tông đồ và nhiều người nhận ra Ngài đã sống lại thật như lời Ngài phán hứa.

2.   Hứa sẽ sống lại và đã sống lại như lời đã hứa, đó là điểm quan trọng trong biến cố sống lại của Đức Kitô. Ma không hứa trước với ai điều gì. Ma bất ngờ hiện hình làm người sợ, ma bất ngờ trêu chọc làm hoảng hồn, hú vía. Khác với ma, Đức Kitô đã nói trước việc Ngài sẽ sống lại. Ngài chủ động chứ không thụ động trong cái chết. Ngài biết trước, chuẩn bị trước tâm hồn các tông đồ để các ông không xao xuyến, thất vọng khi dặn dò: Thầy sẽ trở lại với chúng con (Ga 14,18) vì Thầy sẽ bị giết, nhưng sau ba ngày Thầy sẽ sống lại (Lc 18,33; Mc 9,30). Nói trước việc gì và sự việc xảy ra như đã nói là bảo chứng của người có quyền, làm chứng người ấy làm chủ vận mệnh, hoàn cảnh, thời thế. Người nói trước là người nắm vững tương lai và người nắm trước tương lai là người có quyền trên lịch sử. Người có quyền và làm chủ lịch sử, vận mệnh là ai, nếu không phải Thiên Chúa, vì con người, không ai có thể nắm chắc trong tay vận mệnh đời mình và tương lai của “lịch sử”. Đức Kitô đã quả quyết: sau ba ngày Ngài sẽ sống lại, không chỉ với các tông đồ mà với mọi người. Cũng chính vì lời quả quyết quá sắt thép, chắc nịch mà các ông thượng tế, ký lục, luật sĩ mới bực mình vì khó nghe, cho là phạm thượng, vì đúng như họ nghĩ: chỉ có Thiên Chúa mới dám bạo miệng nói như Ngài: “sau ba ngày, Ta sẽ sống lại”.


Trên đường Emmau, hai môn đệ vẫn chưa hoàn hồn sau cái chết của Thầy, nên còn ủ dột, sợ hãi. Họ đi bên nhau trong lặng lẽ thất vọng và không nhớ gì đến lời Thầy mình căn dặn. Phải chờ cho đến khi Đức Kitô nhắc họ nhớ lại lời hứa sẽ sống lại sau ba ngày từ cõi chết và khi Ngài bẻ bánh, họ mới nhận ra Ngài là người đã đồng hành với họ (Lc 24,13-34).
Như thế, cái chết nơi Đức Kitô nằm sẵn trong chương trình, kế hoạch cứu độ của Ngài và là cột mốc giữa sự sống và sự sống lại. Đức Kitô, tuy đã chết như con người, nhưng cái chết không có quyền trên Ngài, không có quyền biến Ngài thành thây ma và sự có mặt của Ngài sau khi sống lại không được coi như hiện tượng người chết hiện về. Cái chết chỉ đóng vai trò trung chuyển ngắn hạn, tạm thời mà không có quyền trên Ngài. Cái chết chỉ là một bước nối sự sống và sự sống lại nơi Ngài. Ngài đã sống lại như người sống, vì Ngài là sự sống. Ở Ngài, sự chết phải đầu hàng và hoàn toàn bị tiêu diệt.



3. Đức Kitô trở lại sự sống như người chiến thắng. Ma hay người chết hiện về đều lệ thuộc những điều kiện và quy luật của thế giới vô hình và thế giới hữu hình; có nghĩa là không được hội nhập vào thế giới người sống một khi đã rời bỏ thế giới sống, hữu hình. Trái lại, Đức Kitô hoàn toàn tự do hội nhập vào thế giới sống động của con người sống, vì Ngài trở lại đời sống như một người chiến thắng: chiến thắng thần chết, chiến thắng địa ngục, chiến thắng tội lỗi. Trở về trong cương vị người chiến thắng, Đức Kitô đã tiếp tục công trình cứu độ của Ngài bằng sai các tông đồ “đi làm chứng cho Ngài ở Giêrusalem, trong khắp các xứ Giuđêa, Samaria và cho đến tận cùng thế giới” (Cv 1,8). Là người chiến thắng, Ngài đến thăm và quy tụ tất cả những ai đã theo Ngài và trao cho họ sứ mệnh loan báo Tin Mừng cho muôn dân cho đến ngày tận thế (Mc 16,15). Là người chiến thắng, Đức Kitô đã không để gián đoạn sứ mệnh cứu thế qua việc trao cho các tông đồ quyền nhân danh Ngài mà rao giảng, cai trị, thánh hoá muôn dân. Là người chiến thắng, Ngài đã làm nhiều phép lạ trước mặt những người được Ngài hiện ra. Chỉ có người chiến thắng mới thực hiện đến cùng kế hoạch và trao sứ mạng tiếp nối kế hoạch của mình cho người khác.

4.    Đức Kitô Phục Sinh là Thiên Chúa. Sự kiện tự mình sống lại từ cõi chết đã minh chứng điều này. Con người không thể tự mình sống lại. Ngay cả người chết hiện về cũng chỉ hiện về khi có phép của Thiên Chúa. Ông phú hộ trong Tin Mừng xin hiện về báo cho năm anh em ông đừng bắt chước ông sống keo kiệt, vô tâm với người nghèo, nhưng ông đã không được Thiên Chúa cho phép hiện về vì “đã có các ngôn sứ nhắc bảo họ” (Lc 16,27-31).
Là Thiên Chúa khi tự mình sống lại, Đức Kitô đã hành xử quyền của Thiên Chúa khi ban bình an cho các môn đệ (Ga 20,19). Ơn bình an là ơn thuộc về Thiên Chúa. Con người không có ơn bình an để ban cho nhau. Con người chỉ chia sẻ cho nhau ơn bình an nhận từ Chúa.
Là Thiên Chúa, Ngài ban Thánh Thần cho các môn đệ (Ga 20,22), ban quyền tha tội (Ga 20,23), ban sứ mệnh giảng dạy, thánh hoá và năng quyền làm phép lạ trừ quỷ, nói tiếng lạ, chữa bệnh tật (Mc 26,15-17). Chỉ Thiên Chúa mới ban được những quyền này, chỉ Thiên Chúa mới ban được Thánh Thần, chỉ Thiên Chúa mới bảo kê hữu hiệu lời chứng của các tông đồ bằng quyền làm phép lạ. Nếu không phải Thiên Chúa, làm sao Phêrô đuổi được quỷ, trừ được tà, làm cho người què bẩm sinh đứng dậy mà đi khi ông “nhân danh Đức Kitô chịu đóng đinh” (Cv 3,6). Nếu không phải Thiên Chúa, làm sao các tông đồ từ những người hèn nhát đã được biến đổi thành những chứng nhân can đảm, tận tụy, hy sinh đến sẵn sàng hiến mình chịu chết để làm chứng Đức Kitô chịu đóng đinh đã sống lại. Không là Thiên Chúa, Đức Kitô đã không thể xây Giáo Hội của Ngài trên tảng đá tông đồ Phêrô, hơn hai ngàn năm qua và cho đến tận thế, tảng đá đó vẫn kiên vững trước bao sóng gió dập dồn, bao tấn công thô bạo, bao thù nghịch điên cuồng, sát khí.
Sự sống lại của Đức Kitô là nền tảng niềm tin của người Kitô hữu. Thánh Phaolô đã viết: “Nếu Đức Kitô không sống lại thì lời giảng dạy của chúng tôi là hư vô và niềm tin của anh em là mơ” (1Cr 9,14). Nếu Đức Kitô không sống lại thì tội lỗi của chúng ta vẫn còn đó (1Cr 9,17) vì chúng ta không được ơn cứu sống, ơn trở nên công chính (Rm 4,25), ơn được sống lại với Đức Kitô (Rm 6,8-9). Niềm hy vọng sống lại của chúng ta được đặt nơi chiến thắng sự chết của Đức Kitô khi sự chết bị Ngài tiêu diệt: “Hỡi thần chết, chiến thắng của ngươi ở đâu? Sức mạnh của ngươi ở đâu?” (1Cr 15,55).
Xin cho Niềm tin và Hy vọng ở nơi Đức Kitô Phục Sinh thúc bách, nâng đỡ tình yêu ta dành cho Ngài để như Phêrô, ta sẽ thân thưa với Ngài trong giờ lâm tử: “Lạy Chúa, Chúa biết con yêu mến Chúa” khi được Ngài hỏi: “Con có yêu mến Thầy không?”

Nến Cháy

https://www.youtube.com/watch?v=g3wLbnBjs-k
Giây phút lung linh phấn khởi và cảm động ấm lòng nhất với tôi trong đêm vọng Phục Sinh là lúc lửa từ cây nến lớn Phục Sinh được chuyền đến các cây nến nhỏ trên tay mọi người. Lửa Phục Sinh bừng cháy, sáng rực nhà thờ, rạng rỡ từng khuôn mặt, ấm áp mọi tâm hồn. Lửa Phục Sinh nhảy nhót mừng vui trên đôi mi chớp nhanh vừa quen ánh sáng, trên đôi tay gầy xương xẩu của tuổi già, trên má hồng au đỏ rạng rỡ mùa tình yêu. Lửa Phục Sinh xua khỏi nhà thờ màn đêm ảm đạm như đuổi đêm tối lạnh lùng ra khỏi lòng ai băng giá. Lửa cho ánh sáng tràn đầy, lửa cho niềm vui chan chứa, lửa cho tình yêu rạo rực, lửa trả về sự sống nguyên vẹn sau những ngày buồn, tang chế.
Nến cháy và sáng lên từ người này đến người kia, từ hàng ghế trước đến hàng ghế sau cho đến khi tất cả đều cháy sáng, tất cả đều rực sáng, tất cả đều rạo rực một niềm vui được chiếu sáng. Đêm nay có nến sáng, không chỉ sáng trên bàn thờ, dưới chân Thánh Giá, bên tượng Đức Mẹ, không chỉ sáng những cây nến có phúc được đốt dưới chân các Thánh, trên cung thánh, nhưng nến sáng trên tay mọi người, nến sáng trong tim từng người, nến sáng ngay trong cuộc đời mỗi người.


Cử chỉ chuyển lửa Phục Sinh cho nhau, đốt nến cho nhau, trao ánh sáng cho nhau trong đêm Phục Sinh là một hình ảnh tuyệt đẹp. Tuyệt đẹp vì ý nghĩa hợp nhất, chia sẻ, cộng đoàn của ánh sáng Đức Kitô Phục Sinh. Tuyệt đẹp vì nói lên mối liên quan mật thiết giữa các chi thể của thân thể Đức Kitô sống lại. Tuyệt đẹp vì hình ảnh hiệp thông trong Đức Tin, Đức Ái và niềm Hy Vọng của mọi thành phần trong Giáo Hội. Đêm nay, tất cả đều có nến trong tay, những ngọn nến được đốt sáng từ lửa phục sinh, từ cây nến lớn là Đức Kitô, ánh sáng muôn dân. Chung một ánh sáng, chung một lửa yêu thương như chung một phép rửa, mọi tín hữu thấy mình cùng thuộc về Đức Kitô, thuộc về Giáo Hội và thuộc về nhau. Người ta sẽ không đốt nến một mình, giữ nến một mình nhưng chia sẻ ánh sáng, chung hưởng ánh sáng, truyền cho nhau ánh sáng để ánh sáng rực rỡ, huy hoàng, rạng ngời hơn. Người ta không đốt nến rồi dấu dưới gầm giường hay lấy thùng đậy lại, nhưng giơ cao, đặt trên bàn cho ánh sáng tỏa lan, cho ánh sáng chan hoà. Nến sáng không còn là sở hữu của một người, nhưng là gia tài chung của cả nhân loại mà càng chia sẻ, trao ban, gia tài ấy càng sinh sôi nẩy nở…
Đêm nay, nến sáng được ân cần trao tay nhau đã xóa tan bóng tối ngăn cách và làm cho nhau nhận ra dung mạo dễ thương “con Chúa, anh em của nhau”. Mục đích của bóng tối là ngăn cách, chia rẽ, phá hoại. Như bức tường giữa con người với con người, bóng tối đã không cho con người nhận diện đúng đắn về nhau, không cho sự thật của nhau được tôn trọng, không cho diện mạo, giá trị của nhau được trân quý, không cho niềm vui của nhau được trọn vẹn, không cho đời sống của nhau được an bình. Bóng tối như tên phá hoại lợi dụng ánh sáng vắng mặt để gieo ngờ vực, thù hận, ganh ghét và dựng những hàng rào chia cách, cô lập, tạo những vùng cấm, bất khả xâm phạm, làm nên những biên giới, lằn ranh không được vượt qua trong cộng đồng nhân loại. Bản chất bóng tối không nối kết, hiệp thông nhưng biến con người thành kẻ thù, đối phương của nhau bằng gây hiểu lầm, bất hoà, đố kỵ.


Ánh sáng được ân cần chuyền tay nhau đêm nay là hình ảnh mọi người cùng tự nguyện xua đuổi bóng tối, cùng góp sức đạp đổ bức tường, cùng chung lòng xóa biên giới, hàng rào để nhờ ánh sáng, mọi người nhìn thấy nhau, hiểu nhau, bỏ qua cho nhau những hiểu lầm, thứ tha cho nhau những lầm lỗi phần lớn vì tối quá đã không nhìn ra. Ánh sáng được âu yếm trao tay nhau đêm nay sẽ làm cho lòng nhau ấm lại sau những tháng năm dài lạnh lẽo, hiu quạnh vì đời bị cô lập bởi những bức tường bóng tối nghi kỵ. Ánh sáng được vui vẻ trao tay nhau đêm nay cũng làm rung động những trái tim tưởng đã khô cằn, vô cảm nhờ sức hồi sinh, truyền cảm của ánh sáng. Đêm nay thật đẹp trong ánh sáng chứa chan tình Chúa, tình người. Đêm hồng ân, đêm hạnh phúc khi con người được ánh sáng Đức Kitô Phục Sinh giao hoà : Thiên Chúa giao hoà với con người và con người tìm về nhận diện, gặp gỡ, thông cảm nhau.
Đức Kitô là ánh sáng giải phóng con người khỏi những nhà tù của thù hận, ích kỷ, bon chen; là ánh sáng làm sụp đổ những bức tường ô nhục của vong thân, phản bội; là ánh sáng tiêu diệt bóng đêm tội lỗi đã biến con người thành nô lệ; là ánh sáng kéo con người ra khỏi bóng tối lầm lạc, nghi nan, tuyệt vọng.
Ngài không là ánh sáng làm chói mắt, không là ánh sáng soi mói, lột trần, không là ánh sáng thiêu đốt, trừng phạt; nhưng là ánh sáng êm dịu cứu chữa, ánh sáng nhẹ nhàng cảm thông, ánh sáng hiền lành che chở, ánh sáng nhân từ thứ tha, ánh sáng khiêm hạ ở gần. Ánh sáng Đức Kitô Phục Sinh mang ngây thơ, vô tội của tình yêu chết cho người mình yêu. Ánh sáng Đức Kitô nhuộm sắc máu của “tình yêu đến cùng” trên Thánh Giá. Ánh sáng Đức Kitô lấp lánh lòng thương xót của tình Cha nhân hậu. Ánh sáng Đức Kitô lắng đọng hào quang của một tấm lòng chỉ biết chạnh lòng bao dung.
Ánh sáng ấy không tiêu diệt con người cùng với tội lỗi, nhưng tách tội lỗi khỏi con người, nên bất cứ ở đâu và mãi mãi, tội nhân vẫn được lòng xót thương mời gọi. Ánh sáng ấy biết hậu quả tai hại của tội, nhưng cũng biết giá trị con người cao quý đến độ không gì có thể thay thế. Ánh sáng ấy nhìn ra từng hoàn cảnh của con người yếu đuối để giảm khinh, thương xót; nhìn từng kẽ hở của thân phận tội lụy để cảm thương, bênh vực; nhìn thấu từng đường tơ cọng chỉ của tâm tình sâu kín để chia sẻ, ủi an. Ánh sáng ấy cũng nhìn cặn kẽ từng góc cạnh của đường đời người lữ khách không luôn trung thành, bền bỉ để không lớn tiếng nặng lời trách móc, nhưng đằm thắm nhắc nhở, chỉ bảo, khuyên răn.
Ánh sáng Đức Kitô đem lại ơn cứu độ, ơn giải phóng, ơn làm người, ơn làm con Thiên Chúa. Ánh sáng trả lại tự do trong tình yêu, tự do trong tư tưởng, tự do trong đời sống của con người đã một lần trót đánh mất khi rơi vào tình trạng nô lệ. Tội là bóng tối biến con người thành nô lệ, làm con người mù loà, vấp ngã. Tội là bóng đêm làm con người chao đảo, ngã quỵ. Chỉ có ánh sáng mới xua đuổi được toàn bộ bóng tối và sẽ không còn tối khi ánh sáng ùa vào, không còn góc tối khi ánh sáng tràn lan, không còn khoảng tối khi ánh sáng ngự trị, không còn mảng tối khi ánh sáng ghé thăm, không còn đêm tối khi bình minh Phục Sinh ló rạng. Đức Kitô phục sinh là ánh sáng chiến thắng bóng tối, ánh sáng của sự sống chiến thắng bóng đêm tử thần, ánh sáng tình yêu tiêu diệt đêm đen thù hận, ánh sáng hy vọng xóa bỏ màn đêm tuyệt vọng, ánh sáng an bình phá tan đêm tối ngờ vực, lo âu.


Nhưng để là ánh sáng cứu độ, Đức Kitô đã phải đi qua đêm tối của chết chóc; để là ánh sáng giải phóng, Ngài đã phải sống những giây phút tối tăm khi Chúa Cha vắng mặt, không lên tiếng; để là ánh sáng bao dung, Ngài đã nằm yên trong mộ phần u tối. Ánh sáng tình yêu nơi Ngài không khơi khơi, lơ lửng, nhưng sáng lên từ đinh sắt, lưỡi đòng, mão gai, thập tự. Ánh sáng sự sống của Ngài không tùy tiện, bừa bãi, nhưng sáng lên từ “máu và nước” chảy ra từ cạnh sườn bị đâm thủng. Ánh sáng bình an của Ngài không mơ hồ, vô định, nhưng sáng lên từ bàn tay, bàn chân gẫy nát, bấy máu, tím bầm. Thánh giá khổ đau làm nên nến sáng phục sinh. Nước mắt, máu đào là sáp cho nến cháy. Nến cháy nhờ sáp tiêu hao, nên sáp có chấp nhận bị tiêu hao, nến mới lung linh hạnh phúc; sáp có vui nhận đời tận hiến, quên mình, nến mới rực rỡ mắt sáng niềm vui; sáp có nhẫn nhục chịu mất mát, kiên trì ở lại, nến mới nồng nàn ấm áp niềm hy vọng. Tình của sáp làm ánh sáng của nến bao dung. Lòng của sáp làm ánh sáng của nến hiền lành. Tim của sáp làm ánh sáng của nến không biết mệt mỏi yêu thương. Trong sáp có hy sinh, nên lửa của nến mới thắm thiết, mặn nồng. Ở sáp có đau khổ, nên lửa của nến mới không ngừng thông cảm, thi ân. Nến sáng nhờ sáp chịu tiêu hao như tình yêu sống nhờ hy sinh, quên mình. Nến sẽ không cháy nếu sáp từ chối hiến mình. Nến sẽ không sáng, nếu sáp không chịu liên lỷ biến tan. Nến sẽ không nóng, nếu sáp không tự nguyện xóa mình như của lễ bị thiêu hủy.
Khi trao nhau ngọn nến đêm vọng Phục Sinh, chúng ta không chỉ trao nhau cây nến như bao nhiêu cây nến bình thường, vô tri, nhưng trao nhau ngọn nến sáng Phục Sinh được lấy từ lửa tình yêu trong trái tim Đức Kitô đã chết và vừa sống lại. Lửa của tình yêu chịu chết cho người mình yêu, lửa từ tình yêu hiến trọn cuộc đời cho người mình yêu, lửa nơi “tình yêu đến cùng, vô cùng” dành cho người mình yêu. Lửa ấy đã lan đến tay, vào trong hồn mỗi người khi nến Phục Sinh được thắp sáng.
Nhận nến sáng phục sinh trong đêm hồng phúc là nhận sứ mệnh của Đức Kitô phục sinh: “Chúng con là ánh sáng thế gian” (Mt 5,14) và để ánh sáng ấy soi đường, giải phóng, cứu sống, yêu thương thế gian, “chúng con hãy đi khắp nơi, đến tận cùng thế giới làm chứng về Thầy cho muôn dân” và Thầy sẽ ở với chúng con, như ánh sánh Tình Yêu, An Bình, cho đến tận thế (Mt 28,19-20).
Ước gì khi nhã nhặn trao nhau ánh sáng Phục Sinh, chúng ta cũng ân cần trao nhau tình yêu có hy sinh, chịu đựng, có nhẫn nại, thứ tha như sáp cho nến hồng rực sáng trong đêm ngóng đợi Thiên Chúa Tình yêu sống lại.